Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/01/2025

Quan hệ Việt - Nhật qua tài liệu lưu trữ (2018)

Lưu đường link đến kho tư liệu này.

Ví dụ là thời kì "đầu cận đại".

Tháng 1 năm 2025,

Giao Blog


---

Đường link ở đây.


LỜI NÓI ĐẦU

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt đến tầm cao mới, đặc biệt từ khi hai nước nâng tầm quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Có thể nói, quan hệ hợp tác giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21 tháng 9 năm 1973 đến nay.
Triển lãm trực tuyến “Việt Nam - Nhật Bản: Lịch sử quan hệ hợp tác qua tài liệu lưu trữ” do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam và Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản hợp tác thực hiện nhằm hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2018). Triển lãm là bức tranh tái hiện những chặng đường phát triển trong mối quan hệ giữa hai nước, gắn liền với những thành tựu hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật…từ buổi sơ khai đến nay.
Triển lãm giới thiệu gần 50 tài liệu lưu trữ tiêu biểu hiện đang được bảo quản tại các cơ quan Lưu trữ, Bảo tàng… của Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có nhiều tài liệu, hình ảnh lần đầu tiên được công bố và được bố cục thành 4 chương: Thời kỳ sơ khai, Thời kỳ sơ kỳ cận đại, Thời kỳ cận đại và hiện đại và Việt Nam - Nhật Bản: Đối tác cũ - Quan hệ mới. Thông qua triển lãm, Ban tổ chức mong muốn mang lại cho người xem cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản không chỉ vững bền cùng thời gian mà còn ngày càng được nâng tầm và phát triển.
Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin trân trọng cảm ơn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di tích cổ Hội An, Viện Hán Nôm và Thông tấn xã Việt Nam đã cung cấp những bức ảnh và tư liệu có giá trị cho triển lãm. Tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các cơ quan, đơn vị và cá nhân vì những đóng góp tích cực cho cuộc triển lãm này.

Đặng Thanh Tùng
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam

Năm 2018 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để chào mừng sự kiện này, Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam hợp tác tổ chức triển lãm trực tuyến với chủ đề “Việt Nam - Nhật Bản: Lịch sử quan hệ hợp tác qua tài liệu lưu trữ” nhằm giới thiệu đến công chúng những hoạt động hợp tác trong lịch sử giữa hai nước thông qua các sưu tập tài liệu lưu trữ.
Trước khi diễn ra sự kiện này, tháng 9 năm 2017, Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam đã ký kết “Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác” với mong muốn thúc đẩy hợp tác và trao đổi nghiệp vụ lưu trữ và quản lý tài liệu để cùng nỗ lực đạt được những mục tiêu chung. Việc công bố website triển lãm lần này chính là dự án hợp tác đầu tiên trong khuôn khổ thực hiện Bản ghi nhớ nói trên. Triển lãm gồm 4 chương giới thiệu những hoạt động trao đổi và hợp tác giữa hai nước từ thời sơ khai cho đến nay. Mối quan hệ có lịch sử hơn 1000 năm được bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 8 và được tiếp tục duy trì qua sự học hỏi và quan tâm lẫn nhau. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên mọi lĩnh vực hiện đang trở nên quan trọng hơn lúc nào hết. Điều này được thể hiện trong Chương 4: “Đối tác cũ - Quan hệ mới”, Nhật Bản và Việt Nam đã và đang cùng vun đắp cho mối quan hệ song phương cho tương lai. Chúng tôi hi vọng triển lãm sẽ làm sâu sắc thêm hiểu biết và tình hữu nghị song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Cuối cùng, tôi xin trân trọng cảm ơn TS. Masaya Shiraishi, Giáo sư danh dự Đại học Waseda vì những hướng dẫn và tư vấn nhiệt tình của ông trong quá trình thực hiện triển lãm này. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các cá nhân và tổ chức, trong đó có Bộ Ngoại giao Nhật Bản bởi sự hỗ trợ và hợp tác trong quá trình chúng tôi xây dựng website.

