Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/07/2018

Nhân xem lại bia Mạc, nhớ cụ Dương Quảng Châu - người tiểu đồng của cụ Nguyễn Hải Thần

Bài này đã đưa lên Giao Blog thời Yahoo (nay đã giải thể). Đưa lên vào năm 2010, tức là đã tới 8 năm về trước. 

Nhân tìm tư liệu cũ về các cụ cách mạng Việt Nam từng hoạt động ở Quảng Châu, như Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần,... thì ngẫu nhiến, hôm nay, đọc lại được những lá thư cũ mà cụ Dương Quảng Châu (một thiếu niên người Việt gốc Hoa từng làm nhiệm vụ giao liên cho các cụ cách mạng nói trên).

Những lá thư ấy, cụ Châu đã gửi qua bưu điện cho tôi lúc còn là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bẵng cái, đã thành ra những văn bản có niên đại tới khoảng trên dưới 25 năm trước rồi ! Tôi đọc lại như đọc sử liệu, hơn là đọc những tâm sự cá nhân mà cụ viết cho tôi nửa tiếng Việt nửa chữ Hán với rất nhiều điển cố. Hồi ấy, tôi vẫn giữ nếp trao đổi với cụ chuyện thế sự đương đại bằng điển cố (nhiều khi mở ngoặc chú thêm chữ Hán cho rõ). Mà hồi ấy tôi chỉ mới độ hai mươi thôi, còn cụ thì khoảng giữa tuổi bảy mươi gì đó ! Ngẫm ra, thì mới hơi giật mình một chút, là: lúc mới khoảng mười bảy mười chín gì đó, tôi đã khá bạo mà tìm đến với cụ (vì được giới thiệu rằng cụ vốn là giao liên của các nhà cách mạng Việt Nam thời kì hoạt động tại Trung Quốc) !

Sẽ kể chuyện cụ Dương Quảng Châu, cũng như công việc liên lạc của cụ phục vụ cho các nhà cách mạng Việt Nam thời đầu thế kỉ XX, ở những dịp khác. 

Bây giờ, chép lại bài từ blog cũ về đây mà thôi.

Chép nguyên xi.

Tháng 7 năm 2018,
Giao Blog






---

"
This entry was posted in Nhà Mạc on .







