Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/09/2017

Ngày giỗ Bác Hồ : 21 tháng 7 âm lịch

Phong tục từ xa xưa, người Việt giỗ tổ tiên theo lịch âm. Nhiều năm nay, ngày giỗ Bác Hồ theo lịch âm được tổ chức ở khắp nơi. Song hành vẫn có nơi thì việc giỗ vào đúng ngày 2 tháng 9 dương lịch.

Hồ Chủ tịch tạ thế vào ngày 2 tháng 9 năm 1969 (một thời gian dài, chính phủ công bố là ngày 3 tháng 9 dương lịch). Ngày 2/9/1969 tính sang âm lịch là ngày 21 tháng 7 năm Kỉ Dậu, nhằm Thứ Ba.

Hôm nay, ngày 11/9/2017, chính là ngày 21 tháng 7, nhằm Thứ Hai.

Một ít tin tức cũ, mới của báo chí chính thống về ngày giỗ Bác Hồ (theo lịch âm, và một số song hành theo lịch dương).



Xuất bản 23 thg 8, 2016

Hôm nay 23-8, tức ngày 21/7 âm lịch, tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn đã tổ chức trang trọng lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 47 (1969-2016).
https://www.youtube.com/watch?v=Qt572P1kIV4

Tháng 9 năm 2017,
Giao Blog



---

Năm 2021


 

 

          Theo thông lệ hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Bác mất theo lịch âm, Vườn quốc gia Ba Vì sẽ được đón các đồng chí đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương, đại diện các địa phương và Nhân dân về dự lễ dâng hương cúng giỗ Bác tại Đền thờ Bác Hồ, trên Đỉnh Vua, Vườn quốc gia Ba Vì.

Ngày giỗ Bác năm 2021 nhằm ngày 28/8/2021 (tức ngày 21/7/Tân Sửu), đúng vào thời gian thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội để tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, ngày giỗ Bác năm 2021 chỉ được phép tổ chức trong phạm vi rất hạn chế, đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, an toàn đúng theo phong tục truyền thống của dân tộc; không tổ chức đón tiếp các đoàn khách ở Trung ương, các địa phương và Nhân dân về dự lễ dâng hương.

Vườn quốc gia Ba Vì xin trân trọng thông báo./.

 

                                                                                BQL ĐỀN THỜ BÁC HỒ

https://vuonquocgiabavi.com.vn/thong-bao-ve-viec-to-chuc-le-gio-bac-ho-lan-thu-52/







Năm 2017


Ngày 21 tháng 7 âm lịch tại Nam Đàn

Báo Nghệ An:

Thứ Hai, 11/09/2017, 12:05 [GMT+7


Dâng hương tưởng niệm 48 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh


(Baonghean.vn)- Sáng 11/9 (tức ngày 21/7 âm lịch), tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và con cháu hai dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân tổ chức lễ tưởng niệm 48 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Trung ương, Tỉnh Nghệ An cùng hàng nghìn người dân. Ảnh: Mỹ Nga
Lãnh đạo Trung ương, tỉnh Nghệ An cùng đông đảo người dân dự lễ. Ảnh: Mỹ Nga
Tham dự có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; đại diện Ban Dân vận, Ban Tổ chức, Văn phòng TƯ Đảng; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu IV.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh; đại diện cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương; dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân.
Lễ tưởng niệm được tổ chức tại Khu Di tích Kim Liên và một số di tích liên quan như: Nhà thờ dòng họ Nguyễn Sinh, Nhà thờ dòng họ Hoàng Xuân, quê nội, quê ngoại Bác Hồ.
Trong ngày chính lễ, Ban tổ chức đã thực hiện các nghi lễ truyền thống như Lễ khai quang, Lễ yết cáo, Lễ đại tế và lễ tạ.
Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh dâng hương. Ảnh: Mỹ Nga
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thành kính dâng hương. Ảnh: Mỹ Nga

Tại buổi lễ, những người tham gia đã giành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đã “làm rạng rỡ nhân dân ta, non sông, đất nước ta”.
Đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn đã ôn lại cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, từ khi người sinh ra và lớn lên trên quê hương Kim Liên đến khi Người trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9h47 ngày 2/9/1969 (tức ngày 21/7 âm lịch), hưởng thọ 79 tuổi.
Đồng chí Bùi Đình Long cũng báo cáo tóm tắt những thành tựu đổi mới mà quê hương đã đạt được và khẳng định, với tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, nhân dân huyện nhà sẽ cố gắng nỗ lực hết mình để xây dựng quê hương giàu mạnh, ấm no, đưa Nam Đàn trở thành huyện du lịch và huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cùng đoàn đại biểu Trung ương kính cẩn trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Nga
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cùng đoàn đại biểu Trung ương thành kính tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Nga.

Đoàn đại biểu Công an tỉnh Nghệ An dâng nén hương thơm lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Nga
Đoàn đại biểu Công an tỉnh Nghệ An dâng nén hương thơm lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Nga
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Quân khu 4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn, xã Kim Liên, cán bộ nhân viên Khu di tích Kim Liên, đại biểu dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã dâng hoa, dâng hương trước anh linh Bác, bày tỏ lòng thành kính với công lao của Người, nguyện tiếp tục đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn; đoàn kết, phấn đấu xây dựng đất nước, quê hương Nghệ An và huyện Nam Đàn ngày càng giàu mạnh.
Trong dịp này, hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Mỹ Nga
Dịp này,  người dân khắp mọi miền Tổ quốc đã đến thăm Khu di tích Kim Liên, bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người. Ảnh: Mỹ Nga
Tưởng niệm 48 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay cũng là ngày toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vừa kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tri ân công lao và sự nghiệp của Người, đồng thời giáo dục truyền thống văn hóa, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tinh thần yêu nước, góp phần thực hiện tốt di chúc của Bác để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./.
Mỹ Nga
http://www.baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201709/dang-huong-tuong-niem-48-nam-ngay-mat-cua-chu-tich-ho-chi-minh-2842393/





