Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/11/2016

Tiếng nói của bản thân các thanh đồng : Lê Bá Linh (tháng 11/2016)

Trong dịp tín ngưỡng Đồng Bóng đang được đề cử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Vào dịp 20/11/2016, có một sinh hoạt tín ngưỡng thú vị ở Hà Nội. Không gian là ngôi đền thờ Mẫu Liễu ở làng Kim Giang (quê của cụ Nguyễn Trọng Hợp), dân gian quen gọi là đền Lủ.

Tên chữ chính thức của ngôi đền đó là Sùng Sơn vọng từ. Một ngôi đền thú vị. Mình chuẩn bị tới cả 10 năm mà chưa động bút được về ngôi đền này, vì còn nhiều cái cần chỉnh trang hơn.

Sinh hoạt của ngày 20/11 vừa rồi thú vị ở chỗ các thanh đồng (đồng nam, đồng nữ) được trình bày hiểu biết của mình về Đồng Bóng. 

Ở dưới là trình bày của thanh đồng Lê Bá Linh. Lấy nguyên từ Fb Clb Đạo Mẫu VN.

---





"

TRAO ĐỔI: Hiểu thế nào cho đúng về Hầu đồng !

Lời nói đầu: Đồ lễ và phát lộc trong thực hành nghi lễ Hầu đồng là vấn đề bức xúc trong dư luận. Ngoài việc mua sắm đồ mã đồ lễ cũng là câu hỏi đặt ra. Làm thế nào để vừa trang trọng, đúng phép tắc lại vừa tiết kiệm, không lãng phí. Fb. Caulacbodaomauvn. xin đưa bài tham luận của Thanh đồng Lê Bá Linh phát biểu trong chương Giao lưu và Tọa đàm về Nghi lễ Hầu Đồng cổ truyền trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ngày 20/11/2016. tại Đền Lủ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Kính mong cộng đồng thực hành nghi lễ thờ Mẫu tham gia ý kiến. Xin chân thành cảm ơn Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nọi và tác giả Lê Bá Linh 
************************


LỄ VẬT CÚNG THÁNH VÀ PHÁT LỘC THÁNH TRONG NGHI LỄ HẦU ĐỒNG THUỘC TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU DÂN GIAN VIỆT NAM

Thanh đồng Lê Bá Linh 

Thủ nhang - đền 102 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm Hà Nội 

Chúng ta đều biết bất kể tín ngưỡng tôn giáo nào đều có sự thành tâm tiến cúng lễ vật cho các vị thần chủ mà chúng ta tôn thờ phụng sự bằng nhiều hình thái khác nhau dù ít hay nhiều do tâm thành và điều kiện của bản thân nhưng vẫn được các vị thần chủ chứng tâm.

Thứ nhất: về lễ vật trong lễ Tứ phủ trình đồng hay tiến trình căn đồng.

1. Lễ phát tấu cúng ngũ vị sứ giả gồm: Oản + quả + Bánh+ chè+ cơi trầu bát nước+ gạo muối+ pha trà cúng số lượng tùy tâm.
Lễ mặn: Gà hoặc miếng thịt lợn đã chín+ xôi và rượu.Hương , hoa , đèn , nến.
Mâm gương, lược, trà, thuốc, khăn mặt, sổ bút và trứng sống gọi là mâm đồ phát tấu mỗi loại đều có 5 thứ.

