Thượng tọa trụ trì (đã thết chúng tôi bằng cơm chay bữa trưa hôm qua, được kể ở đây), sang tới hôm nay, thì nói rõ ràng rằng: chùa nhà chúng tôi không phải là "không có tam quan, hay cố giữ không có tam quan để trở thành đặc trưng truyền thống" như mấy ông chữ nghĩa ở trung ương, và cánh báo chí luôn chạy hùa theo đuôi, đang ra sức phán rào rào những ngày qua. Mà chỉ đơn giản là, từ mấy trăm năm nay, chùa nghèo xứ heo hút, chưa từng bao giờ có đủ tiền để xây tam quan. Bây giờ mới hội được điều kiện. Thêm nữa, mọi thứ ở bên trong đang được giữ nguyên nhiều đời nay một cách ngoan cố.
Xe không kính, không phải là vì xe không có kính !
Sư cụ trước khi nhắm mắt còn dặn lại thượng tọa trụ trì hiện nay: con cố gắng quyên tập thập phương để dựng được tam quan.
Mong các ông bà đừng suy bụng ta ra bụng bò như vậy.
ngày 12/3/2018
Giao Blog
Dưới là thông tin từ phía báo giới chính thống.
---
TƯ LIỆU
6.
16/03/2018 06:26
TP - Sau bài “Chùa Bổ Đà mới mọc tam quan” trên Tiền Phong số 71 ngày 12/3, phóng viên trao đổi với đại diện Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL để làm rõ hơn về công trình này.
Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà có tam quan mới, TS Nguyễn Hồng Kiên nói đây là “hành động vô minh” bởi nhiều đời nay ngôi chùa này không có tam quan, hà cớ gì bây giờ lại xây mới. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký văn bản đồng ý cho Bắc Giang xây dựng tam quan chùa vào cuối năm 2016. Theo thông tin từ Phòng Quản lý Di tích, Bộ phê duyệt chủ trương dựng tam quan tại thời điểm chùa Bổ Đà vẫn là di tích quốc gia.
Đại diện Phòng Quản lý di tích lí giải, Luật Di sản Văn hóa năm 2001được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”. Trong trường hợp này, Bắc Giang có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét.
Đại diện Cục Di sản Văn hoá phân tích, trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, tam quan là công trình gắn với chùa. Nghiên cứu lịch sử hình thành các di tích cũng cho thấy, rất ít tổng thể di tích được quy hoạch hoàn chỉnh ở một thời kỳ, sản phẩm hiện tại là kết quả của quá trình xây dựng, tu bổ lâu dài, trong đó có việc bổ sung những yếu tố mới để hoàn thiện tổng thể kiến trúc. “Điều này thể hiện diễn biến của di tích, có thể có cả sự tiếp biến văn hóa và theo quy định (luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế) những thành phần di tích có giá trị thuộc nhiều thời kỳ khác nhau đều được tôn trọng”, đại diện Cục Di sản nói.
Ngoài căn cứ về pháp lý và chuyên môn do Cục Di sản thẩm định, Bộ căn cứ trên các nguồn tư liệu khác nhau (đơn thư và lời kể nhân chứng) cho thấy việc xây dựng Tam quan đã được các vị sư tổ chuẩn bị từ khoảng những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, song do điều kiện khách quan như thiên tai, chiến tranh nên chưa thực hiện được.
Nội dung này được Bắc Giang trích dẫn trong thuyết minh về nguyên nhân tu bổ và xây dựng, theo đó phần gỗ định dựng tam quan Bổ Đà được chuyển để dựng tại chùa ở Bắc Ninh và Hải Dương. “Từ những vấn đề trên, có thể nhận thấy việc cho phép xây dựng tam quan chùa Bổ Đà dựa trên căn cứ pháp lý, phù hợp về chuyên môn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng nói.
