Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/10/2018

"vàng như núi" và "tiền như biển": sau Kim Sơn và Tiền Hải, chúng tôi đi Hà Tĩnh

Không có gì thay đổi, thì chúng tôi sẽ tới Hà Tĩnh trong thời gian tới. Bây giờ, bắt đầu chuẩn bị.

Đó là mở rộng của Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Các mối nhân duyên cứ đan chéo sang nhau, rất thú vị.

Đại khái là "vàng như núi" (Kim Sơn) và "tiền như biển" (Tiền Hải) thì tôi đã viết và cho đăng chính thức năm 2011. Bài mở đầu của số 12 năm đó. Hôm nay, tìm lại số tạp chí ấy trên giá sách.

Đại khái ở dưới là trích lại từ bài đó (năm 2011).


1. Đây là câu đối mới của cụ Vũ Khiêu (đã nhắc đến câu đối này ở đây 2018 và ở đây 2014):



2. Đây là số tạp chí:

Bìa tạp chí

Trích đoạn trang Mục Lục

Trang đầu của bài viết






---

BỔ SUNG I
(các tin mới của 2018)


2. Hôm nay, 13/10 năm 2018














Tiền Hải tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập huyện

Thứ 7, 13/10/2018 | 08:33:18

 387 lượt xem
Sáng ngày 13/10, Đảng bộ, nhân dân huyện Tiền Hải long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập huyện (1828-2018) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho huyện Tiền Hải tại lễ kỷ niệm.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự lễ kỷ niệm. Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại lễ kỷ niệm, đọc diễn văn ôn lại truyền thống quê hương, đồng chí Nguyễn Văn Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải nhấn mạnh, Tiền Hải là vùng đất trẻ, với 190 năm hình thành và phát triển, có bề dày  truyền thống văn hóa, lịch sử gắn liền với tên tuổi của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Tiền Hải tự hào là quê hương tiếng trống năm 1930 với phong trào cách mạng ngày14/10/1930. Tổng kết các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Tiền Hải đã có hơn 22.000 người tham gia quân đội, gần 5.000 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh; 3.200 thương binh, bệnh binh và 2.500 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực và tranh thủ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của huyện ven biển thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cơ cấu kinh tế có chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Xây dựng nông thôn mới đến năm 2017 đã có 27/34 xã về đích nông thôn mới, đạt tỷ lệ gần 80%. Các chính sách xã hội, giáo dục, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được quan tâm. An ninh,chính trị luôn ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Với những thành tích đạt được, Đảng bộ và nhân dân huyện Tiền Hải vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng nhân kỷ niệm 190 năm thành lập huyện.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho huyện Tiền Hải tại lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh biểu dương, ghi nhận Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải đã nêu cao tinh thần đoàn kết, anh dũng chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh. Đồng chí bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công lao của các anh hùng liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng và tầng lớp nhân dân đã không tiếc công sức, máu xương chung tay bảo vệ và xây dựng quê hương Tiền Hải phát triển như ngày hôm nay. 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh mong rằng, thời gian tới Tiền Hải cần phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế biển, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Các đồng chí lãnh đạo dự lễ kỷ niệm. 
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư  tặng hoa chúc mừng. 
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh tặng hoa chúc mừng. 
Tiết mục văn nghệ chào mừng tại lễ kỷ niệm. 
Mạnh Thắng - Thành Tâm
http://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/214/71519/tien-hai-to-chuc-le-ky-niem-190-n-m-thanh-lap-huyen






Thứ Bảy, 13/10/2018, 17:28:44
 Font Size:     |        Print

Đồng chí Trần Quốc Vượng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải.
NDĐT – Ngày 13-10, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tới dự Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình).
Tiền Hải là huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, là địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Hơn 190 năm trước, Nguyễn Công Trứ đã tiến hành khẩn hoang, mở mang đất đai, xây dựng hệ thống thủy lợi, dẫn nước vào đồng, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp trù phú. Tiền Hải là nơi diễn ra các phong trào đấu tranh cách mạng được ghi vào lịch sử.
Cuộc biểu tình ngày 14-10-1930 là dấu son trong trang sử cách mạng hào hùng của huyện. Trải qua các cuộc kháng chiến, Tiền Hải có hơn 22 nghìn người tham gia quân đội, gần năm nghìn liệt sĩ, hơn 600 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn ba nghìn thương binh, bệnh binh…Ghi nhận những đóng góp về sức người, sức của trong các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ, quân và dân Tiền Hải vinh dự được Bác Hồ về thăm năm 1962. Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện.
Trong công cuộc đổi mới, Tiền Hải là trọng điểm kinh tế của tỉnh Thái Bình. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2012-2017) luôn đạt khoảng 13% mỗi năm và xếp tốp đầu trong các huyện, thành phố của tỉnh. Thời gian tới, Tiền Hải tiếp tục khai thác có hiệu quả những điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội.
Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 16 xã của huyện Tiền Hải. Tuyến đường bộ ven biển được phê duyệt đi qua huyện Tiền Hải sẽ kết nối giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ, mở rộng quỹ đất cho đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội.
Tại lễ kỷ niệm, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Trần Quốc Vượng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải.
MAI TÚ

http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/37910202-ky-niem-190-nam-thanh-lap-huyen-tien-hai-tinh-thai-binh.html












Huyền diệu một Biển Tiền

Thứ 7, 13/10/2018 | 10:48:41

 47 lượt xem
Cách đây vừa tròn 190 năm, bằng thành quả của công cuộc đại khẩn hoang có quy mô lớn nhất trong lịch sử do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chỉ huy, từ vùng đất bãi Tiền Châu một huyện mới mang tên Tiền Hải được thành lập.
Khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải). Ảnh: Thành Tâm

