Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/01/2018

Ngắm kĩ thêm dung nhan hoàng đế Quang Trung (đọc chậm tư liệu Nguyễn Duy Chính) - 2

Viết dần từ 9/1/2018

Một bức tranh có miêu tả đoàn sứ An Nam với trưởng đoàn là quốc vương Quang Bình trong lễ mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi, do họa sĩ nhà Thanh vẽ vào dịp đó (năm 1790), sau khắc in thành sách (nằm trong một bộ sách lớn có rất nhiều tranh), đã được Nguyễn Duy Chính giới thiệu và phân tích trong bài (tức bài "Đã tìm ra chân dung vua Quang Trung ?" trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 4 năm 2017).

Trong bức tranh ấy, theo Nguyễn Duy Chính thì có thấy hình ảnh của quốc vương Quang Bình (nguyên văn ông viết: "trong đó có cảnh vua Quang Trung cùng vương công đón hoàng đế hồi loan." - hoàng đế ở đây là vua Càn Long).

Bác Chính thì sử dụng bản tranh in khắc gỗ mà có màu.

Cũng trang tranh đó, hiện tôi mới chỉ có tư liệu đen trắng (tranh in khắc gỗ nhưng không có màu). Xem trích đoạn ở dưới (tạm thời sử dụng "in khắc gỗ" ở đây, kiểm tra lại sau).

Một đoạn tranh được trích ra từ quyển 78
trong bộ sách lớn Bát tuần vạn thọ thịnh điển in khắc gỗ
(tạm thời để dung lượng nhỏ)


1. Bức tranh in khắc gỗ có màu được giới thiệu trong bài của Nguyễn Duy Chính, với chú giải của ông, sẽ được đưa lại ở dưới (gồm cả nguyên lời chú giải). Gồm toàn cảnh và các trích đoạn.


Toàn cảnh
"
Vua Quang Trung cầm đầu phái đoàn vương công đại thần đón vua Càn Long hồi kinh ngày 12 tháng Tám. [không rõ tác giả, hoàn tất năm 1797]. Nguồn: China: The Three Emperors (1662-1795), tr. 77.
"


Trích đoạn
"
"

Trích đoạn
"
Đây là một bộ phận trong bức trường đồ, cuộn thứ hai [không rõ tác giả, hoàn tất năm 1797]. Nguồn: China: The Three Emperors (1662-1795), tr. 77.
"


2. Về lai lịch bức tranh có màu ở trên, cũng như toàn bộ sách lớn Bát tuần vạn thọ thịnh điển, Nguyễn Duy Chính có giới thiệu như sau:

"
Bát tuần vạn thọ thịnh điển [八旬萬夀盛典]

Bộ sách này tổng cộng 120 quyển, nằm trong Sử bộ [史部], Khâm định tứ khố toàn thư[欽定四庫全書]. Thịnh điển do đại học sĩ A Quế làm tổng tài cùng với một ban biên tập 74 người trong đó có 12 danh thần, hoàn tất tháng Mười năm Nhâm Tí, Càn Long 57 (1792), hai năm sau kỳ đại lễ. Tài liệu đồ sộ này ghi lại đầy đủ chi tiết về nghi lễ và tổ chức khánh thọ. Hai quyển 77 và 78 trong Bát tuần vạn thọ thịnh điển là các tranh vẽ, mỗi quyển 121 bức, tổng cộng 242 bức tranh khắc bản với đầy đủ chi tiết từ Viên Minh Viên đến Tây Hoa Môn (cửa tây thành Bắc Kinh)[17] trong đó có cảnh vua Quang Trung cùng vương công đón hoàng đế hồi loan.
"

