Lễ hội Đền Hùng.
Nội dung: Vương Anh
Trình bày: Vân Thanh
Ngày xuất bản: 7/4/2025
Lên cao nhìn rộng, trùng điệp núi đồi tựa cháu con


Tín
ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
và
tinh thần gắn kết cộng đồng
Thời Hùng Vương vẫn lung linh huyền sử. Vua Hùng vừa huyền ảo vừa
hiện thực. Đó là biểu tượng vừa hư vừa thực của cội nguồn dân tộc. Nhưng
tín ngưỡng thờ Vua Hùng là biểu hiện rất thực
của tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là điểm hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại
đoàn kết Việt Nam.
Nơi
hội tụ khí thiêng đất trời và lòng người
Khu di tích Ðền Hùng
nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc vùng đất cổ Phong Châu (nay là xã Hy Cương,
thành phố Việt Trì, Phú Thọ). Tương truyền đây là nơi Vua Hùng và các Lạc hầu,
Lạc tướng thường làm lễ cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thịnh, dân an. Từ xa
nhìn lại, Nghĩa Lĩnh như đầu rồng lớn đang uốn lượn trong mây. Những đồi núi xung
quanh như đàn voi đang cùng chầu về đất Tổ. Vùng đất này được chọn là nơi tế
lễ, nơi định đô, dựng nước với tâm ý: Đây là đất hội tụ khí thiêng của đất
trời, sông núi, nơi vạn vật đều chầu về và lòng người thuận theo.
Để diễn tả ý đó, câu
đối ở hai trụ trung tâm cổng chính, dựng theo lối tam quan - bốn cột, của đền Hùng
ghi:
Mở
lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối
Lên
cao nhìn rộng, trùng điệp núi đồi tựa cháu con
Bao đời nay cảnh sắc
thiên nhiên Ðền Hùng vừa rạng rỡ tươi đẹp vừa huyền ảo như tranh. Đất Tổ
là vùng bán sơn địa, cảnh quan trù phú và đa dạng, phong phú và hấp dẫn, vừa có
rừng núi, đồi gò, vừa có đồng ruộng, sông suối, ao hồ. Dân gian vẫn nôm na gọi
Nghĩa Lĩnh là núi Cả, núi Hùng. Đây là ngọn cao nhất nhưng độ cao cũng chỉ 175m
(so với mực nước biển). Chiều cao như vậy không thấm gì nếu so với những thái
sơn vạn trượng.
Nhưng Núi không cần cao, tiên giáng ắt thiêng
Vực không cần sâu, rồng ẩn tất linh.
Và cũng không phải
ngẫu nhiên mà núi Hùng được đặt tên chữ là Nghĩa
Lĩnh - núi Nghĩa chứ không phải “thái
sơn”, “hồng lĩnh” - núi lớn. Tên núi cũng hàm ý rằng đây là nơi tụ nghĩa chứ không nhằm nói lên hình
thức, quy mô to lớn.
Dưới góc nhìn văn hóa
dân gian, huyền thoại mẹ Âu Cơ mang nhiều lớp nghĩa - không chỉ là chuyện bọc
trăm trứng, không chỉ là chuyện chia nhau xuống biển, lên núi. Đó còn là chuyện
dân tộc có cùng một cội nguồn, gắn bó máu thịt keo sơn, là chuyện về xác định
cương vực cư trú của cộng đồng bản địa và còn nhiều chuyện khác nữa... Trong
đời sống tâm linh của người Việt, thời đại Hùng Vương và vua Hùng có một vị trí
đặc biệt. Chỉ cần nêu để so sánh: Trong số bốn vị tứ bất tử trong tâm linh
người Việt: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh thì ba vị đầu tiên
thuộc thời Hùng Vương.
Ở vùng Phú Thọ, cùng
với di sản Hát xoan đã được UNESCO
ghi danh từ năm 2011, Tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương cũng đã được UNESCO xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể
đại diện của nhân loại ngay năm sau đó. Cũng qua việc thực hiện tín ngưỡng thờ
Vua Hùng mà văn hóa dân gian quanh vùng Nghĩa Lĩnh lưu truyền đời này qua đời
khác. Lễ giỗ Tổ còn là hội của các trò vui dân gian, của những cây đu, của các
phường xoan... Đến nay, lễ này đã là “quốc lễ”
nhưng “yếu tố gốc” dân gian của tín ngưỡng này vẫn được bảo tồn, để hội đền
Hùng, ngày giỗ Tổ vẫn mang tính dân gian, là ngày hội của thập phương khách
hành hương ngày càng đông.
