Dân gian nói "bia miệng" hay "bia miệng ngàn năm" (đảo lại thành "ngàn năm bia miệng"). Bây giờ, Giao Blog đặt thêm từ mới là "bia mạng", mà mạng ở đây là mạng internet, mạng lưới liên thông toàn cầu.
1. Từ bia mạng ngàn năm cùng với cụm "bia miệng và bia mạng ngàn năm" được sử dụng bắt đầu từ hôm nay, 4/6/2020.
2. Ba người ấy chỉ là một người, có nghĩa là:
- Người hát trong Hội nghị Trung ương,
- Người đọc thơ trước Quốc hội,
- Người đọc điếu văn trong tang lễ tướng quân năm nào
đều là một người.
Còn một người ấy là cựu cán bộ đoàn Vũ Mão. Ông vừa từ trần (1939-2020).
Chuyện ấy ngẫm sâu sao hài hước
Việc làm không sạch muốn che đi
Đang thời đổi mới sao làm thế?
Bia miệng để đời mãi tạc ghi
(thơ Vũ Mão, bài "Phủi tay", được xem là viết năm 2018)
3. Tôi vốn là cán bộ đoàn cơ sở (thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia), đã từng có kỉ niệm nhận thơ in thành tập mỏng của ông Vũ Mão thời ông ở "khu đường Đội Cấn đi vào" (địa chỉ áng chừng như vậy theo hẹn ngày trước).
Cũng kì lạ, là có lần chở một nhà ngoại cảm đặc biệt (nữ, tầm hơn 60 tuổi) bằng xe máy đến cửa nhà ông Vũ Mão thời đó, là do bà ấy cứ một mực đòi tôi phải đưa đến đó ! Bà đó một mực khẳng định với tôi là nhìn thấy lũ quỉ phương Bắc đang uy hiếp cửa Bắc của Hoàng thành Thăng Long ! Bà nhất định phải đi gặp bằng được ông cụ nhà tôi, gặp rồi, thì bà lại bảo phải đi gặp bằng được ông Vũ Mão ! Chuyện của trước năm 2000 cả. Sau đó, thì không gặp nhà ngoại cảm đó thêm một lần nào nữa, nên không biết diễn tiến ra sao.
Gần đây, thì thoảng khi đưa người nhà vào viện, tôi thấy loáng thoáng các bác Bùi Hiền (người đưa đề án cải tiến chữ quốc ngữ), Hoàng Chí Bảo, Vũ Mão,... Tựa như có ai đó giông giống cả bác Lại Nguyên Ân (chưa xác nhận).
4. Bây giờ là đi các sưu tập về "3 in 1" nói trên. Mở đầu là một bài từ báo chính thống (về 2 người đầu), sau đó là một ít chia sẻ của ông Lưu Trọng Văn từ Fb cá nhân.
Bổ sung gì thì dán cập nhật ở dưới như mọi khi.
Tháng 6 năm 2020,
Giao Blog
----
Ba người ấy chỉ là một người
1. Báo chính thống
---
1.
03/06/2020 05:02 GMT+7
Sau khi nghe ông hát trước Hội nghị Trung ương, giờ giải lao, nhà thơ Tố Hữu nói “anh là người liều nhất Trung ương vì tôi cũng chưa bao giờ dám đọc thơ ở đó”...
XEM VIDEO: Xúc động nghe nguyên Chủ nhiệm VP Chính phủ Vũ Mão hát về tình hữu nghị
Là chính trị gia nhưng ngoài đời, ông Vũ Mão là người cởi mở, vui tính. Ông là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông Vũ Mão còn làm thơ. Nghe nói, ông là một trong những người “kích thích” ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội khi đó làm thơ nhiều hơn. Nói về thơ nhạc của mình, ông Vũ Mão thừa nhận “chưa được sâu sắc” nhưng đem lại cho ông và bạn bè, đồng nghiệp không ít niềm vui.
Tham gia Trung ương Đảng từ khoá 5, khi đó ông Vũ Mão là Bí thư thứ nhất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đó là thời kỳ rất khó khăn của đất nước, kinh tế khó khăn, năng lượng thiếu thốn.
Lúc đó có chủ trương xây dựng các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện. Khi xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Đoàn thanh niên có sáng kiến là nhận đỡ đầu công trình này vì công trình đó cần đến hàng vạn con người, chủ yếu là thanh niên.
Ông Vũ Mão từng kể, để thanh niên thực hiện tốt nhiệm vụ trên công trình, ngoài nhiệm vụ chính trị, cần phải có phương thức hoạt động mới cho thanh niên đồng thời phải tạo được đời sống văn hoá văn nghệ cho thanh niên vì họ rất cần.
Với ý nghĩ như thế, ông đã viết bài hát “Bài ca công trường thanh niên cộng sản Sông Đà”. Theo ông thì nó như một tiếng kèn thôi thúc thanh niên lên sông Đà.
Vào cuối năm 1982, khi họp hội nghị Trung ương, ông Vũ Mão phát biểu ý kiến về giải pháp gì để góp phần vào việc khôi phục, xây dựng đất nước. Ông cho rằng, trong thời kỳ mới, thanh niên phải đi đầu như lớp cha anh đã đi trước. Muốn vậy cần có phương thức hoạt động mới cho thanh niên, trong đó có vấn đề phải có được phong trào văn hoá, văn nghệ đủ sức cuốn hút...
Và tại cuộc họp, ông đã hát tặng các cán bộ Trung ương bài hát của mình.
"Hôm nay công trường rộn lên, niềm vui bao thương mến mang tên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Bước chân của chúng tôi, tuổi trẻ từ khắp nơi về đây đắp xây công trình thủy điện Tổ quốc ta..."
“Thấy tôi hát, mọi người vô cùng ngạc nhiên. Lúc giải lao, đồng chí Lê Duẩn, Tổng bí thư khi ấy nói với tôi rằng ‘thanh niên mạnh dạn quá!’, còn hai bác Trường Chinh, Phạm Văn Đồng cùng bảo ‘ừ, được đấy’. Anh Tố Hữu nói ‘anh liều quá đấy!".
Vì sao tôi dám hát trước Trung ương? Bởi vì tôi muốn thể hiện khí phách, tình cảm của thanh niên ngày hôm nay. Thứ đến, khi đó tôi thuộc loại trẻ nhất trong các uỷ viên TƯ, tôi nghĩ các đồng chí lớn tuổi như là bậc cha chú, mình là bậc con cháu nên cứ mạnh dạn, chắc là nếu có sơ suất gì thì các đồng chí ấy cũng tha thứ cho mình thôi.
Sau này gặp nhau ở mỗi kỳ Quốc hội, anh Tố Hữu cứ bảo tôi rằng “anh là người liều mạng nhất Trung ương vì tôi cũng chưa khi nào dám đọc thơ trước Trung ương cả”, lời ông Vũ Mão khi chia sẻ với báo chí.
Bài ca sông Đà từng được ông Vũ Mão hát trong hội nghị Trung ương. |
Không chỉ hát tại hội nghị Trung ương, ông Vũ Mão còn từng đọc thơ trước Quốc hội.
Đó là vào ngày 27/11/2004, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế. Tưởng rằng luật rất chuyên sâu nên ít ý kiến phát biểu, chỉ hết buổi sáng là xong, tuy nhiên phiên thảo luận đến chiều cũng chưa hết.
Đến lượt ông phát biểu đã là 16h30 chiều. Lúc giải lao trước đó, bà Võ Thị Thuỷ, đại biểu Quốc hội Bình Định nói vui với ông rằng “anh nên có mấy câu thơ”. Ông mới nghĩ vội mấy câu lục bát rồi đọc trước Quốc hội:
Tưởng rằng buổi sáng là xong
Hoá ra làm việc suốt trong một ngày
Thứ bảy mà cứ hăng say
Tôi tự kiềm chế dãi bày ngắn thôi.
Thấy ông chưa vào đề gì, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An liền nhắc “xin anh vào đề luôn”. Ông Vũ Mão nói: “Anh cứ yên tâm, tôi sẽ nói rất gọn”.
Giải thích việc mình hát tại hội nghị Trung ương và đọc thơ trước Quốc hội, ông Vũ Mão bảo cũng suy nghĩ có nên hay không làm việc đó. Theo ông, cái cốt yếu là phải đạt được kết quả trong công việc. Tuy nhiên, trong lúc họp đã vào cuối ngày, ngày đó lại vào cuối tuần, mọi người đều đã mệt mỏi. Vì thế, ông nghĩ nên tạo ra một không khí vừa cởi mở vừa riêng của ông, mỗi người một phong cách.
Ở Quốc hội, mỗi khi trình bày về các dự án luật hay nghị quyết bao giờ ông cũng tìm ra một phong cách sao cho vui nhưng phải vào lòng người.
Ông Vũ Mão cùng cựu Tổng thư ký Quốc hội Thụy Điển Anders Forsberg song ca bài Hoàng hôn Stockholm |
Có lần Chủ tịch QH Nguyễn Văn An phê bình ông Vũ Mão rằng thấy ông ngồi chăm chú nhưng hình như không tập trung nghe thảo luận.
Ông liền đáp rằng, tính ông khi đã nghe thảo luận là rất chăm chú, say sưa, quyết liệt và đã nghe là phải phát biểu. Mà ông đã phát biểu là dễ gai góc vì ý kiến thường không thuận chiều. Nhưng ngồi nghe mà không nói là khó chịu lắm nên cũng có lúc phải làm việc khác một tí, nhưng nguyên tắc là không để ảnh hưởng đến người khác, không nói chuyện riêng.
Vì vậy, ông ngồi viết ra những việc riêng của mình. Có lúc xem văn bản này, văn bản khác, nhưng cũng có khi đầu óc mệt mỏi, muốn thư giãn thì ông làm mấy câu thơ.
