Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/02/2017

Đồ mã trong điện thờ Mẫu ở Hà Nội (bài nhóm Trương Minh Hằng, 2012)

Một bài viết súc tích và thú vị.

Đã đăng trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.


---



Thứ Bảy, 15/12/2012 | 00:00 GMT+7

ĐỒ MÃ TRONG ĐIỆN THỜ MẪU Ở HÀ NỘI


Thờ mẫu là một hiện tượng văn hóa tín ngưỡng tâm linh độc đáo trong tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt. Đó là một tinh hoa được chắt lọc suốt dọc dài lịch sử, là biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc trong sự sáng tạo và phát triển không ngừng. Ở một khía cạnh nào đó, mẫu còn là một biểu tượng cho ý chí dựng nước và giữ nước, cho tinh thần yêu nước Việt Nam.
Câu thành ngữ “tứ phủ chầu bà, tam tòa thánh mẫu” đã được đúc kết từ một thực tiễn đời sống tâm linh. Không phải tục thờ mẫu chỉ phổ biến rộng rãi ở các điện, đền, phủ… mà còn lan tỏa đến các ngôi chùa Phật. Thánh mẫu đã ngự vào khuôn viên chùa Việt Nam, tại một trong các nhà phụ ở phía sau hoặc một tòa ngang. Sự thâm nhập đó đã tạo nên một dạng tiền phật, hậu mẫu trong hầu hết các ngôi chùa hiện nay. Ngược lại, trong điện thần cũng như cách thức phối tự ở các ngôi đền, phủ thờ mẫu, đôi khi ta thấy sự hiện diện của phật. Hơn nữa, tín ngưỡng thờ mẫu thực chất là một sản phẩm của tư duy nông nghiệp với ước vọng được mùa, cho nên các thần linh vừa là nét đẹp của tâm tưởng, vừa được gán cho một quyền năng tối thượng…
Trong những năm gần đây, tín ngưỡng thờ mẫu phát triển rộng khắp từ nông thôn tới thành thị, từ miền xuôi lên miền núi. Cùng với sự phát triển của tín ngưỡng này, các nghi thức, lễ hội và các sinh hoạt văn hóa khác cũng được nảy sinh, tồn tại và phát triển, tạo nên một diện mạo văn hóa đa dạng, phong phú, sống động, góp phần vào việc làm giàu bản sắc và giá trị văn hóa dân tộc. Trong các nghi lễ của tín ngưỡng thờ mẫu, đồ mã là một lễ vật quan trọng không thể thiếu. Đồ mã ở điện Mẫu có hai loại: loại thường xuyên và loại phục vụ các lễ.
1. Đồ mã thường xuyên
Là những đồ mã được đặt trên ban thờ để thể hiện sự tôn kính và một mặt nào đó, cũng để nhằm mục đích trang điểm về màu sắc. Loại đồ mã này được làm rất cẩn thận vì chúng được bày, đặt trong một thời gian dài, có thể là một, hai năm hay ba, bốn năm mới thay một lần.
Nón tứ phủ thường là nón quai thao, đôi khi cũng là loại nón dạng thông thường, có điện còn thờ cả nón chiêng, nón tu lờ của người Thượng. Để biểu hiện cho từng vị thần tối thượng, nón thường được dán ô giấy màu ở tâm, tương ứng với mỗi phủ, quai nón cũng có màu thích hợp, điểm xuyết là những kim tòng (những gù rủ tua rua màu vàng). Những nón này thường được treo ở phía ngoài giữa chính điện hoặc chia đều ở hai bên.
Quả nón công đồng thường được treo ở vị trí trung tâm hoặc lùi sát vào chính điện của điện mẫu. Đây là một hiện vật có tính tổng hòa với nhiều màu sắc, cầu kỳ, đậm chất dân gian và rất đắt tiền. Về bố cục, quả nón này được chia làm nhiều cấp theo cương vị của hệ thần linh công đồng. Trên cùng là một chiếc lọng sáu cạnh gần giống như bảo cái (1) của nhà phật, nó như tượng trưng cho tầng trời. Ở các góc của quả nón đều có hình linh thú là rồng hoặc rắn nhô đầu ra làm điểm treo những lọng hai tầng nhỏ, lọng này có rủ kim tòng lớn. Để làm đẹp cho phía dưới của lọng cái, ở các mặt, người ta thường trang trí hoa văn và gắn quạt hoặc một vài hiện vật nào đó có liên quan đến việc làm sang cho thánh mẫu (màu quạt theo chức năng của vị thánh Mẫu chính tại đền). Ngay dưới hệ thống này thường có rất nhiều nón to nhỏ khác nhau. Đầu tiên là các nón của thánh mẫu, cấp hai là nón chúa, tiếp tới là nón của ngũ vị tôn quan, rồi mười hai thánh chầu, nón của ông hoàng (thường ba nón), nón cô (thường bốn nón, cũng có khi là mười hai nón nhỏ), nón cậu (thường có ba nón), dưới cùng ở chính tâm của cả hệ thống là một thuyền rồng của quan lớn Bơ phủ hay bình thường là thuyền của vua cha Bát Hải. Ở nhiều quả nón công đồng, ngoài thuyền của vua cha còn có chiếc mảng của cậu bé Thoải tức cậu Bơ… Nhìn chung, quả nón công đồng được quan tâm rất nhiều đến nghệ thuật nên hòa sắc khá nhuần nhuyễn, đồng thời để tránh sự đơn điệu khô cứng, người ta đã điểm xuyết những hoa cúc mãn khai hoặc là những lá thiêng, tạo sự vui mắt, dễ quyến rũ (2).
Những đồ mã trên ban thờ cũng rất phong phú. Ngoài hai cành hoa giống như trên điện phật thì trên ban thờ mẫu hầu như phải có vàng tứ phủ. Đây là loại vàng viên hình hộp được đóng thành bánh và xếp khối với bốn màu đỏ, xanh lá cây, trắng, vàng. Đương nhiên tỷ lệ này có phần không đều, tùy theo chức năng của vị thần mà số lượng ít nhiều tương ứng và màu sắc khác nhau. Một số đền có thể còn bày cả thuyền hoặc ngựa loại nhỏ hay những đôi hài cườm đặt trong các hộp kính như ở đền Ghềnh (Gia Lâm). Ở các đền quan lớn hay ông hoàng người ta còn làm bàn cờ, bàn đèn… bằng mã để thờ. Có thể nói, tùy theo từng vị thánh, người ta sắp những đồ thờ thích hợp.
Ngoài ra, đồ mã còn được thể hiện dưới dạng một loại cây vũ trụ, chủ yếu gắn với Mẫu Thượng và Mẫu Thoải. Bên cạnh bàn thờ Mẫu Thượng người ta thường đặt một cây xanh tượng trưng cho núi rừng với những lá rủ như lá liễu, điểm xuyết trên đó là hoa quả nhiều màu. Bên bàn thờ Mẫu Thoải thì thường có một cành hoa lớn với rất nhiều hoa dạng bông cúc màu trắng.
2. Đồ mã phục vụ các nghi lễ
Cũng giống như mọi tôn giáo tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ mẫu có rất nhiều lễ liên quan gồm có các lễ hội chính trong năm hay các lễ thức khác như mở phủ, mừng đồng… Và trong các hình thức lễ đó, đồ mã đóng vai trò quan trọng.
Đồ mã trong lễ phát tấu
Lễ phát tấu thường được tiến hành ngày hôm trước hoặc trước khi diễn ra bất kỳ lễ chính nào trong hệ đạo Mẫu. Tuy nhiên người đứng ra chủ trì lễ này không nhất thiết phải là ông đồng, bà đồng mà có thể chỉ cần thày cúng. Lễ phát tấu có ý nghĩa thỉnh thánh, thỉnh phật về chứng giám đàn giàng cho gia chủ trở thành tân đồng, một “tôi con”, “ghế đệm” của thần trong tứ phủ, hay về chứng đàn cúngtam phủ thục mệnh để giải vận hạn, ốm đau… Đồ mã được sử dụng cho lễ này là bộ mũ phát tấu gồm năm mũ quan, năm màu, đại diện cho năm phương: đông, tây, nam, bắc và trung tâm. Kết hợp với chúng là năm ngựa nhỏ, mỗi con cao khoảng năm mươi phân, năm bộ quần áo và năm đôi giày Gia Định hoặc hia. Màu sắc của các vật dụng này tương ứng với màu của mũ. Tất cả đồ mã này được tiến dâng lên các quan sứ giả, thỉnh nhờ các ngài hay thanh đồng đi mời chư vị trong tứ phủ.
Đồ mã trong các lễ của tứ phủ
Người có căn đồng số lính (theo cách gọi của người hầu bóng là người có tính nết, cá tính khác thường một chút), thường thích dùng những màu cơ bản, mạnh mẽ, thích đồ dùng nghi lễ, ốm đau như giả vờ, dù chữa đủ thứ thuốc mà không khỏi…, Không ai có thể giải thích tại sao lại như vậy nên họ phải tìm đến của đền, cửa phủ nhờ các ông thày sửa lễ nghi cúng bái. Căn có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, mỗi mức lại có nghi thức trình đồng riêng, nhưng lần lượt các lễ thường diễn ra theo lối cổ: đầu tiên là đội bát hương, sau là trình lính rồi đến trình đồng mở phủ, hoặc tiễn căn, trình giầu và khoảng ba năm sau sẽ tổ chức tái phủ mừng đồng.
