Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

05/05/2020

Nhớ lại chuyện cũ Phan Đăng Lưu - Trường Chinh, nhân chuyện ông Phạm Xuân Thệ

Hôm nay, ngày 5 tháng 5, là ngày sinh của Phan Đăng Lưu (1902-1941). Địa phương và trung ương vẫn thường tổ chức kỉ niệm ngày sinh của cụ (ví dụ năm 2017 thì xem ở đây).

Đợt này, nhân chuyện ông Phạm Xuân Thệ cố tình nhận vơ hết công của toàn bộ đồng đội thành riêng công của mình vào thời điểm buổi trưa ngày 30/4/1975, phớt lờ luôn cả vai trò trọng yếu của một đồng đội khác là Bùi Văn Tùng (đang đi tiếp ở đây), thì:

- hôm nay, nhân ngày sinh Phan Đăng Lưu,

- nhân lại nói chuyện về Phan Đăng Lưu trong phạm vi gia đình,

- nhớ lại chuyện năm 1940, ở Hội nghị Trung ương 7, về Phan Đăng Lưu với Trường Chinh (đã có bài viết học thuật ở đây).

- nhiều năm nay, việc Phan Đăng Lưu (thành viên còn lại duy nhất của Trung ương Đảng) chủ động nhường chức Tổng Bí thư lâm thời cho Trường Chinh (lúc ấy mới chỉ là ủy viên xứ ủy Bắc Kì, chưa có chân trong Trung ương Đảng), đã được phía nghiên cứu lịch sử Đảng thừa nhận, đã sân khấu hóa trong các dịp quan trọng (ví dụ ở đây).

Có chuyện sau, vẫn lưu truyền trong nội bộ gia đình, chúng tôi sẽ xác nhận cụ thể sau khi có điều kiện.


1. Phan Đăng Lưu là người duy nhất có tư cách chính thức để triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 7 năm 1940 (đọc ở đây). Có ba nội dung quan trọng của Hội nghị đó: 1). Bàn và quyết định về khởi nghĩa Nam Bộ; 2). Quyết định chuyển Trung ương từ miền Nam ra miền Bắc, để bảo toàn lực lượng; 3). Bàn và bầu ra Tổng Bí thư lâm thời hay Quyền Tổng Bí thư (vì các Tổng Bí thư của Đảng lúc đó đã lần lượt bị Pháp bắt hết).

2. Chính Phan Đăng Lưu là người triệu tập Hội nghị Trung ương 7, rồi trong Hội nghị thì đã chủ động từ chối chức Tổng Bí thư lâm thời với lí do: 1). Ông muốn chuyển trung ương Đảng từ miền Nam ra miền Bắc cho an toàn, vì các Tổng Bí thư trước đó lần lượt bị bắt khi hoạt động tại miền Nam; 2). Ông phải trở vào miền Nam ngay để hoãn việc khởi nghĩa, nên tự xét là sớm muộn gì cũng sẽ bị Pháp bắt (quả thực, ông đã bị Pháp bắt luôn khi vừa vào tới miền Nam !).

3. Phan Đăng Lưu đã đề cử Trường Chinh lãnh nhiệm vụ Tổng Bí thư lâm thời. Lúc đó, sự đề cử của Phan Đăng Lưu được xem là vượt cấp, vì bản thân Trường Chinh mới là ủy viên xứ ủy Bắc Kì, chưa có chân trong Trung ương Đảng.

Nhờ có sự đề cử đó, Trường Chinh đã trở thành Tổng Bí thư lâm thời. Rồi tới Hội nghị Trung ương 8 (do Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì tại Cao Bằng) thì được chính thức là Tổng Bí thư (xem loạt bài về Trương Chính trên Giao Blog, ở đây).

4. Ấy vậy mà, sau này, ông Trường Chinh thường kể về Hội nghị Trung ương 7 đại loại rằng, giữa chừng Hội nghị thì Phan Đăng Lưu ở miền Nam ra dự họp cùng rồi ra về sớm !