Tín
ngưỡng mang
bản sắc và lẽ sống
Tín
ngưỡng thờ Hùng Vương - Quốc Tổ không mang/nghiêng sang sắc độ tôn giáo mà đậm
màu thời gian đạo lý. Tình cảm với cội nguồn đã trở thành đạo lý cộng đồng. Đó
là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tinh thần đoàn kết, là lòng nhân, là tình cảm
tương thân tương ái. Vua Hùng đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng mà gần
gũi, chẳng cần luận giải có thực hay không. Vua Hùng ở cõi “siêu trần thế”
nhưng không “siêu nhân”, “siêu nhiên” đến mức xa cách con người. Nhân dân vẫn
gọi Vua Hùng là Đức Tổ, cùng thờ phụng thành kính cũng như thờ tổ tiên ở nhà,
chỉ có điều ở tầng cấp cao hơn mà thôi. Rất nhiều nơi, từ nhiều đời, nhân dân
thờ Quốc Tổ và các bộ tướng của ngài - những người có công giúp nước cứu dân.
Trên dải đất Việt Nam, tín ngưỡng thờ Hùng Vương và các vị anh hùng trong thời
Hùng Vương phổ biến và rất thân quen.
Cũng tại cổng chính Đền Hùng có bức đại tự “Cao sơn
cảnh hành” chào đón khách hành hương trước khi đến đền Hạ, qua đền Trung rồi
tới đền Thượng. Bốn chữ Hán vốn được lấy từ hai câu thơ trong Kinh Thi: “Cao sơn ngưỡng chỉ
/ Cảnh hành hành chỉ”. Dịch nghĩa là: Núi cao để ngưỡng trông, đường lớn dùng để đi. Con
đường lớn hàm ý để dân cùng đi, cùng theo, cùng đồng lòng. Con đường tâm linh
hướng về tri ân công đức tiên tổ cũng là con đường đoàn kết, con đường cầu cho
quốc thái, dân an, nhân khang, vật thịnh.
Thời
vua Hùng xa xưa ấy không để lại những di sản thành văn nhưng nhân dân Việt Nam
đã truyền tụng nhắc nhở nhau và tự hào về những
phẩm chất cao đẹp của dân tộc mình thể hiện qua những huyền
thoại. Sự gắn bó về huyết thống, về tình nghĩa qua truyền thuyết về các dòng họ
đều sinh ra từ bọc trăm trứng từ mẹ Âu Cơ. Người
Việt Nam vẫn gọi nhau là “đồng bào” - “đồng” dễ hiểu là
cùng, “bào” với nghĩa là cái bọc. Tâm thức nhân dân luôn nhớ và lưu
truyền những huyền thoại đẹp về các nhân vật có phần thánh và có cả phần người
của buổi đầu dân tộc có tên: Chuyện núi của Sơn Tinh vượt qua, chiến thắng nước của Thủy Tinh; chuyện Lang Liêu
hiếu thảo và sáng tạo với bánh chưng, bánh dày; chuyện Thánh Gióng đánh giặc mà
chẳng đợi lớn; chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung đến với nhau kỳ lạ như mối duyên
trời định v v… là những huyền thoại lung linh, làm nên bản sắc sinh động và hấp
dẫn của nền văn hiến Việt Nam. Nhìn sâu qua thời gian phủ bóng, qua mờ sương
huyền ảo của huyền thoại có thể thấy nhiều điều có ý nghĩa: Ý chí chống thiên
tai lũ lụt ở Sơn Tinh, chống xâm lược ở Thánh Gióng; Tinh thần lao động sáng
tạo để tồn tại và phát triển qua sự tích quả dưa đỏ của Mai An Tiêm; Tinh thần
trọng lao động, trọng sáng tạo ở bánh chưng, bánh dày của Lang Liêu; Tình yêu
trong sáng vượt qua rào cản đẳng cấp giữa
Tiên Dung và Chử Đồng Tử v v và v v.
Nhân dân, xưa đã vậy
và nay vẫn vậy, cứ tin tưởng chân thành rằng mình là con cháu vua Hùng. Đi tìm
những chứng cứ cụ thể, xác định những niên đại để vẽ nên một bức tranh bằng
phương pháp khoa học về thời bình minh dựng nước của dân tộc từ thời Hùng Vương là công việc của các nhà khảo cổ
học, các nhà sử học. Sự tin của nhân dân chưa (cần) vận dụng đến các thành tựu
khoa học đó. Chỉ biết rằng dân chẳng thờ sai ai
bao giờ.
