Hồi năm 2012, thì thế này. Nghe xanh rờn: "Qúy 2-2015, người Hà Nội được đi đường sắt trên cao.//. Nếu mọi điều kiện về vốn và giải phóng mặt bằng, quy hoạch… được đảm bảo thì trong quý 2-2015, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác, với lưu lượng vận chuyển dự kiến là 1.020.000/người/ngày".
Rồi là lỡ hẹn liên tục 2015, 2016, 2017, 2018, 2019. Viết ra số năm thôi đã thấy mỏi cả bàn phím.
Toàn hứa và thất hứa, suốt từ 2012 đến giờ.
Đến tháng 6 năm 2020, thì tình hình chưa được cải thiện.
Cập nhật các thông tin mới.
Tháng 6 năm 2020,
Giao Blog
---
CẬP NHẬT
3.
Thứ tư, ngày 03/06/2020 13:43 PM (GMT+7)
Rốt cuộc thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ không xem xét đề xuất của tổng thầu Trung Quốc chi thêm 50 triệu USD để phục vụ công tác nghiệm thu vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông. Nhưng điều đó cũng không làm cho người dân khỏi thất vọng khi nhắc đến cụm từ "đường sắt Cát Linh - Hà Đông".
Chậm 5 năm, đội vốn 318 triệu USD
Dự án được khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Sau đó trễ hẹn hết mốc này đến mốc khác, giờ đã là 8 lần lùi thời gian hoàn thành.
Trong báo cáo gửi tới kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết có 101 lý do khiến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ. Không như 8 lần trước đây, lần này, Tư lệnh ngành Giao thông chỉ báo cáo "đang chỉ đạo" xây dựng kế hoạch bàn giao và đưa dự án vào khai thác "trong thời gian sớm nhất" khi đủ điều kiện. Lại một lần nữa dân tình thất vọng và ngao ngán.
Thành thực mà nói, thời điểm "sớm nhất" là lúc nào thì chính Bộ GTVT với tư cách là chủ đầu tư cũng chịu, may ra chỉ Tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng) là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh mới biết được.
Nên nhớ ngay cả đường hầm dưới eo biển Manche nối liền Anh với Pháp dài 50,45km, được xem là một trong những thành tựu kỹ thuật vĩ đại nhất thế kỷ 20, độ phức tạp thi công dưới lòng đại dương được cho là khó hơn nhiều, thì cũng chỉ mất 6 năm thi công.
Giá thành cũng đang là con số khiến nhiều người giật mình. Ðường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông dài 13,5km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 868,04 triệu USD. Tính ra, giá thành 1 km đường sắt đô thị lên đến 64,3 triệu USD.
Điều khá oái oăm, do chậm tiến độ 5 năm nên dù chưa vận hành, dự án đã bắt đầu phải trả nợ vay từ các hiệp định (đã trả 398 tỉ đồng nợ gốc trong năm 2019). Chưa hết, trong số chừng 1.000 người được đào tạo để vận hành đoàn tàu, với hàng trăm người được đưa sang Trung Quốc đào tạo, chờ mãi "thời điểm sớm nhất" chả biết lúc nào, nên cuối cùng, để mưu sinh đã có khoảng 300 người bỏ việc, khiến TP.Hà Nội đang phải tiếp tục tuyển dụng.
Câu chuyện của đường sắt trên cao nằm trong chuỗi bất cập mà các hợp đồng EPC từ Trung Quốc ở một số lĩnh vực như xây dựng nhà máy nhiệt điện, đường cao tốc đang gặp phải. Đó là việc chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu; đã có những dự án phải tạm dừng hoạt động vì đơn vị trúng thầu cứ giữ bí quyết công nghệ, không chịu chuyển giao...
Oái oăm ở chỗ, dù Bộ Giao thông Vận tải báo cáo dự án đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, giải ngân hơn 14,7 nghìn tỷ đồng trong tổng số trên 15 nghìn tỷ đồng, nhưng không thể kết thúc, vì 1% còn lại liên quan đến nghiệm thu và cấp chứng nhận an toàn.
