Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/09/2017

Hướng đến kỉ niệm 45 năm quan hệ Việt - Nhật (1973-2018): vẫn chưa xuôi nỗi buồn phim hợp tác hồi kỉ niệm 40 năm

5 năm trôi qua thật nhanh. Đấy mới đấy, mà đã sắp tới kỉ niệm tròn 45 năm quan hệ Việt - Nhật. Lần trước, năm 2013, là kỉ niệm tròn 40 năm (1973-2013).

Lúc ấy, có một bộ phim hợp tác hai bên là Người cộng sự (đã đi ở đây, tháng 8/2013).

Phim khởi chiếu cùng một thời gian ở hai nước vào tối ngày 29/9/2013. Vừa xong, thì đã liền xuất hiện không ít tiếng than thất vọng từ phía khán giả Việt Nam. Ví dụ đọc lại ở đây (ngày 30/9/2013), và ở đây (ngày 2/10/2013).

Bài dưới đây là của Ngô Ngọc Ngũ Long, đã công bố tháng 11 năm 2013, cũng trong một âm hưởng trầm. 

Hi vọng là năm 2018, thì không có phim dạng như Người cộng sự nữa.


Phim đã chiếu trên VTV tối ngày 29.9, như quảng cáo



---



01 Tháng Mười Một 2013 2:46 CH 
Ngô Ngọc Ngũ Long


Đây là bộ phim hợp tác giữa Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình TBS (Nhật Bản) nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Phim Người cộng sự(1) vừa nhận Giải vàng cho thể loại phim truyện video trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 tổ chức ở Quảng Ninh vừa qua… 
Ý nghĩa sâu sắc về tình hữu nghị…
Ý nghĩa của bộ phim là quá rõ bởi đây là bộ phim ca ngợi tình hữu nghị giữa hai dân tộc đã có mối quan hệ hợp tác dài lâu gần nửa thế kỷ. Cái tứ của kịch bản là sự đan chéo giữa quá khứ và hiện tại. Từ hiện tại, những người trẻ của hai nước gặp nhau trong việc hợp tác kinh doanh và cùng nhau quay trở lại quá khứ để tìm hiểu về một con người Việt Nam đã đến nước Nhật trăm năm trước: Phan Bội Châu.
Tetsuya, một doanh nhân người Nhật đến Việt Nam cùng với dự án hợp tác kinh doanh, nhưng anh đã chạm phải một bức tường thành khó hiểu bởi sự đánh đố của công ty đối tác tại Việt Nam: Đi tìm một kho báu từ một bức ảnh cũ với những con người của thế kỷ trước. Cuộc hành trình quay ngược thời gian của những người trẻ Nhật đã cho anh một lời đáp đầy ý nghĩa của một tình bạn chân thành giữa hai con người của hai dân tộc Việt - Nhật: bác sĩ Asaba Sakitaro và Phan Bội Châu. Và cái kho báu mà ban đầu anh đã định dùng cuốc xẻng để đào lên như cách hiểu đơn giản của người đương đại đã dần dần hé lộ cho anh thấy nó hoàn toàn không phải là vàng ngọc, nhưng nó thực sự quý giá hơn bất kỳ thứ hiện kim nào. Đó chính là tình cảm chân thành, vô vụ lợi của tình người, một tình cảm cao cả vượt qua giới hạn của quốc gia, dân tộc. Là sự đồng cảm, thấu hiểu và nghĩa khí của một tình bạn chân thành. Đó là bức thông điệp mà nhân vật Nam, giám đốc phía Việt Nam đã muốn bày tỏ cùng đối tác của mình. Trăm năm, một quãng thời gian dài, nhưng tình bạn sâu nặng ấy vẫn vững bền như tấm bia đá mà Phan Bội Châu dựng nên để ghi ơn người bạn Nhật đã giúp đỡ mình hết lòng. Nghĩa tình ấy sẽ tiếp tục sống mãi trong lòng những người đương đại. Đó cũng là chứng nhân để hai dân tộc cùng hiểu nhau hơn. Trước kia là cứu nước, bây giờ là xây dựng đất nước. Khi cùng nắm tay nhau bước qua khỏi cái ranh giới khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và cùng có một hướng nhìn chung thì sự hợp tác giao thương giữa hai dân tộc không chỉ đơn thuần là những đối tác trên thương trường mà còn là những người cộng sự của nhau, biết cùng chia sẻ để vượt qua những khó khăn trở ngại.
Song song với hướng chủ đạo về nhân vật Phan Bội Châu, mối tình của Tetsuya và cô gái Việt - Hồng Liên cũng song hành như một điểm nhấn với những gam màu tươi điểm tô thêm cho ý nghĩa chính luận của phim. Hồng Liên bằng tình cảm chân thành của mình đã vén được bức màn lạnh giá trong trái tim của cô bé Sakura, con riêng của chồng. Cô bé đã nhận ra hình ảnh người mẹ thực sự từ một người phụ nữ đến từ đất nước khác. Đó cũng là một bức thông điệp về ý nghĩa hạnh phúc của những cuộc hôn nhân vượt qua ranh giới quốc gia, tình yêu của họ phải thực sự đủ lớn để vượt qua mọi rào cản khó khăn phía trước…


