Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/04/2018

Trước hội Phủ Giầy 2018, đọc lại một câu thơ tiên của Mẫu Liễu

Việc đọc lại câu thơ tiên quan trọng "Nhất đại sơn nhân Ngọc Quýnh Hoa 壹大山人玉敻花" đã được thực hiện và công bố nhiều năm về trước.

Đầu tiên là công bố trên tạp chí học thuật là Tạp chí Hán Nôm (số 2 năm 2010). Sau đó, là công bố bản đầy đủ trên trang web Da Màu, cùng trong năm 2010.

Vèo cái, mà đã gần 10 năm trôi qua.

Đó là tính từ năm công bố. Còn nếu tính từ lúc soạn bản thảo đầu tiên, thì là từ năm 2008. Thế thì, đã đúng 10 năm.

Bây giờ là bản chép nguyên xi từ Da Màu về. Lấy thêm cả 4 bình luận trên Da Màu (sau gần 10 năm) cho bài đó.


Từ đây trở xuống là chép nguyên xi. Nếu có bổ sung gì thì mở thêm phần bổ sung ở dưới như mọi khi.





---






Chu Xuân Giao & Phan Lan Hương


♦ 4 bình luận ♦ 30.08.2010












Kính tặng bài viết này tới thầy Bùi Duy Tân 
Chu Xuân Giao & Phan Lan Hương (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam)


clip_image002
Vị trí của Phủ Tây Hồ trong khung cảnh Hồ Tây, Hà Nội (trích có chỉnh sửa từ Nxb Bản đồ 2007)


clip_image004
Mặt tiền (cửa tam quan) của điện chính (phủ chính) Phủ Tây Hồ (tháng 1 năm 2007, plh)
Lời mở
Ý tưởng của bài viết này được hình thành trong quá trình điều tra điền dã của chúng tôi tại Phủ Tây Hồ, mà trực tiếp là từ việc tiếp cận tấm biển sơn son thếp vàng treo trong Phủ chính – kiến trúc trung tâm của Phủ – đề một bài thơ chữ Hán nổi tiếng tương truyền là sáng tác của Mẫu Liễu. Đó là bài thất ngôn tứ tuyệt, được viết bằng lối chữ thảo[1], tuy không gây ấn tượng đặc biệt về nghệ thuật thư pháp nhưng tương đối bắt mắt (xin xem Ảnh của bài viết). Xin tạm gọi bài ấy là thơ tiên[2].
Câu cuối của bài thơ tiên, như diễn giải ở dưới đây, trước nay thường được phiên âm Hán Việt thành:
Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh Hoa” (hoặc “Nhất đại sơn nhân ngọc Quỳnh Hoa”, “Nhất đại sơn nhân ngọc quỳnh hoa”, “Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh hoa”,…)
và được dịch là: “Ta là tiên trời Ngọc Quỳnh Hoa” (hoặc “Ta là người tiên trên trời, tên Quỳnh Hoa”, “Ta là hoa ngọc quỳnh, là tiên trên trời”, “Ta là tinh hoa Ngọc Quỳnh của tiên trên trời”, “Người trên núi lớn Ngọc Quỳnh Hoa”, “Một đời ở núi Ngọc Quỳnh Hoa”, “Một đời là tiên ở Thiên Đình”,…).
Vấn đề chúng tôi quan tâm nằm trong cách phiên âm và hiểu nghĩa ba chữ cuối của câu thơ: ngọc-quỳnh-hoa. Còn có những cách phiên âm khác nữa, là ngọc-quýnh-hoa hay ngọc-kinh-hoa, lại cũng có người đọc là ngọc-mởn-hoa (ngọc-quạnh-hoa). Tuy nhiên, cho đến nay, ngọc-quỳnh-hoa vẫn là cách đọc phổ biến nhất, đặc biệt là trong giới nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian.
Với cùng một âm đọc ngọc-quỳnh-hoa, có nhiều cách viết chính tả khác nhau giữa các tác giả (Ngọc Quỳnh Hoa,ngọc Quỳnh Hoangọc quỳnh hoaNgọc Quỳnh hoa) phản ánh những cách hiểu khác nhau của họ về 3 chữ đó: “tên [là] Ngọc Quỳnh Hoa”, “là hoa ngọc quỳnh”, “là tinh hoa Ngọc Quỳnh”,….
Qua các cứ liệu văn bản (cả Hán Nôm và quốc ngữ, đang được lưu trữ tại Phủ Tây Hồ và những nơi khác), và nhất là qua kết quả phỏng vấn những tín đồ đặc biệt của Mẫu Liễu (cung văn, pháp sư, chủ đền) trên thực địa, chúng tôi đi đến kết luận sau đây. Ba chữ cuối trong bài thơ tiên cần được đọc đúng là ngọc-quýnh-hoa. Còn ngọc-quỳnh-hoa hay ngọc-mởn-hoa (ngọc-quạnh-hoa) là những cách đọc sai (trong chừng mực, ngọc-kính-hoa – được gợi ý từ ngọc-kinh-hoa – là cách đọc có thể tạm chấp nhận). Hơn nữa, ngọc-quỳnh-hoa quen dùng trước nay – bản thân chúng tôi cũng đã từng theo người đi trước mà sử dụng – cần phải loại bỏ. Bên cạnh ý nghĩa về mặt văn tự hay nghệ thuật chơi chữ trong ba chữ đó, lí do mà chúng tôi đề nghị loại bỏ âm đọc ngọc-quỳnh-hoa còn nằm ở phương diện tâm linh: nó liên quan đến tục kiêng húy tên hiệu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu.
Như vậy, bài viết này trước hết đính ngoa, hay tiếp tục đính ngoa, cho một cách đọc quen dùng trước nay trong giới nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian nói chung, trong nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu dưới góc độ văn học và văn hóa dân gian nói riêng. Ở điểm này, công việc của chúng tôi có thể xem như “tập cổ” công việc của Vũ Nho và Bùi Duy Tân ở đầu thập niên 1990. Hai ông đã nối tiếp nhau đính ngoa cho cách hiểu câu thơ của vua Lê Thánh Tông ca ngợi Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (vốn được hiểu sai trong một thời gian dài là “Ức Trai lòng sáng như sao Khuê”, mà thực ra, nghĩa đúng là “Lòng Ức Trai rạng tỏa văn chương”) [Vũ Nho 1992, Bùi Duy Tân 1993[3]]. Khuê tảo chỉ có nghĩa là văn chương, nhưng đã được hiểu sai đi thành sao Khuê sáng chói trên trời cao đất Việt. “Sai một ly, đi một dặm, mãi đến những năm 80, khi nhân loại kỉ niệm 600 năm năm sinh Nguyễn Trãi, cách dịch sai này vẫn được dùng nhiều, ai cũng nghĩ Nguyễn Trãi xứng đáng được khen như thế !” [Bùi Duy Tân 1999 : 95; nhấn mạnh bởi chúng tôi, dưới đây đều như vậy]. Xin nhắc lại ở đây lời cảm khái bộc trực của Bùi Duy Tân khi đó, đối với cách hiểu sai “vẫn được dùng nhiều” ấy, rằng: “sai này dẫn đến sự ngộ nhận đã, đang và sẽ lưu truyền trong dòng đời không biết đến bao giờ !” [sđd : 95].
1. Bài thơ tiên hiện thấy ở Phủ Tây Hồ và xuất xứ của nó
Với tư liệu hiện tại, chúng ta mới chỉ biết được rằng, bài thơ tiên của Mẫu Liễu được đề cập đến ở đây xuất hiện sớm nhất trong Vân Cát thần nữ truyện (VCTN) – một truyện viết bằng Hán văn về hành trạng của Mẫu Liễu, nằm trong tập sách nổi tiếng Truyền kì tân phả (TKTP) của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 -1748). Bản in khắc gỗ TKTP nay còn thấy và được biết rộng rãi trong học giới là bản in vào năm Gia Long 10 (1811) bởi nhà sách Lạc Thiện đường, hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có lưu tâm nhiều đến VCTN và mảng văn học về Mẫu Liễu là tác giả Vũ Ngọc Khánh cho rằng, có lẽ bắt đầu từ VCTN của Đoàn Thị Điểm (“sáng kiến” của bà), Mẫu Liễu trở thành một thi nhân hay một học giả, một số câu đối và thơ trong VCTN được xem là do Mẫu Liễu sáng tác.”Càng về sau này, bà chúa Liễu càng được xem là một nhà văn thực sự, cố nhiên là nhà văn trong cõi siêu trần. Những buổi hành lễ các đền chùa, điện phủ, thường cho ra đời một số thơ ca, được truyền là do chúa Liễu giáng bút ! (…) Đã có dự đoán là những tác phẩm này phải do các chí sĩ đặt ra, bí mật phổ biến trong lễ hội và nhân danh Thánh Mẫu. Nhưng vẫn có người khẳng định sự giáng bút của nữ thần, họ nói rằng đã được tai nghe mắt thấy rõ ràng hình thức không thể nào là chuyện bịa đặt !” [Vũ Ngọc Khánh, Phạm Văn Ty chủ biên 1990 : 12-13].
Trong VCTN, bài thơ tiên được đề cập đến ở đây ra đời trong mạch truyện về cuộc xướng họa thơ văn giữa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613) và hai người bạn của ông với Mẫu Liễu (khi ấy thủ vai chủ quán rượu có cái biển hàng Tây Hồ phong nguyệt – mà sau này dấu tích của nó được xem là Phủ Tây Hồ ngày nay). Nguyên văn toàn bài như sau (theo Đoàn Thị Điểm c – Trần Ích Nguyên 2007: 197; tạm dùng cách phiên âm ngọc-quỳnh-hoa):
雲作衣裳風作車 Vân tác y thường phong tác xa
朝遊兜率暮煙霞 Triêu du đâu suất mộ yên hà
世人欲識吾名姓 Thế nhân dục thức ngô danh tính
壹大山人玉敻花 Nhất đại sơn nhân ngọc quỳnh hoa
Ở bài viết này, chúng tôi chưa bàn đến vấn đề ai là tác giả đích thực của bài thơ (Phùng Khắc Khoan, Đoàn Thị Điểm, hoặc một người nào đó), mà tạm xem đó là sáng tác của Mẫu Liễu như tâm thức chung của các tín đồ.
clip_image006
Ảnh 1: Tấm biển sơn sơn thếp vàng đề bài thơ tiên treo ở Phủ chính (01. 2007)
Tín đồ hay du khách đến lễ và vãn cảnh Phủ Tây Hồ ngày nay đều có tâm thức chung là tìm về hay mường tượng ra nơi mà chúa Liễu đã xướng họa thơ văn với Trạng Bùng thưở trước. Nếu có một chút kiến thức Hán văn, ngước nhìn lên cổng Phủ – vốn là cổng chính trước đây, nay trở thành cổng phụ – ta thấy ngay hàng chữ Hán Phong đài nguyệt các (Đài gió gác trăng) được đắp nổi. Bước vào Phủ chính, ta sẽ thấy bức đại tự được đặt sát nóc đề hàng chữ Tây Hồ phong nguyệt (Gió trăng Tây Hồ) cỡ lớn sơn đen trên nền thếp vàng, và tấm biển sơn son trên đề bài thơ tiên của Mẫu Liễu với những hàng chữ thảo được thếp vàng như đang bay lên (xem Ảnh 1). Cứ như vậy, chứng tích đã đi vào văn học về cuộc xướng họa ấy vẫn được lưu giữ, hay là được tạo mới, một cách vừa như vô tình lại vừa như hữu ý. Tuy nhiên, nếu đọc kĩ hơn thì chúng ta sẽ thấy bài thơ tiên đề trên tấm biển treo ở Phủ Tây Hồ ngày nay có xuất nhập ở mấy chỗ so với nguyên tác trong VCTN của Đoàn Thị Điểm – điều này sẽ được diễn giải ở những phần tiếp theo của bài viết này.
2. Những cách đọc và hiểu chưa đúng về ba chữ cuối của bài thơ tiên
Như đã nói ở trên, hiện có mấy cách đọc và hiểu khác nhau về ba chữ cuối của bài thơ tiên, là: ngọc-quỳnh-hoangọc-mởn-hoa (ngọc-quạnh-hoa), ngọc quýnh hoangọc kinh hoa. Dưới đây là những diễn giải cụ thể hơn về hai cách đọc đầu – tức là những cách đọc chưa đúng. Còn hai cách đọc sau thì sẽ được trình bày trong mục 3.
2.1. Cách đọc ngọc-quỳnh-hoa
Như đã nói ở trên, ngọc-quỳnh-hoa là cách đọc phổ biến nhất, đặc biệt là trong giới nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian. Có thể tạm thời xem đó là cách đọc có nguồn gốc từ bản dịch tiếng Việt cuốn TKTP vào đầu thập niên 1960 của hai vị túc nho là Ngô Lập Chi và Trần Văn Giáp. Bản dịch của hai ông đã ra mắt bạn đọc năm 1963, sau này, nhóm Vũ Ngọc Khánh đưa bản dịch ấy vào cuốn Vân Cát thần nữ xuất bản năm 1990.
Bản dịch đó như sau (để dể hiểu, xin dẫn cả đoạn dịch bối cảnh trước và sau khi bài thơ tiên xuất hiện) [chuyển dẫn từ Vũ Ngọc Khánh, Phạm Văn Ty chủ biên 1990 : 38-39]:
“Ba người – Phùng Khắc Khoan và hai người bạn, chú của CXG – liền nhân lúc có trăng ai về nhà nấy. Đến vài tháng sau lại đến chỗ cũ thì chỉ thấy nước hồ mênh mông, chẳng có lâu đài nhà cửa gì cả, to nhỏ chỉ nghe tiếng ve sầu kêu ve ve ở trên cây mà thôi. Ba người rải chiếu ở dưới bóng cây ngồi chơi, chợt thấy thân cây có hàng chữ triện rằng:
Vân tác y thường, phong tác xa, 