2. Lễ oản quả cúng Phật Thánh bầy ở ban các cung trong ngôi đền (các đền ngày hội hè các cung đều có đám cúng lễ thì không thể chia lễ được các ban mà chỉ bày 1 cung chính mà mình đã xin) và các lễ bao gồm: hương, hoa, đăng, trà , quả, thực đều bày một cách đăng đối ( có thể mỗi loại bầy thành hai mâm bầy sao cho đẹp).
- Hương: hương nén hương vòng tỏa ngát khói nhang tạo nên mùi thơm và những làn mây phảng phất bay lên bầu trời đem những ước nguyện của mình đến với Phật Thánh.
- Hoa: các loại bánh hoa tùy theo mùa và tâm thành tiến cúng (xưa chỉ có hoa huệ, hoa cúc, hoa hồng là chính) đẹp lại sắc màu và sự tươI đẹp tiến dâng Phật Thánh.
- Đăng: đôi đèn, đôi nến thắp thành lửa tượng trưng ánh sáng, trí tuệ hào quang của Phật Thánh.
- Trà: là các loại cây loại thực vật nấu lên thành nước mà con người chúng ta uống được để cúng dâng Phật Thánh.
- Quả: là các loại ngũ quả trái cây mà con người ăn được để bầy lên tiến dâng Phật Thánh.
- Thực: là các loại oản, bánh, kẹo…làm ra từ các loại ngũ cốc, lương thực để tiến dâng Phật Thánh.

Ngoài ra cúng Tứ phủ còn có lễ mặn tạm sinh gồm: 1 gà, 1 ngan, 1 miếng thịt lợn hay cả con lợn quay hoặc thủ lợn và khay xôi hoặc tam sinh gồm: 1 gà + 1 con lợn quay nhỏ và 1 con cá chép đều được nấu chín, 1 mâm xôi hoặc 1 đĩa xôi với nậm rượu rót 3 chén.

- Lễ mặn: gà, xôi, rượu cúng Đức Trần triều nếu đền đấy có cung thờ Trần triều riêng.
- Lễ hạ ban (cúng ngũ hổ) gồm: 5 trứng gà hoặc vịt cũng ngũ hổ và 2 quả trứng nữa cúng 2 ông xà, miếng thịt lợn sống cùng đĩa gạo muối và cũng bảy cả oản, quả, cau, trà, bánh, kẹo…

Mấy mâm cơm thịnh soạn khao tiến thiên quan các quan bản đền, chư vị linh quan (các mâm cơm đều phải có nậm rượu rót 3 chén)

Mâm lễ tiến cúng sơn trang bày mỗi loại có 15 suất, 15 miếng bao gồm: tôm, cua, ốc, cá khô, mực nướng, bún, bánh nếp, bánh tẻ, bánh chưng….măng chua, mướp đắng, sung xanh, chanh, ớt, gong đều cắt ra thành nhiều phần, giò, chả, nem chua, cơm lam, thịt thính, dừa, đậu phụ, mắm tôm, mắm tép, bát nước vôi trong gọi là rượu nồng- trà xanh, chén rượu cẩm..nhưng không thể thiếu được trầu tiêm cánh phượng cô đôI chứng minh, các lễ này sắm to, nhỏ, lớn, bé, ít nhiều là cũng do tâm nguyện của gia chủ.

Mâm lễ cúng chúng sinh phía ngoài sân bao gồm: oản, quả, bánh kẹo, trầu cau, đèn nến, chậu nước, gạo muối và nồi cháo hoa múc ra nhiều bát nhỏ, có thêm bim bim, ngô, khoai, sắn, bỏng bốp, bánh đa…cùng quần áo tiền vàng.

Thứ hai: về lễ vật của một vấn hầu thường nhật, thì các thanh đồng cũng phải chuẩn bị các lễ vật để cúng thánh trước khi vào hầu Thánh cũng bao gồm các đồ lục cúng như trên đã nói: hương hoa đăng trà quả thực các cung các sơ trong ngôi đền mà mình hầu Thánh hoặc chính cung mình hầu và bầy biện sao cho trang nghiêm đăng đối, đẹp mắt tạo nên nét đẹp uy linh cung đài sở điện phụng thờ Tiên Thánh của ngôi đền.

Và lễ mặn vấn hầu chủ yếu là gà và xôi, rượu không nhất thiết phải bày lễ tam sinh, trừ khi cúng đàn Tam Tứ phủ và vẫn có lễ mặn cúng cung Trần Triều nếu ngôi đền đấy có phối thờ.

