Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/09/2018

Bia đá năm 1918 tưởng niệm bác sĩ Asaba : đính chính một chi tiết nhỏ (năm 2018)

Mới nhận được văn bản ấn hành năm 2018 của ngôi trường danh tiếng Quốc Học Huế. Một tập hợp các bài viết đóng chung, với tên Giai phẩm xuân 2018.

Trong tập Giai phẩm này, có một bài nói về tấm bia đá do cụ Phan Bội Châu dựng năm 1918 để tưởng niệm cụ Asaba. Có một chi tiết nhỏ về vấn đề dịch thuật trong bài đó cần đính chính nhanh một chút, vì bây giờ đã là 2018 rồi.

Đó là: tác giả trong Giai phẩm có lẽ dựa theo tư liệu cũ nào đó, ghi là tôi dịch bài văn bia từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Đại khái là trùng dịch: ông Goto người Nhật dịch từ Hán văn ra Nhật văn, rồi ông Giao lại dịch từ Nhật văn ra Việt văn (tức là dịch qua bản trung gian là Nhật văn của Goto).

Không phải như vậy. Điểm nhỏ này, tuy nhỏ, nhưng vẫn cần đính chính. Thực tế là: tôi dịch thẳng từ Hán văn ra Việt văn, không phải là từ Nhật văn (dĩ nhiên, khi dịch thì có tham khảo các nguồn khác nhau, có cả cách đọc hiểu của mấy nhà nghiên cứu Nhật Bản). 

Vèo cái đã mười mấy năm đi qua rồi. Lúc ấy, dịch xong, gửi cho thị trấn Asaba, rồi thì tiếp tục ở lại viện AA (Tokyo) để chế tác thành bài giới thiệu, và đưa lên trang Talawas của bác Phạm Thị Hoài. Văn bản ấy có thể đọc ở đây. Đấy là bản công bố đầu tiên (năm 2005).

2005 cũng là năm mình mới thực sự bắt đầu có thêm một mối quan tâm đặc biệt đến Đông Du và nhóm Phan Bội Châu - Cường Để với tư cách khảo cứu. Trước đó, chỉ là xem chơi, bởi mối quan tâm chính từ khoảng 1995 đến 2005, tức khoảng 10 năm, thì đặt vào những vấn đề khác.

Dưới là toàn bài trong Quốc học Huế - Giai phẩm xuân 2018.

---

(cáo lỗi: do có lỗi khi in để post lên blog, nên hiện tại chưa chuẩn bị xong. Sẽ đưa bổ sung sau khi khắc phục được lỗi in).









Tư liệu đọc khi chờ đợi (ảnh và du kí là lấy từ blog Yahoo ngày xưa của Triết/Titou --- khôi phục từ bản lưu của Giao Blog):






Bạn Triết (thanh niên Việt kiều ở Mĩ) đã cất công từ Mĩ sang tận Asaba để chiêm bái tấm bia vào năm 2009. Tiết trời lúc ấy khá lạnh, nhìn trang phục trong ảnh là biết. Kì lạ, sau này thì mới biết: bạn gái người Nhật của Triết lúc đó (cùng tới Asaba năm đó) lại có quê gốc ở Itoshima ! (Đã rất lâu không có liên lạc với Triết, có lẽ phải tới bảy tám năm rồi).

Triết đọc Talawas. Nên một hôm nào đó, đã đọc được bài tôi giới thiệu trên trang đó về bia Asaba năm 1918 này. Rồi em ấy quyết định đi Asaba.








"
Category: Đông Du, Tag: Khác,Văn hóa Xã hội
02/18/2009 04:37 pm


Chuyến đi từ Mĩ sang thị trấn nhà quê Asaba ở Nhật Bản, tìm dấu tích phong trào Đông Du, của một du học sinh Việt Nam.

---

Bài này vớt từ blog của Titou với sự đồng ý của chủ nhân, xin chân thành cảm ơn. Có một chi tiết trong bài làm mình thích: cuối bài, Titou diễn tả cái tối mịt mùng vẻ huyền ảo của những làng quê Nhật Bản ngày nay, đến mức người đi qua trước mặt mình không rõ là người hay ma nữa !

---



Sáng bận việc đột xuất, 12 giờ mới khởi hành, ông cố ơi, it took 4 hours to get there. Vậy là 4 giờ chiều tới Fukuroi Station, mất $50.

