Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/11/2013

Năm 1998 thì Tổng Bí thư kí quyết định thành lập Trung tâm Ngoại cảm, năm 1999 thì Việt Nam có kĩ thuật giám định gen

Nguyên TBT Lê Khả Phiêu tại buổi giao lưu giữa Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người với những người có khả năng đặc biệt



Nguồn

1. Hôm trước, qua anh Cát, chúng ta biết Viện nghiên cứu của anh, tức Viện pháp y thuộc Bộ Quốc phòng, bắt đầu giám định ADN từ năm 2003 (đúng 10 năm trước). 

Còn ông Ngô Tiến Quý thì vừa cho biết, từ trả lời trực tuyến mới đây, trên báo Năng lượng mới rằng: Viện Nghiên cứu của ông, tức Viện Khoa học Hình sự thuộc Bộ Công an bắt đầu kĩ thuật đó từ năm 1999 (cách này khoảng 15 năm).

Như vậy, Bộ Quốc phòng thì đi sau Bộ Công an trong giám định gen. Và cả hai, đều có kĩ thuật ấy sau khi công việc tìm mộ đã bắt đầu được tiến hành trong dân gian (có thể từ đầu thập niên 1980 - sẽ xác nhận sau).


PGS.TS Ngô Tiến Quý

Cụ thể trả lời của ông Quý, về năm 1999, như sau (trích):

"08:55 | 01/11/2013


Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên (nguyenvietchien1952@gmail.com): Thưa Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, trong 1.000 thông tin tìm mộ liệt sĩ thất lạc của Phan Thị Bích Hằng nhiều năm qua thì có mấy trăm thông tin của chị Hằng được Viện Khoa học Hình sự kết luận bằng ADN? Xác suất đúng và sai là bao nhiêu phần trăm. Ngoài ra, với 12 nhà ngoại cảm được UIA công nhận có tên trong danh sách tìm trên 1.000 thông tin mộ liệt sĩ thất lạc thì Viện Khoa học Hình sự đã kiểm chứng ADN được bao nhiêu thông tin của mỗi nhà ngoại cảm vì đây là vấn đề dư luận rất quan tâm?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Hiện nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng qua nghiên cứu của chúng tôi và của nhiều nhà khoa học khác thì tỉ lệ đúng và được công nhận là 70%. Tuy nhiên, cũng cần chú ý, trong những vụ tìm thấy hài cốt cũng có những thông tin không thật chính xác. Ngược lại, trong những vụ không tìm thấy hài cốt lại có những thông tin chính xác. Đây là do thân nhân, đồng đội của các liệt sĩ xác nhận chứ không phải là tự chúng tôi đưa ra. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ xử lý, tổng hợp thông tin. Do vậy, xác suất đúng/sai là đáng tin cậy vì mang tính khách quan.
Viện chúng tôi kiểm tra giám định gen từ năm 1999 là sớm nhất Việt Nam. Trước đó, chưa có kỹ thuật này."

Như vậy, qua trả lời tóm tắt trên của ông Quý, có thể tạm hiểu rằng: cả Bộ Công an cũng như Bộ Quốc phòng, đến hiện tại, dù đã có kĩ thuật giám định gen (10 và 20 năm trước), nhưng rất thiếu số liệu thực chứng, cụ thể, để có thể trả lời rốt ráo câu hỏi: việc tìm mộ bằng ngoại cảm đúng được bao nhiêu %. 

2. Vào ngày 18/8/2013 (ảnh trên cùng), tức là không lâu trước khi Võ Đại tướng từ trần, trong một cuộc nói chuyện với các nhà nghiên cứu và thực hành ngoại cảm, ông Lê Khả Phiêu có cho biết:

"Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Năm 1998, khi tôi ký giấy phép thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người và gần đây là Viện Nghiên nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người cũng được cấp phép thành lập, tôi có đưa ý kiến của mình rằng, hoạt động ngoại cảm là một hoạt động nhạy cảm nên chúng ta cứ làm nhưng chưa tuyên truyền vội và Nhà nước cũng không cấm chuyện đó. Với lĩnh vực mới mẻ này, ai tin thì cứ tin, ai không tin thì vẫn sẽ không tin. Có những khái niệm khoa học sau nhiều năm mới được sáng tỏ mà.