Lễ sơn trang tiến cúng thượng ngàn như trên cũng đã nói.

Lễ chay và mặn cúng hạ ban ngũ hổ và thần xà.

Lễ cũng chúng sinh, cô hồn như trên đã nói.

Các thanh đồng chuẩn bị thêm hương thắp hầu, hương khai quang và mồi nến bàn ngự và chuẩn bị tráp tiền phát lộc cho các giá.

Thứ ba: về đồ lễ phát lộc các giá đồng khi hầu Thánh cả ngày mở phủ trình đồngvà hầu thường nhật hay các ngày đản tiệc Tiên Thánh, khi hầu các quan lớn trước đây không phát lộc lễ vât mà chỉ có một hoặc hai giá quan có phát lộc có phát tờ tiền hoặc thêm điếu thuốc lá chứ không phát rượu bia, lễ vật như bây giờ.

Từ phủ các Chầu bà trở đi mới phát lộc lễ vật, các lễ vật phát lộc này đều bày thành mâm thật đẹp tiến lễ các cung trước khi cúng Thánh.

Các Chầu Chúa chỉ phát trầu cau, trái cây hoặc các bánh dân gian: như bánh chưng, bánh cốm, hoặc bánh nếp tẻ,…có một vài giá có phát kèm theo tờ tiền nhất là đi cùng trầu cau.

Sang các giá Ông hoàng thì phong bánh kẹo, trà, thuốc, thành các túi nilong nhỏ buộc dây cước, dây len đỏ thành nơ hoặc bánh dân gian như phát oản hoặc bánh khảo trắng…ví dụ như Ông Hoàng Bơ phát bánh khảo, Ông Bảy phát gòi trà nhỏ cùng điếu thuốc, Ông Mười phát gói bánh quy phong nilon hoặc phẩm oản vàng.

Hiện nay, đời sống xã hội kinh tế phát triển và công nghệ phát triển nên các đồ phát lộc phong phú đa dạng và tố hảo hơn, có thêm rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo cả gói lớn, cả hộp và nhiều đồ vật, lễ vật phong phú nhưng cũng phải tùy theo điều kiện kinh tế của từng thanh đồng, không nên chạy đua theo nhau mà làm ảnh hưởng tới đời sống kinh tế gia đình.

Các phủ Thánh Cô có thể phát lộc hoa quả tùy theo mùa và điều kiện của thanh đồng, ví dụ Cô Đôi thường có thể phát hoa quả.

Cô Bơ phát mấy múi bưởi tách ra hoặc củ đậu đã bóc hoặc hạt sen, hoặc bánh dẻo chay.

Cô Sáu phát quả hay các loại bánh cổ truyền.

Cô Chín phát quạt giấy, quạt the, hay lược gương, mùi xoa, khăn mặt.

Cô Bé Sơn trang phát mâm chanh ớt, gừng, mướp đắng, sung xanh, dứa đồi….thời kỳ nay phát triển có thể phát lộc phủ các cô thêm đường, thêm gạo, thêm nước ngọt đồ vật gia dụng gia đình…

Các Thánh Cậu trước đây có dâng lễ các gói kẹo nhỏ phong túi nilon độ hơn 10 cái sặc sỡ các màu, còn ngày nay kẹo bánh cả gói cả hộp, đồ chơi nhựa, otô tàu thủy…Mỗi phủ đại diện ngoài đồ lộc cũng có thể phát thêm tờ tiền chứ không phải giá nào cũng phát tờ tiền như thời bây giờ.

Thời kỳ trước kia sau khi hầu xong nhà chủ còn có lộc biếu sau gọi là lộc chiếu, đơn giản ví dụ như: Phẩm oản, quả chuối, hoặc quả gì đó hoặc một đồ vật lễ vật gì đó bầy trên ban công đồng nơi cung hầu, còn thời kỳ bây giờ thì việc này cũng đã được hạn chế vì lộc đã được phát vào các giá.

