Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/07/2015

Hà Nội nhất trí tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông

Tin của TTO và các trang khác.

---



06/07/2015 18:36 GMT+7

TTO - Chiều 6-7, HĐND TP Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết về việc đặt tên 19 tuyến đường phố mới, trong đó có hai tuyến đường mang tên hai vị vua đầu triều Mạc.
Ông Lê Hồng Sơn, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, trình bày tờ trình về đặt tên 19 tuyến đường, phố mới - Ảnh: XUÂN LONG
Ông Lê Hồng Sơn, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, trình bày tờ trình về đặt tên 19 tuyến đường, phố mới - Ảnh: XUÂN LONG
Đọc tờ trình về đặt tên 19 tuyến đường, phố, ông Lê Hồng Sơn, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đề nghị đặt tên đường Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) cho đoạn đường dài 900m, từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính; đặt tên đường Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) cho đoạn đường dài 840m, từ ngã ba giao cắt với phố Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính (quận Cầu Giấy).
Đây là lần thứ hai UBND TP Hà Nội đề nghị đặt tên đường đối với hai vị vua đầu triều Mạc. Trước đó, cuối năm 2014 UBND TP Hà Nội đã xin rút tờ trình gửi HĐND TP về việc đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông vì còn những ý kiến khác trước việc đặt tên đường này.
Theo ông Lê Hồng Sơn, trước khi trình phương án đặt tên đường, phố lần này, hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường phố đã họp nhiều lần. Sau khi thống nhất, hội đồng tư vấn cũng đã lấy ý kiến của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.
Tuy nhiên, trong phần điều hành thảo luận tại hội trường về nội dung đặt tên 19 tuyến đường, phố mới, ông Lê Văn Hoạt, phó chủ tịch HĐND TP, sau nhiều lần đề nghị các đại biểu cho ý kiến nhưng phía dưới hội trường không có đại biểu nào bấm nút phát biểu.
“Không có đại biểu nào có ý kiến về nội dung này, như vậy tôi hiểu rằng các đại biểu đã đồng ý cho biểu quyết thông qua nghị quyết về đặt tên đường, phố, vì vậy đề nghị phòng máy cho biểu quyết” -ông Hoạt nói.
Theo nghị quyết về đặt tên 19 tuyến đường, phố mới đã được HĐND TP Hà Nội thông qua có 9 tuyến đường, phố mang tên địa danh, 4 phố mang tên di tích lịch sử văn hóa, 6 đường, phố mang tên danh nhân, trong đó còn có tên đường Nguyễn Đình Thi (đoạn đường 2.230m từ ngã ba giao cắt đường Thanh Niên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng đến ngã ba giao cắt phố Trích Sài, quận Tây Hồ), phố Trịnh Công Sơn (dài 900m từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với ngã ba đê Âu Cơ, quận Tây Hồ).

XUÂN LONG

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150706/dai-bieu-hdnd-tp-ha-noi-nhat-tri-ngay-ma-khong-thao-luan/773313.html




Hà Nội: Quyết định đặt tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông

Thứ Hai 17:21 06/07/2015

(HNMO) - Chiều nay (6-7), các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn TP Hà Nội năm 2015. Theo đó có 19 đường, phố đặt tên mới, trong đó 9 đường, phố mang tên địa danh; 4 đường, phố mang tên di tích lịch sử; 6 đường, phố mang tên danh nhân; 3 phố điều chỉnh kéo dài.
Cụ thể: Quận Bắc Từ Liêm có 6 đường, phố gồm: phố Hoàng Liên (đoạn từ ngã ba giao cắt đường đê Liên Mạc đến ngã ba đường đối diện nghĩa trang thôn Hoàng Liên) dài 520m, rộng: 7m; đường Sùng Khang (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Tây Tựu, Kỳ Vũ đến ngã tư giao cắt đường Yên Nội, phường Thượng Cát, Liên Mạc) dài 1.400m, rộng 7-10,5m; phố Châu Đài (đoạn từ ngã ba dốc Đình giao cắt chân đê đường Thượng Cát đến ngã tư cầu Vò cạnh đền Châu Đài (đền Thượng Cát), dài 600m, rộng 5-7m; phố Trung Tựu (đoạn từ ngã ba đường Phú Diễn Liên Mạc đến đường Tây Tựu) dài 1.300m;, rộng 7m; phố Đăm (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Tây Tựu đến đình Đăm) dài 350m, rộng 5,5-7m; phố Thanh Lâm (đoạn từ đường QL32 đến ngã ba giao cắt đường số 4 khu công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm) dài 605m, rộng 15m.

