Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/05/2016

Bia Thủy Môn đình (khắc dựng năm 1670) mang hai chữ Việt Nam


Tạm sử dụng bài trên web Người Lao động,  Bảo tàng Lạng Sơn, và Vietnam Landmarks.

---


Bia Thủy Môn Đình- bản hùng ca đất nước


05/04/2003 00:00

LTS: Sau khi Báo NLĐ số 2674 (phát hành ngày 22-3) đăng bài Người đi tìm quốc hiệu Việt Nam, một số bạn đọc đã gọi điện đến tòa soạn, muốn biết thêm chi tiết về tấm bia biên giới Thủy Môn Đình, trong đó ngoài hai chữ Việt Nam còn nói đến “Trấn Bắc ải quan”. Nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải, người đã tìm ra tấm bia này, đã có bài viết riêng cho Báo NLĐ

Ước mơ:
Tôi hy vọng một ngày không xa, nhân dân thủ đô cũng như cả nước sẽ được nhìn thấy tận mắt tấm bia Thủy Môn Đình trong Viện Bảo tàng Lịch sử.
Tháng 4-1991, sau khi chúng tôi đăng bài Tên gọi Việt Nam có tự bao giờ? trên tạp chí Người đại biểu nhân dân trong đó nói là đã tìm thấy một số bia cổ từ thế kỷ 16 có hai chữ Việt Nam cho thấy tên gọi này không phải đến thời Nguyễn (1804) mới có. Tôi đã nhận được một nguồn tin cho biết thêm, ở biên giới Đồng Đăng (Lạng Sơn) cũng có một tấm bia, tuy niên đại muộn hơn (1670), có hai chữ Việt Nam. Người cho biết thông tin này là một chuyên viên của Bộ Ngoại giao. Ông cho biết, năm 1971, nhân dịp từ Nam Ninh về công tác ở Đồng Đăng, trong lúc cao bước ngắm phong cảnh Đồng Đăng, ông bất chợt phát hiện một tấm bia đá trong bụi rậm trên đồi, bên đường Quốc lộ 1 (phía Bắc) đi vào Đồng Đăng. Bia có tên Thủy Môn Đình, dựng năm Cảnh Trị bát niên (tức năm 1670), trên bia có bài Minh ghi rõ “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan”. Tôi có gặp ông để hỏi thêm chi tiết thì ông nói rằng trước đây ông không chú ý lắm tới hai chữ Việt Nam vì nghĩ rằng đó là tên nước đã có từ lâu, nhưng khi đọc bài viết của tôi, ông đã nhớ lại tấm bia này. Ông cũng nói là 20 năm qua, do cuộc chiến tranh biên giới, không rõ tấm bia này có còn không. Tôi đã đề nghị ông bố trí thời gian đi cùng lên biên giới nhưng ông tỏ ý rất tiếc vì phải đi công tác nước ngoài ngay.
Tấm bia nơi quan ải.- Nhận thấy đây là tấm bia có tầm quan trọng đặc biệt, tôi đã trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc, lúc đó là Viện Phó Viện Sử học. Anh Quốc giới thiệu với tôi anh Nguyễn Minh Tường. Ngoài ra, tôi có mời thêm anh Hoàng Giáp, chuyên viên Viện Hán Nôm, chúng tôi  cùng đi Lạng Sơn. Bia được tìm thấy khá dày dặn, có bệ, cao hơn đầu người. Khi được phát hiện, bia nằm giấu kín trong đám bụi cây. Mặt lưng bia có ba chữ Thủy Môn Đình rất to. Thủy Môn Đình do quan Đô Tổng binh, Bắc quân Đô đốc phủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn năm Cảnh Trị bách niên dưới thời Lê Trịnh. Mở đầu bia viết đại ý “ta nhờ tổ tông tích thiện, nên từ lúc còn trẻ đã được theo vua giết giặc lập công, được phong chức giữ nơi bờ cõi, cửa ngõ của sự bang giao, nơi hai nước có sứ giả đi lại và văn thư giao dịch. Nhờ gặp thời Hoàng Lê thịnh trị, vạn đẹp của Chúa, thu phục được “bát man”, được giao trọng  trách trông giữ miền quan ải, trách nhiệm nặng nề, vì thế lập bia để con cháu trông gương mà bắt chước, báo đền ơn vua, lộc nước”.
