Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/12/2016

Văn nghệ Thứ Bảy : Những bức chân dung người Việt Nam đầu tiên 1860s (bài Lê Nguyễn)

Bài và ảnh (cùng chú thích) đều của Lê Nguyễn.


Lấy nguyên về từ Fb LN.



---

"

Phó sứ Phạm Phú Thứ, Tham tri bộ Lại, tòng nhị phẩm 

(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Phan-Plu-Thu, 44 ans, 2ème ambassadeur. 1er secrétaire du ministère de l'intérieur, mandarin de 2ème degré, 2ème Classe)

Bồi sứ Ngụy Khắc Đản, Án sát sứ, chánh tứ phẩm (chú thích ảnh là tòng tam phẩm)

(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Nguy-Kai-Dan, 48 ans. 3ème ambassadeur. Mandarin du 3ème degré, 2ème Classe. jpg)

Chánh sứ Phan Thanh Giản (1796-1867). Chú thích ảnh ghi cụ Phan 68 tuổi, có lẽ căn cứ vào tuổi ta do cụ thông báo.
(nguyên văn chú thích ảnh gốc "Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Phan Thong Gian, 68 ans. Annamite né à Vinh Lony (Cochinchine) 1er Ambassadeur, .jpg"

Anh lính Việt có mái tóc dài 1,58m

(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Guyên, 36 ans. Annamite né à Thia-Thien (Annam). Caporal militaire, ouvrier. Ses cheveux ont 1m58 de long)

Võ quan Nguyễn Hữu Thận, phẩm trật tòng ngũ phẩm

(Nguyên Hîm Thân. 30 ans né à Hué (Annam). Capitaine de la garde impériale, Mandarin de 5ème degré, 2ème Classe. En grand costume)

Trần Tử Lương, du học sinh, con trai huyện Trần Tử Ca (sau được thăng Đốc Phủ sứ) 

(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Tran-van-Luong. 17 ans, annamite né à Saïgon, fils du préfet de Saïgon - face)

Bà Nguyễn Thị Sen (Liên), vợ góa của Philippe Vannier (Nguyễn Văn Chấn)

(1863. Sam-Diam, 75 ans, Cochinchinoise née à Hué, fille de Mandarin et Vve de Mr. Vannier 2 .jpg)

Michel Vannier, con trai của bà Nguyễn Thị Sen và Philippe Vannier.

(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Michel Vannier, 51 ans, né à Hué de Sam-Diam cochinchinoise, et de Mr. Vannier, .jpg)

Marie Vannier, con gái bà Nguyễn Thị Sen và Vannier. Bộ áo cô Marie Vannier và bà Nguyễn Thị Sen mặc lúc chụp ảnh được vua Minh Mạng tặng khi họ còn ở Việt Nam.

(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Marie Vannier, 40 ans, née à Hué de Seu-Dong cochinchinoise, et de Mr Vannier .jpg)

Phủ Tôn Thọ Tường, ký lục thuộc phái bộ Pháp tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản

(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Bâ-Thuang, 38 ans. Annamite né à Saïgon. (Annam), 1er lettré de l'Ambassadeur et préfet de Saïgon; assis de face en grand costume)

Nguyễn Văn San, thông ngôn thuộc phái bộ Pháp tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản.

(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Pétrus-Sang, 35 ans. Annamite du Tonkin. C'est lui qui a servi d'interprète à l'amiral Bonnard pour signer la paix en avril 1863)

Một lính thợ với quân phục đương thời

(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Hieû, 45 ans. Annamite né à Hué (Annam), militaire ouvrier (uniforme de simple soldat))



"


"




Trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, Chánh sứ Phan Thanh Giản, Phó sứ Phạm Phú Thứ, Bồi sứ Ngụy Khắc Đản trong sứ bộ VN sang Pháp năm 1863 được xem là những người Việt đầu tiên được chụp ảnh chân dung cá nhân. Vào thập niên 1920, ảnh của ba vị được Tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue – BAVH) đăng tải trên số 1 năm 1926, kỹ thuật in tráng thời đó khiến ảnh trông không rõ nét. Ngoài ba vị này, hầu như không ai nhìn thấy ảnh chân dung chụp riêng của các thành viên khác trong sứ bộ. Mãi đến gần đây, Thư viện quốc gia Pháp (BNF) mới công bố gần 70 bức ảnh chân dung của nhiều thành viên trong sứ bộ VN tại Pháp năm 1863 đã được một nhà nhiếp ảnh thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris thực hiện. Đây quả là một nguồn tư liệu bằng hình ảnh quý giá còn được lưu trữ đến ngày nay, song có nhiều điều cần làm rõ để những hiểu biết về chúng được trọn vẹn hơn.