Loạt ảnh của Nguyễn Thế Kỷ trên Fb NTK:









Hậu Giang kỷ niệm Quốc khánh cùng lễ giỗ Bác Hồ
VOV.VN - Hậu Giang tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 kết hợp cùng với lễ giỗ Bác Hồ tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm

Cùng với nhiều địa phương khác, tỉnh Hậu Giang cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Điều đặc biệt ở địa phương này là lễ Quốc khánh được tổ chức kết hợp cùng với lễ giỗ Bác Hồ. Đây là truyền thống có từ khi đền thờ Bác Hồ được xây dựng ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang vào năm 1969.
le ky niem quoc khanh cung le gio bac ho tai hau giang hinh 1
Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang
Lễ Quốc khánh và lễ giỗ Bác Hồ được tỉnh Hậu Giang tổ chức khá long trọng. Không chỉ người dân địa phương mà các địa phương khác cũng đến tham dự. 
Tại đây, Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã ôn lại truyền thống đấu tranh của dân tộc, truyền thống cách mạng của địa phương. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa bàn huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là nơi tập trung nhiều căn cứ của cách mạng. Đây cũng là nơi phải hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù.
Vượt qua bao khó khăn, quân và dân Hậu Giang đã lập được nhiều chiến công như đánh tan 75 lượt tiểu đoàn địch. Năm 1969, người dân đã lập đền thờ Bác dù bị quân giặc đàn áp. Từ đó đến nay, bà con luôn tổ chức lễ giỗ Bác vào mỗi dịp lễ 2/9.
le ky niem quoc khanh cung le gio bac ho tai hau giang hinh 2
Đông đảo người dân đến dâng hương, tưởng nhớ Bác trong những ngày qua
Để ghi nhớ công ơ của Bác, lãnh đạo và người dân tỉnh Hậu Giang đã thành kính dâng hương tưởng nhớ Người. Trước đó, bà con ở xã Lương Tâm cũng tổ chức làm bánh, nấu những món ăn ngon dâng lên ngày giỗ Bác.
Trong thời gian qua, Hậu Giang đã đầu tư  gần 52 tỷ đồng để cải tạo và mở rộng Đền thờ Bác Hồ. Trong đó, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội, cổng hàng rào đang được cải tạo và một số hạng mục đang được mở rộng.
Dịp này, địa phương cũng tổ chức lễ khởi công con đường đi vào Đền thờ Bác để người dân  đến thắp hương, thăm viếng Bác dễ dàng hơn./.











Tấn Phong/VOV-ĐBSC

http://vov.vn/xa-hoi/hau-giang-ky-niem-quoc-khanh-cung-le-gio-bac-ho-666492.vov





.
Năm 2016

Lễ giỗ lần thứ 47 của Bác Hồ diễn ra vào ngày 23/8

(Baonghean.vn) - Đã thành thông lệ, hàng năm vào ngày 21 tháng 7 (âm lịch), tại Khu di tích Kim Liên, Lễ giỗ Bác lại được tổ chức trang trọng theo nghi lễ cổ truyền của Dân tộc với tất cả tấm lòng thành kính, biết ơn công lao trời biển tới chủ tịch Hồ chí Minh.
Năm nay, lễ giỗ Bác Hồ sẽ được tổ chức vào ngày 23/8/2016.
Đối với người dân Kim Liên nói riêng và Nam Đàn nói chung, ngày giỗ Bác đã trở thành một phần trong đời sống tâm linh của mỗi gia đình. Bên cạnh bàn thờ tổ tiên, hầu như mỗi gia đình ở Kim Liên- Nam Đàn đều lập bàn thờ Bác đặt ở vị trí trang trọng nhất.
Chuẩn bị lễ giỗ lần thứ 47 của Người, nhà nhà đều chuẩn bị lễ vật, trang trí bàn thờ Bác, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ vị cha già kính yêu của dân tộc. Với gia đình ông Võ Hồng Thao và Bà Hoàng Thị Cúc ở xóm Sen 2 thì đây là một việc làm thường xuyên thể hiện tấm long tri ân của những người con quê hương hướng về Bác.
Ông Thao chia sẻ: Năm nào cũng vậy đến ngày giỗ Bác, gia đình tôi cũng như toàn dân xóm Sen 2 đều làm lễ giỗ với tất cả tấm lòng thành kính, chỉ là những bông hoa, trái bưởi, quả na trong vườn nhưng qua đây đã giáo dục cho con cháu tình yêu quê hương, ghi nhớ công ơn Bác Hồ, Thắp nén nhang để mong Bác về phù hộ cho quê hương ngày càng no ấm hạnh phúc. 
Các đoàn khách từ khắp mọi miền Tổ Quốc dâng hoa, thắp hương lên anh linh của Người tại nhà Tưởng Niệm Khu di tích Kim Liên.
Các đoàn khách từ khắp mọi miền Tổ Quốc dâng hoa, thắp hương lên anh linh của Người tại nhà Tưởng Niệm Khu di tích Kim Liên.
Với trọng trách bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo những di sản vật thể và phi vật thể vô giá về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của chủ tịch Hồ chí Minh kính yêu, những ngày này cán bộ, CNV  khu  di tích kim Liên hết sức bận rộn nhằm chuẩn bị chu tất cho việc tổ chức lễ giỗ lần thứ 47 của Bác Hồ theo tinh thần chỉ đạo của UBND Tỉnh và huyện Nam Đàn.
Đặc biệt, tại Nhà Tưởng niệm Bác - nơi sẽ diễn ra các nghi lễ quan trọng với sự tham gia của các đoàn khách từ TW đến địa phương cũng như đồng bào, đồng chí cả nước và du khách Quốc tế cùng về hội tụ trong ngày Quốc giỗ linh thiêng này, công tác chuẩn bị đã được triển khai hết sức cẩn trọng, chu đáo, nhằm tạo một không gian tôn nghiêm, thành kính để con cháu Bác tụ hội về đây tưởng nhớ công ơn trời biển của Người.
Cán bộ khu di tích Kim Liên chuẩn bị mâm ngũ quả dâng lên Bàn thờ Bác.
Cán bộ khu di tích Kim Liên chuẩn bị mâm ngũ quả dâng lên Bàn thờ Bác.
Ông Lâm Đình Hùng - Phó giám đốc Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn cho biết thêm: “Chuẩn bị cho lễ giỗ lần thứ 47 của Bác. Khu di tích Kim Liên đã tập trung làm tốt công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc bảo tồn tôn tạo các di tích Hoàng Trù, làng Sen mộ bà Hoàng Thị Loan, tổ chức đón tiếp các đoàn khách từ TW đến địa phương và dâng hương dâng hoa, chuẩn bị các nghi lễ chu đáo, làm sao cho đồng bào, đồng chí và du khách khi về dâng hoa dâng hương trong dịp giỗ Bác cũng cảm thấy ấm áp, gần gũi”.
Đông đảo du khách về thăm Khu di tích Kim Liên trong những ngày chuẩn bị Lễ giỗ thứ 47 của Người
Đông đảo du khách về thăm Khu di tích Kim Liên trong những ngày chuẩn bị Lễ giỗ thứ 47 của Người.
Lễ giỗ Bác Hồ là dịp để Đảng bộ, nhân dân Nam Đàn, Nghệ An và đồng bào cả nước tôn vinh và tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Với ý nghĩa đó, không riêng gì khu di tích Kim liên và con cháu dòng họ Bác Hồ mà toàn Đảng, toàn dân Nam Đàn đang hướng về sự kiện trọng đại này với nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, thấm đẫm nghĩa tình của quê hương đối với Bác Kính yêu.
Hồng Sương
                    Đài Nam Đàn 
http://www.baonghean.vn/dua-nq-cua-dang-vao-cuoc-song/201608/le-gio-lan-thu-47-cua-bac-ho-dien-ra-vao-ngay-238-2726838/





