Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/02/2018

Tiếp câu chuyện tồn tại hơn nửa thế kỉ: làm gì với hai cái Tết, dương lịch và âm lịch (thời điểm 2018)

Riêng chỉ trên không gian blog, thì cũng đã tới cả chục năm cùng một chủ đề này. Cứ đến khoảng đầu mỗi năm (tháng 1 và tháng 2 dương lịch) thì tự nhiên sôi động trở lại. Thật ra, thì đã bắt đầu từ thập niên 1960. Tức cũng đã hơn cả nửa thế kỉ rồi. 

Tính đến đầu năm 2017, thì đã tập hợp ở đây.

Từ đây là bàn luận ở thời điểm năm 2018.

Cập nhật dần.

Tôi đã nêu quan điểm của mình từ hơn 10 năm trước: không bỏ Tết, mà nhập Tết âm lịch vào Tết dương lịch, tức nhập 2 cái Tết vào làm 1 cái Tết duy nhất. Vẫn được nghỉ dài ngày và duy trì các phong tục như cũ.


---





TƯ LIỆU CẬP NHẬT


.

3.

20 THG 2, 2018

Nhân câu chuyện giữ hay bỏ tết, bàn về khả năng níu kéo của quá khứ


Nghe đài xem báo hàng năm thấy thông báo cơ quan quản lý bàn chuyện tổ chức lại giao thông, trong thâm tâm tôi thường không tin, đôi khi thấy buồn cười. Đô thị hậu chiến là cuộc “đổ bộ đại quy mô” của những người xa lạ với thành phố hiện đại, họ hoặc từ chiến trường về, hoặc từ nông thôn lên, sự hỗn loạn tự trong tâm lý con người kéo dài ra cách tổ chức xã hội, hỏi làm sao giao thông mạch lạc hợp lý cho được.

Chuyện giữ hay bỏ tết cũng vậy.

Từ sau 1975 tới nay, ra khỏi chiến tranh với tư cách những kẻ sống sót, chúng ta cứ lấy cái cách sống trong quá khứ làm mẫu, mấy ai có ý nghĩ rằng phải sống khác đi.

Bởi vậy, câu chuyện bỏ tết trung cổ đã được Xuân Diệu kêu gọi từ 1946, hầu như chả ai đả động tới. 

Khoảng ba chục năm nay, trong cuộc hội nhập hết sức hời hợt -- ngoài vay nợ, chủ yếu là bán tài nguyên lấy tiền rồi lo nhập hàng nước ngoài vào để hưởng thụ -- cũng có đôi ba người đã có ý kiến nên bỏ tết truyền thống: theo chỗ tôi nhớ nổi nhất có mấy vị ông Võ Tòng Xuân, ông Lê Đăng Doanh bà Phạm Chi Lan... Nhưng rồi họ chỉ chuốc lấy những lời chế giễu từ đám đông những người đang háo hức làm lại cuộc đời và truy lĩnh niềm vui sống sau chiến tranh. Bộ phận quản lý xã hội hôm nay cũng cùng trình độ với đa số làm nên đám đông ấy, nên nếu có dửng dưng cũng không phải chuyện lạ.

Trong bài này, tôi không tính chuyện bàn nên giữ hay bỏ Tết mà chỉ muốn thử cắt nghĩa tại sao cái cảm quan về tết cổ truyền sâu nặng đến vậy do đó mọi lời kêu gọi bỏ tết thường rơi vào im lặng nhanh chóng đến vậy.

1. Xét trên nét lớn, xã hội VN cho tới ngày nay căn bản là một xã hội nông nghiệp cổ truyền, cuộc sống có được tổ chức lại theo nghĩa hiện đại, sau khi người Pháp có mặt. Nhưng từ sau 1945, bắt đầu chiến tranh thì cái hướng chủ đạo là quay về như cũ. 

Tiếp sau chiến tranh, công cuộc hiện đại hóa lần thứ hai được khởi động một cách rề rà chậm chạp. Người ta sống trong sự tự tin có thừa “đã đánh Mỹ được thì làm gì cũng được” rồi cứ bảo nhau ang áng mà làm. 

Quá khứ tiếp tục đóng vai níu kéo mà các tập tục cũ là nhân tố nằm sâu trong tâm lý cộng đồng nên khó cưỡng.

