Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/09/2018

Về bản dịch "Nhật kí trong tù" của Nam Trân (bài Đào Thái Tôn, 2017)

Về bản dịch của cụ Nam Trân, thì từ lâu đã có một tràng luận bàn của bác Mai Quốc Liên (xem ở đây). Rồi sau đó, có một bài tựa như trả lời chung của bác Huệ Chi (xem ở đây).

Công việc dịch Nhật kí trong tù quả là rích rắc. Có rất nhiều điểm phải bàn một cách từ từ, đúng như cụ Phong Lê đã tạm tổng kết (xem ở đây).

Dưới là một bài của cố học giả Đào Thái Tôn. Gần đây, bài này được ai đó đem gõ lại và đưa lên mạng. Đưa về đây lưu. Chỉ lưu bài của bác Đào Thái Tôn mà thôi. 

Về phong cách dân dã và dí dỏm của học giả họ Đào lúc sinh thời, có thể thấy được phần nào qua một mẩu hồi tưởng ngắn do trưởng nữ của ông viết và công bố mấy năm trước ở đây.

Bài in trong sách Nam Trân – Nhà thơ, nhà giáo, dịch giả, NXB Tri thức, 2017, tr. 283-311. Tôi đọc bài này lần đầu tiên từ chính bản được đưa lên mạng, mà chưa thấy bản trên giấy.





---








Đào Thái Tôn

TỪ TIỀN LỆ DỊCH LẠI “NHẬT KÝ TRONG TÙ” …
1. Bản gốc Ngục trung nhật ký hiện lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đánh số từ bài 1 đến 133. Nếu tính cả 4 câu thơ như lời Đề từ viết phía trên bức tranh minh họa hai cổ tay bị xích, là 134 bài. Nhưng vì bài số 100 chỉ có ba chữ “Liễu Châu ngục”, nên tập thơ vẫn là 133 bài. Theo Nam Trân, ngày đó do có một số bài liên quan tới những người làm việc cho Tưởng Giới Thạch, dịch ra không tiện (1) nên năm 1960 đã để lại 20 bài, công bố 113 bài. Nếu tính cả bài Mới ra tù tập leo núi Tố Hữu đề nghị dịch thêm (2) vốn nằm ngoài tập thơ, thì bản in năm 1960 đã công bố 114 bài.
2. Vì thế, cuối năm 1977, một Tiểu ban chỉnh lý và bổ sung bản dịch Nhật ký trong tù của Viện được thành lập và đến năm 1983, lần đầu tiên đưa thêm được 13 trong 20 bài chưa công bố. Đến năm 1990 mới công bố được bản dịch trọn vẹn, kể cả bài Mới ra tù tập leo núi, gồm 134 bài. Phần bổ sung đã xong. Nhưng việc dịch lại phần dịch nghĩa, chỉnh lý một số câu chữ trong phần dịch thơ, thay thế một vài bài thơ dịch bằng bài dịch mới, hoặc dịch thêm một bản dịch khác (3) khi tác giả và dịch giả đều đã mất, là việc làm khá bất ngờ; bởi ai cũng biết rằng, để tỏ lòng thành kính đối với tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẳng định chất lượng bản dịch Nhật ký trong tù, từ khi công bố (1960), bản dịch không mang danh nghĩa cá nhân mà mang danh nghĩa VIỆN VĂN HỌC. Nam Trân rất thanh thản về điều đó. Có lẽ Chế Lan Viên là người đầu tiên khẳng định công lao của Nam Trân. Trong bài Nhớ tiếc Nam Trân (4), Chế Lan Viên viết: “Chỉ một việc anh dịch xong tập thơ của Bác, Anh đã coi là có thể làm xong nhiệm vụ của Cách mạng. Nếu anh rất vinh dự được Cách mạng giao cho công tác ấy thì hàng triệu độc giả cũng cảm ơn Anh vì nhờ Anh, họ đã thưởng thức được Nhật ký trong tù”.
Lý do việc dịch lại, đã được Viện Văn học cho biết, là: Trong 30 năm qua, bạn đọc từ nhiều miền của Tổ quốc đã gửi về những bản góp ý cụ thể, tỉ mỉ về chất lượng bản dịch. Báo chí cũng từng trao đổi nhiều xung quanh vấn đề đó nên năm 1977 một Tiểu ban đã chính thức được thành lập để chỉnh lý bản dịch. Vậy chúng ta hãy cùng nhau xem lại những góp ý qua các thời kỳ:
Năm 1961. Ngay khi bản dịch mới ra đời, bên cạnh nhiều thư từ gửi đến Viện Văn học hoan nghênh, Nam Trân cũng “nghe được nhiều tiếng chuông rất khác nhau”. Vì thế, trên Tạp chí Văn học số 9/1961, khi viết bài cảm ơn thịnh tình của bạn đọc, ông không quên dẫn ra hai góp ý tiêu biểu để từ tốn thưa lại. Ông viết:
- “Bà Hoàng Thị Liên, phát biểu: “Bản dịch của Viện rất hay nhưng tôi nghĩ rằng muốn phổ thông hóa các bài thơ đó thì phải dịch theo thể thơ lục bát mà dịch liên tiếp nhau thành một tập thơ kể chuyện”. Nam Trân thưa: “Chúng tôi thấy đó là một sáng kiến xuất phát từ tinh thần phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân. Song rất tiếc là sáng kiến đó không thực hiện được vì lẽ rằng chúng ta không thể kết lại thành một thiên tự sự những bài thơ có lối cấu tạo riêng biệt của nó”.
- “Bạn Hồ Lãng có ý kiến: “Kể thì đọc những câu thơ dịch, những ai dễ tính rất có thể khen là bay bướm mượt mà, nên thơ hơn nguyên tác thật. Song chính cái hay hơn này, nên bản dịch mới thật là đáng trách. Chúng ta cứ tưởng tượng như có một người nào đó xem tượng vạc đắp, rồi trông thấy mà đắp theo, nhưng lại gọt hết những nét gai gợn xù xì trên pho tượng cho mượt mà đi; hoặc họ xem tranh chấm phá, rồi vẽ theo nhưng lại tô những nét loang lổ xơ xác cho gọn lại; thì ta sẽ thấy việc làm của họ không những đã không nên khen mà còn phải phê bình là khác”. Nam Trân thưa: “Trong bài này chúng tôi sẽ không đề cập tới những ý kiến liên quan đến các vấn đề lý luận (Thế nào là giữ phong cách của thơ trong bản dịch? Thế nào là không lệ thuộc quá mức vào nguyên tác?…). Vì lẽ rằng ý kiến của các bạn đã xác định những điều mà chúng tôi sẽ học tập được trong quá trình dịch tập thơ. Tuy nhiên, có một điểm cần phải nêu lên là chúng tôi không bao giờ quan niệm công tác dịch thơ như công tác bắt chước đắp lại một pho tượng hoặc vẽ lại một bức tranh. Trái lại, theo chúng tôi, người dịch thơ phải làm việc với óc sáng tạo, chí ít cũng có phần sáng tạo trong ngôn ngữ dân tộc. Sau khi tìm hiểu tâm cảnh, ý cảnh trong bài thơ, người dịch phải diễn đạt lại tinh thần của một tác phẩm nghệ thuật dưới một hình thức hoàn toàn thích hợp với nội dung. Đó là chỗ chúng tôi thấy có khác nhau với quan điểm trên đây của bạn Hồ Lãng.