Ở giữa bia có một bài Minh, tức là bài tóm tắt chủ ý của bia dưới dạng câu ngắn có vần: “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan. Thạch bích hoàn vũ. Uyên quân giới phiên. Đồng Đăng linh ấp”. Có nghĩa: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc. Vách đá giữa trời đất, quận sâu nơi biên giới. Ấp thiêng xứ Đồng Đăng.
Sự có mặt của hai chữ Việt Nam trong tấm bia biên giới có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vị trí tấm bia này chỉ cách ải Nam Quan (nay là cửa quan Hữu Nghị) có 2 km. Nó lại dựng lên bởi “Bắc quân Đô đốc xứ Lạng Sơn” nên tấm bia có ý nghĩa hành chính rõ rệt. Như vậy từ hơn 3 thế kỷ trước đây, tên gọi Việt Nam đã chính thức  nằm trên tấm bia hiên ngang nơi quan ải.
Từ  “Trấn Nam quan” đến “trấn Bắc ải quan”.- Những dòng đầu tiên của bài Minh trong Thủy Môn Đình viết “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan” (có nghĩa: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, và là ải quan trấn giữ phương Bắc).
Từ trước đến nay, phương Bắc vẫn coi nước ta là một nước bị thần phục và dùng tên gọi “Trấn Nam quan” để “trấn” ta. Ở tấm bia này cho thấy, Nguyễn Đình Lộc cũng “trấn lại” bên kia với tên gọi “Trấn Bắc ải quan”. Là một người được quyền “phụ tử thế truyền” coi giữ miền quan ải, Nguyễn Đình Lộc có quyền và tự cho mình có quyền đặt cho quan ải mình coi giữ, một cách chính thức hoặc không chính thức, cái tên Trấn Bắc ải quan. Rất tiếc, tên gọi này chưa một lần được ghi trong chính sử. Và qua đó người ta cũng thấy, không phải cuốn sử chính thống nào cũng là tất cả sự thật lịch sử của một dân tộc.
Một bản anh hùng ca.- Bia Thủy Môn Đình không chỉ dừng lại ở đó. Ngoài tên gọi Việt Nam, bia Thủy Môn Đình còn có một đôi câu đối khá đặc biệt nằm dọc hai bên bia: “An trấn Thủy Môn Đình, đình tiền thủy lục. Tỏa thược Thiên Nam giới, giới hạn thiên thư”. (Giữ yên đình Thủy Môn, trước đình có đường thủy, đường bộ. Khóa chặt cõi trời Nam để giới hạn ranh giới bầu trời). Như thế có nghĩa nó không chỉ khẳng định địa giới mà cách đây hơn 300 năm còn xác định cả không phận của đất nước.
Chính vì thế mà trong bức thư đề ngày 28-8-1992 gửi đến Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Bộ VHTT, tôi có đề nghị cần có biện pháp bảo vệ tấm bia Thủy Môn Đình cùng một số tấm bia khác có danh xưng Việt Nam. Riêng bia Thủy Môn Đình cần đưa về giữ ở Viện Bảo tàng quốc gia. Tại Công văn 2816 ngày 7-9-1992, GS Lưu Trần Tiêu, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Bảo tồn Bảo tàng, nay là Thứ trưởng Bộ VHTT đã ghi nhận vấn đề trên.

