Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/03/2020

Ở yên và vui trong động sâu cả 10 năm (Khương Công Phụ ẩn cư tại đất Tuyền châu hồi thế kỉ 8)

Từ  0 h ngày 28/3 năm 2020, nước Đại Việt giới nghiêm.

Đang đại dịch Cô Vy, nên kể chuyện ẩn cư của người xưa.

Mà nhắc đến ở đây là chuyện về cụ Khương Công Phụ - người của thời nhà Đường (Trung Quốc), tức là sống trước thế kỉ X. Có nghĩa là sống cách chúng ta hơn cả 1000 năm. Cụ vốn là đất Việt (người đất châu Ái hồi đó) mà đã thi đỗ Tiến sĩ ở Trung Nguyên, tức tại kinh đô của Đại Đường Đông Thổ, nên được vua Đường mến mộ mà tuyển dụng.

Cụ trải qua nhiều chức quan trong triều đình nhà Đường, có lúc làm tới chức Tể tướng - tức ngang với hàng Thủ tướng bây giờ, đại khái thế.

Ấy vậy mà khoảng 10 năm cuối đời, cụ lại từ quan, từ bỏ những chức vụ to lớn với bao nhiêu bổng lộc, để mà vào đất Tuyền châu....đi ẩn cư.

Khương Công Phụ mất năm Vĩnh Trinh 1 đời Đường Thuận Tông (tức năm 805). Nên có thể nói, cụ là người của thế kỉ 8 - 9.

0. Tương truyền, hồi đó Cô Vy cổ đại phát tác, cả Trung Nguyên được lệnh giới nghiêm, từ 0h ngày 28 tháng 3 năm ấy, nên cụ phải đi ẩn cư. Đại khái là Tể tướng làm gương cho quốc dân nước Đại Đường, tự mình bỏ chức vị mà đi ẩn cư. 

Khương Công Phụ ngồi yên trong động sâu khoảng một thập niên. Mà ở yên đã là yêu nước rồi ! Bên Mĩ của cụ Đồ Nam Trump đang giương cao biểu ngữ "Stay at Home".

Bản chụp một tờ báo phát hành ở Mĩ mấy hôm trước
(người bạn A. đang ở bên đó gửi cho Giao Blog qua mạng)






1. Mấy lời ghi nhanh ở mục 0 trên đây, thật ra, là nói vui thế thôi. Chứ hồi đó, cách nay tới hơn một ngàn năm, làm gì có Cô Vy với cả Cô Vy cổ đại chứ.

Vui vậy, trong mục Văn nghệ Thứ Bảy giữa đại dịch Cô Vy 19 - 20 này thôi !

Nhưng điều này thì là sự thực: sau những năm được sủng ái ở triều đình Đại Đường, thì một dạo cụ Khương Công Phụ bị hoàng đế ghét. Hoàng đế Đại Đường muốn đưa cụ Khương đi đày khổ sai ! Cụ phải xin hoàng đế Đại Đường cho đi ẩn cư để tu luyện theo Đạo giáo, tức là thành ra Đạo sĩ.

2. Xưa nay, chúng ta thường chỉ đề cập đến cụ Khương Công Phụ như là một Nho sĩ đời đầu tiêu biểu của Đại Việt. Cụ đã dùi mài kinh sử ở Trường An và đỗ đạt, nên được khởi dụng, rồi lên đỉnh cao của danh vọng.

Bây giờ, chúng tôi muốn trở lại, từ sử liệu cũ mà khắc họa gương mặt Đạo sĩ của họ Khương.

Thời Đường là thời mà Đạo giáo được tôn sùng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Thái tổ nhà Đường xem Lão Tử (tức Lí Đam, hay Lí Nhĩ) là thủy tổ của mình --- bởi vua Đường là họ Lí. Kinh điển của Đạo giáo, như Đạo đức kinh hay Lão tử được xem là sách giáo khoa bắt học trò phải học. Thi cử thì kết hợp cả kinh điển Nho giáo với kinh điển Đạo giáo.

Nhân vật Lí Thế Dân (sau này thành Đường Thái Tông) có thể đọc trong truyện của Đạo sĩ danh tiếng Đỗ Quang Đình (xem trên Giao Blog ở đây).




3. Khương Công Phụ (mất năm 805) là thế hệ trước của Đỗ Quang Đình (850-933). Họ Khương đã mất hơn 40 năm rồi, thì họ Đỗ mới được sinh ra, đại khái thế.

Hành trạng của họ Khương còn được ghi trong nhiều sử liệu của Trung Quốc.

Theo học phong thời Đường, chắc hẳn họ Khương thông bác cả Nho giáo và Đạo giáo. Chí hướng tu luyện theo Đạo giáo của ông không hẳn là đến cuối đời mới có, mà nó đã thường trực từ ngày còn trẻ.

Thú vị là sau này, Đỗ Quang Đình cũng từ bỏ quan chức đi vào núi tu luyện Đạo giáo, được mệnh danh là "Sơn trung Tể tướng" (tức Tể tướng ẩn cư trong núi). Họ Đỗ là một trong nhà biên thuật quan trọng của Đạo giáo Trung Quốc, để lại cho đời rất nhiều sách vở.

Trong một số trước tác của Đạo sĩ họ Đỗ, chúng ta thấy một ít ghi chép về Giao Châu hay Giao Chỉ thời đó.

Đại khái vậy, để kỉ niệm ngày đầu thực hiện lệnh giới nghiêm.

