Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/06/2017

Non nước Cao Bằng và phát triển du lịch bền vững (chùm bài nhiều kì)

Hôm nay, nhận điện thoại của các cụ phụ lão ở chùa Đà Quận (thành phố Cao Bằng). Từ đầu năm 2017, các cụ đã thành lập ban thường trực tại chùa. Trước đây thì chưa.

Chùa Đà Quận hay chùa Viên Minh, một điểm du lịch quan trọng của Cao Bằng, thì có những bài đi trước đây, ví dụ ở đây hay ở đây.

Trích đoạn từ bản đồ du lịch Cao Bằng, bản 2013, đã đưa ở đây

Loạt bài ở dưới, về du lịch bền vững, chạy dần trên Báo Cao Bằng.

Blog này sẽ đăng lại, cập nhật dần theo bản đang lên trên website của báo.

Theo thứ tự ngược như mọi khi.


---

.

17.

Thứ sáu 16/06/2017 07:00
Công tác phát triển nhân lực du lịch trong những năm gần đây được các cấp, ngành, nhất là ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh quan tâm, đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng nhiệm vụ và xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới. Để xây dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng có chất lượng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững, tỉnh đang đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch.
    Bài 17: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hướng đến xây dựng thương hiệu "du lịch Cao Bằng

    Hướng dẫn viên Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó hướng dẫn khách tham quan tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng).
    Là một trong những điểm du lịch lịch sử thu hút lượng khách nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tiếp đón cũng như để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó Đào Văn Mùi cho biết: Về cơ bản, đội ngũ hướng dẫn viên đã được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử cách mạng Việt Nam giai đoạn 1941 - 1945. Tuy nhiên, so với quy mô, tiềm năng, tầm vóc, giá trị của Khu di tích, nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
    Theo số liệu đến ngày 31/12/2015, tổng số lao động du lịch toàn tỉnh 1.121 người, chiếm 0,32% tổng lao động toàn tỉnh, trong đó, 19% lao động đã qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch; chỉ có 9% lao động du lịch có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Tại các đơn vị sự nghiệp công, nguồn nhân lực về du lịch 43 người, trong đó, lao động phổ thông chiếm gần 42%, trình độ đại học trở lên về chuyên ngành du lịch chỉ chiếm 7%; tổng số lao động trong các cơ sở lưu trú 995 người. Qua cuộc điều tra về nguồn nhân lực du lịch của tỉnh năm 2015, tại 60 đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong tổng số 68 lao động, 20 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp về du lịch, chiếm 29,4%; trong tổng số 75 lao động, 10 lao động được đào tạo trình độ cao đẳng đến đại học chuyên ngành về du lịch, chiếm 13,3%.
    Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị lữ hành, trong đó có 3 đơn vị lữ hành quốc tế, 3 đơn vị lữ hành nội địa; tổng số lao động tại các đơn vị lữ hành 78 người. Theo kết quả điều tra 3 đơn vị lữ hành trong cuộc điều tra nguồn nhân lực du lịch năm 2015 trên địa bàn tỉnh, số lao động phổ thông và trình độ sơ cấp về chuyên ngành du lịch chiếm 40%, số lao động trình độ trung cấp trở lên phần lớn được đào tạo chuyên ngành khác, 7% lao động có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Tổng số hướng dẫn viên du lịch đang quản lý 20 người, trong đó có 7 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 13 hướng dẫn viên du lịch nội địa. Đội ngũ thuyết minh viên còn ít và hạn chế về khả năng ngoại ngữ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
    Hằng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai các văn bản mới về lĩnh vực du lịch đến các đối tượng đang tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp liên kết đào tạo kỹ năng nghề và quản lý trong nhà hàng, khách sạn; phối hợp với Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản tập huấn kiến thức chuyên ngành nâng cao nhận thức về công viên địa chất và di sản địa chất tỉnh Cao Bằng; phối hợp Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng tại xóm Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên), xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) và tổ chức đi học tập mô hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai.
    Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trương Thế Vinh, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh rất dồi dào, chiếm 63,2%. Tuy nhiên, du lịch Cao Bằng đang trong giai đoạn định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch với những giá trị đặc trưng, riêng biệt, từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở du lịch, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách... để tạo bước đột phá; nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực vẫn ở mức thấp so với các tỉnh lân cận và toàn quốc, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng, thiếu kiến thức hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Các doanh nghiệp du lịch chưa tổ chức đào tạo tại chỗ hoặc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp cho người lao động. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo quy định, do vậy chưa thực sự thuận tiện cho các đơn vị kinh doanh du lịch trong việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho các đối tượng là quản lý, nhân viên.
    Nhằm phấn đấu xây dựng Cao Bằng trở thành một trong những trung tâm du lịch của miền Bắc, tạo thương hiệu "du lịch Cao Bằng"; quy mô có thể đón khoảng 1 triệu lượt khách vào năm 2020 theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch của tỉnh, việc xây dựng nhân lực trong ngành du lịch có trình độ học vấn và kỹ năng nghiệp vụ hết sức cần thiết. Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Cao Bằng đến năm 2020. Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước về du lịch được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; 50% quản lý, các doanh nghiệp, các ban quản lý khu, điểm du lịch được bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh doanh về du lịch; 50% lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh du lịch được bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ. Phấn đấu đến năm 2020, các huyện, Thành phố cơ bản có ít nhất 1 cán bộ được đào tạo về nghiệp vụ phụ trách quản lý nhà nước về du lịch; tổ chức các cuộc thi định kỳ nâng cao tay nghề và nghiệp vụ du lịch. 
    Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trương Thế Vinh cho biết: Để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, ngành sẽ làm cầu nối liên kết giữa cơ sở đào tạo về nghiệp vụ du lịch đã được Tổng cục Du lịch cấp phép với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp sơ cấp, trung cấp đào tạo nghề về du lịch; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý, trưởng các bộ phận và nhân viên của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, bồi dưỡng cho hướng dẫn viên du lịch và thuyết minh viên tại điểm. Phối hợp với Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) và Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng (DECEN) đào tạo nguồn nhân lực du lịch về kỹ năng nghề và ngoại ngữ thông qua Dự án "Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng"; phối hợp với Dự án VIE-036 hỗ trợ người dân triển khai mô hình phát triển nông nghiệp nhằm phát triển sản phẩm du lịch. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kiến thức về du lịch, năng lực quản lý nhà nước theo pháp luật, năng lực dự báo, hoạch định, theo hướng chuyên nghiệp hóa, trình độ chuyên môn cao, sử dụng tốt ngoại ngữ và tin học.
    Với sự quan tâm của các ban, ngành chức năng, sự phối hợp đồng hành của các đơn vị lữ hành trên địa bàn cùng việc thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, du lịch Cao Bằng phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.  
    Hoàng Thu


    http://www.baocaobang.vn/Du-lich/Cao-Bang-phat-trien-du-lich-ben-vung-Bai-17/55873.bcb



    16.

    15.

    14.


    13.

    12.

    11.


    10.

    9.

    8.