Trong thực tế chưa bao giờ cộng đồng Việt hôm nay định tìm tới một quan niệm hợp lý về xã hội hiện đại, kèm theo những cách định hướng tối thiểu nhằm trả lời câu hỏi "muốn trở thành xã hội hiện đại chúng ta phải tự thay đổi như thế nào". 

Tết lấp đầy cái khoảng trống mà việc thiếu định hướng để lại. Không thể có cách ăn tết khác chừng nào cả xã hội vẫn chưa thấy cần đổi khác.

2. Đi vào một khía cạnh cụ thể của tết mà ta thường bỏ qua: bên cạnh những nét tốt đẹp mà ta đã nói với nhau thì Tết VN còn là tết xả láng, tết khoe của, tết phá hoại môi trường. 

Chúng ta quá nghèo cuộc sống no đủ luôn luôn ngoài tầm tay với, nghèo đến mức chỉ mong tết đến, may ra mới được no đủ.

Nhưng trước đó do cuộc sống quá nghèo nên một nhịp điệu sống hợp lý không được hình thành.
Làm thế nào để vượt lên cuộc sống trì trệ chậm chạp thời xưa; phải thay đổi cách sống cách nghĩ ra sao để có thể tiếp nhận được những kinh nghiệm của một thế giới hiện đại;làm lại mình ra sao để vừa phát triển vừa bảo vệ được môi trường và do đó là bảo đảm cuộc sống cho các thế hệ tương lai những câu hỏi ấy và nhiều câu hỏi thiết cốt khác đến nay gần như chưa được đặt ra một cách nghiêm túc thì hòng chi có được câu trả lời thích hợp.

Cũng vì hiếm khi no đủ và đã làm đủ mọi cách mình biết mà vẫn không no đủ, nên trong chúng ta sinh ra một chút hư vô “Hãy tùy nghi hưởng tết” “Đói giỗ cha no ba ngày tết”. Câu tục ngữ ấy không chỉ nói về tình trạng đói kém mà còn mở ra một nguyên lý: khi lo tết người ta có quyền làm tất cả Những gì ngày thường không được phép thì tết được phép. Từ đó sinh ra một tình trạng hỗn hào trong dịp tết. Thơ Tú Xương có câu “Cũng liều bán váy chơi xuân” là với nghĩa ấy. 

Có người sẽ vặn lại sao anh nói lạ thế, nay chúng ta có nghèo nữa đâu, tôi xin trả lời ngay rằng sự giàu hiện nay với đa số là giàu giả tạo là giàu không có nền tảng chắc chắn. Và bằng chứng của sự nông nổi ấy là cái tâm lý ăn tết theo kiểu kẻ nghèo hôm qua vẫn theo ta chưa biết bao giờ mới dứt. 

Nếu được nói quá lên một chút, tôi muốn nói trong tâm lý đám đông những người dân thường hiện nay đang âm thầm tồn tại một cái nhìn không mấy sáng sủa về tương lai. Trong sản xuất, người mình đến cái đinh vít không làm nổi. Không chỉ chiếc xe ta đi, cái ipad ta sử dụng để ríu ra ríu rít gọi nhau làm ăn và thường xuyên chụp ảnh làm đẹp lòng mình, mà đến cả lúa gạo thịt cá mấy bông hoa mấy thứ mỹ phẩm... chúng ta cũng dùng hàng ngoại. Trên thị trường toàn quốc ngày càng thấy sự có mặt của các công ti nước ngoài, họ không muốn làm công nghiệp nữa mà nhẩy vào lĩnh vực thương nghiệp, chỉ thiếu điều họ bảo thẳng rằng đến việc phân phối các anh cũng không làm nổi bán hàng cho nhau cũng ăn bớt ăn xén của nhau vô tội vạ thì còn làm chủ nỗi gì. Giáo dục càng cải cách càng thấy không ai hiểu giáo dục thực chất ra sao, con người tương lai ra sao, lớp trẻ mà nhà trường đào tạo chỉ săn tìm những cái hư hỏng trong khi ngày càng xa lạ với những gì tốt đẹp của thế giới. Một tình trạng tuyệt vọng như sương khói lờ mờ bao trùm, không ai nói ra nhưng ai cũng cảm thấy. “Hưởng được cái gì thì hưởng đi”, “hãy sống gấp đi”, những lời kêu gọi ấy âm thầm len lỏi trong tâm trí mọi người và vang lên trong mọi lời ca tiếng hát, trở thành một trong những nội dung được mọi phương tiện truyền thông cổ vũ. Trong việc cổ vũ cho sự sống gấp, người ta luôn luôn vận dụng đến tập tục thói quen, và nhăm nhăm bảo nhau cứ xưa làm thế nào thì nay thế vậy. Nói như các cụ ngày xưa, thật là vẽ đường cho hươu chạy. 