Ngày 28 tháng 3 năm 2020,
Giao Blog




---



BỔ SUNG





1.

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Khương Công Phụ tể tướng Trung Hoa

Vị hiền nhân người Việt làm tể tướng Trung Hoa
Vào triều đại nhà Đường của Trung Hoa, nước Việt vẫn đang nằm trong thời kỳ Bắc thuộc, nhưng không phải vì thế mà chúng ta thiếu đi nhân tài. Trong lịch sử có ghi chép về câu chuyện hai anh em họ Khương ở xứ An Nam sang tận kinh đô nhà Đường khảo thí cùng các anh tài của Trung Quốc thời bấy giờ. Cả hai đều đỗ tiến sĩ, trong đó có một người đỗ đầu trên bảng vàng, rồi làm quan cho nhà Đường tới chức tể tướng.
Theo gia phả của chi tộc họ Khương ở Yên Định, Thanh Hóa, thì dòng họ Khương nổi lên từ thời của Khương Thần Dực. Bấy giờ, ông được bổ nhiệm làm Thứ Sử vùng đất Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay). Con của Khương Thần Dực là Khương Văn Đĩnh làm quan đến huyện thừa tiến sĩ. Ông sinh được hai người con trai là Khương Công Phụ và Khương Công Phục, cả hai anh em đều rất kháu khỉnh.

Vùng đất Yên Định, nơi Khương Công Phụ được sinh ra. (Ảnh qua Thanhhoa.gov.vn)
Tài không đợi tuổi
Hai anh em Công Phụ và Công Phục từ nhỏ đã thể hiện thiên tư tuyệt vời, nên ông Khương Văn Đĩnh rất vui mừng tìm thầy giỏi dạy học cho hai con. Trong hai anh em thì người anh Khương Công Phụ có sức học khiến thầy phải kinh ngạc, chẳng mấy chốc đã thông tỏ Tứ thư Ngũ kinh; ý nghĩa thâm sâu trong Kinh Thư, Kinh Lễ cũng được cậu diễn giải thông suốt. Tiếng tăm về sức học của Công Phụ khiến người dân quanh vùng đều biết, thậm chí các quan nhà Đường ở quận Cửu Chân đều nể phục cậu bé.

Sau khi học thành tài, hai anh em Công Phụ và Công Phục tham gia kỳ thi quận. Năm ấy chỉ có 8 sĩ tử đứng đầu An Nam (tên gọi dành cho nước Việt dưới thời nhà Đường) mới được sang Trường An – kinh đô của nhà Đường để thi tiếp.

Trường An. (Ảnh qua Pinterest.com)
Qua các kỳ thi khảo hạch, bất kể là câu hỏi thuộc chủ đề nào, anh em Công Phụ và Công Phục đều làm bài trôi chảy, lời văn mạch lạc khúc chiết, diễn giải thâm sâu, khiến chốn quan trường tại An Nam vô cùng kinh ngạc. Kết quả Khương Phụ đứng đầu trong 8 sĩ tử và cùng em mình được chọn đến dự thi khoa thi tiến sĩ ở Trường An vào năm 758.

Chinh phục Trường An
Trường An – kinh đô nhà Đường – là một trong những nơi văn minh bậc nhất thế giới ở thời điểm đó. Giữa phố phường tấp nập ngựa xe, các sĩ tử Trung Hoa mang dáng vẻ cao ngạo khi tiếp xúc với những sĩ tử từ phương xa tới. Thông thường các giám khảo cũng có xu hướng đánh giá các sĩ tử phương Bắc cao hơn.

Trường An phồn hoa. (Ảnh minh họa qua chinatraveldepot.com)
Thế nhưng trong khoa thi năm 758, Khương Công Phụ với tài năng thông tuệ của minh đã vượt qua các kỳ thi sát hạch khó khăn nhất. Trí tuệ của Công Phụ đã chinh phục ngay cả những giám khảo khó tính nhất, khiến tất cả đều kinh ngạc.

Bài thi “Đối trực ngôn cực gián” của Công Phụ xuất sắc đến nỗi tất cả các giám khảo đều phải thừa nhận và khâm phục thí sinh xứ An Nam. Kết quả, hai anh em Công Phụ, Công Phục cùng đậu tiến sĩ, đặc biệt Khương Công Phụ đã vượt lên hàng ngàn sĩ tử, đứng đầu bảng vàng, đoạt lấy khôi nguyên tiến sĩ cả nước Đại Đường.

Tể tướng Trung Hoa
Ngay sau kỳ thi, Khương Công Phụ được hoàng đế Đường Túc Tông (756 – 762) phong quan chức “hiệu thư lang”; còn người em là Khương Công Phục làm “lang trung bộ Lễ” rồi “bắc bộ thị lang”.

Với phẩm cách hơn người, Công Phụ đã có nhiều chính sách và công lao lớn, khiến Hoàng đế tin tưởng phong chức làm “tả thập di”, chuyên việc giám sát công việc các quan trong triều.


Tể tướng Khương Công Phụ. (Ảnh qua baike.com)
Mỗi khi yết triều, Khương Công Phụ đối đáp trôi chảy mạch lạc, ứng xử thông minh, diễn giải mọi việc thâm sâu, khiến các quan trong triều đều khâm phục. Vì thế ông được mời vào viện Hàn lâm làm “hàn lâm học sĩ” kiêm chức “kinh triệu hộ tào tham quân”.