Trên địa bàn quận Cầu Giấy có 3 đường, phố gồm: phố Mạc Thái Tổ (đoạn đường từ ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt phố Trung Kính) dài 900m, rộng 60m; phố Mạc Thái Tông (đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng (đối diện cổng sau Trung tâm Hội Nghị Quốc gia) đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, tiếp nối phố Vũ Phạm Hàm), dài 840m, rộng 17m; phố Phạm Văn Bạch (đoạn đường từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính, Dương Đình Nghệ đến bùng binh nối các phố Tôn Thất Thuyết, Trần Thái Tông cạnh Cung Trí thức thành phố) dài 500m, rộng 40m.

Tại quận Nam Từ Liêm có 3 đường, phố: phố Đại Linh (đoạn từ ngã tư giao cắt phố Cương Kiên và Trung Văn đến ngã ba giao cắt phố Sa Đôi) dài 1.500m, rộng 7m; phố Do Nha (đoạn từ ngã tư giao cắt phố Miêu Nha tại cổng làng Miêu Nha đến trường Tiểu học Tây Mỗ (phân hiệu 2) dài 600m, rộng 5-7m; phố Nguyễn Hoàng (đoạn từ ngã tư giao cắt đường Phạm Hùng cạnh bến xe Mỹ Đình đến ngã tư đường Lê Đức Thọ, phố Hàm Nghi), dài 2.200m, rộng 40m.

HĐND thành phố Hà Nội thông qua việc đặt tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông
HĐND thành phố Hà Nội thông qua việc đặt tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông trên địa bàn quận Cầu Giấy

Huyện Đông Anh có 3 đường: đường Bắc Hồng (đoạn từ cầu Đò So bắc qua sông Cà Lồ đến ngã ba giao cắt đường đi thôn Thượng Phúc và Quan Am, xã Bắc Hồng) dài 2.120m, rộng: 10,5m; đường Vân Nội (đoạn từ ngã ba giao cắt phố Vân Trì đến đường rẽ đi thôn Mỹ Nội, xã Bắc Hồng) dài 900m, rộng 10,5m; đường Gia Lương (đoạn từ cuối đường Dục Nội đến ngã ba giao cắt đường đi vào thôn Thư Cưu xã Cô Loa) dài 1.560m, rộng 10,5m.
Quận Tây Hồ có 2 đường, phố gồm: Phố Nguyễn Đình Thi là đoạn từ ngã ba giao cắt đường Thanh Niên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng đến ngã ba giao cắt phố Trích Sài, dài: 2.230m; rộng: 7,5-9,5m. Phố Trịnh Công Sơn là đoạn từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ cạnh trường THPT Phan Chu Trinh. Dài: 900m; rộng: 9,5-12,5m.

Trên địa bàn quận Hà Đông có phố Yên Lộ (đoạn từ ngã ba giao cắt với tuyến đường tiếp nối phố Tố Hữu vào tổ dân phố 10, 11, 12, 13 phường Yên Nghĩa đến ngã ba giao cắt với lối lên đê Yên Nghĩa) dài 1.000m, rộng 8m. Đối với quận Long Biên có đường Phúc Lợi (đoạn cuối phố Lưu Khánh Đàm đến ngã ba giao cắt quốc lộ 1B giáp chân cầu Phù Đổng) dài 3.836m, rộng 21m.