Chủ trương của chúng ta là tìm mộ liệt sĩ bằng nhiều nguồn và trong đó tìm mộ bằng khả năng ngoại cảm cũng là một trong những cách tìm. Đương nhiên phải xét nghiệm ADN để khẳng định tính chính xác."


Một định hướng đã có từ cuối thập niên 1990. Đặc biệt, vào năm 1998 (tức trước khi có kĩ thuật giám định gen), chính Tổng Bí thư đã kí giấy phép để Trung tâm Ngoại cảm (gọi tắt) hoạt động, chứ không phải ai khác. Nếu có được bản chụp nguyên bản của tờ giấy phép đó thì thật quí.

---




BỔ SUNG





1.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Quyết tâm tìm cho hết hài cốt liệt sĩ thất lạc!


Sáng ngày 18/8, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa Viện với những người có khả năng đặc biệt. Đến dự buổi gặp gỡ có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Trò chuyện với Báo điện tử PetroTimes, nguyên Tổng bí thư (TBT) Lê Khả Phiêu cho rằng, việc quy tập, tìm kiếm mộ liệt sĩ là một quá trình vô cùng gian nan nhưng phải làm cho kỳ được. Cần tận dụng mọi phương tiện, cách thức kể cả áp dụng những khả năng đặc biệt của con người để tìm mộ liệt sĩ.
06:00 | 24/08/2013