Nguyễn Phúc Giác Hải

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bia-thuy-mon-dinh-ban-hung-ca-dat-nuoc-87219.htm











      Bia Thủy Môn Đình là một trong số những di vật lịch sử văn hóa có giá trị đặc biệt hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn.
Thuy mon dinh
     Bia do ông Nguyễn Đình Lộc - một viên quan triều Lê hưng công tạo dựng tại đình Thủy Môn (xứ Đồng Đăng, châu Văn Uyên) vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời vua Lê Huyền Tông. Dòng họ Nguyễn Đình của ông vốn là dòng họ danh giá - một trong "thất tộc thổ ty" (bảy dòng họ thổ ty) nổi tiếng của Xứ Lạng. Ông Nguyễn Đình Lộc lúc đó mới ngoài 20 tuổi đã được phong chức Đô Tổng Binh sứ Ty, Bắc quân Đô đốc phủ, hữu Đô đốc tướng, Thao quận công - làm nhiệm vụ trông coi, trấn giữ vùng biên giới ở Lạng Sơn và tiếp đón các sứ thần của hai nước Việt Nam, Trung Quốc. Đây là một trọng trách hết sức lớn lao đối với một người trẻ tuổi. Đình Thủy Môn chính là nơi là việc của các phiên thần họ Nguyễn.
     Khi làm việc ở đây, ông nhận thấy nhân dân bản xứ chưa thực sự đoàn kết, còn tranh giành kìm hãm nhau, nha lại tự tung tự tác, mỗi người một phách... Với trọng trách được giao, ông đã hết sức khuyên giải mọi người, bắt tay vào giải quyết mâu thuẫn, ổn dịnh tình hình, đưa mọi việc vào phép tắc. Từ đó, mâu thuẫn được giải quyết, phong tục dần ổn định, thế sự cải đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Mọi việc yên ổn, Ông bèn lập bia ghi lại những việc đã làm để truyền cho đời sau, nhắc nhở con cháu biết đoàn kết, gìn giữ phát huy truyền thống dòng họ để chung tay bảo vệ biên cương Tổ quốc.
     Sau này, khi đình Thủy Môn bị hư hỏng trở thành phế tích, tấm bia này vẫn nằm ở địa điểm cũ của ngôi đình nhưng đã bị đổ, rời khỏi phần đế bia. Năm 1972, một chuyên viên Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đi công tác từ Nam Ninh (Trung Quốc) về qua đây có nhìn thấy tấm bia và biết được nội dung của tấm bia, trong đó có hai chữ "Việt Nam".
     Tháng 4 năm 1991, nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải đã có bài viết "Tên gọi Việt Nam có từ bao giờ?" đăng trên tạp chí Người đại biểu Nhân dân công bố quá trình nghiên cứu lịch sử tên gọi "Việt Nam". Theo đó, tên gọi "Việt Nam" xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ 16 chứ không phải đến thời Nguyễn (năm 1804) mới có. Ông cũng chứng mình bằng thư tịch cổ, các di vật có sự xuất hiện của hai chữ "Việt Nam" từ năm 1804 trở về trước. Lúc này, đồng chí Cán bộ Ngoại giao nọ liền cung cấp cho ông thông tin về tấm bia có hai chữ "Việt Nam" tại Đồng Đăng, tạo tác năm 1670. Ngay sau đó, Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã cùng nhà Sử học Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), chuyên gia Hán Nôm Hoàng Giáp (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) lên Đồng Đăng tìm lại tấm bia. Bia được được phát hiện trong một bụi cây tại sườn đồi Phja Mạt - phía bên phải Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn lên Đồng Đăng (thuộc khu Vườn Sái, Thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), cách đường Quốc lộ 1A cũ khoảng 50m. Vào thời điểm đó, giới sử học đã coi sự kiện này là một phát hiện lịch sử quan trọng. Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã đánh giá rất cao việc phát hiện tấm bia này và ghi nhận đây là một di vật "đặc biệt có giá trị" ("Về tên nước và Quốc hiệu Việt Nam". Tạp chí Xưa và Nay số 144, tháng 7/2003).
     Sau khi dập, dịch nội dung tấm bia, nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của tấm bia (có chữ "Việt Nam" ở ngay phần đầu của tấm bia) - được sự đồng ý UBND tỉnh Lạng Sơn, tháng 5 năm 1991, Bảo tàng Tổng hợp Lạng Sơn (nay là Bảo tàng Lạng Sơn) đã mang về lưu giữ tại kho của Bảo tàng để gìn giữ, phục vụ nghiên cứu, trưng bày. Tại địa điểm phát hiện bia đã dựng một nhà bia có phiên bản của tấm bia này để phục vụ khách tham quan. Địa điểm di tích này đã được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh tháng 10 năm 2002 theo quyết định số 41/2002/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
     Bia Thủy Môn đình là tấm bia thể khối được làm từ đá núi, tạo tác đẹp và rất công phu - mang đặc trưng điển hình của nghệ thuật tạo hình thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 - 18). Bia có hình khối hộp chữ nhật dẹt, kích thước lớn (cao 130cm, rộng 84cm, dày 25 cm). Ở mặt trước, chính giữa trán bia (hình bán nguyệt) trang trí chạm nổi hình mặt trời, bao quanh là mây lửa. Thân bia có hình chữ nhật, trên cùng ghi tên bia bằng chữ Hán, viết theo kiểu đại tự - bố trí theo chiều ngang: "Thể tồn bi ký" (Bia gìn giữ bảo tồn truyền thống tộc họ). Ở đầu và cuối của dòng chữ này chạm hình hai con chim phượng trong tư thế nhìn nghiêng đang sải cánh, kích thước giống hệt nhau chầu hai bên.