Từ thuở hình thành huyện đến nay đã 190 năm. Trải biết bao bão giông, sóng gió và đạn bom nhưng sự nghiệp mở đất và giữ đất ở Tiền Hải liên tục được cha truyền, con nối. Biển khơi ngày một lùi xa. Những làng xã mới nối nhau được lập thêm theo từng thập kỷ. Những cụm công nghiệp mọc lên giữa biển lúa vàng. Những bãi ngao, đầm tôm cận kề chân sóng. Những vỉa khí, vỉa dầu nằm sâu dưới đáy biển đã và đang được khơi lên.
Nếu tính từ lớp cư dân đầu tiên khi thành lập huyện đến nay đã trải qua bảy, tám thế hệ. Người Tiền Hải luôn gắn bó keo sơn lập nên bao kỳ tích. Trên nhiều trang sử của dân tộc đã in đậm những đóng góp của con người ở vùng đất này. Từ thuở xa xưa, vùng đất này vốn là nơi cửa sông ven biển. Trải bao phen gió dập sóng vùi, tán rồi lại tụ, hợp rồi lại tan. Nhưng các thế hệ cư dân nơi đây vẫn chung lưng đấu cật. Đối mặt với biển khơi. Lấn biển, quai đê. Đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại. Rửa mặn, thau chua. Quật thổ, bồi cơ. Mở làng, lập ấp. Thế rồi, ở nơi mênh mang sóng gió này, những hiểm họa, rủi ro do thiên tai, giặc dã gây ra vẫn thường xuyên ập đến. Kiếp đói nghèo muôn thuở vẫn không sao thoát được. Vào 200 năm về trước, làng mạc tiêu điều, đồng đất hoang vu, dân tình ly tán, tha phương…
Xưa và nay, trong tâm thức của người dân Thái Bình thì Nguyễn Công Trứ là người đã chôn nhau cắt rốn ở huyện đường Quỳnh Côi, vừa là một Tham tướng đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, vừa là một Doanh điền sứ khai sáng ra huyện Tiền Hải. Vào cuối năm 1827, sau khi đánh dẹp xong cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, Nguyễn Công Trứ đã dâng sớ xin triều đình cho về mở cuộc đại khẩn hoang ở bãi biển Tiền Châu. Được triều đình chấp thuận, tháng 3 năm 1828, Nguyễn Công Trứ đã về Tiền Châu đích thân chỉ huy cuộc đại khẩn hoang với những kế sách độc đáo và táo bạo để yên dân. Diệu huyền thay! Chỉ trong vòng sáu tháng, hàng trăm ki-lô-mét sông, đê đã được đào đắp theo một hệ thống thủy nông khá hoàn chỉnh. Hàng vạn mẫu ruộng hoang hóa được thau chua, rửa mặn. Hàng trăm trại, ấp, lý, giáp mới đã được mọc lên. Tháng 9/1828, công cuộc khẩn hoang cơ bản hoàn thành. Theo lời tâu của Nguyễn Công Trứ, triều đình nhà Nguyễn đã phê chuẩn thành lập một huyện mới mang tên Tiền Hải.
Đúng 30 năm sau ngày huyện Tiền Hải được thành lập thì thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Cả nước sục sôi, mài gươm chống quân xâm lược. Vào thuở ấy, làng Trình Phố nổi danh có hai người con kiên trung chống Pháp là Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích và cử nhân Bùi Viện. Nguyễn Quang Bích đã tụ nghĩa chống Pháp và trở thành thủ lĩnh cần vương số một của Bắc kỳ. Giặc Pháp đã nhiều lần cho quân về đốt phá triệt hạ gia sản, lùng sục bắt bớ những người yêu nước. Ý chí trả thù nhà đền nợ nước của các tầng lớp nhân dân Tiền Hải được nhen nhóm và luyện tôi thêm từ đó.
Khi huyện Tiền Hải ra đời đúng 100 năm, cũng là lúc ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam đã về đến quê hương Tiền Hải. Làng Trình Phố là nơi ươm gieo những hạt mầm đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao truyền qua đồng chí Vũ Trọng từ lớp tập huấn tại Quảng Châu (Trung Quốc). Vào năm 1928, ở Tiền Hải phong trào thanh niên đã phát triển mạnh. Tháng 7 năm 1929, chi bộ Đảng cộng sản Trình Phố là một trong hai chi bộ đầu tiên ở Thái Bình được thành lập. Khi Đảng ta ra đời vào ngày 3/2/1930 thì các tổ chức cơ sở đảng ở Tiền Hải đã có ảnh hưởng sâu rễ bền gốc trong lòng dân. Đó chính là cơ sở để tổ chức và lãnh đạo cuộc biểu tình kinh thiên, động địa của hàng nghìn nông dân Tiền Hải vào sáng ngày 14/10/1930 trước cổng huyện đường. Đây là sự kiện tạo nên dấu son chói lọi trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh trong năm đầu thành lập. Trở thành niềm tự hào vĩnh hằng đối với các thế hệ cư dân Tiền Hải.
Sau cao trào 1930 - 1931, Đảng ta phải chuyển hướng hoạt động nhằm bảo tồn lực lượng. Đằng đẵng suốt hơn 10 năm. Nằm gai nếm mật. Ngọn lửa cách mạng của Tiền Hải vẫn tiếp tục được thắp sáng dưới các hình thức khác nhau để chờ thời cơ nổi dậy. Thế rồi, Cách mạng Tháng Tám đã đến, sáng ngày 22/8/1945, hàng nghìn quần chúng từ khắp các ngả đường kéo về huyện lỵ giành chính quyền cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trước cổng huyện đường, báo hiệu một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc, đã đến với quê hương Tiền Hải.