Đi xe bus đến thị xã Asaba mất thêm 30 phút, tiền thì hình như 260 yen - chừng $2. hehe Thiệt ra tới đó là hết biết đường. Chỉ biết qua tin tức trên mạng và website thị trấn Asaba bằng tiếng Nhật mà chỉ dẫn lại lờ mờ, bản đồ thì không có. Yu hỏi thăm bà con thì người ta không biết nhưng rất nhiệt tình, mới dắt vào trong văn phòng công ty hỏi mọi người. Vừa nói đến đoạn chùa Thường Lâm Tự, 100 năm trước có người Việt Nam đến dựng bia thì mọi người ồ ồ nhốn nháo lên và ai cũng dành chỉ đường cho. Thật nhiệt tình. Dân nước Nhật sao lịch sự thế. Nhiều cái mình còn phải học người ta, mới mong nước mình như nước người ta được. hic hic ... Đi bộ vô trong làng 2km nữa, đến nơi gần 5 giờ, trời sắp tối, chạy gần chết. 

Lúc đi bộ gần đến chùa, cái cảm giác mơ hồ, muốn thấy cảnh xung quanh mình 100 năm về trước như thế nào, mạnh mẽ lắm - lúc đó. Mình nói với Yu: "I bet when he built that memorial stone, he didn't think that 87 years later there would be a young Vietnamese guy tried to come here to see and touch it, ne?". Thật hân hạnh mà may mắn cho mình có điều kiện đi đến đây.

Theo tìm hiểu thêm của Vĩnh Sính thì Asaba Sakitaro sinh ngày 1 tháng 3 năm 1867 (cùng năm sinh với cụ Phan) tại thị trấn Asaba浅羽町, huyện Iwata磐田郡, tỉnh Shizuoka静岡県 ngày nay, trong một gia đình nối đời làm Shin-kan神官 (thầy cúng) tại ngôi đền Hachiman. Thân phụ của ông đã từng gia nhập vào quân đội của chính phủ mới, sau khi giải ngũ, đã từng làm giám đốc ngân hàng Shiba (Tokyo).

http://www.erct.com/2-ThoVan/TruongVTan/PBC-Asaba_Sakitaro.jpg

Cụ Asaba Sakitarou

Asaba đã tốt nghiệp y khoa ở Đại học Đế chế Tokyo (tiền thân của Đại học Tokyo ngày nay) năm 1894. Ông từng có dự định đi du học ở Đức, nhưng do sức khỏe mà đành thôi, quyết định ở lại Nhật trong bệnh viện tư của mình mở tại một làng đánh cá nghèo và xa trung tâm. Ông nổi tiếng trong vùng là một bác sĩ ưu tú, nhân hậu. [1] 

Chùa Thường Lâm rất nhỏ, đơn giản như người dân ở đây. Cảnh vật rất cũ kĩ và truyền thống, không có gì là hiện đại cả trừ một chiếc xe hơi mới toanh đậu bên ngoài.

Vào cổng chùa bên tay trái lừng lửng tấm bia tưởng niệm mà tôi đã nhìn rất nhiều lần, rất nhiều lần qua tài liệu mà tôi đã sưu tầm nhiều tháng nay - tôi luôn để trên kệ sách trên đầu nằm trong phòng bên Mỹ.

Bây giờ tôi đã ở đây, tận mắt thấy được rồi, nơi mà người Việt mình đã đến đây và dựng lên tấm bia này. Thật vinh hạnh. Khi tôi chạm tay vào tấm bia, tôi càng thấy thật hơn, càng thấy như tấm bia này còn rất mới và tiệc khánh thành tấm bia ( trong truyện kể Tự Phán của cụ Phan) chỉ mới vài ngày trước đây thôi. Bia lạnh lắm, lạnh vì trời lạnh gần 3 độ. Chất lượng đá rất tốt nên bề mặt vẫn rất phẳng và trơn láng. Gần bên có 1 bảng đăng câu chuyện của cụ Phan và ông Asaba bằng tiếng Nhật. Tôi xin mạn phép trích dẫn vài đoạn trong website talawas của bác Giao cho các anh chị em được hiểu rõ hơn về câu chuyện và ít nhiều hiểu thêm được về lịch sử Việt Nam. Đây là những đoạn bác Chu trích dẫn trong cuốn Tự Phán của cụ Phan.

