Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/08/2016

Chuyện du học ở Nga thời con gái cụ Lê Duẩn (dịch giả Phan Độc Lập)

Dịch giả Phan Độc Lập là người đã chuyển ngữ toàn văn hồi kí của giáo sư Maslov về người vợ Lê Vũ Anh (con gái cụ Lê Duẩn) từ tiếng Nga sang tiếng Việt (đã đăng trọn ở đây).

Tôi tạm đoán Phan ở vào thế hệ muộn hơn một chút cả về tuổi đời, cả về năm tới Liên Xô (cũ), so với bà Lê Vũ Anh (bà sinh khoảng năm 1950). Bà Lê Vũ Anh là ngang ngang với thế hệ của bà thân tôi. Bởi vậy, Phan có thể xem như thuộc thế hệ dì hay cậu của tôi.

Sau khi dịch xong toàn bộ hồi kí của Maslov, dịch giả Phan Độc Lập đã viết một ít dòng hồi tưởng, hay tâm sự, như ở dưới.

Từ đây trở xuống là nguyên văn từ Fb của Phan. Xin chân thành cảm ơn ông đã cất công dịch một tư liệu giá trị.



---





"

Về câu chuyện tình của viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Nga Vicktor Maslop và Lê Vũ Anh tôi cũng đã được nghe từ lâu. Thật tình mọi thứ được nghe đều chỉ lõm ba, lõm bõm, không biết đâu vào đâu nữa. Một hôm nhờ bạn tôi là tiến sỹ Dung Le, một chuyên gia về điện hạt nhân, công tác ở Bộ Khoa học và Công nghệ sưu tầm được bản hồi ký và đăng lên tường của bạn ấy, nên tôi mới có cái để đọc.. Đọc hết bản nguyên gốc có 19 kỳ nhưng quả thật vất vả quá trời luôn, phải mất mấy ngày mới xem xong. Viện sỹ dùng nhiều từ và kết cấu câu không thông dụng cho người nước ngoài nên khó hiểu quá. Tôi nảy sinh ý tưởng phải chuyển thể sang tiếng Việt để mọi người đọc vì một mối tình quá ly kỳ, có bi, có thương và có hậu. Một câu chuyện tình “Romeo và Rulieta thời hiện đại”. Hôm nay, dịch xong toàn bộ hồi ký này tôi cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát như mình cũng có tâm trạng như Viện sỹ vậy khi nhìn thấy con cái đã trưởng thành, đã phần nào hoàn thành tâm niệm của người đã khuất. Một khía cạnh quan trọng của câu chuyện này nó nhắc cho thế hệ lưu học sinh chúng tôi những kỷ niệm khó quên trong các thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước về những quy định nội bộ, mà đến bây giờ thế hệ sau này nghe đến lại tưởng mình đang nghe chuyện tiếu lâm.

Hồi ấy, thế hệ chúng tôi phần lớn ở tuổi 17, cái tuổi mới lớn còn ngô nghê lắm mà đã phải xa nhà sang những phương trời xa lắc, xa lơ để tìm kiếm kiến thức về xây dựng đất nước sau chiến tranh. Ngố đến mức khi tàu hỏa chạy qua Đồng Đăng, trong túi còn tiền đồng, sợ ra nước ngoài hải quan người ta tịch thu hết nên có đồng nào là vứt qua cửa sổ hết, bởi đơn giản nghĩ rằng, thà để cho người nào trong nước nhặt được tiêu còn hơn là bị người nước ngoài chiếm giữ.