Hơn nữa, bút pháp trong thơ Hồ Chủ tịch có cái hoàn chỉnh đặc biệt của nó. Ấy là lối hoàn chỉnh mà người xưa gọi là thiên y vô phùng (áo trời không có đường may), tuyệt nhiên không phải là những nét xù xì gai gợn như trên một pho tượng nào. Điều khó dịch trong thơ Hồ Chủ tịch là thơ của Người đã vượt qua khỏi cái đỉnh cao nhất của thời kỳ điêu luyện và đã trở thành một nghệ thuật giản dị hầu như tự nhiên”.
Năm 1978. Xem lại biên bản cuộc họp cộng tác viên đầu năm 1978 “góp ý về những bản dịch” (5), thì thấy:
Một là, đã gọi là góp ý thì phải góp từ khâu bản thảo. Đằng này ván đã đóng thuyền, sách đã in từ 1960 mà năm 1978 mới “góp ý”, thì góp cho ai? Đây là cuộc họp phê bình bản dịch. Nhưng Nam Trân đã mất (1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đã mất (1969), trong khi bản dịch tập thơ đã đi sâu vào tâm thức quần chúng như một hiện tượng lịch sử, văn học lớn thì việc dịch lại như vậy, có nên chăng?
Hai là, đọc biên bản, thấy nhiều người mang một số chữ trong câu thơ dịch để phê phán rằng dịch chưa sát với nghĩa chữ Hán của nguyên tác, thì là điều thật lạ lùng. Trong không khí như thế, khi Lê Trí Viễn nói “cái đích là phải đạt được những bản dịch khiến người ta quên nguyên bản. Đối với bản dịch thì khó hơn. Có khi người ta chấp nhận một bản dịch xa nguyên tác một chút, nhưng hay” thì, ý kiến của ông như lạc đề, không được ai chú ý. Nếu như vậy thì từ bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm đến những bài thơ tự dịch của Phạm Quý Thích, Nguyễn Khuyến, thậm chí là cả bản dịch Tân xuất ngục học đăng sơn (Mới ra tù tập leo núi) của T.Lan (6), của Nam Trân… cũng sẽ bị phê là những bản dịch “không sát với nguyên tác”!
Có nhìn lại như thế mới thấy rằng người dịch thơ như người soạn món ăn mà người đọc chẳng khác nào thực khách. Nhưng nếu như năm 1961, Nam Trân đã trình bày cặn kẽ với thực khách về kỹ thuật bếp núc của người đầu bếp thì năm 1978 Viện Văn học lại quá tin theo góp ý của mọi người, lâm vào cảnh làm dâu trăm họ nên thế tất sẽ phát sinh lúng túng. Nhưng một khi cấp trên đã chủ trương như vậy, cấp dưới phải thực hiện. Tiểu ban đã thực hiện một cách nghiêm túc trên tinh thần phát huy truyền thống khoa học của Viện, lần lại hồ sơ, tìm thêm được ba trong 20 bài Nam Trân đã dịch chưa công bố để đưa thêm vào Nhật ký trong tù (bản dịch trọn vẹn) (7). Nhưng vì theo sát những góp ý của cộng tác viên, Tiểu ban đã hồn nhiên chỉnh lý cả phần dịch nghĩa lẫn phần dịch thơ, thậm chí dịch lại một số bài. Thế là những lúng túng bắt đầu hiện ra khi gặp những câu hỏi:
a) Liệu có cần dịch lại cả phần dịch nghĩa và một số bài thơ Nam Trân đã dịch không?
b) Những bài thơ được chỉnh lý hay thay bằng bản dịch khác, có chắc chắn là hay hơn bản dịch của Nam Trân không, khi bản dịch cũ của ông không còn để so sánh?
c) Việc đưa thêm bản dịch để bạn đọc cân nhắc là không cần thiết. Vì sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề đọc duyệt bản dịch nào khác, ngoài bản dịch năm 1960. Nghĩa là bản dịch đã đi vào lịch sử. Vả chăng Nam Trân cũng đã mất từ lâu; bản dịch của ông không phải nơi đưa thơ của người khác vào, để thi tài.
Thế là, từ chỗ thành tâm thực hiện chủ trương cấp trên, những tưởng sẽ góp phần nâng cao hơn nữa bản dịch, Tiểu ban không thể ngờ rằng những lúng túng trên đây đã tạo tiền lệ cho một số người vì mục đích riêng bám vào. Từ đó, họ mượn cớ “dịch lại” Nhật ký trong tù, tha hồ tùy tiện sửa chữa, xóa bỏ những bản dịch thơ Nam Trân, đưa thêm những bản dịch khác.