Thượng tuần tháng 3, đến Thượng Hải, gấp muốn tới Nhật Bản ngay, nhưng vì khốn vì lúc bấy giờ, việc Nhật Nga chiến tranh còn chưa bế mạc, những tàu buôn Nhật Bản bị chính phủ thu lưu, Thượng Hải không có tàu Nhật Bản, mà ngoài nữa tàu buôn các nước cũng trở ngại vì việc đánh nhau, chưa có thuyền nào qua Nhật Bản cả. Chúng tôi bất đắc dĩ phải nghỉ lại Thượng Hải hơn 1 tháng. 

Trung tuần tháng tư, Nhật Nga chiến sự đã xong, mới có thuyền Nhật Bản đến Thượng Hải. Chúng tôi nhờ có ông lưu Nhật học sinh người Trung Quốc tên là Triệu Quang Phục, người tỉnh Hồ Nam làm người chỉ đường cho chúng tôi, chung nhau ngồi thuyền Nhật Bản đi Hoành Tân. Đến lúc đó mới phát sinh một việc rất khốn nạn: Tiếng Nhật đã không thông, mà tiếng Tàu lại ú ớ, nói phô bằng bút, giao thiệp bằng tay, phiền lụy không biết chừng nào! Ngoại giao mà như thế, thiệt đáng xấu hổ! 


Hạ tuần tháng tư, thuyền đến Thần Hộ (Kobé) bắt đầu bước chân lên đất Nhật Bản, vì chúng tôi hành trang có hơi nặng, ngôn ngữ tập quán Nhật Bản chưa quen thuộc một tí gì, may nhờ Triệu Quân chiếu liệu cho, đem chúng tôi vào nhà hàng nghỉ lại một hôm, mua vé xe sớm đến Hoành Tân, giữa đường trên xe non một ngày một đêm, trăm việc nhu dụng, tất thảy nhờ Triệu Quân biện dùm cho. Hành khách gặp nhau in như anh em, không từ lao, không trách báo, mỹ chất của quốc dân nước lớn, thiệt có như thế, mà cũng nhờ Hán văn làm môi giới đó.

Nghĩa hiệp của một danh nhân Nhật Bản: ông Thiện Vũ. 

Mùa đông tháng 10 năm Mậu Thân (1908), việc giải tán học sinh đã xong rồi, Công Hiến Hội đã chết rồi, tôi biết Nhật Bản không thể nương cậy được, chuyển khuynh hướng về Trung Hoa cách mạng và hy vọng với những dân tộc đồng bệnh với ta nên lại nhờ đến ông Tôn Trung Sơn, ông Tôn giới thiệu cho tôi một người là Cung Kỳ Thao Thiên. Người ấy là một tay lãng nhân ở Nhật Bản, ôm tư tưởng toàn thế giới cách mạng. Tôi thoạt đầu gặp ông Cung Kỳ Thao Thiên, ông nói với tôi: “Thế lực một mình Việt Nam, tất không đánh đổ được Pháp, thế thì cầu giúp gì được với nước láng giềng cũng là phải. Nhưng Nhật Bản làm gì giúp cho các người được? Nhật Bản chính trị gia, tất thảy giàu về phần dã tâm, mà đói về phần nghĩa hiệp. Ông nên khuyên các thanh niên nên học lấy tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, giao kết với người thế giới cho nhiều, tuyên bố tội ác nước Pháp, khiến cho người thế giới chắc không thiếu hạng người ấy, mà chỉ duy hạng người ấy mới chịu giúp được các ngài”. 

Tôi lúc đầu chưa lấy lời nói ấy làm tin; tới nay mới cho là nghiệm, mà tư tưởng liên kết thế giới cũng vì đó mà nẩy ra. Nhưng có một điều rất khốn nạn, bởi vì trong túi đã không có tiền lữ hành được thế giới, mà tiếng Tây, chữ Tây lại không hiểu, chỉ là người mù người điếc trong thế giới, muốn đi rong Âu Mỹ làm sao đi đặng, nên việc kết giao Âu Mỹ, chỉ nghe nói mà nhịn thèm. Phải trụt xuống một bước nữa là trước hết liên kết các chí sĩ ở toàn Á và những dân tộc vong quốc ở Á châu, làm thế nào đoàn kết thành một đảng, sẽ có lúc đồng thời cách mạng cả. 