Chuyện yêu nhau về trước nữa bị cấm ngặt, kể cả sinh viên Việt Nam với nhau. Hình như các chú Sứ sợ các cháu yêu nhau rồi không tập trung học tập được. Hầu hết có yêu nhau thì phải giữ bí mật không cho ai biết, mãi về sau này thì có đỡ hơn. Còn yêu người nước ngoài thì khỏi phải nói, đọc chuyện này mọi người đã thấy nó khắc nghiệt thế nào rồi. Lê Vũ Anh đã mở đầu làm được một cuộc cách mạng trong tình yêu của giới lưu học sinh.Có một điểm đặc biệt là do sợ bị đuổi về lỡ dính…, mà hồi đó ở Liên Xô các bao… không thấy bán nên các đôi có yêu nhau cũng phải “nhịn” chứ không dám “tung hoành” như thế hệ bây giờ. Ngay cả thoáng như Tây mà Vũ Anh chỉ dám “tặng” người yêu tây của mình khi đã tuyệt vọng, buộc phải tìm giải pháp “chống lầy”. Thằng bạn tôi, có người yêu trong suốt 5 năm học đại học. Cứ đến kỳ nghỉ hè là chàng mò xuống chỗ thành phố nàng học ăn ở dầm, dề gần 3 tháng, còn nàng đến kỳ nghỉ đông lại lên thành phố chàng học để đáp lễ gần 2 tuần. Đêm nào cũng chung giường, chung chăn, vậy mà sau 5 năm, khi về nước nàng vẫn vẹn toàn trình tiết. Hồi ấy làm gì có giải pháp vá cái qúy giá ngàn vàng như bây giờ. Do không môn đăng hộ đối, bố mẹ nàng phản đối dữ dội, để rồi chàng và nàng phải ngậm ngùi, quyến luyến chia tay!!! Hồi tôi mới về học năm thứ nhất, sau kỳ nghỉ đông, chi đoàn tổ chức họp gấp. Chuyện là các anh năm trên đi nghỉ đông về, phát hiện có hiện tượng anh X. chứa chấp một cô gái Nga trong phòng nghỉ của mình. Khổ quá, không bắt được quả tang, mà ai cũng bảo có nghe nói. Người này nghe người kia nói, té ra quay đúng một vòng tròn, thành thử cũng chẳng biết ai là người phát ra tin đầu tiên. Nội dung là tại làm sao mà đồng chí X. lại để cho cô gái Nga ở lại trong phòng mình cả đêm. Anh X. bảo không có chuyện đó. Buộc tội thì cứ buộc tội, bị cáo thì bảo không có gì, loanh quanh mất béng đi 3 cuộc họp rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Một anh bảo có bằng chứng rồi, phát hiện ra ghế cô gái từng ngồi bị ướt!!!! Lại nữa, một anh học năm trên tôi lúc ở bên này dấm dúi yêu một cô tây, bí mật lắm, nào ai có biết. Vậy mà chỉ tháng sau, khi anh về nước rồi, tôi nhận được thư anh, mà sao thư nặng thế không biết, té ra là thư lồng thư. Thư trong anh gửi cho cô người yêu tây nhưng anh nhờ tôi dán tem gửi tiếp. Anh bảo gửi từ Việt Nam sợ bị lộ, không khéo mất lao động tiên tiến như chơi, nên chú giúp gửi hộ anh, anh vẫn còn nhớ cô ấy lắm, có gì chú lại nhận thư cô ấy hộ anh, nếu cô ấy nhờ, gửi về Việt Nam cho anh ( Tôi không thấy cô ấy nhờ vì chắc cô ấy khi gửi thư đáp trả không đề tên người gửi, không vấn đề gì). 

