Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/05/2018

Ông Hoàng Mười trong văn chầu (bài Nguyễn Hùng Vĩ)

Một bài viết mà tôi có dịp được quan sát tác giả chuẩn bị tư liệu từ lúc bắt đầu. Mang tới nhà cho thầy một cuốn sách quan trọng của Durand và một quyển khá lạ của Nguyen Tan Chieu (tên không có dấu trọng âm).

Hôm tới nhà thầy, thì thầy có nhắc lại kỉ niệm những lần rong ruổi bằng xe 50 phân khối và thuốc lá bao xanh. Đợt hai thầy trò tới khảo sát Phủ Tây Hồ các năm 1994 - 1995 sau đó đã được phản ánh ngay vào sách của cụ Đặng Văn Lung (sách xuất bản trong năm 1995, ghi rõ tên hai người ở chính văn). Máy ảnh ngày đó phải chụp rất tiết kiệm, cứ tính từng tấm trong 36 kiểu mỗi cuộn, chứ không kiểu "thoải mái vãi đạn" như bây giờ.

Thầy là một trong những người gieo hạt đúng nghĩa. 

Bây giờ, bài của thầy đã xong, cũng đã lên trang.

Dưới là chép nguyên về.

Có đôi chỗ thì cụ nhầm (ví dụ như đoạn nói về sách của Đoàn Thị Điểm). Những luận giải chính thì vẫn giầu chất mẫn cảm như mọi khi (ví dụ chỉ qua văn chầu, cụ đã rất tinh tường để mường tượng tới hai hệ thống khác nhau).


Trân trọng giới thiệu
Tháng 5 năm 2018,
Giao Blog


---












Nguyễn Hùng Vĩ.