Thực chất là ai triệu tập Hội nghị Trung ương 7 trong tình hình nghìn cân treo sợi tóc ấy ?

Thực chất là ai giữa chừng tham gia họp ?

Lâu nay, một câu chuyện như vậy trong gia đình hay được kể trong lúc giỗ chạp hay anh em con cháu gặp gỡ nhau.

Viết nhanh ở đây, vì thấy ông Phạm Xuân Thệ kể rằng, đang làm việc soạn thảo văn bản cho ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào trưa ngày 30/4/1975, thì thấy có ông Bùi Văn Tùng xuất hiện ! Tức xuất hiện giữa chừng ! Như kiểu giữa chừng xuất hiện vào năm 1940 của Phan Đăng Lưu ấy.

Năm 1940, Phan Đăng Lưu là người triệu tập và chủ trị Hội nghị, phải có mặt từ đầu đến cuối tại làng Đình Bảng, nhưng lại được kể là xuất hiện giữa chừng. Hệt như sau này, năm 1975, Bùi Văn Tùng viết nháp trên cái tờ xanh xanh kia, thế mà, cũng thành ra người xuất hiện giữa chừng !

Ngày 5 tháng 5 năm 2020 này, các ông Phạm Xuân Thệ và Bùi Văn Tùng vẫn còn tại thế, mà cái tờ xanh xanh kia hiện hình như vẫn còn cả đấy.


Ngày 5 tháng 5 năm 2020,
Giao Blog




Đọc toàn văn ở đây.

Ông Phạm Xuân Thệ kể (về buổi trưa ngày 30/4/1975):

"Vào phòng bá âm, chúng tôi mời Dương Văn Minh và Vũ Văn Mầu ngồi xuống ghế, anh em chúng tôi bàn nhau soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng. Mỗi người mỗi câu, mỗi ý, tôi là người chắp bút. Nội dung bản thảo như sau: “Tôi - đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương bỏ vũ khí, trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
Ngay lúc đó, một người to cao, đội mũ cứng đến trước mặt tôi hỏi: Anh là ai? Tôi trả lời: Tôi là Phạm Xuân Thệ - Đoàn phó Đoàn Đông Sơn. Người đó tự giới thiệu: Tôi là Bùi Tùng - Trung tá, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Khi vào dinh Độc Lập chúng tôi thấy anh đã đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh nên chúng tôi ra đây luôn. Tôi liền nói: May quá, chúng tôi đã đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra đây và đang cùng soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng, mời anh cùng làm việc.
Sau khi viết xong, tôi đưa cho Dương Văn Minh xem, vì viết vội và chữ tôi khó đọc, nên Dương Văn Minh đề nghị tôi đọc lại cho ông ta chép. Tôi đồng ý, nhưng khi tôi dọc đến chữ “tổng thống”, ông ta dừng lại và nói: “Báo cáo chỉ huy, vì ông Hương bỏ chạy nên tôi mới lên đảm trách mấy ngày nay, tôi chỉ là đại tướng thôi”. Tôi liền nói: Dù chỉ nắm quyền một giờ hay một ngày, ông cũng là tổng thống của chính quyền Sài Gòn. Thấy tôi có thái độ cương quyết, Dương Văn Minh buộc phải chép tiếp nguyên văn bản thảo do chúng tôi đã soạn thảo."
..


----

BỔ SUNG


1. Bài năm 2015 của ông Mạch Quang Thắng thì cho Hội nghị Trung ương 7 (năm 1940) được triệu tập là do Xứ ủy Bắc Kỳ !

Xứ ủy Bắc Kỳ làm sao triệu tập được Hội nghị Trung ương ? Tôn trọng sự thật, thực chất, nằm ở đâu ?