Tuy nhiên, ngày 14/3 đại diện Cục Di sản lên thực địa chùa Bổ Đà ghi nhận “kiến trúc tam quan đang triển khai thi công không hoàn toàn đúng với hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà đã được Bộ VHTTDL thẩm định tại Công văn số 4401/BVHTTDL-DSVH ngày 31/10/2016”. Theo đó hồ sơ được thẩm định với quy mô mặt bằng ba gian hai chái, nhưng hiện tại công trình được xây dựng với quy mô năm gian, hai chái. Về mẫu tam quan Bổ Đà, Cục Di sản Văn hoá khảo sát trực tiếp tại di tích, mời PGS.TS Trần Lâm Biền cùng tham gia và có góp ý. Sau quá trình thẩm định, Bộ có văn bản đồng ý với phương án nói trên.
5.
Minh Anh (thực hiện) Thứ Năm, ngày 15/03/2018 07:46 AM (GMT+7)
Sự kiện: Chùa Bổ Đà xây cổng tam quan mới
(Dân Việt) Việc xây dựng tam quan chùa Bổ Đà gặp phải những tranh luận trái chiều từ các nhà quản lý, nhà khoa học và những người yêu thích kiến trúc cổ. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Minh Hà- Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang.
Để làm sáng tỏ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích đặc biệt quốc gia chùa Bổ Đà, phóng viên báo Dân Việt có cuộc phỏng vấn với ông Trần Minh Hà- Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang.
Ông Trần Minh Hà- Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang
Tam bảo chùa Bổ Đà
Thưa ông, tờ trình xây tam quan ở chùa Bổ Đà được thực hiện trước khi di tích chưa được công nhận là Di tích gia đặc biệt. Vậy khi xây dựng tam quan, Sở có gửi tờ trình Bộ VHTTDL về việc này không?
- Không. Khi huyện có nhu cầu đề xuất xây cổng tam quan thì có làm tờ trình gửi Sở thẩm định, sau đó chuyển lên Bộ, lúc đó là giữa năm 2016. Bộ đã có công văn trả lời thống nhất cho xây dựng.
Tuy nhiên, việc xây tam quan là nguồn kinh phí xã hội hóa, không thể một lúc có kinh phí ngay được. Sau khi có kinh phí thì huyện tiến hành triển khai. Vì vậy, khi được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt thì không có chuyện xin phép lại.
Như vậy, việc không xin cấp phép lại thì liệu chúng ta đã thực thi đúng Luật Di sản hay chưa?
- Bất kỳ một di tích nào dù được công nhận hay không được công nhận thì trong quá trình sử dụng, phát huy, không thể giữ nguyên trạng mãi được mà phải có sự phát triển, mở rộng và chắc chắn sẽ có những công trình phụ trợ. Chẳng hạn như những đồi cây xung quanh chùa Bổ Đà đang do người dân quản lý.
Từ Tam bảo nhìn xuống tam quan xây mới
Ông lý giải thế nào khi có ý kiến cho rằng việc trổ thêm cửa và xây tam quan là vi phạm vào hành lang di tích?
- Thực tế thì cửa này đã được trổ từ trước, bây giờ xây cổng tam thì xây bậc thềm. Bức tường cũng mới xây lại sau này theo lối của các cụ làm cũ chứ không phải là tường trình đất ngày xưa.
Việc khoanh vùng trùng tu xây dựng nằm trong hành lang rất rộng của di tích, chính vì thế mới phải xin phép, nếu không thì làm gì phải xin phép. Nói thật, chùa ở khu vực hẻo lánh, xa dân nên khâu bảo quản tượng quý và kinh sách rất khó khăn, nếu không làm tốt sẽ rất dễ bị mất cắp.
Cổng được trổ thêm dẫn xuống vườn nhãn nơi xây tam quan mới
- Sẽ đi bằng nhiều cổng, bởi cổng cổ trước đây nhỏ, khi mùa lễ hội, bà con chen chúc đi vào, có khi cả tiếng không vào được tam bảo. Có người lạc bởi những ngóc ngách không biết đường vào, đường ra. Bây giờ mở tam quan, sau tam quan là tam bảo thì thuận lợi cho việc đi lại, chứ nếu nói nó ảnh hưởng đến di tích thì tôi nghĩ là không ảnh hưởng gì nhiều.