    Thứ sáu 26/05/2017 06:00
    Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Với diện tích tự nhiên 6.724,6 km2, địa hình phong phú và đa dạng đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh có giá trị du lịch cao, như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (Trùng Khánh); hang Dơi (Hạ Lang); hồ Thang Hen (Trà Lĩnh)... Các di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được các cấp, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân giữ gìn, tôn tạo, phát huy giá trị.
      Bài 8: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng - Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh du lịch
      Hát giao duyên của đồng bào Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Uyên).
       Cao Bằng cũng là điểm đến xếp vị trí thứ 5 ở Đông Nam Á thích hợp cho thực hiện các chuyến đi bộ trekking. Danh thắng thác Bản Giốc - điểm đến tự hào của người dân Cao Bằng nói chung và của ngành du lịch Việt Nam nói riêng, được nhiều tổ chức, tạp chí trong và ngoài nước vinh danh là thác lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; Tạp chí Touropia bình chọn là một trong 10 thác nước kỹ vĩ nhất thế giới; lọt vào Top 5 thác nước nhiều huyền thoại thú vị do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn.
      Với lợi thế về tiềm năng du lịch, những năm qua, du lịch Cao Bằng từng bước phát triển, hạ tầng cơ sở, hoạt động quảng bá, xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch được quan tâm đầu tư; lượng khách, thu nhập xã hội từ du lịch tăng theo từng năm, đóng góp vào phát triển KT - XH địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong những năm qua, Cao Bằng vẫn chưa có mô hình phát triển KT - XH tích hợp, kết nối thống nhất, phát huy các giá trị di sản trên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản chưa được quan tâm đúng mức, nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường còn hạn chế, theo đó lượng khách du lịch hằng năm còn thấp so với các tỉnh lân cận, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế du lịch vốn có của tỉnh.
      Qua nghiên cứu, mô hình công viên địa chất (CVĐC) là mô hình hỗ trợ khắc phục các hạn chế trên, vừa phát triển KT - XH bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tổng thể mọi dạng tài nguyên, mọi giá trị di sản, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong các lĩnh vực: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; tăng cường thu hút đầu tư các khu du lịch trọng điểm nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2015, tỉnh Cao Bằng đã làm việc với Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và thống nhất chủ trương thành lập CVĐC Cao Bằng.
      Ngày 22/12/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2498/QĐ-UBND về việc thành lập CVĐC Cao Bằng thuộc phạm vi 9 huyện (Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa, Thạch An) với diện tích khoảng 3.072 km2, với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo và có ý nghĩa giá trị quốc tế. Đồng thời, UBND tỉnh có các quyết định thành lập Ban Quản lý CVĐC tỉnh Cao Bằng; thành lập Ban chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh Cao Bằng.
      Để xây dựng và phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng lên một tầm cao mới, phấn đấu đạt danh hiệu CVĐC toàn cầu theo tiêu chí của UNESCO đề ra, qua đó tạo điểm nhấn thương hiệu du lịch Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã mời Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiến hành 2 đợt khảo sát tại tỉnh Cao Bằng để xây dựng CVĐC. Trên cơ sở kết quả khảo sát, UBND tỉnh đã thống nhất ký Hợp đồng nguyên tắc với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản về việc tư vấn, hỗ trợ thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC, giao Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản lập và thi công Dự án Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản, xác định phạm vi, quy mô để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu tỉnh Cao Bằng.
      Tăng cường công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế về xây dựng, phát triển CVĐC, tháng 6/2017, UBND tỉnh sẽ  thành lập đoàn công tác đến làm việc với UBND tỉnh Hà Giang để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác lập hồ sơ, quản lý và phát triển CVĐC; tham dự Hội thảo xây dựng mạng lưới CVĐC Quốc gia do Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và UBND tỉnh Hà Giang tổ chức tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tháng 9/2016, thành lập đoàn công tác của tỉnh tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về CVĐC toàn cầu UNESCO tổ chức tại Vương quốc Anh. UBND tỉnh tích cực chỉ đạo Ban Quản lý CVĐC tỉnh phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các đơn vị liên quan hoàn thành Hồ sơ khoa học CVĐC Non nước Cao Bằng trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu. Chủ động kết nối và thông qua Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam mời các chuyên gia cao cấp của UNESCO đến Cao Bằng tư vấn, xây dựng phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO. Qua đó, thống nhất được các nội dung quan trọng trong việc xây dựng, phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng đảm bảo đầy đủ các tiêu chí CVĐC toàn cầu của UNESCO.
      Địa hình vùng đất Karst tại xã Đức Hồng (Trùng Khánh).
      Theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác xây dựng CVĐC Non nước tỉnh Cao Bằng giai đoạn I từ nay đến hết ngày 30/6/2017, xây dựng 3 tuyến du lịch địa chất trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng, gồm: Tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - ngọn núi của những đổi thay” (Nguyên Bình); Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (Hòa An, Hà Quảng); Tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” (Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang).
      Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch mời đoàn chuyên gia UNESCO đến tư vấn, hoàn thiện CVĐC Non nước tỉnh Cao Bằng; đôn đốc các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện các hạng mục cơ sở vật chất theo Kế hoạch số 187/KH-UBND, đảm bảo tiến độ thời gian phục vụ việc đón tiếp đoàn thẩm định chính thức của UNESCO (tháng 7/2017). Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan hoàn thiện công tác trưng bày tại các trung tâm thông tin CVĐC theo sự tư vấn của chuyên gia UNESCO. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC tỉnh Cao Bằng. Đôn đốc nhà thầu thi công xây dựng các bãi đỗ xe, pano quảng bá, thông tin CVĐC tại 3 tuyến du lịch CVĐC trong giai đoạn I. Tham gia các hoạt động  thường niên của mạng lưới CVĐC toàn cầu do UNESCO tổ chức (tháng 9/2017) tại Trung Quốc. Phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO tổ chức Hội thảo quốc tế về tiềm năng di sản địa chất và triển vọng xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh Cao Bằng (tháng 11/2017). Xây dựng và hoàn thiện Đề án, tổ chức bộ máy biên chế Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đảm bảo triển khai thực hiện Đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVCĐ tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020 đạt hiệu quả.
      Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Quản lý CVĐC tỉnh



      http://www.baocaobang.vn/Du-lich/Cao-Bang-phat-trien-du-lich-ben-vung-Bai-8/55508.bcb

      7.

      Thứ tư 24/05/2017 06:00
      Cao Bằng được biết đến không chỉ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên tuyệt mỹ mà nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội dân gian giàu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước. Đây là những di sản văn hóa vô giá làm cho Cao Bằng trở thành điểm du lịch hấp dẫn khách trong nước và quốc tế. 
        Bài 7: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá

        Nghi lễ Then Cao Bằng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
        Chị Hoàng Mai - du khách từ Hà Nội lên Cao Bằng du lịch vào những ngày đầu tháng 4/2017, sau khi được giới thiệu về Lễ hội Thanh Minh ở xã Phúc Sen (Quảng Uyên), đã ở lại thêm 2 ngày dự lễ hội. Chị Mai chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc như vậy. Bà con nơi đây vẫn giữ được những nét truyền thống của dân tộc mình từ trang phục đến các nét văn hóa như làng nghề, ẩm thực... Đó là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa ở Cao Bằng.
        Cao Bằng không chỉ nổi tiếng “gạo trắng, nước trong”, đây còn là một vùng văn hóa đa dạng, phong phú bởi sự giao hòa của nhiều dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa truyền thống độc đáo của riêng mình. Những phong tục tập quán riêng biệt của các dân tộc đã tạo nên bức tranh phong phú về văn hóa, như: các làn điệu then, sli, lượn; các lễ hội truyền thống Pháo hoa, Nàng hai, Lồng tồng, Thanh minh...
        Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, khác lạ để thu hút du khách, trong những năm qua, tỉnh ta đã có những hoạt động nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa khác lạ của dân tộc, như: thống kê, kiểm kê, đăng ký quản lý các di vật, cổ vật, bảo vật; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa dân gian; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, in ấn lại các loại sách cổ có giá trị; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống... 
        Đồng chí Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Hằng năm, ngành luôn coi trọng chỉ đạo công tác kiểm kê di tích, xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Toàn tỉnh hiện có 215 di tích và danh lam thắng cảnh, trong đó, 95 di tích đã được xếp hạng (2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 28 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 65 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Các di tích đã xếp hạng được xây dựng bia để bảo vệ và phát huy giá trị. Công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật kiện toàn kho cơ sở được tiến hành thường xuyên. Đến nay, đã sưu tầm được 15.874 đơn vị hiện vật. Theo khảo sát, kiểm kê bước đầu, hiện trên toàn tỉnh có khoảng 40 bia đá cổ, 6 bia ma nhai... Việc điều tra, khảo sát, thống kê lập hồ sơ và xếp hạng di tích là một trong những hoạt động khá quan trọng và là cơ sở có giá trị khoa học để xác định được thứ tự ưu tiên cho việc lập dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị nhằm khai thác du lịch.
        Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng thông qua việc thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc. Nhiều giá trị văn hoá đặc trưng được sưu tầm, nghiên cứu; xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO công nhận di sản Then là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh có 10 nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Chính phủ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
        Hiện nay, việc tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng không chỉ dừng ở các cơ quan, đơn vị mà còn phát triển rộng khắp ở các khu dân cư. Toàn tỉnh hiện có hơn 700 đội văn nghệ quần chúng được tổ chức hoạt động thường xuyên. Nhiều cá nhân, gia đình, dòng họ nêu cao ý thức giữ gìn vốn văn hóa cổ truyền với nhiều hình thức: Sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca cổ, tổ chức truyền dạy, sáng tác các tác phẩm bằng tiếng địa phương... Nhờ các hoạt động tích cực đó, các giá trị truyền thống được bảo tồn và phát huy. Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND của 2 cụm huyện miền Đông, miền Tây định kỳ tổ chức liên hoan, hội thi hát dân ca giao duyên - trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, hội thi công nông binh, hội diễn các ca khúc cách mạng... Hoạt động giao lưu văn hóa được thể hiện dưới nhiều hình thức, đa dạng về loại hình và ngày càng phát triển về quy mô, không chỉ dừng lại ở các cấp địa phương trong tỉnh, mà thể hiện khá rõ trong khuôn khổ Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc được tổ chức hằng năm tại các tỉnh. Những năm gần đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Phát triển cộng đồng (Helvetas) - đại diện một số tổ chức phi chính phủ cùng tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Tiêu biểu nhất là việc tổ chức các cuộc triển lãm thổ cẩm, hàng thủ công truyền thống dân tộc và văn hóa du lịch Cao Bằng tại thành phố Hồ Chí Minh; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam tại Hà Nội; Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh... Qua các hội diễn, liên hoan, hội chợ, Cao Bằng xác định được những vùng, điểm có khả năng khai thác và phát triển phục vụ du lịch, từ đó tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc...


        Cao Bằng tham gia triển lãm thổ cẩm, hàng thủ công truyền thống dân tộc và văn hóa du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

        Bên cạnh đó, một số lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống đã được bảo tồn, khôi phục, như: Lễ hội Pháo hoa, Nàng hai, Lồng tồng, hội Thanh Minh, Lễ cấp sắc, nghề rèn, đan lát, chạm khắc bạc, dệt thổ cẩm của dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô..., nhằm thu hút khách đến các làng bản dân tộc thiểu số để có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống. 
        Có thể nói, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc hòa quyện cùng danh lam thắng cảnh thiên nhiên ưu đãi làm cho Cao Bằng có nhiều lợi thế, tiềm năng, thiết thực cho việc phát triển du lịch.
        Minh Hòa

        http://www.baocaobang.vn/Du-lich/Cao-Bang-phat-trien-du-lich-ben-vung-Bai-7/55469.bcb




        6.