Vun
đắp ý thức về chủ quyền dân tộc
Trong thời Hùng Vương
có sự khẳng định từ rất sớm chủ quyền trên một lãnh thổ có sự riêng biệt của
“cõi bờ sông núi”, của phong tục tập quán, của một nền văn hóa - văn minh đã định hình. Lịch sử không ghi lại những
điều cụ thể về thời đại ấy dưới dạng tư liệu văn bản, chỉ còn những dấu tích về
nền Văn hóa Đông Sơn rực rỡ với rất nhiều hiện vật đồ đồng hoàn mỹ và kỳ bí. Nhưng
suốt mấy ngàn năm, niềm tự hào về các vua Hùng ăn sâu vào tâm khảm của con
người Việt Nam, không phai nhạt từ đời này qua đời khác.
Thời Hùng Vương và
nhà nước sơ khai đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện khá sớm của một nền văn hóa cổ
xưa của con người trên mảnh đất Việt. Tiếp theo đó, nước Âu Lạc của An Dương Vương
với kinh thành Cổ Loa đã khẳng định sự tồn tại của chính quyền bản địa trên
vùng lãnh thổ độc lập ở giữa lưu vực sông Hồng và sông Mã. Ý thức sâu sắc về
chủ quyền dân tộc, đặc điểm quan trọng nhất của bản sắc văn hóa Việt Nam, của
lẽ sống ở người Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử đã tạo nên ý chí bền bỉ đấu tranh từ đời này qua đời khác - nổi
dậy bị đàn áp, lại tiếp tục nổi dậy cho đến khi giành lại được độc lập, dù hành
trình đó có phải kéo dài đến ngàn năm với nhiều hy sinh.
Khởi nghĩa Hai Bà
Trưng đã mở đầu những trang oanh liệt đấu tranh giành độc lập tự do. Ngọn lửa
anh hùng nhen lên từ cuộc khởi nghĩa ấy đã chẳng bao giờ tắt. Lịch sử sẽ còn âm
vang mãi sự nghiệp chiến đấu anh hùng của những thủ lĩnh khởi nghĩa rạng danh:
Triệu Thị Trinh, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa
Dụ, Dương Đình Nghệ. Những cuộc nổi dậy của nhân dân đã nhiều lần làm gián đoạn
sự thống trị của ngoại bang. Với chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền cùng quân dân
Đại Việt đã nhấn chìm ách cai trị kéo dài dưới dòng sông lịch sử, đưa dân tộc
vào thời trung hưng thứ nhất, mở ra kỷ nguyên phát triển của văn hóa, văn minh
Đại Việt độc lập, tự chủ.
Từ lung linh huyền
thoại nhổ tre chống giặc thời vua Hùng, vang vọng khí phách của Hai Bà Trưng,
các triều đại từ Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần... đã kế tiếp nhau với tâm thức
“làm chủ một phương”. Tinh thần đó, ý chí đó tạo nên sức mạnh đánh tan mọi kẻ
xâm lược. Tinh thần và ý chí ấy không những tạo nên quyết
tâm kiên cường bất khuất mà còn rèn đúc nên những con người rất mưu trí
và sáng tạo trong chiến đấu và chiến thắng, dù luôn phải “lấy ít địch nhiều”, “lấy
yếu chống mạnh” nhưng đã liên tiếp gây cho kẻ xâm lược hết bất ngờ này đến bất
ngờ khác.
Sự nghiệp dựng nước
của các vua Hùng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại để tiếp nối với các
chiến sĩ Đại đoàn 308 tại đền thờ vua Hùng, ngày 19/9/1954, trước khi đoàn quân
tiến về tiếp quản Thủ đô: “Các vua Hùng đã có
công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tiếp nối truyền thống
cha ông, nhân dân Việt Nam đã kiên quyết bảo vệ độc lập tự do và chủ quyền đất
nước, chiến đấu kiên cường và chiến thắng oanh liệt những đội quân xâm lược
hung hãn và hùng mạnh nhất của thế kỷ XX qua hai cuộc kháng chiến kéo dài 30
năm rồi tiếp tục bảo vệ toàn vẹn biên cương tây nam và phia bắc của Tổ quốc. Như
một mạch nguồn chảy liên tục từ đời này qua đời khác, như những mạch dẫn lưu
thông lan toả và thấm sâu trong từng thớ đất quê hương, truyền thống đoàn kết dân
tộc luôn gắn liền với cuộc sống đương đại trên mọi miền đất nước, ảnh hưởng sâu
sắc tới mỗi tâm hồn Việt Nam.