***


Có thể nói mà không sợ nhầm lẫn rằng sứ bộ Việt Nam tại Pháp năm 1863 là những người Việt đầu tiên được chụp ảnh chân dung cá nhân, thế nhưng ngoài ba vị lãnh đạo sứ bộ, còn có bao nhiêu người được chụp ảnh nữa thì từ lâu đó vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. May mắn là trong thời gian vừa qua, lời giải đáp đã đến từ Thư viện Quốc gia Pháp khi cơ quan này cho công bố toàn bộ bộ ảnh do nhà nhiếp ảnh Jacques-Philippe Potteau (1807-1876) chụp sứ bộ VN. Theo Tây hành nhật ký của Phó sứ Phạm Phú Thứ, khi mời sứ bộ chụp ảnh, có lẽ sợ rằng các vị khách từ chối, các viên chức Pháp nói thác là cần có ảnh để trình cho Pháp hoàng Napoléon III xem trước trong thời gian ông còn đang kinh lý xa kinh thành Paris. Song trên thực tế, qua nội dung kế hoạch công bố của Thư viện Quốc gia Pháp, người ta biết rằng trong ba năm đầu tiên của thập niên 1860, trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu về nhân chủng học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, nhà nhiếp ảnh Potteau trực thuộc cơ quan này đã chụp ảnh cho cả ba sứ bộ đến từ ba nước khác nhau, một từ Xiêm (Thái Lan) năm 1861, một từ Nhật Bản năm 1862 và sứ bộ VN năm 1863. Như vậy, điều đầu tiên có thể khẳng định là mục đích chính của việc phía Pháp khẩn khoản xin chụp ảnh sứ bộ Việt Nam là nhằm phục vụ yêu cầu nghiên cứu về mặt nhân chủng học các dân tộc Á Đông của họ. Dù sao, cũng nhờ thế mà ngày nay chúng ta có được những hình ảnh quý báu của tiền nhân cách nay hơn 150 năm.


* Bộ ảnh Potteau chụp cho sứ bộ VN có 69 ảnh, mỗi người chụp từ 1 đến 3 kiểu ảnh, tất cả được trình bày trong 47 khung ảnh đánh số thứ tự từ 1 đến 47. Như vậy có những khung ảnh chứa đến 2 ảnh, thường là chụp một người ở hai tư thế nhìn nghiêng (profil) và nhìn thẳng (face), song cũng có khung ảnh chụp hai người khác nhau. 

* Phần chú thích bằng tiếng Pháp ở mỗi ảnh đều được mở đầu bằng cụm từ “Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863” (Sứ bộ Việt Nam tại Paris năm 1863); kế đó là tên người được chụp ảnh hầu như không được ghi lại đúng theo cách đọc của người Việt, ví dụ như tên chánh sứ Phan Thanh Giản được ghi là Phan-Thong-Gian; tên Phó sứ Phạm Phú Thứ ghi là Phan-Plu-Thu; tên Bồi sứ Ngụy Khắc Đản ghi là Nguy-Kai-Dan. Sau tên là nhiều chi tiết khác về nhân vật như tuổi, sinh quán, chức vụ và phẩm trật nếu là quan lại. Điều này nói lên sự tìm hiểu tỉ mỉ của nhà nhiếp ảnh Potteau cũng như các viên chức thuộc Phòng thí nghiệm nhân chủng học Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris. 

