Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/07/2018

Một ngôi chùa Việt trên đất Nhật : "Chùa Việt Nam" tại tỉnh Kanawaga

Tỉnh Kanagawa nằm bên cạnh thủ đô Tokyo. Ngôi chùa được một nhà sư lưu học Nhật Bản ở lại và kiến thiết vào cuối thập niên 1990.

Hiện tại, trên khắp nước Nhật có khoảng năm sáu ngôi chùa Việt. Nhưng nếu mang tên "Chùa Việt Nam" (tên chùa lấy luôn tên nước) thì là duy nhất, tọa lạc ở tỉnh Kanagawa. Bản thân cái tên cũng cho thấy sự "mở đầu" của chùa Việt trên đất nước Phù Tang.

Thú vị là hoành phi (đại tự), câu đối đều viết bằng chữ quốc ngữ. Không sử dụng chữ Hán.

Giới thiệu đầu tiên và các ảnh đính kèm ở dưới là lấy từ Fb của chính nhà chùa.



----



















Bản lên mạng ngày 6/7/2018, bản chép về Giao Blog ngày 29/7/2018.

"




Chùa Việt Nam, ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên trên đất đất nước Phù Tang, tọa lạc tại 243-0307 Kanagawaken, Aikogun, Aikawamachi, Hanbara 4889-1, do cố Hòa thượng Thích Minh Tuyền khai sơn và sáng lập. Chùa nằm dọc theo dòng suối Aikawa, bao quanh là những dãy núi linh thiêng và hùng vĩ.
Cố Hòa thượng thế danh là Lê Minh Tuyền, pháp danh Nguyên Pháp, hiệu Minh Tuyền dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 44, sanh ngày 8 tháng 9 năm 1938 (Mậu Dần) tại làng Bình Hội, thị trấn chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận - Việt Nam.
Năm 1945, khi vừa tròn 7 tuổi, thầy xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Viên Trí .Sống với Thầy hơn 10 năm, cho tới năm 1956, Ngài được Bổn Sư gởi vào viện Phật học Hải Đức Nha Trang, Trung Phần Việt Nam do Hòa Thượng Trí Thủ làm Giám Viện. Năm 1962 (24 tuổi) sau khi tốt nghiệp Trung Đẳng Phật học, Ngài vào Nam để tiếp tục con đường học vấn.
Năm 1970 thầy đi du học Nhật. Tuy nhiên, năm 1975 miền Nam Việt nam (Sài gòn) giải phóng, đất nước thống nhất, do những khó khăn trong vấn đề thủ tục hành chánh, thầy không thể trở về Việt nam được, và đã xin ở lại Nhật bản. Trong thời điểm này rất nhiều người dân Việt nam đến Nhật. Với tinh thần từ bi của người Tu sĩ Phật giáo Việt nam, thầy thường đến các trại tỵ nạn của người Việt hỏi thăm, động viên, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần, nhất là vấn đề tâm linh tín ngưỡng. Vì vậy mà thầy được rất nhiều người Việt biết đến và thương mến.
Trong suốt thời gian dài sống và làm việc ở Nhật, do chưa có chùa nên thầy thường mượn chùa Nhật để tổ chức những ngày lễ quan trọng của truyền thống Phật giáo Việt nam cho cộng đồng bà con Phật tử Việt nam tại Nhật.
Năm 1997, thầy nảy ý định mua đất lập chùa tại Nhật Bản. Trong năm này thầy đã đến Mỹ vận động tiền từ Tăng Ni và Phật tử, những vị đã từng du học, cũng như những Phật tử mà thầy biết đến hoặc đã giúp đỡ trong thời gian tỵ nạn ở Nhật. Vì chư Tăng Ni và Phật tử nghe có ngôi chùa Việt duy nhất tại Nhật nên ai cũng hoan hỷ trợ giúp bằng tình Pháp lữ. May mắn thay, thầy đã vận động đủ số tiền để mua lại căn nhà của 1 gia đình người Nhật tại Kanagawaken, Aikawamachi, Hanbara. Sau khi mua xong thầy đã cho người sửa chữa và thiết trí thành một ngôi chùa đặt tên là Chùa Việt Nam. Từ đây, cộng động Phật tử người Việt đã bắt đầu có được môt ngôi chùa của Việt nam để làm chỗ nương tựa tâm linh cũng như tinh thần.
Năm 1998 thầy tiếp tục đi Mỹ, năm 2008 đi Châu âu, năm 2009 đi Úc. Trong những chuyến đi này với mục địch vận động tiền để xây chùa cho khang trang hơn. Với số tiền ấy, năm 2010 thầy mới mạnh dạn phá bỏ chùa cũ và làm lễ động thổ xây chùa bằng chất liệu bê tông kiên cố và đẹp hơn. Bởi nhu cầu tín ngưỡng cho cộng đồng Phật tử Việt nam ngày càng đông.
Với kinh phí đắt đỏ ở Nhật, sau khi làm không bao lâu số tiền đã hết. Do vậy, năm 2012 thầy tổ chức lễ Khánh thành giai đoạn 1 với mục đích tiếp tục kêu gọi mọi người đến tham dự và phát tâm ủng hộ kinh phí để hoàn thiện những phần còn lại.
Năm 2017 công việc xây dựng chùa đã hoàn thành, và dự định sẽ tổ chức đại lễ khánh thành vào tháng 4/2018 để đáp tạ ơn Tam Bảo cũng như sự ủng hộ của bà con Phật tử Vn ở Nhật cũng như các nước trên thế giới cho một ngôi chùa Việt Nam tại Nhật Bản.
Với niềm tin tưởng trong tương lai, Chùa Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và hưng thạnh, xứng đáng là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho cộng đồng Phật tử, là nhịp cầu kết nối tình thâm giữa những người con Việt nam xa xứ. Qua đó, các thế con cháu Việt Nam hôm nay và mai sau trên đất nước Xứ Người được biết đến phong tục tập quán, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thật đúng như ý trong 2 câu thơ của Hòa thượng Thích Mãn Giác:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
https://www.facebook.com/notes/ch%C3%B9a-vi%E1%BB%87t-nam-t%E1%BA%A1i-nh%E1%BA%ADt/qu%C3%A1-tr%C3%ACnh-h%C3%ACnh-th%C3%A0nh-c%E1%BB%A7a-ch%C3%B9a-vi%E1%BB%87t-nam-t%E1%BA%A1i-nh%E1%BA%ADt/1114740142026375/
"






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.