"Dự án không bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng, không đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và không đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định", Công ty Tư vấn ACT của Pháp chỉ rõ.
Chắc chắn ACT của Pháp được mời với tư cách là một đơn vị tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông một cách khách quan nhất. Những cảnh báo của một đơn vị tư vấn công trình giao thông hàng đầu châu Âu là điều mà không chủ đầu tư nào có thể bỏ qua.
Dự án đang lâm vào cảnh "cái khó, bó cái khôn" Tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện. Từ đó dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới. Đồng thời do chưa làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm của bên làm chậm nên chưa bố trí được nguồn vốn cho gói thầu tư vấn giám sát.
Ai chịu trách nhiệm?
Đến giờ khi dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu thì Tổng thầu EPC hay Chủ đầu tư (Bộ GTVT), đại diện Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Đường sắt) sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Liệu sau những lời xin lỗi và "nghiêm khắc rút kinh nghiệm" thì cá nhân nào sẽ phải trả lời về con số thiệt hại đã nêu trên. Liệu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sau khi xin lỗi và rút kinh nghiệm về BOT có phải tiếp tục xin lỗi và rút kinh nghiệm sâu sắc hơn về các dự án đường sắt nội đô do Bộ GTVT làm chủ đầu tư?
Đây là lúc người ta nhớ lại cảnh báo của TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) về việc Trung Quốc cho Việt Nam vay vốn lãi suất 3%/năm và cho Thái Lan vay với lãi suất 2,5%. Dù lãi suất thấp, Thái Lan vẫn kiên quyết lắc đầu.
Còn nói về tiến độ, Viện Nghiên cứu Kinh tế chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội khảo sát 40 nhà máy nhiệt điện đã và đang xây dựng tại Việt Nam. Dù chỉ có 6 dự án nhiệt điện thực hiện theo diện tổng thầu nhưng giá trị hợp đồng EPC của Trung Quốc chiếm tới 69% tổng nguồn vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện.
Nắm lượng vốn lớn như thế nhưng thực tế các tổng thầu EPC của Trung Quốc bộc lộ hàng loạt bất ổn trong quá trình thực hiện. Theo đó, gần 65% số dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ. Trong khi đó, nhà thầu Hàn Quốc không có dự án nào chậm tiến độ, các công ty của Nhật Bản cũng chỉ 40% bị chậm. Nói thế đến biết đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chậm tiến độ 5 năm cũng không phải là vấn đề gì đó quá bất ngờ. Có mấy dự án tổng thầu EPC của Trung Quốc đúng tiến độ đâu cơ chứ!
Học phí quản lý dự án EPC đang phải trả bằng ngoại tệ, dù nó được thanh toán bằng đồng tiền quốc gia nào, nói cho cùng vẫn là đồng tiền mồ hôi của người dân. Bộ GTVT không thể chỉ biết ngày khởi công mà không biết bao giờ dự án hoàn thành, lại càng không thể để hàng trăm triệu USD đội vốn như thế mà không thể quy trách nhiệm cho cá nhân, tập thể nào. Trước mắt, người dân cần biết "thời gian sớm nhất" như Bộ trưởng Thể nói là ngày tháng năm nào công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại.
Từ trước đến này, giao thông vận tải là ngành kinh tế đặc biệt, được coi là là mạch máu của nền kinh tế. Việc những dự án giao thông lớn chậm tiến độ sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhưng thiệt hại lớn nhất chính là về mặt tinh thần, đó là làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.
2.
04/06/2020 11:29 GMT+7
Ngoài nợ các nhà thầu phụ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Tổng thầu Trung Quốc còn nợ các nhà cung cấp thiết bị rất lớn. Nếu không có 50 triệu USD rất khó để điều động nhân sự sang VN.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đường Hồng, Giám đốc Tổng thầu Trung Quốc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho biết, hiện có 9 người của tổng thầu đã có mặt tại VN. Dự kiến đến 12/6 tới sẽ có thêm 26 chuyên gia sang để tập trung hoàn thành công việc nghiệm thu bàn giao dự án.