Đã nhiều lần trong tôi nẩy ra cái ý tưởng phải bàn nhau bỏ tết, thay đổi cách ăn tết. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy ngại. “Bỏ tết ư, sao anh cổ hủ thế, sao anh lẩm cẩm thế” -- chưa nói trong tôi đã thấy vang lên những lời phản bác như vậy, nên đành nói theo mọi người. Vâng, không thể bỏ tết! không thể bỏ tết! chỗ thân tình ta cứ nói thẳng với nhau một lần cho xong, chứ câu chuyện bỏ tết khó nghe quá, lọt tai sao nổi, có đến mùng thất dân mình mới chịu bỏ tết.

http://vuongtrinhan.blogspot.com/2018/02/nhan-cau-chuyen-bo-tet-ban-ve-suc-manh.html

2.

Tranh luận ‘gộp Tết ta vào Tết tây’: Bỏ quên điều... then chốt

 - Khi bàn về một quyết định hệ trọng như vậy, chúng ta không thể không tham chiếu khung pháp lý hiện hành. 
Ý tưởng bỏ Tết Nguyên đán được GS. Võ Tòng Xuân đề xuất cả chục năm trước đã mở ra một cuộc tranh luận kéo dài cho đến nay. Các bên tán đồng hay phản đối đều đưa ra những lý lẽ “có vẻ rất thuyết phục” dưới vô vàn góc độ: kinh tế, an ninh xã hội, an toàn giao thông, truyền thống văn hóa... 
Tôi không phủ nhận hoàn toàn ý kiến của cả hai bên, chỉ xin lưu ý, khi bàn về một quyết định hệ trọng như vậy, chúng ta không thể không tham chiếu khung pháp lý hiện hành. 
Sự nhầm lẫn trong khái niệm “Tết cổ truyền dân tộc/quốc gia” 
Trong các cuộc tranh luận hiện nay cả trên báo chí và mạng xã hội, khái niệm “Tết Nguyên đán”, thường được gọi là “Tết ta” để phân biệt với Tết Dương lịch là “Tết tây”, luôn mặc nhiên được hiểu là “Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia Việt Nam”. Thực ra, đây là một cách hiểu không đầy đủ. 
Việt Nam là quốc gia đa tộc người, và các cộng đồng tộc người hiện vẫn sử dụng nhiều hệ lịch pháp, với những điểm khởi đầu của năm mới (Tết) khác nhau. Tết Nguyên đán chỉ là điểm khởi đầu năm mới của hệ lịch pháp chúng ta vẫn quen gọi là “âm lịch”, vốn được dùng phổ biến ở nhiều tộc người phương Đông từ mấy ngàn năm qua. 
Theo cố GS. Trần Quốc Vượng, cách gọi “âm lịch” như thói quen xưa nay của người Việt mới chỉ “phản ánh đúng một nửa bản chất” của hệ lịch pháp này. Ông cũng cho rằng, xét về mặt nào đó, hệ lịch pháp này có nhiều điểm ưu việt hơn Dương lịch của phương Tây, vì nó có sự kết hợp giữa chu kỳ của cả mặt trăng và mặt trời. Vì thế, ông luôn gọi đầy đủ đó là “âm dương hợp lịch”.  
Tết Mậu Tuất 2018, Tết Nguyên đán cổ truyền, Tết ta, Tết tây, Hiến pháp, Di sản văn hóa phi vật thể, Dân tộc thiểu số
Cuộc tranh luận về việc có nên bỏ Tết ta vẫn chưa có hồi kết. Ảnh minh họa: Phạm Hải
Mặc dù được đánh giá là hợp lý và có sức sống lâu bền như vậy, nhưng “âm dương hợp lịch” vẫn không hẳn là lịch pháp bao trùm của dân tộc/quốc gia. Hệ lịch này chỉ có ở các tộc người chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hán. Tại Việt Nam, hiện nay cũng chỉ có khoảng trên dưới 20 tộc người sử dụng “âm dương hợp lịch”: Kinh, Mường, Hoa, Tày, Nùng… 
Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến sử dụng hệ lịch riêng, mỗi năm có 365 ngày nhưng chia thành 10 tháng; mỗi tháng 3 tuần, mỗi tuần 12 ngày, ứng với 12 con giáp; 5 ngày còn lại tính vào những ngày lễ tết. Hà Nhì là tộc người cho đến nay vẫn sử dụng phổ biến hệ lịch này, và năm mới của họ bắt đầu vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 của “âm dương hợp lịch”. 
Người H’mông cũng lịch riêng, và năm mới của họ bắt đầu vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 của âm dương hợp lịch... 
Ở duyên hải Nam Trung bộ, cộng đồng người Chăm đều theo lịch Sakawi Ahiér, coi lễ hội Rija Nagar, được tổ chức vào khoảng tháng 4 Dương lịch, là thời điểm tiễn đưa năm cũ đón mừng năm mới. Cũng trong khoảng thời gian này, đồng bào Khmer Nam bộ cũng tổ chức đón năm mới thông qua lễ hội  Chol Chnam Thmay. 
Riêng các tộc người thiểu số tại chỗ khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên cho đến trước 1975 không có tục đón Tết mừng năm mới. Họ không có hệ thống lịch pháp được văn bản hóa mà chủ yếu dựa theo mùa rẫy và sự vận hành đắp đổi của tuần trăng. Hàng năm, sau khi thu lúa rẫy, hầu hết các tộc người đều tổ chức lễ Mừng lúa mới và bắt đầu vào mùa Ning nơng, kéo dài từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau – theo âm dương hợp lịch. Đó cũng chính là thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới, nhưng không có một ngày Tết cụ thể. 
Như vậy, Tết Nguyên đán hay “Tết ta” theo thói quen vẫn gọi hiện nay chỉ là Tết của tộc người Kinh và các tộc người sử dụng “âm dương hợp lịch” chứ không thể coi là Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia. Trên thực tế, không có một “Tết cổ truyền” chung cho cả 54 cộng đồng tộc người ở Việt Nam. 
“Ăn Tết”, nhìn từ các Công ước Quốc tế... 
