Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/05/2017

Tư liệu liên quan đến Việt Nam ở Đức (sưu tầm Nguyễn Tiến Hữu)

Người Việt ở Đức về, thì gần đây, ở hội thảo quốc tế ngôn ngữ học vừa rồi, tại Hà Nội, mình có gặp và nói chuyện nhanh với cô Thái Kim Lan. Bà vội về lại Huế nên không trình bày được tham luận.

Còn bác Nguyễn Tiến Hữu thì khoảng những năm 2000, đã đón tiếp bác trở về từ Đức ở Hà Nội. Đã cùng nhau tới khảo sát một số chỗ mạn phía Nam của Hà Nội (lúc đó còn chưa mở rộng). Từ đó, không có điều kiện gặp lại ông. Bây giờ, ông đã an lạc với Sài Gòn.

Nhớ mãi câu chuyện ông kể về người Việt làm xuất khẩu sang Đức ở thời điểm trước năm 2000 (hàng thủy sản đông lạnh).

Tin tức ở dưới là từ các nơi.


---

2.

  •   NGUYỄN TIẾN HỮU
  • Thứ hai, 08 Tháng 5 2017 17:40
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Khi người trong nước ai cũng tranh đua làm giàu đủ mọi cách và nhiều tài liệu quý giá trong các thư  viện “không cánh mà bay” (báo Tuổi Trẻ) thì việc phát hiện những tư liệu về văn hóa lịch sử Việt Nam ở nước ngoài rất cần thiết cho việc nghiên cứu. Biết được nơi tàng trữ các tư liệu quý ở nước ngoài, người làm văn hóa yên tâm vì người nước ngoài làm việc nghiêm túc hơn mình trong việc bảo quản tài sản văn hóa, mặc dầu những tư liệu ấy không dính líu đến quê hương họ.
Sau đây tôi xin giới thiệu một số tư liệu khá quý hiếm mà tôi vừa phát hiện tại Đức.
Nói đến các nguồn tư liệu liên quan đến văn hóa, lịch sử  Việt Nam và Đông Dương cũ người ta chỉ nghĩ đến các Trung tâm, các kho lưu trữ tại các thành phố lớn nước Pháp như tại Paris với kho lưu trữ Quốc gia (LTQG); tại TP. Aix-en Provence, miền nam nước Pháp với “Trung tâm lưu trữ Hải Ngoại” (CAOM - Centre d’Archives d’Outre Mer); tại TP. Marseilles với Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (Institut de Recherches sur le Sud-Est-Asiatique – IRSEA); tại các nơi khác như TP. Lyon, quận  Youne, quận Aude… Đây là những nơi tham khảo lý tưởng cho các nhà nghiên cứu giỏi tiếng Pháp. Nhưng các quốc gia thuộc Đức ngữ (CHLB Đức, Áo, Thụy Sĩ, Lichtenstein, miền Đông nước Pháp, Hà Lan…) cũng không thua kém nước Pháp trong mặt lưu trữ các nguồn tư liệu về Việt Nam . Nếu nước Pháp, vốn đã cai trị nước ta gần 100 năm, chú trọng nhiều về tư liệu chính trị, quân sự, kinh tế, thì tư liệu tại các nước thuộc Đức ngữ lại phong phú hơn về mặt văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán, ngôn ngữ. Ít người biết rằng chiếc trống đồng Đông Sơn quý nhất, đẹp nhất, lớn nhất lại không nằm ở Pháp mà ở Áo (Trống Đồng Type Heger tại Bảo tàng Thành Phố Vienne, Áo), hay các học giả nổi tiếng đã từng nghiên  cứu văn hóa Việt nam như  học giả người Áo Heine-Geldern (nghiên cứu trống đồng Đông Sơn), nhà ngôn ngữ học người Áo W. Schmidt (nghiên cứu nguồn gốc tiếng Việt)…
Trong hướng đi tìm nguồn tư liệu về văn hóa lịch sử Việt Nam, tôi xin giới thiệu một số tư liệu mới phát hiện tại kho Lưu Trữ Quốc Gia tại Thành Phố Munich (Munchen) thủ phủ Bang Bayern, miền nam Tây Đức. Tại Thành Phố Munich có hai nhóm tài liệu rất quý hiếm:

I)       Tại Thư viện Quốc gia của Bang Bayern (Bayerische Staatsbibliothek) có một bản Nôm cuốn Kim Vân Kiều của cụ Nguyễn Du (“Nguyen Du Munchen”). Đây là một bản gốc, rất quí giá. Theo phân tích thư tịch, bản Kiều Nôm này là bản gốc duy nhất, mà Thư viện đã sưu tập được. Trên phiếu tham khảo có ghi bằng Đức ngữ “cấm chụp phóng ảnh. Chỉ được tra cứu ở phòng đọc sách. Chỉ có thể in lại qua dịch vụ vi phim nhanh hoặc thông qua phòng chụp ảnh”. Bên cạnh các bản Kiều Nôm khác in năm 1871 hiện tàng trữ tại Thư viện Trường Ngôn Ngữ Đông Phương tại Paris, bản Kiều Nôm chép tay năm 1894 hiện tàng trữ  tại Thư viện Anh ở London, thì có lẽ bản Kiều Nôm tại Munich này thuộc loại rất quý hiếm, nhất là khi sách Hán Nôm của nước ta hiện nay còn lưu trữ ở ngoại quốc không nhiều và ở trong nước thì nạn trộm cắp hiện nay đang hoành hành (ví dụ: vụ trộm sách vừa mới đây tại Thư viện của Viện Khoa học Xã hội tại Thành Phố Hồ Chí Minh ) làm cho người dân nghĩ rằng việc bảo tồn gia tài văn hóa cha ông kém phần nghiêm túc.

II)  Loại tư liệu nhóm thứ hai là những bức thư viết tay về văn hoá, lịch sử, tôn giáo, phong tục tập quán Việt Nam (Đàng Ngoài – Đàng Trong) vào những năm 1663 đến 1759 của người châu Âu (Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha …) đã sống và công tác lâu năm tại Việt Nam hoặc các nước châu Á.



Nổi tiếng nhất là Lm. Alexandre de Rhodes. Các tư liệu này hiện được tàng trữ tại kho Lưu Trữ Chính Quốc gia (Bayerische Hauptstaatsarchiv), toạ lạc tại đường Arcisstr.12 ở TP. Munich, được viết bằng tay, bằng các tiếng Ý, La tinh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha … Các thư này đều mang chung một ký hiệu: Bay HSTA Ab. 1 Jesuitica số…
1)          Thư của Lm. Alexandre de Rhodes viết ngày 30.5.1659. Ký hiệu: Jesuitica No.607, 2 trang, khổ DIN A4, tiếng La tinh. Nội dung: Đàng Ngoài – Tonkinum.
2)          Thư của Pietro Marquez viết ngày 20.6.1663 gồm 32 trang, tiếng Ý, khổ DIN A4. Ký hiệu: Jesuitica No.607A. Nội dung: Hội An. Đàng Ngoài, Đàng Trong, Phật giáo, lễ hội đền, hội chùa.
3)          Thư của Pietro Marquez viết cùng năm 1663 gồm 37 trang. Ký hiệu: Jesuitica No.607B, tiếng Ý, gửi cho Paulo Oliva.
4)          Thư của Lm. Onophrius Bhrgin, người Bồ Đào Nha với tên Onophre Borges viết ngày 24.10.1659, 1 trang, tiếng La tinh. Ký hiệu: Jesuitica No.607. Viết về Đàng Ngoài.
5)          Thư của Giampaolo Gozani, viết ngày 24.12.1725, từ Quảng Đông, 2 trang, tiếng Ý. Ký hiệu: Jesuitica No.590. Nội dung: Đàng Ngoài.
6)          Thư của J. B. Maldonado, viết ngày 20.12.1671, 1 trang, tiếng La tinh. Ký hiệu: Jesuitica No.591. Viết về Indochina và Campuchia.
7)          Thư của F. X. Mittermaier, người Đức, viết ngày 21.8.1714 và một thư viết ngày 21.1.1715. Tác giả đã sống lâu năm tại Đông Dương, Nhật, Trung Quốc. Cả hai thư có ký hiệu: Jesuitica No.595. Nội dung: Đàng Ngoài, Đàng Trong.
8)          Thư  của Joseph Ridler, người Đức, 1 thư viết ngày 26.12.1719. Ký hiệu: Jesuitica No.590 và một thư viết ngày 18.7.1714. Ký hiệu: Jesuitica No.595.
9)          Thư  của Carlo da Rocca, viết ngày 15.5.1664, 2 trang, tiếng La tinh. Ký hiệu: Jusuitica No.607. Thư gửi cho Bartholomeus Besco.
10)      Thư của Josephe Zanzini, viết năm 1664, 12 trang, tiếng La tinh. Ký hiệu: Jusuitica No.589. Viết về Đàng Trong.  Tài liệu này đã được dịch ra tiếng Đức năm 1668, hiện tàng trữ tại Thư viện Đại học Quốc gia Munich, ký hiệu H.Eccl.961.
11)      Thư của Sebastian Zwerger SJ., người Đức, viết ngày 9.6.1759. Ký hiệu: Jusuitica No.607. Thư này được viết từ  Siam (Thailand).
12)      Thư của Joseph Kayser, người Đức, viết ngày 15.1.1740 từ  Goa. Ký hiệu: Jesuitica No.595. Nội dung: xứ  Đàng Ngoài và Goa.
13)      Thư của Michael Boym SJ., người Đức, viết tháng 11 năm 1658, tiếng La tinh. Nội dung: về cuộc hành trình từ Ấn Độ đến Đàng Ngoài. Ký hiệu: Jesuitica No.607.
14)      Thư của Balthasar Miller, viết ngày 5.9.1723 (đến Trung Quốc từ năm 1718) nói về xứ Đàng Ngoài. Ký hiệu: Jesuitica No.590.