Con đường cổ dẫn vào chùa đi qua những dãy tường trình mang dấu ấn thời gian
Về điều ông nói, chúng tôi có thể ví dụ: chùa Tây Phương, chùa Thầy đều không có tam quan và việc xây tam quan nghĩa là vi phạm vào hành lang của di sản?
- Không có tam quan thì người ta có hình thức khác. Tôi thì tôi nghĩ các di tích lịch sử xây nhiều năm và có nhiều đợt trùng tu, bây giờ mới có Luật Di sản còn trước kia làm gì có mà toàn làm theo ý tưởng của sư trụ trì.
Tam quan được xây mới bề thế trước tam bảo
Cổng tam quan xây mới bề thế, đang gấp rút hoàn thiện
Thờ Tam giáo duy nhất chỉ có ở chùa Bổ Đà, nên không thể lấy cái nào thành cái nào mà chùa thì sau tam quan là đến tam bảo, kiến trúc chùa nói chung là như thế. Bất cứ chùa nào cũng vậy, nhưng có thể do địa thế có chùa xây chính giữa, có chùa xây lệch ra một chút. Nếu như xây được tam quan, sau này cảnh quan được hình thành sẽ thấy toàn cảnh đẹp hơn rất nhiều.
Trước khi trùng tu, xây mới Sở và Ban quản lý di tích có tham vấn ý kiến của các nhà khoa học?
Anh Thế Hùng- Cục trưởng Cục di sản có khẳng định với tôi trước khi Cục di sản tham mưu cho Bộ VHTTDL ký thì cũng đã tham khảo các nhà khoa học rồi, còn tham khảo ai, như thế nào thì tôi không biết. Nói chung những kiến trúc nghệ thuật hay những di sản có giá trị lịch sử thì khi trùng tu tôn tạo vẫn phải giữ nguyên và chỉ được phép làm tốt và bền vững hơn thôi, chứ không được làm khác đi.
Đường bậc thang đá dẫn lên chùa Cao trên núi
Chùa Cao trên đỉnh núi
Xin trân trọng cảm ơn ông!
4.
Minh Anh Thứ Hai, ngày 12/03/2018 13:10 PM (GMT+7)
Sự kiện: Chùa Bổ Đà xây cổng tam quan mới
(Dân Việt) Mặc dù Bộ VHTTDL có thỏa thuận đồng ý về việc xây tam quan ở Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Tuy nhiên, việc xây mới cổng tam quan vẫn chưa nhận được sự tán đồng của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và những người yêu kính đạo Phật.
Sau những thông tin về việc xây dựng cổng tam quan được đăng tải, bạn đọc báo điện tử Dân Việt tiếp tục có những ý kiến bức xúc trước việc một địa chỉ văn hóa tâm linh quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng.
Bậc thềm lên chùa
Sự suy đoán này rất có lý vì cũng kết hợp với lịch sử ra đời và trùng tu của chùa qua các triều đại Lý, Trần, Lê- thời đại hưng thịnh của Phật giáo, những thời đại mà Phật giáo là Quốc giáo, Phật giáo làm gốc cho chính sách an dân và xây dựng đất nước... Tu bổ trên tinh thần bảo tồn di tích cổ khi bị hư hoại là cần thiết nhưng phá vỡ giá trị lịch sử của di tích là sự phá hoại! Thật là đau xót đau xót!”.
Nguyên vật liệu được chuẩn bị để cho việc xây dựng cổng tam quan mới.
Có hay không dấu vết tam quan cũ?
Bổ Đà có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ. Ngoài ra, chùa còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự. Đây là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Về nguyên bản, chùa Bổ Đà là một trong số ít những ngôi chùa độc đáo vì không có cổng tam quan. Được coi là một “chốn tổ”, nên việc trùng tu, tôn tạo cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng chứ không thể cẩu thả.