.

Năm 2014

           Vào hồi 9h47 phút ngày 16/8/2014 (tức ngày 21/7/GIáp Ngọ), tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đỉnh Vua –   Vườn quốc gia Ba Vì. Văn phòng Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm Nghiệp, Vườn quốc gia Ba Vì tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 45 năm ngày giỗ Bác Hồ.
Về dự Lễ dâng hương giỗ Bác có:
      – Đ/c Nguyễn Sinh Hùng – Uỷ viên Bộ chính trị – Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
      – Đ/c Nguyễn Xuân Phúc – Uỷ viên Bộ chính trị – Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam.
      – Đ/c Phạm Quang Nghị – Uỷ viên Bộ chính trị – Bí thư Thành ủy Hà Nội.
      – Đ/c Tòng Thị Phóng – Uỷ viên Bộ chính trị – Phó chủ tịch QH nước CHXHCN Việt Nam.
      – Đ/c Nguyễn Thị Kim Ngân – Uỷ viên Bộ chính trị – Phó chủ tịch QH nước CHXHCN Việt Nam.
          Cùng nhiều ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành, Đoàn thể Trung ương và địa phương; đại diện Giáo hội phật giáo Việt Nam; đại diện các Anh hùng lực lượng vũ trang  nhân dân; đại diện dòng họ Nguyễn Sinh, họ Hoàng Xuân xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; cùng hàng nghìn du khách thập thương về dự lễ dâng hương.
           Trong không khí trang nghiêm, đồng chí Nguyễn Phi Truyền – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc VQG Ba Vì là đơn vị được giao quản lý Đền thờ Bác long trọng đọc bài lễ dâng hương bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta; người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, vì hòa bình và công lý trên toàn Thế giới.

http://vuonquocgiabavi.com.vn/le-gio-bac-ho-lan-thu-45-tai-vqg-ba-vi/721










     Núi Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Dãy núi Ba Vì gồm có ba đỉnh nổi lên giữa đồng bằng Bắc bộ, bao gồm Đỉnh Vua cao 1.296m. Đỉnh Tản Viên cao 1.227m. Đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131m.
     Đền thờ Bác Hồ được xây dựng trên đỉnh Vua nơi cao nhất của dãy núi Ba Vì.
http://vuonquocgiabavi.com.vn/den-tho-bac-ho-tren-dinh-ba-vi/170



Đền Thờ Bác Hồ trên đỉnh Ba Vì

vuonquocgiabavi.com.vn |

     Để lên được đền thờ Bác Hồ, từ chân núi Ba Vì, du khách phải đi ô tô leo dốc quanh co vượt quãng đường dài hơn 12km, tiếp đó, phải leo hơn 1.320 bậc thang đá bên vách núi. Tới đây du khách như lạc vào cõi thiêng, bởi được đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ vút lên, mốc và rêu xanh bám phủ thân cây, dây leo chằng chịt, sương mù phủ giăng giăng mặc dù vẫn có mặt trời.
     Ngôi đền thiêng thờ Bác nằm ở độ cao 1.296 mét, là đỉnh cao nhất dãy Ba Vì. Chuyện kể rằng, sinh thời Bác Hồ muốn tro cốt của mình sau này khi qua đời sẽ được đặt ở ba địa điểm, trong đó có một nơi tại núi Ba Vì. Vì thế, ý tưởng xây một đền thờ Bác ở đây theo di nguyện của Người được nêu ra và ngay lập tức đã được hưởng ứng nhiệt liệt. Công trình tưởng niệm Bác được khởi công ngày 01/3/1999 và hoàn thành cuối tháng 8/1999. Người được vinh dự thiết kế ngôi đền là KTS Hoàng Phúc Thắng và người nhận trách nhiệm làm chủ nhiệm công trình là KTS Nguyễn Trực Luyện.



Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Vì ngày đêm gác Đền

Ngôi đền mang phong cách kiến trúc truyền thống có 8 mái đao uốn cong ở bốn phía, dựng trên những chiếc cột tròn trên chân đá tảng… Đền được xây dựng theo kết cấu bền vững, uy nghiêm. Chính điện là một không gian mở, không có cửa. Trên bệ thờ đá có bức tượng Bác Hồ đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trên cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương màu đỏ. Hai bên bệ thờ là chuông đồng và khánh đồng. Ngoài ra còn nhiều hạng mục công trình khác tạo nên một không gian hài hòa, tinh tế nhưng vẫn hết sức giản dị.
Những hình ảnh và hiện vật về Bác được bày trang trọng tại đây làm ta càng nhớ tới Người. Trước Đền, một tấm bia đá lớn nguyên khối, mặt trước khắc một đoạn trong Điếu văn của BCH TƯ Đảng Lao động Việt Nam đọc trong lễ tang của Người năm 1969: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Mặt kia khắc bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở bức tường đầu hồi của đền có hình trống đồng với hình bản đồ Việt Nam và dòng chữ màu vàng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi – Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
     Hằng năm, cứ vào ngày 21/7/Âm lịch nhân dịp ngày Giỗ Bác Hồ, Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban ngành, đoàn thể cùng nhân dân cả nước về với nơi đây để làm giỗ Bác theo truyền thống của dân tộc Việt Nam.

     Thật xúc động đứng trên đỉnh núi Vua cao sững sững, dưới mây ngàn lộng gió, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chiêm nghiệm sự tâm linh, được ngắm hình ảnh thật gần gũi, bình dị và thanh cao của Chủ tịch HCM. Lên tới đây, con người ta tĩnh tâm hơn và càng thấm thía hơn về đạo đức, tác phong của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam để học tập theo tấm gương của Người.
Nguyễn Xuân Tân
                                                                                                                                                                                           VQG Ba Vì




19/05/2012 | 07:56




Gia đình ông Kim Phước Hiền (người Khmer, xã Tân An, huyện Càng Long) làm giỗ Bác Hồ hằng năm theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Bá Thi

Tháng 9.1969, trong những ngày lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, rất nhiều người dân tỉnh Trà Vinh lập bàn thờ và cúng cơm  hằng ngày để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhớ công ơn Người.















Hằng năm, khi đến ngày Bác mất, nhà nhà tổ chức giỗ Người. Thói quen làm giỗ Bác Hồ được bà con ở Trà Vinh duy trì cho đến ngày nay. 

Những tháng ngày bi tráng

Đó là vào một ngày đầu tháng 9.1969 - ông Liêu Tử Phong (nay đã 72 tuổi, phường 1, TP.Trà Vinh) - một trong những người thờ cúng Bác Hồ suốt mấy chục năm qua - nhớ lại: Ông bất ngờ nghe từ trên “trời” máy bay L19 của giặc loan tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Họ cho máy bay bay khắp tỉnh, cả vùng giải phóng lẫn vùng tạm chiếm, dùng những lời lẽ trân trọng để loan báo tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.
Bằng cách ấy, họ muốn nỗi mất mát lớn này sẽ sớm làm rệu rã tinh thần chiến đấu của quân và dân miền Nam. Chưa vội “nghe đài địch”, đến tối ông Phong “rà” Đài Phát thanh Giải phóng và biết chắc rằng Bác đã mất! Ông đã khóc, bà con lối xóm, nhân dân Trà Vinh đều khóc! Không có một cuộc vận động nào, nhưng nhiều nhà dân trong vùng giải phóng, vùng tranh chấp và cả vùng tạm chiếm lập bàn thờ Cụ Hồ, cúng cơm mỗi ngày. Địch bắt đầu lục soát, bắt bớ, tra tấn những gia đình thờ cúng Bác. 

Có ai đó đã đề nghị: Làm đền thờ Bác để mọi người cùng thờ cúng. Ngày 10.3.1970, lễ khởi công xây dựng đền thờ Bác Hồ tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh đã được tổ chức trang trọng. Dự kiến ngôi đền sẽ hoàn thành vào dịp 2.9.1970 - đúng vào giỗ đầu của Bác. 

Ngôi đền được xây dựng trong vùng tranh chấp, vì vậy không thể thi công ban ngày. Những người thợ giỏi nhất vùng cùng lực lượng bảo vệ hàng chục người cứ tối đến là tập trung thi công thâu đêm. Người dân ai có vật liệu gì quý đều mang đến ủng hộ xây đền, các nhà chùa cũng đóng góp gỗ quý. Nơi xây đền chỉ cách đồn lính chưa tới 1 cây số, nên lính trong đồn đều biết chuyện. 

Để khống chế lính đồn, cánh “binh vận” của ta ra thông điệp: Nếu lính không cản trở chuyện làm đền, họ sẽ được bình yên, bằng ngược lại, đồn sẽ bị tấn công! Lính “nghĩa quân” trong đồn muốn yên thân nên làm ngơ. Nhưng chuyện làm đền đã sớm tới tai chỉ huy đầu sỏ tỉnh Trà Vinh. Vậy là phi pháo, máy bay, tàu chiến... tập trung bắn phá vị trí làm đền. Đền làm gần xong, bị pháo bắn sụp đổ, phải làm lại...

Ngôi đền không thể hoàn thành để kịp cúng giỗ đầu của Bác; vì vậy mà nhà nhà tự làm giỗ cúng Bác Hồ, mặc cho sự đe dọa, bắt bớ của giặc. Vừa khống chế bà con, đối phương vừa ra sức phá hoại công trình xây đền. Không chỉ bỏ bom, bắn pháo, ngụy quyền tỉnh Trà Vinh còn huy động lực lượng bộ binh tấn công vào nơi xây đền. Một cuộc chiến không cân sức diễn ra xung quanh công trình giữa một bên là người dân và các chiến sĩ với vũ khí thô sơ, còn bên kia là quân đội cấp tiểu đoàn với máy bay, phi pháo, tàu chiến... Vậy mà, chiến thắng cuối cùng đã thuộc về những người làm đền! 