Còn chuyện cấm đi nhảy đầm nữa, cậu nào lớ ngớ đam mê mà đi nhảy rồi bị tóm thì thôi rồi, chịu khó mất vài hôm ngồi viết bản tự kiểm điểm. Lại họp chi đoàn, vi sao vi phạm quy chế. Việc quy định là vậy, còn việc có chấp hành thực hiện hay không lại là chuyên khác. Các anh năm trên ở Trường tôi cũng nhiệt tình lắm, thống nhất chung cùng nhảy thì có sao đâu, ai biết đó là đâu. Có hội hè, hay nhà trường tổ chức dạ hội thì vẫn tham gia nhảy thoải mái. Vậy mà một anh ở thành phố khác đi thực tập ở thành phố tôi nhìn thấy đã phẫn nộ góp ý phê bình ngay với đơn vị trưởng trường tôi. Đơn vị trưởng trường tôi tỉnh bơ, lờ đi xem như không biết, không hề có chuyện đó. Nhưng anh này cũng ghê gớm, đi thực tập về lại trường mình, anh ta soạn một tờ tấu trình lên sứ quán. Quả thật Sứ quán cũng có trát về nhắc nhở, nhưng anh đơn vị trưởng chối phắt, bảo làm gì có hiện tượng đó ở thành phố cháu ạ. Khổ nỗi, hồi đó làm gì có điện thoại thông minh xịn như bây giờ để có clip làm bằng chứng, vậy rồi mọi chuyện cũng êm xuôi. Ngại nhất là trong các chương trình đối ngoại, tây nhảy múa ầm ầm, còn quân Việt Nam thì cứ ngồi nghệt ra mà ngắm. Các bạn ngoại quốc hỏi sao không tham gia nhảy, nói quanh nói co, rồi cuối cùng bảo “ Chúng tao đang có chiến tranh, chết chóc cả đống, buồn, có vui quái gì đâu mà nhảy nhót”. Vậy là có lý do quá chính đáng!!! Hồi mới sang năm học dự bị, tôi cũng gặp phải một lần muốn độn thổ. Chả là Khoa cho bọn tôi xuống giao lưu với chị em ở nông trang tập thể. Các anh khách Việt thì ngồi một chỗ, không dám khiêu vũ, còn các em gái nông trang viên thì đành phải ôm nhau nhảy chay cùng giới.

Chuyện xem phim tư bản cũng bị cấm tuyệt đối. Nhưng mà bọn tôi vẫn lẻn đi xem được. Cũng vào năm dự bị, mấy thằng lớp tôi rủ nhau đi xem bộ phim “ Giải phóng Dronsa” của Mỹ. Bộ phim có nội dung rất nhân văn. Thằng bạn tôi, người Hà Nội (nhưng ở ngoại thành) phán một câu: “Ai bảo chúng mày đây là phim Mỹ, nó nói tiếng Nga, nội dung thì nhân đạo như vậy, tiến bộ như vậy, đây là phim Liên Xô chính hiệu.” Thật tình, lúc bấy giờ, ở Việt Nam đã bao giờ được xem phim nước ngoài mà có lồng tiếng Việt đâu. Trong nước, chiếu phim nước ngoài bao giờ cũng có một ông thuyết minh bên ngoài đọc lời thoại, còn các nhân vật trong phim nói tiếng nước mình. Vậy mà cãi nhau rõ lâu. Phim tư bản phải xấu thì Sứ quán mới cấm chứ, không có nhẽ lại tiến bộ hơn phim XHCN…

Còn chuyện nhân thức ư, thì như Lê Vũ Anh vẫn luôn tin tưởng ba Duẩn tuyệt đối còn gì. Chị ấy vẫn tin rằng tình yêu của chị với viện sỹ có thể làm ba của mình mất chức, và như vậy, người khác sẽ lên thay, đất nước sẽ tan vỡ, sụp đổ. Nhiều chuyện và nhiều chuyện khác nữa, kể không thể nào hết được.