Takeo Katoh
Giám đốc Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản


http://vn_jp45.luutru.gov.vn/Vietnamese/index.html



Đường link ở đây.

II. Thời kỳ sơ kỳ cận đại

Mậu dịch Châu ấn thuyền

Cuối thế kỷ 16, do nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc thực thi chính sách “cấm biển”, các thương nhân Nhật Bản đổi hướng sang tìm kiếm đối tác buôn bán ở các nước Đông Nam Á. Chính quyền Nhật Bản như Mạc phủ Tokugawa hoặc các Lãnh chúa ban cho họ Châu ấn thư, một giấy phép thông hành nhằm phân biệt các thương nhân chính thống với bọn buôn lậu và cướp biển; những thương nhân này hướng tới các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam (An Nam), Philippines và Thái Lan và đổi bạc, đồng, lưu huỳnh, kiếm... lấy lụa, lụa thô, bông... Từ năm 1604 khi hệ thống mậu dịch Châu ấn thuyền được thiết lập cho đến năm 1639 khi Mạc phủ Tokugawa thực thi đầy đủ chính sách Tỏa quốc, tổng cộng 350 Châu ấn thuyền đã ra khơi và khoảng 130 tàu có quan hệ giao thương với Việt Nam. Hội An, nằm ở miền Trung Việt Nam, là cửa ngõ của Huế - nơi hoàng tộc nhà Nguyễn đóng đô - đã phát triển thịnh vượng như một thành phố cảng quốc tế. Trong thời gian ngắn, phố Nhật được thiết lập. Khi Mạc phủ Tokugawa cấm tàu thuyền Nhật Bản ra nước ngoài vào năm 1635, Mậu dịch Châu ấn thuyền chấm dứt; tuy nhiên, người ta cho rằng người Nhật vẫn tiếp tục sống ở phố Nhật thêm vài thập kỷ sau lệnh cấm.

Phần này giới thiệu các tài liệu về Mậu dịch Châu ấn thuyền và phố Nhật ở Hội An.

1.  Ngoại phiên thư hàn: Bản sao lá thư của chúa Nguyễn Hoàng viết tháng 5 năm 1604

Ngoại phiên thư hàn là sách tranh minh họa tham khảo cho cuốn Ngoại phiên thông thư, được biên soạn và hoàn thành năm 1818 bởi Juzo Kondo, quan viên thuộc Văn phòng hành chính Nagasaki. Sách gồm 2 tập, được bảo quản tại Thư viện Hồng Diệp Sơn.

Trong ảnh là bản chép lại bức thư của chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) năm 1604 gửi Tường Quân Ieyasu Tokugawa (1543-1616) - nhà cầm quyền cao nhất ở Nhật Bản đương thời. Đầu thế kỷ 15, khu vực phía Bắc Việt Nam tạm thời bị nhà Minh (Trung Quốc) đô hộ. Sau khi giành lại độc lập, nhà Lê lên ngôi. Tuy nhiên, các biến động xảy ra vào cuối thế kỷ 16 khiến các vua Lê mất đi thực quyền, kéo theo việc chia cắt Việt Nam thành 2 miền: Đàng Ngoài do nhà Trịnh cai trị còn Đàng Trong do nhà Nguyễn cai trị.

Số lượng thư từ giữa Mạc phủ và Đàng Trong lên tới 34 thư (15 từ Mạc phủ và 19 từ Đàng Trong), khiến Đàng Trong trở thành một trong những đối tác có quan hệ giao dịch thư từ nhiều nhất với Mạc phủ.

 Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản

Số/ký hiệu: 184-0376

2.  Ngoại phiên thư hàn: Tranh minh họa Mậu dịch Châu ấn thuyền

Tương tự như bức thư nói trên, đây là một tranh minh họa trích từ cuốn Ngoại phiên thư hàn.