Thứ sáu, 21 Tháng 8 2015 09:04
2351 Lượt xem


Tôn trọng sự thật lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám


(LLCT) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của một quá trình vận động lâu dài của Đảng Cộng sản Đông Dương và các tầng lớp yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.  Tuy nhiên, gần đây một số người cho rằng, Cách mạng Tháng Tám thành công là do "ăn may", là do có "khoảng trống quyền lực" nên Việt Minh nhảy ra nắm lấy chính quyền. Một số ý kiến khác lại cho rằng có vai trò của Chính phủ Trần Trọng Kim đã đứng ra làm trung gian vận động quân Nhật không chống đối Việt Minh… Vậy sự thật diễn ra như thế nào? Bài viết góp phần làm sáng tỏ những vấn đề trên
1. Sức sống và năng lực của một đảng lãnh đạo cách mạng
Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam(1)sau 15 năm ra đời đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng lập nên chính thể cộng hòa dân chủ, một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông - Nam châu Á. Đảng ra đời là một tất yếu lịch sử do chính nhu cầu của xã hội Việt Nam chứ không phải như một số người cho rằng ĐCS Việt Nam ra đời là do sự thúc ép, do chỉ thị từ bên ngoài (Quốc tế Cộng sản), do yếu tố ngoại lai chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào Việt Nam, v.v.. Đảng có mục tiêu lãnh đạo toàn dân giành độc lập cho dân tộc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là CNXH. Đảng ra đời, tồn tại và phát triển không do mục đích tự thân mà là vì Tổ quốc, vì dân tộc, vì nhân dân.
Chính vì thế, sự hiện diện của ĐCS Việt Nam trong suốt thời kỳ đấu tranh gian khổ giành chính quyền là tất yếu, là có vị thế chính đáng, là do nhân dân, dân tộc giao phó nhiệm vụ vẻ vang. Sức mạnh của Đảng được hun đúc từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ sức sống bất diệt của bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ trách nhiệm của nhân dân giao cho. Qua hơn 10 năm hoạt động không hợp pháp, Đảng đã thể hiện rõ năng lực lãnh đạo của mình trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng và trở thành một Đảng cầm quyền. Điều này thể hiện rõ nhất ở những vấn đề sau đây:
- Đảng có sức sống mãnh liệt trước sự đàn áp, khủng bố khốc liệt của đế quốc và tay sai. Trong nhiều thời điểm, các tổ chức Đảng đã bị địch đánh tan cả Ban Chấp hành Trung ương trở xuống đến cơ sở. Sau cao trào cách mạng 1930-1931, dưới sự khủng bố, đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp, các tổ chức Đảng bị tổn thất lớn. Trước thời kỳ này, vào năm 1929, Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú và 5 người yêu nước khác đã bị Tòa án Nam Triều ở Vinh kết án tử hình vắng mặt. Tháng 4-1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt tại Sài Gòn; tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị bắt tại Hương Cảng (Trung Quốc). Toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị bắt. Theo niên biểu thống kê Đông Dương, từ năm 1930 đến năm 1933, thực dân Pháp đã bắt giam 246.532 người. Tòa án các cấp của chính quyền thực dân liên tục mở các phiên tòa để xét xử các đảng viên cộng sản. Năm 1930-1931, ở Bắc Kỳ, chúng đã xét xử 1.094 án, trong đó có 164 án tử hình, 114 án khổ sai, 420 án đày biệt xứ. Tháng 5-1933, ở Sài Gòn, chúng xử và kết án 8 án tử hình, 19 án tù chung thân, khoảng 100 án khổ sai, đày đi biệt xứ.