Theo Điều 2, Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (thông qua tháng 10/2003), các di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ được hiểu theo nghĩa rất rộng: từ các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt đến tri thức, kỹ năng được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, được không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục. Tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội là một trong các hình thức thể hiện di sản văn hóa phi vật cần bảo vệ đó. 
Còn theo Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO (thông qua tháng 10/2005), “đa dạng văn hóa là một đặc tính của nhân loại, là di sản chung của nhân loại, cần được tôn vinh và bảo vệ vì lợi ích của tất cả mọi người... Đa dạng văn hóa, phát triển mạnh mẽ trong môi trường dân chủ, khoan dung, công bằng xã hội và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc và các nền văn hóa, là yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình và an ninh ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.”  
Công ước nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đối với sự gắn kết xã hội và khẳng định “sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, bao gồm cả các biểu đạt văn hóa truyền thống, là một yếu tố quan trọng cho phép các cá nhân và các dân tộc thể hiện và chia sẻ ý tưởng và giá trị của mình với những cá nhân và những dân tộc khác.” 
Công ước cũng lưu ý về “tầm quan trọng của sức sống của các nền văn hóa, kể cả đối với những người thuộc các dân tộc bản địa và thiểu số, thể hiện ở sự tự do sáng tác, phổ biến và phân phối các biểu đạt văn hóa truyền thống của họ, và việc tiếp cận chúng để hưởng thụ vì sự phát triển của chính họ”. 
Cả 2 Công ước trên đây đều là sự cụ thể/chi tiết hóa Tuyên ngôn Nhân quyền (1948), Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (1966), Công ước quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (1966) của Liên hợp quốc. Tư tưởng của các công pháp quốc tế trên đây cũng chính là những cơ sở để Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tham chiếu, hoàn thiện và ban hành Hiến pháp 2013 và các bộ luật liên quan trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.  
 Tết Mậu Tuất 2018, Tết Nguyên đán cổ truyền, Tết ta, Tết tây, Hiến pháp, Di sản văn hóa phi vật thể, Dân tộc thiểu số
Người H’mông cũng có tết riêng. Ảnh minh họa: Lã Anh/ Báo Giao thông
...Và Hiến pháp, Luật Di sản Văn hóa Việt Nam 
Cho dù chiếm tới hơn 86% dân số của cả nước, người Kinh cũng vẫn không phải là chủ nhân duy nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Tính từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Hiến pháp Việt Nam đã trải qua 4 lần sửa đổi, nhưng bao giờ cũng có ít nhất một điều khoản nhấn mạnh đến vị thế đồng chủ thể quốc gia, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các tộc người thiểu số. Mới đây nhất, Điều 5 - Hiến pháp 2013 chỉ rõ: 
“1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.” 
Cũng từ các căn cứ pháp lý quốc tế và Hiến pháp 2013, ngày 23/07/2013, Quốc hội đã ban hành quyết định hợp nhất Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 trong một văn bản Luật mới. Khoản 1, Điều 4, bộ Luật này đưa ra định nghĩa: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. 
Các khoản mục trong Điều 8 và Điều 9 của Luật Di sản Văn hóa 2013 cũng khẳng định các nội dung quan trọng: (i) Mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được bảo vệ và phát huy giá trị; (ii) Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Chủ sở hữu di sản văn hóa có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 
'Tết' của các dân tộc khác cũng cần được bảo vệ 
Căn cứ vào các Công ước quốc tế, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (2013) và Luật Di sản Văn hóa (2013) có thể khẳng định mấy điểm then chốt. 
Thứ nhất, tất cả các tộc người đang sinh sống trên lãnh thổ nước ta đều có quyền ngang nhau trong các thực hành văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa từ thế hệ đi trước, bao gồm cả lịch pháp và các tri thức về sự dịch chuyển của vũ trụ/tự nhiên/và xã hội trên dòng thời gian. 
Thứ 2, Tết Nguyên đán chuyển tải nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và có nhiều ý nghĩa xã hội đối với các tộc người sở hữu nó. Vì thế, hoàn toàn có thể khẳng định đó là một di sản văn hóa phi vật thể của người Kinh và các cộng đồng tộc người theo âm dương hợp lịch. Và do vậy, Tết Nguyên đán cần được bảo vệ theo tinh thần của các Công ước quốc tế cũng như khuôn khổ pháp lý hiện hành. 
Thứ 3, xét dưới góc độ văn hóa, lịch sử và ý nghĩa xã hội, phong tục/tập quán tiễn đưa năm cũ/đón mừng năm mới của tất cả các tộc người thiểu số đang sinh sống trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam đều là những di sản văn hóa phi vật thể, cần được bảo vệ như Tết Nguyên đán của các tộc người theo âm dương hợp lịch. 
TS. Mai Thanh Sơn, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 
Mời độc giả đón đọc tiếp Phần hai: Lời giải nào cho cuộc tranh luận “Bỏ hay giữ Tết ta?
Tết Hà Nội và những điều không bao giờ cũ