Trả lời báo chí, nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai, người nhiều năm đi lại chùa này, cho biết: “Chùa Bổ Đà có cái hay là nó nhỏ. Bổ Đà vừa là một chùa vừa là một công trình phòng thủ nữa với tường đất xây cao. Nếu muốn xây thêm gì đó thì phải tôn trọng việc giữ tỷ lệ. Xây một cái cổng quá to thì sẽ phá vỡ tỷ lệ đó. Theo tôi, việc xây thêm này rất đáng tiếc vì về mặt thấu thị, thẩm mỹ, nó làm tỷ lệ của chùa cũ bị lệch lạc”.
Theo TS Nguyễn Hồng Kiên, chủ biên cuốn Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu viện Bảo tồn di tích thì một trong những điểm độc đáo của chùa Bổ Đà là ở chỗ “chùa không có tam quan dù có tới hai lớp cổng nối nhau bằng các trình tường bằng đất”. “Mặc dù có nhiều hạng mục công trình, nhưng ở chùa Tứ Ân lại không có tam quan… Lối chính vào khu nội tự nằm phía Tây và phải đi qua hai lớp cổng cách nhau khoảng 50m. Đoạn đường giữa hai cổng rộng khoảng 2m, lát đá sa thạch, hai bên có tường đắp đất cao hơn 2m”- trích trong cuốn “Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu viện Bảo tồn di tích”, trang 211.
Tuy nhiên Đại đức Thích Thanh Vinh - Trụ trì chùa Bổ Đà lại cho biết: "Ngôi chùa này ngày xưa chưa có cổng tam quan chứ không phải không có cổng tam quan. Thời xưa cũng đã làm đất, hệ thống kè gỗ để làm thành cổng, nhưng sau đó do tác động ngoại cảnh mà mất đi những tảng đá ngầm, nơi dự tính xây thành cổng. Giờ đây thì phần bia đó vẫn còn, dù sau khi kháng chiến đã có những đợt đốt đình, đốt chùa nhưng khu vực này vẫn còn.
Vườn tháp chùa Bổ Đà
Trao đổi với chúng tôi xing quanh việc trùng tu, tôn tạo và xây mới tam quan ở chùa Bổ Đà, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Đến thời điểm này không còn bàn cãi về giá trị lịch sử của chùa Bổ Đà, bởi vì chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử đặc biệt. Việc xây dựng bất cứ một cái gì là công trình mới trên không gian của di tích lịch sử nói chúng, đặc biệt là di tích lịch sử đặc biệt thì đều phải có phép tắc. Không có nghĩa cấm tuyệt đối không được xây gì, nhưng nếu muốn xây một cái gì mới cũng phải trên cơ sở luận chứng đầy đủ và phải có phép tắc. Việc này đã được Cục Di sản xin phép Bộ VHTTDL trước khi xây dựng. Lập luận của dòng tu ấy nói rằng cách đây 200 năm có 2 ngôi chùa cùng một thiền phái, dân làng và môn phái muốn xây dựng cổng tam quan thì có một ngôi chùa đã xây xong rồi, nhưng vì nhiều lý do mà Bổ Đà chưa xây được - đấy là câu chuyện từ truyền thuyết để lại, nên các cụ có nguyện vọng muốn xây dựng như mong ước của người xưa. Từ tâm nguyện ấy, Bộ VHTTDL đã có hướng dẫn cụ thể xây dựng và kiến trúc làm sao để phù hợp với cảnh quan".
Từ những ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên liên quan đến cổng tam quan, ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng: “Đúng như ý kiến của TS Nguyễn Hồng Kiên, trước kia chùa không có tam quan, bây giờ có mà lại xuất hiện trong thời điểm vừa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia thì đương nhiên nhiều người sẽ có phản hồi ngay rằng việc làm này liệu có phù hợp với nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng” - một trong những đặc điểm của ngôi chùa này ngoài giá trị về mặt phi vật thể thì vẫn giữ được kiến trúc rất cổ. Luật không cấm, những xây dựng ở chỗ nào, xây như thế nào thì phải được phép”.
Bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị
Phải tổ chức hội thảo trước khi trùng tu
PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Nếu ai đó nói chùa Bổ Đà có cổng Tam quan thì phải có thăm dò, khám xét khảo cổ, phải đào, phải tìm và nghiên cứu kỹ xem có nền móng cũ hay không?. Nếu có thì tốt quá, cứ bám lấy vật liệu, hiện trạng đấy để mà thực hiện, không có vấn đề gì. Còn nếu không có thì phải nghiên cứu cơ sở pháp lý, các điều luật liên quan đến bảo tồn di sản. Mặc dù về lý lẽ theo thời gian cũng có những thay đổi, bổ sung, nhưng bổ sung như thế nào? Trùng tu di tích ở những nơi "nhạy cảm" nên tổ chức những hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia có thẩm quyền để tìm ra phương án tối ưu trên nguyên tắc bảo tồn hiện trạng và trùng tu một cách hợp lý, hợp tình”.
Còn theo KTS Lê Thành Vinh - một chuyên gia bảo tồn, khi trao đổi với báo chí, ông cho rằng: "Khi can thiệp vào di tích phải căn cứ vào kết quả nghiên cứu như di tích khi xếp hạng ra sao, trước đấy nó như thế nào, cái gì từng có. Kể cả trường hợp có thành phần trước đây đã từng có thì giờ làm lại hay không cũng phải cân nhắc. Nếu qua một giai đoạn lịch sử nó đã bị chuyển hóa do quan niệm hay bối cảnh thì cũng cần cân nhắc có nên làm lại không".
KTS Lê Thành Vinh khẳng định: “Việc xây thêm tam quan ở Bổ Đà là không đủ cơ sở khoa học. Họ có nói đến tâm nguyện nhà chùa. Nhưng có hai cái quan trọng nữa là những quy định pháp luật về bảo tồn di tích và cơ sở khoa học. Ý nguyện của dân và chùa là ý kiến tham khảo thôi. Còn thì việc thiết kế, xử lý di tích phải theo luật và cơ sở khoa học. Rõ ràng nếu chỉ đi theo hai ý kiến tham khảo thì không thể làm cơ sở được”, ông Vinh nói.
Vẫn biết, theo thời gian mọi thứ có thể thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, bảo tồn, trùng tu di tích đã được xếp hạng đặc biệt quốc gia thiết nghĩ cũng cần phải cân nhắc đến giá trị lịch sử chứ không chỉ dựa vào truyền thuyết hay nguyện vọng của một bộ phận nhân dân.
http://danviet.vn/van-hoa/chua-bo-da-xay-cong-tam-quan-moi-cac-nha-khoa-hoc-len-tieng-855998.html
3.
Mai An Thứ Bảy, ngày 10/03/2018 19:45 PM (GMT+7)
Sự kiện: Chùa Bổ Đà xây cổng tam quan mới
(Dân Việt) Chùa Bổ Đà (Bắc Giang) nổi tiếng với vẻ u tịch, rêu phong cổ kính. Nhưng thật bất ngờ khi hiện nay, phía mặt trước của chùa mọc lên cổng tam quan mới cứng, xây bề thế, hoành tráng.
Bắc Giang vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, sở hữu một nền văn hóa phong phú, chùa Bổ Đà là 1 trong 2 ngôi chùa nổi tiếng nhất tại đây, cùng với chùa Vĩnh Nghiêm. Chùa Bổ Đà toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà Sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh xưa ).
Được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII), Chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Chùa có tên là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm. Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc.
Tuy nhiên, đến vãn cảnh chùa vào những ngày đầu năm mới này, điều khiến nhiều du khách ngạc nhiên là án ngữ ngay trước mặt chùa là một cổng tam quan mới cứng, đồ sộ, bề thế đang được xây dựng rất rầm rộ. Nhiều du khách cho rằng, việc xây dựng mới một công trình như vậy chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc cũ và phá vỡ sự độc đáo trong kiến trúc của ngôi chùa cổ kính này. Về nguyên bản, chùa Bổ Đà là một trong số ít những ngôi chùa độc đáo vì không có cổng tam quan.