Nói là người chuyên “đỗ vớt” là không chuẩn
Trước thông tin dư luận nói rằng ông là người luôn “đỗ vớt” khi vào Trung ương, ông Vũ Mão khẳng định việc đó là không chuẩn. Theo ông, duy nhất ở khoá 9 thì ông đứng thứ 150. Tuy đứng thứ 150 nhưng vẫn là là ủy viên chính thức. Trung ương giới thiệu 158 bầu 150, ông đứng cuối cùng.
Theo ông, đây là điều dễ hiểu bởi vì đến khoá 9 thì ông thuộc diện đã già mà lại đã từng có 4 khoá Trung ương trước đó.
Ông cũng tự hào rằng mình có nhiều cái thuộc loại nhất. Đó là tham gia 5 khoá uỷ viên Trung ương liên tiếp, là uỷ viên chính thức trẻ tuổi nhất ở Trung ương khoá 5...
Làm thơ, viết nhạc, rồi hát ở Trung ương, đọc trước Quốc hội, nhiều người nói rằng ở những chỗ đó phải nghiêm túc lắm. Nhưng với ông thì luôn nghĩ rằng mình phải sống thật với mình.
Hay việc ông chơi tennis, nhiều người cũng cho rằng đất nước còn khó khăn mà lại chơi môn thể thao quý tộc này. Ông chỉ quan niệm là mình chơi cho có sức khoẻ để làm việc tốt hơn. Ông cũng chưa bao giờ đòi hỏi một sự giao phó, sự tín nhiệm với mình mà bản thân mình lại chưa đạt được yêu cầu của sự giao phó, tín nhiệm đó. Bản thân ông tự thấy trong bất kỳ công việc gì mình đều hết lòng.
Hương Quỳnh - Thành Nam
Video: VTC
Một nhân cách lớn, người đứng tuyến đầu cuộc đấu tranh đổi mới Quốc hội
Xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Sĩ Dũng về nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Mão.
30/05/2020 19:16 GMT+7
Xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Sĩ Dũng về nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Mão.
Trước Tết năm nay tôi đã đến thăm Anh ở bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô. Anh bị nhiễm loại virus gây ra nhiều bệnh nguy hiểm có tên là EBV (Epstain-Barr Virus). Anh rất mệt và bị sốt triền miên. Anh em ngồi nói chuyện với nhau một lúc thì tôi xin phép về để Anh còn nằm nghỉ. Tết Anh có được về nhà ăn Tết mấy ngày, rồi lại phải nhập viện trở lại.
Cùng lúc đó, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát khắp nơi, Anh bị cách ly hoàn toàn ở trong bệnh viện. Khi dịch bệnh được khống chế ở nước ta và mọi người được phép đến thăm Anh trở lại, thì Anh đã không còn khả năng nhận biết và chuyện trò với ai được nữa. Con virus quái ác đã đánh gục Anh. Người Anh kiên cường, dũng cảm của tôi lần này đã không giành phần thắng. Một sự thật phũ phàng và cay đắng biết bao!
Sáng nay vào hồi 1h39, Anh đã vĩnh viễn ra đi để lại biết bao thương tiếc cho những người thân, bạn bè và đồng nghiệp.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão từ trần ở tuổi 81 |
Anh Vũ Mão sinh ngày 19/12/1939 tại Hà Nội. Anh lớn lên trong thời kỳ chiến tranh cách mạng đầy hào hùng, nhưng cũng đầy khó khăn, gian khổ. Cuộc sống của Anh còn khó khăn hơn, khi bố mẹ ly hôn, Anh phải sống với bố và mẹ kế. Nhưng khó khăn đã không đánh ngục Anh, mà rèn luyện Anh thành một con người kiên cường, dũng cảm và nhân hậu.
Anh là một trong những nhà lãnh đạo được bầu làm Ủy viên TƯ Đảng nhiều khóa nhất (5 khóa liên tiếp từ khóa V đến khóa IX), là đại biểu Quốc hội (các khóa VII, IX, X, XI), là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội... Khó kể hết những trọng trách mà Anh đã đảm nhiệm trong suốt cuộc đời của mình.
Năm 1986, tôi được Ban cán sự Đoàn ở Liên Xô giới thiệu, và được Anh nhận về làm thư ký ở Trung ương Đoàn. Sau đó được theo Anh sang Quốc hội, khi Anh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Sang Quốc hội, tôi tiếp tục làm thư ký cho Anh từ năm 1988 đến năm 1993, sau đó làm cán bộ cấp vụ dưới quyền lãnh đạo của Anh cả chục năm nữa. Anh thật sự đã chăm lo, dìu dắt tôi nên người.
Một nhân cách lớn
Trước hết, Anh là một người có tư duy đổi mới, năng động, dám nghĩ, dám làm. Sau năm 1986, sự nghiệp đổi mới đã được khởi động. Tuy nhiên, đổi mới không phải là một đại lộ đã được thiết kế sẵn, mà là một định hướng phải đấu tranh để tiến tới từng ngày.
Anh Vũ Mão đã thật sự là người đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh để đổi mới Quốc hội, cũng là để đổi mới đất nước. Biểu quyết bằng hệ thống điện tử thay vì bằng cách giơ tay, phát biểu qua hệ thống micro tại chỗ thay vì phải lên bục, truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, thúc đẩy hoạt động điều trần ở các Ủy ban… đều là những bước tiến mà Anh thúc đẩy.
Những việc như trên giờ đã trở thành hiển nhiên ở Quốc hội, nhưng quả thực, chúng đã trở thành hiển nhiên nhờ có sự dấn thân của Anh. Anh cũng chính là người đã thúc đẩy chương trình hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cho Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhờ đó, tri thức mới về quản trị quốc gia, về nhà nước pháp quyền, về tổ chức và vận hành quyền lực lập pháp, về thủ tục của nghị viện… đã được đưa vào hệ thống và được vận dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Anh là một nhà lãnh đạo có tài tổ chức công việc. Dưới sự lãnh đạo của Anh, các công việc của Văn phòng Quốc hội đều được triển khai hết sức hanh thông, hiệu quả. Văn phòng Quốc hội có trăm công, ngàn việc. Các công việc đều cấp bách, đều hệ trọng và đều phức tạp.
Thế nhưng, dưới sự chỉ đạo của Anh, mọi việc đều được tiến hành hết sức suôn sẻ, hiệu quả; các bộ phận của Văn phòng Quốc hội vừa hợp tác chặt chẽ với nhau, vừa chủ động thúc đẩy phần công việc của mình. Anh làm được điều này vì Anh biết dùng người và biết đặt niềm tin vào những người được Anh giao nhiệm vụ.
Anh là một nhà lãnh đạo công tâm và nhân ái. Người đáng được khen ngợi, Anh sẽ khen ngợi; người đáng bị chê trách, Anh sẽ chê trách. Tuy nhiên, không vì khen ngợi hay chê trách mà Anh đối xử thiên vị, đối xử thiếu công bằng. Sau khen ngợi lại là sự nhắc nhở; sau chê trách lại là sự động viên.
XEM CLIP: Xúc động nghe nguyên Chủ nhiệm VP Chính phủ Vũ Mão hát về tình hữu nghị.
Dưới sự lãnh đạo của Anh, tất cả mọi người đều tập trung phấn đấu để làm việc tốt nhất. Và ngự trị trong cơ quan là niềm tin rằng thủ trưởng sẽ nhận biết và đánh giá đúng phần đóng góp của mọi người và của mỗi người, rằng có năng lực chắc chắn sẽ được trọng dụng. Nhờ sự công tâm của Anh, mà đối với tôi, cũng như nhiều anh em khác, mỗi ngày đi làm ở Quốc hội thật sự là một ngày vui.
Anh là một người rất trung thực. Gần chục năm trực tiếp làm thư ký cho Anh, tôi chưa từng thấy Anh ăn không nói có cho ai bao giờ. Hơn thế nữa, Anh còn không ngại góp ý cho nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước về những điều mà những người khôn ngoan khác sẽ không bao giờ nói ra như kiểu tóc không phù hợp, giọng nói cần phải điều chỉnh… Thậm chí, khi đánh giá một người Anh còn chia ra thành phần trăm: bao nhiêu phần trăm là tốt, bao nhiêu phần trăm còn phải tiếp tục phấn đấu.
Anh là một người yêu văn hóa, văn nghệ và lạc quan, yêu đời. Anh thích làm thơ, thích sáng tác bài hát. Các sáng tác của Anh luôn luôn lạc quan, luôn luôn hướng thiện. Các sự kiện có sự tham gia của Anh đều rất vui vì Anh biết ca hát và biết lôi cuốn mọi người cùng tham gia. Sự nhiệt huyết của Anh làm cho mọi sự kiện đều trở nên sôi động và lôi cuốn.
Anh luôn sống có trách nhiệm và sống tích cực. Không chỉ khi đang tại chức, mà khi đã về hưu, Anh vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, như làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia; Chủ tịch Câu lạc bộ các cựu nghị sĩ… Anh vẫn tích cực đóng góp nhiều ý kiến quí báu cho Đảng và Nhà nước về nhiều vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh của đất nước. Một người lạc quan, yêu đời, một người sống tích cực như Anh đáng ra phải rất trường thọ, nếu như không vì con virus quái ác kia.
Ngoài con cháu của Anh ra, trong cuộc đời này, có lẽ tôi là người chịu ơn Anh nhiều nhất. Tôi là người được Anh thật sự quí mến và dìu dắt trong đời.
Xin được viết ra những dòng này như một nén tâm nhang dâng lên người Anh, người thầy kính yêu của tôi!
Anh Vũ Mão ơi, Anh hãy yên giấc nơi miền cực lạc. Con cháu của Anh, đất nước của Anh và những gì mà Anh đã yêu quí, đã dấn thân phụng sự sẽ mãi mãi trường tồn!
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão từ trần
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão từ trần hồi 1h39 sáng nay.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
2.