Năm 783, nhà Đường có biến, quân Kinh Nguyên tấn công thành Trường An khiến Đường Đức Tông phải rời khỏi kinh thành, sau lại có thêm Chu Thử làm phản tự xưng đế.

Khương Công Phụ năm ấy đã 50 tuổi, theo Hoàng đế nhiều lần can gián, lập công lớn. Đức Tông khi nhìn lại sự việc thấy các lời can gián và tiên đoán của Khương Công Phụ đều chính xác cả, cảm thấy nuối tiếc vì bản thân mình nhiều lần không nghe lời Công Phụ. Từ đó, Hoàng đế tin tưởng phong cho Công Phụ làm “gián nghị đại phu”, “đồng trung thư môn hạ bình chương sự”, chính là hàm tể tướng.

Khương Công Phụ nhiều lần can gián hoàng đế. (Ảnh minh họa qua Knews.cc)
Về công lao can gián Hoàng đế trong cuộc phiến loạn này, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép như sau:

…(Khương Công Phụ) từng xin giết Chu Thử, vua Đường không nghe. Không bao lâu Kinh sư có loạn, vua Đường từ cửa Thượng Uyển đi ra, Công Phụ giữ ngựa lại can rằng: “Chu Thử từng làm tướng ở đất Kinh đất Nguyên, được lòng quân lính, vì Chu Thao làm phản nên bị vua cất mất binh quyền, ngày thường vẫn uất ức, xin cho bắt đem đi theo, chớ để cho bọn hung ác đón được”. Vua Đường đương lúc vội vàng không kịp nghe, trên đường đi lại muốn dừng lại ở Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật. Công Phụ can rằng: “Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy, nhưng là quan văn, quân đột kỵ ở Ngư Dương do ông ta quản lĩnh đều là bộ khúc của Chu Thử. Nếu Thử thẳng đến Kinh Nguyên làm loạn, thì ở nơi ấy không phải kế vạn toàn”. Vua Đường bèn đi sang Phụng Thiên. Có người báo tin Thử làm phản, xin vua Đường phòng bị. Vua Đường nghe lời Lư Kỷ xuống chiếu cho quân các đạo đóng cách xa thành một xá, muốn đợi Thử đến đón. Công Phụ nói: “Bậc vương giả không nghiêm việc vũ bị thì lấy gì để oai linh được trọng. Nay cấm binh đã ít người mà quân lính người ngựa đều ở bên ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm”. Vua Đường khen là phải, cho gọi hết vào trong thành. Quân của Thử quả nhiên kéo đến, đúng như lời của Công Phụ. Vua Đường bèn thăng cho Phụ làm gián nghị đại phu, đồng trung thư môn hạ bình chương sự….

Một người con của xứ An Nam lại làm tể tướng đứng đầu cả một triều đình phương Bắc, chỉ dưới Hoàng đế – đây quả là sự kiện có một không hai trong lịch sử. Người Việt có thể tự hào khi có một vị hậu duệ nhà Trần trở thành Hoàng đế Trung Hoa, và cũng có thể tự hào về một hiền nhân làm quan tể tướng đầu triều thời nhà Đường. (Xem bài: Hậu duệ nhà Trần của Đại Việt trở thành Hoàng đế Trung Hoa?)

Trực ngôn can gián
Năm 784, công chúa Đường An chẳng may chết yểu. Quá thương con, Hoàng đế ra lệnh xuất tiền công khố để xây tháp vô cùng nguy nga lộng lẫy. Thế nhưng tể tướng Khương Công Phụ lại thẳng thắn can ngăn.

Đang lúc thương tiếc con, lại nghe phải lời trái tai của Công Phụ, Hoàng đế đã tức giận giáng chức ông xuống làm “tả thứ tử” (chức quan dưới quyền thái tử, công việc là coi giữ sổ sách cho thái tử trong cung) nhưng vì mẹ mất nên ông được giải chức về chịu tang.

Sách “An Nam chí lược” có ghi chép chuyện can gián của Khương Công Phụ như sau:

Công Phụ can rằng: “Sơn Nam không phải là nơi ở lâu dài, vả lại nên tiết kiệm để giúp vào khoản cần cấp của việc quân”. Vua bảo Lục Chí rằng: “Công Phụ muốn chỉ trích lỗi lầm của Trẫm để cầu danh mà thôi”. Lục Chí tâu rằng: “Công Phụ làm quan gián nghị, giữ chức tể tướng, bày điều phải, sửa điều trái, chính là bổn phận. Đặt gia phụ thần ở tả hữu để sớm tối nghe lời can ngăn. Thấy cơ nguy thì giúp đỡ ngay, ấy việc của Phụ Thần là như thế”. Vua nói: “ Không phải”. Vua bèn đổi Công Phụ làm thái tử tả thứ tử.

Năm Quý Dậu (793), Khương Công Phụ bị sai đi biệt giá ở Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến). Ông sống ở đây 14 năm, tự làm nhà dưới chân núi Cửu Nhật Sơn (thuộc huyện Nam Yên), kết bạn với một vị quan ở ẩn khác là Tần Hệ. Hai người có cảnh ngộ giống nhau, ngày ngày đi dạo chơi ngắm cảnh sông núi, ngâm thơ, xướng hoạ.

Năm 805, vua Đường Thuận Tông lên ngôi, bãi bỏ các chính sách hủ bại thời Đường Đức Tông, phế truất tham quan, hạn chế quyền lực hoạn quan.

