Quang cảnh Lễ công bố Quyết định công nhận bảo vật Quốc gia đôi chuông chùa Viên Minh và đền Quan Triều. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia đôi chuông chùa Viên Minh và Đền Quan Triều.

Quần thể di tích Đà Quận tọa lạc tại khu cố đô Cao Bình, xã Xuân Lĩnh, châu Thạch Lâm (nay thuộc xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng), một vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa nổi tiếng.

Đây là một quần thể di tích bao gồm 4 di sản văn hóa vật thể được xếp hạng, đó là Chùa Viên Minh, đền Quan Triều và đôi chuông cổ được bảo tồn tại quần thể di tích này.

Theo sử sách, Chùa Viên Minh là một trong ba ngôi chùa cổ nhất của Cao Bằng.

Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đến cuối thế kỉ XVI, nhà Mạc lên Cao Bằng đóng đô đã trùng tu, xây dựng lại. Đến thời Hậu Lê chùa được trùng tu bổ, mở rộng tiền đường, sửa sang phật điện, trở thành một nơi linh thiêng và là nơi vãn cảnh nổi tiếng.

Trong khuôn viên quần thể di tích còn có Đền Quan Triều thờ Dương Tự Minh, một danh tướng dân tộc Tày.

Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của nước Đại Việt.

Trong đền còn thờ Hồng Liên công chúa, con gái vua Lý Anh Tông, phu nhân của danh tướng Dương Tự Minh.

Đền Quan Triều được phong mỹ tự: "Quan triều-Hồng Liên công chúa, thông diệu linh cảm, trợ quốc trấn biên, hoài phục tụy lĩnh, phụng công vĩ liệt đại vương."

Quần thể di tích Đà Quận trở nên nổi tiếng và tiêu biểu hơn bởi đây còn là nơi bảo tồn và lưu giũ đôi chuông quý.

Chuông chùa Viên Minh được công nhận bảo vật Quốc gia . (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Trên chuông có ghi niên hiệu là Long Phi, Càn Thống, chi thập cửu niên Tân Hợi cốc nhật - tạm dịch là: Ngày lành năm tân Hợi, niên hiệu Càn Thống thứ 19 (tức năm 1611).

Mỗi quả chuông là một tác phẩm nghệ thuật, là hiện vật gốc minh chứng trình độ, kỹ thuật đúc đồng tinh xảo, nghệ thuật điêu khắc điển hình của thế kỉ XVII.

Năm 1993, đôi chuông đã được xếp hạng di tích nghệ thuật cấp Quốc gia.

Việc công nhận bảo vật quốc gia đối với đôi chuông chùa Viên Minh và Đền Quan Triều là dịp để tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, động viên nhân dân phát huy lòng tự hào về các giá trị truyền thống của quê hương để từ đó nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đây cũng là dịp để tỉnh Cao Bằng giới thiệu, quảng bá, nâng cao các giá trị văn hóa đặc trưng của đất và người Cao Bằng, tạo bước chuyển mới cho thành phố trên đường hội nhập và phát triển./.

http://www.vietnamplus.vn/cong-nhan-bao-vat-quoc-gia-doi-chuong-chua-vien-minh-o-cao-bang/428839.vnp





Chuông chùa Đà Quận được công nhận là Bảo vật quốc gia
Đôi chuông chùa Đà Quận – còn gọi là chùa Viên Minh (Niên đại: năm 1611 thời nhà Mạc), hiện lưu giữ tại Khu di tích chùa Đà Quận – đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia.
Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2496/QĐ-TTg công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 5) năm 2016. Theo Quyết định này, có 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, trong đó có đôi chuông chùa Đà Quận: 1 chuông đặt ở chùa Viên Minh, 1 chuông đặt ở đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng
Chùa Đà Quận, còn gọi là chùa Viên Minh, là nơi thờ phật, được khởi dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138 – 1175). Đền Quan Triều thờ danh tướng Dương Tự Minh, người có công hai lần đánh đuổi quân Tống xâm lược, bảo vệ lãnh thổ quốc gia Đại Việt, thế kỷ XII.
Chuông Chùa Viên Minh là loại Chuông lớn, cao 160 cm (thân cao 132 cm, quai cao 28 cm); đường kính rộng 95 cm (miệng). Về trang trí họa tiết hoa văn, phần thân tạo thành ba lớp đường viền cân xứng từ trên xuống, ba lớp đường viền tròn chạy quanh thân chuông; những đường viền này giao tiếp nhau, ở chính điểm giao tiếp được trang trí các núm chuông, các núm chuông này được bố cục gồm 6 núm bao quanh thân chuông, đúc nhô cao để gõ tạo sự ngân vang; phần diềm xung quanh núm chuông trang trí hình cánh sen, biểu tượng của sự trường tồn của nhà Phật; ở các mặt nhẵn phần thân có khắc nhiều chữ Hán, nội dung bài minh chuông này có nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh đẹp châu Thạch Lâm, thắng tích chùa Viên Minh và việc trùng tu tôn tạo, sửa sang lại chùa; đặc biệt trên chuông còn ghi niên hiệu: Long Phi, Càn Thống chi thập cửu niên Tân Hợi cốc nhật (tạm dịch: Ngày lành năm Tân Hợi, niên hiệu Càn Thống thứ 19 (1611)). Phần quai chuông được trang trí họa tiết biểu tượng con rồng quấn quanh tạo thành 4 chân trụ rất chắc để treo chuông, đây chính là 4 chân của con rồng.
Chuông đền Quan Triều, về cơ bản giống chiếc chuông ở chùa Viên Minh, nhưng về kích thước to hơn. Chuông cao 178 cm (thân cao 142 cm, quai cao 36 cm), đường kính 106 cm (miệng). Nhân dân địa phương thường gọi quả chuông này là chuông đực (chuông chùa Viên Minh là chuông cái). Về họa tiết hoa văn, trang trí các đường viền ngang, dọc chạy xung quanh thân chuông và được tiếp nối bởi các đường giao nhau là các núm chuông. Chuông không có khắc chữ. Trang trí con rồng ở phần quai cũng giống với họa tiết hoa văn con rồng ở chuông chùa Viên Minh. Hiện chiếc chuông này một chân của con rồng ở phần quai đã bị mất.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các cấp nơi có Bảo vật quốc gia; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý Bảo vật quốc gia được công nhận nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với Bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Quyết định của Thủ tướng công nhận Chuông chùa Đà Quận là Báu vật quốc gia
Quyết định của Thủ tướng công nhận Chuông chùa Đà Quận là Báu vật quốc gia
Chuông chùa Đà Quận
Chuông chùa Đà Quận
Jpeg
Tin và ảnh: homacvietnam.vn
http://homacvietnam.vn/?p=1700