Lời dẫn: Về đến Hà Nội cái là phải tạm bắt tay vào việc chỉnh lí cái bài đã cho đăng lần đầu trong tập kỉ yếu nháp của Hội thảo nhà Mạc hôm trước (có thể xem lại ở đây).
Nhân đó, đọc lướt bài dưới đây của nhóm bác Hoàng Lê — bác cũng là con cháu của cụ Mạc Đăng Dung, và là một nhân vật chủ chốt trong việc xây dựng Mạc gia thế phả.
Bận quá, chẳng nói được thêm gì. Chỉ suýt phì cười vì thấy bác Lê ghi trong bài về một người thầy của tôi là "cố giáo sư Dương Quảng Châu".
Xin thưa lại với bác, là cụ Dương Quảng Châu chưa bao giờ là giáo sư đâu ạ. Xin hãy đừng nhầm cụ Dương Quảng Châu với cụ Dương Quảng Hàm !
Cụ Châu là một người trí thức Hoa – Việt sống một đời sống của người nông dân ở quê lúa Thái Bình. Cụ là một lão nông tri điền người Việt gốc Hoa (nhất định không chịu về Trung Quốc trong thời gian các năm 1978-1979). Thưở nhỏ, cụ vốn là người giao liên cho cụ Nguyễn Hải Thần thời kì các cụ này hoạt động ở Trung Quốc. Vì vậy,  tôi hay gọi đùa cụ là "tiểu đồng của cụ Nguyễn Hải Thần".
Nếu có thể, thì xin gọi cụ là "Giáo sư ở ngoài đồng" (đối lập với "Giáo sư ở trên giảng đường") như có lần bác Trần Lê Sáng đã về Thái Bình và gọi cụ như vậy (đây là kể lại theo lời kể của cụ Châu).
PHÁT HIỆN THÊM BỐN BIA THỜI MẠC
BÙI ĐĂNG UYỂN – HOÀNG LÊ
Hà Nội
Chúng ta đều biết văn khắc Hán Nôm trên đá, trên đồng, trên gỗ… đều là nguồn tư liệu có giá trị liệu đích thực nên trong mấy thập kỷ của thế kỷ XX này, các nhà nghiên cứu đã chú ý khai thác, sưu tầm và cho ra mắt bạn đọc Văn bia Hà Nội (Tuyển tập), Văn bia Hà Tây, Văn bia xứ Lạng, Bia Văn miếu Hà Nội hoặc theo niên đại như Văn bia Lý Trần, Văn bia thời Mạc, hoặc tổng hợp như Văn khắc Hán Nôm Việt Nam… Tất cả đều có những đóng góp bổ ích cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Riêng Văn bia thời Mạc Nxb Khoa học Xã hội 1996 do PTS Đinh Khắc Thuân sưu tầm, khảo cứu và dịch chú khá công phu và đối một vương triều tuy ngắn so với lịch sử, chỉ hơn một thế kỷ(1) nhưng không kém quan trọng trong lịch trình của các triều đại phong kiến Việt Nam mà đã công bố được 148 bia đâu phải là ít. Và Đinh Khắc Thuân cũng còn muốn bổ sung thêm một số văn bia khác hiện còn ở các địa phương. Gần đây, chúng tôi có phát hiện thêm ở Thái Bình, trong một cụm di tích chùa Đại Bi do bà Thái hậu Nguyễn Thị Thuận, vợ vua Trần Nhân Tông xây dựng cách đây 700 năm, có 8 tấm bia, trong đó có 4 bia thời Mạc (chủ yếu là bia có niên hiệu Sùng Khang 9 (1575), Hưng Trị 1 (1588), Hưng Trị 2 (1589) và Hồng Minh 2 (1592) thuộc triều đại Mạc Mâu Hợp) xin được giới thiệu cùng bạn đọc. Dưới đây là bản dịch của cố giáo sư Dương Quảng Châu. Xin lược phần phiên âm cho khỏi dài:
1. Bia Tôn tạo Đại Bi tự: Tạo năm Sùng Khang 9 (1575) do Tiến sĩ Cập Đệ khoa Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo (1557) Binh bộ Triều liệt đại phu trong phủ Ứng Vương, quê xã Đoan Lâm, Bình Giang, Hải Dương là Đỗ Uông soạn văn bia. Môn đệ là Bảng nhãn Lều Quang Bật viết chữ để khắc bia.
Nội dung: Thôn An Lạc, huyện Thần Khê có chùa Đại Bi thực đáng là danh lam thắng cảnh thứ nhất của phủ Tân Hưng. Trước đây chùa vớt được một chiếc chuông đồng nổi lên ở sông, có khắc chữ là chuông của bà Hoàng thái hậu thời vua Trần Nhân Tông đúc (1279-1293). Chuông đánh tiếng âm vang, xa rộng, hiện nay vẫn còn (thời gian soạn bia). Năm Sùng Khang thứ 7 (1573) mùa xuân năm Giáp Tuất xây gác chuông lại đào được bia đá thời Trần. Cũng luôn năm ấy, đầu xuân lại tô và đúc tượng, làm nhang án, mở hội lớn. Học trò tôi là người làng đã ghi lại sự việc sau đây. Miền Nam nước ta các danh lam thắng cảnh so ra đâu cũng không bằng chùa nơi đây về vẻ đẹp và sự linh dị. Bởi chuông nổi ở sông, đào được cả bia đá đó là do thần Phật tạo ra. Việc được chuông, được bia phải chăng Trời Đất đã làm ra đấy, thành cái hay, cái đẹp của quốc gia đó sao? Chẳng phải là để ghi công đức đó sao? Vậy sao chỉ một chốn đất lành ở đây là luôn có điều lành, điều linh dị, linh ứng hiện lên, như vậy ở đây chẳng phải mở ra cho thấy trời đã sinh thành con người có nhân tâm cũng là thiện tâm đó sao? Vậy việc làm nhân đức yêu cầu không chỉ có bên ngoài mà yêu cầu bên trong tấc lòng cũng phải tốt đẹp. Ôi! Chùa đây mang tên Đại Bi thời chúng ta đều phải có từ bi làm tim gan, làm tai, làm mắt. Việc nhà Phật lấy từ bi làm nền, làm tốt đẹp thật là cao xa khó làm. Nhà Nho chúng tôi lấy từ ái làm nền móng, có thể thiết thực gần xa dễ hiểu, xin dốc hết lòng ra làm. Bầy tôi trước hết, anh nhường em, kính cha, con hiếu thảo, chồng vợ ân ái thuận hòa, bằng hữu tin cậy hòa hợp, đó chẳng phải là tháng ngày vằng vặc trăng sao như mọi lý lẽ luân lưu đó sao? Lý lẽ làm đúng làm tốt chẳng gì to lớn đó là vui đạo và mến đức. Giúp đỡ người nghèo khổ, chu cấp cưu mang kẻ thiếu thốn về mọi phương diện, đó chẳng phải là một điều chủ chốt của mọi người nhân đức đó sao? Ngoài lẽ trên, mọi việc làm tốt đẹp khác cũng nằm trong quy củ của phúc đức, còn như không muốn làm mà muốn được phúc đức báo đền, đó là việc làm không thể có. Tôi chưa từng nghe, nhìn thấy mà chỉ có làm tốt, làm lành mới là phương pháp, mới có nền nhân cõi phúc đến và không bao giờ hết. Còn cả trăm phúc ngàn nhân muôn lộc đến với con cháu mãi mãi bền lâu và ngày càng đầy đủ.
Nhà Nho, người theo đạo Phật là người quân tử, ai cũng coi việc làm từ thiện là việc lớn, bởi đó là học thuyết từ bi của Phật và từ ái của Nho giáo. Bia ghi, chuông khắc để lại là cốt để nhắc nhở con người luôn nghĩ đến đó mà cảm ứng, mà chiêm nghiệm mọi mặt. Bởi không có bia, có chuông cảnh báo, thời con người đâu có tự nhiên mà cảm ứng được đạo lý từ bi, bác ái ở đời. Nếu như có cảm ứng và chiêm nghiệm là đã mở lòng từ bi muôn thuở ở lòng người, mở ra biết bao điều hay, cái đẹp muôn thuở ở Nam bang nước ta.