Trước đây lộc dâng lễ từng giá đồng là nguyên một mâm lễ vật đó sao cho phù hợp với tính chất của giá đồng chứ không như thời gian gần đây là dâng lễ các giá đồng là một mâm đầy đủ mấy thứ lễ vật, vì các bậc tiền bối trước đây thiết nghĩ không thể dâng lễ Quan Lớn, Quan Hoàng ngang như Thánh Cậu.

Lễ dâng Thánh Bà về phát lộc không thể ngang như các Cô được, cái phong phú về lễ vật cúng thánh là do tâm thành và điều kiện của thanh đồng chứ không vì cái ngon và không ngon, cái giá trị và không giá trị của lễ vật cũng Thánh vì tôi cũng đã được nghe có thanh đồng nói: mua ít thứ có giá trị cúng xong còn ăn được còn hơn mua nhiều thứ về lại phải đi cho và chẳng ăn được, nghe xong mà cũng có nhiều điều suy nghĩ về sự khác biệt trong tín ngưỡng hầu đồng giữa xưa và nay.

Kính mong các thanh đồng chúng ta cùng mọi người chung tay xây dựng để hoằng dương giá trị văn hóa nghi lễ Hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo tồn duy trì nét cũ và phát huy nét đẹp mới nhưng vẫn đảm bảo giá trị văn hóa vốn cổ từ trước của nghi lễ này.



---

BỔ SUNG


SƠN TRƯỜNG  


Ngày 2.12.2015, Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 10 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Hãy cùng Lao Động điểm lại những di sản quý báu của Việt Nam.

    Nhã nhạc cung đình Huế
    Lần đầu tiên, một loại hình văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh, đó là Nhã nhạc cung đình Huế. Tháng 11.2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.  Đây là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam.
    10 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận ảnh 1
     
    Nghi lễ kéo co
    Ngày 2.12.2015,  tại phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra ở thành phố Windhoek, nước Cộng hòa Namibia, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là hồ sơ di sản đa quốc gia đầu tiên Việt Nam tham gia đệ trình và được chấp thuận.
    10 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận ảnh 2
     
    Dân ca quan họ Bắc Ninh
    Tháng 9.2009 Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ghi danh dân ca quan họ Bắc Ninh hay dân ca quan họ Bắc Ninh.
    10 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận ảnh 3
     
    Ca trù
    Cũng tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO, loại hình văn hóa thứ hai của Việt Nam được vinh danh là ca trù. Theo đánh giá của UNESCO: Nghệ thuật ca trù của Việt Nam đã bộc lộ sự quyến rũ, thanh tao, thể hiện chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn của cộng đồng người Việt, là nơi hội tụ những tinh hoa của văn hóa dân tộc, tạo nên sự độc nhất vô nhị không có ở bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác.
    10 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận ảnh 4
     
    Hội Gióng
    Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Ngày 16.11.2010 UNESCO đã công nhận lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
    10 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận ảnh 5
     
    Hát xoan
    Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa...Ngày 24.11.2011, Hát Xoan được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
    10 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận ảnh 6
     
    Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
    Tháng 12.2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý, truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn ân đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
    Đàn ca tài tử Nam Bộ
    Tháng 12.2013, tại phiên họp lần thứ 8 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Baku (Azecbaijan), Di sản Đàn ca tài tử Nam Bộ đã được ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
    Dân ca ví-giặm Nghệ Tĩnh
    Ngày 27.11.2014, tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể ở Paris (Pháp), Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với 100% số phiếu tán thành. Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
    10 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận ảnh 7
     
    Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên
    Tháng 11.2015, thêm một loại hình văn hóa nữa được Unesco công nhận, đó là Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Không gian này trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Ba Na, Mạ, Lặc…
    10 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận ảnh 8

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.