Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/11/2016

Lễ hội Mặt Nhọ rước sinh thực khí cỡ lớn ở Bắc Sơn (bài Bàn Tuấn Năng)

Một tâm điểm của tranh luận bây giờ: sinh thực khí (cái dương vật lớn) được rước trong lễ hội Mặt Nhọ ở Lạng Sơn gần đây có phải là bắt chước Nhật Bản, hay không ? Có thể thấy ở các entry cũ, đã đi ở đây hay ở đây.

Đại khái, trước đây, bác Bàn Tuấn Năng đã cho biết như sau (xem tư liệu bổ sung 1):

"Trả lời trên Danviet , ông Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), một trong những người tham gia phục dựng lại lễ hội Ná Nhèm cho biết, lễ hội Ná Nhèm bị lãng quên từ năm 1963 và đến năm 2012 mới phục dựng lại.
Trong đó, nhiều người có liên tưởng tàng thinh (sinh thực khí nam) giống của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Năng nói: “Tôi xin khẳng định, tôi cùng các cụ bô lão trong làng Mỏ (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) phục dựng lại và không tham khảo linh vật của Nhật Bản”."






Bây giờ, bác Năng đưa thêm bài mới.

Nhưng vẫn thế. Vẫn không rõ là có hay không ở câu hỏi đưa đầu tiên. Căn cứ gốc chưa thấy.

Dưới là bài của bác Năng mới đưa lên mạng. Và một ít tư liệu bổ sung.

---



LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI



Thạc sĩ Bàn Tuấn Năng


Tôi chính thức đến địa danh Bắc Sơn từ những năm 2009, thông qua việc khảo sát cụm di tích Cứu Quốc quân Bắc Sơn và sự kiện thành lập Trung đội Cứu quốc quân 1 vào ngày 14/02/1941 tại khu vực suối Khuổi Nọi và rừng Tam Tấu thuộc địa bàn xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn ngày nay. 
Trong một lần tham gia khảo sát và sưu tầm, bổ sung tư liệu, từ câu chuyện của anh Hoàng Thế Vinh, khi đó đang là phó phòng VHTT huyện Bắc Sơn, tôi được biết sơ lược về một lễ hội đã thất truyền: - Lễ hội Ná Nhèm (tiếng Tày nghĩa đen là Mặt nhọ - vì những vai diễn tại lễ hội này đều phải hóa trang, bôi nhọ đen đỏ…). Mọi ấp ủ về việc khôi phục một lễ hội đặc sắc, bị thất truyền hơn nửa thế kỷ được hình thành từ đây. Và công việc sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức khôi phục lễ hội Ná Nhèm bắt đầu được tôi cùng các đồng nghiệp thuộc phòng Nghiệp vụ Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn, Phòng VHTT huyện Bắc Sơn, UBND xã Trấn Yên, các cụ cao tuổi và khóa Lềnh thuộc phạm vi cửa đình Làng Mỏ thực hiện từ khoảng gần cuối năm 2011. Thoạt đầu, tôi nghĩ mọi việc cũng chả khó, chả hay và hấp dẫn đến vậy… Bởi dù sao, mình đã có gần 20 năm làm cái nghề khôi phục và bảo tồn này rồi….Ấy vậy mà….vạn sự khởi đầu nan, bởi cái sự thất truyền đã hơn 50 năm, nên lứa các cụ khoảng 70 tuổi cũng nhớ không được nhiều lắm. Những cụ ông nhiệt tình và hăng hái như cụ Bế Văn Ứng, Hoàng Văn An… tuổi khoảng 70 cũng chỉ nhớ bập bõm đôi chút, bởi khi xưa, lúc tổ chức lễ hội, các cụ còn nhỏ tuổi, thường chỉ đi xem và được giao nhiệm vụ nhặt gươm, mác bị gãy… Tìm mãi, tìm mãi.. mới ra cụ ta Trung (Hoàng Văn Tiến), vốn nặng tai và đã gần 90 tuổi là người duy nhất còn thạo việc diễu võ, đánh đại đao và gươm trận….khi xưa. Ra giữa đồng dạy các cháu, cụ đi được hai đường gươm, mác đã đứng chống gậy thở hổn hển… May mà trong quá trình tập luyện, không có sự lo ngại nào xảy ra ([1])….Rồi cuối cùng lễ hội cũng hoàn thành, vui và hay, cho dù sau này, các cụ nhớ dần và bảo năm đầu tiên Lễ hội Ná Nhèm mới chỉ phục dựng được khoảng 70% các nội dung chính. Bởi đây không chỉ là một lễ hội dân gian thông thường mà là lễ hội đặc biệt của hai dòng họ,vốn gốc họ Mạc nhưng phải thay tên đổi họẩn vào văn hóa người Tày để tránh họa tru di. Và trong quá trình chạy loạn ấy, họ đã kịp sáng tạo ra một lễ hội đặc biệt dành để tưởng niệm đức Vua và răn dạy con cháu, thông qua các tục như: - rước nước về thờ và ban phúc lộc, rèn luyện binh đao, củng cố lao động sản xuất; dạy con cháu mưu sinh qua các nghề như: - sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục, ổn định cuộc sống, cầu cho con cháu sinh sôi nảy nở, thêm người thêm của, đoàn kết dòng họ, xóm làng để cùng nhau đánh giặc giữ làng, giữ nước….