… Đâu là ranh giới giữa hư cấu và lịch sử?
Có lẽ chính vì ý nghĩa hữu nghị ấy mà Liên hoan phim 18 đã trao Giải vàng cho phim Người cộng sự. Nhưng đã là người Việt Nam có học sử Việt, hiểu biết về nhà chí sĩ Phan Bội Châu thì khó lòng có thể chấp nhận hình ảnh một Phan Bội Châu như trong phim đã thể hiện. Trước đó, VTV đã thực hiện 2 tập phim tài liệu về cụ Phan Bội Châu, cũng nhân kỷ niệm 40 năm hợp tác Việt - Nhật. Và vì là phim tài liệu, nên các tác giả đã hoàn toàn trung thực với lịch sử. Hình ảnh Phan Bội Châu được khắc họa là một sĩ phu yêu nước nồng nhiệt, một con người có chí khí đánh Tây từ năm 17 tuổi. Nhưng lúc bấy giờ những cuộc khởi nghĩa trong nước từ Nam chí Bắc đã dần tan rã trước sự đàn áp đẫm máu của thực dân. Ông đã nghiên cứu nhiều tài liệu từ nước ngoài gửi về và biết được sự phát triển của nước Nhật nhờ vào con đường Duy tân và đã đánh thắng nước Nga năm 1904. Chí lớn của Phan Bội Châu là đi tìm đường cứu nước khác bằng con đường Đông du với niềm tin cháy bỏng là một đất nước đồng Văn, đồng Chủng, đồng Châu, ắt sẽ giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp.
Phan Bội Châu sang Nhật cùng Tăng Bạt Hổ là người của phong trào Cần vương, chạy sang Nhật và từng có công trong cuộc chiến Nga - Nhật, ông sẽ là người phiên dịch cho Phan Bội Châu khi tiếp xúc với các nhân vật thế lực của Nhật sau này. Tại Hoành Tân, Phan Bội Châu đã hai lần gặp gỡ và đàm đạo (bằng bút đàm) với Tôn Trung Sơn và Lương Khải Siêu về quốc sự Việt Nam và được ông Lương giới thiệu với hai chính khách có thế lực nhất ở Nhật lúc bấy giờ là ông Đại Ôi (Okuma Shigennobu) từng hai lần làm Thủ tướng, Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) - Đổng lý của đảng Tiến bộ ở Nhật. Chính những nhân vật này đã giúp đỡ ông hết lòng về chính trị để ông có thể đưa 200 du học sinh sang Nhật, còn Kashiwabara Buntaro và sau này là bác sĩ Asaba Sakitaro là những người giúp đỡ về phương tiện vật chất. Là một nhà cách mạng có học thức, con đường cứu nước của ông được hoạch định và tổ chức rất quy củ. Duy tân hội do ông và các đồng chí thành lập có ban kinh tài để lo kinh phí và được sự ủng hộ nồng nhiệt của các hào phú trong nước. Những bức huyết thư ông viết gửi về nước trong giai đoạn này đã trở thành luồng sóng lớn cổ vũ thanh niên cả 3 kỳ lên đường Đông du. Trong nước, trường Đông Kinh nghĩa thục được mở để mở mang dân trí và khích động lòng yêu nước của thanh niên. Ở Nhật, ông thành lập Việt Nam Công Hiến rất chú trọng tổ chức những buổi “sinh hoạt chính trị” giúp học sinh rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng. Hệ thống tổ chức bố trí nhân sự và điều hành hoạt động ở đây tựa như một “Chính phủ lâm thời”.
Phan Bội Châu đã từng bộc bạch: “Tôi nghiễm nhiên như một quan Công sứ của nước Nam ở nước ngoài mà lại kiêm cả chức Đốc kinh lý nữa. Giếng sâu tay ngắn, việc lớn tài hèn, tôi vẫn lo sợ công việc tôi gánh vác không kham. Đồng thời, chúng tôi dựng lên Tân Việt Nam Công Hiến bắt chước như một Chính phủ lâm thời của nước Nam ở hải ngoại. Tuy là cách thức sắp đặt còn sơ sài nhưng có ảnh hưởng tới dân khí trong nước mau lắm”.
Phan Bội Châu trôi dạt vào bờ biển với vết thương ở chân và được bác sĩ Asaba Sakitaro cứu giúp (cảnh trong phim)