– Tây quân phủ vệ ưng dương triều sở Võ đô uý Mĩ Bá Nguyễn Duy Hoàng.
– Phùng nhật ty Thuy Khê Bá Nguyễn Ngọc Châu. Mai Lâm Bá Nguyễn Diệu. Duy Trung Xã Trưởng Nguyễn Sĩ Liêu…
– Thôn trường Nguyễn Ngọc Tuân, Nguyễn Thế Nghi, Nguyễn Thế Giao, Nguyễn Triều, Đông vệ phẩm Lâm bá Nguyễn Đắc, Mai Giang bá, Nguyễn Hữu Thi cùng mọi tín thí chủ cúng tiền tạo bia.
2. Bia Đại tự đại bi. Tạo năm Hưng Trị 1 (1588)
Do Nguyễn Sơn ở xã Tây Am, Vĩnh Bảo soạn:
Nội dung: Xã An Lạc, huyện Thần Khê làm nhân tu đức, các vãi sai làm việc thiện, tạo mới sửa sang lại tượng cũ ở chùa, ghi lại bia sau đây: Bản xã đây vị Hội chủ cùng các sãi vãi làm việc thiện nên trước đây dưới triều vua Mạc – Đoan Thái thứ 2 (1586) ngày 27 tháng 2 đã hưng công tạo mới tượng Phật 16 pho và trùng tu tượng cũ 6 pho. Sang năm Đinh Hợi, ngày 15 tháng Giáp Trung (tháng 2 âm lịch) đã sơn son thếp vàng, ánh hào quang tỏa chiếu. Công việc hoàn thành, ngày 15 mở hội mừng công hoàn tất, cùng năm ấy ngày 15 tháng 8 mua đá làm bia, khắc chữ ghi công.
Hội chủ xã đây và các sãi vãi công đức họ tên liệt kê sau: Nguyễn Đình Quý tự Huệ Phúc, Nguyễn Chiêu tự Phúc Điền, Trần Công Trí tự Huyền Phát, Nguyễn Duy An tự Phúc Đạo, Trần Công Triều tự Phúc Quảng.
3. Bia Tân tạo các bi. Tạo năm Hưng Trị thứ 2 (1589).
Do Giám sinh Quốc tử giám Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuận soạn, Nguyễn Bá Sơn ở Tây Am, Vĩnh Bảo khắc.
Nội dung: Xã An Lạc, huyện Thần Khê có chùa Đại Bi cổ kính, thuở xưa vớt được chuông đồng, do đó mà có tên là chùa Chuông.
Chùa ở phía Đông có gác cao, được liệt vào danh lam thứ nhất của trời Nam. Do đó các nhà tu hành quyên góp tiền bạc để xây dựng nên. Xét ra chùa đây không là di tích như Linh Sơn Quy Tàng (cổ tích thời Hạ Ân, Trung Quốc) thế nhưng đây là chốn đất đai phúc khánh lâu dài. Bởi lẽ phá đi rồi lại xây lại, bĩ cực rồi thái lai, càng dúi xuống dập đi rồi sau lại dấy lên, đó là cơ hội tốt bởi non sông vẫn như cũ, nhưng vũ trụ có đổi mới đúng là trở lại cổ xưa.
Hiện xã đây các sãi vãi, các nhà thiện tâm đầu năm đã dốc lòng dốc sức giúp cho việc lớn, làm thành từ không ra sắc, từ vô thành hữu. Từ chỗ gác chuông, do người mà đẹp thêm, quy mô thêm, ngày càng mở ra quy củ, chế độ lễ bái ngày càng bày đặt cao rộng hơn xưa. Cũng từ chỗ có gác mà chuông cũng điểm xuyết hơn lên, mỗi lần đánh chuông là tinh thần càng thêm phấn chấn. Đúng là trên cao tỏa ra ánh sáng lâu dài, đồ sộ đứng giữa trời, có gác chuông mới ở tại chùa xưa. Từ đó không chỉ sớm chiều lễ cầu phật thánh đông vui mà cũng lại đưa về lạc phúc cho nhân quần thế thái. Do vậy các sãi vãi, quý vị bảo tôi khắc chữ để lưu truyền được lâu