* Song sự tỉ mỉ của họ cũng để lộ ra những khuyết điểm cần được làm rõ về bộ ảnh cực quý này trong lịch sử Việt Nam vào thời kỳ phôi thai của kỹ thuật nhiếp ảnh. Trước hết là sự ngộ nhận về thành phần của những người được chụp ảnh mà Potteau đánh đồng là “sứ bộ Việt Nam tại Paris”, vì không phải ai trong số họ cũng là thành viên của sứ bộ. Tiêu biểu nhất về sự ngộ nhận này là gia đình bà Nguyễn Thị Sen (hay Nguyễn Thị Liên), vợ góa ông Philippe Vannier (1762-1842), là một trong những người Pháp đã góp nhiều công sức với chúa Nguyễn Ánh trong cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn. Vannier được Nguyễn Ánh-Gia Long đặt tên là Nguyễn Văn Chấn, được phong chức Chưởng cơ (tòng nhị phẩm), tước Chấn võ hầu. Ngày 12.11.1811, Vannier làm lễ cưới cô Magdeleine Nguyễn Thị Sen, sinh năm 1791, con một gia đình giáo dân Thiên chúa tại phường Thợ Đúc, Huế. Năm 1824, Vannier đưa cả gia đình về cư ngụ tại Lorient (Pháp), từ đó trong lòng bà Sen luôn nung nấu niềm hoài hương, muốn trở về thăm lại quê cũ, được chồng hứa hẹn, song lời hứa này chưa thực hiện được thì Vannier qua đời vào năm 1842. Khi sứ bộ Việt Nam đến Paris thì bà Sen và các con đã xa quê gần 40 năm ròng, được tin này, bà cùng cô con gái Marie Vannier, 40 tuổi, tức tốc từ Lorient đi lên Paris thăm sứ bộ. Sự việc này được Phạm Phú Thứ ghi lại trong Tây hành nhật ký như sau:”… Buổi chiều hôm ấy có người vợ viên quản thuyền Phénix ngày trước, tên là Nguyễn Văn Chấn, nhũ danh là Thị Sen, cùng con gái tên là Ma-Duy (Marie) từ thành phố Lô-di-ăng (Lorient) tìm tới sứ quán…Khi thấy người bổn quốc, bà ấy không sao nén được mối cảm động, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng…” (tạp chí Văn Đàn Sài Gòn 1960). Hai mẹ con người phụ nữ đáng thương này còn nán lại nhà trọ ở Paris cả tháng trời, chờ đến khi sứ bộ rời hẳn nơi đây để tiễn chân rồi mới chịu về Lorient. Trong bộ ảnh của Potteau vừa được Thư viện Quốc gia Pháp công bố, có ảnh của bà Sen và hai người con là Michel Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Lễ), con trai trưởng của bà và Vannier, và Marie Vannier, con gái của hai người. Tuy nhiên trong những ảnh trên, Potteau ghi chú tên của bà Sen là Sam-Diam, dưới ảnh của Michel Vannier, ghi tên mẹ cũng là Sam-Diam, nhưng dưới ảnh của Marie Vannier, lại ghi tên mẹ là Seu-Dong. Điều này đã khiến cho có người ngộ nhận là Philippe Vannier có hai người vợ khác nhau, bà Sam-Dian sinh ra Michel Vannier và bà Seu-Dong sinh ra Marie Vannier. Đây là một sai sót của nhà nhiếp ảnh Potteau và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris trong việc phiên âm tên người được chụp ảnh, vì trên thực tế hai tên Sam-Diam và Seu-Dong đều là của bà Nguyễn Thị Sen. Trong nhiều tài liệu của người Pháp viết về cuộc hôn nhân Việt-Pháp này, tên bà Sen được viết là Sen-Dong, ghép từ tên riêng của bà là Sen với tên Dõng là tên của thân phụ bà, ông Nguyễn Văn Dõng. Do đó cần hiểu rằng, trong bộ ảnh vừa được Thư viện Quốc gia Pháp công bố, hai tên Sam-Diam và Seu-Dong đều thuộc về một người là bà Nguyễn Thị Sen, và cả ba không dính dáng gì đến chuyến công tác của sứ bộ hết.