Một phương diện đã tính như thế, còn một phương diện nữa chỉ lấy cách mạng tuyên truyền làm môn giáo dục ở trong thời kỳ vong quốc. Nghĩ được như thế, mà vấn đề khốn nạn lại xảy ra, nhưng cũng vì vấn đề ấy mà cám ơn ông Thiện Vũ hơn cha mẹ đẻ. Vì tôi lúc bấy giờ nội khoản cũng không có, lại túi không như xối, trong khoảng mươi ngày vận động được bao nhiêu thảy cung cấp cho học sinh về nước hết, phí quán xá phí ngoại giao, phí in sách, nhất thiết chỉ giơ tay không. Hơn 10 người bạn trong một nhà, cười lạt thay khóc, thấp thoáng lại hát nghêu ngao ít câu: 


Non cùng sông hết e đường tịt 

Liễu lấp hoa lòe nứt lối ra 

(Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ 
Liễu ám hoa minh biệt hữu thôn) 


Tình cờ gặp được một người nghĩa hiệp là tức là Thiên Vũ Thái Lang tiên sinh (Miyazaki Torazo) [10] . 


Thiện Vũ tiên sinh, trước nhân lúc đi đường gặp một người nước ta đương ăn xin dọc đường là Nguyễn Thái Bạt, tiên sinh hỏi đầu đuôi rồi đem về nhà nuôi và dạy cho học, xem như con nhà mình, thiệt là lòng hào hiệp hiếm có. Đến ngày sau, Hiệp Hội Việt Nam Công Hiến thành lập ở Đông Kinh, Nguyễn Thái Bạt được tin, xin với tiên sinh cho lên Đông Kinh tìm chúng tôi, tiên sinh ừ cho, mà lại cấp cho tiền học phí cho được vào Đồng Văn thư viện. Anh em chúng tôi ai cũng lấy việc nghĩa hiệp ấy làm lạ. Tôi lúc bấy giờ nghĩ cảnh quẩn tình bức, tráng sĩ đồ cùng, chỉ còn một chước ăn mày nữa là sách tối hậu, Nhưng ăn mày bằng một cách cao đẳng há dễ dàng đâu! Tất biết sẵn là người nghĩa hiệp mới dám gõ cửa mà cầu cứu giúp. Tôi sực nhớ đến tiên sinh, mới đem ý ấy bàn với Nguyễn Thái Bạt. Nguyễn lấy làm phải, tôi mới viết một bài văn khất ai, cậy Nguyễn quân cầm tới nhà tiên sinh. 


Than ôi! Ơn người chưa giả mà còn cầu nữa! Huống gì ăn mày to mà lại làm cách ăn mày lịch sự với một người thưở nay chưa biết mặt, mộng tưởng chẳng quá điên hay sao? 

Ai ngờ giấy tôi gửi lại buổi sớm, mà ngân phiếu tiên sinh gửi lại buổi chiều. Tiên sinh đã gửi lên Đông Kinh cho tôi 1.700 đồng Nhật [11] ( khoảng 30 triệu yen ngày nay - khoảng 300'000 US dollars!!!!! ) và lại cho tôi bức thư, trong nói vắn tắt mấy câu: “Hiện nay tôi vơ vét trong nhà chỉ sẵn có bấy nhiêu, chờ sau tôi có kiếm được số bạc như các người còn dùng thì đánh giấy lại mau”. Chỉ có bấy nhiêu lời, ngoài ra không có chữ gì có giọng khách khí. Trong lúc cùng khốn mà được việc may mắn như thế, mừng biết chừng nào!


Tôi bây giờ trích ở trong số bạc ấy, chia ra làm 3 khoản: 1. Phí ngoại giao nhiều hơn, 2. Phí in sách, 3. Lữ phí [12

Trước khi toan lìa Nhật Bản, tôi muốn tạ ơn ông Thiện Vũ, đi đến Quốc Phủ Tân [15] yết kiến tiên sinh. Khi mới vào cửa, Thái Bạt giới thiệu tôi với tiên sinh, tôi chưa kịp nói tạ ơn, tiên sinh vội vàng dắt tay tôi, kéo vào cùng nói chuyện, chốc bày cơm rượu ra, không một chút tục khí. (lược một đoạn) Khi tiên sinh nói chuyện với tôi, rất khinh bỉ chính khách Nhật Bản, như Đại Ôi, Khuyển Dưỡng [16] , tiên sinh cũng không xem ra gì, nên nói với tôi rằng: “Bọn nó đối với các ngài chỉ là món ngoại giao của bọn âm mưu dã tâm mà thôi. 