Vua Đường Thuận Tông trọng dụng nhân tài, vì thế mà Khương Công Phụ lại được vời ra làm quan. Thế nhưng do tuổi cao nên chưa kịp nhận chức thì ông đã mất năm 805, thọ 73 tuổi. Vì xa vợ con, xa gia đình nên Công Phụ đã được người bạn thân là Tần Hệ chôn cất ở núi Cửu Nhật Sơn.

Tưởng nhớ
Khi Khương Công Phụ ở Tuyền Châu, người dân địa phương đã tự nguyện xây 2 ngôi đình ở bên ngoài về phía Đông của châu thành để kỷ niệm nơi ông cùng quan thứ sử Tuyền Châu từng đến dạo chơi. Về sau người dân còn xây một ngôi đền thờ Khương Công Phụ và Tần Hệ tại sườn phía Tây núi Cửu Nhật Sơn, và đặt tên một chóp núi cao là “Khương tướng phong” để kỷ niệm nơi Công Phụ đến ở ẩn. Bên chóp núi “Khương tướng phong” có “Khương tướng mộ” (hiện nay mộ phần vẫn còn, còn cả bia ghi lại kỳ tích của Khương Công Phụ bằng chữ Hán).


Tấm bia kỷ niệm về Khương Công Phụ. (Ảnh qua Website gia tộc họ Khương)
Ngày nay ở Thanh Hóa dòng họ Khương có lập đền thờ Khương Công Phụ tại vị trí ngay trên nền nhà cũ của ông ở làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Vào ngày 10/3 hàng năm, lễ giỗ Khương Công Phụ được tổ chức ở xã Định Thành với sự tham gia của đông đủ con cháu họ Khương, người dân trong làng, cùng người dân ở nhiều nơi khác. Tại đây, lớp lớp con cháu lại được nghe kể về kỳ tích của ông.


Sắc phong tại đền thờ Khương Công Phụ. (Ảnh qua viensuhoc.vass.gov.vn)
Đền thờ của Khương Công Phụ còn lưu lại câu đối của đốc học Lê Văn Thạc:

Phong vũ dĩ tồi công chúa tháp
Hải vân trường chiếu trạng nguyên từ.