Mậu tuất 2018 ông Vũ Mão nhận thấy sức khoẻ có vấn đề do bước qua tuổi 80 thay vì làm thơ vịnh xuân như mọi năm ông viết bài thơ "Phủi tay" để giãi bày nỗi lòng của mình về một trang đau buồn, áy náy nhất đời ông là tiếng xấu trong lễ tang Trần Độ.
Bài thơ cũng nói rõ sự thật về ông Nông Đức Mạnh, Đỗ Mười, Phan Diễn, Nguyễn Khoa Điềm là thủ phạm chính việc gây tiếng xấu đối nhân xử thế trong đám tang Trần Độ nhưng lại phủi tay để mình ông Vũ Mão lãnh đủ. Trong chính trường VN hiếm có một lãnh đạo cao cấp của đảng vạch mặt các vua quan thiên đình như thế này.
Phải nói rằng đây là hành động dũng cảm của ông Vũ Mão và trước khi lìa đời ông muốn để lại bài học cay đắng cho bao vị quan công quyền khác: Hãy dũng cảm ngăn chặn điều xấu xa, thất đức, vi phạm pháp luật của bất cứ ai, đừng ngu xuẩn như ông để kẻ ăn ốc kẻ bỏ vỏ mang tiếng xấu xuống mồ.
Vụ Đồng Tâm cũng vậy. Kẻ nào bắn chết cụ Lê Đình Kình sẽ đền tội và bị muôn đời lên án. Nhưng thực ra kẻ ăn ốc, kẻ chủ mưu ra lệnh thì vẫn yên vị và phủi tay...
PHỦI TAY
Nhức nhối trở trăn tháng năm dài
Đã từng có chuyện một không hai
Lễ tang ngày ấy gây căng thẳng
Thiên hạ tiếu đàm quá mỉa mai
Chỉ đạo "tận tình" ông M... ấy
ĐM ... ông "cố" quá chi li
Vô cùng thương tiếc không cho để
Quyết đoán vội vàng hóa sầu bi
Kỳ cục Điếu văn chưa từng có
Trước sau ngụy biện: phải công bằng?!
Hành văn bắt buộc nêu ưu khuyết
Cạn tình vơi nghĩa gây thế căng
"Sáng kiến" việc này ông D... đấy
Ông Đ... trực tiếp soạn Điếu văn
Gia đình xin sửa, không cho sửa
Lệ khúc để đời nỗi trở trăn
Còn đó, tâm tôi buồn đau thắt
Trưởng ban tang lễ buộc phải làm
Xua tay tôi cự - không chấp nhận
Họ nói: Anh đừng ngựa bất kham!
Thượng cấp tái bàn thêm lần chót
Mọi người phát biểu vẻ nghiêm trang
Dặn dò khi đọc diễn trầm bổng:
Cao giọng "công lao"; "khuyết" - nhẹ nhàng
Chuyện ấy ngẫm sâu sao hài hước
Việc làm không sạch muốn che đi
Đang thời đổi mới sao làm thế?
Bia miệng để đời mãi tạc ghi
Tôn kính tướng quân giàu bản lĩnh
Lòng tôi đau quặn những hao gầy
"Công lao" - giọng đọc dâng hào khí
"Khuyết điểm"... đau lòng đàn đứt dây
Giây phút lắng trầm bỗng căng thẳng
Gia đình tỏ rõ không đồng tình
Điếu văn như thế không chấp nhận
Chuyện trái lẽ đời ắt phát sinh
Hệ lụy lễ tang gây bức xúc
Ai người chỉ đạo phủi liên quan
Tâm xà che đậy, dương khẩu phật
Ném đá giấu tay - xin miễn bàn...
Quyền chức lạm sang điều thất đức
Điếu văn chê trách thật lầm sai!
Muôn đời nghĩa tử là nghĩa tận
Nhân quả khôn lường chuốc mỉa mai
An giấc ngàn thu hồn thanh thoát
Vĩnh hằng ghi khắc bậc tướng quân
Dương gian hậu thế rèn nhân đức
Non nước nghĩa tình thắm vạn xuân
Mậu Tuất 2018
Vũ Mão
Chú thích: ông D là Phan Diễn, ông Đ là Nguyễn Khoa Điềm, (thực ra người chấp bút cho ông Điềm viết điếu văn là Tr. Đ Khôi ).M... là Nông Đức Mạnh, ĐM... là Đỗ Mười.
Theo ông Phạm Đức Bảo thì khi làm xong bài thơ này ông Vũ Mão đã trao tận tay cho người bạn thân của mình là ông Đoàn Duy Thành và gửi nhiều bản cho bạn bè, người thân như ông Nguyễn Sĩ Dũng, ông Phạm Đức Bảo
Lâu không thấy ông vào bình luận hoặc like những bài viết của gã như mọi khi, nghĩ, ông muốn né ai đó "kiên định lập trường" chọc ngoáy ông một lãnh đạo của đảng lại vào hùa cùng bọn "gây rối" như gã.
Nhưng rồi cũng ngày này năm ngoái nhạc sĩ Phó Đức Phương từ Hà Nội vào Sài Gòn bàn với gã việc lấy chữ ký của văn nghệ sĩ Sài Gòn kiến nghị không cho Trung Quốc đầu tư và tổng thầu dự án cao tốc Bắc - Nam.
Phó Đức Phương nói: Bản kiến nghị này được ông Vũ Mão đóng góp nhiều ý kiến quan trọng và bày cách làm sao tác động tới chính phủ và BCT. Gã nghĩ ông Vũ Mão chả sợ gì sất đâu, chắc vì sức khoẻ thôi.
Và đột ngột nhận tin ông ra đi.
Buồn!
Thương!
Tiếc!
Điều tai tiếng duy nhất mà ông vướng phải và đau lòng cho đến khi giã biệt cõi đời là lễ tang Trần Độ, ông là trưởng ban tang lễ và đọc điếu văn. Gã chứng kiến lễ tang ấy và là người đứng cạnh ông khi ông bị các lão thành cách mạng công kích việc đọc cả thiếu sót của người quá cố. Gã chứng kiến ông đau khổ thế nào, mồ hôi vã đầm đìa. Gã hỏi, anh viết điếu văn đó à? Ông lắc đầu bảo Ban Tư tưởng VH viết. Gã hỏi ai chỉ đạo? Ông chỉ ngón tay trỏ lên cao quá đầu.
Sau lễ tang, gã lên Nà Rì, Bắc Cạn với gs Nguyễn Lân Dũng gặp nhà văn Trịnh Đình Khôi chuyên viên Ban TTVH, gã hù Khôi: Hà Nội đồn rầm lên là ông viết điếu văn ông Trần Độ đấy. Khôi tái mặt kéo gã ra một góc nói thầm: đúng là tôi được phân công viết, nhưng tôi thề, đoạn nói về thiếu sót sai lầm của ông Trần Độ tôi không viết.
-Vậy ai viết?
-Ông đi mà hỏi mấy bố lãnh đạo ấy!
-Phải chăng ông Vũ Mão thêm vào?
-Không! Ông Vũ Mão còn không chịu làm trưởng ban lễ tang cơ mà. Ông ấy bị ép. Tôi biết chắc chắn người chỉ đạo việc viết thêm sai lầm của ông Trần Độ là cấp trên của ông Vũ Mão.
Trước khi ra đi ông Vũ Mão đã kịp viết lại sự thật về đám tang Trần Độ và nhờ Phạm Đức Bảo một người bạn của ông công bố trên mạng.
Việc lực lượng an ninh dưới sự chỉ huy của đại tá Trần Đại Quang phó tổng cục trưởng an ninh đại diện của bộ CA trong ban lễ tang được lệnh từ hai lãnh đạo cao nhất của đảng là không để bất cứ băng rôn nào có chữ "thương tiếc" và cấp bậc của Trần Độ vào viếng. Và đó là lý do mà vòng hoa của tướng Võ Nguyên Giáp, của gia đình tướng Lê Trọng Tấn và nhiều tướng lĩnh khác bị ách lại, bắt viết lại.
Cũng trong bản công bố này, ông Vũ Mão đã nói thẳng người ép mình làm trưởng ban tang lễ mà ông một mực từ chối là Nguyễn Văn An lúc đó là chủ tịch QH. Và hai lãnh đạo cao nhất của đảng đã chỉ đạo tang lễ cũng như ép phải có phần kể tội Trần Độ là Nông Đức Mạnh và Phan Diễn.
Ông Vũ Mão đau xót với những gì mình vướng phải vì ông là người luôn kính trọng Trần Độ. Ông cũng thẳng thắn phê phán ông Mạnh là "phủi tay" để mình ông lãnh đủ làn sóng phẫn nộ của dư luận.
Gã viết những dòng này để mong bạn đọc gần xa chia sẻ phần nào nỗi lòng của ông Vũ Mão và cầu mong hương hồn của ông được thanh thản về cõi vĩnh hằng.
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2669075673417653&id=100009457401127
---
BỔ SUNG
5.
https://www.facebook.com/thuhienvu22222/posts/10223017991302025
4.
https://www.facebook.com/gianinh.tran.3/posts/2601326123414309
3.
https://www.facebook.com/pcthang/posts/10216423679728090
2.
THỨ SÁU, 5 THÁNG 6, 2020
Kính trọng và thương tiếc bác Vũ Mão
https://toithichdoc.blogspot.com/2020/06/kinh-trong-va-thuong-tiec-bac-vu-mao.html
1. Con trai cụ Trần Độ viết ngày 6/7/2019
(đưa lên mạng ngày 5/6/2020, tức sau đám tang của bác Vũ Mão)
(chép về Giao Blog lúc 8h30 ngày 5/6/2020)
Với anh Vũ MãoBắt đầu câu chuyện từ một lễ tang, đó là lễ tang của Cha tôi. Người được tổ chức phân công làm Trưởng ban Tang lễ là anh Vũ Mão. Dù vậy, tôi cũng chưa được gặp anh lần nào cho đến ngày tổ chức Lễ tang.
https://trandotacpham.blogspot.com/2020/06/voi-anh-vu-mao.html
---
BỔ SUNG
5.
