Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/07/2017

Tìm hiểu sự tích giáng sinh lần thứ ba của mẫu Liễu (bài Nguyễn Thị Yên)


Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Dân gian số 3/2017.

Bản hiện thấy trên mạng là từ Văn hóa Nghệ An.

Lấy nguyên từ đó về.



---




Tìm hiểu sự tích giáng sinh lần thứ ba của mẫu Liễu ở  xã Hà Châu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá
Trong các tài liệu thư tịch và truyền thuyết dân gian thì làng Tây Mỗ (huyện Nga  Sơn xưa, nay thuộc xã Hà Châu, huyện Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa) vốn được biết đến là nơi giáng sinh lần thứ 3 của Thánh mẫu Liễu Hạnh. Tuy nhiên các nguồn tư liệu về lần giáng sinh này thường là không khớp nhau hoặc là các thông tin chưa đầy đủ. Bài viết này được thực hiện nhằm cung cấp thêm cho người đọc những thông tin cụ thể hơn về nguồn gốc tục thờ mẫu ở làng Tây Mỗ trong mối liên quan với truyền thuyết giáng sinh lần thứ ba của Mẫu Liễu Hạnh ở đây.
1. Mẫu Tây Mỗ qua các nguồn tư liệu thành văn
Trước hết, chúng tôi xin điểm qua các tài liệu có nhắc đến Tây Mỗ với tư cách là nơi giáng sinh thứ ba của mẫu Liễu Hạnh.
Một trong những nguồn tư liệu sớm nhất là các tư liệu ở phủ Quảng Cung (tức Phủ Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).
Bản sao tấm bia ghi việc ngôi đền thiêng Quảng Cung của tri huyện Đại An, Bắc từ Nguyễn Đình Việp năm Tân Dậu (1741) và bản sao phả ký đền thiêng Quảng Cung do tiến sĩ Vũ Huy Trác soạn năm 1781 đều đưa thông tin về 3 lần giáng sinh của “Mẫu ta” (mẫu Phủ Nấp). Trong đó lần thứ ba “xuống thẳng xã Tây Mỗ huyện Nga Sơn thuộc hạt Thanh Hoa” vào năm 1650, tái hợp với tiền phu quân Đào Lang sinh được một con trai đặt tên là Cổn, năm 1668 về trời. Ở bản phả ký còn nói rõ thêm “xưng tên là Hoàng Thị Trinh, lấy chồng là Mai Thanh Lâm, sinh được một trai đặt tên là Thanh Cổn”[1].
Không rõ dựa vào tư liệu nào mà các tác giả nói trên cho rằng lần giáng sinh thứ 3 của Mẫu là vào thời gian 1650 – 1668, tên mẫu là Hoàng Thị Trinh?
Nguồn tư liệu thứ hai là sách Cát thiên tam thế thực lục (1913) tương truyền là của chính Đệ nhất vị Tiên Hương Thánh mẫu giáng bút, được các đệ tử ghi chép và ấn tống tại phủ Quảng Cung. Trong phần “Cát thiên tam thế thực lục tổng tự” có nói về lần thứ ba: “Giáng thế lần thứ ba tại xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá cùng với phu quân Đào Lang tái hợp, phu quân mang họ Mai, sinh được con trai tên Cổn, mới được hơn một năm thì quay trở về trời”[2].
Cũng trong bản văn giáng bút này ở bài “Cát thiên tam thế thực lục quốc âm” nói về lần giáng sinh thứ ba như sau:
            … Danh sơn Sóc địa bấy lâu
             Sóc Sơn tái hợp phối hầu Đào Lang
             Nên Nhâm hậu Cổn rõ ràng
             Đông tàn hoa tạ mấy hoàn tiên gia
Như vậy ở ngay chính bản văn giáng bút này nguồn tư liệu cũng không thống nhất về nơi giáng sinh và thời gian giáng sinh. Địa danh “Sóc Sơn” nhắc đến ở trên nếu theo bản “Vân Cát thần nữ” của Đoàn Thị Điểm là ở Nghệ An chứ không  phải là Thanh Hoá. Mặt khác khái niệm “giáng thế” ở đây không giải thích rõ khiến người đọc không hiểu tại sao giáng thế có hơn một năm mà đã sinh được một cậu con trai?
Có lẽ là từ các tư liệu này mà ở Phủ Dầy còn có đôi câu đối viết năm 1913 của đốc học tỉnh Thanh Hoá Lê Huy Vĩnh về ba lần giáng sinh của Mẫu như sau:
        Tam thế luân hồi, vu Vỉ Nhuế, vu Vân Cát, vu Nga Sơn, ngũ bách dư niên quang thực lục
        Lịch triều ba cổn, vi đế nữ, vi đại vương, vi chúng mẫu, ức thiên vạn cổ điện danh bang
        (Ba đời thay đổi, ở Vỉ Nhuế, ở Vân Cát, ở Nga Sơn, đến nay đã hơn năm trăm năm, sự tích sáng ngời trong thực lục
Các triều đời phong tặng, là con vua, là đại vương, là các mẹ, dù cho tới muôn vạn năm sau, tiếng tăm vang động khắp nhân gian)[3]
Nguồn tư liệu thứ ba có nói đến ba lần giáng sinh của mẫu liên quan đến Tây Mỗ là tập Kinh thánh mẫu Sòng Sơn do Hội tiên mẫu Việt Nam ấn tống năm 1952, nhà in Thanh Bình. Nội dung này viết rằng “Đức Tiên – Chúa mới giáng hiện, tái hợp với chàng Mai – Sinh, là đệ tam thế giáng sinh, kể từ đó, tức là năm Kỷ Dậu niên hiệu Hoàng Định thập niên, triều vua Lê Kính Tôn (1609)”. Nơi mẫu giáng hiện là ở núi Sóc Sơn trong vườn đào tươi tốt. Tại đây mẫu đã có cuộc gặp gỡ với kiếp sau của chàng Đào Lang được “tái sinh nhà họ Mai làng  Tây - Mụ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, chàng Mai – Sinh tuổi mới hai mươi, chí khí khác thường, thông minh quán thế, song thân đều qua đời hết, anh em không có…”[4].