Ông Đường Hồng |
Tuy nhiên, số nhân sự còn lại sang VN vào đợt kế tiếp phải xem tình hình thanh toán giữa chủ đầu tư – Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) với tổng thầu.
“Chúng tôi điều động toàn bộ nhân sự sang VN rất khó khăn vì liên quan đến nhận sự các nhà cung cấp thiết bị.
Mặc dù 100% thiết bị đã về hiện trường được lắp đặt và căn chỉnh 2 năm nay, nhưng một số chi phí chưa được chi trả. Nguyên nhân là chưa nghiệm thu được nên không thể quyết toán.
Nếu không có 50 triệu USD để chúng tôi thanh toán cho các nhà cung cấp thiết bị thì họ không cử người sang.
Toàn bộ dự án có 11 nhà cung cấp thiết bị chuyên ngành, chỉ 1 trong số 11 nhà cung cấp không cử người sang thì không thể hoàn thành được công việc nghiệm thu”, ông Đường Hồng cho biết.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa biết ngày vào vận hành chính thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các chuyên gia Trung Quốc chưa thể sang VN theo kế hoạch |
Giám đốc Tổng thầu Trung Quốc cho biết thêm, khoản 50 triệu USD đề nghị thanh toán là khoản yêu cầu thấp nhất, cơ bản nhất để đáp ứng được nhân sự sang tiếp tục công việc.
Hiện chủ đầu tư đã thanh toán cho Tổng thầu 78,97% gíá trị hợp đồng. Nếu được thanh toán thêm 50 triệu USD giá trị hợp đồng sẽ tăng lên 86,7%. Số còn lại khoảng 85,7 triệu USD nữa là đạt 100% giá trị hợp đồng.
Cũng theo đại diện Tổng thầu, việc xây dựng lắp đặt xong công trình dự án đã đạt 100%, nhưng sau khi công trình hoàn thành thì việc hoàn thiện hồ sơ có rất nhiều thủ tục.
Việc thanh toán theo từng giai đoạn nhất định. Ví dụ lắp đặt xong thiết bị thanh toán bao nhiêu, nghiệm thu động, nghiệm thu tĩnh thanh thoán bao nhiêu theo hợp đồng cụ thể.
Liên quan đến việc Bộ GTVT cho biết chỉ thanh toán cho Tổng thầu khi khối lượng công việc hoàn thành, ông Đường Hồng cho rằng, không chỉ công tác thanh toán, các việc khác cũng phải qua trao đổi, thương thảo để đi đến thống nhất.
"Đầu tiên khoảng cách rất xa, hợp đồng quy định các điều khoản nhưng để thực hiện được các bên phải thương thảo cụ thể với nhau. Việc Tổng thầu đề nghị được thanh toán 50 triệu USD cũng vậy", ông Đường Hồng nói.
Tiền sẵn, thanh toán sớm hay muộn phụ thuộc tổng thầu
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, chủ đầu tư rất chia sẻ khó khăn của Tổng thầu, nhưng việc giải ngân phải theo quy định hợp đồng, khối lượng làm xong tổng thầu trình hồ sơ lên đủ điều kiện sẽ thanh toán ngay.
Theo ông Phương, trong hợp đồng quy định rõ, việc lắp đặt còn có những chi tiết chưa đủ điều kiện, tư vấn chưa đánh giá nghiệm thu được thì chưa thể nghiệm thu thanh toán.
“Những hồ sơ hoàn thiện đủ điều kiện chủ đầu tư đã giải ngân cho Tổng thầu. Còn những hạng mục chưa hoàn thiện thì Tổng thầu phải hoàn thiện sớm để trình chủ đầu tư nghiệm thu để thanh toán.