Hai cạnh bên của thân bia có đôi câu đối được viết theo kiểu cỡ chữ to:
Phiên âm: "An trấn Thủy Môn đình đình tiền thủy lục
Tỏa thược Thiên Nam giới giới hạn thiên thư"
(Dịch nghĩa: Gìn giữ đình Thủy Môn
trước đình đường quanh suối lượn
Khóa chặt ải Nam Quan
quan ải phân định sách trời)
     Ngay dưới đôi câu đối này chạm nổi hình đôi hạc (cao 40cm, giống hệt nhau về hình dáng, kích thước) trong tư thế chân dứng thẳng, đầu ngẩng cao, mỏ ngậm cành sen đứng trên lưng rùa, đối xứng nhau - tượng trưng cho sự trường tồn, bền vững. Phần lớn diện tích mặt trước của bia khắc chìm chữ Hán bài ký với chủ đề "Liên kết để tồn tại". Nguyễn Đình Lộc đã ghi lại những việc đã làm đúng đắn, tốt đẹp của mình để đoàn kết các tầng lớp nhân dân chung tay chung sức bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Sát chân bia có một đường diềm trang trí cúc dây. Bia có chân mộng hình chữ nhật (dài 60 cm, rộng 20 cm, cao 17 cm) liền với thân dùng để lắp khớp vào đế bia.
     Hai mặt bên của tấm bia có các hình trang trí chạm nổi: bên trái là hình hổ phục, bên phải là hình rồng chầu trong một khung bo hình chữ nhật - tượng trưng cho quyền uy và sức mạnh. Các vật linh này đều được tạc ở tư thế động, có đuôi hướng lên trên dáng vẻ uy nghi, dũng mãnh. Xung quanh điểm xuyết hình mây đao lửa làm tăng vẻ linh thiêng của các vật linh.
     Mặt sau của bia tạo tác khá đơn giản, chỉ có chữ mà không có hình trang trí. Chính giữa khắc chìm ba chữ Hán viết theo lối đại tự, bố trí theo chiều dọc: "Thủy Môn Đình" (Đình Thủy Môn). Bên cạnh ghi tên những người đã đóng góp dựng bia.
     Bia Thủy Môn Đình là một trong số những tấm bia thể khối được tạo tác đẹp nhất của Lạng Sơn hiện còn. Điều làm nên giá trị đặc biệt của tấm bia chính là nội dung văn bia chứa đựng tư liệu vô cùng quý giá về tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay ở nước ta mới phát hiện được 7 tài liệu, hiện vật, thư tịch cổ có hai chữ "Việt Nam" có ý nghĩa như danh xưng của đất nước từ trước năm 1804.
Trong văn bia có câu: "Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan". (Có nghĩa là: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc).
     Hai chữ "Việt Nam" trong tấm bia này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chứng minh tên nước Việt Nam đã có từ lâu, chứ không phải theo một số tài liệu cho rằng tên nước Việt Nam mới xuất hiện từ thời nhà Nguyễn - khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) lên ngôi năm 1802, thống nhất đất nước mới đổi Quốc hiệu là Việt Nam vào năm 1804. Hơn nữa, hai chữ này lại xuất hiện ở ngay phần đầu của tấm bia được dựng bởi Bắc quân Đô đốc xứ Lạng Sơn nên có ý nghĩa hành chính rõ rệt, thể hiện rõ ý nghĩa Quốc gia và danh xưng của tên gọi "Việt Nam". Đây là lần đầu tiên trong bia biên giới khẳng định rõ ràng vùng đất Lạng Sơn xưa là cửa ngõ, yết hầu, là ải quan trấn giữ phương Bắc của nước Việt Nam. Điều này, các sách chính sử trước đó chưa từng ghi chép. Bia Thủy Môn Đình dựng ở nơi cửa ngõ của đất nước (chỉ cách cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay 2 km), là bằng chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Đây là tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, hệ thống quản lý hành chính ở nước ta nói chung và Lạng Sơn nói riêng dưới thời phong kiến; Góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu xác định nguồn gốc và tên gọi của Tổ quốc ta trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử. Nhiều người đã ví bia Thủy Môn đình như một bản hùng ca của đất nước. Đáp ứng đủ các tiêu chí của một bảo vật Quốc gia theo quy định của luật Di sản Văn hóa: là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và là hiện vật có giá trị lịch sử đặc biệt, bia Thủy Môn đình đã được Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn lập hồ sơ khoa học, trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh làm thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Ngày 14/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 53/QĐ-Ttg công nhận bảo vật quốc gia đợt 3 đối với 12 hiện vật và nhóm hiện vật – trong đó có bia Thủy Môn đình. Đây là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, một trong 79 bảo vật quốc gia của đất nước. Bia Thủy Môn đình xứng đáng là niềm tự hào lớn của di sản văn hóa xứ Lạng./.
                                                                                                