ĐẾN VIỆC NHÌN LẠI HAI BẢN “DỊCH LẠI”
I. Ngay sau khi Viện Văn học lần đầu tiên công bố Nhật ký trong tù (bản dịch trọn vẹn), năm 1992, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội tự phong là Chủ tịch Hội đồng Biên tập Nhật ký trong tù, đã tập hợp một số người “dịch lại” bản dịch của Viện Văn học. Bản dịch được ghi trang trọng tại trang 5:
“HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP
NHẬT KÝ TRONG TÙ
Chủ tịch
NGUYỄN ĐỨC DIỆU
Các ủy viên:
TRẦN LÊ VĂN – TRỊNH NHU
NAM SƠN – CHÂU QUANG THÉP
PHẠM NGỌC HY (Thường trực)
Và trang 6:
Khảo văn bản, phiên âm và chú giải:
GS. NGUYỄN SĨ LÂM
Dịch thơ:
VIỆN VĂN HỌC (NXB VĂN HỌC, 1983)
GS. NGUYỄN SĨ LÂM
TRẦN ĐẮC THỌ – KHƯƠNG HỮU DỤNG
TÔ LÂN – NGUYỄN MỸ TÀI
PHAN TRỌNG BÌNH – HOÀNG NGÂN
Bản dịch tiếng Anh
ĐẶNG THẾ BÍNH – NGUYỄN VĂN SỸ”
Cuốn sách cũng dịch trọn vẹn 133 bài như bản năm 1990 của Viện Văn học, nhưng xóa bỏ hơn ba phần tư số bài thơ dịch của Nam Trân, thay bằng bản dịch khác. Lời Nhà xuất bản và Hội đồng Biên tập Nhật ký trong tù nói về việc cho ra đời cuốn sách, như sau:
Nhật ký trong tù được Viện Văn học biên dịch và công bố từ năm 1960, rồi qua những lần chỉnh lý, bổ sung, tái bản (1977, 1980, 1983, 1990), đến nay đã tròn 30 năm, và đó là sự đóng góp kịp thời, to lớn đối với bạn đọc trong nước cũng như ngoài nước. Tuy nhiên, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố thêm một bản dịch Nhật ký trong tù với hy vọng cùng bản dịch của Viện Văn học tạo thành một cộng hưởng nhằm phục vụ bạn đọc có hiệu quả hơn, sâu rộng hơn, ghi dấu những ngày sôi động, thiêng liêng mà toàn dân ta đang cùng nhân dân thế giới tưởng niệm công lao to lớn của Người” (tr.7).
Cuốn sách ra đời nhằm kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) mà đến 1992 mới in xong là điều đáng tiếc. Nhưng điều đáng chú ý là bản dịch này chỉ giữ lại 35 bài của Nam Trân (gọi là bản dịch Viện Văn học). Trong khi đó, Nguyễn Sĩ Lâm có 47 bài; Trần Đắc Thọ, 33 bài; Hoàng Ngân, 5 bài; Khương Hữu Dụng, 2 bài (bài 26, 109); Phan Trọng Bình, 2 bài (bài 95, 107); Nguyễn Mỹ Tài, 2 bài (bài 56, 76); Tô Lân, 1 bài, v.v.
Cuốn sách cho biết, đã dịch “theo nguyên bản Ngục trung nhật ký lưu trữ tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam” (trang 168). Nhưng điều này không có gì mới, vì năm 1960 Viện Văn học cũng dịch từ bản gốc này và khi gặp một vài chữ băn khoăn, đã xin ý kiến Hồ Chủ tịch. Năm 1990 Viện lại đã trình bày cụ thể từng trường hợp chữ nghĩa so với bản 1960. Bản 1992 [của NXB Khoa học xã hội] cũng khảo văn bản, nhắc lại những chữ nghĩa bản 1990 [của Viện Văn học] đã trình bày; nhưng đến khi đưa thêm một số trường hợp thì lại khảo đính cả những bài mà năm 1960 Viện Văn học chưa công bố để nói rằng công bố sai (như bài 87, 88 Ký Nê Lỗ – Gửi Nêru). Và có trường hợp còn khảo không đúng (8). Về chất lượng các bản dịch thơ ở bản 1992, nếu ai đã đọc bài phê bình của Vũ Ngọc Khánh, chắc không muốn nói gì thêm (9).
Nhưng bản 1992 đã sinh thêm tiền lệ mới: ghi tên dịch giả dưới mỗi bài thơ.
Thế là, con gà tức nhau tiếng gáy, có lẽ Tiểu ban Viện Văn học nghĩ rằng, năm 1990 khi công bố bản dịch trọn vẹn, chúng ta không đưa tên người dịch dưới mỗi bài thơ mà chỉ trân trọng đưa tên Nam Trân như linh hồn của bản dịch, kèm theo danh sách Tiểu ban (10). Thế mà nay, Nhà xuất bản Khoa học xã hội lại nêu tên 8 dịch giả. Vậy thì tội gì ta không nêu. Thế là, khi cho in lại bản dịch trọn vẹn [năm 1993], Tiếu ban bèn trương ra một danh sách 15 người:
“Dịch thơ
NAM TRÂN
VĂN TRỰC – VĂN PHỤNG – KHƯƠNG HỮU DỤNG – T.LAN – HUỆ CHI – BĂNG THANH – ĐỖ VĂN HỶ – HOÀNG TRUNG THÔNG – XUÂN THỦY – XUÂN DIỆU – TRẦN ĐẮC THỌ – VŨ HUY ĐỘNG – NGUYỄN SĨ LÂM – HOÀNG NGÂN – NGUYỄN BÁU – HẢI NHƯ”.
So với bản in 1960, từ chỗ 114 bài trong bản 1960, đến bản in trọn vẹn lần này (11), Nam Trân đã bị thay thế 17 bài trong đó có 8 bài ký tên Văn Trực – Văn Phụng, bút danh của Phạm Văn Bình. Chúng tôi ngờ rằng có sự nhân nhượng. Vậy xin trình bày:
Đầu năm 1978, tại cuộc họp cộng tác viên Viện Văn học, có người cho rằng ông Phạm Văn Bình là người đầu tiên có công dịch toàn bộ Nhật ký trong tù. Đến năm 2000, có người đã khai thác việc này, viết mập mờ (12). Có phải đây là sức ép khiến Tiểu ban phải ghi tên Văn Trực – Văn Phụng là dịch giả 8 bài thơ trong bản dịch năm 1960 (?). Sở dĩ đặt ra câu hỏi này là vì, khi so bản lược dịch của ông Bình hiện còn lưu ở Viện (trong cột II bảng thống kê) với bài thơ dịch của Nam Trân (cột III) và bài được ghi tên ông Bình (cột IV), chúng tôi thấy những bài thơ ở cột III đã được đưa sang cột IV. Cụ thể là:
- Bài thứ nhất và thứ hai, Học đánh cờ (1, 2) không phải bản lược dịch của ông Bình; Bài thứ ba, nói cho vui là chữa vài chữ trong bản cột III, đưa sang cột IV; Bài thứ bốn, năm, sáu bảy và tám (Học đánh cờ 3, GhẻNghe tiếng giã gạoGiải đi Vũ MinhCột cây số) đều là các bản dịch của cột III, bị đưa sang cột IV. Hơn nữa, có bài ký tên Nam Trân, nhưng đã bị chữa so với bản năm 1960 (như bài Cảm tưởng đọc ‘Thiên gia thi’) (13).
II. Tiền lệ sinh ra tiền lệ. Năm 2000 đã ra đời cuốn sách “dịch lại” tất cả những gì người ta đã dịch lại. Đó là cuốn sách của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Tận thu kết quả từ các cuốn sách mà nhiều người đã làm từ năm 1990, năm 2000 Trần Đắc Thọ đứng tên “dịch lại” Nhật ký trong tù (14).