Bức tranh mô tả Châu ấn thuyền của Sotaro Araki, một thương nhân Nhật Bản, cứ điểm ở cảng Nagasaki, thành đạt có quan hệ giao thương với An Nam và Thái Lan, Phù hiệu của ông được vẽ ở mũi tàu, là tổ hợp các chữ cái V, O, C và là phiên bản đảo ngược phù hiệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Có người cho rằng phù hiệu này ám chỉ việc Araki đã nỗ lực loại bỏ mọi can thiệp của các tàu buôn khác, trong đó có tàu buôn Hà Lan. Hiện vẫn chưa rõ về hình dáng của Mậu dịch Châu ấn thuyền - những con thuyền qua lại giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Thế nhưng nhiều người cho rằng con thuyền có phong cách chiết trung với thân tàu theo kiểu thuyền mành Trung Quốc, bánh lái kiểu phương Tây và mũi tàu kiểu Nhật… Tranh minh họa này rất có giá trị vì chỉ còn một vài tranh như vậy cho biết các đặc điểm của Mậu dịch Châu ấn thuyền thời bấy giờ.

Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản

Số/ký hiệu: 184-0376

3.  Mộc bản triều Nguyễn về việc Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho mua đồng đỏ của thuyền buôn Nhật Bản

Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm cổ (khắc ngược) để in ra thành sách được dùng phổ biến trong thời kỳ phong kiến. Nội dung của Mộc bản triều Nguyễn phản ánh lịch sử xã hội Việt Nam từ khởi thủy đến triều Nguyễn trên tất các các lĩnh vực như lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, ngôn ngữ, văn tự,...

Trước năm 1960, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được lưu giữ tại Huế, từ năm 1960, được chuyển từ Huế lên Đà Lạt và lưu giữ tại Chi nhánh Văn khố Đà Lạt từ năm 1961 - 1975. Sau năm 1975, Mộc bản được giao về Cục Lưu trữ nhà nước và hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thành phố Đà Lạt với tổng số 34.619 tấm Mộc bản tương đương 55.320 mặt khắc. Đây là nguồn sử liệu gốc, có giá trị lớn về nhiều mặt, có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế, nên ngày 31 tháng 7 năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn đươc UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Mộc bản triều Nguyễn có nhiều bộ cổ sử giá trị như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư….

Đại Nam thực lục là bộ quốc sử lớn nhất, quan trọng nhất của triều đình nhà Nguyễn do Quốc Sử quán biên soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đến năm Duy Tân thứ 3 (1909). Đại Nam thực lục được viết theo thể biên niên, gồm hai phần Tiền biên và Chính biên, trong đó phần Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép về sự nghiệp của 9 chúa Nguyễn, được khởi soạn năm 1821, làm xong và hoàn thành việc khắc in năm 1884.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 2, mặt khắc 4 ghi lại sự kiện Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho mua đồng đỏ của thuyền buôn nước Nhật Bản, năm 1617: “Xứ Thuận Quảng duy không có mỏ đồng, mỗi khi những thuyền buôn Phúc Kiến, Quảng Đông hay Nhật Bản, chở đồng đỏ đến bán thì nhà nước thu mua, cứ 100 cân thì trả giá 40 hay 50 quan tiền”.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
 
Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, H28/3

4.  Mikikigusa: Bản sao bài Châu ấn Ngoại thương

Mikikigusa là tập hợp gồm 1800 tài liệu trong 170 tập, được biên soạn và biên tập bởi Seishin Miyazaki, một chư hầu của Mạc phủ. Ông đã dành 30 năm kể từ năm 1830 để biên soạn cuốn sách. Cuốn sách được trưng bày tại triển lãm là bản thảo gốc.

Bản sao chép tay bài Châu ấn Ngoại thương kể lại câu chuyện của một thương nhân thành đạt Sotaro Araki và hậu duệ của ông; bản sao bức Châu ấn thư của ông được Itaro (chắt của Sotaro) giao lại cho chính quyền. Theo tài liệu này, Sotaro đã đến An Nam nhiều lần và được chúa Nguyễn tin tưởng, gả công nữ Ngọc Hoa cho ông. Sau đó ông đưa vợ về Nhật; người con gái duy nhất và con rể của họ kế tục gia nghiệp.

