Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/04/2018

Ngày xuân 2018 ở Phủ Giầy, ngắm lại một bức cuốn thư dâng năm 1918 của Ngô Giáp Đậu

Hôm qua, lễ hội Phủ Giầy đã kết thúc với hội hoa trượng kéo chữ Quốc thái dân an (xem ở đây). Ngày xuân hôm nay, bên thư phòng, vẫn còn đang mải miết chấp bút một bài dài về Mẫu Liễu ở Phủ Giầy. Giữa nhịp, thường ngó nghiêng một chút ra xung quanh.

Lúc này, lúc mình nhìn qua cửa sổ ra con đường chạy trước mặt, tính ngược lên, thì là vừa tròn 100 năm kể từ ngày cụ Ngô Giáp Đậu dâng bức cuốn thư cho Phủ Tiên Hương.

Đó là năm Mậu Ngọ triều vua Khải Định, tức năm 1918. Khi ấy, cụ Ngô giữ chức Đốc học tỉnh Nam Định. Thú nhất là cụ lấy hiệu Tam Thanh, tham gia biên tập nhiều cuốn sách đặc biệt quan trọng. Với Mẫu Liễu, cụ là một đệ tử nhiệt thành.

Cùng năm Mậu Ngọ ấy, thì cụ Phan Bội Châu đã vượt biển từ Trung Quốc sang Nhật Bản, khởi sự việc dựng tấm bia đá lớn tưởng niệm người bạn Asaba ở làng Asaba (xem lại ở đây và ở đây). Lúc ấy, là niên hiệu Đại Chính.

Bây giờ là năm Mậu Tuất, năm 2018. Thời gian tính bằng thế kỉ.

Đại khái một bức ảnh mình chụp cỡ gần 10 năm về trước, bức cuốn thư đó:

Năm 1918, tại Việt Nam (Ngô Giáp Đậu)


Lúc hai mươi tuổi ngước nhìn bức cuốn thư này đã cảm động khôn xiết.

Nhưng phải tới hai mươi năm sau, thì mới có điều kiện viết về tư liệu này.

Mấy năm trước, đã đưa bản phiên âm đó lên không gian mạng, đọc lại như sau (bản phiên dịch của cụ đồ Dương Văn Vượng):

"
Hiện nay, còn thấy cuốn thư gỗ treo ở gian giữa tiền đường Phủ Chính có chữ đề của Tam Thanh Ngô Giáp Đậu (Nam Định đốc học, đậu năm Mậu Ngọ niên hiệu Khải Định – 1918):
Nhất đạo kim bài hạ cửu thiên,
Nam châu thần phả Cát sơn tiên.
Cổ truyền An Thái trung linh địa,
Do ký Dương Hoà hiển thánh niên.
Kinh tạng mặc thông tam muội quyết,
Từ quang phổ tác vạn gia yên.
Phong thanh cố quốc sùng vương mẫu,
Miếu mạo thiên thu hưởng tự quyền
.

(Tạm dịch:
Một thẻ vàng trao chốn cửu thiên,
Cõi nam Vân Cát một người Tiên.
Vẫn rằng Yên Thái nơi quê cũ,
Còn nhớ Dương Hoà nổi tiếng thiêng.
Tam muội làu thông kinh sách quý,
Muôn nhà nhờ cậy khói nhang tôn.
Phong thanh cố quốc nêu Vương Mẫu,
Đền miếu ngàn thu kính lễ truyền
).

Bài thơ của Ngô Giáp Đậu nhắc lại tích chuyện trong tiết vạn thọ của vua cha Ngọc Hoàng, tiên chúa đánh rơi chén ngọc, vỡ mất một góc. Vua cha giận, đuổi xuống đầu thai vào nhà Lê Đức Chính, Trần Thị Phúc Thuần ở thôn Vân Cát, xã An Thái huyện Thiên Bản, sau lấy chồng có con. Niên hiệu Dương Hoà năm thứ 8 (1642), tổ chức thi bách thần, các kiệu của thần khác, từ Tản Viên đến các Thành Hoàng đều không có sự hiển dị, riêng có kiệu Mẫu thì tấm vóc đỏ phủ kiệu bay lên trên trời, rồi hoá ra đám mây năm sắc, giữa đám mây có mảnh gấm đỏ, trên có 4 chữ lớn “Thánh Thọ vô cương” hàng dưới có 6 chữ nhỏ hơn “Mã Vàng Công Chúa tạ ân”. Các chữ này tồn tại từ đầu giờ Thìn đến cuối giờ Ngọ mới tán, thì tấm gấm lại bay từ trên không bay về trùm lên kiệu như cũ.
"
https://dzjao.wordpress.com/2011/04/17/mau-lieu-qua-mot-so-tho-van-co-bai-cua-duong-van-vuong/

http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tim-hieu-lich-su-mau-lieu-qua-mot-so-tho-van-co






Năm 1918, tại Nhật Bản (Phan Bội Châu)




Tháng 4 năm 2018,
Giao Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.