Sách gồm 3 phần : I. Nhật ký trong tù. II. Những bài thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1940. III. Những bài thơ tiếng Việt. Trang 4 cuốn sách ghi 20 dịch giả:
“DỊCH THƠ:
NAM TRÂN – QUÁCH TẤN – TỐ HỮU – TRẦN ĐẮC THỌ – VĂN TRỰC – VĂN PHỤNG – BẢO ĐỊNH GIANG – HOÀNG TRUNG THÔNG – XUÂN DIỆU – HUY CẬN – ĐỖ VĂN HỶ – PHAN VĂN CÁC – NGUYỄN SĨ LÂM – HOÀNG ĐĨNH – NAM SƠN – KHƯƠNG HỮU DỤNG – NGUYỄN MỸ TÀI – HẢI NHƯ – MAI QUỐC LIÊN – NGUYỄN QUẢNG TUÂN”.
Trang 5 ghi:
“Dịch nghĩa, chú thích, hiệu đính văn bản
TRẦN ĐẮC THỌ
Nhuận chính và tuyển thơ
MAI QUỐC LIÊN
Bản dịch mới, tư liệu mới
Lần đầu tiên in kèm toàn văn thủ bút chữ Hán “Ngục trung nhật ký”
của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
Nhưng sau khi xem kỹ, cuốn sách có 4 điều chưa rõ ràng:
Trước hết, Nhật ký trong tù là một tác phẩm độc lập, vì thế, các dịch giả tại Phần I và Phần II cuốn sách phải ghi tách biệt, không thể đề tên một lèo 20 người dịch như vậy. Theo đó, Huy Cận, Mai Quốc Liên, Phan Văn Các, Tố Hữu, T. Lan thuộc danh sách những người dịch Phần II (Thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh từ năm 1940) – trong đó, Mai Quốc Liên chỉ dịch 1 bài, là bài Phỏng Khúc Phụ. Thực ra bài này do Đặng Thai Mai dịch nhưng Mai Quốc Liên đã xóa đi, thay bằng bản dịch của Quách Tấn, kèm theo bản dịch của ông và Trần Đắc Thọ. Vậy xin ghi lại đây bản dịch của Đặng Thai Mai được Phan Văn Các sưu tầm trong Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (NXB. Văn học, H, 1990) (15) và bản dịch của cả ba ông.
Sau nữa, Phần I cuốn sách đã mang tên Trần Đắc Thọ. Vậy ai chịu trách nhiệm Phần II và Phần III? Sao không nói rõ?
Đến đây, xin xét từng Phần I, II, III của cuốn sách.
Phần I, “Nhật ký trong tù”. Bản dịch Nhật ký trong tù tại Phần I có phải là bản dịch mới, tư liệu mới? Việc hiệu đính văn bản thế nào? Bản chụp thủ bút chữ Hán Ngục trung nhật kýcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh có phải là văn bản trung thành với bản gốc không?
1. “Bản dịch mới” thì đúng rồi. Vì cứ theo tiền lệ, nhóm Mai Quốc Liên tha hồ “dịch lại” bản năm 1960 của Nam Trân, bản năm 1990 Viện Văn học đã dịch lại Nam Trân và cả bản năm 1992 [NXB KHXH] đã dịch lại hai bản trên. Nghĩa là dịch lại tất cả những bản đã dịch đi dịch lại. Tiền lệ đã có. Cứ thế mà làm.
2. Nhật ký trong tù tại Phần I cuốn sách có tư liệu mới không? Không. Đó chỉ là bí mật “kế thừa” các cuốn sách người khác đã làm từ 1990. Cụ thể là:
2.1. Đã đọc rất kỹ Nhật ký trong tù (bản dịch trọn vẹn) của Viện Văn học. Bằng chứng là, trong việc ghi tên người dịch dưới mỗi bài thơ, bản Viện Văn học là bản lần đầu tiên ghi tên Văn Trực-Văn Phụng, lần đầu tiên ghi tên hai người dịch chung bài thơ 4 câu Đến Quế Lâm – là Xuân Diệu và Đỗ Văn Hỷ. Vậy chắc chắn là phải đọc rất kỹ bản của Viện Văn học, thì nhóm Mai Quốc Liên mới có cứ liệu đề tên người dịch trong các bài thơ này (16).
2.2. Đọc rất kỹ bản 1992 của Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Bằng chứng là, bản 1990 của Viện Văn học và bản 1992 của Nhà xuất bản Khoa học xã hội đều đã khảo đính văn bản. Nhóm Mai Quốc Liên đã hiệu đính đúng vào những chỗ mà hai bản đã khảo trước đó hàng chục năm; hơn nữa, lại thấy xuất hiện bút danh Nam Sơn trong bài Tù cờ bạc(trong khi Nam Sơn là bút danh lần đầu xuất hiện với danh nghĩa người khảo chứng văn bản tại bản 1992, trang 176; người dịch thơ bài Tù cờ bạc trong bản này, ghi là: Theo Nguyễn Sĩ Lâm).
2.3. Còn như nói rằng bản mang tên Trần Đắc Thọ đã “dịch nghĩa, chú thích, hiệu đính văn bản” cũng không đúng. Vì cả ba công việc này Nam Trân và các học trò của ông ở Viện đã làm từ năm 1960 đến 1990.
Thế nhưng, để in cho được cuốn sách do Trần Đắc Thọ đứng tên với hiện trạng “kế thừa” như ta đã thấy trên đây, Mai Quốc Liên viết: “Cụ Trần Đắc Thọ năm nay đã ngoài 80 tuổi, là một người hoạt động chính trị – xã hội chuyên nghiệp. Vì yêu thích thơ ca, Hán học và đặc biệt ngưỡng mộ thơ Hồ Chí Minh, cụ đã dành thời gian cuối đời sưu tầm tư liệu, chỉnh lý, chú thích thơ Hồ Chí Minh trên thành tựu của nhiều nhà nghiên cứu đi trước. Phải mất rất nhiều thời gian và công phu, cụ mới hoàn thành được bản dịch nghĩa (và bản dịch thơ) mới. Nhưng công trình của Cụ hẳn đã không tránh khỏi vài ý kiến và thao tác chưa được nhuần nhị, bên cạnh những phần đóng góp quý báu, có ý nghĩa trong việc hoàn thiện một bản dịch xứng đáng với nguyên tác” (Tr.14. Sđd).