Tết Hà Nội và những điều không bao giờ cũ

Cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng có những điều quen thuộc của Tết Hà Nội vẫn chẳng hề thay đổi.
Tết xong là mệt mỏi “lết” vào năm mới

Tết xong là mệt mỏi “lết” vào năm mới

Dịp Tết cũng là dịp cho một số nhà giàu khoe của với cây mai tiền tỉ, với cành đào tiền triệu, với dưa hấu khối vuông bạc triệu, với quà cáp biếu xén để hợp thức hóa tham nhũng bằng chiêu bài tình nghĩa, có trước có sau.
Gộp Tết cũng chẳng giúp được người Việt thay đổi nếu…

Gộp Tết cũng chẳng giúp được người Việt thay đổi nếu…

Bản chất của vấn đề làm cho đất nước giàu mạnh, văn minh không nằm trong chuyện chuyển đổi lịch thuần túy.
Nước Nhật giàu mạnh đâu bởi vì bỏ lịch Âm, ăn Tết Tây

Nước Nhật giàu mạnh đâu bởi vì bỏ lịch Âm, ăn Tết Tây

Sự giàu mạnh, văn minh của Nhật Bản có được là nhờ tác dụng cộng hưởng của nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện đổi lịch.
Cuộc đời chỉ một lần, sao phải "khổ nhục vì Tết"?

Cuộc đời chỉ một lần, sao phải "khổ nhục vì Tết"?