Chùa Bổ Đà được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 22 tháng 12 năm 2016.
Trước cổng tam quan đã xây dựng xong ở phía trong là một công trình đang làm dang dở. (Ảnh chụp ngày 10.3.2018)
Cổng tam quan mới của chùa Bổ Đà rất hoành tráng, mới tinh
Nhìn từ phía trong vườn, công trình này mọc lên với chiều cao án ngữ che khuất cả các dãy nhà phía trong của ngôi chùa.
Vật liệu trang phí dựng khắp nơi trong vườn.
Phần kiến trúc gỗ của cổng tam quan được làm rất chắc chắn, kết từ những thân gỗ to bằng vòng tay người lớn ôm.
Bên trong khu vườn chùa đang ngổn ngang như một công trường xây dựng.
Những người công nhân này cho biết, công trình sẽ được hoàn thiện trước ngày hội chùa Bổ vào rằm tháng Hai âm lịch.
http://danviet.vn/van-hoa/choang-voi-cong-tam-quan-moi-do-so-o-chua-bo-da-reu-phong-co-kinh-855619.html
2.
Minh Anh Thứ Hai, ngày 12/03/2018 07:25 AM (GMT+7)
Sự kiện: Chùa Bổ Đà xây cổng tam quan mới
(Dân Việt) Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc xung quanh về việc trùng tu, tôn tạo và xây mới một số hạng mục ở chùa Bổ Đà - Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia.
Sau khi đăng tải những ý kiến tranh luận xung quanh sự hiện diện của cổng Tam quan, cùng các hạng mục khác đang được thực hiện ở chùa Bổ Đà, trong dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia, chúng tôi đã tiếp cận được với 2 văn bản làm cơ sở cho việc thực hiện dự án này.
Mái chùa cổ kính và khu vườn tháp độc đáo của chùa Bổ Đà. Ảnh Internet
Trong Công văn của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký nếu rõ: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã nhận được Công văn số 1023/DSVH-QLDSVH ngày 23.9.2016 của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, đề nghị thỏa thuận hồ sơ xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (kèm theo hồ sơ Báo cáo kinh tế, kỹ thuật, nhận ngày 24.10.2016). Sau khi xem xét, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau:
Công văn của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký.
-Thỏa thuận Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà (quy mô mặt bằng 03 gian, 02 chái, 02 tầng mái; tầng dưới tường hồi bít đốc, tầng trên 01 gian, 02 chái mái đao).
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến để Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang chỉ đạo cơ quan liên quan công khai nội dung Báo cao để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chính quyền địa phương, trụ trì chùa Bổ Đà trước khi trình phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Cổng ra vào chùa rêu phong cổ kính với những bước tường đất. Ảnh internet
Theo đó, Công văn của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch do Phó Giám đốc Nguyễn Sỹ Cầm ký 31.12.2016 nêu rõ: Ngày 14.11.2016 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận được công văn số 4401/BVHTTDL-DSVH ngày 31.10.2016 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Để việc xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà theo đúng quy định, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị UBND huyện thực hiện một số nội dung sau:
Công văn của Sở VHTTDL Bắc Giang gửi UBND huyện Việt Yên.
1.Thông báo nội dung Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà tại địa phương, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, chính quyền địa phương, trụ trì chùa Bổ Đà trước khi ra quết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật.
2.Lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng và di sản văn hóa, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công trình.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Trần Minh Hà- Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết: "Việc trùng tu, tôn tạo các di tích, Sở lúc nào cũng yêu cầu các địa phương phải thực hiện đúng quy định của nhà nước. Nếu là di tích cấp tỉnh phải có thỏa thuận với Sở. Di tích quốc gia thì phải có Báo cáo với Bộ, chỉ khi có văn bản thỏa thuận mới cho phép triển khai. Nhìn chung là phải thực hiện theo đúng quy trình".