1. Đôi nét về Lễ hội Ná Nhèm năm đầu tiên phục dựng.
Sự kiện ngày 15 tháng Giêng năm 2012, Lễ hội Ná Nhèm được phục dựng thành công đã trở thành niềm vui bất ngờ và hết sức ngỡ ngàng cho cộng đồng cư dân sở tại và những người tham dự lễ hội. Báo Lạng Sơn hồi đầu năm 2012 đăng bài, trong đó có đoạn: - “mặc dù đã được đồng nghiệp thông tin về các nội dung của Lễ hội Ná Nhèm trong quá trình phục dựng, nhưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến tận mắt các trò diễn tại lễ hội”.
Tuy nhiên, để có được thành công ban đầu ấy, chúng tôi đã phải vượt qua muôn vàn gian khó. Nào họp dân xin ý kiến, nào cúng lễ để xin phép các bậc tiền nhân về mặt tâm linh, có lúc còn phải huy động cả lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Bắc Sơn phối hợp, giúp đỡ, tuyên truyền, giải thích và động viên bà con tin tưởng để cho con cháu tham gia tập luyện vì tổng nhân lực tham gia vào các vai diễn của lễ hội cũng tới khoảng 150 người. Bởi di sản đã thất truyền hơn nửa thế kỷ. Cái khó đầu tiên là ít người hiểu biết về nó, sau nữa là tâm lý e ngại khi phải dựng lại miếu thiêng ở núi Xa Vùn, đình Lảng Mỏ thì sắp sập… sức dân có hạn, người dân thì nghèo, huy động dân đóng góp để sửa chữa, tu tạo đình miếu là vô cùng gian khỏ bởi họ ngại động vào việc tâm linh, hay chả sao, dở thì dân làng lại phải gánh chịu….
Và rồi, bằng sự kiên trì của cá nhân, sự hỗ trợ chuyên môn của anh em đồng nghiệp, sự đồng lòng của nhiều cụ cao tuổi trong cửa đình Làng Mỏ, sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền địa phương… Lễ hội Ná Nhèm năm 2012 đã trở thành một sự kiện lớn trong đời sống người dân ở cửa đình Làng Mỏ nói riêng và của người dân Bắc Sơn nói chung. Tôi vẫn còn nhớ kỹ ánh mắt của nhiều bà con ở Làng Mỏ, khi chiều ngày 14 tháng Giêng âm lịch năm 2012, tôi và anh Hoàng Văn Chẩn, lúc đó là chủ tịch UBND xã đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho ngày chính hội. Mọi người nhìn chúng tôi với con mắt chứa chan niềm tin, hy vọng và mừng vui. Có lẽ, nó cũng gần giống như ánh mắt của người dân với cán bộ trong những tháng năm kháng chiến, đi theo cách mạng của người dân trên mảnh đất lịch sử này. Và ngày chính hội của Lễ hội Ná Nhèm năm 2012, hơn 1 vạn khán giả đã đến dự lễ hội ở cửa đình Làng Mỏ, trong đó có cả những bà con đến từ các tỉnh xa như Bắc Giang, Thái Nguyên. Họ biết thông tin về lễ hội qua những người bà con của họ ở nơi này. Tuy nhiên, do không thể thuyết phục nổi bà con hình dung ra số lượng người tham dự lễ hội trong năm đầu tiên khôi phục, nên khâu hậu cần phục vụ tại chỗ cho du khách đã không thể đáp ứng. Cả lễ hội, dân làng mới kịp quay có 6 con lợn để bán nên ngay cả anh em trong Ban tổ chức muốn thưởng thức vị lợn quay của làng cũng phải xếp hàng chờ đợi. Vì thế, nhiều du khách đến dự hội đã buộc phải ra về khi trong bụng vẫn đói meo.
Thành công, đó là những gì cơ bản được đánh giá sau năm đầu tiên phục dựng. Chiều ngày 15 tháng giêng năm 2012, tôi và một vài đồng nghiệp chia tay UBND xã, anh Hoàng Văn Chẩn chủ tịch UBND xã bắt tay rơm rớm nước mắt nói: - “chú đừng thay số điện thoại nhé, để anh em thi thoảng còn liên lạc”. Và mối nhân duyên với mảnh đất này được bồi đắp thêm từ đó, mỗi khi tôi nhớ về ánh mắt tin tưởng và tràn đầy hy vọng của người dân làng Mỏ chiều ngày 14 tháng Giêng năm 2012 cùng cái sự chia tay ân tình của đồng chí chủ tịch UBND xã Trấn Yên.

2. Lễ hội Ná Nhèm tổ chức trong thời gian từ 2013 – 2015.
Kể từ năm 2012, Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức định kỳ vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Năm 2013, tôi đã định cho một kế hoạch khác vào ngày đó, nhưng các đồng nghiệp lại nói “người đóng vai trò hồi sinh cho lễ hội sao có thể vắng mặt được”. Cũng kể từ đó, cái sự “đến hẹn lại lên” được coi như thông lệ của cá nhân.
Kể từ năm 2013, hệ thống bài bản các trò diễn đã được các bậc cao niên và Ban tổ chức lễ hội dần bổ sung và hoàn thiện. Các khâu như hậu cần, an ninh, truyền thanh, phát thanh trực tiếp… đã được củng cố thêm một bước. Các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ du khách cũng đầy đủ và đa dạng hơn trước. Và khi người dân địa phương cảm nhận được sự thu hút của lễ hội đối với du khách thì bắt đầu có một số hộ nghĩ đến việc phát triển ngành nghề du lịch. Điển hình là việc người dân tự quy hoạch và trồng hoa tam giác mạch tại nhiều nơi, đón du khách đến tham quan, chụp ảnh và thu phí. Nếu như trước đây, người dân tại đây chỉ biết trồng lúa, hoa màu và cây thuốc lá…mỗi sào ruộng chỉ có thể đem lại thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu đồng thì nay, đã có hộ trồng hoa tam giác mạch và thu về 40 – 50 triệu đồng/sào ruộng. Nhiều khu đất hoang, đất cằn cỗi tại các thung lũng sâu trước đây có thể bị bỏ hoang thì nay đã được nhiều hộ gia đình chú tâm chăm bón hoa tam giác mạch, thu lợi chính đáng trên mảnh đất vốn không mấy màu mỡ của chính mình. Thói quen sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân đã và đang từng bước được thay đổi. Và sự thật là, nếu trước năm 2012, hầu như rất ít người biết đến xã Trấn Yên thì nay địa danh này đã và đang từng bước thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, đặc biệt là trong mùa lễ hội.
Trong quá trình tổ chức, định kỳ hàng năm, Ban tổ chức lễ hội Ná Nhèm luôn tổ chức họp đánh giá, kiểm điểm các công việc cụ thể, sâu sắc để kịp thời rút kinh nghiệm, sao cho lễ hội năm sau được tổ chức tốt hơn. Tuy nhiên, do bản chất đây là lễ hội của làng, nên không thể tránh khỏi những câu chuyện vướng mắc nảy sinh. Điều này do một số yếu tố sau chi phối:
- Thứ nhất: Các sáng tạo văn hóa dân gian trong lễ hội chủ yếu là truyền khẩu, ngoại trừ hệ thống các bài hát trong trò diễn sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục được ông Lềnh Tròn ghi chép lại từ năm 1939 bằng chữ Nôm tày. Do đó, cho dù đã được sưu tầm khá bài bản, chi tiết, nhưng tùy từng năm, có khi màn đối đáp trong lúc cung tiến lễ vật cho đức Vua (bao gồm: - ống nước Tiên, tàng thinh – mặt nguyệt, cây lúa, cây ngô, cây bông, cây khoai, kém tằm…) lại được các cụ “sáng tạo, bổ sung, thêm bớt” theo chủ ý cá nhân (đã có trường hợp khi tổng duyệt thì tốt, khi diễn chính thức thì lại bị tự biến đổi). Bởi các cụ có thể chưa thật “tâm phục, khẩu phục” các nội dung đã được sưu tầm, ghi chép lại hoặc cũng có thể theo ý cá nhân, các cụ nghĩ phải nói như vậy mới đúng...
- Thứ hai: Ông chủ tế trong lễ hội (ông Mo) chỉ được xin phép gieo quẻ và thực hiện theo từng khóa cụ thể. Do đó, mỗi khi lễ hội có ông Mo mới, ông sẽ phải tự học lại các bài bản trong lễ cúng. Cách làm tuần tự này cũng là cách để di sản văn hóa được trao truyền rộng hơn, nhưng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ cho ông chủ tế, một nhân vật quan trọng của lễ hội trong quá trình hành lễ.
- Thứ ba: Theo lệ xưa, những gia đình trong năm có việc tang sẽ tuyệt đối không được tham dự lễ hội. Do đó, hàng năm tại cửa đình Làng Mỏ thường có sự thay đổi vai diễn, khiến công tác tập luyện, chuẩn bị cho lễ hội phải tiến hành lại.
- Thứ tư: Theo quy định, mọi công việc trong bản (hàng phe – bao gồm các thôn nằm trong khu vực cửa đình Làng Mỏ) được đặt dưới sự điều hành chung của khóa lềnh (bao gồm các việc như tang ma, tu sửa đình miếu, tổ chức lễ hội). Đứng đầu là một ông Lềnh trưởng (việc cử lềnh trưởng khi nam giới tròn 60 tuổi được tiến hành thông qua việc xin âm dương tại đình Làng Mỏ vào ngày mồng 1 tết). Sau 2 năm, khóa Lềnh sẽ thay đổi. Việc thay đổi này ít nhiều cũng ảnh hưởng tới quá trình tổ chức lễ hội như: - việc phân công chuẩn bị nhân lực, vật lực, kinh nghiệm tổ chức tập luyện, biểu diễn…
Đó là một số khó khăn trong quá trình tổ chức và duy trì lễ hội định kỳ hàng năm ở địa phương. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm của chính quyền và người dân địa phương, lễ hội Ná Nhèm đã từng bước được tổ chức hoàn thiện hơn cả về nội dung, cách thức và quy mô. Bằng chứng của việc này là số lượng khách thập phương về tham dự lễ hội hàng năm ngày một nhiều hơn, đông vui hơn.