Nội dung tiếp theo miêu tả cuộc gặp gỡ xướng hoạ thơ phú giữa mẫu với chàng Mai Sinh, sau đó hai người kết duyên vợ chồng, sinh được một con trai tên Mai Cổn, về cơ bản tương tự như nội dung cuộc giáng thế của mẫu ở làng Sóc, tỉnh Nghệ An của Đoàn Thị Điểm trong “Vân Cát thần nữ”, điểm khác là nội dung này nói rõ mẫu giáng sinh năm 1609 và hoá năm 1610, nói rõ danh tính chàng thư sinh họ Mai, con trai tên Cổn.
Như vậy bản kinh này là sự lồng ghép giữa nội dung giáng bút trong sách Cát thiên tam thế thực lục ở phủ Quảng Cung về địa danh Tây Mỗ với toàn bộ nội dung mẫu giáng thế ở làng Sóc Nghệ An trong “Vân Cát thần nữ” của Đoàn Thị Điểm.
Dưới đây là bản tổng hợp các thông tin về giáng sinh của mẫu Tây Mỗ qua các nguồn tư liệu:
   Thông tin
Tư liệu Hán Nôm phủ Quảng cung
Cát thiên tam thế thực lục
Kinh thánh mẫu Sòng Sơn
Năm xuất hiện tư liệu
 1741 và 1781
1913
1952
Địa danh giáng sinh
Xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, hạt Thanh Hoa
- Sóc Sơn ?
- Xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá
Làng Tây Mụ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá
Thời gian  sinh, hoá
10/10 năm 1650 đến ngày 5/2 năm1668
 Hơn một năm – không nói rõ năm giáng, năm hoá
1609 - 1610
Danh tính khi giáng sinh
Xưng tên là Hoàng Thị Trinh
Không nói tên họ
Không nói tên họ
Danh tính chồng
-          Đào Lang
-          Mai Thanh Lâm
Phu quân họ Mai
Chàng Mai Sinh (giống chuyện của Đoàn Thị Điểm)
Danh tính con
- Tên Cổn
- Thanh Cổn
Tên Cổn
Mai Cổn
Danh tính cha mẹ
Không có
Không có
Không có
Như vậy điểm chung của ba nguồn tư liệu này về lần giáng sinh thứ ba của mẫu là ở địa danh Tây Mỗ, lấy chồng họ Mai kiếp sau của Đào Lang, sinh một con trai tên Cổn. Điểm khác là thời gian sinh hoá không thống nhất, không nói rõ cách giáng. Và điểm khác so với các tư liệu về các lần giáng sinh trước là các tư liệu này không nói rõ danh tính cha mẹ mẫu ở Tây Mỗ, riêng bản “Kinh thánh mẫu Sòng Sơn” thì chép lại toàn bộ nội dung của “Vân Cát thần nữ” giáng thế ở làng Sóc Nghệ An.
2. Mẫu Tây Mỗ qua các nguồn tư liệu tại địa phương      
Trải qua các lần thay đổi tên gọi hành chính, làng Tây Mỗ hiện nay thuộc về xã Hà Châu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Tư liệu hiện nay liên quan đến mẫu Tây Mỗ gồm có:
Tư liệu ở làng Tây Mỗ:
       1) Di tích ngôi đền cũ bị hạ giải vào khoảng những năm 1960, được một cá nhân đầu tư xây lại khoảng 10 năm trước, năm 2013 lại tiếp tục đập đi xây lại với quy mô lớn hơn, đẹp và khang trang.
      2) Nhà thờ họ Hoàng với ban thờ được bài trí tương tự như ở phủ Mẫu, trong đó có bức ảnh chụp tượng mẫu 15 tuổi. Xung quanh nhà thờ họ Hoàng có các nghi thức tế lễ, rước kiệu Mẫu vào ngày kị mẫu tháng 3.  Sau khi phủ Mỗ bị phá thì hàng năm vào ngày 7/3 tại nhà thờ họ Hoàng vẫn tổ chức cúng giỗ Mẫu, có  hầu đồng.
      3) Các câu chuyện linh dị lúc còn nhỏ của Mẫu được các cụ Tây Mỗ ghi chép lại trong một tập tài liệu sưu tầm giới thiệu về văn hoá dân gian địa phương. Trong tư liệu này các cụ gọi mẫu là “Bà thánh Ba”, tên sắc phong là “Hoàng Thị Quế Hoa công chúa”, tên cha mẹ đặt là Hoàng Thị Trinh, không nhớ rõ năm xây dựng đền, chỉ nhớ là “các cụ nói ở thời kỳ triều đại nhà Nguyễn”[5]
       4) Tập tư liệu “Phủ Mỗ nơi thờ Đệ tam thiên tiên Hoàng Thị Quế Hoa công chúa” do Th.s Vũ Thị Hường, Ban quản lý Di tích và Danh thắng Thanh Hoá biên soạn. Tư liệu này chủ yếu dựa vào sách Thanh hoá chư thần lục (1903) chép về thần tích của Đệ Tam Thiên tiên Hoàng Thị Quế Hoa công chúa người xã Tây Mỗ, giáng sinh vào đời vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786), đi tu và hoá ở Vụ Bản, Nam Định.