Đất nước độc lập. Sống trong không khí hòa bình chưa được bao lâu thì giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Nhân dân Tiền Hải vừa thi đua lao động xây dựng cuộc sống mới, vừa động viên người thân tòng quân ra các mặt trận, vừa chuẩn bị lực lượng đối phó khi giặc tràn đến quê hương.
Ngày 4/3/1950, giặc Pháp tiến quân đánh chiếm Tiền Hải và dựng đồn bốt trên toàn địa bàn huyện. Giặc Pháp cùng với bọn phản động tề ngụy đã  điên cuồng mở nhiều đợt càn quét ác liệt đẩy chúng ta vào thế bị động để tiêu diệt lực lượng. Biết bao nhiêu máu xương đổ xuống, biết bao nhiêu nhà cửa, xóm làng bị thiêu trụi. Các lực lượng vũ trang và nhân dân trong huyện đã trải những ngày gian khổ ác liệt chưa từng thấy. Bằng tinh thần quả cảm và ý chí quật cường, sau hơn 4 năm đánh địch trên quê hương, chiến công nối tiếp chiến công được ghi trên các trang sử hào hùng của huyện. Đến ngày 20/1/1954 giặc Pháp phải chấm dứt càn quét. Tiền Hải sạch bóng quân thù.
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Tiếp nối truyền thống của cha ông, sự nghiệp khai hoang, phục hóa, quai đê lấn biển được duy trì và đẩy mạnh. Các làng xã mới nối nhau ra đời với những địa danh gắn với khát vọng của con người Tiền Hải như: Hưng - Thịnh - Phú - Cường. Trong vòng nửa thế kỷ qua, bình quân cứ 10 năm, Tiền Hải lại lập thêm được một xã mới.
Theo dõi những bước đi lên của Tiền Hải, ngày 26/3/1962 Bác Hồ đã về thăm hợp tác xã Nam Cường để động viên đồng bào khai hoang và cán bộ nhân dân huyện Tiền Hải. Người ân cần chỉ bảo: “Muốn ăn cam thì phải trồng cam…”. Lời dặn đó của Bác đã được nhân dân Tiền Hải biến thành hiện thực.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Tiền Hải là một miền quê đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Thực hiện khẩu hiệu: “Thóc thừa cân, quân vượt mức” hơn 20 nghìn thanh niên nối tiếp nhau lên đường tòng quân và đi thanh niên xung phong, mang cả truyền thống quê hương vào trận đánh.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc thì Tiền Hải là tiền tiêu, là pháo đài bên bờ biển Đông. Thường xuyên phải đối mặt với máy bay, tàu chiến ngày đêm vào đánh phá. Hầu hết các xã bị triệt hạ. Thiệt hại về tính mạng và tài sản do bom đạn giặc Mỹ gây lên cho quê hương Tiền Hải thật khôn lường. Trải qua những năm tháng đối mặt với chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, người Tiền Hải đã ngoan cường vượt lên mưa bom, bão đạn bắn rơi 12 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến Mỹ, phá hỏng hàng nghìn quả bom từ trường, bom xuyên, bom nổ chậm, thuỷ lôi của Mỹ, mà điển hình là Đại đội nữ dân quân anh hùng mãi mãi tự hào với truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.
Trong hàng ngũ tướng lĩnh của  lực lượng vũ trang có hàng chục người là con em của Tiền Hải mà tiêu biểu là Đại tướng Hoàng Văn Thái, vị Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã gắn liền tên tuổi vào những võ công của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là niềm tự hào vô cùng lớn lao của miền quê thượng võ, yêu nước. Xứng danh huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước đã trao tặng.
Nước non thống nhất, Tiền Hải cùng cả nước đón nhận những thời cơ và thách thức mới trên con đường xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh. Trải qua chặng đường hơn 30 năm đổi mới, hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Tiền Hải đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử hình thành và phát triển. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều người con xa quê, sau vài năm trở lại đều không khỏi ngỡ ngàng với sự đổi thịt, thay da nhanh chóng của quê mình.
Kế thừa và phát huy những thành quả, những bài học kinh nghiệm từ truyền thống, bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Tiền Hải tiếp tục đạt được những thành tựu khá toàn diện. Vận hội mới đã và đang đến với Tiền Hải. Khu kinh tế biển được xác lập, đường ven biển đang triển khai, những vỉa khí, vỉa than, vỉa dầu có trữ lượng lớn nằm kề chân sóng đang vẫy gọi các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tìm về. Hẳn là, trên chặng đường mới, Tiền Hải sẽ từ điểm tựa của truyền thống mà lập thêm những kỳ công mới để Tiền Hải - Biển Tiền ngày thêm xứng với tên mình.
Nguyễn Thanh 
(Vũ Quý, Kiến Xương)
http://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/71531/huye-n-die-u-mo-t-bie-n-tie-n