3. Từ Lễ hội Ná Nhèm cho đến câu chuyện kết nối dòng họ
Khoảng giữa năm 2015, khi được biết Lễ hội Ná Nhèm đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia, thông qua kết quả nghiên cứu của cá nhân sau 4 năm lăn lộn, trăn trở với vùng đất này, tôi đến gặp anh Phan Đăng Long – nguyên Giám đốc Sở VHTT, Phó ban thường trực Ban tuyên giáo Thành ủy, Phó chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hà Nôi đồng thời là Trưởng ban liên lạc họ Mạc Hà Nội.
Từ những nhận biết ban đầu của tôi về Lễ hội Ná Nhèm và sự liên quan của họ Hoàng, họ Bế ở cửa đình Làng Mỏ đến gốc tích họ Mạc, chúng tôi và đại diện UBND huyện Bắc Sơn đã được tham gia lễ gắn biển tên đường phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông và tham dự vào một số cuộc trao đổi về nguồn gốc con cháu họ Mạc rất có ý nghĩa. Sau gần 3 tháng sắp lịch, ngày 16/12/2015 tôi, TS. Phan Đăng Long Phó chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam – Trưởng ban liên lạc họ Mạc tại Hà Nội, anh Hoàng Minh Tuấn – Phó ban liên lạc họ Mạc Hà Nội, PGS-TS. Phạm Quốc Toàn – Phó ban liên lạc họ Mạc Hà Nội lên đường tới huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Sau khi trao đổi với Đảng ủy, UBND xã Trấn Yên, nơi có lễ hội Ná Nhèm, các anh đã cùng tôi chia sẻ các thông tin từ thực địa. Anh Hoàng Minh Tuấn nói:
- Trong nhiều dòng họ, thì chỉ có họ Hoàng và họ Bế ở cửa đình này có tục thờ nước và có tục thờ “Đức Vua” Miêu Tĩnh. Đó là điều lạ.
Tôi bổ sung: 
- Ngoài tục thờ nước tại bàn thờ của dòng họ vào ngày Tết, còn có tục rước nước về cửa đình cầu khấn “bí mật” trước khi tổ chức lễ hội Ná Nhèm (mặt nhọ). Sau đó, cho dù đình thờ Thành hoàng là đức thánh Cao Sơn – Quý Minh, nhưng khi cúng ông Mo lại cúng là đức vua Cao Quyết. Ở trong đình (bên trên giường thành hoàng) có bày thêm 2 thanh long đao bên cạnh long ngai, bài vị. Khi cung tiến lễ vật thì mọi người cùng hô “vạn tuế” – một câu khẩu ngữ chỉ dành cho Vua chúa đời xưa.
Anh Hoàng Minh Tuấn khi xem đến đạo cụ dành cho trò diễn - thấy có một loạt cây đại đao bằng gỗ (đồng bào ở đây quen gọi là mác, vốn được các thanh niên trong cửa đình Làng Mỏ sử dụng làm đạo cụ trong trò diễn đánh giặc) liền bảo:
- Thái tổ Mạc Đăng Dung khi xưa cũng là người đánh đại đao có tiếng. Ngoài việc trên, các câu hô “vạn tuế”, cách tổ chức trò diễn “sĩ, nông, công, thương” cũng làm tôi liên tưởng tới nhà Mạc. Vì trong lịch sử, một số triều đại trước đó chỉ trọng “nhất sĩ, nhì nông”, còn coi nghề buôn bán là phường lừa gạt. Nhưng kể từ khi lên ngôi, nhà Mạc đã khá coi trọng việc thông thương và mở rộng giao lưu, buôn bán tại các cửa biển. Phải chăng, đó cũng là lý do để tục thờ nước, bao hàm cả sự nuối tiếc vì “mất nước” của một vương triều có lý do cắm rễ ở trong tín ngưỡng vừa hư vừa thực của hai dòng họ ở nơi này ?
Đưa mọi người đi tham quan các địa điễm diễn ra từng nhóm nghi lễ tại Lễ hội Ná Nhèm, anh Phan Đăng Long đại diện đoàn đã thắp hương dâng đến thánh thần và tiên tổ tại cửa đình Làng Mỏ cuốn sách “Vương triều Mạc với sự nghiệp canh tân đất nước” trong niềm kính trọng. Trở về nhà, trong khi chuẩn bị ăn trưa tại làng Mỏ cùng đại diện các cô bác, anh em hai họ, chúng tôi được các cụ cho biết thêm hai thông tin quan trọng:
Một là, quần áo và nghi lễ tang của họ Hoàng và họ Bế ở đây có nhiều điểm giống nghi thức tang lễ của vua chúa. Các cụ đã nhận ra điều ấy khi xem phim lịch sử.
Hai là, các bậc tiền nhân luôn nhắc con cháu giữ bí mật về dòng họ, nếu nhỡ nói ra “sẽ bị chém đầu”. Lời truyền đó vẫn được truyền đến tận hôm nay. Qua cuộc làm việc này, những người trong họ sẽ về tìm hiểu thêm qua các bậc cao tuổi, để nếu ai đó còn gia phả, sấm truyền…thì cùng thông báo cho UBND xã Trấn Yên và Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội, để việc xác định gốc họ cho dòng họ nơi này được cụ thể và chính xác hơn. Và đó là tất cả những gì mở đầu cho một sự kết nối thiêng liêng.