       5) Một tập tư liệu chép tay khác với tiêu đề “Lược sử Thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa” đã dựa trên các tài liệu thành văn giới thiệu lại ba lần giáng sinh của mẫu Liễu Hạnh. Riêng lần giáng sinh thứ 3 “Lấy chồng ở Nga Sơn, đền thờ ở Tây Mỗ có trên 425 năm và mẫu mất ngày 23 tháng chạp năm canh tuất (1610) thọ 32 tuổi…”.
        6) Gắn với di tích phủ Mỗ có lễ hội được mở vào ngày hoá của Đệ tam Thiên tiên Hoàng Thị Quế Hoa công chúa được gọi là “Lễ hội bà chúa Ba” kéo dài từ ngày mùng 7 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch với các nghi thức rước tế linh đình, địa điểm là nhà thờ họ Hoàng và Phủ Mỗ.
*Tư liệu ở thôn Nga Châu, xã Hà Châu
Thôn Nga Châu, xã Hà Châu là nơi có nhà thờ dòng họ Nguyễn Hoàng mà ông tổ có có gốc là họ Hoàng ở Tây Mỗ. Tư liệu ở đây có:
       1) Tập tư liệu Sự tích thành hoàng thánh mẫu có công làng Nga Châu thờ [6]trong đó có mục “Sự tích đệ tam thánh mẫu Quỳnh Quế Hoa” được chú thích là soạn theo tập Biên niên sử họ Hoàng, có Giám sinh hiệu Khắc trai - Nguyễn Tấn Sâm (Nguyễn Tuấn Tham?) ở huyện Nam Chân, xã Tang Đình khảo sự tích soạn thành. Tư liệu này nói đầy đủ hơn về sự tích mẫu: sinh ngày 21/12 năm Đinh Hợi (1767), năm 16 tuổi (1782) gả cho Mai tự Nhu Bàng tổng Thạch Giản, về tu ở thôn Giáp Ba, Bảo Ngũ, năm 33 tuổi (1799) thác ngày 9/3, chim yến bay rợp trời.
       2) Di tích thờ mẫu: Mẫu được thờ ở đền Tân Từ cùng với Nguyệt Nga công chúa. Qua kháng chiến chống Pháp đền Tân Từ bị hỏng, năm 2006 sửa chữa tôn tạo lại, danh hiệu thần:
Liễu Hạnh công chúa - Chế thắng Hoà diệu đại vương 3 lần giáng trần, giáng ngự tại Nga Châu, hiệu Quỳnh Quế Hoa
       2) Tư liệu ở nhà thờ họ Nguyễn Hoàng thôn Nga Châu gồm tấm bia ghi số ruộng đất ai đó gửi hậu cho họ Hoàng ở Tây Mỗ, Nga Sơn, niên đại Cảnh Hưng thứ hai mươi ba (1762) và bản ngọc phả về mẫu viết bằng chữ Hán do ông Nguyễn Tuấn Tham  biên soạn thời vua Khải Định, nội dung giống như bản lược dịch giới thiệu của làng Nga Châu trong tập tư liệu đã giới thiệu ở trên.
Ngoài ra tư liệu hồi cố của gia đình họ Nguyễn Hoàng còn cho biết nhiều thông tin khác liên quan đến Mẫu Tây Mỗ ở Nga Châu như chuyện ông tổ họ Nguyễn Hoàng tên Nho từ Tây Mỗ sang Nga Châu rồi sinh ra Mẫu, vợ ông tên Bình, Mẫu lấy chồng họ Mai ở Thạch Giản, dòng họ Nguyễn Hoàng có 7 đời làm nghề phù thuỷ, các di vật của Mẫu trong đó có mớ tóc trao cho Phủ Dày,v.v…
          3) Bài văn kể sự tích 3 lần giáng sinh của Mẫu: lần thứ nhất giống sự tích mẫu họ Phạm giáng sinh ở Phủ Nấp nhưng địa danh là làng Quảng Nạp thuộc hạt Thái Nguyên; lần thứ hai là ở nhà họ Lê ở làng Vân Cát, lần thứ ba “Lỗi giáng sinh mượn cửa họ Hoàng” ở Tây Mỗ…
Nguồn tư liệu ở Nga Châu, đặc biệt là tư liệu ở gia đình dòng họ Nguyễn Hoàng  cho thấy thông tin về Mẫu có phần cụ thể hơn về lai lịch cha mẹ, về các di vật. Điều đáng lưu ý là phần lớn các di vật liên quan đến mẫu Tây Mỗ như bia đá, bản ngọc phả ngoài Nam Định soạn, các di vật của Mẫu,…lại chỉ tập trung ở nhà thờ họ Nguyễn Hoàng mà bên nhà thờ họ Hoàng ở Tây Mỗ không có. Câu hỏi đặt ra là: Mẫu Hoàng Thị Quế Hoa công chúa ở làng Tây Mỗ và mẫu Quỳnh Quế Hoa công chúa ở làng Nga Châu có phải là một không?