Thứ 7, 13/10/2018 | 17:57:48

 549 lượt xem
Ảnh: Thành Tâm

Kính thưa đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;
Kính thưa các vị đại biểu khách quý;
Thưa các đồng chí và toàn thể nhân dân.
Hôm nay, huyện Tiền Hải tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - Phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi tới đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, các vị đại biểu khách quý, các đồng chí cùng toàn thể nhân dân lời chào mừng nồng nhiệt, lời kính chúc sức khỏe và hạnh phúc.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo; thưa các đồng chí và toàn thể nhân dân.
Tiền Hải là vùng đất trẻ, được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa cùng với công cuộc quai đê, lấn biển, lập làng và làm nông nghiệp của Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ và nhiều thế hệ cư dân. Thủa trước, đất này từng là chốn dung thân của các bậc trượng phu, khí khái; nhân ái, bao dung; trọng lẽ đời, khinh chức tước và bổng lộc triều đình; thích tự do, công bằng và yêu lao động. Bởi vậy, mà đời nối đời các thế hệ cư dân nơi đây đã hình thành, hun đúc nên những truyền thống và phẩm chất đáng quý: Kiên cường, dũng cảm; trung thực, thẳng thắn; cần cù, hiếu học; yêu nước và cách mạng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà vùng đất Tiền Châu xưa (Tiền Hải nay) thời nào cũng xuất hiện những bậc anh hùng hào kiệt, danh nhân tiêu biểu, những nhà quân sự, chính trị tài ba; Là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Thái Bình và là quê hương của "Tiếng trống năm 30", còn vang vọng mãi trong lịch sử của Đảng và dân tộc; đồng thời là một trong những địa phương góp phần làm nên truyền thống "Thóc thừa cân, quân vượt mức",đóng góp xứng đáng sức người, sức của, phục vụ công cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Khi đất nước hòa bình và bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với toàn tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương và tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là: kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân của toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Sản xuất nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu giống cây trồng và vật nuôi; đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất lúa hàng hoá có chất lượng, giá trị cao, được thị trường ưa chuộng. Kinh tế biển phát triển mạnh, nhất là về ươm giống, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản, giúp người dân làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, mở rộng cùng với phát huy lợi thế về nguồn khí mỏ, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, trong đó một số dự án do chính con em quê hương thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa huyện nhà trở thành đơn vị điển hình trong phát triển công nghiệp. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực với gần 80% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp; diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo luôn thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh; chất lượng sự nghiệp y tế, giáo dục không ngừng được cải thiện, vươn lên dẫn đầu toàn tỉnh về phát triển y tế xã và tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ nét.
Với những thành tích to lớn đó, quân và dân Tiền Hải đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong buổi lễ trọng thể này, Tiền Hải lại vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải, mà còn là của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thái Bình. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi ghi nhận và nhiệt liệt chúc mừng những nỗ lực và thành tựu to lớn mà các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Tiền Hải đã đạt được trong suốt những năm qua.
Kính thưa các đồng chí; thưa toàn thể nhân dân.
Ngày nay, đất nước, quê hương ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hoa và hội nhập quốc tế. Với những thành tựu, kinh nghiệm đạt được trong những năm qua và những tiềm năng, thế mạnh sẵn có; đặc biệt là sự hình thành Khu kinh tế Thái Bình (trong đó có 16 xã của huyện Tiền Hải) và việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, kết nối thuận tiện Thái Bình với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, huyện Tiền Hải sẽ có nhiều kiện kiện thuận lợi để bứt phá, vươn lên, trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh trong những năm tới.
Trên nền tảng của thành công và những bài học rút ra từ thực tiễn thời gian qua; để tiếp tục xây dựng quê hương Tiền Hải phát triển toàn diện và bền vững, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tiền Hải tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Một là: Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh để vận dụng một cách sáng tạo và sát thực vào điều kiện cụ thể của địa phương. Chú trọng thực hiện thật tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược để tăng trưởng kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất, trọng tâm là thực hiện tốt 5 đột phá trong sản xuất nông nghiệp, gắn với tăng cường tích tụ đất đai và phát triển nông nghiệp hàng hóa. Chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị hướng biển, tạo nền tảng và động lực để phát triển Khu kinh tế Thái Bình. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, bảo đảm thực chất, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.
Hai là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Quyết liệt cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực, uy tín vào đầu tư, làm ăn lâu dài và hiệu quả tại địa phương; đồng thời, chú trọng mời gọi các doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt là con em quê hương ở trong và ngoài nước về đầu tư, góp phần xây dựng quê hương. Trước mắt, cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong huyện cần chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở, ngành, đơn vị liên quan trong công tác lập quy hoạch và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ và đô thị ven biển, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và toàn tỉnh.
Ba là: Cùng với phát triển kinh tế, huyện cần đặc biệt quan tâm đến phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ tốt cảnh quan môi trường ở cả đô thị và nông thôn. Tiếp tục chăm lo và thực hiện thật tốt các chế độ, chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực xã hội nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao, thông tin, truyền thông để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Bốn là: Thường xuyên coi trọng và thực hiện thật tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Chú trọng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, "thế trận lòng dân” vững chắc; đồng thời, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tệ nạn xã hội và các loại tội phạm, nhất là các băng nhóm, tội phạm có tổ chức; Củng cố và phát huy vai trò các tổ chức tự quản của người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Năm là: Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Đồng thời, chú trọng củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ chủ chốt các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII).Tiếp tục làm tốt công tác tuyên giáo, nội chính, kiểm tra, dân vận; nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với truyền thống vẻ vang của quê hương anh hùng và những phẩm chất đáng quý của người Tiền Hải, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải sẽ luôn đoàn kết, nhất trí, đồng sức, đồng lòng, đẩy mạnh đổi mới, hội nhập và phát triển, giành được nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.
Nhân dịp này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố trong khu vực và cá nhân các đồng chí lãnh đạo đã luôn đồng hành, cổ vũ, động viên, giúp đỡ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thái Bình nói chung, Tiền Hải nói riêng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; kính mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cơ quan, tổ chức và các đồng chí để tỉnh Thái Bình và huyện Tiền Hải có bước phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn trong những năm tới.
Một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể các đồng chí và nhân dân sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.
http://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/71541/phat-bieu-cua-dong-chi-nguyen-hong-dien-uy-vien-trung-uong-dang-bi-thu-tinh-uy-chu-tich-hdnd-tinh-tai-le-ky-niem-190-n-m-thanh-lap-huyen-tien-hai-va-don-nhan-huan-chuong-lao-dong-hang-nhat




















Tiền Hải kỷ niệm 190 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
  13/10/2018 |   2761 lượt xem
Sáng nay, ngày 13/10, tại Nhà văn hóa Trung tâm huyện, Tiền Hải long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập huyện và đón nhận phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tới dự có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình; đồng chí Chu Văn Rỵ, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Nguyên Bí thư Huyện ủy Tiền Hải; đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Thái Bình; đồng chí Đặng Trọng Thăng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện qua các thời kỳ; Đại biểu các Sở, Ban, Ngành tỉnh; đại biểu các huyện, thành phố trong tỉnh, đại biểu huyện kết nghĩa.

Về phía huyện có đồng chí Nguyễn Văn Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, đồng chí Tô Xuân Thức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí c Phạm Hồng Tùng, Phó Bí thư Huyện ủy; Các  đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND huyện. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Thủ trưởng các cơ quan, Ban, Ngành, Đoàn thể, các doanh nghiệp, doanh nhân, các đồng chí lãnh đạo thay mặt Đảng uỷ-HĐND-UBND các xã, thị trấn, đại diện các chức sắc tôn giáo, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang; các vị đại biểu là con em quê hương công tác sinh sống mọi miền đất nước, đại diện các tầng lớp nhân dân đã về dự Lễ kỷ niệm. 

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà, đồng chí Nguyễn Văn Giang- Bí thư Huyện ủy trình bày diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải qua 190 năm hình thành và phát triển. Diễn văn khẳng định: Mùa thu năm 1828 công cuộc khẩn hoang “Đại quy mô” của Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ hoàn thành, điểm một mốc son trên bản đồ đất Việt, khai sinh ra một địa danh mới đó là Tiền Châu năm xưa (Tiền Hải ngày nay): năm Minh Mệnh thứ 9 Triều đình nhà Nguyễn phê chuẩn thành lập huyện Tiền Hải.
Lịch sử 190 năm hình thành và phát triển là quá trình lịch sử đấu tranh liên tục, bền gan, vững chí với thiên nhiên, giai cấp bóc lột và mọi kẻ thù xâm lược của các thế hệ người Tiền Hải. Những thành tựu, công sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới xây dựng đất nước đã ghi thêm vào truyền thống quê hương những trang sử hào hùng mới.