4. Lễ hội Ná Nhèm năm 2016
Ngày 15 tháng Giêng năm Bính Thân (2016), BTC Lễ hội Ná Nhèm long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Ná Nhèm”. Niềm vinh dự trên còn được bổ sung bằng sự  hiện diện của đông đảo con cháu họ Mạc tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội và Hải Phòng. Lễ hội Ná Nhèm đã phát huy rõ sức mạnh kết nối dòng họ, cộng đồng trong diễn trình vận động và phát triển của 1 di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt. Bởi từ sáng tạo của họ Hoàng, họ Bế khi xưa, nay Lễ hội đã trở thành tài sản văn hóa chung của cộng đồng nhân dân các dân tộc Bắc Sơn nói chung và Trấn Yên nói riêng.
Sự kiện tổ chức Lễ hội Ná Nhèm năm 2016 còn được bổ sung bằng việc Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội đưa dàn trống võ của Câu lạc bộ Huấn luyện và Biểu diễn Võ thuật Vương triều Mạc của thành phố Hải Phòng lên biểu diễn tại lễ đón nhận danh hiệu “Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ hội Ná Nhèm”. Người dân địa phương đã vô cùng hào hứng khi nhìn thấy thanh đại đao huyền thoại qua mô phỏng của môn sinh tại võ đường của Câu lạc bộ, được biết đến tinh thần thượng võ của con cháu họ Mạc muôn phương…Màn biểu diễn hay đến nỗi nhiều người mải xem “quên chụp ảnh”.
Ngoài nội dung trên, một số trò diễn cũng được Ban tổ chức lễ hội rà soát lại, giao cho một người đọc để tránh sự thêm bớt tùy hứng của các bô lão. Trang phục lễ hội cũng được bổ sung thêm, nhằm làm tăng thêm diện mạo cho ngày lễ.
Một chi tiết trong lễ hội cũng được chế tác cho hoàn chỉnh hơn, đó là cái “tàng thinh – mặt nguyệt” (sinh thực khí nam nữ). Cần phải nói thêm là, ngay từ năm 2012, năm đầu tiên phục dựng lễ hội, cái tàng thinh đã được đẽo gọt và nhuộm sơn đỏ… Liên tục những năm sau đó, năm nào mọi người cũng cố gắng tạo hình cho cặp sinh thực khí này, vì dù là đồ linh thiêng, dùng để cung tiến cho đức Vua, nhưng nó cũng luôn là tâm điểm chú ý của du khách khi đến dự hội. Có người còn nhầm nó với tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội Trò Trám “linh tinh tình phộc”… Vì là lễ hội làng, nên người dân sở tại sẽ biết rõ năm nay, ông thợ mộc nào là “tác giả” của cái “tàng thinh – mặt nguyệt”. Do đó, ngay từ khi tổ chức lễ hội, cộng đồng đã xúm vào khen chê, và thường thì khen ít, chê nhiều do mẫu mã của tàng thinh “không đúng” hoặc “không bắt mắt”…. Các lời đàm tiếu đó nhiều khi còn len cả vào các cuộc rượu vui trong năm, khiến “tác giả - khổ chủ” của tàng thinh – mặt nguyệt không khỏi áy náy, khó chịu mỗi khi phải chia sẻ, giải thích về tay nghề, mẫu mã và trách nhiệm khi được giao thực hiện…. Câu chuyện này ít nhiều cũng tạo tâm lý cho bất cứ ai tham gia chế tác “tàng thinh – mặt nguyệt” tại lễ hội Ná Nhèm.
Và sự thực là từ 2012 đến 2015, càng hoàn thiện thì mẫu mã “tàng thinh – mặt nguyệt” càng xấu, càng không làm vừa lòng khán giả khi dự hội. Xin bạn đọc cùng xem ảnh:


Tàng thinh năm 2012


Tàng thinh – mặt nguyệt năm 2013


Tàng thinh năm 2014


Tàng thinh – Mặt nguyệt năm 2015. Do cố gắng chế tác cho gần giống với nguyên mẫu theo kiểu chắp vá, nên tàng thinh năm 2015 có lẽ là chiếc tàng thinh xấu nhất kể từ khi phục dựng lễ hội Ná Nhèm.