*Tư liệu về mẫu ở thôn Giáp Ba
Phủ Giáp Ba, làng Bảo Ngũ, xã Quang Trung, cách Vân Cát (đều thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) khoảng 3 km. Tại đây các thông tin về mẫu khá đầy đủ, từ danh tính đến sự tích giáng hoá:
        1) Thông tin ở phủ Tổ của họ Mai: phủ Tổ họ Mai thờ ông Mai Nho Bàng tương truyền là chồng của mẫu, 26 tuổi vào Tây Mỗ buôn bán rồi đưa Mẫu ra Giáp Ba.
        2)  Phủ Giáp Ba mới xây dựng lại trên nền cũ, có 3 tấm bia đá của ngôi đền cũ niên đại nửa cuối thế kỷ 19: 1871, 1886 và 1892. Theo khảo cứu của tác giả Chu Xuân Giao thì đây là các văn bia muộn ra đời sau khi việc thờ phụng mẫu ở Giáp Ba đã có hàng trăm năm, chủ yếu nói về việc công đức của các cá nhân, tập thể cho phủ Mẫu. Trong đó bia năm 1886 có giới thiệu quê quán mẫu ở Tây Mỗ, Nga Sơn, làm dâu họ Mai ở Giáp Ba; bia năm 1892 nói về danh vị của mẫu là “Đệ tam tiên chúa” với quan niệm của người soạn (nhà nho Đỗ Huy Liêu): “Đền miếu ở Vân Cát và Tiên Hương là nơi thờ phụng cả  3 vị tiên chúa, là chung cho cả huyện, còn đền Bảo Ngũ là nơi phụng sự Đệ tam tiên chúa, là riêng của một làng”[7]   
        3)  Ngọc phả và các câu chuyện truyền tụng trong dân gian: Do ngọc phả bị cháy nên sự tích về mẫu được ghi lại bằng chữ quốc ngữ theo trí nhớ của người dân. Nội dung tương tự như bản ngọc phả bằng chữ Hán do ông Nguyễn Tuấn Tham biên soạn còn lưu lại được ở làng Nga Châu.
      4) Lăng mộ mẫu nằm độc lập ở vị trí giữa đồng, vừa qua đã được thầy đồng Việt Anh công đức xây dựng lại bằng đá khang trang, sạch sẽ. Ngoài ra còn có khu lăng mộ tổ phụ (ông Nho Bàng) nằm cách đó không xa trên trục đường cái quan.
       5) Nhà thờ họ Mai được xây dựng cách đây khoảng 80 năm với bản gia phả mới được lập lại theo trí nhớ của con cháu cùng câu chuyện cụ tổ họ Mai ở Giáp Ba từ xứ Thanh (không rõ địa danh cụ thể nào) ra làm quan rồi về sinh sống lập nghiệp ở Bảo Ngũ, qua đời cách đây khoảng 300 năm (đầu thế kỷ 18). Ông Mai Nho Bàng là đời thứ ba tính từ “cụ tổ xứ Thanh” – theo đó mẫu là cháu dâu của cụ tổ.         
        6) Cúng giỗ và lễ hội: Lễ hội ở phủ Mẫu Giáp Ba được tiến hành vào dịp giỗ Mẫu tháng 3 với các nghi thức tế rước kiệu linh đình từ phủ Mẫu ra lăng, ra mộ tổ phụ, ra chùa Bất Di, v.v… 
         Dưới đây là bản tổng kết tư liệu về Mẫu mà chúng tôi thu thập được từ tư liệu thực địa ở 3 điểm Tây Mỗ, Nga Châu (Hà Trung, Thanh Hoá) và Giáp Ba (Vụ Bản, Nam Định):
Thông tin
 Tây Mỗ
Nga Châu
Giáp Ba
Danh tính
Hoàng Thị Trinh
Không rõ
Hoàng Thị Khứu
Nơi sinh, hoá
Sinh Tây Mỗ, hoá ở Phủ Dày
Sinh Nga Châu/giáng ngự Nga Châu, hoá ở Phủ Dày
Sinh Tây Mỗ, hoá ở Giáp Ba
Cha mẹ
Không rõ
Ông cố Nguyễn Hoàng Nho (kị 10/5) và bà Bình (kị 10/4) thuộc dòng họ nhiều đời làm thầy phù thuỷ, địa lý, gốc họ Hoàng ở Tây Mỗ, sang trú tại Nga Châu
Không rõ - gọi chung chung mẹ là “Bà Từ mẫu”
Danh tính chồng
Không rõ
Ông Mai Bàng thầy đồ ở Thạch Giản
Ông Mai Nho Bàng (hoặc Bường) ở Bảo Ngũ vào Tây Mỗ buôn bán, nghỉ trọ tại nhà Mẫu
Việc hôn nhân
Không rõ
15 tuổi xuất giá quê người, 21 tuổi lấy chồng họ Mai Thạch Giản, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc.
Theo ông Mai Nho Bàng về Bảo Ngũ, một thời gian sau mới lấy ông, cuộc sống vợ chồng không suôn sẻ.
Công việc, thánh tích
Còn nhỏ đi chăn trâu, có điềm lạ biết trước mưa nắng, linh ứng sau khi hoá, tu ở Phủ Dày
Khi lớn đi buôn chè ở nhiều địa phương trong khu vực Hà Trung, biết trước điềm mưa nắng
 Dạy nghề canh cửi cho dân Bảo Ngũ, điềm lạ biết mưa nắng, thác hoá dị thường, linh ứng, thường xuyên tu Phật, trai giới.
Năm sinh, hoá
- Không rõ
- Trong khoảng các năm 1740 – 1780
- Mất ngày 23 tháng chạp năm canh tuất (1610) thọ 32 tuổi.