Tổng kết các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Tiền Hải đã có hơn 22.000 người tham gia quân đội, gần 5.000 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến dâng trọn tuổi xuân cho đất nước; 3.200 thương binh, bệnh binh đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường và gần 2.500 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đất nước thống nhất, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải nhận thức rõ về tiềm năng, lợi thế của mình để từng bước phát huy, khai thác có hiệu quả phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Kinh tế của huyện tăng trưởng khá và trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh Thái Bình.
Những thành tựu, công sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và công cuộc đổi mới xây dựng đất nước đã ghi thêm vào truyền thống quê hương những trang sử hào hùng mới. Quân và dân Tiền Hải vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Có 01 đơn vị "Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa”; 12 tập thể và 11 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”; trên 11.000 người tham gia hoạt động kháng chiến trong các thời kỳ cách mạng được tặng  thưởng Huân, Huy chương các loại; toàn huyện có 618 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; 427 người được công nhận Lão thành cách mạng, 66 gia đình được công nhận Gia đình có công với nước.
Năm 2018, được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Tiền Hải. Những danh hiệu đó là sự đánh giá, ghi nhận công lao của Đảng bộ, quân và dân Tiền Hải trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phấn khởi và tự hào về những thành tựu đã đạt được, Khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, trong chặng đường mới, Đảng bộ, quân và dân Tiền Hải nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27 với mục tiêu:Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khai thác mọi nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; phấn đấu hết năm 2019 trở thành huyện nông thôn mới”.

Tại buổi lễ, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã thay mặt quyền Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải. 

Về dự và phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích đặc biệt xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đã đạt được trong thời gian qua.

Đồng chí khẳng định: Quá trình xây dựng của huyện Tiền hải luôn gắn liền với chặng đường lịch sử vẻ vang của cách mạng, gắn liền với những thành tích rất đáng tự hào trong xâydựng và phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh nhà. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong rằng, trong thời gian tới huyện tiếp tục phát huy truyền thống, tiềm năng, lợi thế để huy động các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.
Cũng tại buổi lễ đại diện lớp người cao tuổi, đồng chí Tô Ngọc Phiên, huy hiệu 60 năm tuổi đảng thuộc Đảng bộ xã Tây Ninh lên phát biểu cảm tưởng tự hào truyền thống quê hương.
Thay mặt cho thế hệ trẻ, đồng chí Bùi Thanh Lịch, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện phát biểu ý kiến, nguyện quyết tâm đồng lòng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh:
         
Phát biểu bế mạc buổi lễ, đồng chí Phạm Văn Nghiêm - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tự hào với những trang sử vẻ vang của quê hương, vinh dự Nhân dân và Đảng bộ huyện Tiền Hải được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thay mặt Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đồng chí Chủ tịch UBND huyện phát động phong trào thi đua trong thời gian tới với chủ đề “Cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Tiền Hải phát huy truyền thống quê hương anh hùng, đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng Tiền Hải ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2019”.

 Trước khi buổi lễ chính thức khai mạc, vào lúc 8h, chương trình nghệ thuật đực biệt  màn sử thi với thời lượng 60 phút, mang tựa đề: "Tiền Hải thật xứng với tên mình".

Chương trình được dàn dựng thành 3 phần, với 6 cảnh chính và 1 số tiểu cảnh theo bố cục xoay quanh cục diện từ khi doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ mở cuộc cách mạng khai hoang lấn biển lập lên huyện Tiền Hải, sự đấu tranh giành độc lập, giải phóng quê hương và sự đổi mới đi lên của quê hương Tiền Hải. Phần 1: Diệu huyền cuộc khai hoang lập huyện. Phần 2: Những chặng đường tranh đấu. Phần 3: Tiền Hải cất cánh. Trong chương trình có sử dụng hai ca khúc: Thái Bình ơn Bác, Nghe tiếng trống quê hương./.
                                                                                                 Thu Hường- Trí Tuệ
http://tienhaitb.gov.vn/index.php?chucnang=view_chitiet&cd=2&bv=536&p=1