Cuộc đời chỉ có một lần, thời gian sống sẽ trôi qua vù vù, nếu không sống theo ý mình, năm tháng sẽ trôi vuột đi. Hãy dũng cảm sống theo ý mình muốn mới đúng là Vui Như Tết.
Vò đầu bứt tai với các "sứ mệnh" ngày Tết

Vò đầu bứt tai với các "sứ mệnh" ngày Tết

Ngày nay, cuộc sống no đủ hơn nhưng kỳ lạ thay người ta dường như sợ hãi khi nghĩ về Tết. Tại sao thế?

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/tranh-luan-gop-tet-ta-vao-tet-tay-bo-quen-dieu-then-chot-428615.html




Bỏ hay giữ ‘Tết cổ truyền’: Một góc nhìn khác

 - Tết Nguyên đán chỉ là di sản của riêng người Kinh và các tộc người sử dụng âm dương hợp lịch, không phải của chung tất cả các tộc người Việt Nam, không liên quan đến truyền thống văn hóa các tộc người đang sử dụng các hệ lịch pháp khác. 
Trong Phần 1 bài viết này, người viết đã chỉ ra một vấn đề căn cốt chưa được đề cập đến trong cuộc tranh luận bỏ hay giữ Tết ta hiện nay, đó là các công ước quốc tế và khung pháp lý hiện hành. Có thể nói, sự nhận thức về “Tết” và “thực hành văn hóa Tết” ở nước ta hiện nay cơ bản còn nhiều điểm bất cập. Xuất phát từ góc nhìn của tộc người chiếm đa số trong cả nước, từ lâu Chính phủ đã mặc nhiên coi Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia; và việc cả nước được nghỉ làm việc vào dịp Tết Nguyên đán là đương nhiên. 
Không chỉ dừng ở đó, chính quyền nhiều địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc còn vận động đồng bào các tộc người Hà Nhì và H’mông bỏ Tết cổ truyền để ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Chính vì thế, một số công chức/viên chức/lao động trong các công ty/doanh nghiệp là người Hà Nhì và người H’mông sống xa nhà, muốn đón năm mới cùng gia đình theo truyền thống cha ông sẽ phải xin nghỉ phép. 
Ở khu vực người Chăm và người Khmer tuy không có tình trạng vận động đồng bào ăn Tết theo người Kinh, nhưng vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các cán bộ người Chăm, người Khmer muốn được đón năm mới trọn vẹn cùng gia đình cũng buộc phải nghỉ phép chứ không có chế độ riêng. Đến khi người Kinh và các tộc người theo âm dương hợp lịch ăn Tết Nguyên đán, các tộc người còn lại chỉ coi đó là những ngày nghỉ bình thường, không hề có ý nghĩa văn hóa hay tâm linh.  
Tết Mậu Tuất 2018, Tết Nguyên đán cổ truyền, Tết ta, Tết tây, Hiến pháp, Di sản văn hóa phi vật thể, Dân tộc thiểu số
Đường phố Hà Nội được trang hoàng dịp Tết. Ảnh: Zing.vn
Nhìn từ góc độ cộng đồng, các nhà trí thức, báo giới và các Facebooker hiện đang có 2 xu hướng trái ngược: “Bỏ” hay “Giữ” Tết Nguyên đán. Cuộc tranh luận trên mạng xã hội trong những ngày giao mùa đang ngày càng trở nên sôi nổi, nhưng phía Nhà nước chưa hề đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào. Cá nhân tôi không muốn tham gia vào cuộc tranh luận rất khó phân thắng bại này, chỉ xin đưa ra một vài ý kiến để khép lại bài viết này. 
Thứ nhất, việc viện dẫn các lý do liên quan đến hội nhập quốc tế hay kinh nghiệm Nhật Bản để bỏ Tết Nguyên đán chưa thực sự thuyết phục. Ngay cả người Nhật, sau hơn một thế kỷ bỏ Tết Nguyên đán, hiện cũng đang có những người muốn phục hồi lại truyền thống này [1]. 
Các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Tết. Việc quản lý xã hội là trách nhiệm chung của nhà nước, cộng đồng và gia đình. Sự kết hợp giữa các bên liên quan dựa trên các quy định của luật pháp để khắc phục tình trạng đó là điều tối quan trọng. 