Chiêu du đâu xuất, mộ yên hà 

Thế nhân dục thức ngô danh tính 

“Nhất đại sơn nhân ngọc Quỳnh Hoa”

(Chữ “nhất” và chữ “đại” tức là chữ “thiên”, chữ “nhân đứng” và chữ “sơn” tức là chữ “tiên” )
Dịch:
Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió làm xe 
Buổi sáng đi chơi vùng trời “đâu xuất” 
Buổi chiều ngao du nơi mây khói 
Người đời nếu muốn biết họ tên của ta 

Ta đây là người tiên trên trời tên là Quỳnh Hoa

Lý sinh nói: “Xem ý câu thơ này, khí cách không phải là người tầm thường, chuyến trước chúng ta đã gặp gỡ chắc là thiên tiên, thật là hân hạnh lớn vậy. Phùng công gật đầu, nhân đem chuyện năm trước đi sứ khi qua núi về Lạng Sơn có gặp tiên nói cho cả hai bạn nghe. Ngô sinh ngậm ngùi nói: “Câu thơ của lão đài trước cho thần tiên là hư huyễn. Nay mới tin việc La Thập, Tăng Nhụ ngày xưa không phải là hoang đường”. Trò chuyện xong, ba người cùng về, mang một ý tưởng tiếc rẻ và huyền vọng”.
Sau nhóm Vũ Ngọc Khánh, nhóm Trần Nghĩa lại tiếp tục sử dụng bản dịch của Ngô Lập Chi và Trần Văn Giáp vào bộ Tổng tập Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam xuất bản năm 1997. Ở phần Giới thiệu văn bản, Phạm Văn Thắm có cho biết rằng, “bản dịch. . . do Ngô Lập Chi và Trần Văn Giáp thực hiện, Phạm Văn Thắm biên tập lại chủ yếu là về mặt chuyển đổi địa danh và kỹ thuật trình bày”. Bản “biên tập lại” của Phạm Văn Thắm đối với đoạn dịch trên đây như sau, xin đặc biệt chú ý đến bài thơ tiên [Trần Nghĩa chủ biên 1997 a : 396-397]:
“Vài tháng sau, trở lại chỗ cũ thì chỉ thấy hồ nước mênh mông, chẳng có lâu đài nhà cửa gì cả, to nhỏ chỉ nghe tiếng ve sầu kêu ve ve ở trên cây hòe mà thôi. Ba người trải chiếu dưới bóng cây ngồi chơi, chợt thấy thân cây có hai hàng chữ triện rằng:
Vân tác y thường, phong tác xa, 

Chiêu du đâu xuất, mộ yên hà. 

Thế nhân dục thức ngô danh tính ? 

Nhất đại sơn nhân ngọc Quỳnh Hoa !”

Nghĩa là:
Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió làm xe 
Buổi sáng đi chơi vùng trời Đâu Suất. 
Buổi chiều ngao du nơi mây khói. 
Người đời muốn biết họ tên của ta. 

Ta là người tiên trên trời, tên Quỳnh Hoa !

Chữ “nhất” và chữ “đại” tức là chữ “thiên”; chữ “nhân đứng” và chữ “sơn” tức là chữ “tiên”.
Lý nói:
– Xem ý câu thơ này, khí phách không phải là người tầm thường, chuyến trước chúng ta được gặp gỡ là thiên tiên, thật là hân hạnh lớn vậy.
Phùng Công gật đầu, nhân đem chuyện năm trước đi sứ khi qua núi về mạn Lạng Sơn có gặp tiên nói cho hai bạn nghe”.
Nếu đối chiếu với nguyên bản VCTN (theo các bản Đoàn Thị Điểm a, b, c) thì, trước hết, chúng ta có thể thấy, sau khi phiên âm xong bài thơ tiên, hai dịch giả Ngô Lập Chi- Trần Văn Giáp đã phụ thêm vào một dòng giải thích cho câu cuối: Chữ “nhất” và chữ “đại” tức là chữ “thiên”, chữ “nhân đứng” và chữ “sơn” tức là chữ “tiên”. Dòng này vốn không có trong nguyên bản, bởi vậy hai ông đã cho vào trong dấu ngoặc đơn (bản của nhóm Vũ Ngọc Khánh giữ nguyên; ở bản biên tập lại của Phạm Văn Thắm thì, dấu ngoặc đơn bị bỏ đi, dòng giải thích ấy xuất hiện như là nó vốn có trong nguyên bản).
Hơn nữa, dù đã thêm một dòng như trên, nhưng Ngô Lập Chi và Trần Văn Giáp cũng mới chỉ giải thích được nửa đầu của câu (bốn chữ nhất đại sơn nhân, là chơi chữ từ hai chữ thiên tiên, tức tiên ở trên trời), còn ba chữ ở nửa cuối thì không thấy giải thích gì. Có thể do không hiểu ẩn ý của ba chữ cuối, mà hai ông chỉ giải thích được nửa trên của câu thơ. Hai ông đọc ba chữ cuối là “ngọc Quỳnh Hoa” và dịch thành “tên là Quỳnh Hoa”. Như vậy là chữ “ngọc” (viết nhỏ) đã bị bỏ rơi trong khi dịch. Đến nhóm Vũ Ngọc Khánh và nhóm Trần Nghĩa (trong nhóm này còn có Lâm Giang với bản dịch Vân Cát thần nữ cổ lục – sẽ nhắc đến ở dưới đây) thì, họ vẫn chỉ theo cách đọc hiểu của nhóm Ngô Lập Chi, và không khảo cứu văn bản kĩ lưỡng hơn. Thậm chí, cách dịch 4 câu thơ trong nguyên tác chữ Hán thành 5 câu trong bản dịch tiếng Việt của nhóm Ngô Lập Chi vẫn được giữ nguyên qua hai lần nhuận sắc.
Sau nhóm Ngô Lập Chi, VCTN còn được dịch bởi hai tác giả Bùi Hạnh Cẩn – Lê Trân trong một cuốn sách đã xuất bản năm 1993. Đây vẻ như là một bản dịch mới hoàn toàn của VCTN, như ghi chú của hai tác giả thì là “dịch theo sách Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà phu nhân Đoàn Thị Điểm, bản in gỗ năm Nguyễn Gia Long thứ 10 – Tân Mùi 1812” [Đoàn Thị Điểm e – Bùi Hạnh Cẩn, Lê Trân 1993 : 27]. Liên quan đến bài thơ tiên, bản dịch của nhóm Bùi Hạnh Cẩn như sau [sđd : 46]:
“Ba người cùng trở ra về dưới ánh trăng. Mấy tháng sau trở lại thăm nơi cũ, thì chỉ thấy nước hồ mênh mang, chẳng có lầu quán nào cả, và chỉ thấy gốc hòe inh ỏi tiếng ve chiều mà thôi. Ba người ngồi trên bãi cỏ dưới gốc cây hòe, chợt nhìn thấy ở phía cây có mấy hàng chữ như sau:
Vân tác y thường phong tác xa 

Tiêu du Đâu Suất mộ yên hà 

Thế nhân dục thức ngô danh tính 

Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh Hoa.

Tạm dịch:
Mây làm xiêm áo gió làm xe 
Sáng chơi Đâu Suất, chiều ráng hoe 
Tên họ ta thế nhân muốn hỏi 

Người trên núi lớn Ngọc Quỳnh Hoa”.