Tôi từ biệt trở về Tàu, cách nhau 10 năm tôi lại qua Nhật Bản thì tiên sinh đã tạ thế, tôi rất cảm ơn của tiên sinh, chưa kịp đền giả mà lấy làm thẹn, không lấy gì cảm mình với người tri kỷ, bèn trồng một tấm bia ở trước mả tiên sinh, có khắc bài văn [17] . 



Việc dựng bia ông Thiện Vũ. 


Chỉ xem một việc dựng bia dưới này, cũng biết trình độ quốc dân của Nhật Bản, nên chép kỹ vào đây: 


Lúc tôi mới đến huyện Tịnh Cường (Shizuoka), trù hoạch việc dựng bia, các phí tổn tài liệu và đục chạm vừa hết 100 đồng mà công trình vận tải và kiến trúc còn phải phí tổn 100 đồng nữa mới xong. Thế mà trong túi tôi chỉ có 120 đồng, nghĩ chắc không làm đủ. Nhưng vì đã hứa với người chết thì quyết tính cho xong. Tôi mời người bạn Lý Trọng Bá tới nhà ông thôn trưởng thôn Thiện Vũ là Thiện Vũ Hạnh Thái Lang tỏ ý muốn với ông và thuật chuyện Thiện Vũ tiên sinh cứu giúp ngày trước cho ông nghe cùng việc dựng bia. Lúc bấy giờ mới biết việc tiên sinh làm, chưa nói với ai bao giờ. Thôn trưởng nghe, cảm động vô cùng, rất tán đồng ý với tôi, giục tôi chóng làm xong. Tôi cũng nói thật tình với thôn trưởng vì hiện khoản chưa đủ, xin gửi 100 đồng nơi ông, còn nữa tôi sẽ trở về Tàu trù đủ số khoản phí sẽ trở qua làm xong việc này. Thôn trưởng nói: “Các ngài đã có lòng kỷ niệm đến người thôn tôi, tôi nên giúp thành cái chí các ngài không cần phải lăn lộn cho nhọc”. 


Tôi nghe quá mừng. Thôn trưởng lại mời tôi nghỉ ở nhà, khiến vợ con trong nhà tiếp đãi. Tới ngày thứ bảy tháng ấy, thông trưởng dắt tôi cùng xem nhà học hiệu trong làng và truyền cáo với các học sinh rằng ngày mai là ngày chủ nhật, mời hết cha anh học sinh nhóm nơi trường học sẽ có lời huấn dụ. 


Theo hiện quy địa phương tự trị của Nhật Bản, chức thôn trưởng tức là người chủ não hành chính ở trong thôn. Đến ngày ấy, tôi, thôn trưởng đến nhà trường, gia trưởng các nhà ở trong thôn đã nhóm đủ. Thôn trưởng lên đàn diễn thuyết, bắt đầu kể lịch sử nghĩa hiệp của Thiện Vũ tiên sinh, thứ lại giới thiệu tôi và ông Lý Trọng Bá cho thôn dân biết (Lý người nước ta, đỗ công khoa tiến sĩ Nhật), đoạn nói tiếp rằng:”Loài người sở dĩ sinh tồn được lâu dài nhờ có tấm cảm tình thương yêu nhau mà thôi; ông Thiện Vũ người thôn ta đem lòng nghĩa hiệp giúp cho người một nước khác, đã vun trồng danh giá cho người thôn ta nhiều lắm. Người thôn ta há có lẽ chỉ một mình ông làm quân tử rư ? Hiện nay hai ông Phan, Lý xông pha gió sóng, vượt đường bể muôn dặm, quý trọng người thôn ta, mà vì ông Thiện Vũ dựng bia kỷ niệm. Chúng họ đối với thôn ta, nghĩa khí chân tình đến thế. Chúng ta đối với họ lại hững hờ lơ lửng, người trong thôn ta không nhục mà thôi, mà nhục đến quốc nhân Nhật Bản ta nữa”. 