Tổng cộng các thư này có 93 trang khổ DIN A4 (19 x 27cm), hiện tôi đã chụp phóng ảnh và lưu trữ  tại thư viện Nguyễn Tiến Hữu.

                                                                                            Munich 1.2017

http://vanhoanghean.vn/component/k2/tu-lieu-ve-viet-nam-moi-phat-hien-tai-tp-munich-chlb-duc





1.

Thư viện cá nhân tầm cỡ... quốc gia

08/05/2004 05:41 GMT+7
TT - Cách đây ba năm, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Hữu từ Đức chuyển về một container chứa đầy sách. Đây là những gì tích góp, sưu tầm được trong quá trình đi học, định cư và dạy học tại Pháp, Đức và một số nước châu Âu trong suốt 40 năm của ông.
Thư viện cá nhân tầm cỡ... quốc gia Phóng to
GS.TS Nguyễn Tiến Hữu bên gian sách kê tạm của mình - Ảnh: L.Đ.
TT - Cách đây ba năm, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Hữu từ Đức chuyển về một container chứa đầy sách. Đây là những gì tích góp, sưu tầm được trong quá trình đi học, định cư và dạy học tại Pháp, Đức và một số nước châu Âu trong suốt 40 năm của ông.
“Trong thời kỳ Việt Nam chia hai miền Nam Bắc, tôi đang sống tại Paris. Và tôi mua được rất nhiều sách, tạp chí của cả hai miền. Ví dụ, ở miền Bắc lúc đó có tạp chí Văn Học, tôi mua đủ bộ. Còn miền Nam có các tạp chí rất hữu ích như Văn Hóa nguyệt san, Bách Khoa... tôi cũng mua đủ bộ. Trong khi đó, ở trong nước, vì điều kiện chiến tranh người dân hai miền khó có thể mua sách của nhau được”, thầy Hữu hào hứng nói về quá trình sưu tầm sách của mình.
Thư viện của giáo sư Nguyễn Tiến Hữu hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu quí giá. Trong đó có thể kể đến các tài liệu viết về lịch sử VN giai đoạn 1930-1931 và thời kỳ Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Chu Trinh hiện đang được cất giữ tại kho lưu trữ của Pháp ở Paris. “Những tài liệu này chỉ phục vụ giới nghiên cứu, tôi phải lấy tư cách giáo sư để xin phép photocopy và chụp phim lại tất cả những tài liệu này. Có đến 85% tổng số tài liệu về chiến tranh Việt - Pháp được lưu trữ tại kho lưu trữ quốc gia Pháp”.
Không những thế, thư viện của giáo sư Nguyễn Tiến Hữu còn ba bộ sách rất quí dưới dạng microfilm. Một bộ là 52 tập của tạp chí Bulletin de l’Ecole franaise d’Extrême - Orient. Đây là tờ báo của Viện Viễn Đông bác cổ - Pháp xuất bản từ 1901-1965.
Bộ thứ hai là tạp chí về Đông Dương tên Revue Indochinoise, in tại Hà Nội, từ 1893 - 1932. “Đây là tạp chí viết về tất cả lĩnh vực đời sống văn hóa - xã hội của Đông Dương, thật hữu ích cho công tác nghiên cứu”.
Ads by AdAsia