Thứ 2, theo quy định của Hiến pháp, các tộc người thiểu số đều là đồng chủ thể quốc gia. Với tư cách là chủ thể văn hóa tộc người, họ có các quyền bình đẳng với chủ thể văn hóa tộc người Kinh. Phong tục/tập quán tiễn đưa năm cũ/đón mừng năm mới của các tộc người không ăn Tết Nguyên đán cũng phải được xem là những di sản văn hóa phi vật thể. Người dân các tộc người thiểu số có trách nhiệm chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa và di sản mà cha ông để lại, và nhà nước có nghĩa vụ hỗ trợ/hoặc tạo điều kiện để họ thực hiện trách nhiệm nặng nề đó.  
Tết Mậu Tuất 2018, Tết Nguyên đán cổ truyền, Tết ta, Tết tây, Hiến pháp, Di sản văn hóa phi vật thể, Dân tộc thiểu số
Người Tây Nguyên tổ chức lễ Mừng lúa mới và bắt đầu vào mùa Ning nơng, kéo dài từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau – theo âm dương hợp lịch. Ảnh: Báo Gia Lai
Thứ 3, Tết Nguyên đán chỉ là di sản của riêng người Kinh và các tộc người sử dụng âm dương hợp lịch, không phải của chung tất cả các tộc người Việt Nam, không liên quan đến truyền thống văn hóa các tộc người đang sử dụng các hệ lịch pháp khác. Việc Nhà nước “quốc gia hóa” Tết Nguyên đán rõ ràng là sự áp đặt khiên cưỡng, có biểu hiện của tư tưởng “dân tộc lớn”, chưa thực sự phản ánh đúng tinh thần được quy định trong Công ước “Về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể” và Công ước “Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa” và Hiến pháp hiện hành. 
Thứ 4, nếu đã coi phong tục tiễn đưa năm cũ/đón mừng năm mới của tất cả các tộc người đều là di sản văn hóa phi vật thể, Nhà nước cần có chính sách chung cho việc bảo tồn, tránh tình trạng như hiện nay: trong dịp Tết Nguyên đán của người Kinh và các tộc người theo âm dương hợp lịch, tất cả người lao động đều được nghỉ; trong khi đó, các tộc người khác không được nghỉ trong dịp lễ hội đón năm mới của mình. Để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực hiện Luật Di sản Văn hóa, chính quyền các địa phương miền núi phía Bắc cần chấm dứt ngay cuộc vận động người Hà Nhì, người H’mông bỏ Tết cổ truyền, ăn theo Tết Nguyên đán. 
Thứ 5, khi đã không coi Tết Nguyên đán là “Tết cổ truyền của dân tộc/quốc gia”, Nhà nước sẽ không còn lý do để đóng cửa các công sở, các nhà máy/xí nghiệp trong những ngày giao thời của âm dương hợp lịch. Ngày nay, Dương lịch đã được coi là phương tiện tính đếm thời gian trên phạm vi quốc gia, chế độ nghỉ cuối năm nên theo thông lệ quốc tế. Việc bảo tồn di sản văn hóa Tết hoàn toàn được trao cho các cộng đồng sở hữu. Cá nhân nào muốn tham gia, cần xin nghỉ phép theo chế độ hiện hành. Quy định này có hiệu lực đối với tất cả các cộng đồng tộc người trên phạm vi cả nước, không phân biệt đa số hay thiểu số. 
Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo cho quá trình vừa hội nhập/phát triển bền vững, vừa bảo tồn được truyền thống văn hóa của các tộc người trong khuôn khổ dân tộc/quốc gia.  
TS. Mai Thanh SơnViện Khoa học xã hội vùng Trung bộ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
----
[1] Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki: Nhiều người Nhật muốn khôi phục Tết Nguyên đán, Báo Lao động, 01/02/2014.
Tết xong là mệt mỏi “lết” vào năm mới