Vũ Thư Hiên
(Nhân sự kiện Vũ Mão qua đời và lời trần tình muộn màng về bài điếu văn đáng xấu hổ trong tang lễ Trần Độ)
1
Tôi ra tù cuối năm 1976.
Gia đình tôi đã rơi xuống đáy vực nghèo khổ khi vắng người đàn ông trụ cột. Tôi không để ý đến mọi thứ khác ngoài đủ thứ công việc có được để kiếm sống.
Phải hai năm sau, cuối năm 1976, tôi mới gặp lại Trần Độ.
Nghe nói với tư cách phó chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Trần Độ hồi ấy rất bận với công việc tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, viết quân sử vv…
Biết vậy, tôi lại càng không có ý tìm anh. Tôi không muốn gặp các quan chức. Tâm lý này là chung cho tất cả chúng tôi, những người không dưng bị mấy tên “lãnh tụ” khốn nạn tống vào tù.
Nhưng rồi Trần Độ thân tìm tôi. Trong bữa rượu hàn huyên đạm bạc chỉ có ba người, ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, phụ tá của anh.
Trần Độ biết tôi ở tù.
Anh nhìn tôi thương hại:
- Chín năm! Chắc chú làm gì sai thì Đảng mới bắt chú và xử nặng thế chứ.
Tôi sững người.
Vậy ra anh chẳng biết gì về cái gọi là vụ án “nhóm xét lại chống đảng" mà tôi bị đính vào. Tôi dùng chữ “đính vào” như cách người ta nói về một cái khuy áo, mà tôi lại là cái khuy dưới cùng, có cũng được, mất cũng không sao. Mà có cái nhóm nào đâu cơ chứ! Chỉ có những cuộc luận bàn thế sự lúc trà dư tửu hậu của mấy cán bộ hoạt động trong phong trào giải phóng dân tộc từ khi còn trứng nước với lớp trẻ tới sau. Ấy thế mà mấy tên “lãnh tụ” quen thói nhìn đâu cũng thấy phản động phát hoảng, vội tổ chức một cuộc bắt bớ đại quy mô, khoe rằng chúng vừa quăng một mẻ lưới, bắt được một lũ phản động . Để tạo ra một chính danh cho hành động của mình, anh Ba, anh Sáu, anh Năm và bộ hạ liền nghĩ ra cho nó một cái tên thật kêu là “Nhóm tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”.
Bắt cán bộ đảng chưa đủ, người ta tóm cả những người ngoài đảng cho luôn vào cái rọ đó.
Thế là tôi vào tù, Vũ Huy Cương vào tù, cả Bùi Ngọc Tấn cũng vào tù nốt. Cả ba chúng tôi không ai là đảng viên của cái đảng nọ.
Tôi dám cá là mấy tên “lãnh tụ” nọ đến xét đi còn chưa biết, làm sao biết được xét lại là cái gì. Tôi từng biết Trường Chinh, cây lý luận kiệt xuất của đảng chỉ là tay đạo văn, Lê Duẩn đăng đàn nói vo linh tinh, sau đó được đàn em chỉnh lý với những trích dẫn hàn lâm để đăng báo. Vào tù rồi tôi càng tin mình hiểu đúng là như thế – những cán bộ cấp vụ cấp bộ làm công việc hỏi cung tôi chẳng hề biết chủ nghĩa Mác là cái quái gì ngoài mớ kiến thức thô thiển nhặt được từ mấy cuốn sách mác-xít nhập môn do mấy anh mác-xít nhà quê biên soạn.
Tôi ngạc nhiên là phải. Một vụ án to như thế, nhiều cán bộ cấp cao bị khai trừ, bị bắt, bị bỏ tù, được tiến hành lặng lẽ, chỉ người trong các cấp uỷ Đảng mới được nghe phổ biến những cái gọi là "báo cáo số 1" "báo cáo số 2"...
Tại sao Trần Độ lại không biết?
Trong bữa rượu ấy, nghe anh nói thế, tôi nhìn anh trân trân – thì ra anh không biết thật, anh vẫn còn tin cái đảng của anh lắm, anh cũng là một anh mù, như mọi quan chức khác.
Chẳng riêng Trần Độ nghĩ thế.
Hơn chục năm sau, tới tận 1988, khi tờ “Truyền thống Kháng chiến” của “Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ” ra đời ở Sài Gòn gặp nhiều khó khăn, mới ra hai số đã bị cấm, tướng Trần Văn Trà mời tôi tới nhà anh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (tên mới của đường Pasteur) để bàn chuyện tờ báo. Anh cần một người có nghề. Không biết nghe ai nói, nhiều phần là do nhà báo Thái Hồng (tác giả cuốn Tháp Mười Tầng) mách, Trần Văn Trà muốn tôi tham gia.
Để cho sòng phẳng, tôi kể cho Trần Văn Trà biết tôi là ai – một tên phản động đã bị bỏ tù 9 năm rồi được thả, không phải là một nhà báo mà anh cần.
Trần Văn Trà nghe tôi, ngỡ ngàng.
Chuyện trong Đảng người ta cũng chia ra nhiều cấp, nhiều đối tượng trong việc được nhận hoặc không cần được nhận thông tin, tôi có biết. Nhưng đến mức những cán bộ cấp tướng mà cũng không được biết về vụ bắt bớ to lớn ấy thì thật lạ.
“Hồi đó tôi đang lo đường vận chuyển vũ khí trên biển - Trần Văn Trà phân trần - Có, tôi có nhận được một thông tin từ Ban tổ chức Trung ương. Thông tin sơ sài, thậm chí tôi cũng chẳng đọc. Chúng tôi đang bận tối tăm mặt mũi với đủ mọi việc, giấy tờ có cả đống, tôi không để ý”.
Tôi không nhận lời làm việc cho tờ “Truyền thống Kháng chiến”.
Tôi nói không phải tôi không có dũng khí, tôi sợ, tôi hèn, mà tôi nhận định, và còn hơn nữa, tôi biết chắc tờ báo có làm tiếp cũng sẽ là sự hy sinh vô ích.
2
Tôi coi Trần Độ như người anh mà tôi kính trọng vì nhân cách, vì xử thế, chứ không vì địa vị, tôi không muốn nói ngay lời phản bác.
Đáp lại, tôi chỉ nhìn anh, cười buồn:
- Em có nói gì bây giờ anh cũng sẽ nghĩ là em thanh minh. Tốt hơn hết, ta cạn với nhau chén rượu tái ngộ này, kèm theo một giao ước: “Anh sẽ xem xét sự việc bằng con mắt của mình, suy xét bằng cái đầu của mình, để rồi anh sẽ có kết luận”. Em chờ câu trả lời của anh trong một bữa rượu sau. Thế nhé?
Anh gật đầu. Chúng tôi cạn chén.
Trần Độ hơn tôi đúng 10 tuổi. Với anh, tôi không dám lắm lời.
Gần một năm sau mới có bữa rượu thứ hai.
- Em lắng nghe câu trả lời của anh đây - tôi nói.
Anh lắc đầu, thở dài:
- Một lũ chó má! Không thể ngờ.
Và văng một câu chửi tục, lần đầu tiên tôi nghe thấy từ miệng anh.
Trần Độ sau đó vẫn còn nhận nhiều chức vụ mới - Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ của Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, rồi Phó Chủ tịch Quốc Hội. Đã tưởng anh biết cái đảng của anh nó thế nào, hoá ra anh vẫn không từ chối bổng lộc nó ban cho. Tôi từng nghĩ như thế sau cuộc gặp gỡ ấy. Tôi chán sự đời ô trọc.
Rồi đến tai tôi những tiếng xì xào về chuyện sự thăng quan tiến chức nọ không phải như tôi nghĩ.
Trước hết, anh bị đưa ra khỏi quân đội để làm công tác dân sự không phải vì cái gì khác, mà qua những lời nói của anh với người này người kia, ở chỗ này chỗ khác, bị nghe lén, bị ghi lại trong những báo cáo. Lê Duẩn đọc những báo cáo ấy tỏ ra rất khó chịu – anh Quang Minh là người giúp việc Lê Duẩn cho tôi biết.Những báo cáo tiếp theo củng cố cho những báo cáo trước.
Quả vậy, sau tôi mới biết, trong những cương vị mới Trần Độ đã làm nhiều việc đi chệch đường lối của Đảng - xúi giục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, toa rập với Nguyên Ngọc đưa ra bản “Đề dẫn” về văn nghệ sặc mùi chống Đảng vv…
Tôi lại gặp anh. Và anh lại gặp tôi. Chúng tôi tìm nhau nhiều hơn. Chúng tôi cùng đi một đường.
Văn Cao là người chăm chú theo dõi thời cuộc, nói với tôi: “Trần Độ ngay thẳng quá, hỏng! Cao Biền dậy non rồi. Phí thật”!
Tôi đồng ý với Văn Cao. Cho đến lúc ấy vẫn được chúng tôi gọi đùa anh là “ông tiên chỉ” trong làng văn nghệ. Chúng tôi đánh giá cao những nhận định của anh.
Trần Độ được phong trung tướng cùng lúc với Lê Đức Anh, nhân vật sau này làm mưa làm gió trong chính trựờng. Nếu biết xuôi dòng anh có thể sẽ lên cao hơn nữa trong hệ thống quyền lực, hơn đứt Lê Đức Anh.
Là nói chuyện đằng thằng, không tính đến ô dù.
Trần Độ là người quá ngay thẳng. Anh là nạn nhân của sự thật. Anh nghĩ gì nói nấy, không giữ gìn. Anh không biết lui tới, biết náu mình chờ thời. Anh hành xử theo lương tâm, cứng đầu trong cuộc đấu tranh cho chân lý. Về mặt này anh giống Hoàng Minh Chính. Cả hai đều có tố chất người lính can trường. Nhưng cả hai đều không phải người làm chính trị.