Một con người thao lược và chí lớn dường ấy dứt khoát không thể liều mình ra đi cứu nước tựa “một anh võ biền” như phim đã thể hiện. Sự ra đi của Phan Bội Châu hiểu theo các nhà làm phim là kiểu “liều mình nhắm mắt đưa chân” mà không cần biết số phận của mình sẽ trôi giạt về đâu? Ta thử đặt dấu hỏi, nếu “nhà chí sĩ ấy” không may mắn gặp được bác sĩ Asaba Sakitaro thì sẽ ra sao? Thì sẽ không có phong trào Đông du, và sẽ không có một Phan Bội Châu trong sử sách Việt Nam chăng? Lẽ nào chiến lược cứu nước của một nhà cách mạng lại có thể đơn giản dường ấy? Nhưng đau lòng hơn chính là thể hiện cách hành xử của Phan Bội Châu trong phim không khác gì một người rừng thiếu hiểu biết. Trên thực tế, Phan Bội Châu qua Thượng Hải rồi đến Nhật bằng tàu biển, đàng hoàng, với món tiền khá lớn (3.000 đồng Đông Dương) do các nhà hào phú, các sĩ phu trong nước tài trợ, đâu phải như một cái xác thảm hại dạt vào bờ biển? Lẽ nào một ông Giải Nguyên tài trí, một nhà cách mạng thao lược của Việt Nam lại không có chút nhận thức để hiểu con người bằng trực giác nhạy bén, ai bạn, ai thù? Hành động cầm cây đánh vào mặt bác sĩ Sakitaro khi ông cầm dải khăn trắng đến băng bó vết thương cho, là hành động của một con người không có đầu óc nếu không muốn nói như một con thú ở bước đường cùng. Cách hành xử hữu dũng vô mưu ấy đau lòng thay lại gần như xuyên suốt bộ phim. Có một nhà cách mạng nào đã được bảo vệ để thoát qua cảnh sát lại có thể tự bỏ ra đi khi chân còn mang thương tích, khi trong túi không có một đồng, khi lưu lạc ở một đất nước xa lạ không cùng ngôn ngữ không? Đó là một hành động tự sát. Tôi đã thực sự quá đau lòng khi nhìn thấy hình ảnh Phan Bội Châu bò lết giữa đêm trong sự truy đuổi của cảnh sát Nhật, để rồi phải bám vào bàn tay chìa ra của Asaba kéo lên khỏi vực sâu. Và từ đó, mọi việc cứu nước của ông Phan đều nằm trong sự xoay sở của bác sĩ Asaba. Nhà cách mạng chỉ có một việc duy nhất là gào lên trước các chính khách Nhật: Tôi cần vũ khí, tôi muốn cứu nước tôi. Rõ ràng ông Phan trong phim chỉ yêu nước bằng mồm chứ không phải bằng trí lực. Bởi mọi việc đã có những người bạn Nhật lo toan, xếp đặt…