Hôm trước, sau khi tôi dịch xong kỳ 5 đăng lên mạng, có bạn nhặt sạn góp ý : Dich “Vysotsky ngượng ngùng “ là không chuẩn theo bản gốc, mà phải là “Vysotsky buồn rầu” thì mới đúng. Vậy chớ ông ấy tán vợ ngay trước mặt chồng người ta mà ông chồng đã không mắng cho thì chớ, lại mời đến nhà chơi thì lại chẳng quá ngượng chứ buồn nỗi gì. Rồi thì câu, nàng vừa khóc vừa lẩm bẩm “em đã chết, em đã chết”, là không đúng với thói quen của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam là phải nói”chết mất, chết mất”. Trong bản gốc ông viện sỹ để từ chết tiếng Nga ở thì quá khứ chứ có để ở thì tương lai đâu, nên chẳng nhẽ từ “đã chết” trong tiếng Việt là sai hay phải chăng đúng hơn là ‘mất chết”. Ở đây ngữ cảnh mà tác giả đang nói là nàng tuyệt vọng quá nên mới nói vậy. Còn nếu nói” Em muốn chết” thì nghĩa tiếng Nga lại phải là khác hẳn. Nói thật, thấy mọi người khen, động viên nên cũng cố gắng dịch cho sát, chứ cực lắm. Có 2 cuốn từ điển Nga-Việt màu trắng to to mà ngày trước bạn nào cũng thủ một bộ thì tôi đã biếu béng cho cậu bạn xin trên FB để dịch kiếm ăn rồi. Từ nào bí quá, không hiểu nghĩa thì nhờ “lão google”, nhưng khi “lão” cho hiện ra thì lại còn thất vọng hơn. Từ điển còn cho biết nhiều nghĩa, tha hồ chọn từ cho phù hơp, cho hay, còn “lão google” cho được mỗi một nghĩa, tức lộn cả ruột. Mặt khác, viện sỹ giáo sư tiến sỹ toán- lý, chơi toàn câu và từ khó bắt bí người ta, chuyện về tình yêu đến đoạn cao trào lại mô tả sơ sài quá, làm tội tôi cứ phải tán thêm vài đoạn cho nó ướt át tý, đỡ khô. Giáo sư không biết tiếng Việt nên chắc sẽ không kiện tôi là “láo toét” dám thêm thắt vớ vẩn. Những bạn giỏi tiếng Nga tha cho đừng bắt bẻ từng từ, từng chữ nha, đọc cho vui thôi mà, chứ có dám lấy tiền của ai đâu. Lại nữa một số bạn nhắn tin đến bảo cậu chưa đưa lên mạng kỳ 6 mà mấy block người ta đã đăng trọn vẹn hết cả bản rồi kìa. Biết làm sao được, chắc người ta sốt ruột nên dịch hộ thôi mà. Có điều trên một thân cây mà có chỗ giả, chỗ thật thì khó sống, nên tôi cũng tò mò lượn vào thử xem một chút, hơi ngán, nhờ các bạn nào đã lỡ đăng có đề tên tôi thì sửa giúp những chỗ nào không phải của tôi giùm, tôi xin cám ơn. Tôi cũng xin cám ơn tất cả các bạn trên phây đã lên tiếng để thưởng thức, tôn trọng, khen ngợi và bảo vệ công sức, trí tuệ của dịch giả. 

Cuối cùng thì mọi việc cũng đã xong xuôi, ai có yêu cầu gì thêm thì xin được hầu ạ. Một lần nữa , rất cám ơn các bạn trên phây đã xem và ủng hộ.

17/8/2016
"
https://www.facebook.com/phan.doclap/posts/1063809603696398

3 nhận xét:

  1. Tôi đã đọc bản dịch trên tuan,Blog. Không biết có đúng bản dịch của bạn Phan Độc Lập không, nhưng ở đó đề như vậy. Tôi thấy bản dịch thanh thoát, thú vị. Cám ơn dịch giả Phan Độc Lập đã cho bạn đọc biết về một mối tình đẹp mà trước đây chỉ nghe nói láng máng.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi không biết tiếng Nga nên nguyên tác ra sao chẳng rõ. Tuy nhiên đọc bản dịch hay lắm. Cảm ơn dịch giả nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Đã có thêm một bản dịch, mời bác Vũ Nho và Ngô Chí Trung xem ở đây:
    https://giaovn.blogspot.com/2016/08/cau-chuyen-ve-nguoi-con-gai-cua-ong-ba.html

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.