Không ai có thể can ngăn Trần Độ. Những phát biểu của anh lúc này lúc khác, chỗ này chỗ nọ tiếp tục làm chối tai các "lãnh tụ".
Mà có phải anh chỉ phê bình sơ sơ những khuyết điểm cục bộ đâu. Từ chỗ nhỏ nhẹ, anh dần nói trắng ra ý muốn thay thế thể chế hiện tại bằng chế độ dân chủ, có tam quyền phân lập…
Với người khác đã là chuyện không bình thường. Nhưng anh là người cộng sản từ khi chính quyền còn trứng nước, hiện giữ chức vụ cao. Những phát biểu như thế có ảnh hưởng lớn trong quần chúng đảng viên, chưa nói gì tới quần chúng ngoài đảng.
Bảo Hùng, bạn tôi trong Bộ Nội vụ, người thạo tin, biết những tin mật và tin tối mật, thân tình khuyên tôi chớ dây với Trần Độ - hồ sơ Trần Độ đã được lập, mỗi ngày một dày thêm. Anh bị theo dõi anh từng bước.
Những bài viết của Trần Độ không được đăng báo, nhưng được chuyền tay rộng rãi. Chúng làm cho triều đình điên ruột.
Anh nhanh chóng trở thành một “tên phản động”.
Thời thế đã khác – người ta không thể bỏ tù anh tức khắc. Người ta chỉ có thể dùng đủ mọi cách hạ uy tín của anh.
Còn nhớ năm 1997 tôi đang ở thành phố Strassbourg cùng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Một hôm, Trần Độ gửi cho tôi bài viết mới của anh, bảo tôi xem lại trước khi anh công bố. Tôi đưa anh Thiện cùng đọc. Thiện đọc xong, nói anh không hài lòng một số câu chữ trong đó. Lúc nói chuyện điện thoại với Trần Độ, tôi bảo Thiện cứ nói thẳng ý kiến của mình cho Trần Độ nghe. Thiện bỗ bã: “Không hiểu sao đến nay anh vẫn còn có thể dùng những từ “giải phóng”, “Mỹ-Nguỵ” trong bài viết, nó không đúng, không chỉnh, người đọc hiểu biết sẽ rất khó chịu đấy”. Trần Độ cười hề hề: “Mình lỡ viết theo thói quen, cậu sửa lại hộ mình nhá”.
Tôi ngạc nhiên khi đọc ở đâu đó có người viết Trần Độ quan cách, hách dịch. Tôi không hề thấy tính cách ấy ở anh. Rất có thể người nào đó bị anh khinh, không thèm trò chuyện, đã nghĩ thế. Là người trực tính, Trần Độ không biết giấu đi thái độ của anh trong giao thiệp, và chỉ có thế.
Một thí dụ. Năm 2001, trong một cuộc trò chuyện điện thoại với Trần Độ khi tôi đang ở Frankfurt am Main (CHLB Đức), có mặt một chú em rất hâm mộ bác Độ. Chú này có mặt trong cuộc điện đàm của tôi với Trần Độ, nằng nặc đòi tôi cho chú nói với bác Độ vài câu: “Bác ơi, cái đảng của bác kỳ quá, ai lại chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ! Ai lại đi làm chuyện ngược đời - quét từ dưới lên trên?”. Anh Độ cười to: ”Hay, chú nói hay lắm. Chỉ sai một chút thôi: cái đảng ấy không phải của tôi. Nó là của lũ vừa ngu vừa rồ. Này, chú tên gì nhỉ?”, “Dạ, cháu tên Cóc, Nguyễn Văn Cóc. Dễ nhớ lắm, bác ạ. Ở Đức này chỉ có mình cháu có cái tên xấu xí ấy thôi”. Anh Độ lại càng cười: “Xấu gì mà xấu, cậu ông Giời nói đúng lắm, cái đảng ấy toàn làm chuyện lộn ngược thôi!”.
Việc Trần Độ bị khai trừ Đảng năm 1999 ai cũng đã biết. Đảng cộng sản vốn không thích vạch áo cho người xem lưng cũng đã kiên nhẫn với Trần Độ lắm rồi, nhịn Trần Độ nhiều lắm rồi. Lẽ ra không bắt anh thì người ta cũng phải khai trừ anh từ lâu.
Anh cười, anh nói anh bị đảng của anh khai trừ là may. Như thế, anh được thừa nhận không phải là người nằm trong “vũng bùn hôi thối mà cái đảng ấy đang đằm mình trong đó một cách rất sáng tạo”.
Khai trừ anh đảng cộng sản thêm một lần không thẻm giấu giếm cái hẹp hòi truyền thống của nó - không bao giờ chịu nghe lời nói ngược. Hành hạ anh cho tới khi chết, cấm người đi đưa tang không được dùng chữ “Vô cùng thương tiếc”, đảng cộng sản lại càng cho thiên hạ thấy nó tiểu nhân tới mức nào trong sự hằn thù.
Đảng của anh khai trừ anh. Bù lại anh được nhân dân đón vào lòng.
Nhà cầm quyền căm ghét anh. Bù lại anh được tình yêu thương của những người yêu nước, của đồng bào.
Anh được rất nhiều, mà không mất gì. Nói cách khác, cái người ta quen cho là mất chẳng là cái quái gì đối với anh.
Khi lâm bệnh, anh không dùng một viên thuốc nào của nhà nước cấp – anh không tin thứ thuốc từ những người mà anh biết là không tử tế. Anh chỉ dùng thuốc đồng bào gửi cho anh. Có hai người rất sốt sắng lo cho anh có thuốc đủ dùng là Tưởng Năng Tiến và Đinh Quang Anh Thái. Khi anh qua đời, những bọc thuốc cuối cùng vẫn còn ở trên đường. Trần Độ không bao giờ quên nhắn tôi gửi lời cảm ơn hai người bạn thiết anh không biết mặt.
Được tin anh mất, tôi không khóc. Nước mắt chảy vào tim.
Tôi cảm được rằng mất mát này lớn hơn rất nhiều cái mất mát cho riêng tôi, đứa em yêu mến và kính trọng anh. Mất mát này là của cả dân tộc đang nhọc nhằn đi tìm quyền sống, quyền làm người.
Trong bức thư cuối cùng Trần Độ gửi cho tôi trước khi mất, anh dặn: “Giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi chế độ có thể kéo dài. Việc hàng ngày của ta, không được quên, là nâng cao dân trí. Dân trí càng được nâng cao bao nhiêu thì sự chuyển đổi sẽ càng thuận lợi bấy nhiêu. Thời cơ đến, việc mới thành. Chuẩn bị tốt thì thành tốt”.
Thời cơ mà ta chờ đợi sẽ đến, bao giờ cũng bất ngờ, lịch sử vốn thích thế mà, nhưng thời cơ ấy sẽ đến, tất yếu đến, bởi nó là quy luật của muôn đời.
Như nó đã từng xảy ra cùng với sự kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai đã bất ngờ mang lại nền độc lập cho các nước thuộc địa.
Như nó đã đến với sự sụp đổ như thể bất ngờ của cường quốc Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Nó sẽ đến, như Trần Độ mong ước.
Như chúng ta cùng mong ước với anh.
Ở thế giới bên kia, khi nó đến, hẳn anh sẽ mỉm cười sung sướng.
Paris, 2002
https://www.facebook.com/thuhienvu22222/posts/10223017991302025
4.
Thế là một người bạn từ thuở ấu thơ đã chia tay bạn bè ra đi mãi. Tuy cùng lớp nhưng Vũ Mão hơn bọn tôi vài ba tuổi, nên từ nhỏ đã chững chạc hơn nhiều. Khác nhiều bạn, Vũ Mão đã phải tự lực từ bé. Không phải con ông cháu cha gì, Mão có cha là một công nhân quân giới ở chiến khu Việt bắc. Từ đó Mão theo quân đội, hơn mười tuổi đã gia nhập Thiếu sinh quân. Khi biên giới được giải phóng, các trẻ em trong quân đội được tập trung lại, gửi sang Nam Ninh , trong một ngôi làng rất nghèo khổ là Tâm Hư để học hành cho tương lai. Từ làng Tâm hư, lớp trẻ con lại được lên Quế Lâm bên sông Ly đẹp như giải lụa. Năm 1953 một số trẻ em khác từ khu tư,khu ba và Việt bắc lại được gửi tiếp sang núi Lư Sơn bên sông Tầm Dương. Dù là nơi tuyêt đẹp, nhưng lạnh quá, năm sau lại về Quế Lâm. Nhóm Vũ Mão đã lớn quay trở về Nam Ninh nay đã xây trường lớp đàng hoàng hơn. Những thiếu sinh quân trên 17 tuổi trở về nước gia nhập quân đội, đánh trận Điên Biên. Bao nhiêu bạn đàn anh trước lứa chúng tôi đã ngã xuống ở đó . Vũ Mão chưa đủ tuổi vào quân đội, nên ở lại Nam Ninh học tiếp đến năm lớp 8 thì chúng tôi cũng về Nam Ninh học cùng nhau một lớp.
Trường chuyển về nước, chúng tôi chia tay nhau mỗi người một ngả. Mão về Hải Phòng học trường Ngô Quyền. Trong số bạn bè Quế Lâm-Nam ninh, Mão là đứa có hoàn cảnh nghèo khổ, éo le nhất. Nhà nghèo , sống với mẹ kế khổ đủ điều, giữa chừng đã bỏ học , tình nguyện gia nhập hải quân nhưng mắt kém bị loại, khóc mất mấy ngày . Mão vẫn nỗ lực cố học hết phổ thông, rồi thi đỗ đại học Thuỷ lợi. Tốt nghiệp giỏi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy và được cử đi làm NCS. Nhưng sau khi học ngoại ngữ, Mão thi không đạt nên không sang Liên Xô được. Thời đó là thời ông Tạ Quang Bửu, thi cử, học hành nghiêm túc không như bây giờ. Bước ngoặt cuộc đời là từ cuộc thi trượt này đấy!.