        Thứ hai 22/05/2017 06:00
        Đến Cao Bằng, du khách không chỉ hòa mình với cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mê say với tiếng Then, tiếng tính ngọt ngào..., mà còn được trở về với cội nguồn văn hóa, lịch sử, cội nguồn cách mạng trên vùng đất biên viễn Tổ quốc.
          Bài 6: Miền đất linh thiêng nơi biên cương Tổ quốc
          Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc (Trùng Khánh) - “cột mốc tâm linh” nơi biên cương Tổ quốc.
          NƠI KHỞI ĐẦU NHỮNG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ DÂN TỘC
          Từ 2.300 năm trước Công nguyên, Cao Bằng sớm hình thành không gian văn hóa xã hội Văn Lang - Âu Lạc - văn hóa Đông Sơn. Tiêu biểu như truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng kể về Thục Phán từ thế kỷ III trước Công nguyên là vua nước Nam Cương của người Tây Âu, địa bàn chủ yếu là tỉnh Cao Bằng ngày nay. Chuỗi dấu tích truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” về Thục Phán đến nay còn lại trên vùng đất địa linh Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố), như: Thành Bản Phủ, di tích cự thạch Đôi guốc đá, cánh đồng Tổng Chúp… Trong đó có chùa Đống Lân nằm trên gò Đống Lân (tiếng Tày là Đoỏng Lần), ở phía tây bắc thành phố Cao Bằng. Trải qua nhiều đổi thay, biến cố của lịch sử và di tích gốc từ thế kỷ XI đến nay nhưng chùa Đống Lân vẫn mang nghi thức chính của văn hóa người Tày cổ Cao Bằng. Chùa thờ phụng người có công lớn đối với nhân dân là Thạch Sanh (trong truyền thuyết người Tày) chém chết trăn tinh, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân và thờ hai anh em Trần Quý, Trần Kiên (thế kỷ XVI, nhà Lê, được phong làm Cai Cộng Đại Vương Hạ đẳng thần; Trần Quý là Đống Lân Đại Vương Trung đẳng thần) và thờ Phật hướng thiện con người với giáo lý nhân văn của Phật giáo. Ngày 15/1/1997, chùa được UBND tỉnh cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngày mùng 8 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, chùa tổ chức lễ hội để du khách được trở về với dấu tích từ nghìn năm. 
          Nếu chùa Đống Lân là điểm du lịch tâm linh nằm trong chuỗi dấu tích nghìn năm gắn với Thục Phán thời kỳ tiền sử, khởi đầu xây dựng nước Âu Lạc thì Đền thờ Bác Hồ ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) là nơi linh thiêng mà nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước ngày 28/1/1941, khởi đầu cho một dòng thác đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Chỉ từ khi Bác về, ngọn lửa phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc mới bùng lên. Pác Bó trở thành nơi linh thiêng bởi có Bác Hồ đã khởi nguồn cuộc cách mạng vĩ đại cho lịch sử nước Việt Nam và nhân loại tiến bộ thế giới bước sang trang mới - Thời đại Hồ Chí Minh. 
          Năm 2010, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng chung sức quyết tâm xây dựng công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Công trình mang tầm vóc thế kỷ, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của cả nước và nhân dân Cao Bằng với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Kiến trúc Đền thờ mang dáng dấp của ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, Nùng nằm trên đồi cao Pò Tềnh Chấy. Từ Đền thờ có thể nhìn xa bốn bề mây núi điệp trùng, dưới là hạ nguồn dòng suối Lê-nin chảy uốn lượn bao quanh. Cảnh và thế Đền thờ đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Công trình Đền độc đáo với bản sắc riêng bởi mỗi đường nét đều truyền tải những ý nghĩa văn hóa, lịch sử sâu sắc. Sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật điêu khắc, họa tiết và hoa văn thể hiện tinh hoa dân tộc, tạo cảm giác bình dị, gần gũi mà trang nghiêm, tôn kính. Từ khi khánh thành (5/2011), mỗi năm Đền thờ Bác Hồ đón hàng nghìn lượt khách đến dâng hương tưởng nhớ, báo công dâng lên Bác những thành quả lao động, sáng tạo… 
          Chị Lê Viết Hải, du khách từ miền Nam xúc động chia sẻ: Ngước nhìn lên tượng Bác Hồ với dáng ngồi thanh thản, bên trên bức hoành phi đề “Hồng nhật cao minh”, phía dưới hai câu đối: “Lãnh tụ trở về, nhật nguyệt bừng lên trời Pác Bó/Anh hùng tụ lại, tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng” của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu phụng thảo, tôi thấy như Bác hiện hữu linh thiêng mà gần gũi thân thiết, tỏa ánh hào quang ấm áp... Còn anh Hà Thái, phố Nguyễn Siêu, Hà Nội, là du khách có gần 10 lần trở lại Cao Bằng, bộc bạch: Mỗi lần trở lại nơi đây, tôi tìm hiểu lịch sử gắn với di tích Cao Bằng. Tôi và gia đình thường lên Đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó dâng hương đầu năm. Bởi nơi đây Bác khởi đầu cho dân tộc thực hiện cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc thành công nên sẽ khởi đầu cho một năm mới thành công. 
          Ngoài những điểm trên, du khách đến Cao Bằng còn đến các điểm du lịch tâm linh khác, như: chùa Phố Cũ, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm (Thành phố), đền Vua Lê (Hòa An)..
            “CỘT MỐC TÂM LINH” QUỐC GIA 
          Không chỉ tự hào với đền, chùa linh thiêng trên đất cổ “địa linh nhân kiệt” và truyền thống cách mạng, Cao Bằng còn có điểm đến “cột mốc tâm linh” Quốc gia nơi biên cương, phên dậu Tổ quốc. Thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng khí thiêng của đất trời để hàng nghìn năm bền bỉ trấn giữ biên thùy. Vì thế, vùng biên ải Cao Bằng có “Cổng trời”, theo quan niệm người xưa là nơi giao thoa giữa trời - đất, âm - dương hòa quyện, là nơi linh thiêng để cầu nguyện cho cuộc sống thái bình
          Trên eo núi Phja Đảy, làng Giộc Đâư, thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh), dân gian tương truyền đó là “Cổng trời”, trở thành điểm đến tâm linh cho nhiều khách thập phương những năm gần đây. Núi “Cổng trời” có độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển. Thế núi xung quanh tạo cho đất này như một vùng tụ khí (có năng lượng tâm linh rất cao). Đến “Cổng trời” ban ngày, du khách ngắm nhìn diện mạo núi đá kỳ vĩ. Dọc đường lên, những dãy đá rộng uốn lượn thành nhiều hình kỳ thú. Trước “Cổng trời” có những phiến đá vút thẳng tạo cảm giác như đi qua những phiến đá cánh cổng trời. Đây là khu đất lành, địa thế đẹp, linh thiêng. Ngày 18/9/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2161/QĐ-UBND xếp động Giộc Đâư, Cổng trời huyện Trà Lĩnh vào danh sách di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh với sự liên kết Cổng trời, Giộc Đâư - hồ Thang Hen thành khu du lịch thắng cảnh - tâm linh. Hiện nay, tỉnh, huyện lập dự án xây dựng khu du lịch thắng cảnh đón du khách thập phương tới ngắm cảnh, du ngoạn và thực hành những công việc tâm linh thực hiện nguyện vọng nhân văn.
          Cùng với điểm đến thắng cảnh - tâm linh Cổng trời, Cao Bằng có hai ngôi chùa lớn là Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc (Trùng Khánh) và Chùa Trúc Lâm Tà Lùng (Phục Hòa) đã trở thành “cột mốc tâm linh” nơi biên cương của Tổ quốc. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía bắc của Tổ quốc tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), cách thác Bản Giốc khoảng 500 m. Chùa được xây dựng trên diện tích 3 ha, nằm trên thế núi cao tầm nhìn gần 10 km. Chùa khởi công từ tháng 6/2013, kiến trúc mang tính chất thuần Việt với kết cấu gỗ lim, vật liệu gạch ngói cổ truyền, mái đao truyền thống. Chùa gồm các hạng mục: cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá và chánh điện, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, đền thờ anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sỹ, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ. Điểm nhấn ngôi chùa là lầu đại hồng chung Thiên Bảo bằng đồng nặng 1,5 tấn, tam quan, khuôn viên tượng Quan Âm Bồ tát vừa để ngắm cảnh vừa để thỉnh chuông cầu nguyện trong các ngày lễ. Chùa không chỉ phục vụ nhu cầu tôn giáo tâm linh mà còn có tầm quan trọng trong việc phát triển khu du lịch thác Bản Giốc thành khu du lịch trọng điểm quốc gia. 
          Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Đức Thiện, trụ trì chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc bày tỏ: Những năm qua, chùa đón hàng nghìn lượt khách gần xa đến lễ Phật. Tôi mong muốn đem tinh hoa của Phật giáo Việt Nam đến với miền biên cương của Tổ quốc, gắn kết các dân tộc anh em thành khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng “cột mốc tâm linh” quốc gia, giữ gìn biên cương, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc và sự bình yên, hữu nghị tại khu vực biên giới, đồng thời gắn kết với công trình nghỉ dưỡng Sài Gòn - Bản Giốc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng.