Một số hình ảnh Bia Thủy Môn Đình
2015-02-10 105036

2015-02-10 105259
                                                 2015-02-10 110235                                              
                                                                                                     Bài và ảnh : Chu Quế Ngân
http://baotanglangson.vn/index.php/component/k2/item/351-bia-th%E1%BB%A7y-m%C3%B4n-%C4%91%C3%ACnh-ni%E1%BB%81m-t%E1%BB%B1-h%C3%A0o-c%E1%BB%A7a-di-s%E1%BA%A3n-v%C4%83n-h%C3%B3a-x%E1%BB%A9-l%E1%BA%A1ng


Bia Thuỷ môn đình (1670)
“Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan”

Bia Thủy Môn Đình, dấu ấn chủ quyền nơi phên dậu tổ quốc
Bia Thủy Môn Đình, dấu ấn chủ quyền nơi phên dậu tổ quốc
Công nhận 12 bảo vật quốc gia

Tổng quan

Sự có mặt của hai chữ Việt Nam trong tấm bia Thủy Môn Đình có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì tấm bia chỉ cách ải Nam Quan (nay là cửa khẩu Hữu Nghị) có 2km. Nó lại dựng lên bởi “Bắc quân Đô đốc xứ Lạng Sơn” nên tấm bia có ý nghĩa hành chính rõ rệt. Như vậy, từ hơn 3 thế kỷ trước đây, tên gọi Việt Nam đã chính thức nằm trên tấm bia hiên ngang nơi quan ải, khẳng định chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.


Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua và cho đổi tên nước là Việt Nam. Sách Đại Nam thực lục chép: “Giáp Tý, Gia Long năm thứ 3 (1804), tháng 2, ngày Đinh Sửu, đặt Quốc hiệu là Việt Nam, đem việc cáo Thái Miếu. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài”. Đây là lần đầu tiên hai chữ “Việt Nam” được sử dụng với tư cách Quốc hiệu, được công nhận hoàn toàn về ngoại giao. 

Tuy nhiên, hai chữ “Việt Nam” đã xuất hiện khá sớm trong lịch sử nước ta. Ngay từ thế kỷ XIV, hai chữ “Việt Nam” xuất hiện lần đầu tiên ở tiêu đề cuốn sách “Việt Nam thế chí” (ghi chép về các đời ở Việt Nam) của Trạng nguyên Hồ Tông Thốc  .

Trên nhiều tấm bia, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai chữ “Việt Nam”, như trên tấm bia khắc ở chùa Bảo Lâm (Chí Linh, Hải Dương) năm 1558, có câu “Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ cơ”. Tuy nhiên, hiện nay chùa Bảo Lâm và tấm bia hiện nay đã mất, chỉ còn lại bản dập văn bia lưu giữ ở Viện Hán Nôm.Tấm bia thứ hai là tấm bia thời Mạc tại chùa Cam Lộ (Đào Xá, Phú Xuyên, Hà Tây (cũ)), năm 1590, có câu “Chân Việt Nam chi đệ nhất”. Chùa Cam Lộ không còn nhưng tấm bia vẫn được đặt trong một cái am nhỏ.

Tấm bia thứ ba có hai chữ Việt Nam là tấm bia dựng năm 1664 tại chùa Phúc Thành, xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Phúc Thành và tấm bia  nay không còn nữa nhưng bản dập văn bia vẫn còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm.

Trước đây, bia được dựng trong Đình Thuỷ Môn, nên thường gọi là bia Thuỷ Môn Đình, do quan Đô Tổng binh, Bắc quân Đô đốc phủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc – lúc đó làm nhiệm vụ trông coi, trấn giữ vùng biên giới ở Lạng Sơn và tiếp đón các sứ thần của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, dựng năm Cảnh Trị Bát niên (tức năm 1670). Đình Thuỷ Môn vừa là nơi làm việc,vừa là nơi thờ tự của dòng họ Nguyễn Đình tại Đồng Đăng. Sau này, khi đình Thủy Môn bị hư hỏng trở thành phế tích, tấm bia vẫn nằm ở địa điểm cũ nhưng đã bị đổ, rời khỏi phần đế bia.