Cuộc chiến tranh của
nhân dân Việt Nam thường không chỉ tiến hành trên các mặt quân sự, chính trị mà
còn ở cả trên mặt trận ngoại giao. Mỗi lần chiến thắng quân xâm lược, nhà nước Đại Việt đã luôn chủ động nối lại việc bang giao giữa
hai nước. Lịch sử dân tộc ta đã có nhiều ví dụ cụ thể đủ để chứng minh rằng: Chúng ta kiên quyết bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của
Tổ quốc nhưng luôn luôn hướng đến một nền hòa bình. Cách ứng xử này là một nét
truyền thống, thể hiện bản sắc cốt cách, bản lĩnh của một dân tộc anh hùng và
nhân văn.
Để bảo vệ Tổ quốc,
nhân dân Việt Nam không xây dựng một Vạn lý
trường thành bằng công sức và sinh mạng của hàng triệu con người. Nhưng nhân
dân Việt Nam đã xây dựng một “vạn lý trường thành” bằng lòng yêu nước và tinh
thần nhân văn của mình. Nhân dân kết tội hành động ngây thơ mất cảnh giác của
Mỵ Châu đã để lộ bí mật quốc gia, để vũ khí “công nghệ cao” vượt trội bị vô
hiệu hóa. Nhưng nhân dân vẫn thương xót người con gái ấy đã sống với những tình
cảm chân thành và chung thủy trong tình nghĩa vợ chồng. Khi kẻ thù xâm lược kéo
đến thì nhân dân đoàn kết chiến đấu đến cùng để đánh đuổi chúng, nhưng khi ý
chí xâm lược của kẻ địch đã bị đập tan, chúng buộc phải bỏ vũ khí “cầu hoà” thì
nhân dân Đại Việt sẵn sàng khoan hồng, đại lượng “mở lượng hiếu sinh” để “tắt
muôn đời chiến tranh” (Nguyễn Trãi). Khi kẻ thù ngoại xâm đã bị đánh bại, cộng
đồng dân tộc lại trở về cuộc sống xây dựng cần cù và nhẫn nại. “Súng gươm trút
bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi), làng xóm Việt Nam lại bình dị và nhân ái với truyền
thống đoàn kết tương trợ có từ lâu đời.
Nhân
tố bền vững và sức mạnh vô biên
Ở Việt Nam, tính cộng
đồng và chủ nghĩa yêu nước là sản phẩm đặc biệt của hoàn cảnh kinh tế, xã hội,
trở thành điều kiện sống còn và sức sống trường tồn của con người Việt Nam, của
dân tộc Việt Nam trước mọi thử thách.
Box
Do
vị trí địa lý chi phối, thiên tai thường xảy ra, hết hạn hán lại đến lũ chồng
lên lũ, bão kế tiếp bão. Để vượt qua thiên tai, việc “vắt đất ra nước thay trời
làm mưa” hoặc “nghiêng đồng đổ nước ra sông”, đắp đê chống lụt đòi hỏi phải có
sức mạnh cộng đồng, phải chung sức gia đình “thuận vợ thuận chồng” và làng
nước.
Người Việt Nam đặt
lợi ích cộng đồng cao hơn lợi ích cá nhân, lợi ích Tổ quốc cao hơn lợi ích gia
đình, địa phương. Mỗi cá nhân đều thấy hạnh phúc khi được sống giữa tình yêu
thương của gia đình, làng xã và Tổ quốc, đau khổ nhất là phải tách khỏi cuộc
sống của cộng đồng. Tính cộng đồng được củng cố bền chặt trong những phong tục
tập quán được duy trì từ đời này qua đời khác. Ở nhiều nơi, trong giai đoạn
phát triển muộn hơn, một số phong tục tập quán được “quy chế hóa” trong những
hương ước, trở thành những chuẩn mực ứng xử của cộng đồng. Đó là những thể lệ
về canh tác ruộng chung, những giao ước trong việc giúp đỡ nhau xây dựng nhà
cửa, những qui tắc trong sinh hoạt gia đình, làng xóm. Nhiều sản phẩm của trí
tuệ và bàn tay tài hoa cũng được tạo nên từ những quan điểm và chủ đề về cộng
đồng. Không có tinh thần đoàn kết phấn đấu ấy, không có tinh thần cần cù sáng
tạo ấy trong lao động do tổ tiên truyền lại thì không thể có được giang sơn ngày
nay, không thể khẳng định bản lĩnh dân tộc. Tính cộng đồng còn biểu hiện ở sự
đoàn kết giữa các thế hệ, các địa phương, các cộng đồng, các tôn giáo, còn thể
hiện ở lòng hiếu khách, trong lối ứng xử đúng đắn và linh hoạt, với những con
người có bản lĩnh và một nền văn hóa
bền vững không ngừng phát huy sức mạnh qua các thời kỳ lịch sử.