Trong tất cả lễ của tứ phủ không thể thiếu một lễ vật quan trọng đó là dàn mã. Thông thường dàn mã này khá giống nhau. Trước tiên phải kể đến bộ mũ, bao gồm: bốn mũ bình thiên với bốn màu đỏ, xanh, trắng, vàng để dâng bốn vị vua cha. Hai mũ của quan hầu cận là Nam Tào và Bắc Đẩu, đây là loại mũ cánh chuồn gồm một chiếc màu đỏ, một chiếc màu tím. Mũ chúa đàn, vị quan cai quản giám sát đàn lễ, hầu hết được làm là mũ kiểu đuôi trĩ màu trắng hay màu vàng tùy theo bản mệnh và tùy theo tháng diễn ra lễ. Tiếp theo là năm mũ cánh chuồn với năm màu đỏ, xanh, trắng, vàng, tím để dâng lên năm vị quan: quan đệ nhất - thượng thiên, quan đệ nhị - giám sát thượng ngàn, quan đệ tam - thoải phủ là quan tuần Lảnh Giang, quan đệ tứ khâm sai, quan đệ ngũ Tuần Tranh phủ Ninh Giang - Hải Dương. Dưới năm mũ quan là mũ đương niên, đương cảnh, tùy theo năm đó đương niên hành khiển là ai. Dưới nữa là cỗ mũ rồng của cửu tinh đại diện, cửu cung bát quái, màu sắc của cỗ mũ được làm theo bài vị các sao.
Ngoài ra nếu thanh đồng có căn Trần triều mà chưa được phép hầu Trần triều vì mới ra đồng, sau ba năm mở phủ mới được làm lễ hầu các bóng, các giá bên nhà Trần thì có thể dâng một nghìn vàng và một mũ đỏ của đức đại tương Trần triều
Long tu, tượng, mã (thuyền rồng, voi, ngựa) là những vật luôn phải có trong dàn mã. Voi, ngựa thường được làm khá lớn, là một nghi thức thể hiện sự tôn kính thần linh. Các họa tiết, hoa văn trang trí thêm bên ngoài làm cho các ông có hình thức rất độc đáo và giống thật hơn. Voi thường được làm bằng giấy màu vàng, ngựa màu đỏ còn thuyền rồng màu trắng. Long tu, tượng, mã không dâng riêng cho vị quan nào cả mà dâng chung cho tất cả các quan. Thuyền rồng biểu hiện cho thủy phủ, được dâng cho thế giới thủy cung. Voi biểu hiện cho sơn trang, dâng về sơn trang. Ngựa biểu hiện vùng đồng bằng, dâng cho các quan làm việc nơi đồng bằng. Tuy nhiên cũng có người cho rằng voi được dâng riêng cho chúa sơn lâm, ngựa được tiến cho đức thánh Trần, còn thuyền rồng thường là dâng vua cha Bát Hải. Ngoài ra, người ta còn làm chiếc mảng màu xanh để dâng lên các cô trên rừng, mảng màu trắng dâng cô Bơ với ý nghĩa để chở vua, chúa hay mẫu đi các nơi. Những chiếc mảng được kết bởi những ống nhỏ tượng trưng cho tre, nứa, trên mảng cũng có hình người đang chèo.
Một đồ mã được quan tâm nữa là hình tượng ông Lốt của tứ phủ. Lốt biểu hiện cho các quan hầu cận mẫu, là các vị quan bảo vệ cho mẫu về đường âm, về đường dưới nước. Cũng giống như long tu, tượng, mã, lốt được đan bằng nan tre, bồi giấy và được trang trí bằng cách dán giấy tạo vẩy, dán hoa văn hoặc vẽ cách điệu phần đầu tạo ra tính chất trang nghiêm và dữ dội của Lốt. Trong dàn lễ các ông Lốt thường có bốn loại với bốn màu đỏ, xanh, vàng, trắng. Lốt tiến về thoải phủ nhiều khi có hình thức tam đầu cửu vĩ hoặc tam đầu nhất vĩ nhưng nhất thiết phải là màu trắng.
Một đồ mã nữa gắn với chúa núi rừng là hình chúa sơn trang cùng với hai chầu hầu cận, chầu Quỳnh, chầu Quế và 12 cô tiên nàng (cô sơn trang) theo hầu hai chầu/chúa. Đi cùng với nhóm đồ mã này là lễ vật dâng sơn trang gồm một mảng trắng, một thuyền đỏ và một thuyền xanh. Ngoài ra còn có một vỉ hải xảo và một mâm hài.
Trong dàn mã tứ phủ còn có năm mã hình nhân, có thể là nam hoặc nữ tùy theo giới tính của chủ lễ nhưng nhất thiết phải có đai chéo để thể hiện người có đồng, khác với hình nhân dùng cúng cho người âm, giải hạn hay cắt đoạn tình duyên...
Trong quan niệm dân gian của người Việt, những cô hồn, linh hồn chết không cha mẹ, không anh em, không có gia đình thờ phụng, thường đi lang thang khắp nơi để kiếm ăn và rất hay tụ tập ở các đám tế lễ, hội hè… Vì vậy, trong các nghi lễ hầu đồng, ngoài những đồ dâng cúng cho thần linh, bao giờ người ta cũng có phần dành cho những vong hồn. Trong các nghi lễ của tứ phủ cũng không thể thiếu một mâm đồ mã cho chúng sinh. Y phục thường là áo ngắn tay, quần dài hoặc quần đùi cắt đơn giản, kèm theo là giấy tiền xu, giấy vàng. Như vậy, người Việt không chỉ nhớ đến các vị thánh, nhớ về tổ tiên mà còn không quên cầu cúng cho vong hồn của những kẻ bất hạnh trên thế gian. Điều này toát lên một giá trị nhân văn cao cả trong truyền thống Việt Nam. Nó làm nên nền tảng cố kết trong tâm linh của dân tộc, cố kết cộng đồng với tinh thần thương yêu đùm bọc lẫn nhau không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn trong chính đời sống của các kiếp đời đã qua.
Cùng với tờ sớ phát tấu là hình ảnh bộ tranh Thập vật mà trong những giai đoạn trước đây chúng được dùng để cúng cho người đã khuất bao gồm: long xa (xe rồng), phượng liễn (kiệu phượng), tràng phan (phướn báu), đại hình (hình nhân thế mạng), bạch tượng (voi trắng), phi mã (ngựa bay), địa mã (ngựa đất), hiến mã (ngựa cúng), tòng giá (đi theo giá), ngân tiền, kim tiền (tiền vàng, tiền bạc).
Tuy là những vật cúng cho thế giới bên kia, nhưng bộ tranh Thập vật hoàn toàn giản tiện mà vẫn rất cao sang, thấm nhuần tinh thần Phật giáo và ước mơ về cõi siêu sinh tịnh độ, nơi linh hồn được siêu thoát, phiêu diêu, được hưởng một cuộc sống no đủ về tinh thần cũng như về vật chất.
Trên đây là những đồ mã thường có trong các lễ của tứ phủ, nhưng riêng ở lễ tái phủ mừng đồng, hầu hết các thanh đồng đều đặt làm thêm hai hoặc ba tòa hình tượng chúa sơn trang màu đỏ, trắng và vàng. Tất nhiên không thể thiếu hình tượng 12 cô sơn trang, vỉ hải xảo, hài và các dây vàng theo màu tòa chúa kèm theo. Nếu không có điều kiện sửa lễ to như vậy, thanh đồng vẫn phải chuẩn bị lễ vật tương đương như lễ mở phủ trình đồng. Đây như là một quy định bắt buộc của nhà thánh.
Đồ mã trong các lễ của tam phủ và các lễ khác trong năm
Tam phủ ở đây gồm thiên phủ, địa phủ và thoải phủ. Hai nghi lễ chính trong các lễ của tam phủ là tam phủ thục mệnh và tam phủ đối khám. Tam phủ thục mệnh là để độ dương, giải bệnh tật thân thể, vận hạn cho người đang sống. Còn tam phủ đối khám là để độ âm, giải bệnh về đường âm, giải vận nghiệp cho người chết, ví dụ như cắt đoạn tình duyên, cắt đoạn trùng tang, giải oan phá ngục… Đồ mã được sử dụng trong hai nghi lễ này tương đối giống đồ mã của tứ phủ cũng có long tu, tượng, mã, lốt, nhưng trong cỗ mũ thì mũ bình thiên chỉ có ba mũ tượng trưng thiên, địa và thủy và cũng chỉ có ba hình nhân.