    1. Khi nói đến văn chầu trong diễn xướng chầu văn chúng tôi đặt nó trong tổng thể ca nhạc truyền thống mang hai yếu tố cơ bản là: diễn xướng có tính nghi lễ (trong nội dung và phương thức) và việc sử dụng thể thơ lục bát và song thất lục bát tiếng Việt trong lời văn của nó.
     Sưu tầm cho đến hôm nay, văn chầu chủ yếu sử dụng lục bát và song thất lục bát và các dạng biến thể của nó.
     Việc đặt rộng ra như vậy, giúp ta định vị một cách tương đối thời gian ra đời và quá trình phát triển của của văn chầu cũng như lý giải các lớp ý nghĩa của chúng.
     Thể thơ lục bát và song thất lục bát có thể từ thế kỉ XV đã thịnh hành trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Nhận định này là tương đối chín chắn khi chúng ta tiếp cận với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380-1442), Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn (Bài giải văn nghĩ hộ tám giáp khi thưởng thức đào nương hát) của Lê Đức Mao (1462-1529). Nguyễn Trãi sống qua ba triều đại Trần, Hồ và Lê sơ nên việc suy ngược lên lục bát có tự đời Trần cũng là một giả thuyết hữu lí.
     Văn hát thể lục bát và song thất lục bát có trong các diễn xướng tín ngưỡng Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Da tô giáo chứ không chỉ trong tín ngưỡng tam phủ tứ phủ.
     Trong Nho giáo, ngoài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn thế kỉ XV (ca trù), chúng tôi còn sưu tầm được hàng loạt tác phẩm trong Ca truyện Đông kinh (L’ history de chanter du Tonkin), chữ Nôm, do cụ Âu Đình Tuấn ghi chép năm 1912. Ngoài ra các hình thức hát chèo cạn, chèo Chải hê có nội dung Nhị thập tứ hiếu cũng đã được sưu tầm sớm vào đầu thế kỉ XX.
     Trong Đạo giáo, tài liệu sưu tầm cũng khá sớm với Edmond Nordemann trong Chrestomathie Annmite (Văn tuyển An Nam) 1914 (các bài văn Bài sai quan ngũ hổ).
     Trong Phật giáo, chúng ta thấy có các bài trên ván khắc còn lưu tại Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh chắc chắn là thế kỉ XVIII như Pháp vân Phật bản hạnh.
     Trong Da tô giáo, một số bài văn nôm cũng đã đươc Taberd ghi lại khi ông làm từ điển Nam Việt Dương Hiệp tự vị(Dictionarium Namitico-Latium).
     Riêng về văn chầu liên quan đến tín ngưỡng tam phủ tứ phủ, chúng tôi đã quan sát được các tài liệu ghi chép:
     -1914: Edmond Nordemann với các bài văn chầu: Bài sai quan ngũ hổ (31 câu lục bát – Theo tác giả là “Đạo Lão tử”); Bài Văn phụ đồng tiên (61 câu song thất lục bát – Theo tác giả là “Đạo Tiên”); Bài Văn đức thánh Cửu trùng (34 câu song thất lục bát biến thể - Theo tác giả là “Đạo Đồng cốt”); Bài Văn Đức thánh Hưng đạo (92 câu song thất lục bát- Theo tác giả là “Đạo Nội”, tức Nội đạo tràng).
     -1929: Đó là bản Văn chầu do Tao đàn Thư quán xuất bản mà chúng ta có thể đọc trên mạng thuộc bộ sách sưu tập Đông Dương. Chúng tôi không nhắc kĩ trong bài này vì ai cũng có thể tiếp cận.
     -1936: Nguyễn Tấn Chiêu trong Sách dạy Chầu văn sưu tầm 16 bài: Liễu hạnh thánh-mẫu văn, Thượng ngàn thánh-mẫu văn, Thủy phủ thánh-mẫu văn, Thượng thiên đệ nhất Hoàng-tử văn, Thủy phủ quan văn, Cô Thượng-ngàn văn, Văn chầu các cô, Quế hoa công chúa văn, Cậu Quận văn, Công-đồng văn, Nhị Bộ văn, Văn chèo đò, Đê-tam Hoàng tử văn đàn, Thánh-mẫu văn-đàn, Cô Chín văn, Cô thủy văn.
     -1959: Tác giả Maurice Durand trong công trình Technique et Panthéon des Médiums Vietnamiens (Đồng) sưu tập 24 bài đồng: I.Tứ phủ công đồng văn, II.Cửu trùng thánh mẫu văn, III.Địa tiên thánh mẫu văn,IV. Thủy tiên thánh mẫu văn, V.Tam tòa thánh mẫu văn, VI.Ngũ vị hoàng tử văn,VII. Đệ nhất hoàng tử văn, VIII.Đệ nhị vương quan văn, IX.Đệ tam vương quan văn, X. Đệ ngũ vương quan văn, XI. Khâm sai công chúa văn, XII. Bạch hoa công chúa văn, XIII. Đệ thất vương quan văn, XIV. Đệ bát hoàng tử văn, XV. Đức hoàng quận văn, XVI. Đệ tử khâm sai thượng thiên văn, XVII. Thủy phủ khâm sai văn, XVIII. Bát hải Động đình văn, XIX, Đức vua Bát hải văn, XX. Thượng ngàn công chúa văn, XXI. Thượng ngàn sơn tinh công chúa văn, XXII. Thủ điện công chúa văn, XXIII. Thập nhị tiên nàng văn, XIV. Ngũ hổ thần luyện văn.
     Mặc dù sách xuất bản 1959 nhưng ta biết đây là những sưu tầm tác giả thực hiện đầu thế kỉ XX, trước 1945.
     Mặc dù tất cả những sưu tầm này đều vào đầu thế kỉ XX trên văn bản Hán Nôm và quốc ngữ nhưng chúng ta có thể thấy ở một số bài văn chầu cổ, còn lưu giữ dấu hiệu chưa kiêng húy nhà Nguyễn (1802) như địa danh Thanh Hoa, chữ Hoa (húy thời Thiệu Trị), chữ Thì (húy thời Tự Đức)… Bởi thế, chúng tôi mạnh dạn cho rằng, văn chầu đã thịnh hành ít nhất thời Lê mạt.
     Điều này cũng ứng hợp với một số tư liệu khác, dù không nhắc đến văn chầu: Hình ảnh điêu khắc cảnh chầu đồng trên đình Cô Mễ (Bắc Ninh- Theo Nguyễn Xuân Diện) có thể cuối thế kỉ XVII, tư liệu về Đệ tam thánh mẫu vào cuối XVIII (1766) ở Thanh Hóa có nhắc đến cung văn (Theo Chu Xuân Giao), Thượng kinh kí sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1783) có nhắc đến một buổi hầu đồng ở Kim Khê (Nghi Lộc- Theo Nguyễn Hùng Vĩ).

