Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/11/2015

Chuyện về Tô Thị ở Cao Bằng (tên thật của nàng là Tô Thị Hoạn)

Chuyện kể của vùng Bằng Ca.

Chữ "Bằng Ca" hóa ra là tên tiếng Pháp. Quân Pháp tiến đánh vùng này, rồi khi thôn tính được, đặt tên như vậy. Tên cũ của khu ấy, các cụ nói với mình là Bản Khà. 

Ngay nay có chợ Bản Khà. Từ đó, đi vào đất Trung Quốc cũng không xa.


Dưới là lấy về từ báo Cao Bằng.

---





Thứ bảy 26/09/2015 06:00
Ngược dòng lịch sử trở lại câu chuyện về đền thờ Tô Thị Hoạn, ngôi đền đã có từ nhiều đời nay. Theo các cụ kể lại con cháu rằng: Tục truyền có người con gái có tên là Thị Đề, xóm Bản Lung, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang (Cao Bằng) là người xinh đẹp, tính nết na, chưa lập gia đình.
    Vào một đêm rằm Trung thu, Thị Đề ngồi hóng mát ngắm trăng tại sàn nhà, khi ngoái nhìn lên núi Phia Roan đằng sau nhà thì thấy ánh đèn rực sáng và nghe thấy tiếng chim kêu ba tiếng: Hoạn, Hoạn, Hoạn. Từ đó nàng ốm nghén. Theo tục lệ ngày đó, các cụ cho rằng đây là điều may nên Thị Đề dưỡng thai đến chín tháng mười ngày thì sinh nở. Lúc bé gái cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm ngào ngạt tỏa khắp bốn phương, nhớ đến đêm rằm Trung thu trước đó bà đặt tên bé gái tên là Tô Thị Hoạn (như tiếng chim kêu).

    Đền thờ Tô Thị Hoạn, xã Đồng Loan (Hạ Lang).
    Khi Tô Thị Hoạn bước vào tuổi dậy thì là một người con gái rất xinh đẹp, giỏi giang, nết na. Nhưng nàng vẫn chưa ưng thuận lấy chồng, người địa phương mới mặc tượng vẽ truyền thần gửi đi triều đình Việt Nam và Trung Quốc. Sứ thần triều đình Việt Nam đến đón trước một ngày, sau đó sứ thần Trung Quốc mới đến. Trước khi về kinh thành, hai mẹ con cùng dòng tộc và nhân dân trong vùng trồng một cây đa ở ngọn đồi sau làng Bản Lẹn, xã Đồng Loan và thề rằng: “Mạy tứn nhằng hòi mà/Mạy thai lẻ bấu thẻo” (Nghĩa là: Cây mọc còn quay về/Cây chết không quay về). Và từ đó ngọn đồi này mang tên là đồi Co Lùng (đồi cây đa) cho tới ngày nay.

     Trên đường về kinh thành, đoàn sứ thần không nhận ra được ai là mẹ, ai là con, vì hai người đều xinh đẹp như nhau. Khi đến động Tam Thanh, Kỳ Lừa (Lạng Sơn), trong lúc hai mẹ con đang rất đói thì sứ thần bưng cơm vào, để đũa lộn xộn, sứ thần thấy một người biết so đũa và một người cầm đũa ăn ngay. Sứ thần cho rằng: Người biết so đũa là mẹ, người không biết so đũa là con. Đến triều đình, người con được sung vào cung phi và nhà vua rất yêu quý. Do có người đẹp từ tổng Phong Đằng, nên nhà vua đã ban sắc cho cả tổng Phong Đằng, châu Hạ Lang được miễn thuế (7 xã vùng Bằng Ca, Hạ Lang), cả vùng này chỉ khai thác diêm sinh nộp cho triều đình, nay ở địa phương có địa danh Ngườm Riềm (hang Diêm Sinh). Ngày tháng trôi đi, cây đa mẹ con nàng Tô Thị trồng năm xưa không thấy mọc và mãi mãi không thấy mẹ con trở về nên dân chúng trong vùng đã lập đền thờ tại chân núi Phia Roan để phụng thờ. Đền Nàng Tô Thị được người dân kể đi, kể lại từ đời này qua đời khác.

    Còn theo cuốn Cao Bằng tỉnh “Thời hậu Lê, đời Dụ Tông năm vĩnh thịnh thứ 14 (1718), có ông Tán Lý Quân Vụ họ Tô từ kinh sư đi dẹp giặc, đóng quân tại châu Hạ Lang. Ông nạp người con gái xã Đồng Loan là Thị Đề làm thiếp. Năm 26 tuổi, sinh được một con gái đặt tên là Tô Thị Huệ, người thông mẫn tháo vát lạ thường, nhan sắc lại tuyệt thế. Đến năm Lê Thuần Tông niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733) thì đưa tiễn vào làm cung phi, được sủng hạnh yêu quý vô cùng. Hơn một năm sau được phụng chỉ về quy ninh (về thăm quê), đi qua xứ Khâu Lư, Lạng Sơn thì nghe tin vua Lê mất, nàng lên núi hướng về phía kinh thành đứng mãi trông mà hóa đá. Nay ở trước chùa Tam Thanh, xứ Khâu Lư, Lạng Sơn còn có hòn đá Vọng Phu của Tô Thị. Lúc bấy giờ, phi mất, sau dân chúng lập đền thờ ở chân núi Xuân Sơn, xã Đồng Loan để phụng tự. Triều Lê phong là Tô Thị Phúc Thần”.

    Đền Tô Thị Phúc Thần nằm ở chân núi Phia Roan (núi Xuân Sơn), xóm Bản Lung, đền được xây bằng đá, lợp ngói âm dương. Theo các cụ già kể lại thì ngày xưa còn có cả chuông đồng, ngày mùng 1 và rằm hằng tháng khi lên thắp hương còn gõ chuông vang cả vùng. Năm 2011, đền Tô Thị Hoạn, xã Đồng Loan (Hạ Lang) đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Qua năm tháng, đền đã xuống cấp trầm trọng, không an toàn cho bà con đến thắp hương, tham quan nên người dân địa phương mong ngôi đền được quan tâm tu sửa kịp thời. Cách ngôi đền khoảng 3 km tại xóm Lũng Rúm có Hang Dơi, năm 2014, hang này đã được xếp hạng di tích Quốc gia về danh lam thắng cảnh. Nếu đền Tô Thị Phúc Thần - Tô Thị Hoạn sớm được tôn tạo, chính quyền địa phương quan tâm xây dựng kế hoạch khai thác cùng điểm du lịch Hang Dơi thì nơi đây sẽ là điểm tham quan, du lịch, xứng đáng với di tích được tỉnh, Quốc gia đã xếp hạng và thu hút du khách thập phương đến với Cao Bằng.
    T.T

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.