Điều kỳ diệu là các tổ chức Đảng qua mỗi thời kỳ bị khủng bố trắng lại được lập lại và có sự phát triển mạnh hơn trước đó. Ban Chấp hành Trung ương Đảng có lúc bị thực dân Pháp xóa bỏ hoàn toàn thì Xứ ủy Bắc Kỳ đứng ra triệu tập Hội nghị để lập lại Trung ương, như tại Hội nghị Trung ương tháng 11-1940 ở Đình Bảng (Bắc Ninh). Những đảng viên cộng sản bị tù đày đã giữ vững khí tiết cách mạng, biến nhà tù thành trường học, khôn khéo đấu tranh trong tù, khi ra tù thì tìm cách bắt liên lạc, hòa vào phong trào cách mạng, trở thành những nòng cốt của các cuộc đấu tranh. Ngay tại thời điểm chuẩn bị giành chính quyền, số lượng đảng viên chỉ có khoảng 5 nghìn người, nhưng đó thực sự là những chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lòng một dạ chiến đấu dưới lá cờ Đảng quang vinh. Như vậy, không có cuộc đàn áp nào, dù là khốc liệt, tàn bạo đến mấy, đánh gục được tinh thần, ý chí của những người cộng sản, không có âm mưu và thủ đoạn nào phá vỡ được các tổ chức của ĐCS Việt Nam trong suốt thời gian đấu tranh giành chính quyền.
- Đảng đã trưởng thành qua từng thời kỳ để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình, đặc biệt có trí tuệ sáng suốt nắm bắt tình hình quốc tế và trong nước để đề ra đường lối cứu nước đúng đắn, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Trong cao trào cách mạng 1939-1945, Đảng đã tiến hành chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, thể hiện rõ nhất là ở ba Hội nghị Trung ương Đảng: Hội nghị Trung ương 6, tháng 11-1939 tại Gia Định do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì; Hội nghị Trung ương 7, tháng 11-1940 tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) do Xứ ủy Bắc Kỳ triệu tập; Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941 tại Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Nét chung nhất của cả ba hội nghị này trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng là ở chỗ:
Một, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, tập trung mũi nhọn vào giải quyết vấn đề dân tộc độc lập. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941 đã chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(2). Hội nghị đã quyết định: “Với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”(3).
Đây là sự thay đổi cực kỳ quan trọng trong chỉ đạo chiến lược cách mạng, là sự giải quyết thành công mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp,  chứng tỏ tầm cao trí tuệ của Trung ương Đảng và cũng là để thực thi những quan điểm của Hồ Chí Minh. Đầu những năm 1920, tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh quan điểm, chỉ có giải phóng được giai cấp thì mới giải phóng được dân tộc, và hai cuộc giải phóng này đều phải được đặt trong phạm vi của cuộc cách mạng vô sản. Quan điểm này của Nguyễn Ái Quốc là hoàn toàn quán triệt tinh thần của C.Mác. Nhưng đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam thời kỳ 1930-1945, trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã có sự chuyển hướng chiến lược, xác định rõ: chỉ có giải phóng được dân tộc thì mới giải phóng được giai cấp. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam thuộc địa - phong kiến, một xã hội mà trong đó tất cả mọi giai tầng, dù ít, dù nhiều đều có một “mẫu số chung” là mâu thuẫn dân tộc và đều muốn thoát khỏi ách áp bức dân tộc (trừ bọn Việt gian, tay sai bán nước).