* Trong số những người không thuộc sứ bộ nhưng có ảnh chụp trong bộ ảnh, có hai du học sinh sống tại Sài Gòn, từng là học sinh của trường d’Adran, một là Simon Của, 17 tuổi, hai là Trần Văn Luông, có tài liệu ghi là Trần Tử Long, con trai ông Phủ Bình Long (nay là Hóc Môn) Trần Tử Ca, bị nghĩa quân sát hại năm 1885. Đây có lẽ là hai trong số những du học sinh đầu tiên của Việt Nam được sang Pháp học. 

* Điểm đặc biệt thú vị là nhờ có bộ ảnh mới được công bố này mà chúng ta lần đầu tiên nhìn thấy được chân dung Tôn Thọ Tường, một viên chức trong bộ máy chính quyền thực dân Pháp với ngạch Phủ, đồng thời là một nhà thơ nổi tiếng của nửa sau thế kỷ 19, với những cuộc xướng họa thơ cùng cử nhân Phan Văn Trị, nguyên Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt được lịch sử văn học ghi lại một cách trân trọng. Trong tác phẩm “Tôn Thọ Tường” (Nhà in Ngày Nay – Hà Nội 1942), tác giả Khuông Việt đã dành nhiểu công sức để sưu tầm tài liệu về thân thế và sự nghiệp nhân vật này, mà cũng chỉ giới thiệu được những tấm ảnh chụp ngôi mộ và bia mộ của ông tại làng Phú Nhuận (nay thuộc quận Phú Nhuận) mà thôi. Theo Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ, toán viên chức được Soái phủ Nam kỳ cử tháp tùng để hỗ trợ sứ bộ Phan Thanh Giản ngoài một người Pháp chính gốc là Đại úy Rieunier (Lý A Nhe), còn có 4 người Việt, gồm hai thông ngôn là Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn San và hai ký lục là Tôn Thọ Tường và Phan Quang Hiệu. Dưới bức ảnh Tôn Thọ Tường, nhà nhiếp ảnh Potteau đã chú thích nguyên văn như sau: “Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Bâ-Thuang, 38 ans. Annamite né à Saïgon. (Annam), 1er lettré de l'Ambassadeur et préfet de Saïgon; assis de face en grand costume ». Sở dĩ chúng tôi xác quyết đấy là ảnh Tôn Thọ Tường vì các lẽ :

- Trong cách tự xưng danh của Tôn Thọ Tường, thậm chí trong các văn kiện bổ nhiệm của chính quyền Pháp, thường chỉ ghi là Ba Tường hay Phủ Ba Tường, không mấy khi ghi đúng tên họ chính thức. Từ Bâ-Thuang trong chú thích ảnh của Potteau là phiên âm từ từ Ba Tường.

- Khi chụp ảnh, Tôn Thọ Tường đúng 38 tuổi (1825-1863)

- Tôn Thọ Tường sinh tại Sài Gòn, làm Tri phủ (préfet) tại Sài Gòn và giữ chức Ký lục (lettré) trong phái bộ Pháp. Các chi tiết về cuộc đời ông đều khớp với chú thích của Potteau.

* Bộ ảnh có thể giúp nhiều gia đình tại Huế và một vài nơi khác tìm thấy hình ảnh của tổ tiên mình, với các chi tiết rõ ràng về tuổi tác, sinh quán như các ông: Nguyễn Hữu Thận, võ quan, tòng ngũ phẩm; Nguyễn Hữu Cấp, võ quan, tòng ngũ phẩm; Hồ Văn Long, quan văn, tòng ngũ phẩm; Tạ Huệ Kế, văn quan bộ Hộ, chánh lục phẩm….Hầu hết các văn võ quan vào thời kỳ này đều búi tóc như tập quán của người Việt từ thế kỷ 19 trở về trước, thậm chí trong bộ ảnh có anh lính tên Guyên (Nguyên?) sở hữu mái tóc dài 1,58 mét.

Hi vọng trong tương lai, bộ ảnh này còn hé lộ nhiều chi tiết thú vị hơn nữa về một thời khoảng lịch sử cách nay hơn 150 năm.




Lê Nguyễn 



25.9.2016

"
https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1055974761167166

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.