Đây là bia đá xám hình khối hộp chữ nhật dẹp, thân bia cao 1,5m; rộng 0,82m; dày 0,18m. Trán bia hình bán nguyệt cao 0,2m, ở mặt trước trán bia trang trí chạm nổi “Lưỡng long chầu nhật” và hình mặt trời, bao quanh là mây lửa. Mặt trước khắc Hán tự "Thể tồn bi ký", nghĩa là Bia gìn giữ bảo tồn truyền thống tộc họ. Ở đầu và cuối của dòng chữ này chạm hình hai con chim phượng trong tư thế nhìn nghiêng đang sải cánh, kích thước giống nhau chầu hai bên. Suốt độ dày của bia từ chân đế đến đỉnh có hình trang trí một bên Rồng chầu và bên kia Hổ phục, với phần đuôi các con vật hướng lên trên, xung quanh điểm xuyết hình mây đao lửa. Diềm bia soi gờ nổi xung quanh, hoa văn trang trí loại dây lá. Hai cạnh bên của thân bia là đôi câu đối được viết theo kiểu cỡ chữ to, phiên âm: 

An trấn Thuỷ Môn đình đình tiền thuỵ lục.
Tỏa thược Thiên Nam giới giới hạn thiên thu.

Dịch nghĩa:
Gìn giữ đình Thuỷ Môn, trước đình đường quanh suối lượn.
Khoá chặt ải Nam Quan, quan ải phân định sách trời.

Ngay dưới đôi câu đối chạm nổi hình đôi hạc (cao 40cm, giống hệt nhau về hình dáng, kích thước) tư thế chân đứng thẳng, đầu ngẩng cao, mỏ ngậm cành sen đứng trên lưng rùa, đối xứng nhau. Sát chân bia có một đường diềm trang trí cúc dây. Bia có chân mộng hình chữ nhật cao 0,17m; dài 0,6m;  rộng 0,15m để lắp vào đế bia trên lưng một con rùa đá lớn. 

Phần lớn diện tích mặt trước của bia khắc chìm chữ Hán bài ký với chủ đề “Liên kết để tồn tại”. Đô đốc Nguyễn Đình Lộc đã ghi lại những việc làm để đoàn kết các tầng lớp nhân dân chung sức bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Mặt sau của bia tạc khá đơn giản, chỉ có chữ mà không có hình trang trí. Chính giữa khắc chìm ba chữ Hán theo lối đại tự, bố trí theo chiều dọc: “Thủy Môn Đình” (Đình Thủy Môn). Bên cạnh ghi tên những người đã đóng góp dựng bia.

Giá trị đặc biệt của tấm bia chính là nội dung văn bia chứa đựng tư liệu vô cùng quý giá về tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Trong văn bia có câu “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan” nghĩa là Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam và là ải quan trấn giữ phương Bắc. Vách đá giữa trời đất, quận sâu nơi biên giới. Ấp thiêng xứ Đồng Đăng.

Toạ độ

Done!
Map data ©2016 Google
Map
Satellite

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]




 © Hiện tại bia đã được dời về bảo tàng Lạng Sơn




 © Hai chữ "Việt Nam" trên bia Thủy Môn Đình



4 nhận xét:

  1. Quốc hiệu tự đặt thì nước Nam nhiều lắn tự xưng Đại nọ, Đại kia...nhưng tựu trung lại chỉ có 03 tên quốc hiệu được Trung Hoa công nhận là Giao Chỉ, An Nam và Việt Nam. Các quốc hiệu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xiêm La. Chiêm Thành...cũng do TQ công nhận hoặc các nước này cử sứ thần sang thiên triều công nhận. Vậy nếu tên Việt Nam có trước đó mà nếu có thực được phát hiện lẻ tẻ trong nơi này nơi kia...thì cũng là không chính thức với các triều đình phong kiến Việt Nam...và cũng không chính thức với ngoại quốc trong các bối cảnh đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ok ! Rất chuẩn đó bạn Le Cong Dan.

      Chúng tôi thường gọi các tên này là "quốc hiệu dân gian".