Mặc dù đồ mã ở hai nghi lễ giống nhau nhưng màu sắc của chúng lại khác nhau. Đồ mã trong tam phủ thục mệnh được làm theo câu nói “thiên thanh, địa bạch, thủy hùng hoàng”, điều này khác hẳn với màu sắc của tứ phủ. Như vậy, trong tam phủ thục mệnh sẽ có ba mũ bình thiên xanh, trắng, vàng, với mũ xanh được đặt ở giữa, các mũ chúa ứng với màu mũ bình thiên, những mũ còn lại giống như bên tứ phủ. Có voi, ngựa, thuyền rồng nhưng ngựa ở đây là màu xanh. Lốt cũng chỉ có ba lốt xanh, trắng, vàng nhưng cũng có lốt tam đầu cửu vĩ. Đấy là theo lối cổ còn bây giờ người ta thường chỉ dùng có một lốt tam đầu cho khóa lễ. Ở Tam phủ đối khám, màu sắc lại giống bên tứ phủ, vẫn là thiên - đỏ, địa - vàng và thoải - trắng nhưng theo các cụ truyền lại thì mũ bình thiên màu vàng tượng trưng cho địa phủ phải được đặt ở giữa. Tuyệt nhiên không có tòa sơn trang trong nghi lễ này.
Ngoài ra, đồ mã còn được sử dụng ở các ngày lễ khác trong năm và vào ngày tiệc của các thánh. Bốn lễ chính trong năm, ngay cả người không trong hàng ngũ đồng bóng phải cúng lễ, là thượng nguyên, vào hè, ra hè và tất niên. Trong lễ thượng nguyên, người ta thường tiến mã về rừng núi để xin lộc sơn lâm. Trong bộ mũ, nếu có tiền thì chuẩn bị bốn cỗ mũ bình thiên đại diện cho bốn đức vua cha, nếu không chỉ cần một cỗ mũ đại diện cho thiên phủ là đủ. Đàn lễ vào hè cũng như vậy nhưng không có mũ Nam Tào, Bắc Đẩu mà thay vào đó là mũ quan văn, quan võ của Thủy Tề. Người ta còn dâng mũ chúa ôn để kêu ngài giảm các bệnh dịch trong ba tháng hè. Trong dàn mã còn có ông Lốt tam đầu cửu vĩ, thuyền rồng để chở vận hạn ra sông, các con giống như gà, chó, lợn… Theo ông đồng, nếu cẩn thận còn làm ông Thiên Lôi, bà La Sát để phòng trừ sấm sét. Ở lễ ra hè và tất niên đồ mã có hay không có cũng được. Bên cạnh đó người ta còn dâng cả vàng tứ phủ.
Trong các ngày tiệc của các thánh thì tiệc thánh nào dâng mã và vàng ấy. Những đồ mã này được bày một mâm riêng, còn mâm vàng để hầu thì đầy đủ hết các loại vàng mẫu, quan, chầu, cô, cậu, cho đến vàng lá, vàng chúng sinh. Thông thường khi tiệc của thánh nào thì người ta trảy hội ở đền của vị thánh đó và dâng đồ mã ở đó luôn. Nếu không có điều kiện đến tận nơi, thanh đồng có thể lễ vọng. Nếu là tiệc mẫu, tiệc chầu thì ngoài xiêm y, đồ trang sức, hài, nón, mâm vàng,… có khi người ta còn dâng cả tòaấơn trang để đi hầu mẫu. Tiệc quan hay ông hoàng thì dâng ngựa cùng hòm tráp, áo, mũ, khí cụ và vàng quan. Theo nhiều ông đồng, hầu hết họ chỉ dâng đồ mã vào tiệc của quan đệ nhị, quan tam phủ và quan tuần tranh thôi. Trong tiệc của các cô, các cậu, họ cũng thường dâng lễ theo sở thích. Điều quan trọng là màu sắc đồ mã dâng trong các ngày tiệc này cũng theo màu tứ phủ.
3. Sự sắp đặt đồ mã trong các lễ và nghi thức hóa mã
Không thể tùy tiện sắp đặt đồ mã trong các nghi lễ vì nó có những quy định bắt buộc cung nào vào sở ấy. Ban công đồng được xem là cơ quan trung ương của các bóng, các giá, là nơi diễn ra hầu đồng, là nơi hội đồng các Thánh chứng minh đàn lễ nên người ta bày bộ mũ và mã phát tấu ở đó. Các bộ mã này cũng được bày theo thứ tự trên dưới, trước sau ngay ngắn. Ngoài ra còn có mâm sớ và mâm vàng dâng tứ phủ.
Trong dàn mã tứ phủ, long tu, tượng, mã là bộ mã có kích thước lớn nhất và là những lễ vật có tính chất bắt buộc. Thông thường để định hình và tính kích cỡ của dàn mã là dàn tiểu, trung hay đại người ta căn cứ vào chiều cao của mã voi và ngựa. Với dàn hạ, ngựa voi cao 1m; dàn trung, ngựa voi cao 1,5m và với dàn đại, ngựa voi cao từ 1,8m đến 2m. Ba lễ vật này được bày theo thứ tự từ trái sang phải: đầu tiên là ngựa, kế tiếp là thuyền rồng ở giữa và cuối cùng là voi, tất cả đều được quay đầu vào điện thờ. Tuy nhiên có một quy định chung là cả ngựa, thuyền rồng và voi đều được bày ở ngoài sân. Ở nhiều nơi có diện tích nhỏ như các điện thờ riêng thì tùy theo diện tích điện thờ mà bày.
Năm hình nhân tiến về tứ phủ thường được bày hai bên cánh gà cùng với Lốt. Tuy nhiên, qua thực tế một số buổi lễ ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy ông Lốt thường được bày cùng với mã sơn trang bên ban thờ chúa sơn trang. Chúng tôi có hỏi ông đồng thì được biết như vậy là không đúng, vì theo các cụ xưa là Lốt nào đi với hình nhân ấy. Có nghĩa là các ông Lốt sẽ được đặt dưới chân các hình nhân tương ứng về màu theo kiểu: “Hoa thơm mỗi người một tý/ Đồng bóng mỗi người một màu”.
Mã sơn trang bao giờ cũng phải bày bên ban thờ chúa sơn trang, thường là vuông góc với ban thờ. Tòa chúa sơn trang được bày ở chính giữa, phía trước là chầu Quỳnh, chầu Quế. Tiếp đến là 12 cô sơn trang được bày đều sang hai bên hoặc có khi xếp thành hình vòng cung trước mặt chúa. Phía sau chúa là thoi rừng, thoi núi. Bên cạnh đó là mảng xanh, thuyền trắng, thuyền đỏ, một mâm vàng sơn trang, một mâm hài gồm một đôi to, hai đôi trung và 12 đôi nhỏ, một vỉ hải xảo.
Việc hóa (đốt) đồ mã trong các nghi lễ cũng phải tuân theo quy định. Theo lối cổ, khi chứng đàn thì “quan nào về mở phủ quan ấy”. Sau khi các quan về chứng đàn, long tu, tượng, mã phải được quay đầu ra để chờ mang đi hóa. Quan lớn tuần tranh, ngài được thờ chính ở Ninh Giang (Hải Dương), không nhận đàn, không mở phủ, coi như không có quyền “ký giấy” nên đứng làm ngoại giao, ngài nhận chuyển dàn mã đi. Sau giá quan tuần, tất cả đồ mã được mang đi hóa, trừ mã sơn trang.
Như vậy, việc bày mã và hóa mã trong các nghi lễ tứ phủ không được tùy tiện, phải luôn tuân theo những quy định bắt buộc. Hơn nữa, đồ mã tứ phủ - lễ vật tôn kính dâng lên các vị thần, không chỉ đơn thuần là những thứ đồ bằng giấy để hóa sau mỗi đàn lễ, mà còn chứa đựng cả thế giới quan tâm linh và bản sắc văn hóa của người Việt. Thực chất chúng là cái dẫn giải cho việc hành lễ, là phương tiện của việc hành lễ và biểu hiện sự giao thoa giữa cái hữu hình và cái vô hình, giữa cái vật chất và cái phi vật chất. Khi con người ta còn chấp nhận cảnh giới, chấp nhận trần sao âm vậy thì họ sẽ còn sử dụng đồ mã để dâng cho thần linh, gửi cho người đã khuất, cốt sao để tâm được yên.
Trong vài ba chục năm gần đây, vai trò ngày một phát triển của thương mại đã góp phần đẩy nhanh hiện tượng “thánh một cân, trần một yến”, khiến cho đồ mã lên ngôi trong tiêu cực xã hội. Không ai phủ nhận việc đốt vàng mã là một phong tục đẹp đã hình thành, phát triển qua chiều dài lịch sử và trở thành một sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Nhưng làm thế nào để một phong tục với các giá trị văn hóa tinh thần vốn dĩ trong trẻo này không bị biến dạng, không gây lãng phí, không phá hại môi trường và không trở thành một tệ nạn gây nên những bức xúc? Điều này đòi hỏi nhà nước và các cơ quan quản lý văn hóa phải có các biện pháp hạn chế việc sản xuất, buôn bán và sử dụng sản phẩm đồ mã tràn lan trên thị trường và nơi công cộng. 
_______________
1. Bảo cái là một trong bát kiết tường còn gọi là bát thụy tướng, tương truyền là vật phẩm của chư thiên cúng dường cho Đức Phật Thích Ca lúc ngài giáng thế và sau này, Mật giáo thường dùng các hình tượng này tạo thành hình tượng để cúng dường Phật. Thường dùng vàng, bạc, đồng, gỗ hoặc là hình vẽ.
2. Hoàng Lan, Đồ mã trong tín ngưỡng dân gian Việt, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 3-2002, tr.39-41.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 342, tháng 12-2012
Tác giả : Trương Minh Hằng - Giang Nguyệt Ánh