          Chùa Trúc Lâm Tà Lùng được xây dựng tại chân núi Phja Khoang (2014 - 2015), thị trấn Tà Lùng (Phục Hòa) trên diện tích 5.300 m2, cách Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng khoảng 1 km. Quần thể chùa gồm các hạng mục: nhà Tam bảo, nhà Tổ, tiền đường, cổng ngũ quan…, theo kiến trúc chùa truyền thống của Việt Nam. Nói về Chùa Trúc Lâm Tà Lùng, bà con thị trấn Tà Lùng cho biết: Những năm qua, nhà chùa thu hút nhiều tăng ni, phật tử gần xa và nhân dân địa phương đến lễ Phật, hướng thiện bà con sống từ bi, hỷ xả, làm việc thiện; vận động bà con sống và làm việc theo pháp luật, làm tròn nghĩa vụ của công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, góp phần xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ... 
          Với những điểm đến tâm linh linh thiêng khởi đầu những dòng chảy lịch sử quý báu của dân tộc, Cao Bằng không chỉ hấp dẫn du khách khám phá đất và người mà còn đến bái vọng tâm linh, thắp lên ý thức tự tôn dân tộc và truyền thống yêu nước.
          Hồng Xiêm
          http://www.baocaobang.vn/Du-lich/Cao-Bang-phat-trien-du-lich-ben-vung-Bai-6/55437.bcb



          5.

          Thứ sáu 19/05/2017 06:00
          Trong giai đoạn hiện nay, du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế mũi nhọn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Trong phát triển du lịch địa phương, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng một hình ảnh du lịch nổi bật, đặc sắc, có sức thu hút đối với đông đảo du khách.
            Bài 5: Tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Cao Bằng
            Với những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, Cao Bằng có thế mạnh xây dựng thương hiệu du lịch riêng có, tạo sự thu hút, ấn tượng, cảm xúc sâu sắc trong lòng du khách.
            Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Những năm qua, du lịch Cao Bằng có nhiều khởi sắc, tăng trưởng cả về lượng khách, doanh thu. Nhiều loại hình du lịch được triển khai: du lịch lịch sử văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch biên giới, du lịch khám phá… Nói đến Cao Bằng, du khách thường nhắc đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, đây cũng là 2 khu du lịch thu hút số đông khách du lịch đến Cao Bằng. Ngoài ra, một số di tích, danh thắng, điểm du lịch khác trong tỉnh cũng bước đầu thu hút sự quan tâm của du khách, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950, Khu du lịch sinh thái Phja Oắc, Phja Đén, hồ Thang Hen…
            Tuy nhiên, tiềm năng du lịch Cao Bằng chưa thực sự được khai thác hiệu quả, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch còn hạn chế, sức cạnh tranh kém so với các tỉnh trong khu vực, việc tuyên truyền quảng bá du lịch chưa được quan tâm đúng mức và kém hiệu quả. Thương hiệu du lịch Cao Bằng chưa nổi bật, chưa thu hút được sự quan tâm của du khách. Du lịch Cao Bằng thiếu mô hình, điểm nhấn hay các sản phẩm mới, độc đáo để tạo bước đột phá trong phát triển… Lượng khách du lịch đến Cao Bằng hằng năm tăng khá cao, năm 2016 đạt 741.547 lượt người, tăng 13% so với năm 2015 song vẫn xếp sau nhiều tỉnh trong khu vực (chỉ hơn tỉnh Bắc Kạn).
            Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh ủy xác định rõ mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch tỉnh với các giá trị đặc trưng, riêng biệt được định vị rõ ràng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ, hoạt động dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu nhập xã hội. Đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; đưa Cao Bằng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực phía Bắc và cả nước. 
            Để thực hiện mục tiêu trên, nhất là việc xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Cao Bằng, cần xác định xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Cao Bằng dựa trên tiềm năng là nền tảng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản địa chất, thiên nhiên và điều kiện thuận lợi phát triển hợp tác du lịch với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Trong bối cảnh du lịch trong nước và khu vực phát triển với nhiều thương hiệu sản phẩm du lịch nổi tiếng, việc xây dựng các sản phẩm du lịch Cao Bằng phải mang tính độc đáo, đặc sắc và khác biệt, qua đó thu hút sự chú ý của mọi người, nâng cao tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh lâu dài, thuận lợi cho tuyên truyền, quảng bá. 
            Hiện, tỉnh Cao Bằng đã thành lập công viên địa chất Non nước Cao Bằng, tháng 11/2016, đã hoàn thành lập hồ sơ và trình UNESCO xem xét công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Việc xây dựng thành công Công viên địa chất toàn cầu là một mô hình bảo tồn di sản văn hóa, địa chất, bảo vệ môi trường, nâng cao sinh kế cho người dân, phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển du lịch như mô hình Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng các điểm đến du lịch mang tầm cỡ quốc gia, như: Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Phấn đấu đến năm 2020, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó thành Điểm du lịch quốc gia; Khu du lịch thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao thành Khu du lịch quốc gia như mục tiêu đã đề ra trong Chương trình phát triển du lịch của Tỉnh ủy. Đồng thời xây dựng các điểm du lịch tiêu biểu địa phương, như: các di tích cố đô Cao Bình ở Thành phố, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu du lịch Phja Oắc, Phja Đén ở Nguyên Bình, Khu di tích Chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950 huyện Thạch An (đang triển khai lập hồ sơ gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt).
            Tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề truyền thống, làng văn hóa cộng đồng ở Quảng Uyên, Trùng Khánh, du lịch tâm linh ở Thành phố (chùa Phố Cũ, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm, chùa Đống Lân), Hòa An (đền Vua Lê), Trà Lĩnh (Khu du lịch Giộc Đâư), Trùng Khánh (chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc), Phục Hòa (chùa Trúc Lâm Tà Lùng). Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo như: Hát then, đàn tính, múa chầu, hát Dá Hai…; các nghề rèn, làm hương, làm ngói, chạm bạc, dệt thổ cẩm, chế tác đàn tính… Duy trì phát triển các lễ hội độc đáo, riêng có: Lễ hội Pháo hoa, Lễ hội Thanh Minh huyện Quảng Uyên, Lễ hội Nàng Hai ở Phục Hòa, Hội Chọi bò ở Bảo Lâm, Hà Quảng… Bảo tồn, nâng cao chất lượng văn hóa ẩm thực truyền thống, như: bánh khảo, phở chua, phở vịt, lợn sữa quay, lạp sườn, các món ăn chế biến từ bò Mông, lợn đen… Phối hợp với các địa phương thuộc Quảng Tây (Trung Quốc) xây dựng các tour du lịch qua biên giới bằng nhiều hình thức như: xe du lịch tự lái, du lịch đỏ, du lịch mạo hiểm, các sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.
            Đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến quảng bá du lịch, nghiên cứu lựa chọn khẩu hiệu và biểu tượng du lịch (logo, slogan) độc đáo của tỉnh; đẩy mạnh quảng cáo, tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội; tổ chức hội chợ, hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch… Trong tuyên truyền quảng bá phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, sản phẩm du lịch được giới thiệu phải thực sự có chất lượng để tạo được niềm tin đối với các doanh nghiệp lữ hành và du khách. Tránh tuyên truyền quảng bá không đúng với thực tế, quảng bá điểm đến hấp dẫn song chưa đưa vào khai thác hoặc các dịch vụ, sản phẩm du lịch nghèo nàn, hạ tầng khó khăn, không đáp ứng nhu cầu du khách. 
            Để đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của du khách, chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và cải thiện hạ tầng phục vụ du lịch, như: giao thông, bến xe, phương tiện vận chuyển khách du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ ăn uống, điểm vui chơi giải trí, cơ sở bán hàng hóa, đồ lưu niệm… Địa bàn Thành phố hình thành chợ đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực, khu, điểm vui chơi giải trí… để giữ chân du khách.
            Xây dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng bền vững cần có một quá trình, trong đó kết hợp các giá trị di sản, các sản phẩm du lịch, các dịch vụ, các doanh nghiệp, các điểm du lịch. Xây dựng thương hiệu du lịch phải xây dựng các cấp độ, từ thương hiệu du lịch của tỉnh Cao Bằng, thương hiệu các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch, thương hiệu các địa phương, thương hiệu các điểm du lịch, thương hiệu các sản phẩm du lịch, do đó cần huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương, doanh nghiệp và sự hưởng ứng tham gia của chính người dân.
            Thời gian tới cần tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trực tiếp là Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam… Sự chủ động phối hợp của các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, công ty lữ hành trong xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch, liên kết xây dựng các tuyến du lịch trọng điểm, phối hợp tổ chức các sự kiện, chương trình văn hóa, thể thao, du lịch. Hằng năm, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc tổ chức theo cơ chế luân phiên giữa các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn.
            Xây dựng thành công thương hiệu du lịch Cao Bằng sẽ tạo sự thu hút, ấn tượng, cảm xúc sâu sắc trong lòng du khách. Để mỗi khi nói đến Cao Bằng, du khách nghĩ đến một vùng đất cổ nơi địa đầu Tổ quốc dẫu còn nhiều khó khăn song có thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng, đặc sắc, con người thân thiện, mến khách, có nhiều di tích, danh thắng, điểm du lịch độc đáo, nổi tiếng và hấp dẫn, thực sự trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Quan trọng hơn, khi đã lên thăm, du khách mong muốn tiếp tục tham gia hành trình trải nghiệm và khám phá miền Non nước Cao Bằng.
            Sầm Việt An, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch


            http://www.baocaobang.vn/Du-lich/Cao-Bang-phat-trien-du-lich-ben-vung-Bai-5/55395.bcb



            4.