Làng xã Việt Nam đã
có những đóng góp lớn trong những thời kỳ chống ngoại xâm. Làng xã trở thành
những pháo đài kiên cố, những đơn vị chiến đấu lợi hại trên khắp đất nước khiến
cho quân xâm lược gặp phải vô vàn khó khăn trong việc đánh chiếm và bình định.
Quân xâm lược đi đến đâu (đến làng nào) cũng có thể bị tấn công. Từ rất sớm, Nguyễn
Ái Quốc đã tổng kết về sức mạnh truyền thống của tổ tiên để đánh bại quân xâm
lược phương Bắc: “nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân
đông sức mạnh, nước Nam đã thắng”[i].
Nhân dân xây dựng
nhiều đền miếu để tôn vinh và nhớ ơn những vị anh hùng cứu nước, nhắc cháu con
ghi nhớ những chiến công oanh liệt của các vị tiên liệt ấy. Nhưng điều trước
hết, làm nhân dân quý trọng và kính phục các vị anh hùng là điều cốt lõi bên trong những hành động. Đó là tinh thần, tình cảm, ý thức cộng đồng sâu sắc
của những vị anh hùng với Tổ quốc, với đồng bào. Ở các bậc anh hùng đó, lòng yêu
nước xuất phát cũng từ lòng thương dân, cứu nước
cũng đồng thời cứu dân. Tất cả những vị anh hùng khi nổi dậy và chiến đấu cứu
nước đều bắt đầu từ tình cảm thương dân, từ sự xúc động và bất bình sâu sắc
trước cảnh đồng bào mình bị lầm than, áp bức. Và người
tiêu biếu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh
nhân văn hóa được không chỉ dân tộc Việt Nam mà cả thế giới tôn vinh.
Tính cộng đồng Việt
Nam là nhân tố bền vững, mang sức mạnh vô biên để chiến thắng, vượt qua mọi
gian nan thử thách trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó là sự gắn bó
lẫn nhau trong công việc của làng, của nước cũng
như trong cuộc sống riêng của mỗi gia đình. Tính cộng đồng kết hợp với truyền
thống anh dũng mưu trí tạo nên bản sắc đoàn kết đấu tranh.
Box
Đoàn kết là nhân tố
quan trọng hàng đầu mang lại sức mạnh để chiến thắng. Điều này đã được thực
tiễn lịch sử dân tộc chứng minh không chỉ một lần. Lịch sử những cuộc đấu tranh
giành và giữ độc lập của dân tộc Việt Nam đã ghi nhận rằng: Một nước đất không
rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế và quân sự đều ở mức thấp hơn đối
phương nhiều lần nhưng nhờ biết đoàn kết bên nhau, phát huy sức mạnh để chiến
thắng nên đã nhiều lần đứng vững trước những âm mưu thôn tính của kẻ thù.
Tính cộng đồng thể
hiện tập trung nhất trong truyền thống đoàn kết chống thiên tai và bảo vệ đất nước.
Tinh thần đoàn kết được kết hợp với tính cách anh dũng, mưu trí, cần cù và nhân
ái đã tạo nên cốt lõi của bản sắc con người Việt Nam. Tính cộng đồng Việt Nam
và hệ quả đáng tự hào của nó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh cô đọng
trong khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại
thành công” như một phương châm tối thượng khi tổ chức thực hiện những nhiệm vụ
cách mạng.
Trong Kỷ nguyên mới,
sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh thịnh vượng, có vị trí xứng đáng
trong khu vực và trên thế giới đang đòi hỏi tiếp tục phát huy củng cố khối đại đoàn
kết rộng lớn và vững chắc để có thể tập hợp và phát huy mọi nguồn nội và ngoại lực,
tận dụng tốt thời cơ. Chúng ta đang đứng trước vận hội lịch sử đưa đất nước
bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành
nước phát triển có thu nhập cao, hiện thực hóa thành công tâm nguyện của Chủ
tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc.
Box
Để
thực hiện mục tiêu đó, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống
hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh
vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại có ý nghĩa then chốt (Tổng Bí thư Tô Lâm)[ii].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.