Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/09/2017

Văn nghệ Thứ Bảy : Tranh dân gian Hàng Trống, qua cận cảnh góc chụp Lê Bích

Mình mê cả hai ông. Một ông là nghệ nhân tranh Hàng Trống, là Lê Đình Nghiên, có một số kỉ niệm cá nhân đáng nhớ. Một ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích - người với góc chụp cận cảnh tuyệt mĩ và sự tỉ mỉ trong ghi chép như một nhà dân tộc học. Giao Blog thi thoảng có sử dụng ảnh của Lê Bích.

Bây giờ, xem Lê Bích chụp và ghi chép về Lê Đình Nghiên.

Mình thì hay phát âm chệch tên chú "Nghiên" thành ra "Nghiêm". Từ hồi xưa, nên thành ra quen. 

Toàn bộ ảnh và chú thích ảnh ở dưới thuộc bản quyền của Lê Bích, tôi chép nguyên xi từ Fb của ông. Mà đã được đưa lên Fb từ năm 2016 rồi.



---



Nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên

Tranh Hàng Trống được tô màu bằng bút lông và phẩm nhuộm nên màu sắc đậm đà hơn tranh Đông Hồ.



Khắc khuôn in tranh. Ván khắc được làm bằng gỗ lồng mực hoặc gỗ thị.


Những năm 1968 – 1970, Lê Đình Nghiên làm tranh theo hợp đồng với XUNHASABA (Công ty Xuất nhập khẩu sách báo) có một khách hàng ngoại quốc đặt mua tranh “ Rồng rắn “ và tranh “ Bịt mắt bắt dê “ song không hiểu vì sao lại ghi nhầm là tranh “ Kéo co “.
Xưa nay chưa hề có khuôn tranh này, thế rồi ông Lê Đình Nghiên cùng với thân phụ ông là cụ Lê Đình Liệu đã sáng tác ra khuôn mới để có được tranh “Kéo co “ theo như hợp đồng .

Tranh “Kéo co” phỏng theo bức tranh “Bịt mắt bắt dê” xem kỹ thì thấy: phần vẽ nhà và người ngồi xem vẫn được giữ như nguyên, còn đám trẻ con và con dê được thay bằng trò chơi kéo co. Mười đứa trẻ thơ ngây, xinh xắn, để đầu tóc tráI đào, áo thụng, đi hài, chia thành hai phe kéo co và chưa phân thắng bại…

Từ một sai sót trong thủ tục hành chính trong hợp đồng mua bán đã thúc đẩy nghệ nhân sáng tạo ra tác phẩm mới, một đóng góp mới cho dòng tranh dân gian Hàng Trống. Trò chơi kéo co trong dân gian, một loại hình thể thao thượng võ cổ truyền đã đi vào tranh dân gian một cách thú vị như thế !




Khuôn in tranh " Rồng rắn lên mây"


Tranh chỉ có một bản đen đầu tiên, sau khi in thì tranh được tô màu lại bằng tay. Từ các bản khắc gốc, những bức tranh đã được in ra, bằng mực Tàu mài nguyên chất. Sau đó là công đoạn bồi giấy

In bản nét

Tranh Hàng Trống thường in hoặc can nét đen lên giấy dó rồi tiến hành bồi tranh. Sau đó sử dụng bút lông vẽ , vờn bằng phẩm màu. Vẽ được tranh đòi hỏi phải giỏi kỹ thuật công bút và tỉa . Tranh vẽ tay là chính không như các dòng tranh dân gian khác chủ yếu là in từ ván in.

Tranh Hàng Trống được vẽ trên nền giấy dó ( Giấy được làm tù chất liệu của vỏ cây dó). Sau khi in nét lên giấy dó, tranh được bồi thêm một tấm giấy dó lót ở dưới. Điều này giúp tranh cứng, bền hơn và quan trọng hơn là khi tô màu ở mặt trên không bị loang do đã có lớp giấy dưới hút ẩm.

làm ẩm giấy trước khi bồi

Phủ lên một tờ giấy dó lên trên tranh cần bồi rồi quyét hồ lên nền giấy ẩm

Tranh sau khi bồi được dán lên ván gỗ phơi khô.