Nói đến đó thì tiếng vỗ tay dậy như sấm, ở trong đám đông người, có người đứng ra nói: “Chúng tôi thật thà quê kịch, duy thôn trưởng dạy cho” (thôn này là nông thôn, nhiều võ nhân với nông phu, mà văn sĩ phần ít). 


Thôn trưởng lại nói tiếp: “Ý tôi muốn thế này: Việc dựng bia kỷ niệm đó, tiền mua đá to nhỏ nhiều ít tùy ý chúng họ làm và công thợ họ chịu, duy những công trình vận tống kiến trúc, thôn nhân ta chỉ lấy nghĩa vụ làm giúp; bởi hi sinh tiền lao lực của ta để hoàn thành một kỷ niệm vật cho người nghĩa hiệp, cũng là thiên chức của dân Nhật Bản ta vậy.” 


Nói chưa dứt, tiếng ừ vang nhà. Sau trong một tuần bia đình dựng thành, cao ước 4 thước rưỡi tây, làm bằng đá thiên nhiên (theo tục Nhật Bản quý trọng đá thiên nhiên), dày 5 tấc, bề ngang ước được 2 thước, chữ lớn như bàn tay trẻ con. Tới ngày hoàn thành, nhóm người cả thôn lại, làm lễ lạc thành, lại góp bạc đặt tiệc rượu để tiếp đãi chúng tôi và khách khứa các làng chung quanh đến. Việc này thảy đều do kế hoạch của thôn trưởng, chúng tôi chỉ tốn hơn 100 đồng mà thôi. 


Muốn cho đồng bào biết việc nghĩa của người Nhật Bản, nên không sợ rờm bút [18] .



Câu chuyện trên là động lực chính để tôi đến đây. Tôi và Yu có tìm kiếm mộ của cụ Asaba nhưng không thấy, vì ở đây ai cũng có họ là Asaba (Asaba là tên thị trấn này). Trời cũng gần tối, tôi đứng trước nghĩa trang và vái lạy cụ Asaba, cảm tạ vì tấm lòng giúp đỡ Tổ Quốc Việt Nam 100 năm trước, và xin thứ lỗi vì không tìm được đúng mộ phần của cụ.

Chúng tôi ra về mà lòng vui sướng lắm vì tìm ra được bia tưởng niệm này, như trở về lại được quá khứ 87 năm trước đây.

Cách chùa chừng 500 meters là đền thờ Hachiman, nơi gia đình của cụ Asaba nhiều đời làm thầy cúng (shinkan). Đền rất cũ kĩ và âm u. Nơi này thậm chí còn cũ hơn cả chùa Thường Lâm. Không thấy ai chăm sóc đền lúc đó cả, ánh đèn loe loét bên trong nhưng không thấy người. Trước ngôi đền nhỏ bên trái có thấy 2 học sinh highschool Nhật mặc đồng phục hẹn hò với nhau, thấy chúng tôi đi ngang thì không nói gì mà đỏ mặt, sau đó thì thầm nói gì với nhau nghe không rõ. Không biết người hay ma, nói thật, ở khu Asaba này, vào khoảng 5-6 giờ lúc này, nông thôn, ngoài đường tối thui, người hay ma thật ra không ai biết rõ.

Chúng tôi đi ra đằng sau thì thấy ngôi đền làm bằng gỗ, tất cả đều rất cổ kính, những bia và tượng đá trước đền rêu phủ xanh hết, mấy trăm năm nay vẫn y nguyên. Tôi cũng thắc mắc như bác Giao, tại sao gia đình cụ Sakitarou nhiều đời làm thầy cúng tại đền Hachiman này mà lại chôn trong chùa Thường Lâm, vì đây là 2 tôn giáo khác nhau. Nếu sớm hơn hoặc có dịp ở lại đây thì sáng mai chúng tôi tính sẽ đi tìm nhà cũ của cụ Asaba Sakitarou, nhưng điều kiện và thời gian không cho phép, chúng tôi đành phải về Yokohama.

---


Xin phép Titou cho xóa đi 4 chữ trong bài --- xóa chỗ nào thì chắc em biết.
"


https://dzjao.wordpress.com/2009/02/18/the-he-phan-boi-chau-voi-nhat-ban-1-di-tim-dau-tich-asaba/

http://blog.360.yahoo.com/blog-FiD_Cqs8cqjOwZD5qotJmctMag--?cq=1&p=65#comments

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.