Nhóm Bùi Hạnh Cẩn không đưa vào bản dịch lời giải thích vốn không có trong nguyên bản như cách làm của nhóm Ngô Lập Chi. Hai ông cũng không sử dụng cách dịch 4 câu thơ trong nguyên tác chữ Hán thành 5 câu trong bản dịch tiếng Việt như nhóm Ngô Lập Chi, mà dịch thành 4 câu. Chữ “ngọc” bị bỏ đi trong bản dịch của nhóm Ngô Lập Chi – do không hiểu ẩn ý – đã được nhóm Bùi Hạnh Cẩn khôi phục lại, ba chữ cuối bài thơ tiên được đọc thành “Ngọc Quỳnh Hoa” và để nguyên “Ngọc Quỳnh Hoa” trong bản dịch. Như vậy, nếu nhóm Ngô Lập Chi (cũng như nhóm Vũ Ngọc Khánh, nhóm Trần Nghĩa) đọc tên Mẫu Liễu trong bài thơ tiên thành “Quỳnh Hoa” và bỏ sót chữ “ngọc”, thì nhóm Bùi Hạnh Cẩn lại đọc tên Mẫu thành “Ngọc Quỳnh Hoa”.
Cách đọc tên Mẫu thành “Ngọc Quỳnh Hoa” trước đó còn thấy ở bản kể giai thoại về cuộc đi chơi Hồ Tây của Phùng Khắc Khoan trong sách Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (Thân thế, sự nghiệp và trích tuyển thơ văn) xuất bản năm 1979 của hai tác giả Bùi Duy Tân – Ngọc Liễn. Hai ông phiên âm là “Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh Hoa” và giải thích như sau [Bùi Duy Tân – Ngọc Liễn 1979 : 180]:
“Chữ nhất và chữ đại ghép lại thành chữ thiên, chữ sơn và chữ nhân ghép lại thành chữ tiên; cả câu còn lại 5 chữ: Thiên tiên Ngọc Quỳnh Hoa”.
Việc nhóm Bùi Duy Tân cho rằng câu cuối bài thơ tiên “còn lại 5 chữ Thiên tiên Ngọc Quỳnh Hoa” cho phép chúng ta suy nghĩ rằng, hai ông chưa từng tiếp cận với nguyên bản VCTN, mà chỉ đưa ra suy luận trên cơ sở tham khảo các bản dịch tiếng Việt, có thể là bản của nhóm Ngô Lập Chi[4].
2.2. Cách đọc ngọc-quỳnh-hoa và những suy luận đi xa hơn xung quanh nó
Như diễn giải ở trên, giữa các nhóm Ngô Lập Chi – Bùi Hạnh Cẩn – Bùi Duy Tân đã xuất hiện hai cách xử lí khác nhau với chữ “ngọc”. Tuy nhiên, liên quan đến ý nghĩa của chữ “ngọc” và cả ba chữ “ngọc-quỳnh-hoa” này, theo chúng tôi, cho đến nay, độc đáo nhất là cách giải thích của một chuyên gia nghiên cứu về Mẫu Liễu là Đặng Văn Lung. Trong cuốn Mẫu Liễu đời và đạo xuất bản năm 1995, ở phần “VI. Phụ lục” của Chương I, ông trích một đoạn dài bản dịch VCTN từ sách của nhóm Vũ Ngọc Khánh đã nói ở trên [Đặng Văn Lung 1995 : 58-69]. Không biết ông có đối chiếu với nguyên tác Hán văn hay không, nhưng ở chỗ nói về bài thơ tiên trong phụ lục ấy, không thấy có câu giải thích vốn không có trong nguyên tác mà nhóm Ngô Lập Chi (và các bản nhuận sắc của nhóm Vũ Ngọc Khánh, nhóm Trần Nghĩa) đưa vào. Tuy nói là theo bản của nhóm Vũ Ngọc Khánh, nhưng Đặng Văn Lung không đọc là “ngọc Quỳnh Hoa” mà chỉnh lí thành “Ngọc Quỳnh Hoa” (viết to chữ “ngọc”) [Sđd: 25, 68]. Để rồi, ông giải thích: Ngọc là họ NgọcNgọc Quỳnh Hoa là công chúa có họ là Ngọc, tên là Quỳnh Hoa. Bởi vậy, theo ông, câu cuối bài thơ tiên nên dịch là: “Ta là nhất đại (Thiên) sơn nhân (Tiên) họ Ngọc, tên Quỳnh Hoa”. Tại sao mang họ Ngọc thì ông giải thích:
“Trong các bài khấn cho thấy Đạo Mẫu còn có nhiều thần họ Ngọc. Vậy Quỳnh Hoa ở đây là người họ Ngọc. Họ Ngọc làm vua vĩnh viễn với cái tên Ngọc Hoàng. Quỳnh Hoa là con gái Ngọc Hoàng là công chúa họ Ngọc” [Sđd: 20].
Như vậy, trong suy luận của Đặng Văn Lung, Mẫu Liễu có họ tên ở trên trời là Ngọc Quỳnh Hoa, mang họ Ngọc bởi ngài là con gái của Ngọc Hoàng !
Bên cạnh cách giải thích nhấn mạnh chữ “ngọc”, xem đó là họ Ngọc của Ngọc Hoàng, như Đặng Văn Lung ở trên, thì lại có cách giải thích coi trọng chữ “hoa” trong ba chữ ngọc-quỳnh-hoa, xem đó là chữ chính mà hai chữ ở phía trước là để bổ nghĩa cho nó. Đây là cách giải thích của các vị như Hà Đình Thành, Lâm Giang.
Trong cuốn Phủ Tây Hồ xuất bản năm 1993 của mình, khi thuật lại truyền thuyết xướng họa thơ văn của Mẫu Liễu, tác giả Hà Đình Thành tham khảo bản của nhóm Vũ Ngọc Khánh đã đề cập ở trên, nhưng với riêng câu cuối của bài thơ tiên ông đọc lại thành “Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh hoa” (viết nhỏ chữ “hoa”) với cách giải thích như sau [Hà Đình Thành 1993 : 15 -16]:
“Ta là Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh hoa
Chữ ”nhất” và chữ “đại” là chữ “thiên”. Chữ “sơn” và chữ “nhân” là chữ “tiên”. Cả câu thứ tư sẽ là “Ta là tinh hoa Ngọc Quỳnh của tiên trên trời” .
Sau này, khi tham khảo cách đọc hiểu của nhóm Bùi Văn Nguyên – sẽ đề cập ở phần tiếp theo – tác giả Hà Đình Thành có vẻ muốn chỉnh lí cách hiểu ngọc-quỳnh-hoa là “tinh hoa Ngọc Quỳnh” này của mình, mà cho rằng cả câu thứ tư của bài thơ tiên chỉ có nghĩa là “Tiên Quỳnh Hoa”. Nhưng ngay cả khi ấy, ông vẫn dịch câu thứ tư ấy thành: “Một đời người trên non, với hoa Ngọc Quỳnh” [Hà Đình Thành 2002 : 225]. Tức là vẫn duy trì cách hiểu ngọc-quỳnh-hoa là “hoa Ngọc Quỳnh” hay “tinh hoa Ngọc Quỳnh”.
Cách hiểu ngọc-quỳnh-hoa là “hoa ngọc quỳnh” (không viết hoa cả ba) là của Lâm Giang, trong bản dịch cuốn Vân Cát thần nữ cổ lục của ông. Đây là cuốn sách khuyết danh và không ghi năm sao chép, nhưng được xem là “bản chép dài nhất, có nhiều tình tiết thú vị nhất” trong các văn bản nói về thần nữ Vân Cát. Bản dịch của Lâm Giang in trong tập 2 của bộ Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam với dụng ý “chọn để dịch và giới thiệu cả hai lối kể về Liễu Hạnh” trong cùng bộ sách trên – hai lối kể tức là Vân Cát thần nữ đã nhắc đến với bản dịch của nhóm Ngô Lập Chi, và Vân Cát thần nữ cổ lục với bản dịch của Lâm Giang ở đây. Với câu cuối bài thơ tiên, ông phiên âm là “Nhất đại sơn nhân ngọc quỳnh hoa ” và dịch thành: “Ta là hoa ngọc quỳnh, là tiên trên trời” [Trần Nghĩa chủ biên 1997 b : 485]. Phải chăng cách viết thường ba chữ “hoa ngọc quỳnh” của dịch giả ở đây có một ý nghĩa nào đó, chẳng hạn: có thể ông cho rằng “ngọc quỳnh” là một loài hoa không hiếm đến mức phải đặc cách viết hoa như các bản dịch khác, mà chỉ cần viết thường, như viết “hoa cúc” hay “hoa đại”.
Tựu trung lại, với riêng cách đọc ngọc-quỳnh-hoa, có hai cách hiểu chính sau đây: 1- Đó là tên của Mẫu Liễu (là “Quỳnh Hoa” hay “Ngọc Quỳnh Hoa”); 2 – Đó là tên một loài hoa (là “hoa Ngọc Quỳnh”, “tinh hoa Ngọc Quỳnh”, hay “hoa ngọc quỳnh”). Trong đó, thú vị nhất là cách hiểu “Ngọc Quỳnh Hoa” là tên công chúa con gái Ngọc Hoàng (họ Ngọc, tên Quỳnh Hoa) của Đặng Văn Lung.
2.3. Cách đọc ngọc-mởn-hoa (ngọc-quạnh-hoa)
Đây là cách đọc hoàn toàn cá biệt, tức là chỉ duy nhất có một người đọc ba chữ cuối bài thơ tiên thành ngọc-mởn-hoa (ngọc-quạnh-hoa).Tuy nhiên, cũng cần nói rõ rằng, đây không phải là cách đọc bài thơ tiên gồm bốn câu từ VCTN nguyên bản Hán văn của Đoàn Thị Điểm như chúng tôi đã đưa vào ở phần đầu bài viết, mà chỉ là đọc gián tiếp qua một tác phẩm Nôm có liên quan tới VCTN. Cụ thể, đó là cách đọc vào năm 1992 của Nguyễn Xuân Diện [Nguyễn Xuân Diện 1992 : 32] đối với một câu có chứa ba chữ trên trong phần dịch nôm (ở Đoạn thứ nhất) của tác phẩm Tiên phả dịch lục (do Kiều Oánh Mậu biên soạn và cho in mộc bản vào năm 1910).
clip_image008
Ảnh 2: Trang có hai câu cuối bài thơ tiên trong phần Tiên từ phả kí thuộc Tiên phả dịch lục (R.289, tờ 38b)
Tiên phả dịch lục (tạm hiểu là Sao chép và dịch nôm tư liệu “Tiên từ phả kí”) là một tập sách Hán Nôm dạng khảo cứu chuyên đề về sự tích Mẫu Liễu của Kiều Oánh Mậu, gồm nhiều nội dung, trong đó có ba nội dung cơ bản sau: 1. Sao chép và khảo cứu sơ bộ về tư liệu viết bằng chữ Hán mang tựa đề Tiên từ phả kí仙祠譜記 – bản gốc lưu ở Phủ Giày [5]2. Dịch (chính xác là phỏng dịch) Tiên từ phả kí vừa nêu từ Hán văn sang thơ Nôm thể lục bát – gồm 413 câu thơ, chia làm 25 đoạn[6]3. Lược chép (tức tóm tắt nội dung chính của) VCTN trong TKTP của Đoàn Thị Điểm (ở sách này, Kiều Oánh Mậu ghi là Vân Cát thần nữ lục雲葛神女錄). Nguyên bản cuốn Tiên phả dịch lục in mộc bản mà chúng tôi sử dụng ở bài viết này là bản đang được lưu tại Thư viện Quốc gia với kí hiệu R.289 [Kiều Oánh Mậu 1910], đã được Trần Văn Giáp khái lược giới thiệu [Trần Văn Giáp 1990 : 210 – 211], và giống với bản in mang kí hiệu AB.289 hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm mà Nguyễn Xuân Diện đã sử dụng năm 1992 để phiên âm.
clip_image010
Ảnh 3: Trích đoạn Đoạn thứ nhất trong phần dịch nôm của Tiên phả dịch lục (R.289, tờ 4a)
Về cơ bản, như chính Kiều Oánh Mậu nhận xét, Tiên từ phả kí  được lưu giữ ở Phủ Giày khi đó – giống với VCTN trong TKTP. Có lẽ vì vậy mà sau khi đã chép trọn Tiên từ phả kí, thì để tránh trùng lặp, Kiều Oánh Mậu chỉ lược chép VCTN. Cho nên nguyên bản bài thơ tiên của chúa Liễu đang đề cập ở đây sẽ không tìm thấy trong phần lược chép VCTN, mà thấy ở phần chép Tiên từ phả kí (tờ 38b; xin xem Ảnh 2). Còn ở phần dịch sang thơ Nôm, ý chính của bài thơ tiên đã được Kiều Oánh Mậu rút gọn vào câu cuối với trọng tâm là ba chữ cuối, và được gài vào một câu trong Đoạn thứ nhất (tờ 4a; xin xem Ảnh 3). Trong Đoạn thứ nhất này, có bốn dòng lục bát được Nguyễn Xuân Diện phiên âm như sau [Nguyễn Xuân Diện 1992 : 32]:
Nay người Đệ nhị cung Tiên, 
Phong lưu ngọc mởn hoa trên Thiên đình. 
Sáng soi thiện ác rành rành, 
Thay trời họa phúc quyền hành một phương.

