Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/07/2013

Suy nghĩ đầu tuần của Hà Nội Mới : Bà Tưng bay lên cùng thần Hạn

Lời dẫn: Tiếp sau Bùi Hoàng Tám của Dân trí, thì đến Lê Trần Đức Huy của Hà Nội Mới, các nhà báo không cần điều tra, không cần sờ đến sách, vẫn lên tiếng, mà là to tiếng như ai. Hà Nội Mới vừa đem sự kiện Bà Tưng không mặc cóc-xê ra xếp cùng một hàng với sự kiện thần Hạn. Xem tiếp ở dưới, để thấy đạo đức và nghiệp vụ làng báo Việt bây giờ như thế nào.

---

“Vấn nạn” nghiên cứu khoa học: Nước đã tràn ly?


Thứ Hai 05:54 29/07/2013


1. Tuần qua, lĩnh vực văn hóa - xã hội có vài chuyện "nổi tiếng". Y tế thì là chuyện mấy bé không may tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B. Giải trí vẫn ồn ào câu chuyện "Bà Tưng" vụt từ vô danh thành "hotgirl" nổi danh khắp nước chỉ sau một cú nhấp chuột. Văn hóa - khoa học nóng bỏng câu chuyện liên quan đến tác phẩm "Đi đánh Thần Hạn" của nhà thơ Trần Đăng Khoa… 

Ngẫm ra, trong số kể trên, chuyện về "Đi đánh Thần Hạn" có vẻ khôi hài nhất cho dù nó dính dáng đến mảng việc mang tính khoa học đòi hỏi sự nghiêm túc, cẩn trọng.

Giờ thì nhiều người đã biết chuyện nhà thơ Trần Đăng Khoa lên tiếng phàn nàn khi biết tác phẩm "Đi đánh Thần Hạn" mà ông viết từ năm 11 tuổi được liệt vào danh mục truyện dân gian. Sau một dự án nghiên cứu cấp bộ được Nhà nước tài trợ kinh phí thực hiện, đã được nghiệm thu bởi một hội đồng khoa học hẳn hoi, cuốn "Từ điển type truyện dân gian Việt Nam" được NXB Lao động ấn hành, cho ra mắt bạn đọc năm 2012. Trong công trình nghiên cứu của nhóm biên soạn Viện Văn học Việt Nam, do PGS.TS Nguyễn Thị Huế làm chủ biên, ở mục từ số 8 có giới thiệu truyện dân gian "Đi đánh thần hạn" mà theo Trần Đăng Khoa là có sự trùng về nội dung và tựa đề so với trường ca "Đi đánh Thần Hạn" của ông.

"Đi đánh Thần Hạn" của Trần Đăng Khoa có cách nay hơn bốn chục năm, đã được đăng trên Báo Văn nghệ từ năm 1970 và sau đó NXB Kim Đồng in đi in lại tác phẩm này; truyện dân gian "Đi đánh thần hạn" trong "Từ điển type truyện dân gian Việt Nam" dẫn nguồn từ cuốn "Văn học dân gian Bạc Liêu" (chủ biên: PGS Chu Xuân Diên, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh - 2005, đến năm 2011 được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản có bổ sung). Xét về "niên đại" thì hai năm rõ mười là thế, nên dư luận mới "nổi sóng", dẫn đến đánh giá không hay về nhóm biên soạn. Ý tứ có nhiều, đại loại là nghiên cứu gì mà biến người thật - việc thật thành thứ mang màu sắc “thần thoại”, khoa học gì mà năm bảy vị giáo sư tiến sĩ xúm vào không phát hiện ra “Đi đánh Thần Hạn” - tác phẩm của một thần đồng thơ mà đến trẻ mươi tuổi đã biết danh tiếng và tác phẩm thế nào.

Tựu trung, đã có ý ám chỉ nhóm biên soạn là “tiến sĩ, thạc sĩ copy”, công trình nghiên cứu kia đúng là làm tốn tiền của Nhà nước một cách vô ích…

2. Độ ba ngày sau khi Trần Đăng Khoa lên tiếng, vào ngày 24-7-2013, trên trang web của Viện Văn học Việt Nam xuất hiện bài viết của PGS.TS Nguyễn Thị Huế với nhan đề “Đôi lời thưa lại nhà thơ Trần Đăng Khoa và bạn đọc cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam”, cho đến hôm qua vẫn còn đọc được trên trang điện tử nói trên.