Hai, lập mặt trận dân tộc phản đế. Sau thời kỳ dân chủ 1936-1939, nhiệm vụ chống đế quốc nổi lên hàng đầu. Để tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta đã thành lập Mặt trận Việt Minh, ngay sau Hội nghị Trung ương 8 (5-1941). Như vậy, số lượng gần 5 nghìn đảng viên của Đảng được bổ sung về chất với hàng triệu thành viên của Mặt trận Việt Minh, tạo thành sức mạnh vật chất to lớn cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Ba, Đảng chủ trương lập chính quyền với chính thể cộng hòa dân chủ. Ngay tại Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (1930), Đảng đề ra chủ trương sẽ thành lập chính phủ công nông, tức là theo mô hình của chính quyền Xôviết. Thực tế cho thấy, hình mẫu này không phù hợp với nước ta - một nước thuộc địa, phong kiến, nơi không chỉ có công - nông là lực lượng quan trọng của cách mạng mà còn có các lực lượng khác, như: trung, tiểu địa chủ, tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước, đặc biệt là tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Do vậy, Đảng ta đã chủ trương xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân để tập hợp được sức mạnh của tất cả các giai cấp, tầng lớp yêu nước. Đây chính là sự nhận thức trên cơ sở tầm nhìn sáng suốt của Đảng trong thực tiễn hơn 10 năm kể từ khi ra đời.
- Đảng đã nắm chắc tình thế và thời cơ cách mạng để phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng.
Với cuộc phản công của Liên Xô và của mặt trận thứ hai của quân Đồng minh, từ năm 1942, lực lượng phát xít đã suy yếu hẳn. Đến năm 1945, lực lượng phát xít tại châu Âu đã bị thất bại. Ở châu Á, từ năm 1940, phát xít Nhật tiến vào Đông Dương theo sự thỏa thuận của thực dân Pháp. Nhân dân Việt Nam bị tình cảnh “một cổ hai tròng”. Chúng tăng cường bóc lột, vơ vét của cải, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Đêm 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp độc chiếm toàn Đông Dương, nhưng chúng lại lâm vào tình thế bi đát hơn bao giờ hết vì ở châu Á quân đội Nhật đã bị tiêu diệt đáng kể, và cùng với phe trục chuẩn bị đầu hàng quân Đồng minh. Tình thế và thời cơ cách mạng cho Việt Nam giành lấy chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai đã xuất hiện.
Nhưng, tình thế vẫn chỉ là tình thế, thời cơ vẫn chỉ là thời cơ. Vấn đề là lực lượng lãnh đạo là ĐCS Việt Nam cùng toàn thể nhân dân Việt Nam có biết cách đấu tranh để chớp lấy thời cơ cứu nước, giành lấy chính quyền hay không? Lịch sử đã chứng tỏ rằng: Đảng ta đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện, có sự chuyển hướng chỉ đạo kịp thời, vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin; nhân dân và toàn dân tộc đã sẵn sàng đứng dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh do Đảng lãnh đạo để dấy lên cao trào kháng Nhật, cứu nước.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh, chứng tỏ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Không có năng lực và sức mạnh đó thì thời cơ sẽ bị tuột khỏi và cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền sẽ không thể giành được thắng lợi.
2. Sự thật thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không phải là ăn may
Với những lập luận như trên cho thấy, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là do ăn may. Cuộc cách mạng đó diễn ra trong vòng một tuần lễ, mà không có đổ máu. Như vậy có liên quan gì đến ăn may không? Lại nữa, lúc đó quân đội phát xít Nhật đồn trú ở Đông Dương còn nhiều, lại chưa có lệnh đầu hàng của Nhật Hoàng, mặc dù chúng đang chuẩn bị chính thức ký tuyên bố đầu hàng. Tình hình khi đó diễn ra như sau: để tiêu diệt ý chí kháng cự của phát xít Nhật ở phía Đông, ngày 6 và 9-8-1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Trong khi đó, ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản, đưa hơn 1,7 triệu Hồng quân sang phía Đông để tiến công đội quân Quan Đông với hơn 1 triệu tên đang ở Đông Bắc Trung Quốc và Triều Tiên. Sau gần hai tuần lễ, đội quân Quan Đông đã bị đánh bại. Ngày 11-8-1945, Nhật Bản gửi điện cho Đồng minh tuyên bố chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Ngày 15-8-1945, Nhật Bản chính thức tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho quân đội ở tất cả các chiến trường hạ vũ khí.
Thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn cho lực lượng cách mạng Việt Nam đã xuất hiện. Quân đội Nhật đã không kháng cự khi lực lượng Tổng khởi nghĩa đang dâng cao. Hơn nữa, Chính phủ do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng là chính phủ thân Nhật Bản nên đã nhanh chóng rệu rã trước sức đấu tranh giành độc lập của toàn thể dân tộc. Chính phủ này không có quyền thành lập quân đội, không được phép lập cơ quan an ninh, cảnh sát thống nhất, càng không có quyền độc lập về ngoại giao.
Nói rằng, lúc đó có “khoảng trống quyền lực” do Chính phủ Trần Trọng Kim “nằm im”, và do sự cai trị lỏng lẻo của phát xít Nhật ở Việt Nam do đang chờ Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng, và cho rằng trong hoàn cảnh như thế Việt Minh vào các trụ sở chính quyền như vào chỗ không người, có đúng không? Có không ít người hiện nay còn gắn công lao cho Chính phủ Trần Trọng Kim, rằng họ đã đứng ra làm “trung gian”, vận động quân Nhật trung lập, không chống đối Việt Minh cho nên Việt Minh không vấp phải sự kháng cự nào của quân Nhật; rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu ở Thái Nguyên quân Nhật tấn công mạnh lại quân ta và tiến về Hà Nội; điều gì sẽ xảy ra khi quân đội Nhật còn đồn trú ở Đồn Thủy (nay là khu Bệnh viện Hữu nghị và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Hà Nội)?..
Hoàn toàn không phải vậy.
Cho nên, nếu không có ĐCS Việt Nam có năng lực, sáng suốt và bản lĩnh; nếu không có nhân dân Việt Nam đã giác ngộ, đoàn kết trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, chặt chẽ, thì dù điều kiện quốc tế có thuận lợi đến mấy, cách mạng vẫn không thể giành được thắng lợi. Bởi lẽ lúc bấy giờ, ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng không phải chỉ duy nhất Việt Nam có điều kiện quốc tế thuận lợi, nhưng chỉ có Việt Nam là tận dụng được cơ hội đó bởi vì Việt Nam có thực lực. Mà thực lực ở đây là ở chỗ có một Đảng lãnh đạo sáng suốt, nhanh nhạy với thời cuộc; có những cuộc tổng diễn tập mà ở đó các cao trào cách mạng đã dấy lên qua bao phen thử lửa với kẻ thù; có được một lực lượng đại đoàn kết vô địch. Sức mạnh dân tộc đã kết hợp được ngay với thời cơ, với sức mạnh quốc tế. Đó là sự gặp gỡ giữa những yếu tố chủ quan và những điều kiện khách quan. Đó là hai vế của một nguyên nhân dẫn đến kết quả. Không có những yếu tố chủ quan là sự chuẩn bị của ĐCS Việt Nam và sức mạnh đoàn kết được tập hợp, sức mạnh có tổ chức của toàn dân tộc Việt Nam thì không thể có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Việt Nam thực hiện khẩu hiệu hành động “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Cuộc đấu tranh giành chính quyền có đi tới được thắng lợi hay không thì phụ thuộc vào chính sức mạnh vùng lên của bản thân nhân dân Việt Nam do ĐCS lãnh đạo. Chỉ có thể gọi thắng lợi đó là ăn may khi ĐCS Việt Nam không làm gì cả, hoặc yếu ớt, hoặc năng lực kém không làm nổi vai trò lãnh đạo và không sáng suốt nhạy bén với tình hình; khi Đảng không tập hợp nổi lực lượng quần chúng mà vẫn giành được chính quyền về tay mình. Thời cơ giành chính quyền xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng các đảng phái và lực lượng chính trị khác ở Việt Nam không nắm được trong khi đó ĐCS Việt Nam lại nắm được, đã phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền trong phạm vi cả nước. Điều này giải thích tại sao yếu tố nội lực quan trọng và quyết định nhất chứ không phải ăn may.