Dịch là:
Gió mưa đã nát tháp công chúa
Mây biển soi mãi đền trạng nguyên

Trần Hưng


KHƯƠNG CÔNG PHỤ VÀ NHỮNG DẤU TÍCH CÒN LẠI VỚI THỜI GIAN
Phạm Tuấn
Phòng Sưu Tầm – Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Hiện nay nghiên cứu dịch thuật và giới thiệu về tác phẩm của Khương Công Phụ có công trình Sưu tầm và khảo luận tác phẩm Chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỉ X của Giáo sư Trần Nghĩa. Trong đó, Giáo sư đã biên dịch các bài văn của Khương Công Phụ hiện còn dựa vào tư liệu từ Toàn Đường văn -  biên soạn đầu thế kỉ XIX thời Thanh (Trung Quốc). Đây chính là công trình đáng nói nhất trong những nghiên cứu về con người và sự nghiệp của người Việt làm quan Tể tướng Đường triều.
Chúng tôi trong quá trình biên dịch Khương công phụ sự trạng khảo do Nhữ Đạm Trai tiên sinh soạn năm Nhâm Thìn niên hiệu Minh Mệnh (1832) gặp nhiều tư liệu về thời đại nhà Đường gắn liền với Khương Công Phụ mà không có trong các tài liệu của người Việt nên đã phải tìm bổ sung từ sử sách Trung Quốc, may mắn cũng chính vì thế, điều kiện tiếp xúc với tư liệu mới về vị Tể tướng Đường triều người Việt cũng được rộng mở hơn. Đây chính là nhân duyên để chúng tôi tổng hợp các tư liệu về Khương Công Phụ và viết bài viết này.
Do tính chất con người và thời đại của Khương Công Phụ và tài liệu lịch sử, nên chúng tôi từng bước biện luận về ông, trên khía cạnh từng bước phân tích lịch sử con người.
Các tài liệu Lịch sử
Các tài liệu nghiên cứu về lịch sử nước ta đến nay về trước thế kỉ thứ X quả là rất ít để nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói riêng và các tác gia nhân vật người Việt nói chung, Khương Công Phụ cũng là một trường hợp như thế. Chúng tôi tiến hành lật lại các tư liệu thời Đường về sau của Trung Quốc đến tài liệu của người Việt để từng bước nghiên cứu lịch sử về con người và thời đại của vị Trạng nguyên Tiến sĩ đầu tiên của nước ta. Tài liệu quan trọng mà chúng tôi tin cậy là Cựu Đường thư[1], Tân Đường thư[2], Tống thư, An Nam chí lược[3], Đại Việt sử kí toàn thư[4], Toàn đường văn[5], Khương Công Phụ sự trạng khảo[6], các tài liệu bia chí, câu đối hoành phi… trong thư tịch Trung Quốc và Việt Nam ghi chép về ông, nhằm làm rõ con người và những đóng góp của Khương Công Phụ với Lịch sử cũng như lịch sử đã công nhận ông qua thư tịch các thời. Tư liệu của người Việt, An Nam chí lược có thể là tài liệu cổ nhất, gần nhất với Khương Công Phụ thì phần văn bản gần như chép nguyên lại của Tân Đường thư. Các tài liệu khác của người Việt khác biên soạn sau này chỉ có Khương Công Phụ sự trạng khảo của Nhữ Bá Sĩ là văn bản công phu và đầy đủ. Thậm chí có thể nói, Khương Công Phụ sự trạng khảo là văn bản khảo sát đầy đủ nhất về Khương Công Phụ từ trước đến nay, từ Trung Hoa tới Việt Nam, bởi lẽ trong lần sang sứ Trung Quốc, Nhữ Bá Sĩ đã tổng hợp các nguồn tài liệu chính sử để dựng lại hình tượng nhân vật Khương Công Phụ. Ngoài ra, chúng tôi tham khảo hệ thống bia chí ở đền Khương Công Phụ tại Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, hệ thống sắc phong cho Khương Công Phụ qua các thời kì, câu đối hoành phi ở đề thờ Khương Công từ ở xã Định Thành huyện Yên Định tỉnh Thanh Hoá để làm rõ hơn hình tượng con người ông.
Quê quán:
Các tài liệu chính sử của Trung Quốc trong giai đoạn Đường triều như Cựu Đường thư, Tân Đường thư… đều không ghi rõ ông sinh năm nào. Các tài liệu lịch sử về sau phần nhiều dựa vào Cựu Đường thư, Tân Đường thư nên càng không có nhận định gì mới mẻ hơn, trong đó, các tài liệu của người Việt biên soạn cũng như thế. Cựu Đường thư là bộ sách gần với Khương Công Phụ, trong phần biên soạn về ông ở Liệt truyện 88 quyển 42 đã viết: “姜公辅,不知何许人Khương công phụ, bất tri hà hứa nhân – Khương công phụ, không rõ người ở đâu”. Tuy nhiên, đến Tân Đường thư đã biên soạn về phần Khương Công Phụ ở Liệt truyện 77 quyển 152 cho biết: “姜公辅爱州日南人Khương công Phụ, Ái Châu Nhật Nam nhân – Khương Công Phụ người Ái Châu Nhật Nam. Trong Văn Hiến thông khảo, khi ghi chép về Việt Nam cũng ghi về Khương Công Phụ như sau: “爱州唐姜公辅实生之Ái Châu, Đường, Khương công Phụ thực sinh chi – Ái Châu thực chất là nơi sinh ra Khương Công Phụ thời Đường”. Như vậy, các tài liệu đáng tin cậy nhất và gần với thời đại Khương Công Phụ đều khẳng định ông quê Ái Châu (nay là huyện Yên Định tỉnh Thanh Hoá) và không ghi chép năm sinh năm mất của ông.