Ở chữ mởn, còn thấy có thêm một ghi chú của Nguyễn Xuân Diện đặt ở chân trang bản phiên âm là: “Chữ 敻chúng tôi phiên là mởn” [Nguyễn Xuân Diện 1992 : 32]. Rõ ràng “ngọc mởn hoa” là cách đọc sai, do bỏ qua mất (hoặc không hiểu nên bỏ qua) một nguyên chú quan trọng của Kiều Oánh Mậu cho ba chữ ấy ở phần trên của tờ 4a[7] – tức là ở ngay phía trên lời dịch nôm (xin xem Ảnh 3) – và, cũng vì thế mà, không làm đối chiếu với bản Hán văn ở tờ 38b (xin xem Ảnh 2). Tuy nhiên, có một điểm thú vị: chính câu thơ Nôm do Kiều Oánh Mậu viết này và sự đọc sai của người phiên âm ở đây góp thêm một căn cứ trong suy luận về âm đọc đúng của ba chữ cuối bài thơ tiên. Điều này, chúng tôi sẽ trở lại cụ thể ở phần tiếp theo của bài viết.
Cũng cần thiết ghi chú thêm rằng[8], trong lần công bố gần đây, thì không phải là “Phong lưu ngọc mởn hoa trên Thiên đình” mà là “Phong lưu ngọc quạnh hoa trên Thiên đình”. Ở chữ “quạnh” có một chú thích ở chân trang là: “Chúng tôi phiên là quạnh[9]” [Ngô Đức Thịnh 2009 : 59].
3. Xác định lại cách đọc đúng ngọc-quýnh-hoa qua các cứ liệu
Như đã nói ở đầu bài viết, qua đối chiếu các cứ liệu văn bản và cứ liệu từ góc độ tâm linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu, chúng tôi xác định rằng, cách đọc đúng của ba chữ cuối trong bài thơ tiên là: ngọc-quýnh-hoa玉敻花. Dưới đây, trong khuôn khổ cho phép, chúng tôi diễn giải một cách vắn tắt về các cứ liệu đó.
3.1. Cứ liệu từ góc độ tâm linh
Chúng tôi đã phỏng vấn ba tín đồ đặc biệt của Mẫu Liễu có liên quan đến Phủ Tây Hồ như sau. Một vị là pháp sư, tên H. , hiện đang là pháp sư chính của Phủ Tây Hồ, một năm đến làm lễ nhiều lần tại đây, có kiến thức vững về Hán Nôm. Vị thứ hai là cung văn P. rất nổi tiếng trong làng cung văn các đền phủ ở Hà Nội, có biết Hán Nôm. Vị thứ ba là ông Trương Công Đức giữ chức Trưởng tiểu ban Quản lí di tích Phủ Tây Hồ mấy chục năm nay, tức là người hiện có trách nhiệm cao nhất tại đây. Cả ba vị đều dị khẩu đồng âm nói rằng, không thể đọc là “Ngọc Quỳnh Hoa” được, vì đọc như vậy là phạm húy; cả câu ấy phải đọc đúng là “Nhất đại sơn nhân Ngọc Quýnh Hoa”. Các vị giải thích: chữ “Ngọc” ghép với chữ “Quýnh” thành chữ “Quỳnh”, vậy ba chữ “Ngọc Quýnh Hoa” chính là “Quỳnh Hoa”. Nếu đọc “Ngọc Quỳnh Hoa” thì vừa phạm húy, lại vừa thừa chữ “Ngọc”, còn gì là chơi chữ nữa ! Khi hỏi vì sao lại có thể khẳng định chắc chắn cách đọc Ngọc Quýnh Hoa như vậy, các vị đưa ra lí do: “cổ nhân dạy như thế từ xưa”, “làm nghề tín ngưỡng hầu Thánh ở đền phủ” lâu năm thì biết việc đó là điều đương nhiên.
Ngoài bằng cứ mang tính truyền khẩu giữa những người “làm nghề tín ngưỡng” như trên, ông Đức còn cho xem bản văn Giáng tiên kỳ lục nổi tiếng do cụ Phạm Văn Kiêm soạn vào khoảng những năm 1940 (ông Đức vừa cho chế bản điện tử trong năm 2008 từ văn bản viết tay của cụ Kiêm, mà không phải là chép lại từ sách đã xuất bản của nhóm Ngô Đức Thịnh[10]). Ông Đức cho biết: cụ Kiêm sinh năm 1921 mất năm 1998, người Xuân Đào (Mỹ Văn, Hưng Yên), được cử làm cung văn trưởng ở Phủ Tây Hồ từ khi còn rất trẻ chỉ khoảng 17 – 18 tuổi. Khoảng năm 1940, mới trên dưới hai mươi tuổi, người cung văn trưởng này đã soạn thành công bài hát văn nổi tiếng Giáng tiên kỳ lục với gần 300 câu. Tư liệu đầu thập niên 1990 của Hà Đình Thành có nhắc đến Phạm Văn Kiêm[11] và bài hát văn này [Hà Đình Thành 1993:25, 2002:231, 243]. Nhóm Ngô Đức Thịnh đã sưu tập và đưa Giáng tiên kỳ lục vào tập II của cuốn Đạo Mẫu ở Việt Nam xuất bản năm 1996, có ghi tên soạn giả là Phạm Văn Kiêm và một lời giới thiệu ngắn gọn: “Bản văn này nói về Mẫu Tây Hồ, được sử dụng trong hát thờ” [Ngô Đức Thịnh chủ biên 1996 : 56[12]]. Bài thơ tiên của chúa Liễu với âm đọc Hán Việt đã được Phạm Văn Kiêm đưa trọn vẹn vào Giáng tiên kỳ lục. Điểm đặc biệt thú vị là, ở chữ quan trọng đang đề cập đến ở đây, có sự khác nhau giữa bản viết tay của cụ Kiêm (tạm gọi là GTKL-1) với bản in trong sách của nhóm Ngô Đức Thịnh (tạm gọi là GTKL-2). Bản GTKL-1 ghi: “Nhất đại sơn nhân ngọc quýnh hoa” [Phạm Văn Kiêm 2008 (1940) : 8], bản GTKL-2 lại ghi: “Nhất đại sơn nhân ngọc quỳnh hoa” [Ngô Đức Thịnh chủ biên 1996 : 61]. Sự khác nhau này, theo chúng tôi, có lí do nằm ở phán đoán của người biên tập bản GTKL-2[13]. Có lẽ người biên tập đã không hiểu hay hiểu nhầm mà chữa chữ “quýnh” thành chữ “quỳnh”.
Xin nêu thêm một thông tin nữa như sau từ thực địa. Cuối tháng 12 năm 2008, chúng tôi có tham gia vào một cuộc khảo sát một số di tích có thờ Mẫu tại khu vực tỉnh Lạng Sơn[14]: đền Mẫu Đồng Đăng, đền Kỳ Cùng, động Nhị Thanh, … Chúng tôi may mắn có dịp trò chuyện ngắn với hai thanh niên theo nghề cung văn phục vụ tại một ngôi đền. Hai bạn này còn rất trẻ, trên dưới hai mươi, quê ở khu vực Phủ Giày, đã lên Lạng Sơn làm nghề được hơn nửa năm. Khi chúng tôi lên đền, hai bạn vào theo và đàn hát với tính chất “chiêu đãi” một ít chầu văn. Lúc nói chuyện, trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan đến ba chữ cuối bài thơ tiên, cả hai đều đọc là “Ngọc Quýnh Hoa” , và cho biết: được lớp đàn anh truyền dạy như vậy[15].
Cũng cần nói thêm rằng, với chính bản thân chúng tôi, và có thể cả với một số độc giả nữa[16], vẫn còn lưu lại một thắc mắc, rằng: nếu nói là kiêng húy tên hiệu, sao không đọc chệch luôn hai chữ “Quỳnh” và “Hoa” để thành “Ngọc Quýnh Huê”. Tức là, tại sao chỉ đọc chệch chữ “Quỳnh”, mà không đọc chệch chữ “Hoa”. Có lẽ lí do không chỉ nằm ở bề mặt chữ nghĩa, mà còn một ẩn ý gì khác nữa chăng ? Ở đây, xin tạm gác lại vấn đề này.
3.2. Cứ liệu văn bản
Qua khảo sát sơ bộ một số bản VCTN của Đoàn Thị Điểm (phần có chép bài thơ tiên) và những văn bản liên quan (như: cuốn Tiên phả dịch lục của Kiều Oánh Mậu in năm 1910 đã nhắc đến ở trên và trở lại ở dưới đây; cuốn Thánh Mẫu minh thiện quốc âm chân kinh do Nguyễn Văn Trình viết và in năm 1915 trong sưu tập của chúng tôi [Nguyễn Văn Trình, tờ 6b]; cuốn Thiên Bản Vân Hương Lê triều Thánh Mẫu ngọc phả với bản hiệu lục toàn văn năm 2007 của tác giả người Đài Loan là Trần Ích Nguyên [Trần Ích Nguyên 2007 : 219]), chúng tôi thấy rằng cách đọc đúng ba chữ cuối bài thơ tiên không thể nào khác là “Ngọc Quýnh Hoa”. Bản thân các văn bản Hán Nôm nêu trên thường đã có sẵn chỉ dẫn về cách đọc chữ “quýnh” hay cách đọc cả câu, để giúp độc giả đọc đúng thành “Nhất đại sơn nhân Ngọc Quýnh Hoa”. Ở đây, do khuôn khổ hạn chế, chúng tôi chỉ tạm thời trình bày về ba trường hợp văn bản sau có chỉ dẫn cách đọc “Ngọc Quýnh Hoa”.
Trường hợp 1: cuốn TKTP bản chép tay, hiện lưu tại Thư viện Quốc gia với kí hiệu R.1611 [Đoàn Thị Điểm a; Ảnh 4]. Như thấy trong ảnh, chúng ta có thể xác nhận một chỉ dẫn viết bằng mực đỏ “Thiên tiên Quỳnh天仙瓊” bên cạnh nửa trên của câu 壹大山人玉敻花 để giúp độc giả đọc đúng câu này thành “Nhất đại sơn nhân Ngọc Quýnh Hoa”, và rút gọn thành “Thiên tiên Quỳnh Hoa”.
clip_image012
Ảnh 4: Trang có bài thơ tiên trong Truyền kì tân phả kí hiệu R.1611
Trường hợp 2: cuốn Vân Cát thần nữ truyện bản chép tay, chữ thảo, hiện lưu tại Thư viện Quốc gia với kí hiệu R.22 [Đoàn Thị Điểm b; Ảnh 5] . Chúng ta có thể thấy một dấu khuyên đỏ đặt cạnh chữ敻 trong câu壹大山人玉敻花để chỉ báo việc: cần phải chú ý đến cách đọc âm của chữ敻. Theo những diễn giải cho đến đây, chúng ta hiểu rằng: cần phải đọc chữ đó là “quýnh”.