1. Tháng 9 năm 2018









  02/10/2018 |   749 lượt xem
Kỷ niệm 190 năm (1828-2018) huyện Tiền Hải được thành lập cũng là tròn 160 năm ông qua đời. Thời gian có thể làm quên đi một con người bình thường, nhưng nhân thế không thể quên được ông- Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, một con người đa tài, nhà kinh tế, quân sự lỗi lạc. Để ghi nhớ và tri ân công lao của ông, Huyện ủy Tiền Hải tổ chức Hội thảo khoa học “Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với quê hương Tiền Hải” vào ngày 27/9/2018.
Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (năm 2011).
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) hiệu là Ngộ Trai, tự là Hy Văn, quê quán tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Cha của ông là quan đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, đậu Cử nhân thời Lê Mạt, làm Tri huyện Quỳnh Côi rồi Tri phủ Tiên Hưng, đều thuộc tỉnh Thái Bình và mẹ đẻ là Cảnh Thị, con quan nội thị Cảnh Bá Nhạc. Buổi thiếu thời dù sống trong cảnh hàn vi, ông luôn cố công trau dồi kinh sử để mong thi đỗ ra làm quan giúp dân giúp nước. Sau nhiều lần thi hỏng, cuối cùng ông đậu Tú tài năm 1813 và đậu Giải Nguyên năm 1819. 
Hoạn lộ của ông lắm bước thăng trầm: Ông làm quan ở nhiều tỉnh, nhiều vùng, có khi lên đến Binh Bộ Thượng Thư, nhưng cũng có lắm lần bị gièm pha giáng chức, cách chức. Ông giúp triều đình nhà Nguyễn đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa lớn như của Lê Duy Lương, Nồng Văn Vân, Phan Bá Vành... Năm 1828 ông làm Doanh điền sứ, giúp dân khai khẩn đất hoang, lập ra hai vùng đất Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) ngày nay. Ông mất ngày 7 tháng 12 năm 1858 tại chính quán, thọ 81 tuổi, được phong tước Dinh Bình Hầu.
 Đền thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại xã Tây Sơn (Tiền Hải).
Khi Tiền Hải còn mang tên gọi Tiền Châu, do quan niệm ấu trĩ, sai lầm của một số quan chức dưới chế độ thống trị của giai cấp phong kiến, đất và người  ở xứ “sú vẹt hoang vu” ấy, dường như bị lãng quên. Dân đói khổ lưu vong tứ xứ vì không có ruộng đất cày cấy; lũ lụt xảy ra thường xuyên; nghề sông biển chưa có điều kiện phát triển… Thời ấy, bước vào tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" Tả Thị lang bộ hình Nguyễn Công Trứ với lòng yêu nước, thương dân, với nhãn quan tinh tường đã dâng sớ trình với triều đình nhiều việc trong đó có việc: “Vỡ ruộng hoang cho dân nghèo”. Nhà vua y sớ, giao cho Nguyễn Công Trứ chức Doanh điền sứ để tổ chức việc khai hoang. Bằng tài năng và nghị lực sáng tạo, tháng 3/1828,  Nguyễn Công Trứ đã chiêu tập dân nghèo và dân lưu vong các nơi, chỉ 6 tháng sau đã hoàn thành công cuộc khẩn hoang mở đất. Tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (1828) triều đình cho đặt tên là huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, trấn Nam Định (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Huyện lỵ Tiền Hải đầu tiên đặt ở ấp Phong Lai, tổng Tân Thành (nay là khu vực đất chùa Phong Lai, xã Đông Phong). Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), huyện lỵ được chuyển về ấp Ngoại Hoàng thuộc tổng Tân Định (nay là xã Tây Sơn). Khi tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 21/3/1890, huyện Tiền Hải gồm 8 tổng, 79 xã thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. Ảnh: Mạnh Thắng 
Tưởng nhớ và tri ân công lao của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, 190 năm qua, các thế hệ người Tiền Hải luôn phát huy truyền thống lao động cần cù, bền bỉ, sáng tạo, tình đoàn kết gắn bó bền chặt giữa nhân dân các làng xã trong huyện và truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, cũng như sự nhạy cảm, quyết đoán trước những thời cơ và thách thức trong tiến trình hội nhập và phát triển. Tiền Hải ngày nay đã “thật xứng với tên mình”, trở thành một huyện trọng điểm về phát triển kinh tế, là khu vực phòng thủ quan trọng ven biển của tỉnh.

 
Giáo sư, Tiến sĩ Trương Sỹ Hùng - Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết (Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam)
 Bằng việc lập nên mảnh đất Kim Sơn và Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ đã làm nên kỳ tích lịch sử, đủ sức khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt, táo bạo, sớm được “dân sử”, “quốc sử” ghi nhận và đánh giá cao. Qua đó khẳng định ông có vai trò đặc biệt quan trọng trên lĩnh vực đổi mới tư duy kinh tế, hướng về biển đảo để củng cố thế đứng trên đất liền của cộng đồng dân tộc Việt Nam, có chiều dọc đất nước bao gồm toàn bộ phía Đông là biển cả. Huyện Tiền Hải nói riêng và tỉnh Thái Bình cũng như Hà Tĩnh nói chung, cần có những cuộc hội thảo, làm sáng tỏ hơn nữa tấm gương lao động, nghệ thuật lãnh đạo, phấn đấu không biết mệt mỏi, hết lòng yêu nước, thương dân của ông.
 
 Giáo sư Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết (Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam)
Cuộc đời Nguyễn Công Trứ là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong kinh tế và quân sự, tới chức Thượng thư, Tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, có lần giáng liền ba, bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú. Là tác giả của công trình khai hoang, làm thủy lợi lập xóm làng tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình), Nguyễn Công Trứ được nhân dân các địa phương đó lập đền thờ ngay khi ông còn sống (sinh từ). Giới trí thức Việt Nam hôm nay luôn coi ông là tấm gương của một nhân cách cao quý và đẹp đẽ. Giới trẻ cần tìm học ở ông những bài học làm người sáng giá.  
 
Ông Nguyễn Văn Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Tiền Hải

  Các sử gia thời Nguyễn đã ghi nhận: “Nguyễn Công Trứ là con người trác lạc, có tài khí, chẳng những có tài thơ văn mà còn lập công lớn nơi chiến trận, lĩnh chức doanh điền, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, gây thành mối lợi vĩnh viễn cho đất nước”. Hội thảo khoa học “Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với quê hương Tiền Hải” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828-2018) giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những công lao to lớn của Doanh điền sứ với quê hương Tiền Hải. Đồng thời là dịp nhìn lại và khẳng định những thành tựu đã đạt được trong quá trình 190 năm xây dựng và trưởng thành của Tiền Hải. Từ đó, góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước của quê hương cách mạng 14-10 anh hùng, là nguồn cổ vũ quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Phan Lợi
http://tienhaitb.gov.vn/index.php?chucnang=view_chitiet&cd=1&bv=502&p=1
