Hiện trạng cổng Tam quan đang được xây dựng
Cụ thể về những ý kiến xung quanh việc xây dựng cổng tam quan ở chùa Bổ Đà, ông Trần Minh Hà cho biết: "Việc này cũng đã được triển khai từ năm 2016, còn về quy hoạch mới được Phó thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương năm 2017. Đề án được Chính phủ cho phép xây dựng và hiện đang được triển khai. Còn việc xây dựng cổng Tam quan là do Ban quản lý Di tích muốn khôi phục lại theo lịch sử. Trước đây đã có cổng Tam quan, nhưng do thời gian và chiến tranh đã bị đổ".
Liên quan đến cổng Tam quan xây mới, nhiều độc giả báo Dân Việt bày tỏ sự ngỡ ngàng về việc xuất hiện một chiếc cổng to đồ sộ trong không gian cổ kính của chùa Bổ Đà.
Bạn đọc Quan Phố cho rằng: "Khi trùng tu, tôn tạo nên tôn trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử như nó đã từng tồn tại cả thế kỷ. Không phải người xưa không đủ điều kiện để xây cổng Tam quan cho một ngôi chùa. Vấn đề nằm ở trong kiến trúc tổng thể, có cần thiết hay không? Hay đó là nét riêng của Bổ Đà? Điều này chắc người xưa đã tính kỹ khi thiết kế xây dựng. Chúng ta cần những giá trị khác biệt, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong dòng chảy chung của sự tồn tại và phát triển Phật giáo Việt Nam. Theo tôi, cái quý và khác biệt ở ngôi chùa này chính là nơi thờ tam giáo. Thêm một khác biệt nữa là không có cổng Tam quan như các chùa cổ khác ở Việt Nam. Có thế chùa Bổ Đà mang giá trị khác. Xây mới cổng Tam quan sẽ chỉ làm phá vỡ lịch sử, kiến trúc để lại".
Bậc cầu thang dẫn lên chùa chính
Bổ Đà có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ. Ngoài ra, chùa còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự. Đây là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Khu vườn tháp chùa Bổ Đà.
Chùa Bổ Đà có gần 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni và được đánh giá là vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam.
Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm mộc bản của các bộ kinh như Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam Hải ký quy.
http://danviet.vn/van-hoa/chua-bo-da-xay-cong-tam-quan-moi-so-vhttdl-bac-giang-noi-gi-855861.html
1.
12/03/2018 06:16
Chùa cổ Bổ Đà mới mọc tam quan
TP - Điểm độc đáo của di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà theo giới nghiên cứu là không có tam quan, tuy nhiên địa phương vừa xây dựng tam quan rất bề thế và chuẩn bị khánh thành.
Biến không thành có
Một số du khách trở lại vãn cảnh chùa Bổ Đà ngạc nhiên thấy tam quan mới, hoành tráng án ngữ tại Bổ Đà. Theo lãnh đạo UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang), tam quan dự kiến khánh thành dịp lễ hội chùa Bổ Đà vào giữa tháng 2 âm lịch này. Ngoài tam quan xây mới toanh, các hạng mục của di tích Bổ Đà vẫn được giữ nguyên. Chùa Bổ Đà được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2016, là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền Kinh Bắc. Đây cũng là trung tâm phật giáo lớn của dòng thiền phái Lâm Tế. Bổ Đà có vườn tháp đẹp và lớn nhất nước. Hệ thống tượng Phật thời Lê bằng gỗ được lưu giữ khá đầy đủ ở đây, cùng với kho di sản Hán-Nôm phong phú như bia đá, hàng trăm cuốn kinh sách trong đó có bộ mộc bản kinh Phật thiền phái Lâm Tế cổ nhất Việt Nam, được khắc vào khoảng năm 1741.