clip_image014
Ảnh 5: Trang có bài thơ tiên trong cuốn Vân Cát thần nữ truyện kí hiệu R.22
Trường hợp 3: cuốn Tiên phả dịch lục. Như đã nói ở trên, và xem trong Ảnh 3, tại tờ 4a của Tiên phả dịch lục, Kiều Oánh Mậu có ghi một chú thích (thường được gọi là nguyên chú[17]) sau đây cho câu thơ Nôm “Phong lưu ngọc mởn hoa trên Thiên đình”. Đó là chú thích ghi bằng chữ Hán “Ngọc Quýnh HoaQuỳnh Hoa công chúa dã, tường hạ lục玉敻花瓊花公主也詳下彔”, tức “Ngọc Quýnh Hoa: có nghĩa là công chúa Quỳnh Hoa, hãy xem chi tiết trong phần ghi chép ở dưới đây”. Sở dĩ Kiều Oánh Mậu chỉ dẫn cần “xem chi tiết trong phần ghi chép ở dưới đây” là muốn độc giả tham khảo nguyên văn bài thơ tiên được chép ở tờ 38b sách ấy (xin xem Ảnh 2). Cho nên, cứ như nguyên chú của Kiều Oánh Mậu, câu thơ Nôm ấy cần phải đọc đúng là: “Nay người đệ nhị cung tiên/Phong lưu ngọc quýnh hoa trên thiên đình”. Ở bản phiên âm Tiên phả dịch lục vào năm 1992, có lẽ do sơ suất bỏ qua hoặc không hiểu ý nghĩa của nguyên chú trên mà bỏ qua, Nguyễn Xuân Diện đã đọc nhầm thành: “Phong lưu ngọc mởn hoa trên Thiên đình” (hay “Phong lưu ngọc quạnh hoa trên Thiên đình). Tuy nhiên, nếu xem xét việc đọc sai “mởn” (hay “quạnh”) ở chiều tích cực thì chính nó lại là một dấu hiệu cho biết: ở chỗ đó cần phải có một âm vần trắc để hợp với vận luật của thơ lục bát. Dù là ở hướng đọc sai, cũng không thể là “mơn” hay “mờn” ( “quanh” hay “quành”), mà phải là “mớn”, “mởn”, “mỡn”, “mợn” (“quánh”, “quảnh”, “quãnh”, “quạnh”). Bằng phép thay thế, chúng ta không thể đọc câu thơ Nôm của Kiều Oánh Mậu thành các dạng sau: “Phong lưu ngọc quynh hoa trên thiên đình”, “Phong lưu ngọc quỳnh hoa trên thiên đình”. Qua đây, ta rút ra được hai điểm sau: 1. Bản thân Kiều Oánh Mậu ở thời điểm năm 1910 cũng quen đọc là ngọc-quýnh-hoa; và cách đọc này rất phổ biến; 2. Dịch giả Hoàng Giáp có đưa ra cách đọc khác, là ngọc-kinh-hoa [Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ 2000 : 182], nhưng nếu cách đọc đó có thể áp dụng cho bản thân bài thơ tiên ở dạng Hán văn, thì nó lại không áp dụng được cho câu thơ Nôm ở đây của Kiều Oánh Mậu bởi trái luật bằng trắc, tức là, không thể đọc nó thành “Phong lưu ngọc kinh hoa trên thiên đình”.
Thay lời kết: Trở lại với thực địa là Phủ Tây Hồ
Tựu trung, qua những dẫn giải trên đây, chúng ta có thể tạm kết luận rằng: ngọc-quýnh-hoa là cách đọc đúng cho ba chữ cuối của bài thơ tiên. Như đã nói ở phần đầu bài viết, ý tưởng về cách đọc lại thành ngọc-quýnh-hoanày của chúng tôi được khởi phát từ quá trình điều tra thực địa tại Phủ Tây Hồ. Tuy nhiên, ở thời gian đầu, do chỉ dựa theo các bản dịch trước nay được tin dùng rộng rãi trong giới nghiên cứu và do tự dạng chữ trên biển đề bài thơ tiên treo trong Phủ chính có sai so với nguyên tác trong VCTN của Đoàn Thị Điểm (như thấy trong Ảnh 1, biển đề ghi luôn là quỳnh 琼, chứ không ghi quýnh 敻), mà bản thân chúng tôi cũng đã từng đọc sai một cách truyền thống thành ngọc-quỳnh-hoa [Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương 2008b : 88]. Kết quả của những cuộc phỏng vấn tại thực địa như đã thuật ở trên đã đòi hỏi chúng tôi cần phải đọc lại. Và trong quá trình đọc lại (re-reading), bên cạnh những cách đọc sai như đã diễn giải ở trên, chúng tôi còn nhận ra rằng: trước chúng tôi, lác đác đã có những người không còn đọc là ngọc-quỳnh-hoa nữa, mà đưa ra những cách đọc khác là ngọc-quýnh-hoa hay ngọc-kinh-hoa. Đó là Hội Tiên Mẫu Việt Nam trong tư liệu ấn hành vào năm 1952 của Hội này [Hội Tiên Mẫu Việt Nam 1952 : 48 – 49[18]], nhóm tác giả Bùi Văn Nguyên [Bùi Văn Nguyên, Vũ Tuấn Sán, Chu Hà 1975 : 60[19]], tác giả Hoàng Giáp, nhóm tác giả Trần Thị Băng Thanh [Trần Thị Băng Thanh, Bùi Thiên Thai 2006[20]]. Ở đây, trong hướng trở về với thực địa là Phủ Tây Hồ, chúng tôi muốn dừng lại nói rõ hơn về cách đọc và hiểu nghĩa của Hoàng Giáp – bởi tác giả này và các công sự đã làm điều tra điền dã bền bỉ ở vùng Hồ Tây trong nhiều năm qua để sưu tập tư liệu Hán Nôm, có lẽ ông cũng tiếp xúc với bài thơ tiên bắt đầu từ thực địa mà không phải từ nguyên bản VCTN.
Năm 2000, Hoàng Giáp đã từng đọc hai câu cuối bài thơ tiên thành “Nhân gian dục thức ngô danh tính/Nhất đại tiên nhân ngọc kinh hoa”, và có một chú thích thú vị cho ba chữ ngọc-kinh-hoa rằng: “Ngọc Kinh: Theo Đạo giáo đại từ điển thì Ngọc Kinh là tầng trên của Thiên đình, nơi ở của Ngọc Hoàng. Ngọc Kinh hoa tức Quỳnh Hoa, Quế Hoa trên Thiên đình, một hóa thân của Mẫu Liễu. Có nhà nghiên cứu cho Ngọc Kinh ghép lại là Quỳnh. Quỳnh ghép lại với hoa là Quỳnh Hoa mà Quỳnh Hoa là Liễu Hạnh công chúa” [Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ 2000 : 182]. Chính vì hiểu như vậy, mà Hoàng Giáp dịch hai câu trên thành: “Người đời muốn hỏi tên ta ?/Quỳnh Hoa tiên nữ mờ xa Thiên đình”. Như vậy, trong luận nghĩa thì có lẽ ông đã đi hơi xa, còn trong phiên âm thì ông đề xuất cách đọc mới ngọc-kinh-hoa.
Tất nhiên, với phân tích của chúng tôi ở trên, cách đọc ngọc-kinh-hoa không đứng vững. Nhưng sở dĩ Hoàng Giáp đọc là kinh, có lẽ là do bị ám ảnh bởi chữ quỳnh trên tấm biển đề bài thơ tiên treo ở Phủ Tây Hồ được viết ở dạng giản thể là 琼 (gồm chữ ngọc 玉cộng với chữ kinh京) mà không viết ở dạng phồn thể 瓊 (xin xem Ảnh 1). Từ cách viết giản thể như vậy, và có chỗ viết khác với nguyên bản VCTN của biển đề (“nhân gian” mà không phải “thế nhân”), chúng ta có thể đoán rằng, bản thân tấm biển đề bài thơ tiên ấy là một sản phẩm mới. Rõ ràng là như vậy, dòng lạc khoản trên đó tuy là “Long Phi Kỉ Mão đông龍飛己卯冬” vẻ rất cổ nhưng thực ra chỉ là mùa đông năm 1999. Ông Đức cho biết: trước năm 1999, vốn ở trong Phủ chính đã có một bức chạm ghi bốn câu thơ ấy, do ai viết và ai dâng thì không rõ, hình như bằng thể chữ triện (xin chú ý: theo truyền thuyết ghi trong VCTN, bài thơ tiên được viết bằng thể chữ triện trên gốc cây). Trong dịp trùng tu năm 1999, thấy bức chạm đã hư hại, nhà sư Th. – có thâm giao với Phủ Tây Hồ – đã viết lại theo dạng chữ thảo và cung tiến. Căn cứ vào ghi chép của Hà Đình Thành và Lưu Thị Oanh ở đầu thập niên 1990 [Hà Đình Thành 1993 : 30; Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội 1994 : 12], chúng tôi xác định được sự tồn tại của một bức chạm trước năm 1999 như lời kể của ông Đức. Còn tấm biển hiện nay như thấy trong Ảnh 1 là bản viết lại của nhà sư Th., đó cũng là tư liệu mà Hoàng Giáp đã phiên âm và dịch nghĩa như giới thiệu ở trên.
Liên quan đến tấm biển mới dâng năm 1999 ở trên, có một điều thú vị nữa, xin nêu để tạm đóng lại bài viết này. Đó là, cũng vào năm 1999, sau khi đã dâng tấm biển đề bài thơ tiên của chúa Liễu treo ở bên phải Phủ chính, nhà sư Th. lại cao hứng mà sáng tác thêm ra một bài thơ nữa và treo lên bên trái để đối lại bài thơ tiên. Bài thơ ấy cũng viết theo thể chữ thảo, tạm phiên âm và dịch nghĩa như sau [Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương 2008b : 88 – 90]:
己卯重修節孟冬 Kỉ Mão trùng tu tiết mạnh đông,
西湖顕蹟歴朝封 Tây Hồ hiển tích lịch triều phong.
越南社会鳩工集 Việt Nam xã hội cưu công tập,
萬古英霊慶賀同 Vạn cổ anh linh khánh hạ đồng.
(Trùng tu vào tháng mạnh đông năm Kỉ Mão, 
Tây Hồ hiển tích đã được các triều phong tặng. 
Xã hội Việt Nam góp sức lại làm, 
Anh linh muôn thưở, cùng nhau chúc mừng [21])