Chúng tôi đang tiếp tục yêu cầu Tổng thầu và tư vấn trình hồ sơ để giải ngân. Tiền có sẵn và chủ đầu tư mong Tổng thầu hoàn thiện thủ tục, đủ điều kiện để giải ngân”, ông Phương khẳng định.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết thêm, theo quy định dự án hoàn thành đúng yêu cầu thiết kế, đủ điều điều kiện có thể được thanh toán 95% tổng mức đầu tư. 5% còn lại Tổng thầu phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành hết 24 tháng. Sau khoảng thời gian này nếu không còn vấn đề gì phát sinh sẽ thanh toàn hết.
Ông cũng nói rõ, việc thanh toán và thực hiện tiến hành vận hành thử là 2 vấn đề khác nhau, Tổng thầu phải hoàn thiện nhanh nhất. Chủ đầu tư sẽ giải ngân khi đủ điều kiện.
Đường sắt Cát Linh- Hà Đông: Không thanh toán 50 triệu USD cho tổng thầu Trung Quốc
Tổng thầu Trung Quốc có khó khăn tài chính thì cũng phải chạy thử tàu, phía Việt Nam không có trách ...
Vũ Điệp
1.
'Quá mức kiên trì'
03/06/2020 09:29 GMT+7
TTO - "Chúng tôi đã chờ đợi và bây giờ đã chờ đợi quá mức kiên trì rồi" - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói với ông Đường Hồng, giám đốc dự án, tại cuộc thị sát ngày 1-10-2019.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: đòi ứng thêm 50 triệu USD và chưa biết khi nào xong! Dòng thông tin này xuất hiện trên trang chủ hầu hết các báo điện tử ngày 1-6, thời điểm nhiều người dân thủ đô Hà Nội chuẩn bị bữa cơm chiều.
Dư luận đã nhiều lần thể hiện sự bức xúc về dự án này, đặc biệt là mỗi khi cơ quan hữu trách cung cấp thông tin về tiến độ và hiện trạng của nó.
Bức xúc đến mệt mỏi, như đang chờ đợi điều gì đó trong vô vọng, bởi không biết bao lần người dân Hà Nội được hứa về thời điểm "về đích" của tuyến đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên của thủ đô kể từ thời đổi mới.
Khởi công ngày 10-10-2011, trước đó đã được đàm phán và ký kết với đối tác Trung Quốc từ khá lâu, dự án này đã trải qua 4 đời bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, năm 2019 bộ trưởng đương nhiệm còn khẳng định "đã hoàn thành trên 99%", nhưng đến thời điểm này nó vẫn đang thách thức thời gian và sự kiên trì của công chúng.
Chỉ có hơn 13km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD (phần lớn vay ODA của Trung Quốc), rồi điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD. 10 năm xây dựng, kể từ thời điểm ký kết thì đã 12 năm, tiền vay phải trả lãi, đội vốn lại phải vay thêm...
Chậm tiến độ, đội vốn, làm tổn hại niềm tin của công chúng, dự án Cát Linh - Hà Đông quả thật đã khiến người ta không khỏi ngao ngán và thất vọng.
Còn nhớ, tháng 6-2019, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng một trong những nguyên nhân gây chậm trễ là do tổng thầu chưa phải là đơn vị chuyên nghiệp, không có đầy đủ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể.
"Chúng tôi đã chờ đợi và bây giờ đã chờ đợi quá mức kiên trì rồi" - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói với ông Đường Hồng, giám đốc dự án, tại cuộc thị sát ngày 1-10-2019.
Ông Đường Hồng phân bua rằng Cát Linh - Hà Đông là dự án đầu tiên thực hiện ở Việt Nam nên các thủ tục trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc do nhiều cái mới mẻ, các bên chưa có kinh nghiệm.
Tại thời điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ: "Các bên phối hợp để cố gắng trong 1 - 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần".