Thật mập mờ. Nghiên cứu văn học cũng là hoạt động chính trị – xã hội. Không nói nghề nghiệp cụ thể của ông Trần Đắc Thọ là gì mà chỉ nói về cuối đời, vì yêu thích thơ ca, Hán học và ngưỡng mộ thơ Hồ Chí Minh mà dịch Nhật ký trong tù thì khác gì Mai Quốc Liên xác nhận ông Thọ chỉ là người nghiên cứu nghiệp dư? Chính vì thế mà Mai Quốc Liên đã phải “gia công sửa chữa, hiệu chỉnh, để cố gắng đảm bảo tính chính xác” (Tr.14. Sđd), nghĩa là không có ông, bản thảo của Trần Đắc Thọ khó mà in được.
Việc nói chung chung rằng ông Thọ đã sưu tầm tư liệu, chỉnh lý, chú thích thơ Hồ Chí Minh trên thành tựu của nhiều nhà nghiên cứu đi trước, là một sự mập mờ. Bởi như chúng ta đã thấy thành tựu của những người đi trước là hai cuốn sách trên đây nhưng đã bị nhóm Mai Quốc Liên giấu biệt nguồn tài liệu. Việc làm đó là vi phạm nguyên tắc khoa học. Đó cũng là sự không trung thực, không thể chấp nhận được. Vì thế khi Mai Quốc Liên viết rằng, bản dịch Nhật ký trong tù của các ông có “những đóng góp quý báu, có ý nghĩa trong việc hoàn thiện một bản dịch xứng đáng với nguyên tác” cũng là điều mập mờ, không hề chứng minh.
Để in được cuốn sách này, Mai Quốc Liên đã xóa bỏ 22 bài thơ của Nam Trân, mặc dù cách đây 10 năm, ông đã hết lời ca ngợi thầy mình, “bản dịch Nhật ký trong tù của ông chuyển đạt hồn thơ, tình điệu của nguyên tác một cách xuôi chảy như chính ông sáng tác nó ra vậy. Đó là một sự nhập thần tinh diệu, một đỉnh cao và một kiểu mẫu của việc dịch thơ. Nó được người ta ngâm đọc, trích dẫn mà ít khi cần đến chữ Hán bên cạnh. Đó là công lao to lớn của Nam Trân” (17). Nhưng, tuy có tên trong 29 bài dịch, Trần Đắc Thọ cũng chỉ thay Nam Trân được 7 bài; Quách Tấn tuy có tên trong 68 bài, nhưng chỉ thay được 8 trong số 22 bài Nam Trân bị xóa. Các bài còn lại, vẫn phải đứng ké bên cạnh bản dịch của Nam Trân. Để in 68 bài thơ của Quách Tấn, Mai Quốc Liên viết: “Quách Tấn với Nam Trân, Chế Lan Viên… vốn là bạn thơ thời Thơ Mới và là một người dịch thơ chữ Hán rất sành điệu… Chúng tôi trân trọng bản dịch của một nhà thơ phương Nam như thế, và đã chọn ở đây những bài thơ đạt nhất bên cạnh các bản dịch của nhiều nhà thơ khác”… Rất sành điệu hay không, bạn đọc sẽ nhận xét. Còn như, khi đất nước đã thống nhất 25 năm rồi, thì trong văn học đừng nên phân vùng Nam, Bắc. Vả chăng, Quách Tấn là người miền Nam (quê Bình Định) thì Nam Trân cũng là người miền Nam (quê Quảng Nam) lại là cán bộ miền Nam tập kết có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà. Vì thế thiết nghĩ, chả cần nhắc đến vùng miền làm gì. Miễn là dịch cho thật “sành điệu”.
3. Cuốn sách còn được giới thiệu đây là “lần đầu tiên in kèm toàn văn thủ bút chữ Hán Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhưng khi thấy bản chụp in kèm cuốn sách không nêu nguồn tư liệu, lại đã bị lắp ghép, tẩy xóa, chúng tôi cho rằng người làm sách đã chữa bản gốc nhằm bưng bít thông tin để giả vờ nghiên cứu văn bản học. Hai bài viết hàm hồ của Trần Đắc Thọ tại cuốn sách (Tr. 475-486) là bằng chứng của việc làm này. Tại hai bài viết, Trần Đắc Thọ đã gieo rắc sự hoài nghi không đáng có, là Bác Hồ đã nhờ ai đó chép lại Nhật ký trong tù. Sau khi tung ra nghi ngờ đó, ông khoe công đã nghiên cứu văn bản học để chứng minh rằng đây là bản do Bác Hồ “chép lại ”! Điều kỳ lạ hơn là, ngay sau đó ông lại nói rằng bản Bác Hồ chép lại này, chỉ là “á bản”, không phải là chính bản.
Những ai từng để ý đến luận điệu của Lê Hữu Mục về Nhật ký trong tù (18) hẳn phải nhận rằng những điều hồ đồ trong cuốn sách này đã đụng chạm tới vấn đề nghiêm trọng. Vì thế, chúng tôi xin có bài viết riêng.
Phần II. Những bài thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1940, không ghi rõ do ai sưu tầm, biên soạn. Nhưng Mai Quốc Liên viết: “Những bài thơ chữ Hán Hồ Chí Minh làm ở Trung Quốc, hoặc xướng họa với các bạn bè Trung Quốc, có một phong vị riêng. Gần năm chục bài thơ chữ Hán về đề tài này mới sưu tầm được, hé mở cho chúng ta thấy thêm những khía cạnh về con người Hồ Chí Minh… ” thì, mấy dòng viết này có ba cái sai:
Một là, những bài thơ chữ Hán ở Phần II, không phải chỉ là những bài thơ chữ Hán Hồ Chí Minh làm ở Trung Quốc, hoặc xướng họa với các bạn bè Trung Quốc mà có nhiều bài làm ở Việt Nam, xướng họa với cụ Bùi Bằng Đoàn, Điếu Bộ trưởng…, và nhiều đề tài khác. Muộn nhất là bài Mậu Thân xuân tiết (Tiết xuân Mậu Thân) viết ngày 14/4/1968.
Hai là, Phần II không phải có gần năm chục bài mà chỉ có 36 bài.
Ba là, 36 bài này không phải nhóm Mai Quốc Liên mới sưu tầm được mà chỉ việc chép lại từ cuốn Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh do Phan Văn Các sưu tầm, in năm 1990 (Sđd). Bằng chứng là, sách của Phan Văn Các để sót bài thơ rất quan trọng (Mới ra tù tập leo núi) nên khi chép theo Phan Văn Các để đưa vào Phần II cuốn sách, nói rằng “mới sưu tầm được”, nhóm Mai Quốc Liên cũng bỏ mất bài này.