Tàng thinh – mặt nguyệt tại Lễ hội Ná Nhèm năm 2016. Màu sơn tàng thinh được sử dụng giống màu sơn năm 2014. Chính vì sự trùng hợp ngẫu nhiên này mà báo chí đã bóp méo Lễ hội Ná Nhèm thành lễ hội “rước của quý” và nói rằng BTC và người dân ở đây bắt chiếc Nhật Bản. Tại lễ hội, nó là tâm điểm thu hút rất nhiều niềm vui và tiếng cười, chứ chả hề có ai “quay mặt đi” như một báo cáo nào đó đã đề cập đến. Người ta chỉ “quay đi” khi tiếp cận với các thông tin thiếu đầy đủ về lễ hội trên truyền thông, đặc biệt là truyền thông qua mạng internet.
Qua việc so sánh mẫu mã trên, có thể thấy rõ về mặt tạo hình, chiếc tàng thinh – mặt nguyệt năm 2016 “bắt mắt” hơn rất nhiều so với các năm trước đó. Tuy nhiên, cần nói rõ rằng đây là một trong nhiều lễ vật được người dân tại cửa đình Làng Mỏ dùng để cung tiến cho đức Vua chứ không phải là một trò diễn thông thường. Và từ sức ép tâm lý của những người tham gia chế tác “tàng thinh – mặt nguyệt” mấy năm trước đó, nên năm 2016 nó đã được chế tác khá hoàn chỉnh theo nguyên mẫu. Điều này do mấy yếu tố sau:
Thứ nhất: Những người chế tác không có nguyên mẫu từ trước, ngoại trừ tư duy trực quan. Việc hình thành một biểu tượng cho sinh thực khí nam nữ cho cộng đồng trên thực tế không hề dễ dàng. Đơn cử như cái Linga và Yôni của người Chăm, để có được tạo hình đó, trí tuệ của cả một dân tộc cũng được tích lũy và điều chỉnh sau nhiều thế kỷ chứ không thể là câu chuyện ngày 1, ngày 2.
Thứ hai: Quá trình hoàn thiện mẫu mã sau 4 năm cho thấy: - càng hoàn thiện càng hỏng. Và những người chế tác cũng như chúng tôi và BTC lễ hội không có cách nào khác là chế tác giống với nguyên mẫu. Đợi sự phản hồi ý kiến của du khách để tiếp tục chỉnh sửa trong những năm tiếp theo.
Thứ ba: Những năm trước đó, do câu chuyện nghiên cứu về họ Mạc và các cách biểu đạt di sản văn hóa của nhiều dòng họ Mạc trong cá nhân tôi còn hạn chế, nên báo chí nếu có phản ảnh về lễ hội cũng chỉ mô tả chung chung. Đến năm 2016, khi biết chắc chắn miếu thờ vua Miêu Tĩnh tại mỏ nước Bó Vằn chính là miếu thờ đức vua Mạc Thái Tổ trong thời kỳ làm Thái Thượng Hoàng ở Dương Kinh thì các tầng văn hóa của lễ hội bắt đầu được giải mã. Có thể hình dung lễ hội qua 7 cụm công việc chính như sau:
- Cụm 1: Chiều ngày 14 âm lịch. Lễ Mộc dục – Tắm rửa, tẩy uế, xin âm dương để nhập các đồ lễ như ống đựng nước tiên, cây thiên tuế, cây lúa, cây ngô, cây khoai sọ, cây bong, kén tằm, tàng thinh – mặt nguyệt… vào đình Làng Mỏ.
- Cụm 2: Từ khoảng 5h sáng. Rước nước từ miếu thờ vua Miêu Tĩnh (Mạc Thái Tổ) về đình cúng lễ, dâng lên đức vua Cao Quyết. Cúng lợn, gà, rượu thịt, thỉnh mời thần thánh…
- Cụm 3: Từ khoảng 7h – 8h. Lễ rước long ngai, bài vị đức Vua từ đình Làng Mỏ ra đình tạm đặt bên cạnh miếu Xa Vùn để Ngài ngự, xem con cháu đánh trận và cung tiến lễ vật.
- Cụm 4: Từ 8h – 10h. Trò diễn đánh đại đao, gươm mác và cung tiến lễ vật của 2 đoàn quân tướng nước Ngô và nước Lào cho đức Vua. Các đồ dùng để cung tiến bao gồm: - ống nước tiên lấy từ mỏ nước của đức Vua Miêu Tĩnh, cây thiên tuế, cây lúa, cây ngô, cây bông, kén tằm, cây khoai sọ, tàng thinh – mặt nguyệt…
- Cụm 5: Từ 14h – 16h. Trò diễn sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục. Tại lễ hội năm 2016, các nội dung nhân văn trong buổi chiều tổ chức lễ hội không hề được nêu trên báo chí TW. Lý do bắt đầu từ việc các phóng viên của báo Dân Việt, Tri Thức Trẻ (là 2 báo TW có mặt tại lễ hội Ná Nhèm năm 2016) chỉ tập trung duy nhất vào điểm “lễ hội rước của quý khủng nhất Việt Nam” mà sau đó không hề chú ý tới các nội dung nhân văn của lễ hội. Ngay cả ảnh trò diễn đăng trên báo Dân Trí cũng là ảnh của tác giả bài viết này vì lực lượng phóng viên dường như đã mãn nhãn với màn rước sinh thực khí buổi sáng nên yên tâm rút về đâu đó, không tiếp tục ở lại để trải nghiệm trong không gian lễ hội. Và đến đây câu nói “một nửa sự thật không bao giờ là sự thật” lại một lần nữa đúng.
- Cụm 6: Từ 16h30 – 17h. Màn Giáo Thiên lôi của ông tướng, rắc ống nước Tiên của đức Vua ra 4 phương để ban bình an no ấm cho mọi người.
- Cụm 7: Từ 17h00. Rước long ngai bài vị của đức Vua từ đình tạm về đình Làng Mỏ. Kết thúc lễ hội.
Thứ tư: Vì là đồ cung tiến, nên nằm trong xu hướng chung của xã hội, Tàng Thinh năm 2016 được cộng đồng làm to hơn, đẹp hơn... Cùng là linh vật, đơn cử như cái bánh chưng xưa ông Lang Liêu tế tổ nhỏ gọn bằng bàn tay thì nay BTC lễ hội cũng đã làm bánh chưng đến 7 tạ… Việc làng, việc hội cũng cùng tư duy như việc nhà, ấy là nếu cung tiến, cúng tế, ai chả thắp hương, bày lễ con gà to nhất, ngon nhất… Tàng thinh – mặt nguyệt vốn là để cung tiến cho đức Vua trong tâm tưởng, bởi vương triều đã suy vi, khiến con cháu phải thay tên đổi họ và ly tán… Do đó, về bản chất… đây chỉ là việc con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ lớn mạnh, để lại sớm rèn đao, luyện gươm, củng cố sức mạnh từ dòng họ, làng bản cho đến quốc gia (bởi Làng có trước, Nước có sau)… để đức Vua phù hộ cho binh hùng, tướng mạnh, nước Ngô, nước Lào lại sang mà tiến cống….
          Lễ hội Ná Nhèm năm 2016 đã kết thúc trong việc đoàn tụ viên mãn của con cháu dòng họ, gốc họ Mạc của nhiều tỉnh trong cả nước. Nếu cách đây 5 năm, người Bắc Sơn hình dung ra địa danh Trấn Yên là 1 xã vùng đặc biệt khó khăn, heo hút, hiếm khi đặt chân đến thì nay, Ná Nhèm đã trở thành điểm hội tụ cho hàng vạn người tới dự hội, trải nghiệm trong sắc hương của bạt ngàn hoa tam giác mạch mỗi độ xuân về. Đó là giá trị vững bền mà lễ hội đem lại cho mảnh đất, con người nơi này. Những câu chuyện, giá trị thực tế mà trước khi lễ hội Ná Nhèm được khôi phục, người dân cũng như các cấp lãnh đạo chưa khi nào dám nghĩ tới.
          5. Từ câu chuyện kết nối dòng họ, kết nối cộng đồng trong quá trình bảo tồn và phát triển, suy nghĩ về tương lai
          Ngày 26/4/2016, sau quá trình kết nối, UBND xã Trấn Yên cùng các trưởng thôn trong xã đã tham gia tìm hiểu thực tế tại Hà Nội và Hải Phòng. Ban liên lạc họ Mạc của Hà Nội, Hải Phòng đã nhiệt tình giúp đỡ địa phương trong quá trình tìm hiểu thực tế. Tại từ đường thờ Mạc Thái Tổ ở Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng – đại diện Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng thốt lên: “trên 400 năm, họ Hoàng, họ Bế từ rừng thiêng, núi thẳm tìm về gốc tổ”. Đâu đó, đã có giọt nước mắt nghẹn ngào rơi trong tâm tưởng của những người con tha hương nơi đất khách. Và câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Sau đợt đi thực tế, UBND xã đã bắt đầu đưa hơn 30 con em của mình xuống Hải Phòng làm việc tại Tập đoàn kinh tế PLACO do anh Hoàng Văn Khánh (gốc họ Mạc, nhánh của thủ lĩnh Hoàng Công Chất ở vùng Điện Biên) làm Tổng giám đốc tiếp nhận với mức lương bình quân khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng. Người dân ở Trấn Yên lúc này bắt đầu nói “con/cháu… đi làm cho công ty họ Mạc ở Hải Phòng”… Giá trị nhân văn của lễ hội Ná Nhèm tiếp tục được tìm thấy ở câu chuyện kết nối cộng đồng, dòng họ…
          Ngày 22 tháng 8 âm lịch năm 2016, kỷ niệm 475 năm ngày Đức Mạc Thái Tổ băng hà tại từ đường họ Mạc Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng.. gần 30 anh em địa phương, trong đó có cả cụ ông, cụ bà tuổi đã gần 80… hành hương về Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội và về Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng bái tổ trình nhập gia đinh dòng họ. Tại đây, họ đã được tự tay mình thắp nén nhang, bày gói xôi cẩm mang từ núi rừng Trấn Yên (mảnh đất trấn sở yên bình) rưng rưng lễ tổ. Và ở đây, tự các cụ nhận ra rằng mặc dù mình là người Tày, nhưng lối đi đứng, các tuần tế cho vua quan, cho người đã mất … trong đám tế cũng y hệt như người Kinh ở Cổ Trai, các bài bản cúng lễ cũng có tương đồng về nội dung. Trong việc tang, quan tài của người đã mất cũng được xoay ngang dưới bàn thờ…. Các mật mã riêng có của dòng họ đã tự lên tiếng, như một điểm nút để người dân tự so sánh mà không cần thêm tí kiến thức hàn lâm kinh viện nào của các nhà khoa học. Tàn lễ cúng cáo yết tối 21/8, họ đến nhà anh em ở Cổ Trai nghỉ ngơi, nói câu chuyện và lại mời nhau xuân này về với Trấn Yên, đến nhà nhau chung vui chứ chả cần đến nhà khách của UBND làm gì nữa.
          Từ sự tự nguyện gắn kết, lễ hội Ná Nhèm đã từng bước tạo ra sức mạnh nội sinh cho vùng đất trấn sở rất đỗi yên bình này.