http://vhnt.org.vn/tin-tuc/my-thuat-kien-truc/28346/do-ma-trong-dien-tho-mau-o-ha-noi









TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT


Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước CHXHCN Việt Nam về nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa nghệ thuật, được thành lập ngày 30-6-1973 với tên gọi Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, từ 1986 đổi tên Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, từ 1993 đến nay mang tên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.




















---

BỔ SUNG



1.

Các loại hình đồ mã trong tín ngưỡng dân gian

 (10/03/2016)
Tục đốt mã, hoá vàng được hình thành từ sớm và phát triển khá bền bỉ trong lịch sử Trung Hoa, rồi từ Trung Hoa vào Việt Nam. Không biết đích xác các loại tiền vàng, đồ mã được du nhập và sử dụng trong phong tục tập quán ở nước ta từ bao giờ, song, trải qua thời gian, nó đã ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, từ vua chúa đến thứ dân.
Giang Nguyệt Ánh*



Tục đốt mã, hoá vàng được hình thành từ sớm và phát triển khá bền bỉ trong lịch sử Trung Hoa, rồi từ Trung Hoa vào Việt Nam. Không biết đích xác các loại tiền vàng, đồ mã được du nhập và sử dụng trong phong tục tập quán ở nước ta từ bao giờ, song, trải qua thời gian, nó đã ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, từ vua chúa đến thứ dân. Trong buổi khởi nguyên đồ mã, phần nào đó, đồ mã mang tính tiến bộ, nó thực sự chỉ làm chức năng thay thế các đồ thờ cúng và trang trí cho các lễ vật, nhưng khi cơ cấu xã hội và kinh tế phát triển, trong một số giai đoạn lịch sử, con người đã đẩy đồ mã đến chỗ bị coi là “mê tín dị đoan”.
Bất cứ một hiện tượng văn hoá nào, dưới sự tác động của những nhân tố xã hội đều dẫn đến những sự thay đổi nhất định để có thể thích nghi với hoàn cảnh sống của từng thời đại, đặc biệt trong sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế đô thị hiện nay. Đồ mã chính là một biểu hiện rõ nét hình ảnh của xã hội hiện đại trong tâm thức người Việt hướng về cội nguồn.
Đồ mã Việt có nhiều loại, tích cực cũng có (như đồ chơi rằm tháng tám với ông tiến sĩ giấy, đèn kéo quân, đèn lồng…) mà “tiêu cực” thì khá nhiều (phục vụ tín ngưỡng). Theo Hỏi và đáp về văn hoá Việt Nam của nhiều tác giả thì:
…Với lập luận “âm sao dương vậy” người ta đã dần đẩy đồ mã ra khỏi ý nghĩa khởi nguyên, lo hồn người chết thiếu thốn, và xuất phát từ “ghen vợ ghen chồng không bằng ghen đồng ghen bóng” mà đồ mã được đua nhau làm nhiều, làm lớn để gửi sang thế giới “bên kia”. Suy cho cùng vàng mã đủ sẽ làm đẹp bàn thờ, biểu hiện lòng tôn kính. Vàng mã đủ loại, tân cổ giao duyên, nhiều quá giới hạn, chỉ dẫn tới mê tín dị đoan, trần tục hoá thần linh… [1]
Trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi tạm chia các loại hình đồ mã theo những mục sau:
1. Mã tiền, vàng
Tiền giấy là loại thông dụng nhất trong các lễ hoá mã. Nó thể hiện một sự phong phú đa dạng với các chủng loại khác nhau. Loại tiền giấy phổ biến nhất là loại “tiền giấy vàng bạc” bao gồm hai loại thếp giấy tiền. Một là loại giấy bản hoặc giấy điều hình chữ nhật có in một ô vuông bằng nhũ vàng hoặc nhũ bạc, tượng trưng cho loại vàng bạc lá. Có thể đây là một kiểu tiền lưu hành trong xã hội phong kiến xưa. Một là loại giấy bản mầu vàng sẫm in những đồng Khải Định bằng chữ đỏ. Chúng thường được đi với nhau thành một cặp. Nếu xét về lịch sử của hai hình thức vàng tiền này thì chúng ghi nhận một xuất xứ từ rất lâu đời.
Ngoài các loại tiền giấy, tiền vàng khối cũng rất phổ biến. Trước kia có thể nó chỉ có màu vàng và màu trắng tượng trưng cho thỏi vàng, thỏi bạc, nhưng ngày nay thì nó trở nên khá đa sắc, với đủ loại màu trắng, vàng, xanh, đỏ, tím. Rất có thể sự biến tướng này là do dân gian  muốn tăng thêm sắc thái cho các đồ cúng tế. Chúng không chỉ mang giá trị tượng trưng chính xác là vàng tiền thỏi, nên cũng có thể được hiểu theo một nghĩa khác tức màu sắc ngũ hành. Do tiền dùng cúng cho cõi âm, tức bao hàm cả ngũ phương trời đất, khiến sinh ra các màu sắc như vậy.
Như vậy, đứng trên khía cạnh lịch sử mà nói những loại vàng tiền trên đây là những loại đã tồn tại rất lâu trong các tập tục cúng bái của dân gian cổ truyền. Phải chăng chúng là sự mô phỏng các cách thức tiêu dùng của đời sống thương mại trong suốt các thế kỷ trước cho đến nay. Cùng với sự biến động của xã hội, lịch sử, phương thức thương mại tiền tệ cũng thay đổi. Những loại tiền của các thời đại trước tuy không giữ được giá trị đương thời, nhưng giá trị của chúng lại vẫn được coi là nguyên vẹn khi chúng dùng để đốt hoá cho tổ tiên, những người luôn thuộc về xã hội của họ. Do đó, trong hệ thống “tiền tệ âm phủ” này đồng thời cũng phải bổ sung thêm loại tiền có giá trị đương đại để đốt hoá cho những người đương thời. Cho nên ngoài những loại tiền vàng đặc trưng cho xã hội truyền thống kể trên thì tại các mâm cúng đã xuất hiện những loại tiền ghi đậm dấu ấn của xã hội hiện đại.
Tiền Ngân hàng địa phủ loại 5.000 đồng, in lưới trên giấy báo trắng gần giống với tờ 5.000 đồng hiện đại. Trước đây, (có thể khoảng những năm 40 - thế kỷ XX) loại tiền này là 5.000 đồng in khổ vuông nhỏ gần giống với tiền giấy của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà,  nhưng giản lược hơn, được in khắc cẩn thận. Trong những năm gần đây, “Ngân hàng địa phủ” cũng không phát hành loại 5.000 đồng nữa mà được thay bằng tờ 50.000, rồi 500.000 đồng được in khá đẹp. Như  vậy cho thấy là đời sống kỹ thuật phát triển cao khi đồng tiền “trượt giá” thì bất cứ cái gì cũng theo đó mà phát triển, giá trị tiền âm phủ cũng thay đổi tăng lên là một khái niệm tất yếu. Bên cạnh đó, những đồng tin polymer trông rất giống thật với các mệnh giá khác nhau cũng được “phát hành” theo nhu cầu xã hội.
Xuất phát từ quan niệm “dương sao âm vậy” nên trong thời buổi kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ như  hiện nay, ngoài các loại tiền Việt Nam kể trên người ta còn in cả tiền Đôla, Mác Đức, thậm chí cả Euro… để hoá cho người âm phủ. Thông thường là loại 100 Đôla được in giống hệt với tờ Đôla lưu hành trên thị trường hiện nay, chỉ khác là được in bằng tiếng Việt và ghi là “Ngân hàng địa phủ”.
Bên cạnh tiền mặt, trên thị trường đồ mã còn xuất hiện thẻ ATM, với quan niệm đốt nhiều vàng mã “tiền mặt” quá sẽ gây khó cho người cõi âm trong việc cất giữ. Có thẻ ATM rồi nếu muốn thẻ luôn có tiền, hàng tháng người nhà phải chịu khó đốt giấy tiền, đôla kèm theo giấy chuyển tiền tương tự như thủ tục chuyển tiền tại các ngân hàng dương gian. Cùng với thẻ ATM còn có phiếu quà tặng Amphumart đủ loại mệnh giá từ 100USD đến 1.000USD. Với các phiếu quà tặng này người âm có thể tha hồ mua sắm tại các siêu thị âm phủ mà không cần đến “tiền mặt”.
Tương đương với thể loại vàng nén lưu hành trong các giai đoạn lịch sử trước đây, trong các loại tiền cúng hiện nay, còn có loại vàng thẻ. Trên đó thường đúc nổi chữ “Ngân hàng địa phủ” và “vàng 9.999” hoặc SJC 9.999, nếu lấy hoặc xin ở đền Bà Chúa Kho thì loại này còn được in là “ Ngân hàng Bà Chúa Kho”… tức là có rất nhiều hình thức khác nhau. Vàng nén loại này thường được bỏ vào mỗi túi nilon nhỏ và đóng lại thành xấp 10 nén một. Đây cũng là một sản phẩm của thời hiện tại.
2. Trang phục, đồ dùng sinh hoạt và phương tiện đi lại
Ngoài tiền vàng, có giá trị như một phương tiện trao đổi mua bán thì loại đồ mã thiết yếu không thể thiếu trong các lễ cúng lớn cho các vong hồn người chết là y phục. Nó thể hiện mối quan tâm rất thiết thực của người sống đến người chết, để họ có đủ cái ăn, cái mặc, để các vong hồn không trở nên đói rách. Được “ăn sung mặc sướng” là một ước vọng lớn nhất trong suốt cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Nó mang tính đặc trưng cho tâm lý của lớp cư dân nông nghiệp nghèo nàn, cuộc sống luôn trông vào sự thuận lợi của thiên nhiên. Họ bao giờ cũng phải lo đến cái ăn cái mặc trước tiên sau đó mới đên những hưởng thụ khác.