            Thứ tư 17/05/2017 06:00
            Vùng đất Cao Bằng có bề dày về lịch sử văn hóa, với các di tích tiêu biểu, như: Thành nhà Mạc, thành Nà Lữ, đền Vua Lê, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm và Chùa Sùng Phúc (thờ nữ Tiến sĩ thời nhà Mạc Nguyễn Thị Duệ)... Hằng năm, đến với các lễ hội tổ chức trên địa bàn tại các di tích, du khách được trải nghiệm với nhiều nét văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống, mang đậm tính vùng miền, địa phương.
              Bài 4: Những điểm du lịch lịch sử hấp dẫn
              Đông đảo nhân dân trẩy hội Đền vua Lê, xã Hoàng Tung (Hòa An).

              THÀNH NÀ LỮ
              Thành Nà Lữ được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ X, do Tiết độ sứ Cao Biền, thời vua Đường Hy Tông cho xây dựng khi đem quân đến đánh chiếm An Nam (thời kỳ Bắc thuộc). Thành xây ở làng Nà Lữ (còn có tên gọi là Nà Lẩu, Nà Lẩư) thuộc xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. 
              Theo các tài liệu lịch sử, thành xây cùng thời điểm với các thành: Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn và thành Phục Hòa (Cao Bằng). Sau này được các triều đại tiếp tục trùng tu, tôn tạo, nhất là vào thời kỳ nhà Mạc cát cứ ở Cao Bằng. Thành Nà Lữ hình chữ nhật, vật liệu xây thành là gạch vồ; chân thành được kê bởi các tảng đá to và phẳng, cổng thành làm bằng loại gỗ nghiến to, dày, rất kiên cố. Bên trong thành đắp 4 gò đất nổi lên được đặt tên là: Gò Long, Ly, Quy, Phượng. Gò Long được đặt làm gò chính, dân địa phương gọi là Gò Rồng, cung điện xây đặt ở gò này. Còn các gò khác là nơi các đại thần, quân cơ đóng. Ở giữa thành có ao sen, các thửa ruộng hình bàn cờ. Nhìn quang cảnh vùng Nà Lữ từ ngọn núi Bế Khắc Thiệu xuống trông như một họa đồ rất đẹp có thế của hình chữ vương vững chãi. Trải qua thời gian, lại kinh qua nhiều cuộc chiến tranh thảm khốc, nhất là thời Nam - Bắc triều Trịnh - Mạc, thời kỳ chống Pháp, thành Nà Lữ đã bị phá hủy nhiều: Toàn bộ 4 cổng thành không còn rõ vị trí, các đường thành Đông - Nam - Tây - Bắc đều bị xâm hại, chỉ còn những di vật như: nền thành, lò gạch, lò ngói, đường thành, đền thờ vua Lê Thái Tổ (đền Vua Lê hiện nay).
              Hiện nay, thành Nà Lữ và đền vua Lê là một di tích có giá trị và là nơi thường diễn ra lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân Cao Bằng. Lễ hội được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
              ĐỀN VUA LÊ
              Đền Vua Lê thờ vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi Cao Hoàng Đế) nằm trong quần thể di tích thành Nà Lữ, thuộc thôn Cao Minh Thượng, nay là làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Đền xây theo kiểu hình chữ tam gồm 3 nhà, 7 phòng, tường xây bằng gạch vồ, mái lợp ngói máng, cột kèo, hoành phi bằng gỗ. Trên các hoành phi có trạm trổ hình long, phượng. Cửa đền mở theo hướng Đông Nam thông ra bờ sông Mãng. Xung quanh đền xây tường thành dài 600 m, trước mặt đền có hai sân rộng khoảng 1.000 m2. Trước đây, trong đền có nhiều hiện vật như: trống, chiêng, thanh kiếm, áo bào, bia..., hiện nay chỉ còn 2 lư hương bằng gang, 3 cây đèn thắp, 1 bia bằng đá khắc chữ Hán Nôm chìm ghi lại họ tên những người quyên góp tu sửa lại đền.
              Theo truyền thuyết và những tư liệu lịch sử, đền Vua Lê vốn là cung điện trong thành Nà Lữ. Thành do Cao Biền nhà Đường xây dựng, sau Nùng Tồn Phúc (cha của Nùng Trí Cao) tiếp tục xây dựng từ thế kỷ XI. Nùng Tồn Phúc là thủ lĩnh châu Quảng Nguyên. Thời Lý Thái Tông niên hiệu Thông Thụy, năm thứ 6, tức năm 1039, tự xưng là Chiêu Thánh Hoàng đế đổi tên châu Quảng Nguyên làm nước Trường Sinh; rồi cho xây thành, xây cung điện tại Nà Lữ. Năm 1414, giặc Minh cai trị nước ta, ở Cao Bằng, chúng đặt quan Thái thú cho đóng quân ở gò Đống Lân, thành Nà Lữ, bắt nhân dân đóng sưu thuế nặng, đàn áp và hà hiếp, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ. Trước tình hình đó, Bế Khắc Thiệu - một hào trưởng giàu có ở Cao Bằng đã chiêu quân đứng lên khởi nghĩa, đồng thời liên kết với Nông Đắc Thái tổ chức đánh giặc. Nông Đắc Thái giỏi việc cung nỏ, có đội quân hàng trăm người, bắn trăm phát trăm trúng; Bế Khắc Thiệu giỏi việc quân, được tôn làm chủ tướng. Với ngọn cờ khởi nghĩa “Khắc Thiệu vi vương”, “Đắc Thái vi thần” đã giành được thắng lợi sau trận kịch chiến ở Nà Khuổi (tháng 9/1426), tiêu diệt trên 4.000 quân giặc, bắt sống tướng giặc. Bế Khắc Thiệu xưng là Bế Đại vương, phong cho Nông Đắc Thái là Nông Nguyên soái đóng đô ở thành Nà Lữ, cho quân tu sửa lập lại cung điện năm 1430. Năm 1592, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, Mạc Kính Cung chiếm lấy thành Nà Lữ lập cung điện. Sau ba đời sinh sống ở Cao Bằng đến thời Mạc Kính Vũ bị quân Lê - Trịnh đánh bại. Nhà Mạc bỏ cung điện và thành Nà Lữ chạy sang Trung Quốc. Năm Chính Hòa thứ 3 đời vua Lê Hy Tông, tức năm 1682, quan trấn thủ Cao Bằng là Lê Văn Hải đã tâu xin vua Lê cho sửa chữa thành Nà Lữ cũ làm đền thờ vua Lê Thái Tổ (đền Vua Lê hiện nay). 
              Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đền Vua Lê là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Đền Vua Lê là di tích có giá trị về mặt lịch sử giáo dục truyền thống đấu tranh chống quân xâm lược của nhân dân ta, đồng thời là di sản văn hóa nghệ thuật có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật của dân tộc. Di tích lịch sử đền Vua Lê khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa, niềm tự hào về trang sử truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc nói chung và Cao Bằng nói riêng. Ngày 20/4/1995, đền Vua Lê được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, là nơi tập trung lễ hội, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân trong vùng.
              ĐỀN KỲ SẦM
              Đền Kỳ Sầm được xây dựng từ thời nhà Lý. Đền thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao (1025 - 1055), người dân tộc Tày, một nhân vật có liên quan đến sự nghiệp giữ nước thời Lý (vua Lý Thái Tông thế kỷ XI), Đền được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.
               Nùng Trí Cao là người có tài thao lược, đánh tan giặc Tống xâm lược nước ta, được vua phong Thái Bảo và cho trấn giữ châu Quảng Nguyên. Sau khi ông mất, Vua Lý phong là Khâu Sầm Đại Vương. Câu chuyện về Nùng Trí Cao đã trở thành huyền thoại, công lao của ông đã được người đời sau tưởng nhớ và lập đền thờ. Hằng năm vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch, du khách thập phương lại nô nức trẩy hội đền Kỳ Sầm thuộc Bản Ngần, xã Vĩnh Quang (Thành phố). Thông qua lễ hội là dịp để giáo dục truyền thống lịch sử, quảng bá văn hóa của quê hương.
              CHÙA SÙNG PHÚC
              Chùa Sùng Phúc được xây dựng thời vua Trần Nhân Tông, giai đoạn 1279 - 1293. Ban đầu có tên là Sùng Khánh tự, thờ Phật và thờ các nhân vật có công trấn ải vùng biên giới. Năm Cảnh Hưng thứ 43, thời nhà Lê, chùa được trùng tu và đổi tên là chùa Sùng Phúc, chùa thờ Đức Phật Quan Âm Bồ Tát ở hậu cung có tượng Phật Bà. Bên trái thờ vị Thành hoàng, người có công chiêu dân khẩn hoang lập bản làng - ông Nguyễn Thành Vương tức Nguyễn Đình Bá (1678), Tri châu Tư Lang, quê ở thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, sau làm Đốc đồng ở Cao Bằng. 
              Chùa Sùng Phúc còn thờ vi đồ là bà Nguyễn Thị Duệ, người làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương. Tương truyền, từ khi còn nhỏ, bà theo cha lên Cao Bằng thời vua Mạc Kính Cung. Năm 20 tuổi, bà cải trang là nam thi đỗ Tiến sĩ đầu bảng ở Trường Quốc học Bản Thảnh Cao Bằng. Khi thi đỗ, bà được mời về ly cung Đống Lân để dạy học cho hoàng tử, công chúa. Năm 1625, nhà Lê cử tướng Trịnh Kiền lên Cao Bằng bắt được vua Mạc Kính Cung đem về Thăng Long trị tội. Bà Duệ chạy về Hạ Lang đi tu ở chùa Sùng Phúc. Bà tài cao học rộng mở lớp dạy học, giảng về giáo lý nhà Phật. Bà được quan châu Nguyễn Đình Bá mến mộ, truyền cho nhân dân ngoài vùng “Lệnh Cấm” không cho ai được lai vãng đến chùa để che giấu tung tích bà đang bị nhà Lê truy tìm. Nhưng, nhà Lê biết tin bà Duệ ở Hạ Lang đã đón bà về Thăng Long. Sau, người dân tưởng nhớ người thầy nghèo Nguyễn Thị Duệ, đưa bài vị vào chùa để thờ. Hiện nay, trong chùa có tượng Đức Phật Quan Âm Bồ Tát, tượng Thành hoàng, tượng Phật, bia chùa Sùng Phúc khắc chữ Hán cổ, đại ý là mưa thuận, gió hòa, A di đà phật. Ngày 29/1/1993, Chùa được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
              Hằng năm, vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, du khách thập phương lại nô nức trẩy Hội chùa Sùng Phúc - Lễ hội truyền thống lớn nhất và lâu đời của huyện Hạ Lang.
              Múa rồng tại Lễ hội chùa Sùng Phúc (Hạ Lang).
              Những năm qua, các di tích này cùng với nhiều di tích khác trên địa bàn tỉnh được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo theo một quy hoạch tổng thể, là cơ sở, điều kiện để thiết lập, xây dựng các tuyến điểm du lịch văn hóa tâm linh gắn với nhiều loại hình du lịch khác trên địa bàn. Đặc biệt, các lễ hội tại mỗi di tích là yếu tố nòng cốt của du lịch văn hóa tâm linh, làm cho các di tích lịch sử văn hóa trở nên thiêng liêng và hấp dẫn.
              Minh Trang