          6. Một số công việc cần làm trong thời gian tới
          Dù có mặt trái trong câu chuyện truyền thông năm 2016, nhưng chắc chắn BTC Lễ hội Ná Nhèm năm 2017 cũng sẽ phải thầm cảm ơn truyền thông vì trò giật tít, câu like… nhằm tạo sự chú ý cho độc giả. Nếu như khán giả năm 2016 vừa qua mới đạt mức khoảng 2 vạn người thì năm 2017, con số đó sẽ gấp khoảng 5 lần. Vậy cần phải làm gì khi mùa lễ hội đang tới gần, theo chúng tôi, cần làm ngay một số công việc sau:
          Thứ nhất: Xây dựng chương trình truyền thông về các nội dung của Lễ hội một cách bài bản và có quy củ. Gắn chặt việc truyền thông này với chương trình khai thác, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương. Kiểm tra, có chế độ giám sát và quản lý tốt các địa điểm hiện đang trồng hoa tam giác mạch, làm nhà sàn cộng đồng… và tổ chức khai thác du lịch. Có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân ở khu cửa đình Làng Mỏ đăng ký sửa sang lại nhà cửa để tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng.
          Thứ hai: Khẩn trương tu sửa lại hệ thống cơ sở thờ tự. Đây là câu chuyện khá khó, cần có sự triển khai đồng bộ: - Sở VHTT&DL cần khẩn trương xây dựng hồ sơ trích ngang và hồ sơ khoa học trình Bộ VHTT&DL công nhận cụm di tích đình Làng Mỏ là di tích cấp quốc gia vì di tích không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật mà còn có giá trị lịch sử bởi các nhân vật được thờ phụng tại đây; UBND huyện báo cáo UBND tỉnh, xin chủ trương tu sửa cấp thiết cho di tích cấp tỉnh Đình Làng Mỏ khi ngày tổ chức lễ hội Ná Nhèm đang đến rất gần.
          Thứ ba: Địa phương cần sớm thành lập riêng một Ban quản lý cụm di tích – lễ hội. Hàng năm dành một nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác duy tu, bảo dưỡng cơ sở thờ tự. Kinh phí này được trích từ nguồn kinh phí xã hội hóa hàng năm tại Lễ hội Ná Nhèm.
          Thứ tư: Đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho triển khai dự án tu bổ cụm di tích đình Làng Mỏ và cấp một phần nhỏ kinh phí theo kiểu vốn mồi (do hiện tại đình Làng Mỏ đã được công nhận là di tích cấp tỉnh). Phần còn lại địa phương sẽ huy động các nguồn lực từ trong dân và nguồn lực tổng hợp từ Ban liên lạc Họ Mạc các tỉnh, thành phố trong cả nước. Bởi hiện tại, đình Làng Mỏ đã gẫy 1 thanh quá giang, sắp sập. Nếu để đình sập, có lẽ phải cần đến hàng chục tỉ đồng mới dựng lại được. Và đó là câu chuyện rất khó khăn với địa phương và người dân nơi đây.
          Thứ năm: Khẩn trương tu tạo lại mạch nước, nguồn nước tại miếu Mỏ Vằn. Không để người dân giặt giũ tại mỏ nước Bó Vằn mà chuyển sang khu vực Bó Mèo như truóc đây. Việc tu tạo lại sẽ khiến nơi này có thêm một địa điểm tâm linh: - nước đầu nguồn của giếng thiêng, nước của đức vua Mạc Thái Tổ.
          Thứ 6: Lễ hội được tổ chức là một cơ hội để quảng bá các nguồn lực của địa phương. Do đó, UBND huyện Bắc Sơn cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổ chức hội chợ và quảng bá nguồn lực, tiềm năng của địa phương nhằm tích cực phát triển đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội của huyện với các tỉnh, thành trong cả nước.
          Đó là đôi dòng tâm tư của cá nhân sau 5 năm trực tiếp gắn bó và lăn lộn với vùng đất này, vùng đất mà tôi luôn được người dân gọi bằng cái tên trìu mến “cái ông Ná Nhèm”, vùng đất mà từ lâu, tôi đã tự coi nó như quê hương thứ 2 của chính mình.