     2. Theo dõi các văn bản ghi chép sớm đó, chúng tôi nhận thấy các vấn đề như sau:
     Trước khi hội nhập vào hệ thống chầu văn theo tín ngưỡng Mẫu Liễu, đã có những văn chầu mà nhiều người gọi đó là đạo lão, đạo đồng cốt, đạo nội hoặc đạo tiên (cách quan niệm của Edmond Nordemann. Như bài Văn đức thánh Hưng Đạo đã nhắc trên).
     Chúng tôi cho rằng, văn chầu các cô nương, công nương…thuộc hệ thống này.
     Đạo nội tức là Nội đạo tràng, một hệ thống tín ngưỡng mang đặc trưng đạo giáo đời Trần, do chính những hậu duệ lâu đời của đời Trần di cư vào phía nam đèo Ba Dội, đất Thanh Hóa. Chính khi tín ngưỡng Mẫu Liễu tiến vào đền Sòng (Sùng Sơn) đã xẩy ra sự cạnh tranh quyết liệt mà sách Vân Cát thần nữ của Đoàn Thị Điểm (1705 – 1749) gọi là “Đại chiến Sùng Sơn”. Nhờ sự giúp sức của triều đình Lê Thần Tông mà Liễu Hạnh thua, phải quy y Phật giáo.
     Tuy nhiên, về sau này, khi tín ngưỡng Mẫu Liễu phái triển mạnh vào cuối thời Tây Sơn và đầu đời Nguyễn Gia Long, hệ thống văn chầu này đã nhập vào Phủ Mẫu.
     Với các văn chầu như Thủy phủ thánh Mẫu, Ngũ vị Hoàng tử văn, ta thấy dấu vết chầu của Đạo giáo trước đó được du nhập.
     Thủy phủ thánh Mẫu gần như là diễn Nôm Liễu Nghị truyện, một truyên thuộc thể loại truyền kì sớm nhất đời Đường (Còn gọi là Động đình hồ Liễu Nghị truyền thư). Còn ngũ vị Hoàng tử thì gắn với vua Bát Hải Động đình quân ở hồ Động Đình.
     Trong các truyện này hầu như không có gì dính dáng đến Mẫu Liễu Hạnh. Có thể cho rằng, nguyên lai, họ thuộc một hệ thống riêng.
     Ngũ vị Hoàng tử là con vua Ngọc hoàng và Thái hậu. Thái hậu đản sinh bọc 5 trứng sinh ra: Ông hoàng cả coi các cửa sông, ông hoàng hai trừ mọi loài quỷ mị, ông hoàng ba coi các cửa rừng mường mán và khai thác lâm sản và cũng có khi xuống cả 12 cửa bể, ông hoàng tư cùng nam tào bắc đẩu coi chuyện sinh tử thọ trường, ông hoàng năm coi việc mưa gió sấm chớp.
     Như vậy, hệ thống từ ông hoàng thứ sáu đến ông hoàng thứ mười là một hệ thống phát sinh từ sau. Sau này, trong bài Bát Hải Động đình văn, ta thấy nhắc đến cả mười ông hoàng: Vua cha Bát hải Động đình/Sinh ông Hoàng Cả anh linh ra đầu/ Hoàng Đôi ông sinh ra sau/Thiên hạ đảo cầu ông ngự đền vương/Hoàng ba giữ việc đế vương/Tiếng ông lừng lẫy bốn phương đùng đùng/Hoàng Tư làm chúa thủy cung/Hoàng Năm giữ sổ đền rồng vua cha/Hoàng Sáu hóa phép càng già/ Vua sai ông trấn hải hà nam minh/Quan Hoàng Đệ Thất đào tiên/Nổi một trận gió đổ cơn lốc nhà/Ông làm bão giật mưa sa/Hành phong giá vũ đổ nhà lốc cây/ Hoàng Tám chính thực lòng ngay/Lĩnh vua một dấu để rày cứu dân/Hoàng Chín yểu điệu thanh tân/ Vua sai ông trấn ở trong đền Cờn/Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An/Ở huyện Thiên Bản làm quan Phủ Giầy/ Mười ôn đã được làm quan/ Lịnh sắc Ngọc hoàng nhảy lên lâm sơn…
     Đọc ở đây, chúng ta thấy từ Hoàng Cả đến Hoàng Năm chủ yếu làm việc ở thiên đình. Từ Hoàng Sáu đến Hoàng Mười, làm việc ở hạ giới. Và đặc biệt, các ông cùng nhau trấn các cửa sông, khai thác và quản lí lâm sản, gỗ lạt: Dân về vớt gỗ đem lên/ Hết bao nhiêu tiền ông sẽ hỏi công (Bát hải Động đình văn).
     Như vậy, nếu như hầu đồng ngày nay hầu hết được quy về tín ngưỡng Mẫu Liễu thì thực ra, nó là sự tích hợp của Đạo giáo – Nội đạo tràng và Mẫu Liễu Hạnh.