              http://www.baocaobang.vn/Du-lich/Cao-Bang-phat-trien-du-lich-ben-vung-Bai-4/55357.bcb





              3.

              Thứ ba 16/05/2017 06:00
              Từ Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt dấu chân đầu tiên trở về Tổ quốc mùa Xuân năm 1941 sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngọn lửa cách mạng được Người thắp lên, tỏa sáng một vùng non nước biên cương rồi lan rộng ra khắp cả nước. Cao Bằng từ khi đón Bác đã trở thành căn cứ cách mạng; những địa danh lịch sử như Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, đồn Phai Khắt - Nà Ngần, di tích Đông Khê, Lam Sơn..., đã đi vào lịch sử như những chứng tích hào hùng của dân tộc.i

                Bài 3: Miền đất giàu truyền thống cách mạng

                Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) là điểm đến du lịch hấp dẫn của đồng bào từ mọi miền Tổ quốc và du khách nước ngoài.

                Nếu như địa danh Pác Bó gắn với những ngày đầu Bác Hồ trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta, với Hội nghị Trung ương VIII thì rừng Trần Hưng Đạo lại gắn với một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng - nơi 73 năm trước, dưới sự chủ trì của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được thành lập. Địa danh ấy nay là Khu DTQGĐB rừng Trần Hưng Đạo, nằm dưới chân núi Slam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám (Nguyên Bình), được người dân nơi đây gọi với cái tên vô cùng trìu mến “khu rừng Đại tướng”. Khu di tích bao gồm 5 điểm di tích: Di tích Khu rừng Trần Hưng Đạo, hang Thẳm Khẩu, đồn Phai Khắt, Vạ Phá, xã Tam Kim và di tích đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám. Các di tích hiện hữu, trường tồn cùng thời gian như minh chứng hùng hồn cho lịch sử, ghi dấu chiến công oanh liệt, mưu trí của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày nay, đến với Khu DTQGĐB rừng Trần Hưng Đạo, chúng ta không những được tìm hiểu truyền thống lịch sử của đội quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh; nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu mát mẻ suốt bốn mùa. Khu di tích mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn thắng cảnh và du lịch sinh thái đầy thú vị, ý nghĩa. 


                Từ khu rừng Trần Hưng Đạo, Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với dân tộc đã làm nên những kỳ tích vĩ đại trong suốt chặng đường 73 năm (1944 -  2017) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Trong đó, tại Cao Bằng, phải kể đến Chiến thắng Biên giới 1950. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh thiêng liêng “Bác Hồ ra trận” và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Người mãi mãi là ánh đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên con đường đưa đất nước tới độc lập, tự do. Để mỗi khi có dịp trở lại Khu di tích lịch sử Chiến thắng Biên giới 1950 tại huyện Thạch An, hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh thanh cao mà gần gũi, bình dị, trực tiếp ra trận chỉ huy trận đánh Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới khiến du khách cảm phục và xúc động. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng về với Thạch An, những sự kiện trọng đại dường như mới ngày hôm qua; những hiện vật được trưng bày nơi đây làm sống dậy trong lòng mỗi người những trang sử hào hùng của dân tộc. Có lẽ vì thế mà ngày càng nhiều du khách, trong đó có không ít bạn trẻ về đây để hiểu hơn về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc. Khu di tích lịch sử ngày nay được trùng tu, tôn tạo với các hạng mục chính: Khu nghĩa trang và nhà bia tưởng niệm, di tích đồn Đông Khê, di tích nằm trong hệ thống bố phòng của địch bảo vệ cứ điểm Đông Khê, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụm tượng đài Bác Hồ quan sát trận đánh Đông Khê trên núi Báo Đông. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ để nhắc nhở thế hệ trẻ về một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Hiện nay, tỉnh đang lập hồ sơ Khu di tích lịch sử Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng DTQGĐB.
                Cùng với quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thời kỳ 1941 - 1945, tại Cao Bằng còn ghi dấu nhiều di tích lịch sử, như: Nặm Lìn, xã Hoàng Tung (Hòa An) - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng; Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong ở phường Đề Thám (Thành phố) - nơi sinh ra và nuôi dưỡng đồng chí Hoàng Đình Giong, một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng và cũng là người trực tiếp rèn luyện và xây dựng Đảng bộ Cao Bằng; Quần thể Khu di tích lịch sử Lam Sơn (Hòa An), nơi Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo cách mạng hoạt động và mở lớp huấn luyện chính trị (5/1942); Khu di tích Anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, nơi có mộ anh Kim Đồng (tức Nông Văn Dền), Đội trưởng Đội Nhi đồng cứu quốc, nay là Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh... Với vai trò lịch sử của mình, hệ thống các di tích là sợi dây nối quá khứ với hiện tại, là di sản quý báu để những thế hệ hôm nay tự hào về truyền thống hào hùng của cha ông. Các di tích này hiện đang được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
                Hệ thống di tích lịch sử phong phú ở Cao Bằng là tài sản vô giá, là minh chứng cho mồ hôi, nước mắt, trí tuệ và cả máu thịt của biết bao thế hệ cha ông chúng ta đã đổ xuống trong sự nghiệp giành giữ, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, góp phần tô điểm, thắp sáng lên truyền thống yêu nước. Với hệ thống di tích lịch sử này, Cao Bằng đang tích cực đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật, xúc tiến quảng bá du lịch, kết nối các điểm di tích thành những tour du lịch đỏ, hành trình về nguồn... Trong tương lai không xa, du lịch về nguồn sẽ trở thành một trong những loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh, thu hút du khách, nhất là đối với những người muốn về thăm chiến trường xưa, hay muốn nghiên cứu tìm hiểu lịch sử. Đến với các di tích lịch sử ở Cao Bằng, du khách không chỉ được hiểu thêm về giá trị lịch sử mà còn được đắm mình trong không gian sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp!


                Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình) ghi dấu sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
                Quỳnh Anh

                http://www.baocaobang.vn/Du-lich/Cao-Bang-phat-trien-du-lich-ben-vung-Bai-3/55335.bcb


                2.