Phần III. Những bài thơ tiếng Việt là phần duy nhất được ghi nguồn tài liệu: “Dựa theo Thơ Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Nghệ An, 1998”.
Như thế đó, cuốn sách có ba phần, thì hai Phần I Nhật ký trong tù, lấy từ thành quả nghiên cứu của Viện Văn học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội; Phần II Những bài thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1940 là lấy nguyên xi cuốn sách của Phan Văn Các. Duy có Phần III là được khai là “Dựa theo Thơ Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Nghệ An, 1998” (Tr. 341). Hóa ra, làm TOÀN TẬP dễ thật: chỉ việc lấy những cuốn sách mọi người đã làm, giấu biệt tung tích đi rồi biến hóa một chút đưa in gộp cả lại, gọi là TOÀN TẬP! Nguyễn Du toàn tập, Hồ Chí Minh, thơ toàn tập của Trung tâm nghiên cứu Quốc học là thế. Mà ngay cả Nguyễn Trãi toàn tập năm 1967 các cụ đã in lần thứ hai rồi. Thế mà Mai Quốc Liên cũng “làm lại” toàn tập. Dễ thôi dễ thôi, thêm cho nó hai chữ, để thành Nguyễn Trãi toàn tập tân biên. Xong. Thế là xóa tên các cụ, ký tên người khác được ngay.
LỜI KẾT
1. Từ khi Viện Văn học đề ra việc dịch lại Nhật ký trong tù, đã xuất hiện hàng mấy chục dịch giả mới. Chỉ điểm những người có số lượng từ hơn 20 bài dịch trở lên, sẽ thấy như sau: Quách Tấn, 68 bài; Nguyễn Sĩ Lâm, 47 bài; Trần Đắc Thọ 29 bài. Nhưng mọi người vẫn phải để những bài thơ dịch của mình đứng bên bản dịch Nam Trân, vì chưa ai dịch được cả 133 bài; vì không ké vào Nam Trân như vậy, các vị không có chỗ in được những bài thơ dịch của mình. Vậy tốt nhất, xin các vị hãy tập hợp tất cả các bản dịch của mình, sưu tầm thêm bản dịch của người khác, đưa in riêng.
Chúng tôi biết rằng, mặc dù bản dịch của Nam Trân đã được thực hiện nghiêm túc, dưới một sự chỉ đạo chặt chẽ, đặc biệt đích thân tác giả cũng đã tham gia trong một chừng mực nào đó, ở một vài điểm cụ thể nào đó, nhưng những ai muốn, vẫn hoàn toàn có quyền dịch lại. Các kiệt tác của văn học thế giới luôn được dịch lại, miễn đó là những nỗ lực mới, trung thực và nhất là đều đánh dấu một bước tiến mới, dù nhỏ. Vì thế, ai cũng có quyền dịch đi dịch lại “Nhật ký trong tù” hay bất kỳ tác phẩm chữ Hán nào.
Nhưng: Ai giỏi giang, xin dịch lại toàn bộ. Còn như chỉ sửa một đôi chữ, thì đàng hoàng nhất là phải giữ nguyên bản dịch trước và “chua” thêm ý điều chỉnh của mình xuống dưới, như phụ chú vào bản dịch cũ. Việc sửa một đôi chữ hoặc thậm chí là nhiều, vào bản dịch của người trước mà không được dịch giả đó đồng ý là điều không thể được. Việc ký thêm tên mình vào bản dịch cũ trong khi dịch giả đã khuất thì đương nhiên lại càng không được.
Đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng lấy cớ dịch lại Nhật ký trong tù, để dùng Nam Trân làm nền trong việc giới thiệu những “dịch giả” khác, làm biến dạng bản dịch lịch sử đã được Đặng Thai Mai, Tố Hữu đọc kỹ và cao nhất là đã được Bác Hồ đã phê duyệt. Vì thế, năm 1997 chúng tôi đã viết:
“Gần bốn chục năm qua, bản dịch Nhật ký trong tù của Nam Trân đã in sâu vào tâm khảm nhiều thế hệ bạn đọc trong nước, trở thành một di vật lịch sử cần được tôn trọng. Hãy để bản dịch lịch sử đó vẹn nguyên câu chữ như khi nó chào đời, như gìn giữ một di vật trong Bảo tàng Hồ Chí Minh mà ở đó có tấm lòng thành kính say sưa của một nhà thơ, một nhân sĩ trí thức yêu nước đã dốc lòng mang sở học của mình để làm tròn nhiệm vụ của Cách mạng giao cho” (19).
2. Dịch phẩm Nhật ký trong tù là của tin sáng giá nhất của Nhà thơ Nam Trân.
Gần nửa thế kỷ có lẽ là thời gian cần và đủ để chúng ta liên tưởng sự thành công của ông với sự thành công của Đoàn Thị Điểm trong việc chuyển từ chữ Hán trong nguyên tác của Đặng Trần Côn sang áng thơ Nôm Chinh phụ ngâm khúc. Nói như Lê Trí Viễn, thành công của Nam Trân là ở chỗ có “những bản dịch khiến người ta quên nguyên bản”; tuy còn dăm ba bài thơ dịch “xa nguyên tác một chút” theo cách nghĩ nào đó, nhưng người ta vẫn chấp nhận vì đó là bản dịch hay.
3. Chúng ta cần phải biết ơn những học giả bậc cha ông sinh ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như Lê Thước, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nam Trân, Trương Chính,… những người đã để lại những dịch phẩm, những công trình khảo cứu sáng giá góp phần đào tạo những người sinh ra vào khoảng những năm 30, đầu những năm 40 của thế kỷ XX trở thành đội ngũ sáu bảy mươi tuổi biết nghiên cứu hiện nay.
Không thể quên được rằng, năm 1965 lớp người trên dưới hai mươi, ba mươi tuổi chúng tôi khi được Nhà nước cho học chữ Hán, thì trước mặt đã có những dịch phẩm Nhật ký trong tù (1960), Thơ chữ Hán Nguyễn Du (1965), Nguyễn Trãi toàn tập(1964/1965?), Vân đài loại ngữ (1961); Những công trình khảo cứu sáng giá La Sơn Phu tử (1950), Chinh phụ ngâm bị khảo (1952), Đất nước Việt Nam qua các đời (1962)… Nghĩa là hầu hết những tác phẩm lớn và khó trong văn học Việt Nam đã được các cụ thực hiện một cách vững vàng, xuất sắc. Đó là những công trình bậc thầy làm nên thế hệ chúng tôi.