Tuy nhiên, gần đây, trong các công trình nghiên cứu dựa trên các tài liệu gia phả[7], tài liệu lịch sử.… đã cho thêm giả định Khương Công Phụ quê ở Khâm Châu[8], sau khi không được Đức Tông trọng dụng cùng với bị sàm tấu bởi triều đình, con cháu ông đã sợ bị hại mà chạy vào Ái Châu – Thanh Hóa. Điều này cũng có vẻ hợp lý cũng như họ Khương phát triển ở Trung Quốc cũng rất nhiều không chỉ ở đất Ái Châu.
Thuyết cho rằng ông là người Ái Châu, là con một vị quan nhỏ, được học hành đầy đủ từ nhỏ, ông đã ngao du nhiều nơi đất kinh kì, rồi qua Trung Quốc thi cử. Việc này được nhiều tài liệu ghi chép lại như An Nam chí lược cho rằng ông là con của Khương Đỉnh và cháu của Khương Thần Dực. Trong Khương Công Phụ sự trạng khảo (1832) cho biết: Tiên tổ họ Khương, từ đất Thiên Thủy – Lũng Tây, theo chuyển đến Nam Hải - Quảng Châu. Đến Khương Thần Dực mới chuyển đến ở đất Ái Châu làm chức Khâm Châu Tham quân. Sau nhiều lần chuyển làm Thư châu thứ sử, sinh con là Đỉnh. Đỉnh ấm phong mà được chức huyện lệnh (huyện này không rõ), sinh ra Công Phụ. Gia phả họ Khương (1899) phát hiện ở Thạch Thất (Hà Tây) cho biết Khương Đỉnh (còn gọi Khương Công Đỉnh) làm quan Huyện thừa Tiến sĩ thời nhà Đường ở đất Việt, cho nên con được đi thi. Giai đoạn thời Đường, mỗi năm đất An Nam được chọn 8 người sang thi Tiến sĩ. Có thể Khương Công Phụ là 1 trong 8 người được chọn như thế. Điều này cũng hợp lý theo chính sử, bởi thời Đường hàng năm vẫn có lệnh người ở An nam thi cử và làm quan. Khương Công Phụ cũng như Công Phục đã thi đỗ và làm quan trong trường hợp đó.
Con người:
Khương Công Phụ không rõ năm sinh chỉ biết năm mất của ông là năm 805 thời Đức Tông. Ông tên tự là Đức Văn. Tuổi trẻ thi đỗ Tiến sĩ cập đệ, rồi được bổ chức Hiệu Thư lang, sau vì bài văn sách hơn người mà được thăng thi Chế khoa và đỗ cao, thăng Tả Thập di Hàn lâm học sĩ. Trong Tân Đường thư, Âu Dương Tu nói về ông là người “有高材每进见敷奏详亮德宗器之có tài cao, mỗi lần tiến tấu rất rõ ràng, Đức Tông rất xem trọng”.
Tháng 10 năm Kiến Trung thứ 4 (783) ông can gián vua trong việc binh loạn Trường An mà được thăng chức谏议大夫同中书门下平章事Gián nghị Đại phu Đồng trung thư môn hạ Bình Chương sự tức là tương đương chức 宰相Tể tướng. Việc này trong chính sử Cựu Đường thư, Tân Đường thư… mà sau này Khương Công Phụ sự trạng khảo của Nhữ Bá Sĩ cho biết: “Ngày Đinh Tị tháng Đinh năm Quý Hợi năm Kiến trung thứ 4 (783) thăng cho Công Phụ làm Gián 谏议大夫同中书门下平章事Nghị đại phu, Đồng trung Thư môn hạ, Bình chương sự, ban cho quần áo thêu cá vàng”. Chức này trong các sách Tư trị thông giám, Uyên Giám loại hàm, Đường Hội yếu… đều ghi chép ông vào hàng Tể tướng thời Đường.
Năm 784, khi binh loạn còn chưa dứt, thấy vua làm lễ hậu táng xây tháp cho công chúa Đường An, Khương Công Phụ đã viết văn can gián xây tháp mà nên chú trọng nuôi quân hưng thịnh để nước được yên. Vua Đức Tông không bằng lòng đã giáng chức ông xuống là Tả thứ tử, nhận việc trông dạy học cho Thái tử. Năm Trinh Nguyên thứ 8 - 792, ông lại bị biếm chức xuống là 泉州别驾Tuyền Châu biệt giá[9]. Đến khi Thuận Tông lên ngôi, mới cho ông làm 吉州刺史Cát Châu Thứ sử thì ông mất khi chưa kịp nhậm chức. Thời Hiến tông truy tặng ông chức 礼部尚Lễ Bộ thượng thư.
Sự nghiệp làm quan của Khương Công Phụ đến năm 792 thời Đường đã chấm dứt. Sau hơn 30 năm làm quan cho triều Đường và mở sang trang mới trong cuộc đời của ông, cuộc đời ở ẩn của Khương Công Phụ.
Ở ẩn:
Khi biết không được trọng dgụng trong triều, Khương Công Phụ đã viết tấu xin Đức Tông cho làm Đạo Sĩ. Quả nhiên, sau khi bị biếm về Tuyền Châu, ông đã thoả mong ước ở ẩn của đời. Về Tuyền Châu, Khương Công Phụ đã được quan lại địa phương rất trọng quý. Thứ sử Tuyền Châu lúc bấy giờ là席相Tịch Tướng rất quý mến Công Phụ, thường mời qua lại chiêu khách.
Thịnh trị thời Đương gắn với nhiều nhà thơ nổi ttiếng, trong đó Tần Hệ[10] không phải là ngoại lệ. Xuất thân làm quan lại, trải qua thời Trung Đường thịnh trị, Tần Hệ chuyển về Tuyền Châu, nương vào núi ở ẩn 20 năm bởi loạn An Lộc Sơn. Sau năm 780, ông chuyển về phía Tây núi Cửu Nhật[11] 九日山ở Nam An ở ẩn. Ông sáng tác thơ văn, trong Toàn Đường thi còn một quyển thơ của ông. Sống khảng khái, Tần Hệ là mẫu nhà thơ đóng cửa gỗ, không cài then cầm kì thi tửu, vui thú điền viên. Bấy giờ, Công Phụ về Tuyền Châu, nghe nói Tần Hệ nên ngưỡng vọng mới đến bái phỏng. Hai người một kẻ mộ đạo thanh tuyền,  người kia lòng trung ngưỡng kính, mới kết giao bằng hữu cùng đàm đạo bầu rượu túi thơ.