 - Sinh 1767 – hoá 1799 (theo ngọc phả do ông Nguyễn Tuấn Tham soạn)
 - Không rõ
 Sinh 1767 – hoá 1799 (theo ngọc phả do ông Nguyễn Tuấn Tham soạn)
Nơi hoá
-Phủ Dày
- Không nói rõ
Phủ Dày
Giáp Ba
Di tích, di vật tại các dòng họ
 Ảnh tượng thờ mẫu 15 tuổi ở nhà thờ họ Hoàng
Bia đá niên đại 1762 có liên quan đến họ Hoàng bên Tây Mỗ, ảnh tượng thờ Mẫu 15 tuổi ở nhà thờ họ Nguyễn Hoàng, mớ tóc và gương lược (đến năm 1918), ngọc phả

Di tích, di vật tại địa phương
Di tích Phủ Mỗ thờ sau khi mẫu hoá ở Bảo Ngũ
Di tích phối thờ ở đền Tân Từ Nga Châu
Di tích phủ Giáp Ba, 3 bia đá nửa cuối thế kỷ 19, lăng mộ mẫu, lăng mộ ông Nho Bàng chồng mẫu
Tên gọi, danh vị thần
- Tên tự: Đệ Tam thiên tiên Hoàng Thị Quế Hoa công chúa
- Dân gian gọi bà là “Bà chúa ba”
- Gia đình gọi là “Mẫu”
- Tên tự: Đệ tam Thánh mẫu Quỳnh Quế Hoa
- Dân gian: Mẫu Liễu Hạnh
- Gia đình gọi là Bà thánh tổ
- Tên tự: Quế Hoa công chúa đệ Tam thánh mẫu
- Dân gian: Đệ tam tiên chúa
- Gia đình gọi là Mẫu
Về mối quan hệ qua lại giữa Tây Mỗ - Giáp Ba
Xưa có mối quan hệ qua lại,  gọi là “ngoài Phủ Dày”
Xưa có mối quan hệ qua lại, gọi là “ngoài Phủ Dày”
Không có thông tin
Cúng giỗ, lễ hội
Giỗ Mẫu vào ngày 9/ 3
Lễ hội lớn có rước kiệu từ đền về nhà thờ họ Hoàng từ 7/3- 10/3
Giỗ Mẫu vào ngày 10/3 tại nhà thờ họ Nguyễn Hoàng.
Tế lễ ngày hoá ngày 9 -10/3 hàng năm tại đền Tân Từ Nga Châu  
Giỗ ngày 9/3
Từ 4/3 có rước kiệu ra lăng mẫu, lăng tổ phụ, chùa Bất Di,…
Quan niệm về “Tam thế giáng sinh”
Không có quan niệm Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần 3 ở Tây Mỗ
Có quan niệm Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần ba ở Tây Mỗ nhưng giáng ngự ở Nga Châu
Không có quan niệm mẫu giáng sinh lần 3 ở Tây Mỗ
III. Nhận xét và kết luận
Từ các nguồn tư liệu thành văn và thực địa cho thấy đã có sự hình thành hai thuyết  “Tam thế giáng sinh” của Mẫu ở Tây Mỗ ở hai thời điểm khác nhau.
Về  thuyết “Giáng thẳng Tây Mỗ sinh con trai tên Cổn”:
Thuyết này thể hiện những điểm chưa thống nhất liên quan đến  tên gọi và ngày sinh hoá của Mẫu. Mặc dù Tây Mỗ được coi là quê gốc của mẫu, có nhà thờ họ Hoàng với các nghi lễ cúng tế liên quan nhưng các tư liệu đều là lấy từ tài liệu sách vở hoặc là từ Giáp Ba đưa vào, dẫn đến thiếu thống nhất giữa tư liệu ở Tây Mỗ và Giáp Ba. Cụ thể ở Tây Mỗ còn có thông tin tên mẫu là Hoàng Thị Trinh, mất ngày 23 tháng chạp năm canh tuất (1610) thọ 32 tuổi (theo tư liệu Giáp Ba thì Mẫu tên Hoàng Thị Khứu, sinh 1767 mất 9/3 năm 1799). Về những điểm chưa thống nhất này chúng tôi xin được bàn luận như sau:
Thứ nhất, về thông tin tên gọi Hoàng Thị Trinh, chúng tôi thấy xuất hiện sớm nhất là ở tư liệu “Phả ký đền thiêng phủ Quảng Cung” do tiến sĩ Vũ Huy Trác soạn năm 1781. Theo tư liệu này thì mẫu giáng sinh 5/5 năm 1650, hoá ngày 5/2 năm 1668. Tư liệu này còn cho biết thêm “Sau Tiên chúa giáng bút đền Tây Mỗ nói chồng mất ngày 23 tháng Chạp và bà kế của chồng mất 14 tháng 8”[8].
Ông Dương Văn Vượng trong bài “Tìm hiểu lịch sử Mẫu Liễu qua một số thơ văn cổ” có dẫn một tư liệu (không dẫn nguồn): Vào năm Tự Đức thứ 2 (1850) ở họ Hoàng Tây Mỗ có cô Hoàng Thị Trinh mới qua tuổi trăng tròn chưa lấy chồng bị ốm nặng, qua hai tuần uống thuốc không khỏi, nằm thoi thóp, tuần thứ ba đến ngày 10/10 một con én trắng từ đâu bay vào nhà đậu lên mình cô Trinh. Một lát cô Trinh ngồi dậy khoẻ mạnh, bỏ vào rừng, chỉ về nhà mỗi ngày vào cuối buổi trưa, mấy tháng sau đưa một thư sinh về nhà, xin cha mẹ cho khu đất Đào Sơn sau nhà ở[9]. Đoạn sau thì như các tư liệu ở Quảng Cung – tức sinh con trai tên Cổn với hậu kiếp của Đào Lang rồi hoá (NTY chú thêm).