Một trong những điểm độc đáo của chùa Bổ Đà theo TS Nguyễn Hồng Kiên, chủ biên cuốn Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu viện Bảo tồn di tích ở chỗ “chùa không có tam quan dù có tới hai lớp cổng nối nhau bằng các trình tường bằng đất”. “Mặc dù có nhiều hạng mục công trình, nhưng ở chùa Tứ Ân lại không có tam quan… Lối chính vào khu nội tự nằm phía Tây và phải đi qua hai lớp cổng cách nhau khoảng 50m. Đoạn đường giữa hai cổng rộng khoảng 2m, lát đá sa thạch, hai bên có tường đắp đất cao hơn 2m”- trích trong cuốn “Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu viện Bảo tồn di tích”, trang 211.
Được biết, Chính phủ đồng ý chủ trương và giao UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, trình Thủ tướng phê duyệt. Giữa năm 2016, đoàn công tác do lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL lên kiểm tra địa điểm xây dựng tam quan chùa Bổ Đà. Tại thời điểm đó, Cục đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Việt Yên chỉ đạo nhà thầu và BQL Di tích chùa Bổ Đà lựa chọn mẫu cổng Tam quan phù hợp với văn hóa tôn giáo của đạo Phật, hoàn thiện hồ sơ thiết kế phù hợp thực tế và mặt bằng của ngôi chùa.
Vô minh?
“Việc xây dựng tam quan này là hành động vô minh. Bởi, được coi là chốn Tổ, tổ tiên nhiều đời chắc chắn không lơ đễnh đến mức quên không dựng tam quan ở chùa Bổ Đà”. “Làm thêm, làm mới một công trình trước nay di tích không hề có, không thể được coi là trùng tu-tôn tạo, nhất là đây lại là một di tích quốc gia đặc biệt”, TS Nguyễn Hồng Kiên nói. Theo TS Kiên, đồng chủ biên cuốn sách mới được Viện Bảo tồn di tích xuất bản: “Không có tam quan là một giá trị đặc biệt độc đáo của chùa Bổ Đà. Đặc điểm này ở chùa Bổ Đà (và một số ngôi chùa khác) là nét độc đáo không chỉ về kiến trúc, mà cả về tôn giáo tín ngưỡng”.
Theo một số tư liệu để lại, chùa Bổ Đà được xây dựng lại vào thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ 18. Chùa thờ Tam giáo-Quán Thế Âm Bồ tát, Trúc Lâm Tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang) và Khổng Tử. Một số nhà nghiên cứu lo ngại, việc xây mới một số hạng mục ở nhiều di tích đang trong tình trạng khoác lên chiếc áo trùng tu, tôn tạo và tu bổ di tích một cách vô tội vạ.
Xây dựng tam quan Bổ Đà đã được phê duyệt từ trướcTrả lời phỏng vấn Tiền Phong, ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) cho biết, việc xây dựng tam quan tại chùa Bổ Đà đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp phép từ năm 2016, khi đó chùa Bổ Đà còn là di tích lịch sử cấp quốc gia (chưa phải là Di sản lịch sử quốc gia đặc biệt). Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có kinh phí nên công trình phải tạm hoãn.Cũng theo ông Lượng, việc xây tam quan chùa Bổ Đà đã có trong thiết kế từ khi khởi công xây dựng chùa. Việc xây Tam quan là khát vọng của tăng ni, phật tử và nhân dân nơi đây nhằm hiện thực hóa ý tưởng xây dựng một công trình chùa Bổ Đà trọn vẹn. Theo lịch sử, tam quan chùa Bổ Đà đã từng được tiến hành xây dựng tuy nhiên, quá trình vận chuyển gỗ đã bị lũ cuốn khiến cho việc xây dựng tam quan không thực hiện được. Gỗ để dựng tam quan khi đó đã được người dân trục vớt để xây dựng ở hai chùa khác là chùa Đáp Cầu và chùa Yên Ninh cùng thuộc phái Lâm Tế thuộc hạ nguồn sông Cầu. Hiện nay, ở hai ngôi chùa này vẫn còn lưu giữ những cây gỗ được khắc hai chữ “Bổ Đà”.Nguyễn Trường
Nguyên Khánh
https://www.tienphong.vn/giai-tri/chua-co-bo-da-moi-moc-tam-quan-1249287.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.