  27/09/2018 |   542 lượt xem
Chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2018), tri ân doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, chiều ngày 27/9, BTV Huyện ủy Tiền Hải phối hợp với Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết thuộc Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với quê hương Tiền Hải".
Tham dự Hội thảo có giáo sư Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết, giáo sư tiến sỹ Trương Sỹ Hùng - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết, cùng các nhà khoa học. Các đồng chí lãnh đạo đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Về phía huyện có đồng chí Nguyễn Văn Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Tô Xuân Thức - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Phạm Hồng Tùng - Phó Bí thư Huyện ủy, các đồng chí trong BTV Huyện ủy; Thủ trưởng các phòng, ban liên quan.
  Hội thảo khoa học đề cập tới vai trò của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ trong công cuộc khai hoang lấn biển, quai đê xây dựng hệ thống đại thủy nông toàn diện thành lập huyện Tiền Hải tháng 9/1828. Cùng với đó là những thành tựu của huyện Tiền Hải 190 năm hình thành và phát triển gắn với lịch sử hình thành đất đai và cư dân, truyền thống, bản sắc Văn hóa Tiền Hải trong tổng thể Văn hóa Thái Bình.
Trong bài: “Nguyễn Công Trứ khoảnh khắc tạ từ triều Nguyễn”, giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh - Viện nghiên cứu văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam viết: “ngày ông rời khỏi Kinh thành, lễ tiễn đưa cũng rất long trọng, Gia phả ghi rằng: “Ngày dải ấn, các quan đặt lễ tiễn đưa ở ngoài cửa thành, mũ áo đứng đông như rừng, mọi người đều coi là vinh dự. Nhưng Nguyễn Công Trứ thì sao? Ông có mũ áo xênh xang, dù che ngựa cưỡi? Và ông rời bữa tiệc tiễn như thế nào? Những tư liệu nói về giờ khắc ấy chỉ nhắc chuyện ông cưỡi con bò vàng nghênh ngang ở Kinh đô, như Giang Văn Hiển, Lê Bỉnh Đức, Nguyễn Văn Lý... và chính ông cũng tự nói trong Bài ca ngất ngưởng: đô môn giải tổ chi niên/ Nhạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng. Chuyện cứ như đùa, như một lời nói ngông, một giai thoại khó tin, nhưng đó là chuyện thực, có nhiều người chứng kiến… Chắc hẳn Nguyễn Công Trứ không phải người coi cuộc đời là sân khấu, trò đùa, để thử tài chơi. Ông làm mọi việc tận tụy, cần mẫn chưa dễ mấy người theo được; sự nghiệp ông để lại cho dân là thành quả mà cũng không mấy người có được. Suy tôn Nguyễn Công Trứ ở nhân cách, cá tính, tài năng và sự khẳng định cái tôi quyết liệt… thiết nghĩ cũng cần đặt trong mối tương quan với di sản lợi ích nhân quần ông để lại. Có thể sự đánh giá trân trọng và tình cảm của vua Duy Tân trong Đạo sắc truy phong tước tử cho Nguyễn Công Trứ năm 1814 là thỏa đáng và bao quát  hơn cả.
Trong bài “Cuộc đời hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm - cán bộ nghiên cứu Viện sử học, Ủy viên Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết đã viết: Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Công Trứ cũng đã nhiều lần bị giáng chức và một lần bị cách chức, phải làm lính đi phát phối tại vùng biên viễn Quảng Ngãi. Tất nhiên, mỗi lần bị truất giáng như vậy đều có những nguyên nhân cụ thể mà triều thần đưa ra cáo buộc. Nhưng thời gian bị cách chức rất nhanh, thường lại được phục hồi ngay. Quốc sử quán triều Nguyễn đã chép như sau: “Trứ làm quan thường bị bãi cách, rồi được cất nhắc ngay lên”.
Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Giang – Bí thư Huyện ủy Tiền Hải đã khẳng định: Hội thảo khoa học “Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với quê hương Tiền Hải” được tổ chứuc nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828-2018) sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những công lao to lớn của Doanh điền sứ với quê hương Tiền Hải; thấy rõ quá trình 190 năm Tiền Hải xây dựng và trưởng thành. Qua đó, góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước của quê hương cách mạng 14-10 anh hùng, là nguồn cổ vũ quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020. Phấn đấu đến hết năm 2018 có 34/34 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, Tiền Hải trở thành huyện Nông thôn mới
Những tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, con người Tiền Hải trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Bằng những cứ liệu khoa học để lý giải một cách khách quan, chân thực, chính xác về những thành tựu cùng những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm đối với từng lĩnh vực trong quá trình phát triển 190 năm qua của huyện Tiền Hải.

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đề xuất, tư vấn, kiến nghị với Trung ương, với tỉnh Thái Bình về việc quan tâm, chỉ đạo đầu tư hỗ trợ để tạo đà xây dựng quê hương Tiền Hải ngày càng phát triển. Phấn đấu hết năm 2018, huyện Tiền Hải có 34/34 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Đến năm 2019 trở thành huyện Nông thôn mới ./.
                                                                                          Thu Hường- Lê Chinh

http://tienhaitb.gov.vn/index.php?chucnang=view_chitiet&cd=9&bv=494















  11/10/2018 |   634 lượt xem
Kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Tiền Hải(1828 - 2018), Tiền Hải tổ chức dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sỹ trung tâm huyện, Đền thờ Bác Hồ, Đền thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, Nhà tưởng niệm cố đại tướng Hoàng Văn Thái, nhà tưởng niệm đồng chí Vũ Trọng.


Trong không khí thành kính, thiêng liêng, đoàn đại biểu đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do cho Tổ Quốc; công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cống hiến hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ- người có công lớn khai khẩn ra mảnh đất Tiền Châu xưa, nay là huyện Tiền Hải. Đại tướng Hoàng Văn Thái – vị tướng tài của dân tộc, người có công lớn trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc chống Chủ nghĩa thực dân; Đồng chí Vũ Trọng – người chiến sĩ cách mạng ưu tú của quê hương cách mạng 14-10.


Trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ, của Người và Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ, cố Đại tướng Hoàng Văn Thái, đồng chí Vũ Trọng, Đảng bộ và nhân dân huyện Tiền Hải nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu hết năm 2018, huyện Tiền Hải có 34/34 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Đến năm 2019 trở thành huyện NTM./.
                                       Thu Hường – Trí Tuệ

http://tienhaitb.gov.vn/index.php?chucnang=view_chitiet&cd=2&bv=534









---



BỔ SUNG II

(tư liệu cũ, lấy từ bên Giao Blog trên Yahoo về)


1. Tháng 9 năm 2011

Đã post ngày 9/9/2011

"