Hình ảnh đối xứng nhau trên hai bức tường trắng màu sơn giữa bài thơ tiên của chúa Liễu xuất nguồn từ truyền thuyết ngược về đến thế kỉ 16 và bài đối lại của một nhà sư thời hiện tại tựa như mở ra trước mắt ta một không gian đa nghĩa. Nó vừa như muốn cố định ta vào một khoảnh thời gian mảnh nhỏ của hiện tại hiện hữu, lại vừa như muốn quẳng trả ta về với cái hư vô trôi nổi vĩnh viễn không tồn tại sự cắt lìa quá vãng và vị lai.
cxg-plh
Hậu kí: Nhân công bố bản đầy đủ, chúng tôi xin chân thành gửi lời cảm ơn tới các vị sau đây đã đọc và cho những góp ý/phê phán quí báu, hay những nhận xét/cảm tưởng cho bản thảo của bài viết (xếp theo thứ tự thời gian nhận được góp ý): Ngô Đức Thịnh (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Tạ Chí Đại Trường (hiện cư trú tại Hoa Kì), Trần Văn Toàn (Cộng hòa Pháp), Phạm Văn Ánh (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Phan Đăng Nhật (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Xin cảm ơn sự xác nhận thông tin liên quan đến bản phiên âm cuốn Tiên phả dịch lục(Kiều Oánh Mậu viết) của Nguyễn Xuân Diện (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).
Bản rút gọn của bài viết này đã đăng tải lần đầu trên Tạp chí Hán Nôm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) số 2 (99) năm 2010, từ trang 47 đến trang 62 (có lẽ do dung lượng trên tạp chí bị hạn chế, tòa soạn tạp chí đã cắt bớt một số đoạn cả ở chính văn, lời đề tặng, chú thích và tài liệu tham khảo; ở đôi chỗ, sự cắt bớt ấy đã ảnh hưởng đến nội dung của bài).
Bản in trên Da Màu là bản đầy đủ (chúng tôi lấy đây là bản in chính thức).
Tài liệu tham khảo/trích dẫn
[1] Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội), 1994, Lý lịch di tích Phủ Tây Hồ(thôn Tây Hồ – xã Quảng An – huyện Từ Liêm – thành phố Hà Nội), Người lập hồ sơ: Lưu Thị Oanh
[2] Bùi Duy Tân, 1993, “Bàn thêm về khuê tảo – Hoa quốc từ chương”, Báo Văn Nghệ số 33 ra ngày 14 tháng 8 năm 1993
[3] Bùi Duy Tân, 1999, Khảo và luận một số tác giả – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam (Tập 1), Nxb Giáo dục
[4] Bùi Duy Tân – Ngọc Liễn, 1979, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (Thân thế, sự nghiệp và trích tuyển thơ văn), Ty Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình xuất bản
[5] Bùi Hạnh Cẩn, Lê Trân, 1993, Chợ Viềng và Hội Phủ, Nxb Giáo dục
[6] Bùi Văn Nguyên, Vũ Tuấn Sán, Chu Hà, 1975, Truyền thuyết ven Hồ Tây, Hội Văn nghệ Hà Nội
[7] Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương, 2008a,”Truy tìm những khoảnh chân thực riêng lẻ: về thời điểm xuất hiện của Phủ Tây Hồ từ góc nhìn nhân loại học lịch sử”, Tạp chí Văn hóa dân gian số 3 (117) năm 2008
[8] Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương, 2008b, Nghiên cứu cơ bản về Phủ Tây Hồ – Báo cáo số 1: Di tích và lễ hội Phủ Tây Hồ, Công trình nhận giải 3B năm 2008 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
[9] Đặng Văn Lung, 1995, Mẫu Liễu đời và đạo, Nxb Văn hóa dân tộc
[10] Đoàn Thị Điểm a, 傳奇新譜, Bản chép tay, Kí hiệu R.1611, Thư viện Quốc gia
[11] Đoàn Thị Điểm b, 雲葛神女傳, Bản chép tay, Kí hiệu R.22, Thư viện Quốc gia
[12] Đoàn Thị Điểm c, 雲葛神女傳, Bản hiệu lục toàn văn của Trần Ích Nguyên 陳益源 với bản nền in năm Gia Long 10 (1811) , In trong Trần Ích Nguyên陳益源 2007
[13] Đoàn Thị Điểm d, Truyền kỳ tân phả, Ngô Lập Chi – Trần Văn Giáp dịch và chú thích, Phạm Văn Thắm giới thiệu, In trong Trần Nghĩa chủ biên 1997 a
[14] Đoàn Thị Điểm e, Truyện thần nữ Vân Cát, Bùi Hạnh Cẩn – Lê Trân dịch (dịch theo sách Truyền kì tân phả, bản in năm Gia Long 10), In trong Bùi Hạnh Cẩn – Lê Trân 1993
[15] Kiều Oánh Mậu, 1910, Tiên phả dịch lục 仙譜譯錄, Bản lưu tại Thư viện Quốc gia với kí hiệu R.289
[16] Hà Đình Thành, 1993, Phủ Tây Hồ, Nxb Văn hóa dân tộc
[17] Hà Đình Thành, 2002, “Phủ Tây Hồ và sự phụng thờ Mẫu Liễu Hạnh”, In trong Ngô Đức Thịnh chủ biên 2002
[18] Hội Tiên Mẫu Việt Nam, 1952, Kinh Thánh Mẫu Sòng Sơn, Nhà in Thanh Bình (Bản gốc hiện được lưu giữ tại Phủ Quảng Cung tức Phủ Nấp, thuộc thôn Vỉ Nhuế huyện Ý Yên tỉnh Nam Định)
[19] Lê Ylinh, 2002, “DOUBLE VIE, MAIS FOI UNIQUE Phạm-Văn-Kiêm, maitre musicien du rituel Hâu-bong (Nord Việt-nam)” [Cuộc đời hai mặt, nhưng một niềm tin: Cung văn Phạm Văn Kiêm trong nghi lễ Hầu bóng ở miền Bắc Việt Nam], Cahiers de musiques traditionnelles – Histoires de vies [Tập san âm nhạc cổ truyền – Số chuyên đề “Đời nghệ sĩ”], 15/2002
[20] Ngô Đức Thịnh chủ biên, 1996, Đạo Mẫu ở Việt Nam – Tập II (Các bản văn), Nxb Văn hóa thông tin
[21] Ngô Đức Thịnh chủ biên, 2002, Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin
[22] Ngô Đức Thịnh, 2009, Đạo Mẫu Việt Nam – Tập 2, Nxb Tôn giáo
[23] Nguyễn Văn Trình viết và in, 1915, Thánh Mẫu minh thiện chân kinh 聖母明善真經 (Tăng quảng minh thiện quốc âm chân kinh 增廣明善国音真經), Bản sưu tập của Chu Xuân Giao (nhận bàn giao từ Trần Văn Toàn)
[24] Nguyễn Xuân Diện, 1992, Phiên âm dịch nghĩa và bước đầu đánh giá “Tiên phả dịch lục” của Kiều Oánh Mậu, Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Hán Nôm khóa 33, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – Tài liệu vốn lưu tại Khoa Ngữ văn trước đây với kí hiệu HN13
[25] Nxb Bản đồ, 2007, Hà Nội: Bản đồ văn hóa – du lịch và các tuyến buýt (tỉ lệ 1: 23000; tái bản lần thứ 7, có cập nhật các tuyến xe buýt thực hiện từ tháng 8 – 2007)
[26] Phạm Văn Kiêm, 2008 (1940), Giáng Tiên kỳ lục (Văn sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh), Phủ Tây Hồ chế bản điện tử và đóng quyển, 13 trang khổ A4
[27] Phủ Tây Hồ Hà Nội, 2006, Hoành phi đại tự câu đối cụm di tích Phủ Tây Hồ quận Tây Hồ – thành phố Hà Nội,Tài liệu nội bộ, 45 trang khổ A4 (người phiên âm và dịch: Hoàng Giáp)
[28] Trần Ích Nguyên陳益源, 2007,『中越漢文小説研究』, 東亜文化出版社 [Nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn của Trung Quốc và Việt Nam]
[29] Trần Nghĩa chủ biên, 1997 a, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam – Tập 1, Nxb Thế giới
[30] Trần Nghĩa chủ biên, 1997 b, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam – Tập 2, Nxb Thế giới
[31] Trần Thị Băng Thanh, Bùi Thiên Thai, 2006, “Mối liên hệ giữa Truyền kỳ tân phả và lễ hội dân gian”, Hội thảo Quốc tế Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế (Tiểu ban 4)
[32] Trần Văn Giáp, 1990 , Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập II, Nxb Khoa học xã hội
[33] Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ, 2000, Danh tích Tây Hồ, Nxb Chính trị Quốc gia
[34] Vũ Ngọc Khánh, Phạm Văn Ty chủ biên, 1990, Vân Cát thần nữ, Nxb Văn hóa Dân tộc
[35] Vũ Nho, 1992, “Lê Thánh Tông đánh giá Nguyễn Trãi”, Báo Văn nghệ số 26 ra ngày 27 tháng 6 năm 1992