Không kém gì các loại tiền âm phủ đã trình bày ở trên, loại đồ mã này vô cùng phong phú, đa dạng, đủ chủng loại. Y phục có thể được bán lẻ để tuỳ theo người mua muốn cúng đốt cho đối tượng nào và sở thích của những người đã khuất như thế nào. Ở đây cũng có sự hiện diện của lịch sử trang phục như đối với tiền giấy. Những loại quần áo cổ truyền vẫn tồn tại. Loại dành cho nam giới thường là: Khăn xếp đen, quần dài trắng, áo cánh trắng, áo dài tím gấm, dép Gia Định đen. Loại dành cho nữ có: Khăn vuông đen, yếm đào hoặc xanh, đỏ, vàng, quần hoặc váy đen, áo cánh trắng hoặc màu, hài mũi cong. Trên những loại trang phục này cũng được đính hoặc in những chữ Thọ bằng hồ nếp, tạo ra vẻ ánh bóng trên giấy quét màu đen hoặc in  bằng loại bột trắng cũng khá đẹp. Như vậy, đây là loại trang phục rất điển hình cho những bậc thuộc gia đình quyền quý có tiền của, áo the, áo gấm. Nó thể hiện ước vọng của người dương gian muốn cho ông bà mình có một cuộc sống sang trọng nơi suối vàng, cho dù trước đó, ông bà cha mẹ họ cũng chỉ là những người nông dân chân đất đầu lấm, họ còn chưa được sờ đến những bộ quần áo sang trọng như vậy chứ đừng nói đến là được mặc… Kèm theo những bộ trang phục này là ô, dây xuyến, vàng, nón quai thao…, người ta cũng không quên gửi những phương tiện đi lại cho người âm đó là ngựa, là thuyền.
Trong các loại hình trang phục âm phủ này, ta cũng thấy được hơi thở của cuộc sống đương đại, pha trộn vào những yếu tố truyền thống. Những loại áo như Comple, áo Veston, áo sơmi, quần âu… cũng được các “thợ may” riêng của “đời sống địa phủ” cắt may đầy đủ chủng loại từ các cụ bô lão, nam thanh nữ lịch và không quên những sinh linh con trẻ. Bên cạnh đó còn có cả quần jean, áo phông hay cả quần áo Hip hop nữa. Kèm theo những bộ quần áo này là batoong, mũ phớt, giầy tây, dép, bút máy, bút bi, ví, đồng hồ, nữ trang các loại… được làm rất công phu.
Ngay cả nhiều vật dụng do nước ngoài sản xuất, rất đắt tiền chỉ mới một số rất ít người có điều kiện sắm được thị trên thị trường đồ mã cũng được làm theo. Xe đạp đã có cả xe mini Nhật, xe địa hình, xe máy loại “xịn” như SH, Dylan, Spacy, ôtô đời mới như Toyota, BMW, tủ lạnh, máy giặt…và cả điện thoại di động đời mới nhất Iphone, smartphone, còn cả toà nhà 2, 3 tầng. Riêng ti vi, bây giờ không ai gửi cho người cõi âm ti vi mầu màn hình thường nữa mà thay vào đó là màn hình phẳng LCD mới hợp mốt. Người cõi âm thích xem game show nào người ta có thể thiết kế màn hình những chương trình game show đó theo như thật.  Tất cả những vật dụng này được làm rất cầu kỳ, chi tiết, có kích thước khá lớn, có thứ to bằng vật thật.
Loại hàng mã “giải trí” cũng nở rộ trong những năm gần đây, dàn karaoke, dàn đĩa compac, ngay cả iPod, iPad được thiết kế khá công phu cho người âm. Những bộ game như Võ lâm truyền kỳ hay Thiên long bát bộ… cũng được làm để đáp ứng nhu cầu của các vong linh trẻ. Không thể không kể đến các loại đồ chơi thể thao như vợt tenis, ván trượt…
Bên cạnh trang phục và những vật dụng hàng ngày còn phải kể đến hệ thống các loại mũ quan được dùng trong lễ thần linh, ông công ông táo, tất niên và trong các nghi lễ của Tứ  phủ. Các mũ này thường là mũ cánh chuồn, mũ rồng được làm mô phỏng theo mũ quan lại ngày xưa với mầu sắc đủ loại.
3. Các loại đồ mã khác
Nếu ngày xưa, người chết yêu quý ai người đó sẽ bị chôn theo thì việc sử dụng mã hình nhân thế mạng mang một ý nghĩa hết sức nhân đạo. Trước kia, loại mã này chỉ là một hình người đơn giản, hai tay dang hai bên, trang phục theo lối cổ, chân đi hia. Hiện nay, do nhu cầu của khách hàng loại mã này được bổ sung thêm một số hình nhân khác với trang phục “hiện đại” để gửi xuống làm ôsin, làm thư ký riêng… Có người còn yêu cầu làm hình nhân nam bộ đội để gửi xuống cho chồng, vốn là bộ độ về hưu, hàn huyên tâm sự chuyện chiến trường. 
Ngựa là con vật được làm mã nhiều nhất bởi ngựa là phương tiện đi lại của xã hội phong kiến. Khi gửi đồ mã cho các vị quan hay các cụ tổ của gia đình người ta thường hoá theo ngựa với màu sắc được làm theo màu của quần áo. Đặc biệt trong dàn mã của các nghi lễ Tứ phủ không thể thiếu ngựa. Kích thước của ngựa tuỳ thuộc vào yêu cầu của người sử dụng hay từng nghi lễ. Bên cạnh ngựa còn có mã voi và thuyền rồng. Đây là bộ mã bắt buộc phải có trong hầu hết đàn lễ của Tứ phủ.
Một loài vật được quan tâm nữa là hình tượng ông Lốt của Tứ phủ. Lốt biểu hiện cho các quan hầu cận Mẫu, là các vị quan bảo vệ cho Mẫu về đường âm, về đường dưới nước. Trong dàn lễ các ông Lốt thường có bốn loại với bốn màu đỏ, xanh, vàng, trắng. Lốt tiến về Thoải phủ nhiều khi có hình thức “tam đầu cửu vĩ” hoặc “tam đầu nhất vĩ” nhưng nhất thiết phải là màu trắng.
Chúng ta đã thấy, hình tượng rắn nhiều đầu xuất hiện trong các tôn giáo khác, như ở Phật giáo, rắn bảy/chín đầu che trở cho đức Phật lúc ngài Thiền định, hay hình tượng rắn thần Naga trong tín ngưỡng Ấn Độ. Ngoài ra, chúng còn được trang trí tại các công trình kiến trúc tôn giáo như ở đền Ăngko Vát, Ăngko Thom (Campuchia). Tuy nhiên, hình rắn đầu người như ở hình ông Lốt tam đầu quả là độc đáo.
Lốt “tam đầu cửu vĩ” tức là một ông rắn có ba đầu và chín đuôi, nhưng ba đầu lại là hình ba mặt người, đây là một loại đồ mã tương đối đặc biệt chỉ có ở đồ lễ dâng Mẫu thoải và các vị thần nơi sông nước. Theo giải thích của các ông đồng thì “tam đầu cửu vĩ” là “thông tri tam giới”, đuôi lông vũ biểu hiện cho không tính - Thiên phủ, khuôn mặt biểu hiện cho nhân gian tính - Địa phủ, còn vây, vẩy biểu hiện thuỷ tính - Thoải phủ. Nó tượng trưng cho các vị thần tiêu biểu thuộc hệ thống điện thờ Đạo Mẫu nói chung và một đền thờ Mẫu cụ thể nói riêng gồm có Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh, thần linh, thần hoàng…[2]
Ngoài ra phải kể đến một số loại mã được làm để bày thường xuyên trên ban thờ trong điện thờ Mẫu như: cây vàng, cây bạc, nón Tứ phủ, quả nón công đồng. Loại đồ mã này được làm rất cẩn thận vì chúng được bày, đặt trong một thời gian dài, có thể là một, hai năm hay ba, bốn năm mới thay một lần.
Nón Tứ phủ thường là nón quai thao đôi khi cũng là loại nón dạng thông thường, có điện còn thờ cả nón chiêng, nón tu lờ của người Thượng. Để biểu hiện cho từng vị thần tối thượng,… nón thường được dán ô giấy màu ở tâm, tương ứng với mỗi phủ, quai nón cũng có màu thích hợp, điểm xuyết là những kim tòng (những gù rủ tua rua màu vàng). Những nón này thường được treo ở phía ngoài giữa chính điện hoặc chia đều ở hai bên.
Nếu như ở trong chùa, tại vị trí trung tâm của tiền đường thường hay treo lá phướn đại, thì ở điện Mẫu tại vị trí này hoặc lùi sát vào chính điện người ta thường treo quả nón công đồng bằng đồ mã. Đây là một hiện vật có tính tổng hoà với nhiều màu sắc, cầu kỳ, đậm chất dân gian và rất đắt tiền… nên thường chỉ treo cho đẹp và chỉ đem đốt khi thay quả mới. Về bố cục, quả nón này được chia làm nhiều cấp theo cương vị của hệ thần linh công đồng.
Có thể nói, sự phát triển mạnh của kinh tế thị trường và tín ngưỡng không định hướng đã làm thay đổi “bộ mặt” đồ vàng mã. Bên cạnh những đồ mã ít ỏi chỉ là tiền tiêu, quần áo kiểu cách đơn giản, phương tiện đi lại là ngựa, thuyền… vẫn còn bày bán, thì nhìn chung, trong cuộc sống hiện tại, con người đang tiêu dùng thứ gì thì đồ mã có thứ đó. Tuy nhiên, ngoài nhu cầu tâm linh, hình thức đốt mã, hoá vàng đã không ít những biến tướng. Những đồ mã hiện nay còn được đặt làm, mang tính chất cạnh tranh với quan niệm rất mới là “hoá âm sẽ có dương” nên người ta không tiếc gì tiền của để được toại nguyện. Vậy làm thế nào để phong tục này không gây lãng phí, không gắn với hủ tục và không phát sinh hay tiếp nối các hành vi phản văn hoá, những việc làm vô nghĩa lý…? Điều này không chỉ phụ thuộc vào trách nhiệm của các nhà quản lý mà chính do ý thức của mỗi người dân.
G.N.A

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Trần Lâm Biền (2000), Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
2.   Trang Thanh Hiền (2003), “Đồ mã rằm tháng bảy, những lớp văn hoá truyền thống-hiện tại”, Văn hoá dân gian, (4), tr.67-73.
3.   Hoàng Lan (2002), “Đồ mã trong tín ngưỡng dân gian Việt”, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, (3), tr.39-41.
4.   Nhiều tác giả (2000), Hỏi và đáp về văn hoá Việt Nam (Tái bản lần thứ 3), Nxb Văn hoá dân tộc, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội.