Đền thờ Bác Hồ được bảo quản nguyên trạng. Ảnh: Kỳ Quan
Giỗ Bác dưới mưa bom
Ngày 26.1.1971 - đúng 30 tết, ngôi đền đã hoàn thành trong niềm hân hoan vô bờ của nhân dân. Chỉ là một ngôi nhà nhỏ rộng 16m2, khung sườn bằng gỗ, mái lợp lá dừa nước, vách tôn, nhưng hàng trăm người đã xây dựng và bảo vệ ròng rã suốt gần 1 năm. Hàng chục chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống để bảo vệ ngôi đền.
Tối giao thừa năm ấy, hơn 500 đồng bào, chiến sĩ bất chấp đạn bom đã tổ chức lễ khánh thành ngôi đền với các nghi thức trang trọng nhất. Đó là cái tết kháng chiến ý nghĩa, rộn rã nhất của đồng bào Trà Vinh. Chỉ trong 7 ngày tết đã có trên 10 ngàn lượt đồng bào Kinh, Khmer, Hoa, cả trong vùng tạm chiếm, đã đến đền viếng Bác.
Hơn một tháng sau, ngụy quyền tỉnh Trà Vinh huy động lực lượng lớn gồm tiểu đoàn chủ lực 404 cùng với pháo binh, tàu chiến, máy bay tấn công vào ngôi đền. Một cuộc đọ sức nảy lửa kéo dài từ sáng sớm tới chiều tối diễn ra xung quanh ngôi đền. Cuối cùng, sau nhiều tổn thất (tên thiếu tá chỉ huy cuộc càn quét bị bắn chết), đối phương nhờ hỏa lực mạnh đã mở được đường vào đốt hủy, san bằng ngôi đền, nhưng chúng không dám đốt chân dung Bác mà mang về trao cho “thượng cấp”.
Tối hôm ấy, hàng trăm đồng bào, chiến sĩ đã tập trung trước sân đền, thề quyết trả thù. Sáng hôm sau, đội quân tóc dài gồm các mẹ, các dì đã kéo vào dinh tỉnh trưởng đòi trừng trị những kẻ đốt đền. Để xoa dịu bà con, viên tỉnh trưởng đã phải thừa nhận là “đám lính làm bậy”. Đồng bào, chiến sĩ lại bắt tay vào làm lại ngôi đền. Ngôi đền được khánh thành lần thứ hai vào dịp tết năm 1972...

Trong những năm ấy, dù ngôi đền còn nguyên vẹn hay bị giặc bắn phá hư hỏng, bà con đều làm giỗ Bác Hồ trong đền vào ngày Bác mất. Đối phương biết rõ điều đó, nên vào đúng ngày giỗ Bác là khu vực ấp Vĩnh Hội - nơi có đền thờ - luôn phải hứng chịu “mưa bom” để ngăn cản người dân đến dự giỗ Bác, nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm, “đội bom” đi dự giỗ. Những gia đình không đi được thì làm giỗ tại nhà. Trong ngày giỗ Bác, cả một vùng ven thị xã Trà Vinh nghi ngút khói nhang bà con cúng Bác, hòa cùng khói đạn bom của kẻ thù! 

Đi “đám giỗ”, học đạo đức Bác Hồ

Thói quen thờ cúng và làm giỗ Bác Hồ thời chiến tranh tiếp tục được nhiều bà con ở Trà Vinh duy trì cho đến ngày nay. Khi những người lớn tuổi mất đi, con cháu họ tiếp tục làm giỗ Bác. Tại ấp Công Thiện Hùng (xã Long Đức, TP.Trà Vinh), vợ chồng anh Lê Hữu Đức năm nào cũng làm giỗ Bác.
Vào đúng ngày Bác mất, vợ chồng anh nấu vài mâm cơm cúng Bác bằng “cây nhà lá vườn” rồi mời bà con, bạn bè tới dùng cơm để tưởng nhớ Người. Trong tiệc giỗ, mọi người kể những câu chuyện thú vị về Bác, bàn chuyện xây dựng xóm làng, thăm hỏi lẫn nhau... Qua đó mà người dân được dịp ôn lại công lao, tấm gương đạo đức của Bác, rồi tình nghĩa xóm làng thêm gắn bó.
Người cha quá cố Lê Huy Thức (mất năm 2006) lúc còn sống là người làm giỗ Bác hằng năm tươm tất nhất vùng: Có năm làm bò, có năm làm heo. Hầu hết bà con trong ấp đều được ông Thức mời tới nhà dự lễ giỗ. Trước khi vào tiệc giỗ, bao giờ ông cũng dành thời gian để ôn lại công ơn, tấm gương đạo đức của Bác.

Thường xuyên cúng giỗ Bác Hồ tại ấp Công Thiện Hùng còn có bà Nguyễn Thị Tiếm - cán bộ về hưu. Năm 1969, bà là Bí thư Chi đoàn thanh niên xã Long Đức. Bà đã cùng các đồng chí trong chi đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ công trình xây dựng đền thờ Bác, chiến đấu chống lại các cuộc hành quân phá hoại ngôi đền của giặc. Ngày ấy, gia đình bà hằng ngày cúng cơm Bác Hồ, rồi cúng giỗ hằng năm. Bây giờ cha bà đã mất, mẹ già yếu, bà thay gia đình tiếp tục cúng giỗ Bác hằng năm.

Không chỉ người dân xã Long Đức (nơi có đền thờ Bác Hồ) làm giỗ Bác hằng năm, rất nhiều gia đình các địa phương khác ở Trà Vinh cũng duy trì việc này. Ở khóm 9, thị trấn Càng Long (huyện Càng Long), rất nhiều người đã từng ăn giỗ Bác Hồ ở nhà ông Cao Văn Đằng (SN 1922). Đêm 3.9.1969, ông Đằng đã khóc như trẻ con khi nghe tin Bác Hồ mất. Ngay tức thì ông lập bàn thờ, lấy chiếc tem có hình Bác Hồ bí mật thờ cúng, hằng năm đều làm giỗ, dù nhà ông chỉ cách đồn lính 200m.
Không chỉ thờ cúng Bác Hồ ngay trước mũi giặc, ông Đằng còn chơi khăm bằng cách mời tên trưởng đồn và nhiều lính tới nhậu “đám giỗ ông già tui”. Ông đốt sẵn nhang để đám lính lần lượt lạy “ông già” trước khi ăn giỗ. Sau lần ăn giỗ năm 1971, tên trưởng đồn đã nghi ngờ, bắt ông lên đồn tra khảo “dám làm đám giỗ Cụ Hồ”, nhưng không có bằng chứng gì nên phải thả.
Bây giờ ông Đằng đã mất, bà Cao Thị Mừng - con gái ông - tiếp tục làm giỗ Bác hằng năm. Trong đám giỗ, bao giờ cũng có những trận cười nghiêng ngửa khi bà con nhắc chuyện ông Đằng đã lừa bắt tên trưởng đồn đốt nhang lạy Cụ Hồ!
KỲ QUAN
https://laodong.vn/phong-su/42-nam-cung-gio-bac-ho-64959.bld