                Thứ sáu 12/05/2017 06:00
                Nguyễn Hoàng Anh, 

                Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
                  Bài 2: Cao Bằng phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững
                  Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới phía đông bắc Tổ quốc có bề dày lịch sử, văn hoá, sở hữu nguồn tiềm năng du lịch dồi dào, đa dạng với cảnh quan thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình, văn hóa đa sắc tộc gắn với lịch sử cách mạng truyền thống của dân tộc. Vùng đất cổ này được tạo hoá ban tặng cho những tuyệt phẩm thiên nhiên với vẻ đẹp đa dạng, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái của một miền biên viễn.
                  Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (Việt Nam) Nguyễn Hoàng Anh và Bí thư Thành ủy thành phố Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc) Bành Hiểu Xuân chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận khung hợp tác du lịch qua biên giới Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và huyện Nà Po, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), ngày 26/4/2016. Ảnh: P.V

                  Nổi bật là danh thắng thác Bản Giốc được vinh danh là thác nằm trên đường biên giới lớn thứ 4 thế giới. Các loại hang động đồ sộ, đa dạng và đẹp kỳ thú đang được bảo tồn có triển vọng du lịch như: động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Dơi (Hạ Lang), hang Ki Lu, hang Khuổi Khua (Phục Hòa); vùng Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình), quần thể hồ - sông - hang ngầm Thang Hen -  hiện tượng “Turlough” kỳ thú. Hệ thống núi đá vôi hùng vỹ xen lẫn thung lũng đất và hệ thống hang động của Cao Bằng được công nhận là Công viên địa chất non nước Cao Bằng. 


                  Vùng đất này có hơn 20 dân tộc anh em quần cư sinh sống, như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Lô Lô… Mỗi dân tộc có phong tục tập quán, văn hóa đặc trưng riêng hội tụ thành vườn hoa đa sắc màu văn hóa hấp dẫn khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm. Hoà quyện với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống của các dân tộc là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào của địa phương. Bên cạnh đó, các giá trị lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, với hàng trăm di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác, như: đàn tính, hát Then và các sản vật địa phương, như: mía, thuốc lá, rượu ngô, cây dược liệu..., cũng được bảo tồn và phát huy giá trị.
                  Cao Bằng có đường biên giới dài hơn 333 km tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) nên thuận lợi hợp tác phát triển các loại hình du lịch biên giới với các địa phương thuộc Quảng Tây (Trung Quốc), như: Du lịch đỏ, tour du lịch bằng xe tự lái, du xuồng mạo hiểm, hợp tác xây dựng sân khấu biểu diễn thực cảnh xuyên biên giới...
                   Sở hữu điều kiện, tiềm năng, lợi thế trên, Cao Bằng là nơi hội tụ những yếu tố đặc trưng, thế mạnh để phát triển du lịch bền vững. Những năm qua, Cao Bằng thu hút trên nửa triệu lượt khách du lịch, góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của du lịch, nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch, thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác cùng phát triển, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 29/4/2016, Tỉnh uỷ Cao Bằng ban hành Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch tỉnh với các giá trị đặc trưng, riêng biệt được định vị rõ ràng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ, hoạt động dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu nhập xã hội. Đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường. 
                  Để tập trung khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của Cao Bằng phát triển theo đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong định hướng Quy hoạch phát triển du lịch Cao Bằng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tận dụng cơ hội thuận lợi, tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch trong vận hội mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chương trình phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến mới, tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong lĩnh vực du lịch, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của du lịch địa phương. 
                  Huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội: vốn Chính phủ, vốn phi chính chủ, nguồn xã hội hóa..., ưu tiên xây dựng hạ tầng cơ sở, xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường xã hội hóa hoạt động đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh; bảo tồn và phát triển các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống..., để phục vụ phát triển du lịch. Đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Cao Bằng. Đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mang thương hiệu Cao Bằng có sức hút, sức cạnh tranh cao. 
                  Xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch Khu du lịch thác Bản Giốc; phối hợp với Ủy ban UNESCO Việt Nam nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng. Xây dựng Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén và đề nghị bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng Quy hoạch Khu phố ẩm thực, chợ nông sản địa phương phục vụ khách du lịch tại Thành phố. Quy hoạch các khu, điểm du lịch khác như: Điểm du lịch Thiêng Qua (mốc 589) và cặp chợ biên giới mốc 590, xã Cô Ba (Bảo Lạc); Điểm du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô bản Khuổi Khon (Kim Cúc, Bảo Lạc); Quy hoạch các điểm di tích lịch sử văn hóa thuộc huyện Hòa An (Di tích Nặm Lìn, Lam Sơn; đền Vua Lê, thành Nhà Mạc...); Quy hoạch hệ thống hang động trong tỉnh, phục vụ tham quan du lịch. Lập hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng Di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Biên giới năm 1950 là Di tích Quốc gia đặc biệt; Quy hoạch xây dựng điểm trung chuyển kết nối du lịch liên kết vùng: Bảo Lâm (Cao Bằng) - Mèo Vạc -  Đồng Văn - Bắc Mê (Hà Giang); Thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) - Thủy điện Nho Quế (Mèo Vạc - Hà Giang) - Thủy điện sông Gâm 1, 2 (Bảo Lâm).
                  Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cộng đồng dân cư quanh vùng có khu, điểm du lịch về vị trí, vai trò các ngành nghề du lịch, những lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại để tạo sự đồng thuận chung trong phát triển ngành du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phát triển du lịch, kỹ năng giao tiếp chăm sóc khách hàng, ngoại ngữ giao tiếp thông dụng cho lực lượng lao động tại chỗ phù hợp với thực tế của địa phương. Đặc biệt quan tâm đến cộng đồng dân tộc thiểu số ít người tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch giản đơn để tạo việc làm cho người dân địa phương tại các khu, điểm du lịch... 


                  Du khách tham quan Cụm tượng đài Bác Hồ quan sát trận đánh Đông Khê trên núi Báo Đông thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Biên giới năm 1950 (xã Đức Long, huyện Thạch An).
                  Khuyến khích đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú du lịch hiện có; có chính sách đặc thù, thu hút phát triển một số cơ sở lưu trú chất lượng cao để đảm bảo phục vụ tốt phân khúc khách du lịch cao cấp và các sự kiện của tỉnh; khuyến khích các cơ sở lưu trú bổ sung các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ khách lưu trú. Tăng cường công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Có chính sách cụ thể ưu đãi về thuế, tiền thuê đất... để thu hút nhà đầu tư xây dựng một số trung tâm vui chơi giải trí hỗn hợp về văn hóa, thể thao... phục vụ cho nhiều đối tượng ở các tuyến du lịch, điểm dừng chân, điểm tham quan để thu hút và giữ chân du khách.
                  Tổ chức, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng giai đoạn 2015 - 2020. Đổi mới hình thức, đa dạng hoá các kênh thông tin, gắn kết chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng. Nâng cao chất lượng các ấn phẩm quảng bá du lịch; tham gia các chương trình quảng bá tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Tăng cường hợp tác với thành phố Bách Sắc, Sùng Tả (Trung Quốc); phối hợp quản lý khai thác có hiệu quả các tour du lịch biên giới. Mở rộng hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, các trung tâm du lịch lớn, như: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng, đặc trưng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng...
                  Cao Bằng là tỉnh miền núi có những đặc trưng riêng không lẫn với địa danh nào khác trên đất nước. Sự hấp dẫn của du lịch Cao Bằng trong những năm gần đây đã được khẳng định và sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện không thể bỏ qua của những du khách ưa thích sự khám phá, trải nghiệm. Nhưng Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, nhiều điểm đến khó tiếp cận, vì vậy còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Do vậy, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan, nhận thức và hành động của cộng đồng, địa phương là những yếu tố then chốt quyết định đến sự thành công trong phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
                  http://www.baocaobang.vn/Du-lich/Cao-Bang-phat-huy-tiem-nang-loi-the-phat-trien-du-lich-ben-vung-Bai-2/55281.bcb



                  1.