Lúc vui chuyện, tôi hỏi Mão :
-Tớ nghe nói cậu là con cháu ông Nguyễn Đức Tâm ( UV BCT, trưởng ban TCTW), được chống lưng mới lên được.
Mão cáu:
- Mẹ kiếp, ngày trước tớ biết ông Tâm là ông nào
- Thế sao cậu không về lại trường mà lại chạy ra Quảng Ninh ?
- Trời ! Thi trượt ngoại ngữ, không đi Liên xô được, cậu nghĩ tớ còn mặt mũi nào về lại bô môn. Nghĩ chán chê, đường cúng đành xách balo về Quảng Ninh với vợ đang làm bưu điện ở huyện . Tớ xin vào làm nhân viên phòng thuỷ lợi Huyện. Ở cái nơi khỉ ho cò gáy đó , có thằng kỹ sư về làm cán bộ là hiếm lắm. Mấy năm ở đó, tớ cố làm sao để các công trình tưới tiêu cho dân chạy cho tốt, chứ cái chức trưởng phòng cũng chẳng dám mơ tới !
- Rồi sao nữa ?
- Cậu biết rồi đấy, chúng mình thời TQ đêu được học ca nhạc, hội hoạ ,thể thao đầy đủ. Tớ chỉ cần cây đàn ghi ta là đủ nổi đình đám ở cái phố thị miền núi biên giới này rồi. Người ta bèn giao cho tớ thêm công tác đoàn TN. Ông bí thư tỉnh uỷ ( ông Tâm ấy) về thăm huyện, thấy chàng kỹ sư làm thủy lợi huyện miễn núi Hoành bồ (hình như vậy , tôi không nhớ rõ) đâu ra đấy, lại đàn hay hát giỏi, làm công tác đoàn tốt, bèn đẩy tớ làm bí thư TN huyện, tất nhiên là phải bố trí vào huyện uỷ chứ. Con đường chính trị của tớ bắt đầu như thế. Từ huyện lên tỉnh đoàn, rồi lên TW đoàn, hồi đấy TW đoàn hầu như do bọn Quế Lâm ta thống trị: thằng Vũ Quốc Hùng, thằng Hồ Anh Dũng, thằng Trần xuân Thac...đều là thường trực bbt TW đoàn, may mắn là tớ được cử làm bí thư thứ nhất...và cũng ít nhiều thành công...
Thế là vào TW Đảng lúc còn trẻ lắm ,chưa đầy 43 tuổi và lâu nhất đến 25 năm (5 khoá) và khi hết thanh niên sang quốc hội cũng là nghị sĩ đến 4 kỳ. Bạn bè cùng K5 QL-NN đều chung nhận xét Mão không thông minh xuất chúng nhưng là người làm việc cần mẫn, khiêm tốn, đa tài, ham học và học cái mới rất nhanh.
Vũ Mão đã thật sự là người đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh để đổi mới Quốc hội, cũng là để đổi mới đất nước. Biểu quyết bằng hệ thống điện tử thay vì bằng cách giơ tay, phát biểu qua hệ thống micro tại chỗ thay vì phải lên bục, truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, thúc đẩy hoạt động điều trần ở các Ủy ban… đều là những bước tiến gắn với tên Vũ Mão. Người đã thúc đẩy chương trình hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cho Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng chính là Mão khi làm trưởng ban đối ngoại QH. Nhờ đó, tri thức mới về quản trị quốc gia, về nhà nước pháp quyền, về tổ chức và vận hành quyền lực lập pháp, về thủ tục của nghị viện… đã được đưa vào hệ thống và được vận dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân...Phải nói rằng Mão có tài tổ chức công việc, tử việc nhỏ như họp lớp đến những đại sự quốc gia. Có lần Mão kể với tôi, việc liều nhất là Mão thuyết phục các cụ và đề nghị quốc hội bầu thủ tướng phải có hai ứng viên. Mão kể “ Anh Đỗ Mười sau khi thắng cử (ông Kiệt thua phiếu ) đã nói với tớ rằng liều thật , trước khi bỏ phiếu ông lo lắng, hồi hộp lắm, nhỡ ra...”. Chuyện này chỉ làm được một lần sau đó QH không dám tiếp tục nữa...Lúc đang ở đỉnh cao quyền lực, tôi hỏi Mão có lên được nữa không, Mão cười bảo không hy vọng đâu, thế này thôi rồi về nghỉ, không phải ai cũng ưa mình làm những việc thế này.
Năm 2002 gì đó, khi ở nước ngoài về, tôi nghe mấy đứa bạn Quế Lâm kể với tôi rằng thằng Mão tệ quá, nó vừa đọc điếu văn có đoạn kể xấu ông Trần Độ, làm xấu cả mặt thiếu sinh quân chúng ta. Tôi giật mình chẳng biết thật hư thế nào, thời đó internet đâu như bây giờ mà đọc, nhưng mà bạn TSQ kể với nhau thì phải tin. Chuyện này làm K5 chia rẽ một thời gian dài, mãi đến hơn chục năm sau vẫn còn có bạn viết lên mạng đòi tẩy chay Vũ Mão. Sau này, tôi đã đọc được bài điếu văn đó, nghĩ cũng tệ thật. Gần chục năm trước, khi cả hai đứa cùng về hưu cả, Mão có nói với tôi về chuyện đau lòng này, về sau còn đưa cho tôi bài thơ Mão viết về nó. Mão đã có lần hỏi tôi “ Cậu có tin là tớ tệ thế không ? “. Tôi định nói là cậu không chịu nổi sức ép từ trên xuống ( Mão còn cho tôi biết tay PD đã doạ thế nào ), nhưng thiếu gì cách để tránh né, nhưng lại thôi , mà chỉ nói nhẹ nhàng hơn “ làm chính trị thì cũng phải chịu tai nạn chính tri, lúc mình kém sức sáng suốt thì thua thôi “. Trong những năm gần đây thì lớp K5 chúng tôi đã hoá giải, Mão với những bạn phản đối cực đoan nhất lại trở về tình bạn như xưa. Khi nghe tin buồn về Mão , bạn VDK đã viết nhiều, trong đó có câu mà tôi rất tâm đắc : “ .. . Bạn là một cán bộ năng động và hình như vậy nên bị người ta lợi dụng - bắt làm những việc " oái oăm" mang tiếng ...”.
Vâng, mọi thứ đều sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại. Mão là người bạn tốt, chu đáo, tận tuỵ giúp đỡ, chia sẻ buồn vui với bạn bè. Mới năm trước , Mão cùng nhóm chúng tôi hết sức phẫn nộ với một trường hợp oan khiên hiếm có. Đó là chuyện của bạn TSQ Nguyễn Bá T. ở Tây Ninh. Bạn T đã gia nhập quân đội ngay sau khi về nước học hết lớp 7. Xông pha trận mạc suốt trong nam ngoài bắc lập bao chiến công và ôm thương tật , một thương binh , rồi về lập gia đình ở Tây Ninh, nơi chiến trường xưa. Thế mà hơn 25 năm nay ,bị chính quyền địa phương cưỡng chế chiếm đất không đền bù, mang đơn dày hàng thước đi kêu khắp địa phương và TW. Đến mức ban kiểm tra trung ương phải vào cuộc, xác định địa phương sai, phải đền bù. Sai thì từ tỉnh đến thành phố đều nhận , nhưng giải quyết đền bù thì không ! Mão và nhóm chúng tôi đã làm nhiều viêc, trong đó có việc trực tiếp đưa bộ hồ sơ và đề nghi ông NMT chủ nhiệm UBDNQH, kế nhiệm của Mão, trước đó là p Chủ tịch tỉnh Tây Ninh , trực tiếp giải quyết việc này. Nể lời thủ trưởng cũ, NMT đã đến nhà thương binh, dân oan Nguyễn Bá T và bảo rằng việc của bác, em và cả Tây Ninh đều biết rõ. Em bây giờ không ở UB tỉnh nữa, mà ở QH, cũng không thể giúp gì được bác nữa , mong bác thông cảm ( đại khái thế).
Vũ Mão ơi, bạn đi xa rồi nhưng việc oan khiên cua thương binh, bạn tsq của chúng mình vẫn còn nguyên đó , Nguyễn Bá T giờ đang bị ung thư ruột giai đoạn cuối. Chắc là người ta đang cố trì hoãn giải quyết để chờ ...trời giúp nuốt ngon lành..Than ôi !
Không ai chọn được cha mẹ., chọn được nơi mình sinh ra, chọn được lúc sống trên đời. Mỗi chúng ta đều là nô lệ của thế hệ mình.! Vũ Mão ơi , Chúng mình, dù ở địa vị nào, cũng đều bất lực trước những gì phi lý của thế hệ mình.
Bạn đã bỏ bạn bè mà đi xa, mong vong linh bạn được siêu thoát nơi ngàn thu cực lạc.
Bài viết này âu cũng là nén hương của một người bạn từ tuồi ấu thơ thắp trên mộ bạn Vũ Mão để ghi nhớ tình bạn của chúng mình và nhớ những nỗ lực mà bạn, dù sai dù đúng, đã tận tuỵ làm cho cuộc đời này !
https://www.facebook.com/gianinh.tran.3/posts/2601326123414309
3.
Những ngày qua, sau tang lễ ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm VP Quốc hội - đã có những bài viết trái chiều đánh giá ông ta.