Dọc theo đường 10, đi thăm nhà cũ và công trường của cụ Nguyễn Công Trứ


Chúng tôi lên đường, cứ thẳng tiến theo Quốc lộ 10 – một con đường kết nối biết bao nhiêu điều kì thú, liên kết những miền quê hương huyền thoại, mà từ thưở lên mười tôi đã ước ao chạy bộ từ đầu nọ sang đầu kia. Ước mơ đó thành hiện thực vào lúc này, nhưng tiếc là không phải chạy bộ, mà là xe bốn bánh !
Nhớ lại, thời trường Lê Quí Đôn của thầy Vũ Huy Hồi, vào một kì nghỉ, tôi đã tổ chức một chuyến chạy bộ theo đường 10 thật ! Tham gia có tất cả 6 anh em, toàn là nam, và 4 người trong số đó là các công tử thành phố đã bỏ cuộc ngay khi vừa vượt sông Bo, chỉ còn tôi và một chú em lớp dưới là đến Vĩnh Bảo, rồi cũng quay về trên một chiếc xe bò kéo !
Nhiều năm tháng đã trôi qua, bây giờ ngồi nghĩ lại, vẫn không thấy những điều ao ước thưở lên mười ấy là ngông. Bởi, tuổi trẻ là như vậy. 
Lần này, chúng tôi trước là tới nhà cũ của cụ Nguyễn Công Trứ ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Từ đó, sẽ ghé thăm cửa sông Càn.
Tiếp theo, vượt sang bên kia, là Thái Bình.
Sinh thời, cụ Trứ đã lãnh đạo hai cuộc quai đê lấn biển lớn để lập nên 2 huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Nền nhà cũ và công trường của cụ, ngay khi ấy, đã được dân lập sinh từ (đền thờ sống), hương hỏa mãi mãi.
Tùy tình hình, có thể chúng tôi cứ thế mà đi vào xứ Nghệ – quê của cụ Trứ.
This entry was posted in Những miền quê hương on . Edit
"
https://dzjao.wordpress.com/2011/09/09/doc-theo-duong-10-di-tham-nha-cu-va-cong-truong-cua-cu-nguyen-cong-tru/





2. Vẫn là tháng 9 năm 2011 (ảnh cũ trên blog lưu trữ đã hỏng)

Đã post ngày 14/9/2011

"



Giáo sư Vũ Khiêu (nguồn)

Chúng tôi thẳng tiến theo trục đường 10 như đã nói ở entry trước.
Tới các điểm di tích thờ cụ Nguyễn Công Trứ, thấy có một số hoành phi và câu đối được cho biết là tác phẩm của cụ Vũ Khiêu. Cụ Vũ Khiêu chỉ cho chữ (chắc là ở dạng âm Nôm hay âm Hán Việt là chính), người ta mang âm-chữ ấy đi nhờ người giỏi chữ viết ra chữ (hoặc Hán hoặc Nôm), rồi lại nhờ thợ khắc lên gỗ.
Tôi đã nghe trong lần này, và nhiều lần trước, về những dật thoại liên quan đến việc xin chữ của cụ Vũ Khiêu. Người kể với ý khen, người kể với ý chê, thiên hạ xưa nay vẫn thế mà, khen che là lẽ tất nhiên. Tôi nghe bằng tai khách quan, không thiên không lệch. Điều quan trọng với tôi là sản phẩm thực ấy như thế nào.
Bây giờ, xin đưa lên đây một đôi câu đối. Nó là như thế này:
Vế thứ nhất

Vế thứ hai

Những entry liên quan đã đi trên blog này:
This entry was posted in Tin tức (du lịch) on . Edit
"

https://dzjao.wordpress.com/2011/09/14/xem-cau-doi-cu-vu-khieu-viet-cho-den-tho-cu-nguyen-cong-tru/



3. Tháng 12 năm 2011 (đưa lại tin cũ của tháng 10 năm 2011)

Đã post ngày 20/12/2011

"




Lời dẫn: Tin này để lui lại hơn 2 tháng, bây giờ mới post lên. Lấy về từ báo Thái Bình. Tin về khu tưởng niệm cụ Nguyễn Công Trứ mới khánh thành có thấy xuất hiện ngay chiều tối hôm đó trên VTV, hình như VTV2 hay VTV3 (không nhớ rõ), nhưng chỉ có độ 10 -15 giây.
Người ta đã hơi nhầm khi phải đầu tư cho 10-15 giây (không phải phút) như vậy trên VTV.
Dụng ý của người thực sự xây dựng nên khu tưởng niệm là ngày 14-10. Báo chí cả trung ương và địa phương đều không hề biết vì sao lại là ngày đó, chỉ đưa tin là ngày 15-10.
Mình phải ghi lại đây để khỏi quên. Bia đá làm chứng.

Khánh thành Khu lưu niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ

Cập nhật: Thứ ba, 18/10/2011 | 9:30:39 AM
Sáng ngày 15/10, huyện Tiền Hải tổ chức lễ kỷ niệm 183 năm thành lập (1828-2011), ra mắt cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện (1926-2010) và cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại xã Tây Sơn.
Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cắt băng khánh thành Khu lưu niệm.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Trung tướng Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Ca, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh. Tới dự còn có các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại diện hai huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Kim Sơn (Ninh Bình) cùng đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện.

Cách đây 183 năm, trên bãi biển Tiền Châu hoang vu, đầy lau sậy, sú vẹt, bằng tài năng và nghị lực sáng tạo, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã chiêu mộ nông dân ở nhiều nơi khai hoang, vỡ hóa lập nên ấp, lý, trại, giáp. Huyện Tiền Hải dần được hình thành và chính thức ra đời vào mùa thu năm Minh Mạng thứ 9 (1828). Trải qua 183 năm xây dựng và trưởng thành, huyện Tiền Hải ngày nay có diện tích tự nhiên trên 24.600 ha, dân số trên 22 vạn người, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh nội sinh cùng cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là kết quả của tinh thần lao động cần cù, thông minh, sáng tạo của các thế hệ người Tiền Hải trong công cuộc đấu tranh với thiên nhiên để cải tạo và phát triển.

Nhân kỷ niệm 183 năm ngày thành lập, huyện Tiền Hải đã cho ra mắt Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1926- 2010 và cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại xã Tây Sơn. Khu di tích lịch sử Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ được xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt gồm hai dự án: khu tưởng niệm và khu đình thờ, công trình do Tập đoàn GELEXIMCO làm chủ đầu tư với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Việc khánh thành Khu lưu niệm và ra mắt cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Tiền Hải anh hùng cho các thế hệ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương thành tích mà Đảng bộ và nhân dân huyện Tiền Hải đã đạt được trong những năm qua. Đồng chí mong rằng, trong thời gian tới, Tiền Hải tiếp tục phát huy những truyền thống anh hùng, tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực để đưa Tiền Hải phát triển bền vững, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ ngay từ những năm đầu.

Tin, ảnh: Đức Lợi

Những entry liên quan đã đi trên blog này:
This entry was posted in Danh nhân nước Việt on . Edit
"
https://dzjao.wordpress.com/2011/12/20/nguyen-cong-tru-song-lam-tuong-chet-lam-than-khu-tuong-niem-o-thai-binh/







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.