Cho nên, việc tôn trọng tuyệt đối dịch phẩm của các cụ không chỉ là vấn đề đạo đức, càng không phải là vấn đề vật chất vốn rất bèo bọt của bản quyền, mà trước hết là việc chắt chiu, tôn trọng, gìn giữ những thành quả của tiền nhân để xây dựng cái gốc cái nền của ngành nghiên cứu, dịch thuật vốn còn non trẻ của đất nước ta. Mãi đến năm 1959 chúng ta mới thành lập Viện Văn học. Muộn quá. Kim chỉ có đầu. Lĩnh vực nào cũng cần xây dựng truyền thống. Cha ông vừa xây cháu con đã phá thì thử hỏi bao giờ có được truyền thống mà dựa vào, lấy gì làm đất đứng chân.
Việc khẳng định quyền tác giả của những dịch phẩm Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nguyễn Trãi toàn tập, Nhật ký trong tù… vì thế, còn là vấn đề thời sự trong việc lập lại kỷ cương trong tình hình xuất bản hiện nay, sao cho sớm ngăn chặn được tình trạng thu gom thành quả nghiên cứu của các bậc thầy và đồng nghiệp rồi chỉ việc bỏ tiền mua giấy phép in sách điềm nhiên ký tên mình?
Chắc không chỉ ngành văn học mang nỗi đau này.
Đ.T.T.
Chú thích:
(1) Phan Ngọc: Câu chuyện tác giả Ngục trung nhật ký”, trong Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù”. NXB. Giáo dục, H, 1993, tr. 621.
(2) Theo ghi chép của Nam Trân tại buổi làm việc với Tố Hữu từ 16 đến 18 giờ ngày 08/02 năm 1960, duyệt bản dịch lần cuối, hiện lưu tại Hồ sơ Viện Văn học.
(3) Lời nói đầu Nhật ký trong tù, viết cho lần xuất bản thứ ba và thứ tư. NXB. Văn học, H, 1990, (tr. 12, 13). Lần thứ nhất do NXB. Văn học, H, 1983; Lần thứ hai, NXB. Văn nghệ TP. HCM, 1985; Lần thứ ba, NXB. Thông tin, H, 1989.
(4) Chế Lan Viên: Nhớ tiếc Nam Trân. Tạp chí Văn học số 1/1968.
(5) Do Viện trưởng Hoàng Trung Thông chủ trì. Thành phần dự họp, ngoài một số quần chúng ở vài ngành và địa phương (như Tô Lân – ĐH Sĩ quan công an, cụ Phạm Công Minh – Thái Bình, Đoàn Ngọc Phan – Nam Hà, Bùi Công Minh (Ban Văn hóa Văn nghệ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương), Tô Hưng (?), thảy đều là những người có tên trong giới văn học: Nguyễn Sĩ Lâm, Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Văn Hỷ, Lê Trí Viễn, Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Khương Hữu Dụng, Đỗ Ngọc Toại…
(6) Theo Vũ Ngọc Khánh, “trong cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện được xuất bản đúng 3 năm sau khi bản dịch Nhật ký trong tù ra mắt, T.Lan đã dịch lại bài này bằng thơ lục bát… Ta không có nhiều hiểu biết lắm về T.Lan, nhưng qua sách trên thì thấy đây là người gần tác giả bài thơ chữ Hán hơn chúng ta nhiều” (Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù”. Sđd, tr. 278); nên chúng tôi cho rằng có thể bản dịch của T. Lan có dụng ý riêng trong sự biểu đạt và có thể dịch giả có đặc quyền rộng hơn một dịch giả bình thường nên không thể nói chỗ này dịch không sát, chỗ kia thêm vào (ví dụ: bụi hồng, chạnh lòng nhớ ai hay Nam thiên trong nguyên tác lại dịch là cố quốc).
Nguyên tác:
Vân ủng trùng sơn sơn ủng vân,
Giang tâm như kính tĩnh vô trần.
Bồi hồi độc bộ Tây-phong-lĩnh,
Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.
T.Lan dịch:
Mây ôm núi núi ôm mây,
Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng.
Bùi ngùi dạo đỉnh Tây phong,
Trông về cố quốc, chạnh lòng nhớ ai.
Nam Trân dịch:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ.
Bồi hồi dạo bước Tây-phong-lĩnh,
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.
Nhưng năm 1978 tại cuộc họp cũng có ý kiến phê bình Nam Trân rằng, hai chữ bồi hồi: đi đi lại lại. Bản dịch vẫn để bồi hồi là mất ý của Bác, không có ý là dạ bồi hồiDao vọng: xa vọng. Dịch là trông lại, là mất ý.
(8) NXB. Văn học, H, 1990. Kể cả bài Tân xuất ngục học đăng sơn (Mới ra tù tập leo núi), là 134 bài.
(9) “Có những chỗ không hiểu sao đã tự ý chữa lại nguyên tác, như bài Tảo giải II (số 43), câu U ám tàn dư tảo nhất không đã bị “khảo” và “đính” thành câu U ám tàn dư nhất tảo khôngXin xem: Con đường đi đến một bản dịch trọn vẹn Nhật ký trong tù” tương xứng với nguyên tác (trong Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù” (bản dịch trọn vẹn); NXB. Giáo dục in lần thứ năm, tr.284.
(10) “Dịch chưa hẳn là việc làm sao cho đúng từng chữ từng câu, mà cái chính là phải hiểu đúng thực chất của nội dung, thực chất tinh thần của tác giả” Bản dịch nhiều bài dịch “quả là rất sát – sát một cách chi li, nhưng hình như đã không còn chất thơ, mà lối nói văn xuôi nghe cũng hóa ra ngồ ngộ”. Xin xem: Con đường đi đến một bản dịch trọn vẹn «Nhật ký trong tù… » (trong Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù”). Sđd, tr.276, 77.
(11) “Người dịch:
NAM TRÂN
Phần bổ sung và chỉnh lý:
NGUYỄN HUỆ CHI – TRẦN THỊ BĂNG THANH
ĐỖ VĂN HỶ – HOÀNG TRUNG THÔNG”
(13) Nhật ký trong tù (bản dịch trọn vẹn) trong Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù”. NXB. Giáo dục, H, 2003. Bản in lần thứ năm.
(14) Trong bài Những điều chưa biết về Nhật ký trong tù» cũng như quá trình dịch thơ Ngục trung nhật ký bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Trần Đắc Thọ (trong Hồ Chí Minh. Thơ toàn tập. NXB Văn học, H, 2004, tr. 480), sau khi viết: Viện Văn học “giao cho đồng chí Nam Trân cùng làm gấp với đồng chí Phạm Văn Bình để kịp sang năm 1960, có thể phát hành Nhật ký trong tù”, và “khi sách in ra không thấy có tên mình, đồng chí Bình hỏi Nam Trân, thì Nam Trân nói có lẽ sơ suất tại Nhà xuất bản”, Trần Đắc Thọ viết tiếp, “Công việc chấm dứt ở đó với nỗi niềm không mấy vui của đồng chí Phạm Văn Bình”.