Còn “khoảng trống quyền lực” (power vacuum)? Có cái khoảng trống ấy không? Lực lượng quân đội Nhật ở Việt Nam vẫn còn đông và mạnh. Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật vẫn còn đó. Họ không thể giương súng để chống lại những dòng thác cách mạng Việt Nam vùng lên là có lý do. Họ biết là họ không thể nào ngăn được những sức mạnh như triều dâng thác đổ ấy vào cái thời điểm của những ngày Tháng Tám lịch sử năm 1945. Họ đâu có cái tư tưởng nhường chính quyền cho cách mạng! Với bản chất đế quốc thực dân - phong kiến, họ không bao giờ tự nguyện trao nộp cho cách mạng cái quyền lực mà họ đang nắm giữ. Không có gì khác hơn là cách mạng phải dùng bạo lực để phá tan bộ máy chính quyền thống trị của phát xít Nhật và Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim. Như vậy, cách mạng Việt Nam đã đứng về phe Đồng minh chống chủ nghĩa phát xít trên thế giới, đúng như Hồ Chí Minh nêu trong bản Tuyên ngôn Độc lập: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam  từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”(4), “Một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”(5). Còn Chính phủ Trần Trọng Kim vận động quân đội Nhật Bản ở Việt Nam đứng “trung lập” ư? Không phải. Có muốn thì quân đội Nhật cũng không thể làm gì hơn là nhìn Việt Minh phá kho thóc giải quyết nạn đói; họ cũng không thể làm gì hơn là chỉ đứng nhìn những cuộc tuần hành, biểu tình, mít tinh, những dòng người cuồn cuộn chiếm các công sở, lập nên chính quyền cách mạng.
Thực ra, một bộ phận quân Nhật vẫn có kháng cự trước đấu tranh của Việt Minh, nhưng rồi chúng phải rút lui. Công này không thuộc về Chính phủ Trần Trọng Kim. Tại trại Bảo an binh ở Hà Nội, khi đoàn biểu tình vũ trang của ta kéo đến, chỉ huy và binh lính Nhật trong trại đã đồng ý trao vũ khí và xin hàng. Nhưng, quân Nhật cho 4 chiếc xe tăng chặn các góc phố. Do vậy, quân lính trong trại Bảo an binh trở mặt, chống đối. Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã đưa lực lượng chặn xe tăng, đồng thời cử đại diện đến thương thuyết với các cấp chỉ huy quân đội Nhật, yêu cầu không can thiệp. Sau đó chúng phải rút đi. Đây là kết quả của việc đấu tranh ngoại giao vừa sáng tạo, vừa táo bạo của ta. Tình hình ở nhiều nơi khác, như Thái Nguyên cũng như vậy. Hơn nữa, với năng lực và hoàn cảnh của mình, Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại vẻn vẹn khoảng 3 tháng. Ngày 5-8-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim dâng lên Hoàng đế Bảo Đại tờ phiến xin từ chức, và đã được chấp nhận, ngày 6-8-1945.
Nhìn nhận để đánh giá về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được phản ánh qua nhiều nguồn tư liệu lịch sử với những chính kiến khác nhau. Nhưng lịch sử chỉ có một. Sự thật chỉ có một. Do vậy, cần tôn trọng sự thật khách quan, với cái nhìn biện chứng và đầy nhân văn trong sự nghiệp ba giải phóng mà chính Hồ Chí Minh đã khởi xướng và dành cả cuộc đời mình phấn đấu: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. 70 năm nhìn lại, chúng ta nhớ lời của Hồ Chí Minh: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(6)
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2015
(1) Đảng đã có nhiều tên khác nhau. Trong bài này, tác giả dùng một tên chung cho các thời kỳ: Đảng Cộng sản Việt Nam.
(2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.113, 131-132.
(4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.557, 557, 159.

GS, TS Mạch Quang Thắng
Viện Lịch sử Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/1081-ton-trong-su-that-lich-su-cua-cuoc-cach-mang-thang-tam.html


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.