You can close Ad in {12} s
Tập thứ ba là tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Đông Dương, xuất bản từ 1883-1932. Bản này giáo sư Hữu mua tại Thụy Sĩ. “Tất cả những bản sách dạng microfilm này đều rất khó tìm, mà lại rất đắt”. Miệng nói, tay thầy rút ra một tập sách photocopy bằng tiếng Việt chép tay, nhan đề Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương - chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản, xuất bản lần thứ nhất năm 1932, sách chép tay, chữ rất đẹp. “Quyển này tôi cũng photocopy lại từ kho lưu trữ của Pháp”.
Và, tủ sách của giáo sư còn rất nhiều tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp; lại có một bản sách đặc biệt viết bằng tiếng Hà Lan có tựa là Tonkin - 1644-45 của tác giả A. Van Broukhrst viết về VN từ thế kỷ 17.
Nhìn dáng thầy thoăn thoắt đi lại giữa bốn bề toàn những sách và sách trên gian lầu rộng, mới biết sức làm việc của vị giáo sư 65 tuổi này thật sung mãn. Gian kệ để các sách thầy viết đã lên quyển thứ 14, bằng nhiều thứ tiếng, nhiều nhất là tiếng Đức. Trong phòng ngủ, trong nhà bếp, bên cạnh bàn ăn, nơi đâu cũng có sách, tài liệu của thầy. Mà mọi thứ vẫn rất gọn gàng, tài liệu đâu ra đấy, có chia danh mục hẳn hoi.
Những đầu sách quí như các bản sách bằng microfilm của thầy Hữu chắc cả VN chỉ có thư viện quốc gia may ra mới có, giới tư nhân khó lòng sưu tầm được một thư viện quí giá như vậy.
Đến nay, 8.000 bản sách của thầy Hữu đã được tập kết đầy đủ về VN - tại nhà riêng của vị tiến sĩ khả kính này trên đường số 45, Q.4, TP.HCM. “8.000 quyển chất đầy một container 40 feet, nếu không nhờ sự giúp đỡ của ông Trần Bạch Đằng chắc tôi không thể đưa về VN trọn vẹn được. Bây giờ tôi đang nghĩ cách khai thác, sử dụng hiệu quả kho sách này”.
________________
Truyền thừa ông - cha - con
Thư viện cá nhân tầm cỡ... quốc gia Phóng to
Chị Hoàng Anh bên bức thư ngự bút của vua Khải Định - Ảnh: L.Đ.
Người chơi đồ cổ ở Sài Gòn không ai không biết hai vợ chồng anh Trần Đình Sơn và chị Hồ Hoàng Anh. Là dòng dõi quan đại thần của triều đình Huế, anh Sơn đã thừa hưởng một lượng sách Hán Nôm đáng kể. Kế tục cha ông, anh Trần Đình Sơn tiếp tục sưu tầm sách quí, hình thành nên một thư viện gia đình có dấu son ký tên Anh - Sơn đóng trên mỗi bản sách.

Những giai thoại về việc sưu tầm sách rất kỳ thú. Đặc biệt nhất có lẽ là những lần đổi sách giữa anh Trần Đình Sơn và cụ Vương Hồng Sển. Vốn thân nhau như bạn vong niên, một lần cụ Sển đổi quyển sách ảnh Annam - Tonkin nhận chiếc tô cổ của ông Đặng Vương Hưng (nguyên của bà thái hậu Từ Dũ trao lại); một lần anh Sơn đổi chiếc chóe Phán Nuôi để nhận từ cụ Sển 30 tựa sách Hán Nôm cụ mua tận Đài Bắc.
Hiện nay, thư viện gia đình Anh - Sơn được chia theo thể loại: sách lịch sử, văn chương, kinh truyện, y học và luật lệ. Trong đó, sách Hán Nôm chủ yếu là phần lịch sử và kinh truyện, sách Phật giáo.
Ngoài ra tủ sách tiếng Pháp có nhiều quyển về mỹ thuật Đông Dương, rất nhiều bản sách cổ, quí hiếm như quyển Annam - TonkinGiáo trình lịch sử, văn học Việt Nam và Trung Quốc của Trương Vĩnh Ký in từ 1876; quyển Le rituel funéraire des Annamites (nghiên cứu nghi lễ tang ma của người Việt ở miền Bắc) in tại Hà Nội năm 1904....
Tủ sách gia đình của Anh - Sơn có một nội dung đặc biệt là có bộ sưu tập các thủ bút. Hiếm nhất là ngự bút (bằng chữ quốc ngữ) của vua Khải Định - là bức thư gửi cho quan Trần Đình Bá - cụ tổ của anh Trần Đình Sơn. Sau nữa là thủ bút của các tao nhân mặc khách như: Đông Hồ, Mộng Tuyết, Quách Tấn, Nguyễn Ngu Í, Vũ Hoàng Chương và nhiều nhất là thủ bút của cụ Vương Hồng Sển. Hai lần dự thi “Những cuốn sách vàng” do NXB TP.HCM tổ chức, tủ sách Anh - Sơn đã có hai giải nhất.
Trong thư viện của mình, anh Sơn để một tủ thư mục hẳn hoi, trong đó phân loại các tác phẩm “để con mình dễ sử dụng”. Chị Hoàng Anh rất quan tâm đến việc truyền thụ cho con một niềm yêu sách vở: “May mắn là hai con của mình cũng rất thích đọc sách, vẫn thường giúp ba mẹ bảo quản sách hằng năm”.

Lam Điền
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20040508/thu-vien-ca-nhan-tam-co-quoc-gia/31936.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.