dài. Tôi nay lấy tên chùa Đại Bi, lấy nghĩa chữ Đại Bi là quảng đại từ bi mà nói rằng: Nhà Phật lấy từ bi làm nhân nghĩa, vậy trong chữ nghĩa nhân là có lợi, bởi có nghĩa thời yên việc triều chính, nhà vua cũng yên ổn ở chỗ có nhân nghĩa. Triều thần an thân cũng do có nhân nghĩa. Làm cha mẹ được yên ổn không chỉ có con hiếu, mà có con hiếu chính do đã làm việc nghĩa. Anh em hòa thuận, vợ con tớ thầy yên ổn vui tươi, con cháu yên ổn, đâu phải bản thân ai cũng làm được mà phải có cội phúc nền nhân, tự xóm tự xã xưa để lại mới có. Do vậy muốn thân an phải có đức, không chỉ có bản thân mà phải muôn ngàn cháu con, toàn thể dân chúng cùng làm việc phúc đức, làm nhân nghĩa thì mới đạt được. Do vậy việc phúc đức nhân nghĩa không gì to lớn là ở đấy. Tuy làm việc phúc đức nhân nghĩa là mong muốn không nhìn được kết quả ngay đâu, giả như cầu lễ ở cửa Phật mà được phúc ứng bù đắp lại lợi ích ngay là không ai thấy. Chính bản thân tôi cũng chưa nghe thấy, thế nhưng phúc đức nhân nghĩa tích luỹ qua âm công, nhất định sẽ có dương báo mới mẻ sau này. Mong rằng quý vị cứ tin lời nói của tôi đây. Việc làm phúc đức nhân nghĩa là sau sẽ được báo rằng phúc đức nhân nghĩa. Vậy nên tôn không thể không viết lời minh rằng:
Thắng cảnh đổi mới
Bền vàng là lửa
Thiên lý nhân tâm
Chẳng sai gang tấc
Cổ tích Đại Bi
Gác chuông nay dựng
Hóa Phật sẽ đến
Bởi tại cửa trời
Ở miệng là Thiền
Hoa kình gieo ngọc
Làm lành được phúc
Đóng mở theo luật
Tín chúng: Nguyễn Bệ tự Phúc Hải tiến cúng 1quan, Nguyễn Chiêm tự Phúc Điền tiến cúng 1quan, Nguyễn Thế Nghi tiến cúng phiến đá.
Hội chủ: Nguyễn Bích hiệu Đức Tùng cúng 9,5quan, Trần Tiềm tự Phúc Thượng cúng 4 quan, 1 công, Nguyễn Sơn Bá huyền sĩ Nguyễn Thiện 9 quan…
4. Bia Tân tạo thiết kình đăng. Tạo năm Hồng Ninh thứ 2 (1592).
Do Giám sinh Quốc tử giám khoa Bính Tý Nguyễn Duy Thuân soạn, Nguyễn Bá Sơn ở Tây Am, Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo) khắc bia:
Nội dung: Xã An Lạc, huyện Thần Khê(2), phủ Tân Hưng có ngôi chùa cổ Đại Bi, thời xưa nhân dân vớt được một quả chuông ở sông. Nhân đó chùa có tên là chùa Chuông. Cảnh chùa là danh lam số một cõi trời Nam. Ôi, chỉ là một vật như quả chuông đâu có liên quan đến chùa thế mà đã góp vào trong trời đất, công đức chưa ghi lại hết. Vậy đây thật là một công trình lớn. Từ đó các sãi vãi trong xã long thành đã bỏ ra đóng góp hoàn tất việc công đức lớn. Đầu xuân năm qua làm xong cây đèn sắt bệ đá, đức lớn đó nay để ở cửa chùa. Mùa đông làm xong bệ cửa chùa cũng sắt đá mà trước đây chỉ là đèn bộ gỗ mà thôi. Do thành tâm thành ý dốc sức vào mà chỉ qua một mùa đông nay là đèn sắt bệ đá. Bệ gỗ thành bệ sắt, đá có hoa đẹp bốn mùa tạo hóa. Đúng là đèn tỏ bệ hoa đẹp, như đồ sứ, như của báu. Đúng là đèn trăm năm tỏa sáng, tượng Phật vàng son huy hoàng, bệ hoa