                  Thứ năm 11/05/2017 07:00
                  LTS: Tiếp tục tuyên truyền 6 Chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy giai đoạn 2016 - 2020, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII, Báo Cao Bằng mở chuyên mục “Cao Bằng phát triển du lịch bền vững”, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, con người với mong muốn Cao Bằng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
                    Bài 1: Cao Bằng - điểm đến du lịch đặc sắc và hấp dẫn
                    Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình) - nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
                    ĐẤT THIÊNG HỘI TỤ TINH HOA VĂN HÓA, LỊCH SỬ
                    Cao Bằng - miền đất địa đầu Tổ quốc, nằm ở vùng đông bắc có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế đối ngoại. Phía bắc giáp với Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài hơn 333 km. Phía tây giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, phía nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn.
                    Non nước Cao Bằng là nơi con người sớm sinh sống từ thời sơ sử, tiền sử với không gian văn hóa, xã hội Văn Lang - Âu Lạc - văn hóa Đông Sơn. Lịch sử Việt Nam nhận định: Cao Bằng là một trong những chiếc nôi của người tiền sử từ hơn 20.000 năm trước, con người cư trú, phát triển liên tục cho đến ngày nay. Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng kể về Thục Phán từ thế kỷ III trước Công nguyên là vua nước Nam Cương của người Tây Âu, địa bàn chủ yếu là tỉnh Cao Bằng ngày nay. Thục Phán đã thành lập nước Âu Lạc, cùng người Lạc Việt đoàn kết đánh tan quân Tần phía Bắc và hợp nhất thành nước Âu Lạc. Sau Thục Phán lấy tên là An Dương Vương, xây dựng kinh đô thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội ngày nay.
                    Trải qua tiến trình lịch sử, Cao Bằng luôn là vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc. Thời phong kiến và đến thế kỷ XVI - XVII, nhà Mạc lên Cao Bằng xây dựng Vương triều Mạc, nơi đây trở thành trung tâm chính trị - văn hóa. Để lại chuỗi di tích lịch sử linh thiêng, như: thành nhà Mạc, thành Na Lữ, đền Vua Lê, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm... 
                    Đến lịch sử hiện đại, năm 1941 - 1945, Cao Bằng vinh dự thay mặt cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc lãnh, chỉ đạo cách mạng trong nước sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở Cao Bằng gắn liền với dấu mốc trọng đại của lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới. Vì thế Cao Bằng có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị du lịch, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc (1941 - 1945); Khu di tích mộ Anh hùng liệt sỹ Kim Đồng; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình) - nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay; Di tích đồn Phai Khắt diễn ra trận đánh mở đầu cho truyền thống trăm trận trăm thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng; Khu di tích Chiến thắng Đông Khê (Thạch An) có ngọn núi Báo Đông - nơi  Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát, trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950...
                    Cùng với tiến trình lịch sử, nhân dân các dân tộc Cao Bằng, mỗi dân tộc có phong tục tập quán, sinh hoạt, nghi lễ và không gian văn hóa riêng tạo nên vùng đất hội tụ tinh hoa văn hóa đa sắc tộc, hấp dẫn khách du lịch đến thăm, tìm hiểu nhiều bản sắc văn hóa độc đáo. Du khách có thể trải nghiệm, khám phá, tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng với không gian văn hóa độc đáo từ nếp nhà sàn bằng gỗ, nhà trình tường, nhà xây bằng đá 100 năm tuổi; ngắm nhìn trang phục quyến rũ, nhiều sắc màu của người Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô đen được thêu dệt từ khung cửi thủ công và đôi bàn tay khéo léo; đi chợ phiên vùng cao, chợ tình… Tham dự lễ hội đặc sắc từng vùng miền, như: Lễ hội đền Kỳ Sầm, chùa Đống Lân, đền Vua Lê (thành phố Cao Bằng); Lễ hội Pháo hoa, Thanh Minh (Quảng Uyên); Lễ hội Lồng tồng người Tày, Nùng (Bảo Lạc, Trùng Khánh…); Lễ hội Gầu tào của người Dao đỏ (Nguyên Bình); Lễ hội Chọi bò của người Mông, Nùng, Dao (Bảo Lâm, Thông Nông, Hà Quảng); Làng nghề thủ công truyền thống, như: Làng rèn Phúc Sen (Quảng Uyên), dệt thổ cẩm, làm hương thơm, giấy dó (Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình). Các loại hình dân ca, dân vũ, như: hát Then, Sli, Lượn, Dá hai… cất lên ngọt ngào trong các ngày lễ của đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao… làm mê đắm lòng người. Hấp dẫn hơn nữa là thưởng thức ẩm thực Cao Bằng đa dạng, phong phú mang đậm đặc trưng sản vật riêng có miền núi với cách chế biến tinh tế, công phu: bánh khảo, khẩu sli, xôi ngũ sắc, bánh trứng kiến, bánh coóng phù, bánh áp chao nhân thịt vịt… Đặc biệt là bánh cuốn, phở chua, phở vịt - món ăn sáng phổ biến nhưng được chế biến công phu, hấp dẫn thực khách gần xa. Món ăn mang đậm sản vật núi rừng xôi trám đen, xôi trứng kiến, măng chua xào ong, rau dạ hiến xào phở, chân giò hầm hạt dẻ, canh măng khô, miến dong xào thập cẩm, thịt vịt quay, lợn quay với lá mác mật, lạp sườn và thịt xông khói làm từ thịt lợn đen, thịt bò sấy khô… Cùng với thưởng thức, du khách không quên mua những đặc sản hạt dẻ Trùng Khánh, chè Giảo cổ lam, chè đắng, chè dây, bánh khảo, chè lam, mật ong rừng, chiếu trúc... về làm quà cho người thân.
                    Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) - điểm du lịch hấp dẫn của du khách khi đến Cao Bằng.

                    MIỀN ĐẤT HÙNG VĨ, THƠ MỘNG VÀ KIẾN TẠO THIÊN NHIÊN KỲ VĨ
                    Về thắng cảnh Cao Bằng, nhiều du khách sau khi đến tham quan nhận định: “Cao Bằng điểm đến với vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên”. Được “mẹ thiên nhiên” ưu đãi, Cao Bằng có nhiều dãy núi đá vôi trập trùng xen với thung lũng thấp, độ cao trên 200 m, vùng sát biên giới độ cao 600 - 2.000 m so với mực nước biển. Do có hệ thống núi cao đá vôi, đồi đất xen lẫn thung lũng đất thấp với hệ sông, suối, hồ…, nên tạo hóa ban tặng cho Cao Bằng nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hùng vĩ, nên thơ, kỳ thú mà hoang sơ, huyền ảo là điểm đến hấp dẫn độc đáo riêng có, như: Thác Bản Giốc là một trong những thác đẹp hùng vĩ của châu Á. Hệ thống hang động đẹp huyền ảo, kỳ bí, như: Ngườm Ngao (Trùng Khánh), Hang Dơi (Hạ Lang), Ngườm Pục (Thạch An), hồ Thang Hen và núi mắt thần (Trà Lĩnh), Phja Đén, Phja Oắc (Nguyên Bình) có độ cao gần 2.000 m, với thảm thực vật phong phú, thác Thiêng Qua, mốc 59 (Bảo Lạc) phát triển du lịch mạo hiểm…
                     Theo các nhà nghiên cứu địa chất, Cao Bằng có sự phát triển địa chất trên 500 triệu năm với 18 phân vị địa tầng của các hoạt động kiến tạo magma phun trào rộng khắp đã tạo cho Cao Bằng phong phú về các giá trị di sản địa chất. Đó là món quà - vẻ đẹp bất tận mà thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng để làm cơ sở cho thời gian tới Cao Bằng hoàn thành hồ sơ, thẩm định công bố Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, bởi có 4 giá trị di sản diện mạo Công viên địa chất: Các giá trị di sản diện mạo phong phú, độc đáo, đa đạng như địa hình karst, thung lũng karst cụm đỉnh - lũng, tháp dạng dãy, tháp tù, tháp kiểu mái nhà, các nón chóp, hang động, cánh đồng kasrt, quần thể hồ - sông hang động ngầm kiểu “turlough” tiêu biểu như huyện Trùng Khánh, Nguyên Bình…; Các giá trị di sản cấu trúc - kiến tạo có núi đá minh chứng cho hoạt động của đới đứt gãy sâu Cao Bằng - Tiên Yên và võng chồng nguồn rift nội lục sông Hiến, sông Bằng (Thành phố), Nguyên Bình, Trùng Khánh…; Giá trị di sản hóa thạch; Hệ thống hang động Trùng Khánh, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Hà Quảng… Hệ sinh thái đa dạng gồm 10 hệ sinh thái, đa dạng về loài thực vật, động vật, đa dạng về nguồn gien với 31 nguồn gien, trong đó, 23 nguồn gien cây trồng đặc sản, 8 nguồn gien vật nuôi cho Cao Bằng nhiều sản vật đặc hữu như: quả lê, mận máu (Bảo Lạc), hạt dẻ, gạo nếp Pì Pất (Trùng Khánh), quýt Trà Lĩnh, chè Giảo cổ lam… Vật nuôi nổi tiếng, như: lợn đen, bò, gà lôi, vượn Cao vít, báo lửa... 
                    Là tỉnh có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Cao Bằng có vị trí địa lý rất quan trọng, kết nối đến các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc, như: Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu và Quảng Tây thuận lợi hơn các khu vực nước ta. Cao Bằng có Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Phục Hòa) và 3 cửa khẩu chính: Trà Lĩnh, Sóc Giang (Hà Quảng), Lý Vạn (Hạ Lang), cùng nhiều cặp chợ biên giới giao thương với Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là một thế mạnh để hợp tác phát triển giao thương kinh tế và du lịch.

                    Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những năm qua phát triển du lịch Cao Bằng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm kịp thời, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2015, toàn tỉnh đón trên 600.000 lượt khách du lịch, ước tính doanh thu từ du lịch đạt trên 160 tỷ đồng. Năm 2016, Cao Bằng đạt con số khá ấn tượng, đón trên 700.000 lượt khách, tăng 13,5% so với cùng kỳ, doanh thu 146,7 tỷ đồng, tăng trưởng du lịch 27%, đạt 105% kế hoạch năm, thu nhập xã hội từ du lịch 322,7 tỷ đồng. Bình quân các chỉ số tăng trên 55% so với năm 2011. Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII tiếp tục đưa ra Chương trình trọng tâm về Phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thêm một hướng mới, hướng tới phát triển có quy hoạch, định hướng và phát triển bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.   


                    Trường Hà

                    http://www.baocaobang.vn/Du-lich/Cao-Bang-phat-trien-du-lich-ben-vung-Bai-1/55260.bcb

                    Không có nhận xét nào:

                    Đăng nhận xét

                    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

                    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

                    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.