* NCS. Học viện Khoa học xã hội
[1] Nhiều tác giả 2000, Hỏi và đáp về Văn hoá Việt Nam, tr.120-121.

[2] Thực ra lời giải thích này chưa thật thoả đáng, nên PGS.TS Trần Lâm Biền đã bước đầu đặt ra một giả thiết là,… hình ảnh của Lốt tam đầu cửu vĩ thể hiện một sự pha trộn văn hoá giữa tín ngưỡng bản địa (thờ Thuỷ thần, thờ Rắn) với các dòng tín ngưỡng ngoại nhập. Rắn ba đầu có lẽ phần nào ảnh hưởng từ hình tượng rắn thần Naga của tín ngưỡng Ấn Độ, mặt người có thể là hình tượng được nhân cách hoá của người Việt. Còn “cửu vĩ” (chín đuôi) ở đây không nên hiểu là số đếm, mà trong trường hợp này là biểu hiện cho số nhiều (con số phiếm chỉ). Theo Dịch học, số 3 là số động, động thì chuyển, chuyển thì biến đổi, biến đổi thì phát triển và số 9 là tất cả. Theo ông, “có thể ngờ rằng, khi dâng Lốt tam đầu cửu vĩ lên Thánh Mẫu, người dân đã chuyển tới Ngài một lời cầu mong sao cho của cải và hạnh phúc ngày càng được sinh sôi, nảy nở, một ước vọng có tính chất nguyên sơ, mang tính nhân loại” (Trần Lâm Biền 2000, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 173).


(Theo: Thông báo văn hóa 2011 – 2012, Nhiều tác giả, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2013).

http://vncvanhoa.vass.gov.vn/UserControls/News/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/noidung/doituongnghiencuu/vanhoadangian/Lists/tinnguongtongiao&ListId=35ba86b0-8a8f-406e-aecd-42376630c42e&SiteId=99302971-c1c8-4193-a7ce-2c46027c0c8e&ItemID=20&SiteRootID=57a3e21d-0995-4f92-8000-6cd7e78b2c85







Ban thờ và đồ thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

 (14/04/2016)
Mẫu và các vị thánh tứ phủ được thờ cúng ở đền, phủ, miếu điện và cả trong chùa, tuy nhiên, thờ Mẫu ở đền, phủ vẫn phổ biến hơn cả. Hệ thống ban thờ ở các nơi tương đối giống nhau. Ở bài viết này, chúng tôi tạm dựa vào phủ Tây Hồ (Quảng Bá - Tây Hồ) để mô tả về hệ thống này như một gợi ý chung. Bên cạnh đó so sánh sự giống và khác nhau với một số đền, điện khác
 Giang Nguyệt Ánh*