Nhưng bây giờ thì chưa biết đến bao giờ người dân thủ đô có thể ngồi trên các chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông.
Có lẽ, cần một cuộc hội thảo lớn để phân tích mọi khía cạnh của dự án này, từ việc đàm phán, chọn đối tác để ký kết vay vốn ODA, chọn nhà thầu, chọn công nghệ, triển khai thực hiện, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan và đặc biệt là những bài học rút ra từ dự án. Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn còn phải xây dựng nhiều tuyến đường sắt đô thị nữa.
Việt Nam vẫn phải vay tiền nước ngoài để xây dựng kết cấu hạ tầng. Và vì vậy, việc rút ra bài học đau xót từ dự án này sẽ rất bổ ích cho các dự án khác.
Lê Kiên
..
01/06/2020 18:16 GMT+7
TTO - Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, Chính phủ cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn gặp một số khó khăn, tổng thầu chưa xác nhận được mốc hoàn thành.
Cụ thể, Chính phủ cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác.
Dự án còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán....
Hiện nay dự án đã hoàn thành cơ bản các hạng mục xây lắp nhà ga và depot (khu hạ tầng kỹ thuật bảo dưỡng sửa chữa đoàn tàu), đã thực hiện công tác nghiệm thu 2 trong 5 hạng mục công trình xây dựng cơ bản có thể nghiệm thu có điều kiện là đường ray và cầu cạn; 3 hạng mục còn lại vẫn còn tồn tại cả về hiện trường và hồ sơ, chưa đủ điều kiện nghiệm thu vẫn đang được tổng thầu chỉnh sửa và khắc phục các tồn tại về phần kiến trúc.
Về phần thiết bị, tổng thầu và các tư vấn vẫn đang tiếp tục trao đổi làm việc để thống nhất các nội dung còn vướng mắc về thông số thiết bị của một số hạng mục chuyên ngành thiết bị. Tổng thầu đang hoàn thiện lại hồ sơ và bổ sung các nội dung còn thiếu để đủ điều kiện nghiệm thu.
Ban quản lý dự án đường sắt đang phối hợp với tổng thầu để nghiệm thu có điều kiện đối với các hạng mục công trình thành phần không ảnh hưởng đến công tác an toàn. Đến nay dự án đã giải ngân hơn 14.737 tỉ đồng (đạt 81,9%)
Đối với đề nghị của tổng thầu về nhu cầu cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao, Ban quản lý dự án đường sắt đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Báo cáo nêu rõ quan điểm, việc thanh toán phải tuân thủ theo quy định hợp đồng EPC. Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát trong vòng 15 ngày về các điều khoản hợp đồng và tổ chức buổi họp chuyên đề tiếp theo để trao đổi, thống nhất các công việc thực hiện.
Theo Chính phủ, hiện nay do tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới.
Do chưa làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm của bên làm chậm nên chưa bố trí được nguồn vốn cho gói thầu này.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên hiện nay mới có 4 chuyên gia cấp cao của tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có mặt tại Việt Nam.
Ban quản lý dự án đường sắt đang đề nghị đưa 150 nhân sự của tổng thầu từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường bộ do các đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc tạm ngừng khai thác.
Những nhân sự này sang Việt Nam sẽ thực hiện cách ly 14 ngày trước khi thực hiện công việc. Bên cạnh đó, nhân sự tư vấn ACT do ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng chưa xác định thời điểm từ Pháp sang Việt Nam để đánh giá an toàn hệ thống.
Với dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM), Chính phủ cho biết tổng khối lượng thực hiện đã đạt 72,3%.
Hiện tại, UBND TP.HCM đã gửi Bộ Tài chính thẩm định điều kiện vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ cho dự án. Tuy nhiên, hiện tại do cách hiểu khác nhau về loại tiền tệ áp dụng vay giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư với Bộ Tài chính nên vẫn chưa xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách.
Do đó, chủ trương vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ chưa được Thủ tướng thông qua.
Tuấn Phùng
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.