PGS.TS Nguyễn Thị Huế viết, đại ý nguồn tư liệu duy nhất được sử dụng là cuốn “Văn học dân gian Bạc Liêu” - do Khoa Ngữ văn và Báo chí Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện, kết quả của các đợt sưu tầm của 34 lượt giảng viên và 474 lượt sinh viên thực hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (từ ngày 29-10-2002 đến 17-11-2002 và từ ngày 7-4-2003 đến 26-4-2003). Đây chính là nguồn tư liệu mà nhóm đã sử dụng để biên soạn mục 8 của “Từ điển type truyện dân gian Việt Nam”. “Từ khi cuốn sách Văn học dân gian Bạc Liêu được công bố đến nay đã có một độ lùi về thời gian, không hề có ý kiến phản hồi nào nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm sử dụng những bản kể trong đó. Năm 2011, Văn học dân gian Bạc Liêu được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản có bổ sung. Truyện Đi đánh thần hạn (từ trang 29 đến trang 31) cũng có nội dung như bản kể năm 2005. Như vậy, về nguyên tắc chúng tôi đã sử dụng văn bản có xuất xứ, dưới dạng tự sự và đã được công bố, xuất bản… Về phần mình, chúng tôi xin thừa nhận, do chuyên về nghiên cứu văn học/văn hóa dân gian nên không có điều kiện đọc hết sáng tác văn học hiện đại, trong đó có sử thi - truyện thơ Đi đánh thần hạn. Đây là thiếu sót đáng tiếc của nhóm biên soạn, trước hết là của chủ nhiệm công trình”… “Nhưng, dù muốn hay không, chúng tôi cũng xin thành thật xin lỗi vì sự bất cẩn này (mặc dù, chúng tôi không sai, không vi phạm nguyên tắc biên soạn công trình theo nguyên tắc folkloer học)” - PGS.TS Nguyễn Thị Huế viết tiếp.

Chuyện vốn đã lằng nhằng, như có nhận xét là “phức tạp hơn cả đạo văn”, đến đây (sau lời xin lỗi kèm sự khẳng định nhóm biên soạn không sai, như đã dẫn) mang màu sắc khác. “Sự bất cẩn” của nhóm biên soạn và nghiệm thu công trình “Từ điển type truyện dân gian Việt Nam” bắt nguồn từ một sự bất cẩn khác - của người biên soạn và người duyệt ấn hành “Văn hóa dân gian Bạc Liêu”. Kết quả của “sự bất cẩn” ấy là gì? Là một ấn bản mang danh “từ điển” - công cụ tra cứu, học tập của rất, rất nhiều người. Là một sản phẩm khoa học tập thể mà liên quan đến sự xuất hiện của nó có khá nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, bao gồm những nhóm biên soạn, hội đồng nghiệm thu, biên tập viên NXB… vậy mà “sự cố” tồn tại suốt từ năm 2002 đến 2013 này.

Chẳng phải sự thực là thế sao, bất kể thực tế có chuyện dân gian hóa tác phẩm văn học viết và nhóm biên soạn không có ý “copy”, “dùng chùa”.

3. Rất nhiều đề tài nghiên cứu được thực hiện hằng năm nhờ nguồn kinh phí của Nhà nước - con số tuyệt đối lớn đến mức mà chỉ riêng khoản kinh phí hoàn trả ngân sách do nơi được phân bổ không bố trí được đề tài nghiên cứu, có năm đã lên đến vài trăm tỷ đồng. Thế nhưng, chuyện đó không quan trọng bằng việc số tiền đã tiêu cho công tác nghiên cứu nói chung hiện đem lại cho xã hội những gì có ích? Liệu có nên duy trì “bầu sữa nghiên cứu” một cách cứng nhắc, hay đã đến lúc nghĩ cách tìm giải pháp đầu tư hiệu quả hơn, thực tế hơn và phù hợp với bối cảnh nghiên cứu hiện nay?

Phải nói đến “bối cảnh nghiên cứu” là bởi đã có quá nhiều lời ra tiếng vào về sự “phí của” ở địa hạt “sang trọng” là nghiên cứu khoa học. Đề tài nhỏ thì có chuyện “làm cho có”, kết quả khảo sát làm điểm tựa cho kết luận khoa học được thu thập dựa trên bảng hỏi - “truyền đơn” rải trong trường học, cơ quan, mặc cho người được hỏi trả lời thế nào cũng được, nghiêm túc hoặc “cho xong nhiệm vụ thầy cô giao”. Đề tài lớn cũng có chuyện để lại tồn nghi trong kết luận khoa học, “gắp rót” ý tứ của người khác vào công trình của mình. Và, quan trọng nhất là việc xây dựng và thẩm định đề tài nghiên cứu được đăng ký thực hiện. Việc ấy hẳn là chưa tốt, bởi có một thực tế là nhiều đề tài nghiên cứu được thực hiện rồi… nhập “kho”.