Thờ Mẫu là một hiện tượng văn hoá tâm linh độc đáo trong tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt. Đó là một tinh hoa được chắt lọc trên suốt chiều dài lịch sử, là biểu tượng cho sức mạnh của cộng đồng dân tộc trong sự sáng tạo và phát triển không ngừng. Ở một khía cạnh nào đó, Mẫu như một biểu tượng cho ý chí dựng nước và giữ nước, cho tinh thần yêu nước Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển rộng khắp từ nông thôn tới thành thị, từ miền xuôi lên miền núi. Cùng với sự phát triển của nó, các hình thức nghi lễ, lễ hội và các sinh hoạt văn hoá khác cũng phục hồi và phát triển, tạo nên bộ mặt văn hoá đa dạng, phong phú, sống động, góp phần vào việc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc dân tộc. Ở bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu một khía cạnh văn hóa vật chất, cũng là một bộ phận không thể thiếu trong thiết chế thờ tự, đó là ban thờ và đồ thờ cúng trong tín ngưỡng đạo Mẫu.
Việc nhận thức, ứng xử với thần linh của mọi người trong cộng đồng không nhất loạt như nhau, mà tùy thuộc vào thành phần giai tầng, học thức, giàu nghèo và cả tôn giáo tín ngưỡng nữa. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào thì đồ thờ cũng được nhắc đến như “giấy thông hành” để tầng dưới tiếp cận tầng trên, để con người tiếp cận với thần linh. Cũng như các di tích tôn giáo khác, đồ thờ không thể vắng mặt trong các đền phủ thờ Mẫu. Với hệ thống các tranh, tượng thấm đượm phong cách dân gian, những đồ thờ phổ biến và những lễ vật dâng cúng… ít nhiều tạo nên một mảng nghệ thuật tạo hình riêng trong bức tranh chung của tạo hình dân gian cổ truyền Việt Nam.
1. Hệ thống ban thờ
Mẫu và các vị thánh tứ phủ được thờ cúng ở đền, phủ, miếu điện và cả trong chùa, tuy nhiên, thờ Mẫu ở đền, phủ vẫn phổ biến hơn cả. Hệ thống ban thờ ở các nơi tương đối giống nhau. Ở bài viết này, chúng tôi tạm dựa vào phủ Tây Hồ (Quảng Bá - Tây Hồ) để mô tả về hệ thống này như một gợi ý chung. Bên cạnh đó so sánh sự giống và khác nhau với một số đền, điện khác.
Phủ Tây Hồ là một quần thể kiến trúc điện thờ bao gồm nhà chờ, phủ, động sơn trang, lầu cô, lầu cậu, nhà làm việc và tiếp đón khách. Nơi thâm nghiêm và sâu nhất của phủ là hậu cung, được ngăn cách với cung ngoài bởi tường xây và cửa hai bên. Hai cánh cửa này thường chỉ được mở vào các ngày rằm, mùng một hay các dịp lễ Tết. Chính giữa hậu cung là ban thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, bên phải ngài là ban thờ Mẫu Thượng ngàn, bên trái là ban thờ Mẫu Thoải. Tiếp ra phía ngoài là cung Tam toà, ban thờ này không có tượng mà chỉ có ngai và ở đây không có ban thờ Tứ phủ chầu Bà.
Thông thường ở các đền, điện thờ Mẫu trong hậu cung là ban thờ Tam toà Thánh Mẫu. Ngoài ra, trọng tâm của nơi thờ với vị Mẫu nào thì tượng vị đó sẽ được tạc thêm (có phần to hơn) mang tư  cách thủ điện, đặt ở chính giữa phía trước, với bàn thờ thấp hơn. Phối thờ hai bên nhiều khi là tứ phủ chầu bà gồm: chầu đệ nhất và đệ tam ngồi bên trái, còn chầu đệ nhị, chầu đệ tứ ngồi bên phải. Tuy nhiên, ở đền Ghềnh ban thờ của các Chầu lại theo thứ tự từ trái sang phải.
Nối tiếp ra phía ngoài theo trục trung tâm là cung tiền tế với ban thờ Công đồng (Tam phủ Công đồng, Tứ phủ Vạn Linh và Hội đồng các quan) bao gồm Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ vị Tôn quan, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười. Có thể tin rằng, ông vua trời vốn không có trong điện Mẫu, nhưng từ mối quan hệ đan xen tín ngưỡng mà có sự hội nhập này. Ngọc Hoàng được dân dã hoá để có một chỗ đứng vững chắc trong tâm hồn tín đồ, nên được đổi tên cho gần gũi, thành Đức vua cha Ngọc Hoàng. Theo PGS. Trần Lâm Biền, ở nhiều đền Ngọc Hoàng được phân thành Tam vị Đức vua cha để thích ứng với Tam phủ: Đức vua cha Ngọc Hoàng (Trời), vua cha Bát Hải (Nước), vua cha Diêm Vương (Đất). Cũng có đền Ngũ vị Tôn quan được đặt ban thờ riêng ở bên trái. Ngoài ra, một số đền khác như đền Ghềnh hay đền Rầm còn có ban thờ vọng (ban thờ ngoại). Đây là ban thờ để mọi tín đồ thắp hương lễ chư vị nên trên ban thờ vọng không có tượng mà chỉ đặt một bát hương bằng đồng.
Phía trước phủ chính là lầu cô ở bên trái và lầu cậu ở bên phải. Phủ Chúa Sơn Trang được đặt bên phải phủ chính. Chính giữa phủ Chúa là ban thờ Đệ Nhị Thượng Ngàn, hai bên là ban thờ Chầu Bé, Chầu Lục. Hạ ban Chúa Đệ Nhị là sự hiện diện của Ngũ Hổ - năm dinh quan lớn. Ngũ Hổ cai quản bốn phương và trung tâm, là linh vật quyền uy, là thần chiến trận, cứu giúp các chiến tướng trong trận mạc. Trong tín ngưỡng dân gian, Hổ là kẻ thù của các tà thần, nên thường được hiện diện như những vị thần linh canh cửa các ngôi đền. Quấn trên thanh xà ngang là hai ông Lốt, có thể màu trắng hoặc màu xanh chầu vào. Có thể nói, việc thờ Ngũ Hổ hay ông Lốt nhằm tạo thêm uy lực cho thế giới Mẫu hay đúng hơn đó là một biểu hiện của xu hướng hội nhập các thần linh dân dã vào hệ thống tín ngưỡng dân gian nổi trội này.
Điều đặc biệt là chúng tôi không thấy ban thờ đức Thánh Trần và các tướng hầu cận trong phủ Tây Hồ. Mặc dù, ban thờ này có mặt ở rất nhiều đền, điện thờ Mẫu khác.
Các đền, phủ được lập nên để thờ phụng các vị thần linh trong tín ngưỡng Thờ Mẫu vô cùng đa dạng về kiến trúc và đương nhiên, cách bài trí ban thờ trong các đền, phủ đó cũng khác nhau. Theo thời gian và biến đổi của môi trường, lịch sử, một hiện tượng thờ Mẫu, một điện thờ Mẫu còn đến hôm nay như ta thấy đã không còn giữ nguyên mầu sắc như nó vốn có, mà đã được nhiều lớp văn hoá khác trùm lên. Vì vậy, trên đây, chúng tôi chỉ xin dựa vào một địa điểm đó là phủ Tây Hồ để trình bày sơ qua các ban thờ thường có trong một điện thờ Mẫu và tiếp theo là tìm hiểu hệ thống tượng hay là những “đồ thờ nhân cách” theo cách gọi của PGS.TS Trần Lâm Biền [2, tr46].
2. Vị trí và phong cách tượng thờ
Hầu hết các vị Thánh trong điện thần đều được hình tượng hoá bằng hệ thống các tượng và tranh thờ. Không có ngôi đền, phủ thờ Mẫu nào mà lại không có tượng. Nếu như trong chùa có bộ tượng Tam thế, trong Quán có bộ Tam thanh thì Tam toà là bộ tượng phổ biến trong các đền, phủ thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu. Tam toà là các vị thần sáng tạo ra thế giới vạn hữu có tác động trực tiếp đến trần gian, bao gồm: Mẫu đệ nhất - Thượng Thiên ở giữa. Mẫu đệ tam - Mẫu Thoải, ngồi ở bên trái. Mẫu đệ tứ - Mẫu Địa ở bên phải. Ở một số nơi Mẫu Địa được thay bằng Mẫu đệ nhị - Thượng Ngàn. Tuy nhiên, một số đền phủ chỉ thờ một vị Thánh Mẫu như ở đền Rầm (Thường Tín, Hà Nội)… tượng Mẫu Thoải, vị thần thủ điện, được đặt ở trung tâm với kích thước to gần bằng người thật.
Thượng Ngàn Thánh Mẫu với tư cách một thần linh hiện thân của sự giàu có đã có mặt trong hệ Tam toà nhưng ở đền thờ Mẫu vẫn còn có ban thờ Chúa Sơn Trang riêng. Cũng giống như ở hầu hết các đền phủ khác, ở phủ Tây Hồ, tượng bà Chúa được đặt ở chính giữa trong khung cảnh hang động, rừng núi cây cỏ và điểm xuyết thêm vào không gian đó là tượng mười hai vị tiên nàng. Hai bên còn có tượng Chầu Lục và Chầu Bé.
Ngoài ra, còn phải kể đến bộ tượng Ngọc Hoàng cùng với Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ vị Tôn quan, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười ở ban thờ Công đồng và tượng Cô, tượng Cậu ở ban thờ Cô, ban thờ Cậu. Nếu theo thứ tự từ hậu cung ra thì trước tiên là tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Tiếp đến là Ngũ vị Tôn quan, vì đây là đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - Mẫu Đệ Nhất nên quan lớn Đệ Nhất được thờ ở vị trí trung tâm, có vai trò như chủ nhà. Hai bên Ngài là quan Đệ Nhị và quan Đệ Tam, phía trước là quan Đệ Tứ và quan lớn Tuần Tranh. Cuối cùng là hai tượng quan Hoàng Bảy và quan Hoàng Mười.
Hầu hết các tượng đều được sơn son thếp vàng. Tuy hệ thống tượng khá phong phú, nhưng đây là những tượng có niên đại khá muộn, “không có pho tượng nào niên đại trước giữa thế kỷ XVI. Đặc điểm này phần nào đó phù hợp với thời gian xây dựng và trùng tu lớn ở các đền phủ” [4, tr91]. Tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Tây Hồ nói riêng và tượng các Thánh Mẫu nói chung trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ tại các ngôi đền, phủ ở phía Bắc đều được các nghệ nhân dân gian tạc ít theo những chuẩn mực quy định, mà làm theo tập tính, miễn là thấy thuận mắt. Từ nét mặt đến phục trang đều khá hiện thực, không khác mấy người đời. Tượng các vị Thánh Mẫu mang đặc điểm của các nữ thần nông nghiệp: đẹp, phúc hậu, nghiêm chỉnh nhưng mang đầy tính tượng trưng. Tai tượng thường lớn, dày, thuỳ tai mọng tròn biểu hiện về sự giàu sang, cao quý, phần nào chịu ảnh hưởng từ tượng Phật giáo. Những bức tượng của các vị thần hàng thấp hơn, nhất là các vị hàng Chầu, hàng Cô, Cậu… thì quý tướng có phần giảm đi, những nét cá tính thấy rõ hơn, có lẽ vì họ là những hoá thân của Mẫu trong thế giới trần gian [4]. Cũng có những tượng được làm có tính chất tượng trưng nên giá trị nghệ thuật không cao.
Những bộ trang phục của Mẫu Tứ phủ cũng góp phần tạo nên sắc thái riêng của tín ngưỡng này trong bức tranh chung của văn hoá dân gian người Việt. Các màu đỏ, vàng, trắng, xanh, là màu tượng trưng của Tứ phủ, của thế giới trời, đất, nước, rừng núi và cũng là màu trang phục của các vị Thánh. Thượng Thiên Thánh Mẫu, người sáng tạo ra miền trời và các quy luật vận hành gắn với bầu trời, chủ của mọi vòng quay thời gian và thời tiết khí hậu theo mùa… có yếm đỏ và mặc áo đỏ trùm khăn đỏ. Mẫu Thoải, người sáng tạo ra mọi dòng sông suối, mà trước hết là nguồn nước của nghề nông có yếm trắng mặc áo trắng trùm khăn trắng. Mẫu Địa, người sáng tạo ra mọi vùng đồng bằng phì nhiêu, có yếm vàng mặc áo vàng, trùm khăn vàng. Mẫu Thượng Ngàn, người sáng tạo ra rừng núi, nguồn của cải vô biên để ban phát cho con người, có yếm xanh mặc áo màu xanh trùm khăn xanh. Các vị thần còn lại trong điện thờ Mẫu thuộc phủ nào thì trang phục của họ theo màu của phủ đó. Chẳng hạn ở hàng Chầu: Tứ vị chầu Bà được coi là hoá thân, phục vụ trực tiếp của tứ vị Thánh Mẫu.