Chú thích
[1] Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) có nhắc thêm rằng, chính xác đó là chữ hành thảo.
[2] Ở đây, chúng tôi “tập cổ” cách dùng chữ của hai nhà văn Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án. Trong quyển hạ cuốn sách nổi tiếng Tang thương ngẫu lục của hai ông, có truyện Quỉ thi, tức Thơ ma. Đó là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt thấy trên vách chùa Nguyệt Đường gần Hoa Dương là một nơi đô hội. Lời thơ rất thê thảm nên ngờ đó là thơ ma [Trần Nghĩa chủ biên 1997 b: 207; chúng tôi đã có đối chiếu với nguyên bản chữ Hán mang kí hiệu R.89, in khắc gỗ – lưu tại Thư viện Quốc gia].
[3] Việc chạy long tong để giúp đỡ “phần hậu cần” cho thầy Bùi Duy Tân viết bài báo này – công việc mà ông đã ngẫm nghĩ và chuẩn bị tư liệu từ rất lâu trước đó – vào mùa hè năm 1993, khi còn là sinh viên năm thứ 3 (Đại học Tổng hợp Hà Nội), với tôi (cxg) là một kỉ niệm được ghi nhớ mãi mãi. Thầy nhắn sang nhà riêng (ở bên cạnh Kí túc xá Mễ Trì), cho đọc bài viết của Vũ Nho và nghe thầy nói qua về ý định viết bài, rồi cử tôi phi xe đạp đi các nơi tra cứu sách vở các loại (các thư viện thì không cần nói, nhưng thú vị nhất là chi tiết: thầy thảo một thư tay, cử tôi cầm đến nhà riêng và cũng là hiệu sách của một người bạn ở phố Bát Đàn để xin cho tra sách và từ điển). Rồi sau đó là việc đánh máy bài viết (khi đó đã có dịch vụ “vi tính in kim”, nhưng đánh máy vẫn là phổ biến, phần vì giá rẻ hơn), gửi bài đến báo Văn nghệ, cuối cùng là chuyển bản photo bài báo đã in cho một số người có quan tâm. Bản đánh máy, bản in trên báo, đặc biệt bản thảo viết tay của thầy hiện vẫn được tôi lưu giữ như những kỉ vật quí báu.
[4] Ở cùng trang được trích dẫn trên đây, có một ghi chú là “Theo sách đã dẫn”, nhưng có lẽ do lỗi in ấn hay một lỗi nào khác, nên hiện chúng tôi chưa rõ “Sách đã dẫn” ở đây là sách nào.
[5] Theo chúng tôi, có thể Kiều Oánh Mậu đã gọi tắt Tiên từ phả kí thành Tiên phả, nên tên sách Tiên phả dịch lục của ông có thể hiểu nôm na là Sao chép và dịch nôm tư liệu “Tiên từ phả kí”.
[6] Bản thân Kiều Oánh Mậu ghi là gồm 413 câu – cộng tứ bách thập tam cú – theo đó, Trần Văn Giáp cũng ghi là 413 câu, nhưng bản phiên âm năm 1992 của Nguyễn Xuân Diện thì tính là 776 câu; đồng thời, Nguyễn Xuân Diện cũng phát hiện nguyên bản Tiên phả dịch lục không đánh dấu đoạn 7 trong tổng số 25 đoạn, có thể là do sơ ý của tác giả hay của nhà in [Nguyễn Xuân Diện 1992 : 19].
[7] Trong phần dịch nôm của Tiên phả dịch lục, có một số nguyên chú viết bằng Hán văn của Kiều Oánh Mậu cho những câu thơ nôm do chính ông viết. Trong luận văn tốt nghiệp đại học học của Nguyễn Xuân Diện [Nguyễn Xuân Diện 1992], nhìn chung các nguyên chú ấy đã được phiên dịch một cách cẩn thận và chính xác, duy có nguyên chú đang bàn ở đây thì bị bỏ qua (chúng tôi sẽ trở lại với nguyên chú này ở phần tiếp theo của bài viết này) .
[8] Bản thảo đầu tiên của bài viết này đã được chúng tôi hoàn thành vào tháng 12 năm 2008, ngay sau đó đã được gửi đến thầy Ngô Đức Thịnh. Ghi chú này chúng tôi bổ sung vào tháng 6 năm 2009, nhân khi cuốn Đạo Mẫu Việt Nam gồm hai tập [Ngô Đức Thịnh 2009] vừa ra đời. Trong Đạo Mẫu Việt Nam tập 2, từ trang 58 đến trang 90 là Tiên phả dịch lục do Nguyễn Xuân Diện phiên âm và chú giải. Tác giả Ngô Đức Thịnh có một ghi chú rằng: “Tiên phả dịch lục, do Nguyễn Xuân Diện dịch, chúng tôi đã được dịch giả cho phép in trong sách này, xin cảm ơn !” [Ngô Đức Thịnh 2009 : 58].
Ở bản công bố lần này, nguyên chú của Kiều Oánh Mậu với câu thơ đang bàn ở đây vẫn bị bỏ qua, tức là bỏ không dịch [Ngô Đức Thịnh 2009 : 59], như bản mà Nguyễn Xuân Diện đã công bố năm 1992 [Nguyễn Xuân Diện 1992 : 32].
[9] Khi chỉnh lí bản cuối cùng của bài viết này, tôi (cxg) đã có liên hệ và trao đổi qua mail với tác giả Nguyễn Xuân Diện về trang 32 trong Nguyễn Xuân Diện 1992. Qua trao đổi, tôi rút ra một số điểm sau: 1 – Hiện nay, có hai bản lưu tư liệu Nguyễn Xuân Diện 1992 (là luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Hán Nôm khóa 33, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội): một là bản lưu tại Khoa Ngữ văn thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây (tạm gọi là NXD 1992 -1, chúng tôi xem đây là bản chính thức vì là tài liệu lưu ở khoa mà sinh viên đã tốt nghiệp), hai là bản lưu của tác giả luận văn (tạm gọi là NXD 1992 – 2, chúng tôi xem đây là bản tham khảo vì là lưu trữ cá nhân). – Giữa NXD 1992 -1 và NXD – 2 có sự khác nhau ở chính ba chữ quan trọng mà chúng tôi đang bàn ở đây, ở NXD 1992 -1 thì là “ngọc mởn hoa”, còn ở NXD 1992-2 thì là “ngọc quạnh hoa” (nhân đây, xin cảm ơn tác giả Nguyễn Xuân Diện đã trao đổi qua lại, và đặc biệt có gửi ảnh chụp trang 32 trong NXD 1992 – 2; chúng tôi cũng đã gửi đến anh ảnh chụp trang 32 trong NXD 1992 – 1; bản NXD 1992 -1 mà chúng tôi đang có trong tay là bản photocopy từ bản gốc lưu ở Khoa Ngữ văn trước đây). Cụ thể về sự khác nhau giữa NXD 1992-1 và NXD 1992-2 như sau. Ở NXD 1992 – 2 thì, chữ “quạnh” ở cả hai chỗ (trên phần phiên âm và dưới phần chú thích) được đánh máy sắc nét, và không có dấu vết sữa chữa; nhưng ở NXD 1992 -1 thì thấy có dấu vết sửa chữa: trên phần phiên âm thì chữ “mởn” được viết bằng tay (một chữ đã được xóa đi, và chữ “mởn” được viết lên trên đó), dưới phần chú thích thì chữ “mởn” cũng được viết bằng tay và có thấy như được viết đè lên chữ “quạnh” đánh máy. 3 – Qua điểm 2 ở trên, chúng tôi tạm đưa ra phỏng đoán sau (qua trao đổi, Nguyễn Xuân Diện vẫn chưa đưa ra xác nhận xem phỏng đoán này của chúng tôi có sát thực tế hay không): có thể đầu tiên Nguyễn Xuân Diện đã phiên là “ngọc quạnh hoa” (thấy rất rõ ở NXD 1992 -2); rồi sau đó, trước khi nạp một bản lưu ở Khoa Ngữ văn, “ngọc quạnh hoa” đã được chỉnh lí thành “ngọc mởn hoa” (qua dấu vết sửa chữa ở NXD 1992 -1).
Chung qui lại, liên quan đến cách đọc của tác giả Nguyễn Xuân Diện, đến thời điểm hiện tại, có ba tư liệu sau: NXD 1992 -1, NXD 1992 – 2, và trong Ngô Đức Thịnh 2009 [Ngô Đức Thịnh 2009 : 59; tạm gọi là NĐT 2009]. Nếu xếp theo thứ tự thời gian (giữa NXD 1992 -1 và NXD 1992 -2), thì có thể thấy Nguyễn Xuân Diện đã có hai cách đọc, là “ngọc quạnh hoa”, rồi “ngọc mởn hoa”. Nhưng vì xem bản NXD 1992 -1 là bản chính thức (giữa NXD 1992 -1 và NXD 1992 -2), và tính cả bản vừa công bố trong NĐT 2009, mà chúng tôi tạm sử dụng cách viết như sau: cách đọc ngọc-mởn-hoa (ngọc-quạnh-hoa).
[10] Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng mới chỉ có được bản chế bản điện tử vừa thực hiện, còn bản viết tay của cụ Kiêm thì ông Đức chưa tìm ra được trong số tư liệu của Phủ Tây Hồ.
[11] Qua mấy lần in mà tư liệu của Hà Đình Thành vẫn ghi nhầm là “Phạm Văn Khiêm”, chắc không phải là do lỗi in ấn mà có thể do tác giả nghe nhầm tên từ “Kiêm” sang “Khiêm”. Ông Đức cũng cho biết: “Cái tên Kiêm của cụ, hình như khó nói, nên nhiều người cứ đọc nhầm thành Khiêm”. Về cuộc đời của cụ Phạm Văn Kiêm, xin xem bài viết tưởng niệm bằng tiếng Pháp trên một tạp chí chuyên ngành âm nhạc đã xuất bản năm 2002 của tác giả Lê Ylinh [Lê Ylinh 2002 : 75 – 87].
[12] Tuy nhiên, trong bản tái bản bổ sung năm 2009, tên cụ Phạm Văn Kiêm lại bị ghi nhầm thành “Phạm Văn Khiêm” [Ngô Đức Thịnh 2009 : 164] .
[13] Theo giới thiệu của người chủ biên ở đầu sách, thì “Pgs. Vũ Ngọc Khánh đã biên tập lại trước khi đưa in” [Ngô Đức Thịnh chủ biên 1996 : 4] .
[14] Đây là chuyến đi thực tế một ngày trong khuôn khổ môn học Lí luận về văn hóa dân gian thuộc khóa đào tạo Thạc sĩ Văn hóa học khóa 15 của Viện Nghiên cứu văn hóa, vào ngày 26 tháng 12 năm 2008. Ở mỗi điểm di tích, thầy Ngô Đức Thịnh là trưởng đoàn (giáo viên phụ trách môn học nói trên) thường thuyết minh về cách bài trí các ban thờ và ý nghĩa của chúng. Chúng tôi “cố ý” tham dự chuyến đi thực tế này với mong muốn khảo sát một ban gọi là Mẫu Liễu Tây Hồ trong một di tích tại Lạng Sơn, lại vừa có được dịp học hỏi và thảo luận trên thực địa với một chuyên gia về Đạo Mẫu – thầy Ngô Đức Thịnh – về những vấn đề liên quan đến Mẫu Liễu.
[15] Dưới góc độ tâm linh, cần biết thêm giải thích của tư liệu do Hội Tiên Mẫu Việt Nam ấn hành năm 1952 về câu cuối bài thơ tiên [Hội Tiên Mẫu Việt Nam 1952 : 48 – 49]. Xin xem cụ thể thêm ở chú thích 16.
[16] Khi khảo sát tư liệu tại Phủ Tây Hồ và khi viết bài, chúng tôi đã có thắc mắc này, và cũng tham vấn ba vị tín đồ đặc biệt của Mẫu Liễu Hạnh như đã nói ở trên, nhưng họ chưa đưa ra được lời giải thích thỏa đáng. Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) khi đọc bản thảo bài này cũng đưa ra thắc mắc tương tự.
[17] Nguyên chú: xin xem chú thích 7.
[18] Một dịp khác có điều kiện chúng tôi sẽ giới thiệu kĩ hơn về tư liệu này, ở đây chỉ nói đến đoạn có liên quan đến cách đọc và giải thích ba chữ đang bàn ở đây. Cụ thể là, ở hai trang 48 và 49, thấy có bản phiên âm, dịch nghĩa và giải thích về bài thơ tiên như sau (ở đây, chúng tôi chép đúng theo nguyên bản, những lỗi sắp chữ/đánh máy của nguyên bản đều được giữ nguyên; hai chữ “phiên âm” và “giải thích” vốn không có trong nguyên bản, chúng tôi đưa thêm vào và đặt trong dấu móc vuông để tiện theo dõi; một vài chữ ở phần “giải thích” được in nghiêng là bởi chúng tôi).
“[Phiên âm]
Vân tác y thường, phong tác xa, 
Triêu du đâu suốt, mộ yên hà, 
Thế nhơn dục thức ngô danh tánh, 
Nhất đại sơn nhơn ngọc Quỳnh – Hoa .