Từ đó, Công Phụ mới dựng nhà trúc ở phía Đông núi Cửu nhật, cùng đối ngọn với Tần Hệ, hai người hai ngọn núi. Ngọn núi phía Đông hình như con Kì lân nên gọi là麒麟山Kì Lân sơn, sau vì Khương Công Phụ ở nên gọi là姜相峰Khương tướng phong[12]. Khương Công Phụ cùng người bạn tiêu dao cảnh vắng am tranh được 13 năm thì mất vào năm 805 niên hiệu Vĩnh Trinh thời Đường Thuận Tông. Sau khi ông mất, do gia quyến ở xa nên Tần Hệ đã mai táng ông ở phía đông núi Cửu Nhật. Mộ Khương Công Phụ được tu sửa các thời và bảo tồn. Trên mộ có bia khắc chữ Khải bên mặt âm như sau: ·相國忠肅姜公封塋Đường Tướng quốc Trung túc Khương công phong oánh”. Tại mộ Công Phụ, sau này thời Minh, Truyền Khải viết 重修姜相墓碑Trùng tu Khương tướng mộ bi kí ca ngợi rằng:
公盖以之古今,孰不仰姜相之高峰!满山红叶,孤坟朦朦,不有我侯,孰起其崇 – Công cái dĩ chi cổ kim, thục bất ngưỡng Khương tướng chi cao phong, mãn sơn hồng diệp, cô phần mông mông, bất hữu ngã hầu, thục khởi kì sùng – Ông công bao trùm xưa nay, há không ngưỡng vọng núi cao Khương tướng, đầy núi lá hồng, mộ phần riêng cô độc mông lung, chẳng phải đợi ta, há ai dấy lên việc tôn sùng”. Về sau, Tần Hệ cũng mất ở đây. Các thời quan lại ở Tuyền Châu nhiều lần tu sửa mộ chí cũng như xây dựng đền thờ những người ở đây. Ban đầu xây Nhị hiền từ để thờ Khương Công Phụ và Tần Hệ, về sau xây Tam Hiền từ để thờ thêm Hàn Ốc. Lại ở Đông Hồ – Tuyền Châu, xây dựng Nhị công đình để tưởng niệm Công Phụ và Tần Hệ.
Thơ văn
Khương Công Phụ để lại một bài phú Bạch vân chiếu xuân hải phú và bài văn Đối trực ngôn cực gián cách đều được lưu lại trong Toàn Đường văn quyển 446 và đã có bản dịch trong công trình Sưu tầm và khảo luận tác phẩm Chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỉ X của Gs. Trần Nghĩa. Ngoài ra, các tài liệu liên quan đến Khương Công Phụ còn có các bài văn can gián và tấu biểu của Lục Chí[13] cũng như các văn chương thời Đường mà hiện nay chúng ta chưa biên dịch. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập một số thơ văn có quan hệ với Khương Công Phụ trong giai đoạn ông đã về ở ẩn tại Cửu Nhật sơn về sau.
Nhiều nhà thơ của Trung Quốc về Cửu Nhật sơn đã để lại thơ văn ca ngợi Khương Công Phụ, cũng như Tần Hệ. Trong đó đáng kể như Tuyền Châu Thái thú Vương Thập Bằng[14], Tuyền Châu Thái thú Chân Đức Tú[15] thời Tống, Hoàng Cơ, Truyền Khải[16] thời Minh ở Nam An….
王十朋Vương Thập Bằng, làm quan 泉州太守Thái Thú Tuyền Châu thời Tống, ông để lại nhiều bài thơ ca ngợi Khương Công Phụ, trong đó như bài Khương Tướng Phong姜相峰:
相国忠如宋广平
危言流落晋江城
资自直无心卖
处青山亦得名
Phiên âm:
Tướng quốc trung như Tống Quảng Bình
Nguy ngôn lưu lạc Tấn giang thành.
Thiên tư tự trực vô tâm mãi.
Hà xứ thanh sơn diệc đắc danh.
Dịch nghĩa:
Lòng trung của Tướng quốc như Quảng Bình thời Tống,
Lời nói ngay thẳng nên lưu lạc đến thành Tấn Giang.
Thiên tư ngay thẳng không phải lòng bán mua được,
Nơi nào núi xanh chẳng vang danh.
泉州太守Thái thú Tuyền Châu là 真德秀Chân Đức Tú cũng có bài tế văn ở mộ phần Khương Công Phụ. Bài tế như sau:
疑疑姜公
巉巉东峰
峰以公名
千古并崇
Phiên âm:
Nghi nghi Khương công
Sàm Sàm đông phong
Phong dĩ công danh
Thiên cổ tịnh sùng
Dịch nghĩa:
Ngời ngợi Khương công
Nguy nga núi phía đông
Núi lấy tên người làm tên
Nghìn năm vẫn tôn sùng
Thơ văn các thời ca ngợi cũng như đồng cảm với Khương Công Phụ và cảnh núi non Cửu Nhật sơn. Ca ngợi sự trung thành vủa vị Tể tướng Đường triều cũng thể hiện trong thơ văn các văn nhân sĩ phu như: 孤忠曾记犯龙鳞Cô Trung tằng kí phạm long lần – Lòng trung cô đơn từng ghi vào lòng vua chúa (long lân) như thơ Vương Thập Bằng đã viết. Còn nhiều thơ văn ca ngợi Khương Công Phụ của danh nhân các thời, còn lưu lại trong các bộ sử sách, thơ văn các thời của Trung    quốc cũng như Việt Nam.
Ở Việt Nam, theo Khương Công Phụ sự trạng khảo cho biết tại Thanh Hoá có 2 đền thờ Khương Công Phụ ở huyện Hoằng Hoá và huyện Yên Định. Ngày nay còn đền thờ tại xã Định Thành huyện Yên Định với nhiều tài liệu hán Nôm còn đến ngày nay. Trong đó đáng chú ý là văn bia Cung tiến bi kí và Khương Tiên sinh từ bi vào năm Tự Đức thứ 13 (1860) ghi chép  lại việc trùng tu đền thờ. Ngoài ra, còn hệ thống sắc phong, trong đó đáng kể là sắc thời Tự Đức thứ 3 (1850) ban cho thờ Khương Công Phụ là Tinh trung hiển tiết Gia danh Phương Trục Quang ý Trung đẳng thần. Đến nay, đền thờ nhiều lần trùng tu, sửa chữa để làm nơi thờ tự cho vị Tể tướng người Việt thời Đường.
Kết luận:
Khương Công Phụ với hơn 30 năm làm quan triều Đường, sau khi bị biếm đi Tuyền Châu ông lại ở ẩn 13 năm nữa mới mất. Cuộc đời Khương Công Phụ nếm đủ thăng trầm quan vị cho đến tiêu dao với đạo bát ngát mây với nước như bài văn Bạch vân chiếu xuân hải phú của ông. Công danh muôn thưở, tiếng thơm trung nghĩa mãi lưu để vang vọng một vị danh nhân, huân thần, một vị thần linh người Việt.
Thời vũ viện – đầu năm 2010.