PV: Thưa ông, được biết ông là người rất tâm huyết với việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thất lạc về với gia đình của họ. Nhiều năm qua, ông cũng từng đưa ra nhiều ý kiến thể hiện quyết tâm trong việc tìm hết mộ liệt sĩ thất lạc trên cả nước. Ông đánh giá như thế nào về thành quả và quá trình tìm mộ liệt sĩ thời gian qua?
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Chúng ta đều biết, trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, đã có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã anh dũng hy sinh. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ quan trọng là trách nhiệm của những người đang sống và thể hiện đạo lý của cả dân tộc. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm và đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn còn một số hạn chế, chưa được như mong muốn.
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu tại buổi giao lưu giữa Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người với những người có khả năng đặc biệt
Ai mà không đau xót khi biết rằng, vẫn còn gần 40 vạn liệt sĩ đã hy sinh nhưng thân thể của họ vẫn còn thất lạc đâu đó, chưa được về với gia đình. Những gần 40 vạn ngôi mộ chứ không ít ỏi gì. Tôi được biết, có những nơi người ta đã lập được hẳn một nghĩa trang, như ở Đồng Nai, đề bia họ tên, quê quán đầy đủ nhưng hài cốt thì vẫn chưa tìm được và chưa biết bao giờ mới tìm được.
Trách nhiệm của những người đang sống, hưởng thụ hòa bình là phải tìm bằng được những ngôi mộ thất lạc ấy. Và chúng ta vẫn đang tiếp tục tìm kiếm mộ liệt sĩ và tìm bằng nhiều cách. Nhà nước ta tổ chức tìm mộ liệt sĩ, có nhiều nơi đơn vị cựu chiến binh làm và rất nhiều gia đình tự đi tìm con em mình. Chúng ta phải kết hợp nhiều biện pháp và phải làm nhiều năm nữa chứ không phải 5-10 năm mà đã xong. Đó là tình nghĩa của nhân dân với liệt sĩ.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta nên đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nghĩa là công việc này sẽ buộc phải kết thúc dù nó đã hoàn tất hay chưa. Thưa ông, ý kiến của ông về việc này thế nào?
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Dân tộc ta không khi nào quên, không khi nào bỏ những liệt sĩ đã đổ xương máu giành lại hòa bình nên trách nhiệm của chúng ta sẽ phải tìm đến khi nào trên lãnh thổ Việt Nam không còn một hài cốt liệt sĩ thất lạc nào nữa. Một thời, từng có ý kiến cho rằng, việc tìm kiếm liệt sĩ đến năm 2000 là chấm dứt. Nghĩa là đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho công cuộc này. Tôi cực lực phản đối chuyện ấy. Người Mỹ bao năm nay họ miệt mài tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của họ tại tất cả các chiến trường họ từng tham chiến. Lẽ nào chúng ta không thể tìm kiếm được hết con em mình ngay trên đất nước chúng ta.
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu trò chuyện với một số nhà ngoại cảm
PV: Thưa ông, ông vừa cho rằng, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ sẽ phải áp dụng nhiều hình thức tìm kiếm khác nhau. Việc tìm mộ liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt liệu có phát huy được nhiều tác dụng? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Quá trình nghiên cứu về khả năng tiềm tàng của con người giúp chúng ta hiểu được sự thật mà trước đó chúng ta chưa hề biết. Những người có khả năng đặc biệt là vốn quý của xã hội nếu chúng ta biết khai thác và sử dụng khả năng ấy một cách đúng đắn. Đó là việc rất cần thiết chúng ta đang làm. Về lĩnh vực này, chúng ta đã có Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người chịu trách nhiệm tìm kiếm, kiểm tra những người có khả năng đặc biệt và ứng dụng khả năng đặc biệt ấy, đặc biệt là việc tìm mộ liệt sĩ. Nhiều người khẳng định việc sử dụng khả năng đặc biệt vào tìm mộ liệt sĩ là việc làm sai trái, là không đúng. Tuy nhiên, Đảng ta, Chính phủ ta, nhân dân ta không hề khẳng định đó là việc làm sai trái.
Đương nhiên, trong nghiên cứu có cái chính xác, có cái chưa chính xác, có cái chúng ta biết, có cái chưa thể biết, thậm chí có những điều hàng trăm năm nữa chúng ta mới hiểu được. Rất đơn giản, vì đó là khoa học. Trên thực tế, hoạt động của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người trong những năm qua cũng có nhiều thành quả thiết thực, đặc biệt với việc nghiên cứu, quy tụ được những người có khả năng đặc biệt để tìm hài cốt liệt sĩ đang bị thất lạc.
PV: Có người cho rằng, hoạt động của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người là không có thành quả gì và hoạt động ngoại cảm tìm mộ là vô căn cứ, ý kiến của ông về việc này thế nào?
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Năm 1998, khi tôi ký giấy phép thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người và gần đây là Viện Nghiên nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người cũng được cấp phép thành lập, tôi có đưa ý kiến của mình rằng, hoạt động ngoại cảm là một hoạt động nhạy cảm nên chúng ta cứ làm nhưng chưa tuyên truyền vội và Nhà nước cũng không cấm chuyện đó. Với lĩnh vực mới mẻ này, ai tin thì cứ tin, ai không tin thì vẫn sẽ không tin. Có những khái niệm khoa học sau nhiều năm mới được sáng tỏ mà.
Chủ trương của chúng ta là tìm mộ liệt sĩ bằng nhiều nguồn và trong đó tìm mộ bằng khả năng ngoại cảm cũng là một trong những cách tìm. Đương nhiên phải xét nghiệm ADN để khẳng định tính chính xác.
PV: Xin cám ơn ông và chúc ông sức khỏe!
Phát biểu trong buổi gặp gỡ giao lưu giữa Viện và những người có khả năng đặc biệt, GS. TSKH Phạm Minh Hạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người khẳng định: Với nhiều khả năng tiềm tàng của con người, đến nay mới có giả định này, giả định kia chứ chưa đủ căn cứ để đi đến một kết luận nào đó.
Có một điều chúng ta đều không thể đồng tình, hơn thế, rất cần lên án những ai giả hiệu, giả danh "ngoại cảm", "tâm linh" nhằm trục lợi, kiếm chác. Vấn đề tìm mộ, nhất là tìm mộ các liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, hiện là nhu cầu - nhu cầu tinh thần - tâm linh, tri ân "người trước, để phúc đời sau", một nhu cầu rất cao quý.
Chúng ta cũng đang nói nhiều về vấn đề "chữa bệnh không dùng thuốc" (ở một số nước gọi là tâm lý trị liệu); hay phong thủy nữa cũng được rất nhiều người quan tâm. Đúng là, cả ba vấn đề này đều còn nhiều bí ẩn và sứ mệnh của khoa học là khám phá bí ẩn. Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người là một viện khoa học nên sẽ gắng hết sức để giải đáp những vấn đề khoa học mà xã hội đang có nhu cầu".