Cũng như nhiều ngành nghề khác, sự yếu kém trong công tác nghiên cứu - phổ biến hay chỉ là thiểu số thì cũng có nguyên nhân từ con người. Từ người duyệt đề tài, người (nhóm) thực hiện đề tài đến người (hội đồng) phản biện, nghiệm thu. Cách nay chừng chục năm, người viết từng phải đưa vào chuyên mục “Chuyện nhặt” của Hànộimới chuyện một tiến sĩ “bê” nguyên tham luận đã in sách từ vài năm trước nộp cho ban tổ chức hội thảo về xây dựng văn hóa người Hà Nội (dùng từ “phải” là vì cũng có phần ái ngại khi đưa chuyện này, không phải ngại cho vị tiến sĩ nọ, mà ngại vì ông là con trai của một nhà nghiên cứu khoa học có nhiều đóng góp cho xã hội). Tham luận ấy sau được “đóng quyển” cùng với một số bài khác, của người khác, không rõ sau có in thành sách nữa hay không. Chuyện vừa kể lại, xét cho cùng không khác lắm so với cách ứng xử của một vài nhà nghiên cứu có tiếng. Năm 2000, ban tổ chức chương trình khảo sát văn hóa xuyên Việt do Công ty Toyota tài trợ đã tổ chức hội thảo khoa học ở một tỉnh miền Trung. Đó là lần mà người dự có thể cảm nhận rõ thái độ rẻ rúng đối với hội thảo khoa học “tầm tầm” là như thế nào. Một nhà nghiên cứu có tiếng về văn hóa địa phương, đã nộp một tham luận “không đầu không cuối”, nghĩa là người mới tìm hiểu không thể biết văn hóa đất ấy có “hình dạng” thế nào. Chẳng biết có đúng không nhưng khi ấy, một đại biểu người địa phương đã “mách” (hay bênh?), đại ý vị nọ giỏi lắm, có điều hội thảo “tầm này” thì ông ấy chỉ viết thế thôi, tiền nào của nấy mà.

Cách nay hơn chục năm, trong một lần trả lời phỏng vấn, một vị viện trưởng thuộc khối ngành khoa học xã hội nói với người viết rằng, theo ông, với viện của ông, khoảng trên dưới ba chục phần trăm kết quả nghiên cứu “đến được nơi cần đến”. Chuyện cũ áp vào hiện tại, có cảm giác về điều người ta khôi hài là “nguyễn y vân”. Đời sống vẫn còn bao khoảng trống cần bàn tay nghiên cứu khoa học, nông - công nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường đều vậy trong khi các cục, vụ, viện, trường, trung tâm vẫn “đẻ” đề tài sòn sòn, lĩnh tiền Nhà nước đầu tư nghiên cứu ầm ầm, lại năng “phân tích” rằng ngân sách dành cho nghiên cứu mới đạt không phẩy mấy phần trăm GDP, ít ơi là ít, kém xa khu vực, châu lục và thế giới (vẫn có ý này trong báo ngành, tất nhiên là ở phần nguyên nhân dẫn đến tồn tại).

Xin các nhà khoa học nghiêm túc thứ lỗi, nhưng đúng là đã đến lúc bàn nghiêm túc về chuyện nghiên cứu khoa học. Ít nhất thì cũng nên xem lại việc duyệt đề tài, chọn người thực hiện, nghiệm thu và phân bổ kinh phí. Có người hiến kế: Nên phân loại đề tài, nghiên cứu cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ, nghiên cứu ứng dụng hoặc với đề tài có tầm ảnh hưởng hạn chế thì khuyến khích sử dụng kinh phí xã hội hóa, hướng đến mục tiêu thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu - tức là đề tài “xa cuộc sống” không còn cơ hội xuất hiện nữa.
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Suy nghĩ đầu tuần của Hà Nội Mới : Bà Tưng bay lên cùng thần Hạn
Góc nhìn báo chí về sự kiện thần Hạn (Bùi Hoàng Tám của Dân trí)
Trường ca, hay vè dân gian, của Trần Đăng Khoa qua nhận định của Lại Nguyên Ân (1975)
Chủ biên Chu Xuân Diên vừa lên tiếng, nhưng chưa hết thắc mắc, chẳng hạn "1992" ?
Nhóm soạn giả Chu Xuân Diên (cuốn Văn học Dân gian Bạc Liêu) cần lên tiếng 
VOV là Trần Đăng Khoa, hay Trần Đăng Khoa hóa thành VOV, như thần Hạn rồi ?
Trần Đăng Khoa không thông cảm với cách giải thích, vì là từ điển
Lời thưa lại của Nguyễn Thị Huế
Lên tiếng của Trần Đăng Khoa và dư luận
Xem nhanh cuốn sách mà Trần Đăng Khoa vừa lên tiếng
Trần Đăng Khoa lên tiếng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.