Dịch nghĩa
Áo mây, xe gió, khác trên trời, 
Đâu xuất yên hà sớm tối chơi, 
Tên – Hiệu người trần ai muốn biết, 
Quỳnh – Hoa – Công – Chúa vốn Tiên giời

[Giải thích]
Ba ông xem xong, thấy thi tứ tao nhã, ý tứ sâu xa, sau nghĩ mãi táng ra rằng:
“Chữ nhất với chữ đại kết lại thành chữ thiên, chữ nhơn với chữ sơn kết lại thành chữ Tiên, chữ ngọc với chữ quýnh kết lại thành chữ quỳnh, còn chữ hoa đứng lẻ một mình là chữ hoa, tức là hiệu của Đức Tiên – Chúa”. Ông Phùng – thị – Giảng đoán như thế, bây giờ ba ngài mới biết đích là ngày trước cũng là duyên kỳ ngộ vậy” [Hội Tiên Mẫu Việt Nam 1952 : 48 – 49].
Chúng ta có thể thấy lời giải thích chi tiết của văn bản này (ở đây, người biên soạn sách cho là giải thích của Phùng Khắc Khoan) về cách chơi chữ của câu cuối cùng trong bài thơ tiên, trong đó đặc biệt là giải thích “chữ ngọc với chữ quýnh kết lại thành chữ quỳnh” (chữ hoa thì đứng riêng, và sẽ ghép với quỳnh để thành quỳnh hoa, tức quỳnh hoa công chúa). Tuy nhiên, đáng tiếc là, dù giải thích như vậy, nhưng có lẽ do lỗi sắp chữ/đánh máy (trích đoạn này, cũng như toàn bộ sách, có rất nhiều lỗi sắp chữ/đánh máy), mà câu câu cuối cùng của bài thơ tiên lại được ghi thành “Nhứt đại sơn nhơn ngọc Quỳnh Hoa” (chúng tôi chưa rõ vì sao trong tư liệu này, bản phiên âm bài thơ tiên lại sử dụng phát âm của người nam bộ). Nếu đọc trước lời giải thích trên, thì có thể đoán rằng, phiên âm phù hợp với nó phải là “Nhứt đại sơn nhơn Ngọc Quýnh Hoa” (đọc sang phát âm của miền bắc là: Nhất đại sơn nhân Ngọc Quýnh Hoa).
[19] Các tác giả này phiên âm câu cuối bài thơ tiên thành “Nhất đại sơn nhân, ngọc quýnh hoa” (và dịch nghĩa thành: “Một đời người trên non, với hoa Ngọc quýnh”), và giải thích rằng:
Người trên non là chữ tiên do chữ nhân (người) và chữ sơn (núi) ghép lại. Hai chữ Ngọc và Quýnh ghép lại thành chữ Quỳnh. Câu 4 có nghĩa: “Tiên Quỳnh hoa” [Bùi Văn Nguyên, Vũ Tuấn Sán, Chu Hà 1975 : 60].
Chúng tôi tán thành với các tác giả ở điểm giải thích “hai chữ ngọc và quýnh ghép lại thành chữ quỳnh”, nhưng không tán thành ở điểm họ cho câu cuối bài thơ tiên chỉ có nghĩa là “Tiên Quỳnh Hoa”, vì thật ra, như đã diễn giải, phải là “Thiên Tiên Quỳnh Hoa”. Có thể phỏng đoán rằng, nhóm tác giả này đã đọc một văn bản nào đó của bài thơ tiên mà hai chữ đầu của câu cuối (phiên âm là nhất đại) đã bị viết nhầm từ 壹大 (nhất là mộtđại là lớn, ghép lại thành thiên, tức trời) sang 壹代 (nhất là mộtđại là đời, ghép lại thành một đời). Bởi vậy, họ đã dịch nghĩa cả câu cuối ấy thành “Một đời người trên non, với hoa Ngọc quýnh”.
[20] Trên thực tế, hai tác giả này chỉ dẫn lại (nhưng không dẫn chính xác theo nguyên bản mà có cải biên theo ý mình) bản dịch nghĩa và lời giải thích của nhóm Bùi Văn Nguyên cho câu cuối bài thơ tiên (trong đó, có giải thích hai chữ ngọc và quýnh ghép lại thành chữ quỳnh), và kèm theo đó một lời bình rằng đó là “cách phiên âm hơi khác (hợp lý hơn) so với các bản dịch VCTN từ trước tới nay”.
Có thể hai tác giả này đã có được lí do để đánh giá rằng, cách đọc “ngọc-quýnh-hoa” của nhóm Bùi Văn Nguyên là “hợp lý hơn” các bản dịch VCTN từ trước tới nay, nhưng có lẽ do khuôn khổ và mục đích của bài viết mà họ chưa có điều kiện đề cập đến.
Trong tư liệu nghiên cứu bằng quốc ngữ cho đến thời điểm hiện tại của chúng tôi (không tính các tư liệu bằng các văn tự khác), trước nhóm tác giả Bùi Văn Nguyên đến hơn 20 năm, tư liệu do Hội Tiên Mẫu Việt Nam ấn hành năm 1952 đã giải thích “chữ ngọc với chữ quýnh kết lại thành chữ quỳnh” [Hội Tiên Mẫu Việt Nam 1952 : 48 – 49] . Về cụ thể, xin xem chú thích 18.
[21] Bản phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ của Hoàng Giáp như sau (ở phần phiên âm thì ông đọc đúng là “Kỉ Mão”, nhưng ở nửa sau phần dịch nghĩa và phần dịch thơ thì lại nhầm “Kỉ Mão” thành “Ất Mão”, có lẽ đây là sơ suất khi chế bản).
Phiên âm:
Long Phi Kỉ Mão niên 
Kỉ Mão trùng tu tiết mạnh đông, 
Tây Hồ hiển tích lịch triều phong. 
Việt Nam xã hội cưu công tập, 
Vạn cổ anh linh khánh hạ đồng. 
Mạnh đông nguyệt Hà thành

Dịch nghĩa:
Trùng tu di tích vào tiết thu năm Kỷ Mão, 
Di tích Tây Hồ nổi tiếng được các triều đại phong tặng, 
Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại cho thợ trùng tu, 
Muôn thưở anh linh cùng làm lễ mừng khánh giá. 
Long Phi Hà Thành tháng Tám năm Ất Mão

Dịch thơ:
Ất Mão trùng tu tiết đầu đông, 
Tây Hồ hiển tích các triều phong, 
Ngày nay nhà nước gia công sửa, 
Muôn thưở anh linh chúc khánh thành.

[Phủ Tây Hồ Hà Nội 2006 : 29]
.

bài đã đăng của chu xuân giao & phan lan hương


.

4 bình luận »


Quehoa viết:

Theo cháu thì chữ Ngọc ở đây không phải là họ Ngọc, không liên quan đến “Ngọc hoàng”vì đây là chức vị chứ không phải là họ tên. Vậy 3 chữ cuối trong câu thơ cuối cùng cháu đồng nhất với ý kiến là “Ngọc Quýnh Hoa” và Quỳnh hoa rất có thể là tên húy hoặc hiệu cuả mẫu trên thiên đình, chứ không phải là tên cuả mẫu vì ai cũng biết mẫu chỉ có 1 tên duy nhất là Liễu Hạnh. Vả lại cũng có 1 số ngài có tên gắn với loài ” Hoa ” như cháu cuả mẫu là ” Quế Hoa công chuá ” em dâu mẫu là ” Thuỵ Hoa công chúa” Chúa bà năm phương là ” Vũ quận Bạch Hoa công chuá”… Hơn nữa trong bản cát thiên tam thế thực lục do chính mẫu thủ bút có đoạn mẫu nói tới thân thế nguồn gốc của mẫu ” Từ, nguyên gieo vần thơ ca ngợi. Cốt cách người tiên chốn Quảng Cung” cháu thấy đoạn này nó cũng có nghĩa và ý tương đồng giống với câu cuối ” Nhất đại sơn nhân Ngọc Quýnh Hoa” 4 câu đầu ” Nhất đại sơn nhân” hợp lại thành chữ ” Thiên Tiên” là tiên trên trời rất trùng khớp và tương đồng với đoạn thơ mà mẫu thủ bút trong bản ” Cát Thiên Tam Thế Thực Lục” cả 2 bài thơ này mẫu đều nói về thân thế, nguồn gốc xuất thân của mình là tiên trên trời . Còn 3 chữ cuối ” Ngọc Quýnh Hoa” thì chữ ” Ngọc và chữ Quýnh” ghép lại thành chữ ” Quỳnh” . Cách ghép như vậy mới đúng nghiã đúng với tên hiệu hoặc húy của mẫu. Vì theo truyền thuyết và 1 số bài khấn Tứ Phủ thì đều nói tới mẫu là ” Thiên tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh công chúa” mẫu cũng chính là ” Đệ nhị Quỳnh Nương ” _ con gái Ngọc Hoàng trên thiên đình. Vậy nên cháu đồng nhất về cách hiểu cuả câu thơ cuối cùng là ” Quỳnh Hoa công chúa vốn tiên trời”. Và khi dân gian nói về mẫu không dám đọc là ” Quỳnh Hoa” sợ phạm húy mẫu nên đọc chệch đi là ” Quýnh Hoa công chúa “.

- 23.07.2012 vào lúc 7:55 pm

.

black raccoon viết:
雲作衣裳風作車 Vân tác y thường phong tác xa
朝遊兜率暮煙霞 Triêu du đâu suất mộ yên hà
世人欲識吾名姓 Thế nhân dục thức ngô danh tính
壹大山人玉敻花 Nhất đại sơn nhân ngọc quýnh hoa
3 câu đầu tuy có phong vị Tiên thi, nhưng theo tui cũng thường thôi. Có thể bắt gặp đâu đó trong thơ cổ Trung Hoa.
Duy câu chót hay nhất. Hay ở cách chơi chữ. Chơi chữ thì cũng không phải là bí hiểm gì, nếu chỉ chú ý vào cách ghép chữ : Nhất đại = thiên; sơn nhân = tiên; ngọc quýnh = quỳnh
Cách ghép như vậy, ai học chữ Nho cũng thấy ra dễ dàng. Nhưng câu thơ hay ở chổ không cần ghép chữ vẫn còn có nghĩa. Nghĩa lớn hơn nữa là khác.
Mạn phép dịch tuyền nguyên ý :
Mây là áo, gió thổi làm xe
Sáng dong miền Đâu Suất,
hoàng hôn chơi với ráng chiều
Thế gian muốn biết tên ta à
Ta ở trên núi lớn
tên loài hoa ngọc xa lắm
敻 quýnh, huyến (15n)
1 : Xa.
2 : Một âm là huyến. Kinh doanh, cầu cạnh.
(Thiều Chửu)
Ps,
Đang gõ góp ý dang dở, có chuyện phải đi. Không hiểu sao, cái con mouse nó quấn vào tay kéo lại. A, Chúa nắm áo đây mà. Ừ, thì viết cho hết vậy.
Mỹ Quốc, tiết Trọng Hạ, Nhâm Thìn niên
Lý Ốc phiên thi, kính bút.
- 24.07.2012 vào lúc 1:17 pm


.

Que hoa viết:

Trong bài thơ này thì câu cuối cùng của bài thơ là “Nhất đại sơn nhân Ngọc Quýnh Hoa” ở đây câu nói này có ẩn ý và dụng ý rõ ràng để nói về danh tính địa vị của mình thông qua lối chơi chữ. Sao phần dịch thơ và dịch nghĩa của bạn đối lập nhau thế, phần mà bạn phiên âm Hán-Việt 4 chữ trong câu thơ cuối cùng “Nhất đại sơn nhân” bạn cũng dịch ra là “Thiên tiên” và “Ngọc Quýnh” bạn cũng dịch ra là “Quỳnh” vậy mà cuối cùng bạn lại kết luận với 1 câu khác mang ý nghĩa khác “Ta ở trên núi lớn tên loài hoa ngọc xa lắm…”thứ 1 mẫu liễu không phải thuộc nhạc phủ không phải là sống trong rừng, thứ 2 mẫu không phải là cư trú hay định cư trên núi thứ 3 “tên loài hoa ngọc xa lắm” bạn viết như vậy có nghĩa là mẫu có tên là 1 loài hoa” hoa ngọc “à xa lắm là ở đâu vậy bạn mà hình như tớ chưa nghe tên loài hoa này bao giờ. Thứ 4 nếu như trong bản dịch nghĩa của bạn “ta ở trên núi lớn tên loài hoa ngọc xa lắm” … Vậy chữ “Quỳnh” bạn vứt đâu rồi. Và câu “Hoàng hôn chơi với ráng chiều” tớ không hiểu câu đấy có nghĩa là gì. Hơn nữa trong tất cả các bài thơ còn lưu truyền lại trong dân gian và dựa vào truyền thuyết thì rõ ràng có nói tới mẫu là “Thiên Tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh công chúa.” Có rất nhiều tư liệu và trong bài văn khấn tứ phủ có nhắc nhiều tới tên hiệu của mẫu là “Quỳnh Hoa công chúa” mà bạn.

- 24.07.2012 vào lúc 10:49 pm


.

Que hoa viết:

Riêng với câu 2 theo cháu là: triêu là ngày, du là du ngoạn, đâu suất là chỗ nào cũng có mặt, chỗ nào cũng có thể đến được, mộ là ngưỡng mộ, yên là làm yên cho mọi người là cứu giúp người, hà là vậy. Cả câu ” triêu du đâu suất mộ yên hà ” có nghĩa là ngày ngày hàng ngày đi du ngoạn đâu đâu chỗ nào cũng có thể đến được và có mặt ở khắp mọi nơi để cứu giúp mọi người vậy dịch như vậy thì mới đúng sát nghĩa bài thơ hơn, và nó có ý liền mạch gắn kết bổ nghĩa cho mấy câu đầu, bài thơ mới có ý xuyên suốt mạch lạc gắn kết chặt chẽ có nghĩa hơn.

- 13.09.2012 vào lúc 5:09 am










http://damau.org/archives/15678

.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.