Tài liệu tham khảo:
姜公輔事狀考Khương Công Phụ sự trạng khảo. Nhữ Bá Sĩ, quê Cát Xuyên, Hoằng Hoá, Thanh Hoá, 1 bản viết tay, Ký hiệu: A.2912: 24 trang, Niên đại: 1832 (Minh Mệnh).
旧唐Cựu Đường thư, là bộ sử sớm nhất về thời Đường. Sách biên soạn thời Ngũ Đại Hậu Tấn, ban đầu tên là Đường thư, về sau nhân việc nhóm tác giả Âu Dương tu thời Tống biên soạn Tân Đường thư新唐mà sách đổi tên thành Cựu Đường thư. Cựu Đường thư gồm 200 quyển, bao quát Bản kỉ 20 quyển, Chí 30 quyển, liệt truyện 150 quyển. Sách gồm tập thể tác giả biên tập các thời, đến khoảng năm 945 thì hoàn thiện, đến nay mang tên người biên soạn cuối cùng là Lưu Tuần.
Đường Hội Yếu, Bắc Tống Vương Phổ 王溥(922982 soạn, 100 quyển, ghi chép về lịch sử, điển chương chế độ thời Đường.
[1]新唐Tân Đường thư, 欧阳修Âu Dương Tu thời Tống soạn. 上海古籍出出版社、上海书店,1986
An Nam chí lược. Tác giả: Lê Tắc. Nhà xuất bản: Nxb Lao Động và TT VHNN Đông Tây. Ngày xuất bản: Qúy I-2009
Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993
Toàn Đường văn, thời Thanh Trung Quốc soạn.
Trần Nghĩa – Sưu tầm và khảo luận tác phẩm Chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỉ X, nxb Thế giới, Hà Nội – 2000.
Tư liệu Hán Nôm bao gồm câu đối, hoành phi, sắc phong, văn bia… tại Đền thờ Khương Công Phụ xã Định Thành huyện Yên Định tỉnh Thanh Hoá.
[1]旧唐Cựu Đường thư, là bộ sử thời Đường. Sách biên soạn thời Ngũ Đại Hậu Tấn, ban đầu tên là Đường thư, về sau nhân việc nhóm tác giả Âu Dương tu thời Tống biên soạn Tân Đường thư新唐mà sách đổi tên thành Cựu Đường thư. Cựu Đường thư gồm 200 quyển, bao quát Bản kỉ 20 quyển, Chí 30 quyển, liệt truyện 150 quyển. Sách gồm tập thể tác giả biên tập các thời, đến khoảng năm 945 thì hoàn thiện, đến nay mang tên người biên soạn cuối cùng là Lưu Tuần.
[2]新唐Tân Đường thư, 欧阳修Âu Dương Tu thời Tống soạn. 上海古籍出出版社、上海书店,1986
[3] An Nam chí lược. Tác giả: Lê Tắc. Nhà xuất bản: Nxb Lao Động và TT VHNN Đông Tây. Ngày xuất bản: Qúy I-2009
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993
[5] Toàn Đường văn, thời Thanh Trung Quốc soạn.
[6]姜公輔事狀考Khương Công Phụ sự trạng khảo. Nhữ Bá Sĩ, quê Cát Xuyên, Hoằng Hoá, Thanh Hoá, 1 bản viết tay, Ký hiệu: A.2912: 24 trang, Niên đại: 1832 (Minh Mệnh).
[7]. Về cuốn gia phả dòng họ Khương Công Phụ, Nguyễn Thị Măng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong Thông báo Hán Nôm 2001, bài viết cho biết Khương Công Phụ sinh năm 793.
[8] Khâm Châu, nay thuộc Quảng Tây – Trung Quốc.
[9] Tuyền Châu, là một thành phố nhỏ của tỉnh Phúc Kiến. Tại Tuyền Châu có các địa danh như Nam An, Bồ Điền, Tiên Du. Khương Công Phụ ở Tuyền Châu là ở Nam An.
[10] Tần Hệ (724 -808) người Cối Kê, nhà thơ thời Đường. Ông còn lại một tập trong Toàn Đường thi.
[11] Cửu nhật sơn, núi ở phía tây Nam An, thuộc Tuyền Châu – tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc.
[12] Thời Bắc Tống năm Khánh Lịch thứ 4 (1041), Tô Thân người Đồng An ở Tuyền Châu đến đề khắc chữ “Khương tướng phong” ở núi này.
[13] Lục Chí (754 – 805) tiến sĩ năm 773, làm quan thời Đường Đức Tông, năm 792 thay Khương Công Phụ làm Tể tướng, 794 bị biếm chức làm trung Châu biệt giá rồi mất. Ông còn tập Lục Tuyên công Hàn uyển tập, gồm 24 quyển. Xem phân văn chương của Lục Chí trong Toàn Đường văn quyển 470, phần văn Lục Chí, như Hưng Nguyên luận giải Khương công phụ trạng, hựu đáp luận Khương Công Phụ trạng….
[14] Vương Thập Bằng (1112 -1171) tự là Quy Lân, hiệu Mai Khê, là chính trị gia thời Nam Tống, là nhà thơ, là một danh thần nổi danh một thời, ônglàm quan thời Tống Huy tông,
[15] Chân Đức Tú (1178 – 1235) làm quan thái thú sau Vương sĩ Bằng, ông là một triết gia thời Tống, là đệ tử hàng thứ của Chu Hi. Ông đỗ tiến sĩ năm 1199, sau làm quan và chết già.

[16] Truyền Khải tên tự là Kính Trai, Người Nam An – Tuyền Châu, đỗ Tiến sĩ năm Thành Hoà 1478 nhà Minh,  làm quan đến Hộ bộ Lang trung, có văn tập để lại.
https://nguyensongviet3979.blogspot.com/2020/03/khuong-cong-phu-te-tuong-trung-hoa.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.