Có 3 tuyến phố được điều chỉnh kéo dài, gồm: phố Trần Phú, quận Ba Đình (đoạn từ cuối phố Trần Phú (ngã năm giao cắt phố Lê Trực, Ông Ích Khiêm, Trịnh Hoài Đức) đến ngã ba giao cắt phố Sơn Tây) dài 220m, rộng 22m; phố Nhật Tảo, quận Bắc Từ Liêm (đoạn từ cuối phố Nhật Tảo (chùa Nhật Tảo) đến ngã ba gần Xí nghiệp xây lắp H36, tổ dân phố xóm chùa, phường Đông Ngạc), dài 500m, rộng 5-7m; phố Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm), đoạn từ cuối phố Hàm Nghi đến ngã ba giao cắt đường K2, đối diện xí nghiệp 197 Bộ quốc phòng, phường Cầu Diễn) dài 500m; rộng 40m.

4 nhận xét:

  1. Hơ hơ hơ ! Thế là cuối cùng lịch sử cũng được đặt đúng về đúng vị trí vốn có của nó . Răng mờ trúng ý của Salam rứa hè , bữa ni " Bọ " phải mần một con Ga ăn mừng , dành cho bác Giao cấy trốc Ga he , cho thêm cấy phâu cu nữa nì

    Trả lờiXóa
  2. Có người muốn học Mạc Đăng Dung cam tâm đầu hàng bắc quốc, dâng đất để được làm vua một xứ đây mà? Biển Đông như vậy mà lại đặt tên đường tôn vinh một nhân vật như vậy thì không hiểu họ nghĩ như thế nào? Hay có ai đó muốn bày tỏ ý trí thuần phục với Trung Quốc đây. Thật là đau lòng

    Trả lờiXóa
  3. Vâng,như ai đó nói :"Thế là cuối cùng lịch sử cũng được đặt đúng về vị trí vốn có của nó."
    Tượng Tần Cối đã được đem về đặt bên cạnh mộ Tống nhạc Phi.
    Cha con nhà Mạc đã được đặt tên cho hai con đường bên cạnh làng Trung - Kính

    Trả lờiXóa
  4. Chào hai bạn !
    Salam không muốn tranh luận với hai Bạn vì bản thân không đủ tầm . Salam rất mến tính cách Nam Nhi trong hai Bạn , thẳng tính , rạch ròi phân minh . Ở đây Salam muốn nói mấy lời :
    Có một điều mà chúng ta không muốn chấp nhận mà nó vẫn hiện hữu đó là " Chân lý thuộc về kẻ mạnh " . Khi một vương triều này lật đổ một vương triều khác , điều đầu tiên là tiêu diệt hết tàn dư của triều đại cũ ( Nhà Trần đối với nhà Lý ) . Điều thứ hai để bảo đảm tính chính danh , họ sẽ tìm mọi cách để nói xấu vương triều đã bị lật đổ để an lòng dân . Những người viết sử nhiều khi bị bắt phải gọt giũa theo ý của nhà cầm quyền . Vì thế khi nhìn nhận về lịch sử phải có cái nhìn ĐA CHIỀU chứ không nên nhìn nhận MỘT CHIỀU . Hồi xưa Salam cũng giống như các Bạn , chỉ biết về lịch sử do nhà trường XHCN dạy . Bây giờ là thời đại Internet rồi rất nhiều thông tin , mặc dù cũng đầy sạn . Quan trọng là mình có biết đãi rác tìm sự thât hay không . Có nhiều sự việc xay ra trong lịch sử phải đem ra nhìn nhận lại . Đó cũng là công việc và trách nhiệm của những nhà nghiên cứu bây giờ
    Trong bât cứ người dân Việt nào cũng có lòng yêu nước , nó như mạch ngầm luôn luôn chảy .
    Còn về sự việc đặt tên đường cho hai vị Vưa nhà Mạc , nếu vì thế mà bảo là không yêu nước thì sẽ có rất nhiều " đụng chạm " vì thế không tranh luận nữa , mọi chuyện để cho các nhà sử học lo
    Có mấy lời với hai bạn như vậy ..... Thân !

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.