Câu chuyện này không thấy có ở địa phương khảo sát. Chưa bàn đến sự không thống nhất giữa năm hoá của cô Hoàng Thị Trinh của các nguồn tư liệu (1668 và 1850), chúng tôi cho rằng đây chỉ là một dị bản bắt nguồn từ câu chuyện cô gái họ Hoàng 16 tuổi ở Tây Mỗ bỏ nhà đi theo chàng họ Mai kết hợp với đoạn cuối truyện mẫu giáng thế ở làng Sóc Nghệ An trong truyện của Đoàn Thị Điểm. Cái tên Hoàng Thị Trinh có lẽ liên quan đến độ tuổi 15, 16 của cô.
Liên quan đến ngày 23 tháng Chạp, xưa kia Tây Mỗ có tục đánh cá hồ Tây Mỗ để chia cho dân vào ngày 23 tháng Chạp. Ngày hôm đó người ở Giáp Ba cũng vào đánh cá để xin lộc. Tương truyền đây là hồ nước ngày trước mẫu thường giặt giũ!
Vậy mẫu sinh hoá vào thời điểm nào? Phải chăng trước khi có bản ngọc phả từ ngoài Nam Định (viết vào đời vua Khải Định) ấn định ngày hoá của Mẫu 9/3 năm 1799 thì  trước đó ở Tây Mỗ đã lưu truyền một truyền thuyết mẫu hoá vào ngày 23 tháng Chạp liên quan đến cô Hoàng Thị Trinh?
Và như vậy thì câu chuyện giáng sinh của cô họ Hoàng ở Tây Mỗ phải sớm hơn thời điểm cuốn ngọc phả đưa ra (1767 – 1799)?
Cũng như vậy các thông tin từ bia và phả ký đền Quảng Cung về mẫu sinh hoá trong thời gian 1650 – 1668 hoặc từ kinh Thánh mẫu Sòng Sơn về mẫu giáng thế ở Tây Mỗ năm1609 – 1610 cũng sẽ không có cơ sở khi so với trường hợp cụ  thể của mẫu Tây Mỗ Hoàng Thị Khứu lấy chồng họ Mai ở Giáp Ba.
Điều đáng lưu ý là ở cả hai tư liệu bia ký (1741) và phả ký (1781) của phủ Quảng Cung các tác giả đều có nhắc đến mối quan hệ qua lại giữa Tây Mỗ và phủ Quảng Cung, Phủ Dày. Bản bia ký liệt kê huyện Nga Sơn cúng gỗ lim 100 cây, tiền 250 quan để trùng tu phủ Quảng Cung năm 1741. Bản Phả ký nói rõ Tây Mỗ đem lễ đến kính tế xã An Thái “có từ năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677) đến nay (1781- NTY chú) đã có 15 lần trải qua các năm”.[10]
Vậy các tư liệu trên có đáng tin cậy không?
Cũng theo ông Dương Văn Vượng trong tư liệu đã dẫn ở trên còn cho biết quan niệm “Tam thế giáng sinh” của Mẫu từng được biết đến sớm hơn qua câu đối của quan Giám sát ngự sử Đồng Công Viện viết năm Vĩnh Thịnh tứ 8 (1712) thời Lê Trịnh tại chùa Hải Lạng huyện Đại An:
Tam thế giáng sinh thiên hạ mẫu, thiên thu hiển hoá địa trung thần
(Tạm dịch: Ba kiếp giáng sinh, Mẫu trong thiên hạ; Ngàn thu biến hoá, thần tại nhân gian)[11]
Từ tất cả những tư liệu đã dẫn ở trên, chúng tôi cho rằng có hai thuyết “Giáng sinh tam thế” của Mẫu ra đời ở hai thời điểm khác nhau, trong đó thuyết “Giáng thẳng Tây Mỗ sinh con trai tên Cổn” là thuyết ra đời sớm trong thế kỷ 17 gắn với câu chuyện tương tự như mẫu giáng thế ở làng Sóc Nghệ An được Đoàn Thị Điểm ghi lại trong “Vân Cát thần nữ” mà ở đó địa danh làng Sóc Nghệ An được đổi thành Tây Mỗ, Nga Sơn, Thanh Hoá. Thuyết này hình thành thông qua hình thức giáng bút, giáng đồng lưu truyền phổ biến trong dân gian dưới các hình thức kinh sách, văn thờ,v.v…
Thuyết này cho ta biết trước khi có câu chuyện mẫu “sinh Tây Mẫu, hoá Giáp Ba” thì trong dân gian Tây Mỗ và Phủ Dày đã truyền tụng câu chuyện Tam thế giáng sinh của Mẫu ở Vỉ Nhuế, Phủ Dày và Tây Mỗ, hình thành nên mối quan hệ thân thiết giữa hai địa phương này mà các tư liệu bia kí và phả ký ở phủ Quảng Cung có ghi lại.