Tranh vẽ tay chủ yếu và dùng nhiều nét tỉa tót


Phòng vẽ của ông Nghiên chỉ là căn gác nhỏ chừng 8m2, Đây cũng là phòng ngủ. Ông tâm sự :" làm nghề này phải có sự khéo tay, chịu ngồi, coi vẽ tranh như ngồi thiền". Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời vẽ tranh của mình là khi bố ông Nghiên mất, nhưng do đã hứa phải trả tranh cho khách nên ở trên gác ông Nghiên vẫn phải cố vẽ, vừa vẽ vừa tranh thủ tiếp khách vào vào viếng.

Ngày xưa tranh Hàng Trống dùng màu dùng từ khoáng chất trong tự nhiên. Bây giờ dùng phẩm màu. Màu sắc đa dạng và tươi tắn hơn

Một khuôn tranh cổ, đồ gia bảo của gia đình ông Nghiên.

Phút nghỉ ngơi

Anh Lê Hoàn, con trai nghệ nhân Lê Đình Nghiên hiện đang tiếp tục theo nghề.

Anh Lê Hoàn, con trai nghệ nhân Lê Đình Nghiên hiện đang tiếp tục theo nghề.

Khi cải tạo chùa Kim Liên, nhà chùa cho thay tượng bằng tranh nên bức tranh này bị bỏ vào kho. Thật may ông Nghiên biết được và nhận ra đây là bức tranh do chính bố ông là nghệ nhân Lê Đình Liệu vẽ. Ông đã vận động anh em trong gia đình một số tiền cúng tiến vào chùa và xin phép chùa được mang bức tranh về nhà. Giờ đây bức tranh được coi như là bảo vật của gia đình. Có nhiều người hỏi mua nhưng nghệ nhân Lê Đình Nghiên không bán.

Do Tranh vẽ bằng sơn lên tôn nên tranh vẫn còn tồn tại đến giờ. Tranh vẽ Bà chúa Thượng Ngàn và mười hai cô hầu hai bên và bên dưới là 2 cậu và ở dưới cùng là ông hoàng cưỡi ngựa.




https://www.facebook.com/lebich/media_set?set=a.10153518347954737.1073742102.639179736&type=3



---



Lê Bích giới thiệu



"Tranh Hàng Trống một trong những dòng tranh dân gian Việt Nam được làm chủ yếu tại phố Hàng Nón, Hàng Trống của Hà Nội xưa. Hàng Trống xưa kia thuộc đất cũ của thôn Tự Tháp, tổng Tiền Túc (sau đổi thành Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Trống nằm kề các phố Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt... là nơi chuyên sản xuất cả đồ thủ công mỹ nghệ nhất là đồ thờ như: tranh thờ, trống, quạt, lọng, cờ... 

Đề tài của tranh rất phong phú nhưng chủ yếu là tranh thờ như: Hương chủ, Ngũ hổ, Độc hổ, Sơn trang, Ông Hoàng Ba, Ông Hoàng Bảy... Ngoài ra cũng có những bức tranh chơi như các bộ Tứ Bình (4 bức) hoặc Nhị bình (2 bức). Tứ bình thì có thể là tranh Tố nữ, Tứ dân (ngư, tiều, canh, mục) hoặc Tứ quý (Bốn mùa). Tứ bình còn có thể trình bày theo thể liên hoàn rút từ các truyện tích như Nhị độ mai, Thạch Sanh, Truyện Kiều. Nhị bình thì vẽ những đề tài như "Lý ngư vọng nguyệt" (Cá chép trông trăng) hoặc "Chim công múa" có tính cách cầu phúc, thái bình. Những bức về đề tài dân dã như cảnh "Chợ quê" hay "Canh nông chi đồ" cũng thuộc loại tranh Hàng Trống.

Dòng tranh này hiện nay gần như đã bị mai một hết, chỉ còn lưu giữ trong các viện bảo tàng. Hiện nghệ nhân Lê Đình Nghiên ở tại 22 phố Cửa Đông quận Hoàn Kiếm-Hà Nội còn gắn bó với nghề vẽ tranh Hàng Trống. Giờ đây người con trai của ông anh Lê Hoàn đã nối nghiệp cha. Hiện anh đang công tác tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

Với những cống hiến của mình, năm 2015, nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" .



1. Xem video " Tâm sự của nghệ nhân Lê Đình Nghiên" :https://youtu.be/63aFSEFM1Vs


2. Tham khảo video clip về công đoạn in nét viền trên giấy dó: 



3. Tham khảo video clip về công đoạn bồi tranh:

4. Tham khảo video clip tỉa nét :





Nhiếp ảnh gia Lê Bích

"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.