sáng loáng, sớm tối ở bên lâu đài rực rỡ thơm tho. Mong rằng trước sau những ngày đơn lệ hương thơm đầy dưới trên đầu mọi lớp sãi vãi cúng chùa An Lạc. Tôi đây soi ngắm thời gian qua lại, thời đèn sắt bệ đá hoa mang tên sắt thép, đó là lấy ý nghĩa ngũ hành kim loại đi đầu và cũng là chùa vốn mang tên chùa Đại Bi nên cũng có mở rộng long lành. Vậy từ bi là làm việc nhân nghĩa. Từ bi còn là vàng, là mùa thu, cũng có thể là từ ái của đạo Nho. Vậy lấy từ bi, từ ái là việc nhân nghĩa thời vua Nhân, bề tôi có nhân nghĩa, cho có chon hiếu kính, anh có em cung kính, chồng xướng là vợ tuỳ, suy đó ra cũng là những việc rất đúng đắn trong nhật dụng mà người ta thường làm vậy. Việc làm phúc lớn nhất không chỉ có vậy mà còn là muôn thuở con cháu cũng được hưởng phúc lành. Đổi lại, nói cầu phúc cầu lợi ở trong cõi mờ tối mà thấy ngay phúc lợi đưa lại. Chính tôi cũng chưa từng nghe thấy thế. Nhưng làm phúc, tích phúc đó là âm công thời ắt có dương báo, có lành vì đó là hình luôn bắt bóng, chẳng bỏ hình ta cầu tin không phải đó là lời bói toán đồng cốt. Các sãi vãi nghe tôi nói khắc vào đá để sáng tỏ mãi mải ở đời, là vàng là lửa, rõ việc tốt lành, một cây đèn sắt, muôn lớp vàng pha, đôi vầng nhật nguyệt bao thuở yên hàn, kìa nung là thép, thép huyện là hoa. Công ấy, đức ấy, trời đất không xa, từ sinh muôn quả, tích thiểu thành đa.
Hội chủ: Khâm sai Ngự doanh phó tướng kiêm Đông đạo mọi việc Binh bị quân vụ trực tiếp làm Đô đốc trưởng phủ đạo Bắc quân tướng Dũng Nghĩa công cúng tiền đồng 10 quan. Nguyễn Bệ tự Phúc Hải hàm Trung hiệu uý, Nguyễn Bổng tự Phúc Tiến quê xã Đặng Xá huyện Gia Lâm, tỉnh Hải Dương chức Đồng Tri phủ, tước Hùng thắng Bá cúng 1 quan, Đỗ Thiển cúng 1 quan, Trà Sơn Bá Huyền Sĩ Nguyễn Thiệu Trần tự Phúc Thượng, Trần Công Triều tự Phúc Quả…
Xã trưởng Bùi Đoàn tự Phúc Đa, Nguyễn Thị Hoan, Nguyễn Thị Lõi, Phạm Doanh tự Hỏa Sơn. Xã Trưởng Nguyễn Vịnh Bang, Nguyễn Duy Linh, Quan viên Nguyễn Sinh, Châu Thị Khê bái tiến cúng công đức.
Chú thích:
1. Vương triều Mạc với 10 đời vua (1527-1677). Năm đời vua đóng đô ở Thăng Long và năm đời vua sau đóng đô ở Cao Bằng. Tổng cộng 150 năm tồn tại.
2. Huyện Thần Khê: Thuộc phủ Tiên Hưng, trước thuộc trấn Sơn Nam, sau thuộc tỉnh Nam Định. Năm 1890 thuộc tỉnh Thái Bình. Sau đổi là huyện Hưng Hà, rồi Hưng Hà hợp nhất với Đông Quan thành Đông Hưng.
– Phủ Tân Hưng: Thời Lê thuộc trấn Sơn Nam, nhà Mạc đổi thuộc trấn Hải Dương. Thời Lê trung hưng trả lại cho trấn Sơn Nam. Đời Lê Kính Tông đổi lại là phủ Tiêu Hưng gồm các huyện Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà thuộc tỉnh Thái Bình.

Nguồn:

"
https://dzjao.wordpress.com/2010/09/29/nhan-xem-lai-bia-mac-nho-cu-duong-quang-chau-tieu-dong-cua-cu-nguyen-hai-than/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.