Giỗ Bác với lòng thành kính và nguyện sống tốt hơn


* Ngày 2-9 năm nay, ông Trần Thanh Bình ngụ ấp Tân Thiện (Tân Phong, Cai Lậy) trang trọng tổ chức lễ giỗ Bác Hồ lần thứ 15. Yêu kính Bác, năm 1988 ông Bình lập gác thờ Bác Hồ tại gia đình và từ năm 1997 ông tổ chức lễ giỗ Bác hàng năm. Điều ông hãnh diện và xúc động nhất qua 14 lần tổ chức giỗ Bác là có những người không quen biết ở rất xa đã lặn lội đến để cùng tham dự.
Nhiều người trong số họ đã trở thành người thân trong gia đình. “Bác đã hy sinh cả cuộc đời cho dân, cho nước và tuy Bác không lập gia đình riêng nhưng người dân Việt Nam đều là con, cháu của Bác. Tôi tổ chức giỗ Bác với nghi thức truyền thống, trong không khí thành kính, ấm áp, thân thuộc như con cháu tề tựu tham dự lễ giỗ của người ông, người cha trong một gia đình người Việt Nam” - ông Bình tâm sự.
Bàn thờ Bác được đặt trang trọng giữa nhà với những bông hoa tươi thắm, những mâm sản vật địa phương được gia đình và bà con đến dự thành kính dâng lên Bác. Lần lượt từng người thắp nén nhang tưởng nhớ trước di ảnh Bác. Ông Trần Thanh Bình cho biết: Tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn duy trì tổ chức lễ giỗ Bác, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, trong đó có con cháu mình…

Tổ chức lễ giỗ Bác Hồ tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy. Ảnh: Mỹ Phương
Tổ chức lễ giỗ Bác Hồ tại ấp Mỹ Thạnh (Mỹ Hạnh Trung, Cai Lậy). Ảnh: Mỹ Phương
* Ở xã Nhị Mỹ, năm đầu tiên Ban liên lạc hưu trí tổ chức lễ giỗ Bác Hồ. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các thành viên đã thắp hương tưởng niệm, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kể cho nhau nghe những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức sáng ngời của Người.
Ông Nguyễn Lê Phan, Trưởng Ban liên lạc hưu trí xã Nhị Mỹ cho biết: “Xuất phát từ tình cảm kính yêu Bác, chúng tôi sẽ duy trì việc tổ chức lễ giỗ Bác vào ngày 2-9 hàng năm. Lễ giỗ là dịp tưởng nhớ công ơn của vị cha già kính yêu của dân tộc, kể cho nhau nghe những câu chuyện giản dị mà sâu sắc về tấm gương đạo đức của Người. Đó cũng là cách nhắc nhở bản thân không ngừng phấn đấu, rèn luyện theo gương Bác”.
Năm 2008, khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai trong các tầng lớp nhân dân, nhiều đơn vị, cá nhân ở huyện Cai Lậy đã bày tỏ lòng tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh qua việc lập bàn thờ, treo ảnh Bác ở nơi trang trọng trong gia đình và tổ chức lễ giỗ Bác Hồ vào ngày 2-9 hàng năm.
Năm nay, ngoài lễ giỗ Bác Hồ do ông Trần Thanh Bình và Ban liên lạc hưu trí xã Nhị Mỹ tổ chức, nhiều cá nhân, đơn vị ở huyện Cai Lậy cũng đã tổ chức lễ giỗ Bác với tấm lòng tôn kính như: Ông Trần Văn Thắng (xã Tân Phong), ông Nguyễn Ngọc Phát (xã Tân Hội), bà Đoàn Thị Hạnh (xã Thạnh Lộc), Chi bộ ấp Mỹ Hạnh Trung, Ban liên lạc hưu trí và Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình, Chi hội Cựu chiến binh ấp Rạch Trắc (xã Mỹ Phước Tây)…
'Lễ giỗ Bác tại các nơi đều diễn ra theo nghi thức cổ truyền, trang trọng và tiết kiệm, bởi cuộc sống bình dị của Bác là một trong những bài học sâu sắc đối với mọi người.
Với người dân huyện Cai Lậy, việc lập bàn thờ và tổ chức lễ giỗ Bác Hồ không chỉ là cách thể hiện lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mà còn là dịp để soi rọi bản thân, nhắc nhở mình sống tốt hơn, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của Người. Tưởng nhớ đến Bác cũng chính là để học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong cuộc sống hôm nay.

QUẾ NGÂN

Chi hội trưởng CCB tổ chức lễ giỗ Bác
Ngày 2-9 năm nay, Chi hội trưởng Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Ngôn (SN 1956, ngụ tổ 2, ấp Bình Lợi, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) tổ chức lễ giỗ Bác Hồ tại nhà.
Ông Lê Ngọc Hóa, Bí thư Đảng ủy xã, đại diện Ban Chấp hành Hội CCB xã, chi hội trưởng CCB các ấp và 35 CCB trong ấp đã đến dự.
 Mọi người thắp hương tưởng niệm rồi cùng quây quần nghe ông Ngôn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của Bác với lòng thành kính sâu sắc và kêu gọi các CCB trong chi hội suốt đời học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, chung sức cùng nhân dân xây dựng 19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
N. TRUNG



http://baoapbac.vn/chinh-tri/201209/Gio-Bac-voi-long-thanh-kinh-va-nguyen-song-tot-hon-123555/

.