Thông thường, người Việt chúng ta ít nhắc đến khuyết điểm của người quá cố, nhất là người vừa nằm xuống. Trường hợp ông Vũ Mão thì lại làm rộ lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Nguyên nhân lại chính là bài điếu do ông Vũ Mão đọc tại tang lễ tướng Trần Độ mà ông Vũ Mão đọc với tư cách trưởng ban lễ tang, có đoạn vạch ra “các khuyết điểm” của ông Trần Độ. Kịch tính đến mức, đại diện tang quyến không chấp nhận lời điếu đó.
Nhiều người mà tôi rất kính trọng về tính khách quan của họ đã lên tiếng thanh minh cho ông Vũ Mão, rằng ông đã bị buộc phải làm cái việc không đúng lương tâm và tình cảm của mình.
Nhiều người có quan hệ thân tình với ông Vũ Mão nhấn mạnh và chứng minh ông là người tốt, có nhiều cống hiến.
Chính gia đình tướng Trần Độ cũng không trách oán gì ông Vũ Mão, cho thấy sự khoan dung của những nhân cách lớn. Để khoan dung, đã có sự THẤU HIỂU. Hiểu ông Vũ Mão cũng chỉ là nạn nhân của tấn kịch chính trị mà ông đã tự nguyện tìm cho mình một vai tương đương bộ trưởng, một vai tự ông mong muốn nên không thể từ chối khi kịch bản không theo ý ông.
Bị kịch mang tên Vũ Mão là ở chỗ đó.
Là người tốt, có năng lực, thi đi nghiên cứu sinh trượt, ông về Quảng Ninh làm chuyên môn (kỹ sư thủy lợi) và làm công tác đoàn. Rồi công tác đoàn đưa ông lên những bậc thang quyền lực theo đúng con đường mà nhiều “lãnh tụ” thanh niên bay cao ở Liên Xô, Trung Quốc và ở Việt Nam.
Ngoan, dễ bảo, nhiệt tình, có khả năng minh họa tài tình các chủ trương lớn của Đảng. Các cán bộ phong trào được quan tâm bồi dưỡng, đưa về Trung ương Đoàn. Trưởng ban ở đây tương đương vụ trưởng. Bí thư TƯ Đoàn sang ngang làm... bộ trưởng!
Bi kịch của ông Vũ Mão là do con đường ông tự chọn. Một số người chê ông không đủ bản lĩnh từ chối đọc bài điếu văn tự ông cho là sai trái.
Một người quen ăn theo nói leo, quen làm theo ý kiến người khác thì làm sao từ chối lệnh trên? Anh đã đóng vai kịch của cuộc đời anh thì phải đóng cho trót.
Nói về bi kịch mang tên Vũ Mão, một người tốt đành lòng làm việc không tốt, là tôi muốn nói đến cái bi kịch chung của chúng ta, không riêng gì của ông ấy.
2.
THỨ SÁU, 5 THÁNG 6, 2020
Kính trọng và thương tiếc bác Vũ Mão
Bài này mình định viết thêm cho bài "Phủi tay..." vừa đăng. Tuy nhiên viết loanh quanh thành ra viết quá dài nên mình cắt ra làm 1 bài riêng.
Hôm nay thấy nhà báo Lưu Trọng Văn viết khá cảm động về việc bác Vũ Mão day dứt, hối tiếc không nguôi đến tận khi chết, chuyện tự mình đọc điếu văn trong tang lễ tướng Trần Độ trong đó có đoạn phê phán quan điểm "sai trái" và chỉ trích "lầm lỗi" của vị tướng anh hùng. Điều này làm mình nhớ đến bác Vũ Mão hay giải thích sự việc cho người khác, trong đó có mình. Bác bảo bị trên bắt phải đọc (vì lúc đó bác là chủ nhiệm VPQH trong khi tướng Trần Độ nguyên là Phó chủ tịch QH) và khi đọc đến đoạn sai lầm thì bác đã cố ý đọc rất khẽ.
Nói thật là bác Mão khéo lắm nên được lòng tất cả mọi người. Kể cả sắp mất, khi làm bài thơ dưới đây đổ tội cho Nông Đức Mạnh hay Đỗ Mười,... bác cũng không dám hay không muốn gọi đích danh họ mà phải dùng ký tự viết tắt ông M hay ông ĐM. Thật là lạ vì thường khi sắp mất thì còn phải sợ gì nữa mà ko viết thẳng tên họ ra ? Điều này cho thấy bác vẫn nhát, vẫn sợ họ và không muốn mất lòng họ. Thực tế, anh em dự tang tướng Trần Độ bảo mình bác Vũ Mão đã không hạ giọng khi đọc đoạn phê phán tướng Độ hôm đó.
.....
Cả ngày đi dạy buồn ngủ quá ko viết nữa. Chỉ viết thêm là dù rất quý bác Mão nhưng mình không tin bác Mão đọc nhẹ đoạn đó, cũng như không tin hồi đó bác đã nhận thức được sai lầm của mình, mà chỉ sau này về hưu, nói chuyện nhiều với người, bác mới hiểu ra và gặp ai cũng thanh minh về sai lầm này.
Qua chuyện bác Vũ Mão càng thấy sống trên đời phải biết giữ mình trong mọi tình huống dù là khắc nghiệt nhất. Cả đời lao động cống hiến, được anh em, bạn bè, đồng nghiệp kính trọng, nhưng chỉ một lần sai lầm, tất cả công sức ấy coi như vứt sạch xuống sông xuống biển. Bây giờ nói đến cái tên Vũ Mão, người ta chỉ nhớ tới bác là người đã thay mặt Đảng và Nhà nước đọc điếu văn lên án một người anh hùng được nhân dân kính trọng, được lịch sử ghi lại truyền qua nhiều đời, ngay tại chính lễ tang của người anh hùng ấy. Chắc chắn bác Vũ Mão biết điều này, nên bác viết "Bia miệng để đời mãi tạc ghi". Chính vì thế mà cả cuộc đời còn lại bác không nguôi day dứt, hối tiếc...
Kính trọng và thương tiếc bác nhiều. Cầu chúc cho linh hồn bác an nghỉ bình yên, vui vẻ, hạnh phúc nơi cực lạc.
Mình không nhớ quan chức nào đã nói với mình hay đọc trên báo mạng chuyện chính Trần Đại Quang là người chỉ huy tịch thu các bức trướng và lột bỏ các dải băng chữ trên các vòng hoa viếng tướng Trần Độ. Khi đó Quang là đại tá, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.
Theo wikipedia, đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi vòng hoa đến viếng nhưng người đưa vòng hoa là đại tá Huyên (thư ký lâu năm của tướng Giáp) phải quyết liệt đấu tranh, mới được giữ hai chữ "thương tiếc", nhưng phải chấp nhận xóa bỏ hai chữ "vô cùng" trên vòng hoa tang. Nhưng trời có mắt. Quang đã sớm phải nhận một kết cục xứng đáng theo luật nhân quả.
Trong đôi câu đối tặng Trần Độ, Hà Sĩ Phu đã viết rất hay:
Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm
Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng, nhất đan tâm.
Kính trọng và thương tiếc bác Vũ Mão
Nghe tin bác Vũ Mão mất hôm 30/5, mấy hôm nay đôi lúc mình cũng nghĩ đến bác. Mình đã gặp bác một số lần và rất quý bác vì bác thân thiện. Lần cuối cùng là hai ngày ở cùng khách sạn Mường Thanh, Nghệ An, tháng 4/2015 khi cùng dự "Diễn đàn kinh tế mùa xuân" do Ủy ban kinh tế của Quốc hội phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An và Viện hàn lâm khoa học xã hội VN đồng tổ chức. Tại Diễn đàn này mình đã có 1 tham luận với tiêu đề gây sốc nhưng được đánh giá cao: "VN: Ổn định về lượng, trì trệ về chất, chưa rõ tương lai". Toàn văn bài này có trên mạng. Tối hôm đó VTV1 đã đưa tin mình trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn... Năm 2006, bác Vũ Mão có tặng mình hai tập thơ, cách đây mấy năm khi dọn dẹp sách vở mình vẫn thấy chúng nhưng vì mình không thích thơ nên mình không đọc.Nói thật là bác Mão khéo lắm nên được lòng tất cả mọi người. Kể cả sắp mất, khi làm bài thơ dưới đây đổ tội cho Nông Đức Mạnh hay Đỗ Mười,... bác cũng không dám hay không muốn gọi đích danh họ mà phải dùng ký tự viết tắt ông M hay ông ĐM. Thật là lạ vì thường khi sắp mất thì còn phải sợ gì nữa mà ko viết thẳng tên họ ra ? Điều này cho thấy bác vẫn nhát, vẫn sợ họ và không muốn mất lòng họ. Thực tế, anh em dự tang tướng Trần Độ bảo mình bác Vũ Mão đã không hạ giọng khi đọc đoạn phê phán tướng Độ hôm đó.
.....
Cả ngày đi dạy buồn ngủ quá ko viết nữa. Chỉ viết thêm là dù rất quý bác Mão nhưng mình không tin bác Mão đọc nhẹ đoạn đó, cũng như không tin hồi đó bác đã nhận thức được sai lầm của mình, mà chỉ sau này về hưu, nói chuyện nhiều với người, bác mới hiểu ra và gặp ai cũng thanh minh về sai lầm này.
Qua chuyện bác Vũ Mão càng thấy sống trên đời phải biết giữ mình trong mọi tình huống dù là khắc nghiệt nhất. Cả đời lao động cống hiến, được anh em, bạn bè, đồng nghiệp kính trọng, nhưng chỉ một lần sai lầm, tất cả công sức ấy coi như vứt sạch xuống sông xuống biển. Bây giờ nói đến cái tên Vũ Mão, người ta chỉ nhớ tới bác là người đã thay mặt Đảng và Nhà nước đọc điếu văn lên án một người anh hùng được nhân dân kính trọng, được lịch sử ghi lại truyền qua nhiều đời, ngay tại chính lễ tang của người anh hùng ấy. Chắc chắn bác Vũ Mão biết điều này, nên bác viết "Bia miệng để đời mãi tạc ghi". Chính vì thế mà cả cuộc đời còn lại bác không nguôi day dứt, hối tiếc...