* Về thuyết “Sinh Tây Mỗ, hoá Giáp Ba”
Thuyết này gắn với câu chuyện cô họ Hoàng tên Khứu sinh ở Tây Mỗ lấy chồng họ Mai ở Giáp Ba không con cái, hoá vào ngày 9/3 hình thành nên cả một chuỗi hệ thống đền phủ, truyền thuyết, bia kí, lăng mộ…mà chúng tôi vừa giới thiệu ở trên. Thuyết này ít phổ biến trong dân gian, thậm chí hiện nay người dân ở hai làng gần kề Giáp Ba là Vân Cát và Tiên Hương gần như không biết thông tin này. Về thuyết này trong tư liệu ở các địa phương có nhiều thống nhất, cụ thể:
      1) Về lai lịch Mẫu: Nhìn chung các tư liệu đều thống nhất mẫu họ Hoàng, quê Tây Mỗ, hoá ở Phủ Dày (Giáp Ba?), mẫu không con cái, chồng họ Mai, cuộc sống tình duyên trắc trở, hoá khi 33 tuổi (có tư liệu nói 32 tuổi).
      2) Những biểu hiện khác thường lúc sinh thời: Biết trước điềm mưa nắng, biết trước ngày hoá.
      3) Về ngày hoá và việc thác hoá bất thường: Các tư liệu ở Tây Mỗ, Nga Châu đều thống nhất theo thông tin từ Giáp Ba: Mẫu hoá vào ngày 9/3, chọn đất táng, hoá có chủ ý, ngày mai táng chim nhạn  bay rợp trời đưa tiễn. 
       4) Việc thờ cúng, tế lễ: Tại mỗi địa phương đều có đền thờ với các nghi thức tế lễ, rước kiệu, hai trung tâm chính là Tây Mỗ và Giáp Ba. Tại các nhà thờ họ Hoàng (Tây Mỗ) và họ Nguyễn Hoàng (Nga Châu) đều tổ chức giỗ trọng vào dịp 9-10/3.
       5) Về danh hiệu thần: Tuy mỗi địa phương có tên gọi khác nhau nhưng đều thống nhất mẫu là vị thánh thứ ba (đệ tam) với các tên gọi như: Đệ tam thiên tiên thánh mẫu Hoàng Thị Quế Hoa hoặc đơn giản là “Bà chúa Ba” (Tây Mỗ); Đệ tam thánh mẫu Quỳnh Quế Hoa hoặc “Bà thánh tổ” (Nga Châu); Quế Hoa công chúa Đệ Tam thánh mẫu hoặc Đệ tam tiên chúa (Giáp Ba).
Tuy nhiên nguồn tư liệu này vẫn còn một số điểm chưa thống nhất:
Trước hết là về thời điểm sinh giáng của bà là ở nửa đầu hay nửa cuối thế kỷ 18 thì vẫn là một vấn đề cần tiếp tục bàn thêm.
Về vấn đề này chúng tôi xin lần lại bản “Trích lược gia phả chi họ Mai ở Thạch Giản, Nga Sơn, Thanh Hoá” để xem xét. Căn cứ vào bản gia phả họ Mai ở Giáp Ba mới lập lại thì  thông tin về “cụ tổ xứ Thanh” họ Mai đầu tiên ở Giáp Ba là khớp với ông tổ đời thứ 4 của họ Mai Thạch Giản có tên gọi Mai Thế Xưng, sinh 1643, mất 19/6 năm Mậu Tý 1708, trong gia phả ghi rõ:  “Mộ táng tại Mai thôn, xã Bảo Ngũ, huyện Vụ Bản, Nam Định”. Địa danh “Mai thôn” hiện không tồn tại, phải chăng đó là tên gọi chỉ thôn Giáp Ba nơi họ Mai cư trú?
Nếu căn cứ vào gia phả thì “cụ tổ xứ Thanh” là ông tổ Mai Thế Xưng sinh 1643. Như vậy ông Nho Bàng (cháu nội của cụ tổ) sẽ sinh trong khoảng từ 1690 -1700. Theo truyền ngôn (được ghi lại trên tấm bia ở phủ Tổ) thì năm 26 tuổi ông Nho Bàng vào Tây Mỗ buôn bán rồi đưa cô họ Hoàng 16 tuổi ra Giáp Ba. Theo như vậy cô họ Hoàng kém ông Nho Bàng khoảng 10 tuổi, có nghĩa cô sinh và mất vào khoảng những năm đầu thế kỷ 18 – dự đoán sớm hơn hoặc trong khoảng từ 1700 – 1740.
Điều này có vẻ khớp hơn với thông tin Mẫu là cháu dâu “cụ tổ xứ Thanh” ở Bảo Ngũ vì nếu như theo ngọc phả cô sinh năm 1767, cách cụ tổ những 124 năm thì cô không thể là cháu dâu cụ được!
Cũng như vậy bia đá mới dựng trong Phủ Tổ họ Mai ở Giáp Ba năm 2010 có viết “cụ tổ Mai Nho Bàng huý Mai Công sinh năm Đinh Hợi hậu Lê đời vua Cảnh Hưng thứ 28” theo chúng tôi là không chính xác vì năm đó (1767) theo ngọc phả là năm sinh của Mẫu. Ông Nho Bàng sinh tại Giáp Ba, thuộc gia đình dòng dõi vậy mà năm sinh năm mất còn không rõ (mặc dù ông mất sau khi mẫu đã hiển linh) vậy thì căn cứ vào đâu mà người đời sau hàng trăm năm có thể viết chính xác ngày giờ sinh của mẫu ở quê Thanh Hóa?
Ngay trong sách Thanh Hoá chư thần lục cũng chỉ nói mẫu giáng sinh trong khoảng đời vua Lê Cảnh Hưng 1740 – 1786.