Chúng ta biết rõ Phan Bội Châu sau khi bị chính phủ Nhật trục xuất, 10 năm sau ông đã trở lại để dựng tấm bia ân tình tưởng niệm bác sĩ Asaba, nhưng điều đó không có nghĩa là công cuộc cứu nước của ông hoàn toàn phó thác vào tay ông Asaba. Cái ơn lớn nhất của bác sĩ đối với ông là khi chính quyền Pháp phong tỏa con đường viện trợ tài chánh từ trong nước, Việt Nam Công Hiến đang lúc ngặt nghèo, khó khăn nhất đến nỗi Trần Đông Phong phải tự sát vì tưởng cha mẹ mình bỏ rơi cách mạng thì số tiền 1.700 yên là toàn bộ số tài sản bác sĩ gửi đến như cái phao cứu sinh để mọi người có thể trở về nước an toàn. Tấm chân tình ấy, một nhà Nho quân tử như Phan Bội Châu sao có thể quên… Đó là một tình bạn chân thành và vĩ đại của những con người đến với nhau bằng nghĩa khí…
Câu chuyện nghĩa tình giữa bác sĩ Asaba Sakitaro và cụ Phan Bội Châu, sử sách vẫn còn ghi lại mà tấm bia và bức ảnh là minh chứng. Nhưng ca ngợi tình bạn ấy bằng hàng loạt hư cấu để nhân vật lịch sử Phan Bội Châu trở nên quá đỗi tầm thường, thô thiển trong mắt hậu thế là điều cấm kỵ trong nghệ thuật. Nhất là đối với một người mà Nguyễn Ái Quốc đã hết lời ca ngợi: “Phan Bội Châu là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”(2). Làm phim lịch sử, chúng ta có thể hư cấu, nhưng những anh hùng lịch sử và những sự kiện chính làm nên sự nghiệp của họ dứt khoát phải được tôn trọng, không ai đòi hỏi phim truyện phải như phim tài liệu, nhưng không thể vì hư cấu mà làm hạ thấp nhân vật, làm sai lệch tinh thần lịch sử… Có thể nhà biên kịch Taniguchi Junichiro không hiểu hết lịch sử Việt Nam, nhưng bộ phim đã có cố vấn sử học là ông Chương Thâu - người có nhiều công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu - và cả cố vấn kịch bản là NSND Đặng Nhật Minh, lẽ nào không nhìn thấy những điều trái khoáy trên?
Đó cũng là điều quá đáng tiếc cho một bộ phim ca ngợi tình hữu nghị của hai dân tộc đã có mối bang giao gần nửa thế kỷ nay và đang có những hoạch định chiến lược với rất nhiều kỳ vọng trong tương lai!

_____
(1) Tổng đạo diễn: Muto Jun. Đạo diễn: Matsuda Ayato, NSƯT Phạm Thanh Phong. Kịch bản: Taniguchi Junichuro. Diễn viên: Huỳnh Đông, Lan Phương, Higashiyama Noriyuki, Takei Saki, Asida Aida…
(2) Trích Những trò lố hay Varenne và Phan Bội Châu (báo Le Paria số 36-37 tháng 9, 10-1925).

http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4357-ngh-g-v-nhn-vt-phan-bi-chu-trong-phim-ngi-cng-s-.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.