Năm 2008

Người 39 năm tự tổ chức lễ giỗ Bác Hồ

03/09/2008 09:08 GMT+7

Về thị trấn Càng Long (huyện Càng Long, Trà Vinh), hỏi nhà ông Hai Đằng - người tổ chức lễ giỗ cúng Bác Hồ thì ai cũng biết. Sáng 1-9-2008, trời mưa rả rích, song chòm xóm vẫn lục tục kéo đến nhà bác Hai Đằng phụ gói bánh tét, bánh ít... chuẩn bị cho ngày giỗ Bác 2-9.

Chị Ràng - con gái bác Hai Đằng bộc bạch: “Mỗi năm nhà có đến sáu đám giỗ nhưng giỗ Bác Hồ là lớn nhất. Sau giải phóng, tổ chức giỗ Bác cứ lớn dần do thông tin rộng rãi đã thu hút từ người dân đến cán bộ ấp, xã, tỉnh ai hay là tự đến dự, thắp nén nhang. Có năm có 7-8 bàn tiệc, như một cái đám cưới nhỏ vậy. Mấy năm rồi, năm nào cũng mần heo. Năm nay tôi chuẩn bị hăm mấy con vịt xiêm, dự định mua thêm thịt heo nữa...”.
NsZWKDc8.jpgPhóng toNsZWKDc8.jpg
Ông Hai Đằng với chiếc radio cũ đã hỏng mà ông luôn giữ bên mình. Ảnh: NGUYÊN VẸN
Chiếc radio và lễ giỗ
Ông Hai Đằng nhớ lại ngày ấy, trong lòng địch, vì quá mê tin tức nên ông đã cố công tìm mua cho được cái radio 7.200 đồng. Ông nhớ mình đã đi cuốc mướn hai công khoai, bán thêm trên một tạ heo và bầy gà để có tiền mua radio. Đêm đêm ông ôm cái radio vào lòng nghe đài Hà Nội, đài Giải Phóng. Một hôm, ông chết lặng khi nghe tin Bác Hồ mất. Dẫu chỉ biết Bác qua chiếc radio Standard của Nhật nhưng ông đã ngưỡng mộ vị lãnh tụ giản dị, gần gũi, luôn lo cho dân cho nước.
Đài thông báo Bác mất vào ngày 3-9. Sau những giọt nước mắt buồn bã, ông quyết định âm thầm tổ chức cúng tưởng nhớ đầy đủ từ bảy ngày đến 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày sau ngày mất của Bác. Từ đó về sau, năm nào ông cũng tổ chức lễ giỗ Bác Hồ ngay trên nắp trảng sê trốn giặc nhà mình.
Thời đó tấm lòng là chính, có gì cúng nấy, khi con cá, khi con lươn... “Năm 1970, mới vừa đặt dĩa khoai lang cùng tấm ảnh Bác, bình bông lên nắp trảng sê rồi đưa tay lên cắm nén nhang vào lư hương, chưa kịp cúng vái thì một viên đạn từ bót Gò Cà bắn tới làm bị thương cánh tay phải” - bác Hai nhớ lại. Theo thời gian, giỗ được tổ chức đều đặn như thế nhưng làng xóm không ai biết bác Hai Đằng cúng giỗ ai vì mỗi khi hỏi tới chỉ nghe câu trả lời “Cúng ông nội tôi”.
Tình cảm, sao lại tính công?
Giờ đây, cứ mỗi lần nhắc đến Bác Hồ, ông Hai Đằng lại đưa tay lên lau nước mắt. Tuy dòng lệ đã cạn ở lão nông 86 tuổi đời song ông như khóc cho chính người thân của mình vậy. Ông vẫn còn minh mẫn nhớ lại chuyện tham gia làm hậu cần, dân quân, tiểu tổ nông hội đi vận động tiếp tế cho quân ta thời kháng Pháp. Rồi chuyện ông cùng một số người đưa vũ khí qua lộ, đi đăëp mô cản đường địch, phá đường, chở bộ đội bị thương qua tận Ba Tri (Bến Tre).
Con ông - bốn đứa trai lớn cũng nối gót con đường ba mình đã chọn nhưng một trong số đó đã hy sinh. Thời ấy, bom đạn giặc bắn phá dữ dội, mọi người đều đi hết, chỉ có ông vẫn bám trụ lại nơi đây để trữ lúa gạo và nuôi quân. Nhà trống hoác nhưng đấy lại là nơi dừng chân của quân ta. “Quanh vườn tôi luôn có 3-4 hầm bí mật” - ông nói.
Giờ đây có người bảo rằng sao ông không lo thủ tục để hưởng chính sách có công, ông dứt khoát: “Không! Tôi tổ chức cúng giỗ Bác Hồ - người lo cho dân cho nước là vui rồi, làm công cán lấy tiền chi nữa”. Trên tủ giữa nhà, chính quyền đã tặng cho ông Hai Đằng một tượng Bác Hồ nhưng ông vẫn chưa chịu, đòi con phải tìm cho ông một tấm ảnh Bác Hồ lớn treo thêm trong nhà. “Được vậy mà tôi thấy ba vui mừng hơn, khỏe hơn!” - chị Ràng bộc bạch. Giờ đây, dẫu cái radio đã hư mười mấy năm rồi nhưng ông vẫn luôn giữ nó bên mình như một kỷ vật thiêng liêng bởi nhờ nó mà ông hay tin Bác mất.
Ở Trà Vinh, người dân không chỉ lập nhà thờ Bác Hồ (xã Long Đức, thị xã Trà Vinh) mà còn tổ chức giỗ Bác ngay trong lòng địch. Dẫu trong mọi hoàn cảnh, người miền Nam vẫn luôn nhớ về Bác. Tất cả điều đó như tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc kháng chiến cho đến ngày hòa bình.
Theo NGUYÊN VẸNPháp Luật TP.HCM

http://tuoitre.vn/nguoi-39-nam-tu-to-chuc-le-gio-bac-ho-276748.htm



.