    3. Theo dõi hành trình các địa điểm tổ chức hầu đồng các giá từ thượng ngàn, cửa sông đến phố thị, thị tứ, chúng ta dễ dàng nhận ra, các đền phủ đó gắn với kinh tế thương mại, buôn bán: Đó là các trạm dịch trên đường thiên lí ra bắc vào nam, lên rừng xuống bể như phố Cát, quán Khánh, Sùng Sơn, Cấm Khê, đèo Ngang…, hoặc các đường thủy từ cửa rừng qua các sông đến cửa biển như Tuần Tranh, cửa Cờn..
     Có thể nhận định không sai rằng, các nơi tổ chức các giá đồng đó là những nơi đồn trú của các thuế quan thời phong kiến gắn với các viên quan quản lí thu thuế đường sông, ngày xưa thường gọi là tuần hà (Tuần hà là cha kẻ cướp).
     Và hát chầu văn, lên đồng gắn chặt với sự giao thương, buôn bán đang phát triển rộng khắp trong thời Lê mạt đến hết đời Nguyễn.
     Trước đây, khi hướng dẫn sinh viên Kim Seonna (Hàn Quốc) làm luận văn Thạc sĩ năm 1993 về Truyền kỳ tânphả, chúng tôi đã từng nhấn mạnh nhận định này khi đặt tục thờ Liễu Hạnh trong tổng thể kinh tế xã hội thời Lê mạt.
     Trong một xã hội mà Nho giáo về cơ bản không khuyến khích buôn bán, làm giàu, Phật giáo hướng tới sự siêu thoát thì tín ngưỡng hầu đồng đáp ứng kỳ vọng làm ăn buôn bán, giao thương, một nghề đầy thử thách và bất trắc.
     Ở đây ta nhận ra, qua diễn xướng hầu đồng cả ý nghĩa tích cực và cả tiêu cực của nó.
     Ý nghĩa tích cực là: những người thu thuế và quản lí nhà nước lúc đó, họ có ý thức giúp đỡ, cộng tác cùng lực lượng thương mại để phát triển kinh tế giao thương, cái mà tinh thần Nho giáo rất hạn chế và cảnh giác.
     Ý nghĩa tiêu cực là sự liên kết đó (giữa doanh nhân và quan lại) đem lại tình hình “bôi trơn” và tham nhũng giữa người làm kinh tế và người quản lý. Đa số các bài văn chầu đều ca ngợi sự ăn chơi hưởng lạc của các ông hoàng cũng như cầu mong sự giúp đỡ.
     4. Với hai đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An và Hà Tĩnh, ta không khó khăn khẳng định đó là hai trạm thuế hai bên sông Lam vào thời phong kiến. Bên hữu ngạn là địa danh Chợ Củi, trạm thu thuế lâm sản thuyền bè từ rừng về. Bên tả ngạn, với địa danh Mỏ Hạc và sông con dẫn vào: đó là trạm thu thuế hải sản từ dưới lên.. Có điều là, vì ở bên bồi nên trạm này càng ngày càng lùi sâu vào đất liền, và với việc đường số 1 không đi qua gần như bên bắc nên có thời bị quên lãng.
     Như chúng tôi đã nói, với sự phát triển của hầu đồng vào thời Lê mạt, khi tỉnh thành Nghệ An đóng ở Triều Khẩu (Chợ Tràng) Hưng Nguyên, thì kí ức về Chiêu Trưng Vương Lê Khôi ắt hẳn chưa phai mờ. Và nếu ông được thần thánh hóa thành một thế của ông Hoàng Mười cũng là một điều hữu lý.
     Tất nhiên, với cách hát được ghi khá sớm: Ở huyện Thiên Bản làm quan Phủ Giầy cũng là một chi tiết để ta suy ngẫm hoặc biện luận. Chỉ biết rằng, trước thế kỷ XX, chúng ta chưa sưu tầm được văn bản hát về Hoàng Mười độc lập và có một dung lượng khả dĩ.
     Vấn đề còn lại về mặt lịch sử là tìm xem hai trạm tuần hà đó được lập triều Lê hay các triều đại Lý – Trần trước đó, cũng như nghiên cứu về tình hình giao thương của các triều đại đó trên vùng đất này. Đến lúc đó chúng ta sẽ kết hợp tư liệu để xác tín hơn ông Hoàng Mười là ai.

Hà Nội ngày 5 tháng 5 năm 2017.

Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội 

Địa chỉ: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 336 Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam 

Số điện thoại: 84 (0) 43 858 1165 Fax: 84 (0) 4 858 3821 



http://www.khoavanhoc.edu.vn/index.php/nghiencuu-dangian/1678-quan-sat-van-ch-u-va-tru-ng-h-p-ch-u-ong-hoang-mu-i

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.