Tiếp theo điểm chưa rõ trong thuyết này là danh tính cha mẹ Mẫu. Nếu hai lần giáng sinh 1 và 2 các truyền thuyết đều nói rất rõ về danh tính cha mẹ, miêu tả khá tỉ mỉ cuộc sống lúc sinh thời của mẫu thì ở lần giáng sinh thứ 3 danh tính cha mẹ của Mẫu hầu như không được nhắc đến cả ở  thuyết thứ nhất và thuyết thứ 2. Tuy nhiên qua truyền ngôn trong gia đình họ Nguyễn Hoàng ở làng Nga Châu thì thân phụ của mẫu là ông Nguyễn Hoàng Nho (kỵ 10/5) truyền gọi là “ông thánh tổ” và mẹ là bà Bình (kỵ 10/4).
Các thông tin về mẫu ở Nga Sơn là trùng với thông tin ở Tây Mỗ thậm chí còn rõ hơn ở Tây Mỗ (chẳng hạn chuyện Mẫu lấy chồng họ Mai ở Thạch Giản). Bức ảnh tượng mẫu thờ ở nhà thờ họ Nguyễn Hoàng cũng giống bức ảnh thờ ở nhà thờ họ Hoàng. Điều đó cho phép đoán định việc thờ phụng mẫu ở nhà thờ họ Nguyễn Hoàng và đền Tân Từ Nga Châu với việc thờ phụng mẫu bên Tây Mỗ là một.
Theo thế thứ thì ông Nho là ông tổ họ Nguyễn Hoàng đến ở Nga Châu đến đời con cháu hiện nay là  thứ 12, về cơ bản là trùng với thời gian dòng họ Mai (Thạch Giản) định cư ở Giáp Ba tính từ đời ông Mai Nho Bàng.
Ở đây lại là câu chuyện cải họ giống như chuyện “họ Lê cải Trần” ở Vân Cát mà trong phạm vi bài viết này chúng tôi chưa đi sâu được. Tuy nhiên, vấn đề thực hư danh tính cha mẹ mẫu ở Nga Châu vẫn là một vấn đề thú vị cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu.
Như vậy, vùng đất Tây Mỗ (Thanh Hoá) với  Phủ Dày - Giáp Ba (Nam Định) với những đặc điểm riêng về không gian lịch sử, địa lý đã góp phần làm nên một hệ thống các tư liệu liên quan đến sự hình thành phát triển tục thờ mẫu Tứ phủ của người Việt mà câu chuyện Mẫu giáng sinh lần 3 ở Tây Mỗ mới chỉ là một phần rất nhỏ.    
               
                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
I.Sách
1.      Địa chí huyện Hà Trung(2005), Huyện uỷ - UBND huyện Hà Trung, nhóm tác giả Hoàng Tuấn Phổ - Phạm Tấn - Phạm Tuấn, Nxb Khoa học xã hội.
2.      Kinh thánh mẫu Sòng Sơn(1952), Hội Tiên Mẫu Việt Nam, Nhà in Thanh Bình.
3.      Kinh nhân quả ba đời(Phật lịch 2345), Dịch giả: Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sách ấn tống.
4.      Phủ Quảng Cung trong hệ thống đạo Mẫu Việt NamPhủ Quảng Cung trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam (2010), Kỷ yếu hội thảo khoa học do Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam và Uỷ ban nhân dân huyện Ý Yên - tỉnh Nam Định tổ chức, Nxb Tôn giáo.
5.      Ngô Đức Thịnh (2004)Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam , Nxb Trẻ.
6.      Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2010.

II.Tài liệu đánh máy và tài liệu dịch
1.      Sự tích thành hoàng thánh mẫu có công làng Nga Châu thờ(2006), Lê Hữu Căn sưu tầm biên soạn, trưởng ban di tích làng Phạm Xuân Thế phụ trách biên soạn, xã Hà Châu.
2.       “Trích lược gia phả chi họ Mai ở Thạch Giản Nga Sơn Thanh Hoá”, ông Mai Vân soạn, ông Mai Thế Thiêm trông đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn ở Thạch Giản cung cấp.
3.      Thanh Hóa chư thần lục, bản dịch của Bảo tàng Thanh Hóa.


[1] Ngô Đức Thịnh, Đạo mẫu Việt Nam , Nxb Tôn giáo, 2010, tr.531 và 536.
[2] Đạo mẫu Việt Nam, Sđd, tr.544.
[3] Tư liệu Hán Nôm khu di tích Phủ Giầy xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Bảo tàng Nam Hà, 1996, tr.44.
[4] Kinh thánh mẫu Sòng Sơn, Hội tiên mẫu Việt Nam, 1952, tr.79.
[5] Bản tư liệu chép  tay do ông Vũ Năng Tổng chấp bút, ông Vũ Chương chủ tịch người cao tuổi chịu trách nhiệm biên soạn.
[6] Lê Hữu Căn sưu tầm biên soạn, trưởng ban di tích làng Phạm Xuân Thế phụ trách biên soạn, xã Hà Châu, 2006.
[7] Chu Xuân Giao dịch và cung cấp.
[8] Đạo mẫu Việt Nam, Ngô Đức Thịnh, Sđd, tr.536.
[9] Phủ Quảng Cung trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học do Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam và Uỷ ban nhân dân huyện Ý Yên - tỉnh Nam Định tổ chức, Nxb Tôn giáo, 2010, tr. 138.

[10] Đạo mẫu Việt Nam, Ngô Đức Thịnh, Sđd tr.536.
[11] Tài liệu đã dẫn, tr.127.

http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tim-hieu-su-tich-giang-sinh-lan-thu-ba-cua-mau-lieu-o-xa-ha-chau-huyen-ha-trung-tinh-thanh-hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.