Năm 2007 (âm và dương lịch trùng ngày giỗ như năm 1969)


Chủ Nhật, 02/09/2007 - 07:46

Nhà nhà cúng giỗ Bác Hồ

Năm nay, bàn thờ Bác Hồ trong nhiều gia đình nghi ngút khói hương từ sớm. Nhiều nhà làm lễ trang trọng hơn mọi năm, bởi giỗ Bác lần thứ 38 trùng cả lịch âm lẫn lịch dương (2/9 Dương lịch, và 21/7 Âm lịch).

Căn nhà tập thể đã úa màu vôi vữa của bà Ngân và ông Lừng trong một con ngõ nhỏ thuộc khu tập thể Phòng không - Không quân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thoảng mùi trầm nhang từ đêm qua.

Một lọ hoa tươi, vài chén chè kê. Thêm một đĩa hoa quả và 3 nén hương, bà Ngân bùi ngùi cắm lên bàn thờ Bác từng nén trang trọng, sau khi thắp nhang bái tổ tiên.

Ông Lừng (nguyên là một đái tá quân đội) bộc bạch: "Nhà tôi, 38 năm nay, năm nào cũng làm giỗ Bác Hồ. Thử hỏi non sông đất nước này, có ai thân với mình bằng Bác? Tôi còn là lính của Cụ hơn 40 năm; Cụ còn hơn cả cha mình!".

Bức ảnh Bác trên bàn thờ nhà ông Lừng - bà Ngân là một tấm ảnh lụa đen trắng anh trai ông được tặng sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Sau này, khi hoà bình lập lại trên miền Bắc, ông bà xin ảnh về thờ.

38 năm nay, ngày giỗ Bác bao giờ cũng là dịp đoàn tụ của gia đình ông bà; các con ông bà đưa trẻ nhỏ về ăn bữa cơm cúng Bác, bao giờ cũng có xôi chuối, chè oản, trái cây. Con cháu cũng thắp nhang, thậm chí châm thuốc lá mời Người liên tục trên bàn thờ.

Cách Hà Nội 90km, tại TP Nam Định, nhiều bàn thờ Bác Hồ cũng bắt đầu nghi ngút khói hương từ khi trời chưa sáng.

Nhà chị Đinh Thanh Vân ở đường Hưng Yên, nơi mà bát hương thờ Người được lấy đất từ những nơi linh thiêng nhất: Pác Bó (Cao Bằng), nhà sàn Khu di tích Hồ Chủ tịch, đỉnh núi Tản, Ba Vì (nơi có bàn thờ Bác)..., cũng rộn ràng chuẩn bị lễ cúng từ đêm qua. Năm nay, chị Vân làm lễ trang trọng hơn cả, bởi giỗ Bác trùng cả lịch âm - dương.

Theo chị Vân, chị là người hiếm hoi được gặp Bác khi còn trong bụng mẹ. Mùa hè năm 1963, mẹ chị khi đó là nhân viên nhà ăn Nhà máy Dệt Nam Định, đang ăn dở bữa cơm sớm (bắt buộc phải lệch giờ với công nhân, để còn phục vụ) thì được tin Bác Hồ tới thăm. Bà (khi đó mới 23 tuổi) hoảng hốt "chạy trốn" theo lối nhà vệ sinh ở cổng sau nhà máy, bất ngờ gặp Bác và nghiễm nhiên được thay mặt cả ngàn công nhân chuyện trò cùng Người.

Câu chuyện chạy trốn mà được gặp Bác Hồ trở thành một kỷ niệm tuyệt đẹp suốt đời mẹ chị Vân và gia đình.

Chị Vân, đến hôm nay, vẫn bùi ngùi ngắm tấm ảnh mẹ chị, bụng vượt mặt, đôi đũa dắt cạp quần, đứng trò chuyện với Bác Hồ cạnh mấy thúng gạo vo ve ruồi nhặng và bị Bác phê bình năm ấy. Trong lễ giỗ Bác, chị kêu tên mẹ, với hy vọng những người thân yêu của chị lại có dịp gặp nhau...

Người người thờ Cha

Chị Vân bảo, hầu hết các tiểu thương chợ Mỹ Tho nơi chị kiếm sống đều lập bàn thờ Bác; trang trọng cúng giỗ Người vào ngày 2/9.

Chị em tiểu thương bảo nhau, Bác Hồ là Cha của cả nước, lại là một vị thánh; cúng giỗ Bác để răn dạy bản thân sống thiện tâm, cũng để được Người độ trì nhiều may mắn.

Con em của các tiểu thương này, phần lớn đang học đại học tại Hà Nội, cũng theo cha mẹ thờ Bác Hồ.

Tại Kí túc xá Học viện Quan hệ quốc tế (phố Chùa Láng, Hà Nội) ảnh chân dung Hồ Chủ tịch được treo trang trọng trong nhiều phòng 303, 503, 504, 403...

Loan Phương, sống tại phòng 303 nhà C, tâm sự: Mấy năm trước, phòng của cô chơi thân với một anh cùng trường người Huế tên là Nguyễn Lê Hoàng Vũ. Bức chân dung Bác Hồ mà Phương đang treo chính giữa căn phòng là kỉ vật theo Vũ suốt thời sinh viên.

Nhà Vũ ở Huế, bên cạnh bàn thờ tổ tiên là bàn thờ Bác. Ngày Bác mất hằng năm cũng là ngày con cháu về gia đình bố mẹ đoàn tụ, tổ chức cúng người.

Sau câu chuyện của Vũ, Phương và bạn học treo ảnh Bác như một lẽ tự nhiên thật thiêng liêng, mà không ai tự hỏi tại sao...

Theo Hà Lê - Quảng Hạnh
Vietnamnet
http://dantri.com.vn/xa-hoi/nha-nha-cung-gio-bac-ho-1188797467.htm

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.