Hà Nội – Bắc Sơn, đầu Đông 2016.

Đăng tải: BBT Mactoc.com - HSH


[1] Chỉ 1 chi tiết này cũng đủ để thấy Di sản văn hóa Phi vật thể, nếu chưa được khôi phục, bảo tồn thì sẽ tồn tại mong manh như thế nào.

http://mactoc.com/newsdetail/3642/le-hoi-na-nhem-qua-khu-hien-tai-va-tuong-lai.aspx



---


BỔ SUNG



2.



(22/02/2016 13:59) 
   Bình chọn
LSO- Sau 4 năm được phục dựng và duy trì tổ chức, lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn ngày càng khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương. Với những giá trị to lớn của lễ hội, ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1877/QĐ-BVHTT&DL công nhận lễ hội Ná Nhèm là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Các ông tướng, phó tướng trong lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn
Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm với nghi thức, nghi lễ thờ cúng đức vua Miêu Tĩnh, đức vua Cao Quyết, đức thánh Cao Sơn – Quý Minh đại vương, mong ước các đức vua, các thánh thần cùng phù hộ cho mọi người khoẻ mạnh, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn. Gắn liền với các tích truyền ấy là câu chuyện đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn của người Tày, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn.
Trước đây, lễ hội Ná Nhèm được tổ chức 3 năm một lần, nhưng từ năm 2012 đến nay, lễ hội được duy trì mỗi năm tổ chức một lần. Trong ký ức của mình, các cụ Hoàng Thanh Tiến, thôn Pá Trí, Hoàng Văn An và cụ Bế Văn Ứng thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên... nhớ lại khi họ còn là những thanh thiếu niên đã được tham gia lễ hội, đóng vai quân lính, trẻ chăn trâu trong đám rước quân, cùng với tài liệu sưu tầm được, lễ hội ngày nay về nội dung cơ bản đã được phục dựng giống như lễ hội truyền thống xưa kia.
Điều đặc biệt của lễ hội Ná Nhèm là những người tham dự phải bôi nhọ lên mặt thể hiện hình dạng của bọn giặc Tài Ngàn khi còn sống. Bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng hồn ma giặc và không con ma nào biết ai đã diễn lại sự thất bại của chúng trước dân làng mà về bắt, gây tai họa và dịch bệnh nữa.
Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức từ rạng sáng cho tới lúc trời tối. Ngay từ sáng sớm, các nghi thức cúng, tế, và rước nước từ miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh tại mỏ nước Bó Vằn về đình làng Mỏ;  nghi lễ cúng tế tại đình làng Mỏ (thờ đức vua Cao Quyết “Uy Linh Tỉnh Khuê” và miếu Xa Vùn (thờ đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh” được các ông mo, ông hội thực hiện nghiêm cẩn.
Những người lần đầu tiên đi hội Ná Nhèm không khỏi ngạc nhiên trước những nghi lễ của đám rước long ngai, bài vị và chương trình đánh đại đao, gươm mác, rước linh vật. Những linh vật cung tiễn không phải là cỗ xôi, con gà, con lợn mà là các loại cây giống và độc đáo hơn còn có Tàng thinh - Mặt nguyệt - linh vật sinh thực khí. Đến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức trò diễn sỹ - nông -công - thương, ngư - tiều - canh - mục (kén dâu, kén rể) và các môn thể thao truyền thống như bịt mắt bắt dê, chơi đu, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng... Trước khi kết thúc lễ hội là tiết mục Giáo thiên lôi của các ông tướng, ban bình an, no ấm, phúc lộc cho mọi người.
Lễ hội Ná Nhèm có rất nhiều giá trị mang ý nghĩa lịch sử của cộng đồng dân tộc, lịch sử cư trú tộc người, lịch sử các ngành nghề, phong tục tập quán, các trò chơi, trò diễn và lễ nghi… tất cả như được sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền trong cả nước. Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa tổng hợp không những chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống mà thông qua các hoạt động đó giáo dục truyền thống, chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo những tinh hoa của cộng đồng, của dân tộc.
Nét đặc trưng nổi bật nhất cũng là nét văn hóa tiêu biểu nhất đó là tính cộng đồng và cố kết cộng đồng tộc người. Tính cố kết cộng đồng còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa những người trong bản, trong xã được gắn kết lại với nhau do cùng chung tín ngưỡng là thờ Thành Hoàng và Thần Nông và theo quan niệm dân gian của đồng bào Tày - Nùng ở đây thì các vị thần đó là thế lực siêu nhiên và quyền năng cao nhất, nắm bắt vận mệnh và bảo hộ cho cả cộng đồng làng bản.
Năm nay, lễ hội Ná Nhèm được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là lễ hội tổ chức điểm của tỉnh. Thông qua lễ hội nhằm phát huy, giữ gìn và quảng bá truyền thống văn hóa của quê hương; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có dịp giao lưu, sáng tạo các loại hình văn hóa, góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài, ảnh: MINH LÝ (Đài Bắc Sơn)


http://baolangson.vn/tin-bai/Du-lich/le-hoi-na-nhem-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/30-39-90088


1.