      Xóa
  2. Ở đây có lẽ ta cũng nên "bình tĩnh" đôi chút để nhìn nhận một vấn đề khá "nhạy cảm" này. Trong sử sách của nước ta không phải đến thế kỷ 17 (1670) "chữ" Việt Nam (tôi tạm dùng chữ "chữ" chứ không dùng chữ "tên nước hoặc quốc hiệu"), như trong tấm bia Thủy Môn Đình. Trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi viết từ năm 1435 đã có nhắc đến hai chữ Việt Nam.

    Ta có thể khẳng định, tên nước (quốc hiệu) Việt Nam có từ năm 1804 đời vua Gia Long, mới đầu trong thư cầu phong với nhà Thanh, nhà vua có ý định đặt quốc hiệu là Nam Việt, nhưng vì một lý do "nhạy cảm" khác là tên Nam Việt đã có từ thời Triệu Đà, bao gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc, nên nhà Thanh đổi lại là Việt Nam (Đại Nam Thực Lục). Quốc hiệu Việt Nam tồn tại đến đời Minh Mạng thì được đổi thành Đại Nam (1838). Năm 1945 quốc hiệu Việt Nam được khôi phục gắn liền với thể chế chính trị Dân Chủ Cộng Hòa, do Quốc hội đặt. và từ năm 1976 quốc hiệu Việt Nam được gắn liền với thể chế chính trị Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa đến nay.

    Như vậy thời quân chủ, quốc hiệu do nhà vua đặt, thời nay quốc hiệu do Quốc hội đặt.

    Tên gọi Việt Nam có ý nghĩa là gì? GS. Phan Huy Lê trong bài viết Về tên nước & QUỐC HIỆU VIỆT NAM trên Tạp chí Xưa và Nay số 144 - 2003:

    "Tên VN được tạo thành bằng sự kết hợp hai yếu tố cơ bản Việt và Nam. Việt là tên gọi chung cộng đồng cư dân nước ta mà từ thời cổ xưa thường gọi là Bách Việt hay Việt tộc để chỉ tộc người không phải là người Hán ở nam sông Trường Giang tức miền Nam Trung Quốc đến miền Bắc nước ta. Với ký ức cội nguồn đó, nhân dân ta thường tự gọi mình là người Việt, dân Việt, nước Việt...
    Nam là phương nam và trong quan niệm đối sánh, nhân dân ta dùng nước Nam (Nam quốc), vua Nam (Nam đế), sử Nam (Nam sử), người Nam (Nam nhân)... để chỉ nước ta và phân biệt với nước Bắc (Bắc quốc), vua Bắc (Bắc đế), sử Bắc (Bắc sử), người Bắc (Bắc nhân)... để chỉ Trung Quốc..."

    Trở lại chuyện "quốc hiệu", như ta đã biết thời quân chủ quốc hiệu là do vua đặt, thời nay là do Quốc hội. Trước năm 1804 thì không có vị vua nào ở nước ta đặt quốc hiệu là Việt Nam. Ở vào thời vua chúa, chỉ một câu kỵ húy hay nghi ngờ, là một vị quan đại thần cũng đã bị bức tử (như trường hợp cha con đại thần Nguyễn Văn Thành), thì một vị quan trấn thủ như quan Đô đốc Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc có thể (và có dám) tự khắc bia đá đặt tên quốc hiệu là Việt Nam hay không?

    Chữ Hán như ta đã biết không thể viết hoa tên riêng (tên nước, tên người...) như chữ quốc ngữ sau này. Cho nên hai chữ Việt Nam 越 南 trong những thư tịch cổ (không phải là do nhà vua bấy giờ viết, hay viết theo ý kiến của vua lúc ấy, như tấm bia Thủy Môn Đình), có thể được xem như là tên quốc hiệu được không? hay chữ Việt Nam chỉ đơn thuần với nghĩa của từ ngữ "người Việt ở phương Nam"?

    Tôi rất băn khoăn với ý nghĩa "quốc hiệu", và ý nghĩa của từ ngữ. Bác Giao có thể chỉ giáo?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có một lúc nào đó hệ thống blog bị lỗi, nên bây giờ, mới xem được nhận xét này của bác Hiệp. Muộn tới gần 3 năm !

      Có một số người cẩn thận đã gọi là "quốc danh" (không sử dụng từ "quốc hiệu"), hoặc là "quốc hiệu dân gian" (tức không phải tên nước chính thức, chỉ mang tính dân gian).

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.