Minh Tiến (thực hiện)





---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:

- Báo của Bộ Quốc phòng (2006): Muốn biết danh tính của nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào Con Cuông năm đó

3 nhận xét:

  1. cái này muốn được rõ ràng thì phải hỏi TBT Lê Khả Phiêu

    Trả lờiXóa
  2. Một ý kiến tương đồng với Nguyên TBT Lê Khả Phiêu:

    Là người trong cuộc, tôi rất thấu hiểu nỗi đau mất mát người thân trong chiến tranh, biết bao bố mẹ, vợ con, anh em, họ hàng đêm ngày mòn mỏi, chờ mong. Để tìm được mộ liệt sĩ, các gia đình cần phải xác định rõ:

    Phải nhất tâm tìm mộ, đừng có kẻ xuôi, người ngược, phải kiên trì vì đây là công việc đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và tiền của.

    Trên cơ sở thông tin về liệt sĩ, giấy báo tử, bằng tổ quốc ghi công qua Cục chính sách (BQP), qua các CCB, qua Trung tâm thông tin về Liệt sĩ… tìm hiểu để khoanh vùng nơi liệt sĩ chiến đấu và hy sinh.

    Gặp gỡ các nhà ngoại cảm (do các cơ quan có thẩm quyền quản lí) tìm hiểu thông tin về liệt sĩ. Càng gặp nhiều nhà ngoại cảm càng tốt để kiểm tra chéo thông tin về liệt sĩ tìm sự trùng lặp. Đừng vội vàng gặp một lần là tin ngay, cũng đừng vì không tìm thấy mộ mà xỉ vả và nói xấu nhà ngoại cảm. Thực ra nhà ngoại cảm chỉ là một cầu nối người âm với chúng ta, sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm chỉ đạt 20%, còn lại 80% là phải do chúng ta có đi đúng hướng không.

    Nếu có điều kiện thì giám định AND, trong trường hợp các yếu tố tâm linh hoàn toàn trùng khớp thì theo tôi không cần phải làm xét nghiệm AND nữa. Vì trong thực tế rất nhiều hài cốt khi khai quật chỉ còn ít xương vụn kèm theo một vài di vật như cúc áo, dép cao su, dây lưng da… Còn đa phần là tan vụn lẫn trong đất
    .

    Mỗi chúng ta khi còn sống ai cũng tâm niệm khi chết đi mau được siêu thoát trở về với tổ tiên, ai cũng hiểu rằng năm tháng trôi đi xương cốt sẽ tan dần và hòa trộn vào đất, phần hồn đã tách rời khỏi thể xác từ lúc nhắm mắt qua đời.

    Vậy tại sao chúng ta cứ phải mất quá nhiều thời gian, công sức để tìm nắm xương tàn, đống đất. Không tìm được mộ đâu có phải là bất hiếu với người đã khuất.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.