Thứ Tư, 24/2/2016 07:19 GMT+7

(PLO) - Rước "của quý" là nghi thức trong lễ hội xuân Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về nghi thức này.
Tranh cãi nghi thức rước "của quý" tại lễ hội ở Lạng Sơn
Nghi lễ rước linh vật được mô phỏng giống bộ phận sinh dục nam gây tranh cãi (Ảnh: TTT)
lễ hội, có một nghi thức mô phỏng hình dáng bộ phận sinh dục nam được làm từ gỗ nghiến dài khoảng 1 mét, nặng 80kg được rước đi.
Tục truyền, xưa có một toán giặc Tấc Tài Ngàn, hay còn gọi là giặc răng đỏ, đến chiếm đóng tại ngôi miếu thờ Thành hoàng Đức Cao Sơn ở sườn đồi Khau Dạ Háy (xã Trấn Yên). 
Chúng bắt con gái của dân làng lên giặt giũ, nấu ăn, ban đêm thắt miệng túi cho bọn chúng ngủ.
Lũ giặc còn làm một cái trống to, đêm xuống, chúng bắt các cô gái dắt dê lên mặt trống để giẫm tạo ra âm thanh dồn dập như xông trận làm dân làng hoang mang lo sợ. 
Ban ngày, chúng xuống làng giết người, cướp bóc của cải khiến dân làng căm phẫn.
Để giết giặc, dân làng đã bày mưu cho các cô gái phục vụ buộc miệng túi thật chặt khi giặc ngủ rồi làm ám hiệu cho dân làng biết để lên diệt giặc, quăng xuống suối Phai Huấn.
Không lâu sau trong làng xuất hiện dịch bệnh lạ, làm nhiều người và vật nuôi bị chết, hạn hán xảy ra liên miên. 
Tại gần ngôi miếu Xa Vùn xuất hiện một tổ ong chúa rất lớn, hễ người và gia súc đi qua đều bị ong đốt chết. Thầy mo cho rằng giặc chết vào giờ linh không được cúng tế cho ăn nên chúng quậy phá.
Thời gian sau, dân làng đã tổ chức lễ hội Ná Nhèm cúng tế Thành hoàng và tục hèm đánh trận mô tả lại quá trình chống giặc của người dân. 
Trong lễ hội có màn rước sinh thực khí nam và sinh thực khí nữ để thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, cầu mong cho cuộc sống đầy đủ, ấm no.
Sau khi những hình ảnh, thông tin về lễ hội Ná Nhèm được đăng tải trên một số báo và trang tin, nhiều cư dân mạng bày tỏ ý kiến trái chiều về nghi thức này.
Một tài khoản facebook, bày tỏ: “Lại là ăn theo nước ngoài…”
Tài khoản khác, bình luận: “Buồn cho lễ hội”.
“Việt Nam bây giờ bị “bội thực” lễ hội, làng nào thôn nào cũng tự “són” ra một cái lễ hội và gọi đó là truyền thống. Theo thống kê thì số lễ hội trong năm khoảng hơn 8.000, thật là không thể tin được. Vác thực khí đi lòng vòng cũng là nét văn hóa thì cũng đủ hiểu… nó tào lao cỡ nào”, có tài khoản tỏ ra băn khoăn. 
Tài khoản khác thì viết: “Thế mà em tưởng họ đang cố gắng kéo khách du lịch. Thôi thì nếu làng bản nhờ vậy có thêm ít khách du lịch, đời sống khấm khá hơn thì cũng tốt mà”.
“Làm du lịch nó phải có chiến lược, kế hoạch đàng hoàng chứ đâu phải cái kiểu này. Mấy cái kiểu này giống tự sướng nhiều hơn”, một cư dân mạng phản biện.
Một nick name đáp lại: “Thế nhưng mà chờ Nhà nước lâu lắm, nên dân toàn tự phát mà bác (hiệu quả thì ko rõ lắm). Nhưng cái kiểu nhìn chỗ khác người ta phát triển du lịch giàu lên, thì làng cũng nhảy ra úm ba la xì bừa cho nó máu mặt (biết đâu giàu lên thật).
Cư dân mạng khác tỏ ý ủng hộ: “Bạn nói quá đúng với thực trạng hiện nay, mà đôi khi họ “rặn” ra cái lễ hội cũng chẳng phải vì du lịch mà cho bằng anh bằng em kiểu như làng này có truyền thống chẳng lẽ làng mình không à?...
Trên nhiều diễn đàn, cư dân mạng có người ủng hộ cho rằng đó là nghi thức trong lễ hội được lưu truyền nhiều đời, cần gìn giữ như một nét đẹp tự nhiên trong lễ hội. Song cũng không ít quan điểm cho rằng, đã là lễ hội thì phải thể hiện nét đẹp văn hóa theo hướng nhân văn một cách “có văn hóa nhất”. 
“Có những nghi thức lâu đời nhưng phản cảm, thiếu tế nhị thì phải thay đổi cho phù hợp. Không phải cứ lâu đời thì phải duy trì. Như lễ hội Ném Thượng ở Bắc Ninh năm nay vẫn duy trì nghi thức chém lợn nhưng không mang ra giữa đình, mà chém trong vùng quây bạt”, một cư dân mạng bình luận.
Những hình ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ, bình luận sôi nổi với nhiều ý kiến:
"Không tham khảo linh vật của Nhật Bản"
Ông Hoàng Văn Chất, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) cho biết lễ hội Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”, được phục dựng 5 năm nay.
Các diễn viên tham gia đều bôi mặt nhọ với ý nghĩa nhằm đánh lạc hướng những linh hồn giặc, sẽ không còn con ma nào biết ai diễn lại hình dạng và thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh. 
Lễ hội nhằm phát huy những nét truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa lễ hội của cộng đồng.
Vị chủ tịch xã chia sẻ: “Điểm đặc sắc nhất của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn”.
Ở Nhật Bản, lễ hội “rước của quý” cũng được biết đến là một trong những ngày hội độc - lạ nhất thế giới, được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng Tư hàng năm với cái tên “Kanamara Matsuri” (Lễ hội dương vật thép).
Lễ để thờ vị tổ nghề rèn sắt thép, vị thần có công chế tác ra các mô hình sinh thực khí nam, tiêu diệt ma quỷ chuyên quấy nhiễu, chọc ghẹo các cô gái trẻ. Kanamara Matsuri có từ thế kỷ thứ 17 và được người dân lưu truyền, gìn giữ đến nay.
Trả lời trên Danviet , ông Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), một trong những người tham gia phục dựng lại lễ hội Ná Nhèm cho biết, lễ hội Ná Nhèm bị lãng quên từ năm 1963 và đến năm 2012 mới phục dựng lại.
Trong đó, nhiều người có liên tưởng tàng thinh (sinh thực khí nam) giống của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Năng nói: “Tôi xin khẳng định, tôi cùng các cụ bô lão trong làng Mỏ (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) phục dựng lại và không tham khảo linh vật của Nhật Bản”.
Quang Minh

http://baophapluat.vn/ngot-ngao/tranh-cai-nghi-thuc-ruoc-cua-quy-tai-le-hoi-o-lang-son-263188.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.