3. Liên quan đến hình ảnh vua Quang Trung trong bức tranh trên, Nguyễn Duy Chính phân tích như sau:

"
Theo Ngô Chấn Vực [吳振棫] trong Dưỡng Cát trai tùng lục [養吉齋叢錄] (Bắc Kinh: Bắc Kinh cổ tịch xuất bản xã, 1983) viết đời Ðồng Trị (1861 – 1875) (tr. 125-126) thì bức tranh có hình vua Quang Trung được miêu tả như sau:
“… Phía bắc chiếc cầu màu đỏ là một tòa [giả] sơn, hình ngoằn ngoèo như thước gập, ngoài có lan can màu son. Phía tây là một nham động làm cửa, có đường nhỏ lên núi, trên có hai ngôi lầu, trong lầu diễn kịch “Vạn quốc lai triều”. Trước tòa núi giả là quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình cùng với bồi thần, sứ thần các nước Triều Tiên, Nam Chưởng, Miến Ðiện và các sơn phiên Kim Xuyên, Ðài Loan cho đến các hãn Mông Cổ, Hồi Bộ, kế đến các vương, thai cát quì bên cạnh đường, nghênh đón thiên tử.”
Miêu tả nói chung khá chính xác. Bức tranh có một tấm bia vẽ ngay bên cạnh trên đề: 安南國王阮光平及蒙古王公, 朝鮮, 緬甸, 南掌, 各國使臣恭迎萬夀來京於此瞻覲 (An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình cập Mông Cổ vương công, Triều Tiên, Miến Ðiện, Nam Chưởng các quốc sứ thần cung nghinh vạn thọ lai kinh ư thử chiêm cận: Quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình cùng vương công Mông Cổ và sứ thần các nước Triều Tiên, Miến Điện, Nam Chưởng cung kình nghinh đón nhà vua trở về kinh đô nên chiêm cận ở đây).
Trong hình vua Quang Trung quì đón hàng đầu tiên, đằng sau là Ngô Văn Sở và lễ quan, bên trái là các thân vương và người trong hoàng tộc [với bổ phục hình tròn, đeo triều châu], bên phải là các đại thần nhà Thanh [với bổ phục hình vuông, không đeo triều châu]. Vua Càn Long đi kiệu khiêng trên vai [kiên dư] do 28 thị vệ [hay thái giám], chung quanh có ngự lâm quân và các cận thần theo hầu.
"

Có nghĩa là chính là hình trích đoạn này:


4. Hãy thử so sánh giữa bản màu (trong bài của Nguyễn Duy Chính) với bản đen trắng (trong bức tranh tôi đưa lên ở đầu entry này).

Trích đoạn (tạm thời để ở dung lượng nhỏ)

5. Hãy chú ý đến hình ảnh của 3 người ở hai bản (đen trắng và màu), mà Nguyễn Duy Chính giới thiệu là:  "vua Quang Trung quì đón hàng đầu tiên, đằng sau là Ngô Văn Sở và lễ quan".

6. Mới thoạt nhìn thì thấy giữa hai bản rất giống nhau đến mức xem như một (chỉ là một cái cốt không màu, với một cái có màu). Nhưng nhìn kĩ sẽ thấy những điểm khác giữa chúng.

7. Điểm khác nhau giữa chúng, càng nhìn kĩ sẽ càng thấy rõ.

Từ đó, chúng ta sẽ đặt câu hỏi: tác giả Nguyễn Duy Chính đã từng một lần thử so sánh kĩ lưỡng giữa hai bản (đen trắng và màu), ví dụ như tôi làm ở trên hay chưa ?

Câu hỏi tiếp sẽ đến: tựa như ông chỉ sử dụng một bản màu mang tính thứ cấp, mà nguồn tư liệu được ông dẫn là một cuốn sách mới xuất bản năm 2005 (là cuốn mà ông đã chua rằng "China: The Three Emperors (1662-1795)") ? Ông chưa từng khảo cứu kĩ lưỡng trên cơ sở bản gốc đen trắng ? Phải vậy không ?

8. Tạm trả lời và đóng lại kì số 2 này:

- tác giả Nguyễn Duy Chính có giới thiệu bộ sách lớn mang tiêu đề Bát tuần vạn thọ thịnh điển [八旬萬夀盛典] (xem lại nguyên mục 2). Nhưng, ông vẻ như chưa từng khảo cứu kĩ lưỡng chính bộ sách đó.

- mà, ông lại sử dụng tranh màu từ một cuốn sách thứ cấp mới in năm 2005.

Nguồn tư liệu sử dụng của ông trong bài, ở riêng trường hợp bức tranh trích ra từ sách Bát tuần vạn thọ thịnh điển, từ góc nhìn của tôi, là không thỏa mãn điều kiện việc khảo cứu nghiêm túc trên cơ sở tài liệu mang tính gốc gác. Tại sao lại không cất công khảo cứu kĩ lưỡng tài liệu gốc, mà lại chỉ sử dụng tài liệu thứ cấp, và tin ngay tài liệu thứ cấp đó ?

Các entry sau đây vẫn tiếp tục đọc chậm với các câu hỏi đã đưa ở đây.


---

Những entry liên quan đang đi trên blog này

Ngắm kĩ thêm dung nhan hoàng đế Quang Trung (đọc chậm tư liệu Nguyễn Duy Chính) - 2

 Ngắm kĩ thêm dung nhan hoàng đế Quang Trung (đọc chậm tư liệu Nguyễn Duy Chính) - 1

- Doanh nhân đất Việt với công nghiệp du lịch biển miền Trung : trường hợp FLC Quy Nhơn

-  Thủ cấp của anh hùng Nguyễn Huệ và các huynh đệ ở đâu, còn tìm thấy được không (2)

-  Thủ cấp của anh hùng Nguyễn Huệ và các huynh đệ ở đâu, còn tìm thấy được không (1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.