Tết xong là mệt mỏi “lết” vào năm mới

Dịp Tết cũng là dịp cho một số nhà giàu khoe của với cây mai tiền tỉ, với cành đào tiền triệu, với dưa hấu khối vuông bạc triệu, với quà cáp biếu xén để hợp thức hóa tham nhũng bằng chiêu bài tình nghĩa, có trước có sau.
Gộp Tết cũng chẳng giúp được người Việt thay đổi nếu…

Gộp Tết cũng chẳng giúp được người Việt thay đổi nếu…

Bản chất của vấn đề làm cho đất nước giàu mạnh, văn minh không nằm trong chuyện chuyển đổi lịch thuần túy.
Nước Nhật giàu mạnh đâu bởi vì bỏ lịch Âm, ăn Tết Tây

Nước Nhật giàu mạnh đâu bởi vì bỏ lịch Âm, ăn Tết Tây

Sự giàu mạnh, văn minh của Nhật Bản có được là nhờ tác dụng cộng hưởng của nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện đổi lịch.
Cuộc đời chỉ một lần, sao phải "khổ nhục vì Tết"?

Cuộc đời chỉ một lần, sao phải "khổ nhục vì Tết"?

Cuộc đời chỉ có một lần, thời gian sống sẽ trôi qua vù vù, nếu không sống theo ý mình, năm tháng sẽ trôi vuột đi. Hãy dũng cảm sống theo ý mình muốn mới đúng là Vui Như Tết.
Tết, lúc người Việt… khiếm nhã nhất

Tết, lúc người Việt… khiếm nhã nhất

Thói quen quan tâm tới cuộc sống cá nhân của người Việt có thể thành khiếm nhã, thể hiện rõ nhất trong dịp Tết.
Người Việt đang thay đổi lối ăn Tết truyền thống

Người Việt đang thay đổi lối ăn Tết truyền thống

Chơi Tết đã và đang làm một bộ phận dân cư người Việt tự. . . chuyển biến phong tục Tết cố hữu hàng thiên niên kỷ.

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/bo-hay-giu-tet-co-truyen-mot-goc-nhin-khac-428616.html



1.




Chủ tịch FPT làm tế lễ trời đất cầu phúc lành

Thanh Tùng - Đức Anh | 
Chủ tịch FPT làm tế lễ trời đất cầu phúc lành

Thông tin từ FPT cho hay, sáng nay 9/2/2018, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cùng lãnh đạo các công ty thành viên đã thực hiện nghi thức Tế lễ đất trời nhằm báo cáo kết quả đạt được năm qua, cầu mong những điều tốt lành, may mắn trong năm mới.

Theo thông tin từ trang tin của FPT, từ 8h sáng nay, lãnh đạo tập đoàn và các công ty thành viên cùng người FPT đã có mặt tại sảnh tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, để tham gia lễ tế trời đất.
Ngay sau phần lễ, các CBNV di chuyển đến Trung tâm Văn hóa Thanh Xuân, Hà Nội, để tham gia phần hội của Hội làng diễn ra lúc 9h30 cùng ngày.
Lễ tế trời đất là một phần không thể thiếu của Hội làng truyền thống FPT. Đây là phần mở màn cho Hội làng diễn ra tại sảnh 0 tòa nhà FPT Cầu Giấy với nghi lễ dâng hương của các lãnh đạo FPT để cầu chúc thịnh vượng, thanh bình và may mắn.
Chủ tịch FPT làm tế lễ trời đất cầu phúc lành - Ảnh 1.

Mở đầu cho không khí thiêng liêng của buổi lễ tế trời đất, ông Trương Quý Hải, Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, người dẫn tế của buổi lễ, đã đọc bản báo cáo tình hình kinh doanh của FPT trong năm 2017 và cầu cho năm mới 2018 sẽ an lành, phát tài và hạnh phúc.
Chủ tịch FPT làm tế lễ trời đất cầu phúc lành - Ảnh 2.
Lễ tế trời đất là một phần không thể thiếu của Hội làng truyền thống FPT. Đây là phần mở màn cho Hội làng diễn ra tại sảnh 0 tòa nhà FPT Cầu Giấy với nghi lễ dâng hương của các lãnh đạo FPT để cầu chúc thịnh vượng, thanh bình và may mắn.
Chủ tịch FPT làm tế lễ trời đất cầu phúc lành - Ảnh 3.
Dẫn đầu đoàn tế lễ là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cùng TGĐ Bùi Quang Ngọc, PTGĐ Đỗ Cao Bảo và thành viên Hội đồng Sáng lập FPT Lê Quang Tiến cùng lãnh đạo của các công ty thành viên.
Chủ tịch FPT làm tế lễ trời đất cầu phúc lành - Ảnh 4.
Buổi lễ tế trời đất thu hút sự tham dự của hơn 100 CBNV FPT. Ai cũng mong muốn được tham gia vào không khí thiêng liêng của buổi lễ để cầu mong những điều tốt lành cho năm mới.
theo ICTNews
http://soha.vn/chu-tich-fpt-lam-te-le-troi-dat-cau-phuc-lanh-20180210180533922.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.