Chầu đệ Nhất là hoá thân của Mẫu Thượng Thiên yếm đỏ mặc áo đỏ.
Chầu đệ Nhị là hoá thân của Mẫu Thượng Ngàn yếm xanh mặc áo xanh.
Chầu đệ Tam là hoá thân Mẫu Thoải yếm trắng mặc áo trắng.
Chầu đệ Tứ là hoá thân Mẫu Địa yếm vàng mặc áo vàng, nhưng cũng có khi bà hoá thân dưới dạng chầu Thoải Phủ, mặc áo màu trắng, khi lại hoá thân thành Thánh Mẫu Thiên phủ, mặc áo đỏ.
Và các hàng Quan, hàng ông Hoàng, các Cô, Cậu đều như vậy. Tuy nhiên, tại phủ Tây Hồ, tượng các vị này chỉ đơn thuần sơn son thếp vàng chứ không khoác áo choàng như tượng Thánh Mẫu. Chúng ta có thể phân biệt tượng quan Hoàng Bảy và tượng quan Hoàng Mười bằng màu khăn các ngài đội trên đầu, đó là màu xanh lam và màu vàng. Trong khi đó, ở đền Ghềnh (Gia Lâm) hầu hết các tượng đều được khoác áo choàng với màu tương ứng của mỗi phủ.  
Không phải đền phủ nào cũng có tượng các vị thần linh để thờ, mà thường được thay thế bằng các bức tranh thờ dân gian, đó là những bức tranh được vẽ đơn giản, bằng chất liệu tự nhiên ở các làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng. Bố cục của tranh thờ không tuân theo luật viễn cận mà thường tuỳ theo chủ đề, hay địa vị của nhân vật mà người nghệ nhân sẽ thể hiện mức độ to nhỏ khác nhau, nhằm gây ấn tượng cho người xem tranh. Năm màu sắc chính: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, là ngũ sắc theo quan niệm ngũ hành, ngũ phương. Chúng ta có thể kể ra tên một vài bức như: tranh Tứ phủ, Thánh Mẫu Thượng Thiên, Thánh Mẫu Thượng Ngàn, ông Hoàng Mười… đặc biệt là bức tranh Ngũ Hổ. Với bố cục chặt chẽ, đường nét, màu sắc sinh động, đã làm cho “Ngũ Hổ” trở thành một trong những bức tranh dân gian đạt giá trị nghệ thuật cao [5].
3. Những đồ thờ phổ biến
Với quan niệm chia vũ trụ làm ba tầng thì thần linh ở tầng trên, nơi thiêng liêng gắn với bầu trời, vì thế, ở một chừng mực nào đó ban thờ là một biểu tượng của bầu trời tinh khiết. Về nguyên tắc, nơi đây phải được thanh tịnh và mang tư cách nơi để thông tam giới, để con người làm lễ thông linh, nên người ta thường bày ban thờ thích hợp với những yêu cầu đó. Dù là ở ban thờ Thánh Mẫu, Công đồng hay những ban thờ phối thờ khác đều không thể thiếu hương và nến (đèn), một biểu hiện rõ nét nhất của tầng trời. Thông thường hai cây nến (đèn) được đặt ở góc phía ngoài để tượng trưng cho hai vầng nhật, nguyệt, còn các nén hương tượng trưng cho tinh tú. Người ta quan niệm rằng, nhờ có khói mà con người mới tiếp cận được với thần linh để cầu mong nguồn của cải vô biên và cuộc sống tràn đầy hạnh phúc.
Trong quá trình phát triển của tín ngưỡng, sự hội nhập những yêu cầu tâm linh của con người vào ban thờ là lẽ tất yếu, nhất là theo ước vọng cầu phúc của cư dân nông nghiệp nước ta. Họ luôn mong có nguồn sinh khí của trời cha truyền xuống cho muôn loài sinh sôi, cho cây cối phát triển, cho mùa màng bội thu, cho nên, ở chính giữa bát hương lớn họ thường cắm vào đó một trụ cao để đốt hương vòng. Trụ này mang tư cách trục vũ trụ, là các gạch nối của tầng trên với tầng dưới, là con đường truyền tải sinh khí.
Ở trên trục trung tâm của Ban thờ, ngay sau bát hương thường để một chiếc Tam Sơn dạng như chiếc ỷ, có ba cấp chênh lệch. Tam Sơn (ba ngọn núi) tượng trưng cho gạch nối giữa trời và đất với ý thức truyền tải sinh lực từ tầng trên xuống tầng dưới. Trên Tam Sơn thường đặt ba chén nước trong. Đặc biệt phía sau Tam Sơn ở ban thờ Công đồng hay ban thờ Tam toà Thánh Mẫu còn xếp một đỉnh ba chân, nắp đỉnh thường được thể hiện phổ biến hình một con lân trong thế nhìn ra. Người xưa quan niệm rằng lân là hiện thân của sức mạnh tầng trên, của sự trong sáng và trí tuệ, nên nó có trách nhiệm kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương.
Cũng như ở các công trình kiến trúc khác, đồ thờ trong các đền, phủ thờ Mẫu mà điển hình là bát hương, cây nến, đỉnh, mâm bồng, lọ hoa, lọ lục bình, choé… thường được làm phổ biến bằng chất liệu gốm, đá, đồng. Những chất liệu đó được người xưa quan niệm có sinh lực nhất định. Trước hết với đồ đất nung, một chất liệu thường gắn bó với con người từ thời nguyên thuỷ và chất liệu này được lấy từ lòng bà mẹ đất thiêng liêng để tạo nên. Chất liệu đồng và đá cũng đã được sử dụng từ thời nguyên thuỷ, nhưng bị gián đoạn vào thời kỳ đồ sắt, hàng nghìn năm sau khi con người phát hiện lại các công cụ đồ đá, đồ đồng, chúng được gán là của thần linh sáng tạo ra, bản thân chúng cũng được coi như  có một sức linh nhất định. Vì thế, người ta mong đồ thờ với chất liệu đồng, đá, gốm sẽ hội tụ được sức mạnh thiêng liêng cho những lời cầu xin.
Như vậy, ban thờ của đền, phủ Mẫu nhiều hay ít đều được bày các loại đồ thờ kể trên. Tuy nhiên, khi nhu cầu về tín ngưỡng càng mở rộng thì ý thức về các đồ thờ chỉ giữ lại biểu hiện của lòng kính trọng mà quên dần ý nghĩa gốc, do đó người ta đặt lên ban thờ nhiều đồ thờ theo cảm tính. Có ban thờ đã được xếp tới hai, ba bộ mâm bồng to nhỏ khác nhau để đặt đồ lễ. Cũng có ban thờ không có mâm bồng mà phía trước là một ban thờ phụ như ở ban Công đồng phủ Tây Hồ.
Ngoài những đồ thờ thông thường bày trên ban thờ còn có ngai bài vị hoặc khám thờ. Bài vị của các Thánh thường là một ván gỗ, đỉnh đầu ván kết hình lá sòi hoặc hình tròn, bổ sung bằng cách viền  ngoài mép là những vây răng cưa (kiểu vây rồng), mặt thân có nhiều lớp trang trí bổ dọc, cân xứng hai bên, ôm lấy một mặt phẳng chính, hình chữ nhật dài ở giữa để ghi chữ như kiểu câu đối. Trong cung cấm còn có hộp sắc, các hòm rương bằng kính để khăn áo, mũ hài của các Mẫu để phục vụ các ngày hội, đám rước. Cũng không thể không kể đến kiệu rước, long đình, bát bửu, chấp kích… Tại các đền, phủ chúng được sắp xếp khác nhau nhưng thường được đặt ở gần với ban thờ nhằm làm tôn nghiêm hơn thế giới thần linh.
Bên cạnh những đồ thờ được đề cập đến ở trên, chúng tôi cũng xin trình bày đến những lễ vật tiến cúng lên các vị thần linh. Những lễ vật này tuỳ theo tâm của mỗi người nhưng cũng phải theo một quy định chặt chẽ: đồ chay (gồm có cơm nắm, muối vừng, hương hoa, phẩm quả) để dâng Mẫu; đồ tam sinh, đồ mặn cho ban Công đồng, Ngũ vị Tôn quan; trứng, thịt sống cho ban Ngũ Hổ; cỗ có cua, ốc luộc cho ban Chúa Sơn trang. Theo một số nhà dân tộc học mỹ thuật thì hình tượng hổ tượng trưng cho sức mạnh của trần gian, đại diện cho các thần linh ở dưới mặt đất, Ngũ Hổ là tất cả các thần linh thuộc năm phương của thế nhân, cho nên đem trứng sống tới cúng ở ban này có nghĩa như đưa linh hồn của các kiếp đời đã qua đến đây để cầu sự bảo trợ của sức mạnh thiêng liêng này, trứng được coi là vật tụ linh hồn. Tuy nhiên, trong ý thức dân dã thì hổ cũng được đồng nhất với chúa Sơn lâm, nên người ta đem thịt sống tới cúng như để thoả mãn một nhu cầu đời thường của cuộc sống tự nhiên. Ngoài ra, việc đem đồ biển đến lễ ở ban Chúa Sơn trang, thì theo tác giả Võ Thị Hoàng Lan “đã biểu hiện cho sự bổ sung cái thiếu của miền sơn cước, đồng thời biểu hiện lòng thành kính của tín đồ và mặt nào còn có thể ngờ rằng việc này ít nhiều phản ánh mối giao lưu của thương mại” [3, tr.44].
Một trong những lễ vật không thể thiếu trong điện thờ Mẫu và trong các nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu là đồ mã. Trên chính điện của các tôn giáo lớn ở Việt Nam, đồ mã thường chỉ có tính chất điểm xuyết đúng tư cách thay thế vật thực. Phần lớn đồ mã của người Việt thường tập trung vào những ngôi đền gắn với tín ngưỡng dân dã, đặc biệt là ở điện Mẫu. Do sự phát triển không đồng nhất và do lệ thuộc vào kinh phí của người cúng dâng đồ mã, nên số lượng và kích thước đồ mã có khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết ở các ngôi đền, phủ thờ Mẫu, đồ thờ mang chất liệu vàng mã thường được chia làm hai loại: 1. Loại thường xuyên là những đồ mã được đặt trên bàn thờ như nón Tứ phủ, quả, nón Công đồng, vàng Tứ phủ…; 2. Loại đồ mã phục vụ các lễ liên quan đến việc thờ phụng Mẫu thuộc các lễ hội chính trong năm và các cuộc lễ thức khác như mở phủ, mừng đồng…
Đồ mã không đơn thuần là vật thay thế, mà mỗi loại còn có ý nghĩa riêng của nó. Vậy chúng có ý nghĩa gì, chúng được sáng tạo như thế nào, nghệ thuật tạo hình của chúng ra sao? Đó chính là những vấn đề mà chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát và công bố trong một bài viết khác.

Tài tham khảo

1.   Trần Lâm Biền (1990), “Quanh tín ngưỡng dân dã Mẫu Liễu và điện thờ”, Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, (5).
2.   Trần Lâm Biền (2003), Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
3.   Võ Thị Hoàng Lan (1998), Hội đềm Rầm, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa dân gian, Thư viện Viện Nghiên cứu Văn hóa.
4.   Ngô Đức Thịnh CB (1996), Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 2, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
5.   Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ (1984), Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội.


* NCS Viện Nghiên cứu văn hóa

(Theo: Thông báo văn hóa 2010, Nhiều tác giả, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011).

http://vncvanhoa.vass.gov.vn/UserControls/News/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/noidung/doituongnghiencuu/vanhoadangian/Lists/tinnguongtongiao&ListId=35ba86b0-8a8f-406e-aecd-42376630c42e&SiteId=99302971-c1c8-4193-a7ce-2c46027c0c8e&ItemID=22&SiteRootID=0186ffff-c45a-4115-9955-1ebadc8612da

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.