Thực ra, hồ sơ lưu tại Viện Văn học cho thấy rằng, Viện không hề “giao cho đồng chí Nam Trân cùng làm gấp với đồng chí Phạm Văn Bình… ”, mà chỉ có một mình Nam Trân dịch. Bản “lược dịch” thơ của ông Bình hiện lưu tại Viện và bút tích Nam Trân cho thấy, dù hết sức cố gắng sửa một số bài dịch ra thơ của ông Bình để đưa in, nhưng từ những câu thơ trong bản “lược dịch” của ông Bình đến những bài thơ Nam Trân công bố là một khoảng cách khá xa. Nam Trân đã ra sức chữa cho ông, nhưng không thể thổi hồn thơ vào những bản bẻ vần gọi là “lược dịch” ra “thơ” đó được. Mà Nam Trân cũng biết bản dịch sẽ ghi là bản dịch của VIỆN VĂN HỌC chứ không ghi tên cá nhân nên ông càng phải dịch cho tốt, tất cả là vì thơ của BÁC HỒ. Cho đến trước khi qua đời Nam Trân vẫn rất vui và tự hào về việc đó. Cho nên việc ông Phạm Văn Bình “không mấy vui” – nếu quả như Trần Đắc Thọ viết, không liên quan gì đến Nam Trân.
Thực ra việc ông Phạm Văn Bình rất nhiệt tình và là người đầu tiên “lược dịch” Nhật ký trong tù là chuyện có thật và là điều dễ hiểu. Theo Trần Đắc Thọ, ông Phạm Văn Bình, là cán bộ giảng dạy về Cách mạng Việt Nam thời kỳ 1939-1945. Khi phát hiện ra tập Ngục trung nhật , ông “giao cho” Văn Phụng phiên âm, dịch nghĩa. Gặp chỗ nào ngờ, ông Bình hỏi cụ Phó bảng Bùi Kỷ rồi bẻ vần thành thơ, lấy bút danh Văn Trực – Văn Phụng để tri ân người dịch nghĩa giúp mình. Vậy có thể hình dung được chất thơ của bản “lược dịch” đó.
Cũng theo Trần Đắc Thọ, ta có thể hình dung, khi biết việc dịch thơ của ông Bình, tuy không ngăn cản nhưng Tố Hữu biết ông Bình đang làm một việc quá sức; vì dịch thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải trông cậy vào một nhà thơ đồng thời là người tinh thông Hán học, chứ sao có thể yên tâm trông chờ vào bản dịch của người chỉ có lòng nhiệt tình, nghiệp dư như vậy được. Và chắc chắn Tố Hữu đã bàn với Đặng Thai Mai. Cho nên khi ông Bình vừa nộp bản “lược dịch”, thì Tố Hữu cho ngay xe đến đón ông để bàn giao ngay nhiệm vụ cho Đặng Thai Mai và Hoài Thanh Viện trưởng, Viện phó Viện Văn học đang ngồi đợi. Về Viện, Đặng Thai Mai giao ngay cho Nam Trân. Công việc phải như vậy.
(15) Xin xem PHỤ LỤC đính kèm bài viết [Phần phụ lục này chúng tôi chưa tìm thấy – Văn Việt].
(16) In tại phần I cuốn Hồ Chí Minh. Thơ toàn tập. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – NXB. Văn học, in lần thứ nhất tại NXB. Văn nghệ TP. HCM, 2000; Lần thứ hai tại NXB. Văn học, H, 2004. Chúng tôi theo bản 2004.
(12) Nguyên văn:
Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ,
Cổ tùng cổ miếu lưỡng y hy.
Khổng gia thế lực kim hà tại?
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi
Đăng Thai Mai dịch:
Mười chín tháng Năm thăm Khúc Phụ
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.
Quách Tấn dịch:
Mười chín tháng Năm thăm Khúc Phụ/ Tùng xưa miếu cũ thảy mơ màng/ Uy quyền họ Khổng rày đâu tá?/ Chỉ thấy bia tàn bóng tịch dương.
Mai Quốc Liên dịch:
Mười chín tháng Năm thăm Khúc Phụ/ Tùng già miếu cũ dấu chưa nhòa/ Thế thần họ Khổng còn chi nhỉ?/ Hiu hắt bia xưa chút nắng tà.
Trần Đắc Thọ dịch:
Mười chín tháng Năm thăm Khúc Phụ/ Lờ mờ miếu cổ với tùng xưa/ Trọng Ni thế lực giờ đâu nhỉ?/ Chênh chếch bia xưa chút nắng mờ.
Các dịch giả và số bản dịch tại Phần II cuốn sách như sau: Hồ Chí Minh, 1 bài; Huy Cận, 1; Khương Hữu Dụng, 3; Mai Quốc Liên, 1; Nam Trân, 1; Nguyễn Quảng Tuân, 2; Phan Văn Các, 19; Quách Tấn, 10; T. Lan, 1; Tố Hữu, 1; Trần Đắc Thọ, 28; Xuân Diệu, 1; Xuân Thủy, 3.
(13) Việc ký tên hai người dưới bốn câu thơ dịch thật dễ gây phản cảm. Không rõ những người dịch thơ Nga, thơ Pháp có đề tên dịch giả như thế này không. Nhưng có điều chắc là Đỗ Văn Hỷ và Xuân Diệu không muốn thế. Hỏi ra, mới biết rằng trong một cuộc họp, Xuân Diệu có góp ý cho Đỗ Văn Hỷ về câu thơ đầu trong bản dịch bài Đến Quế Lâm. Góp ý được tiếp thu. Thế là khi in sách Tiểu ban đã trân trọng đặt tên Xuân Diệu lên trên Đỗ Văn Hỷ, ghi cuối bài thơ:  “Mai Quốc Liên: Tạp luận, NXB. Văn học, H, 1999, tr.374.
(15, 16) Xin xem Phan Ngọc: Câu chuyện tác giả Ngục trung nhật ký” (trong Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù”, tr. 621. (Sđd).
(17, 18) Xin xem: Nỗi niềm tưởng nhớ thầy Nam Trân…, trong Những gương mặt trí thức Việt Nam. Tập I. NXB. VHTT, H, 1998; tr.563-576.

http://vanviet.info/tu-lieu/ban-dich-nhat-k-trong-t-nhung-dieu-trng-thay/






---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:



















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.