Kính trọng và thương tiếc bác nhiều. Cầu chúc cho linh hồn bác an nghỉ bình yên, vui vẻ, hạnh phúc nơi cực lạc.
Mình không nhớ quan chức nào đã nói với mình hay đọc trên báo mạng chuyện chính Trần Đại Quang là người chỉ huy tịch thu các bức trướng và lột bỏ các dải băng chữ trên các vòng hoa viếng tướng Trần Độ. Khi đó Quang là đại tá, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.
Theo wikipedia, đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi vòng hoa đến viếng nhưng người đưa vòng hoa là đại tá Huyên (thư ký lâu năm của tướng Giáp) phải quyết liệt đấu tranh, mới được giữ hai chữ "thương tiếc", nhưng phải chấp nhận xóa bỏ hai chữ "vô cùng" trên vòng hoa tang. Nhưng trời có mắt. Quang đã sớm phải nhận một kết cục xứng đáng theo luật nhân quả.
Trong đôi câu đối tặng Trần Độ, Hà Sĩ Phu đã viết rất hay:
Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm
Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng, nhất đan tâm.
https://toithichdoc.blogspot.com/2020/06/kinh-trong-va-thuong-tiec-bac-vu-mao.html
1. Con trai cụ Trần Độ viết ngày 6/7/2019
(đưa lên mạng ngày 5/6/2020, tức sau đám tang của bác Vũ Mão)
(chép về Giao Blog lúc 8h30 ngày 5/6/2020)
Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020
Với anh Vũ MãoBắt đầu câu chuyện từ một lễ tang, đó là lễ tang của Cha tôi. Người được tổ chức phân công làm Trưởng ban Tang lễ là anh Vũ Mão. Dù vậy, tôi cũng chưa được gặp anh lần nào cho đến ngày tổ chức Lễ tang.
Ảnh tư liệu của Quốc hội |
Thời gian lùi dần, mọi chuyện như đã trở lại bình thường. Nhớ đến Cha không thể quên được không khí căng thẳng của buổi lễ ấy. Và đương nhiên, không thể nào không nhớ đến anh. Năm 2013, tôi tập hợp các tác phẩm, bài viết, bài báo... của nhiều tác giả viết về Cha tôi để xuất bản cuốn Nhớ Nhà Văn Trần Độ (Nhà xuất bản Văn Học, 2013). Trong quá trình sưu tầm và biên tập cuốn sách, tôi có tìm thấy một bức thư gửi cho Cha tôi của anh Vũ Mão. Bức thư đặc biệt ở chỗ đây là lời của một bài hát do anh cảm hứng sáng tác và trình bày ngay trong buổi lễ Chính Phủ trao tặng Huân chương cho Cha tôi ngày 16/02/1993. Chính vì thế, trong bản thảo, tôi đưa lá thư này vào. Tất nhiên, trong gia đình và bạn bè có nhiều ý kiến. Nhưng tôi giữ nguyên bản thảo khi xuất bản, sách ra vào cuối năm 2013 có bài: Bài ca tặng anh Trần Độ của Vũ Mão.
Có sách, tôi mang gửi tặng tận tay các tác giả và tìm cách gửi tặng anh Vũ Mão như một món quà kỷ niệm. Nhiều người khi nghe ý định ấy đều nhiệt tình nhận chuyển giúp. Lúc đó, tôi quyết định sẽ mang đến giao tận tay anh như một lời cảm ơn những tình cảm của anh với Cha tôi với những lý do mà nhiều lần tôi đã chia sẻ với gia đình và thuyết phục những người thân, bạn bè: Tặng sách cho tất cả những người có tình cảm quý mến Cha tôi cũng như những anh em bè bạn, những người đã giúp đỡ Cha tôi, giúp đỡ gia đình trong những hoàn cảnh khác nhau và những người có liên quan đến nội dung cuốn sách. Những ý kiến phân vân, thậm chí phản đối vì anh liên quan đến đám tang của Cha, tôi lý giải thế này:
Thứ nhất, việc tang của Cha tôi là việc của tổ chức mà gia đình đã chấp nhận, anh Vũ Mão chỉ là người chịu trách nhiệm thi hành chức trách của anh ấy thôi, không thể trách anh ấy được.
Thứ hai, việc chọn người đứng ra chịu trách nhiệm điều hành lễ tang rất phức tạp, thậm chí nhiều người ngại không dám nhận. Việc tổ chức đám tang sẽ như thế nào nếu người tổ chức chỉ làm theo chức phận hoặc làm qua loa đại khái cho xong việc. Khi anh Vũ Mão đảm đương việc này, ngoài chức trách nhiệm vụ, chắc chắn là có phần tình cảm quý mến với Cha tôi nữa. Diễn biến của lễ tang bị đẩy đến một tình thế không kiểm soát được, nguy cơ lộn xộn, náo động ảnh hưởng lớn đến việc hành lễ. Thời điểm ấy, nếu anh bỏ mặc (rất dễ có thể xảy ra) thì mọi việc sẽ trở nên khó lường, không biết diễn biến sẽ đi đến đâu... có thể ảnh hưởng đến việc lớn của gia đình. Nhưng mọi việc sau đó suôn sẻ mà gia đình chấp nhận được, trong đó có vai trò quan trọng của anh. Vậy thì phải biết ơn anh Vũ Mão chứ!
Qua thông tin của nhiều người quen biết gia đình tôi có nói chuyện về nỗi day dứt của anh sau lễ tang của Cha tôi qua một số bài viết, qua lời tâm sự và lời chia sẻ của anh nên tôi nhận thấy cũng cần có những cử chỉ giúp anh dịu bớt dù là rất nhỏ. Mà việc này chỉ có những người trong cuộc mới làm được.
Và để làm việc ấy, tôi đã tìm đến anh, trao tặng cuốn Nhớ Nhà Văn Trần Độ mà trong đó có bài ca của anh viết tặng Cha tôi. Anh cũng chia sẻ nhưng nỗi buồn của anh sau đám tang cha tôi. Anh kể: Về nhà, chị cũng khóc, ôm lấy anh mà than: Anh ơi, sao anh khổ thế! Về chuyện này, anh đã gửi cho tôi và gia đình một số bài viết rất chi tiết về việc tổ chức lễ tang mà anh bị bắt buộc phải làm những điều trái với đạo lý, trái với lòng mình.
Lúc đó, tôi cũng chỉ biết thay mặt gia đình cảm ơn những tình cảm của anh đối với Cha tôi từ trước đến giờ và qua anh để nói với chị là gia đình tôi thông cảm với hoàn cảnh ấy và không trách móc gì anh. Sau đó, tôi và anh vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi sách vở với nhau như những người bạn.
Trong buổi gặp mặt ra mắt cuốn sách mới của anh: Một thời Đông Bắc, tôi được anh trân trọng mời dự. Chào anh xong, tôi lại chào và nói chuyện với Nhà văn Ma Văn Kháng về lời tựa của Nhà văn trong một cuốn sách viết về Cha tôi của Nhà văn Võ Bá Cường. Hội trường gặp mặt toàn những bạn bè của anh trong giới nghệ thuật, các tướng lĩnh, quan chức... Ban Tổ chức giới thiệu khách mời xong, anh đứng lên giới thiệu tôi với mọi người. Tôi cũng có chức phận, nhưng lại được anh giới thiệu theo thân thế... Anh từng là Thiếu sinh quân thời đánh Pháp thì tôi cũng là Thiếu sinh quân thời đánh Mỹ chứ bộ. Vậy mà khi tôi đứng lên được cả khán phòng vỗ tay hồi lâu. Tôi nhớ là mình đã phải đứng lên đáp lễ đến hai lần. Tôi biết là họ vỗ tay không chỉ biểu lộ sự quý mến, kính trọng với Cha tôi mà chính là họ mừng vui cho anh và ca ngợi sự hòa giải, lòng bao dung, cảm thông chia sẻ của những con người.
Ngày 06/7/2019
..
BỔ SUNG
Trả lờiXóa1. Con trai cụ Trần Độ viết ngày 6/7/2019
(đưa lên mạng ngày 5/6/2020, tức sau đám tang của bác Vũ Mão)
(chép về Giao Blog lúc 8h30 ngày 5/6/2020)
Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020
Với anh Vũ Mão
Bắt đầu câu chuyện từ một lễ tang, đó là lễ tang của Cha tôi. Người được tổ chức phân công làm Trưởng ban Tang lễ là anh Vũ Mão. Dù vậy, tôi cũng chưa được gặp anh lần nào cho đến ngày tổ chức Lễ tang.
5.
Trả lờiXóaVũ Thư Hiên
4 tháng 6 lúc 16:57
TRẦN ĐỘ, NGƯỜI YÊU SỰ THẬT
(Nhân sự kiện Vũ Mão qua đời và lời trần tình muộn màng về bài điếu văn đáng xấu hổ trong tang lễ Trần Độ)
1
Tôi ra tù cuối năm 1976.
Gia đình tôi đã rơi xuống đáy vực nghèo khổ khi vắng người đàn ông trụ cột. Tôi không để ý đến mọi thứ khác ngoài đủ thứ công việc có được để kiếm sống.
Phải hai năm sau, cuối năm 1976, tôi mới gặp lại Trần Độ.
Nghe nói với tư cách phó chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Trần Độ hồi ấy rất bận với công việc tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, viết quân sử vv…
Biết vậy, tôi lại càng không có ý tìm anh. Tôi không muốn gặp các quan chức. Tâm lý này là chung cho tất cả chúng tôi, những người không dưng bị mấy tên “lãnh tụ” khốn nạn tống vào tù.
Nhưng rồi Trần Độ thân tìm tôi. Trong bữa rượu hàn huyên đạm bạc chỉ có ba người, ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, phụ tá của anh.