Công nữ Ngọc Hoa được người dân ở Nagasaki yêu mến và gọi bằng cái tên “Aniou-san”. Một con tàu mang tên “Aniou-san” tái hiện cảnh Sotaro đưa công nữ về Nhật đã được trưng bày tại Lễ hội Nagasaki Kunchi (lễ hội của đền Suwa, được công nhận là Di sản Văn hóa dân gian phi vật thể quan trọng của quốc gia). “Aniou” được cho là biến âm của từ “Anh ơi” - cách phụ nữ Việt gọi chồng của mình.

Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản
 
Số/ký hiệu: 217-0034, vol.53

5.  Chùa Cầu - Hội An

Chùa Cầu là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ ở khu phố cổ Hội An. Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản xây dựng vào đầu thế kỷ XVII nên người dân nơi đây thường gọi là cầu Nhật Bản. Đây là cây cầu duy nhất được coi là có gốc tích Nhật Bản còn lại. Cầu có chiều dài gần 18m. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều”, do năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đến thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”. Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990 và trở thành biểu tượng của Di sản văn hóa Hội An.

Ảnh chùa Cầu do nhiếp ảnh gia Trương Công Ánh, Hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chụp năm 2003.

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

6.  Tiền xu được người Nhật Bản sử dụng ở Hội An

Những đồng tiền xu được đúc bằng đồng này được những thương nhân người Nhật sử dụng vào khoảng thế kỷ thứ 17, được phát hiện cùng nhiều hiện vật khác như đồ gốm Nhật Bản tại nhiều địa điểm ở Hội An. Mỗi đồng xu có kích cỡ đường kính 25mm, nặng 3 gam. Ở giữa có lỗ vuông mỗi cạnh 5,5mm. Tiền có màu vàng sẫm được đúc thủ công. Mặt trước khắc 4 chữ Hán cổ như Khoan Vĩnh Thông Bảo, Nguyên Phong Thông Bảo…, cho thấy tiền được đúc vào thời Bắc Tống ở Trung Quốc. Những đồng tiền cùng loại cũng thường được tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ thời trung cổ ở Nhật Bản. 

 Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

7.  Mộc bản triều Nguyễn về việc thuyền buôn Nhật Bản vào buôn bán tại Gia Định và Biên Hòa

Mộc bản triều Nguyễn là một trong những loại hình tài liệu lưu trữ đặc biệt quý hiếm của Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam.
Thành phần tài liệu Mộc bản triều Nguyễn bao gồm ván khắc các tác phẩm chính văn, chính sử của vương triều Nguyễn; những ván khắc các sách kinh điển của Nho gia; và những ván khắc từ trước thời Nguyễn,…được chuyển từ Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) về lưu trữ ở Quốc Tử Giám (Huế) vào thời Vua Minh Mạng (1820-1840) và Thiệu Trị (1841- 1847).

Bản khắc Mộc bản là nguồn sử liệu tin cậy để khảo cứu, đối chiếu, đính chính các nguồn sử liệu liên quan phục vụ tốt cho viện nghiên cứu lịch sử Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động bang giao với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Về mối quan hệ bang giao với Nhật Bản, Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 5, mặt khắc 22 có ghi chép về việc thuyền buôn của Nhật Bản vào buôn bán tại Gia Định và Biên Hòa, năm 1679:“Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi Lạp (nay thuộc Gia Định), đến đóng ở Bàn Lân (nay thuộc Biên Hòa). Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập”.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
 
 ĐNLTB quyển 5, mặt khắc 22

8.  Trích sổ điền của làng Minh Hương ở Hội An

Trang tư liệu trích trong cuốn sổ điền của làng Minh Hương ở Hội An, lập năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Tư liệu ghi rõ về vị trí thửa đất ở Hội An do một người Nhật tên là Tuyền Ốc Thị Địch làm chủ sở hữu. Làng Minh Hương là một làng do người Hoa thành lập khi đến Hội An làm ăn, sinh sống, ngày nay thuộc địa phận phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Tư liệu do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sưu tầm và quản lý từ năm 1997.

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Thuyền nhân trôi dạt

Cuối thế kỷ XVIII, 3 sự cố khiến ngư dân Nhật trôi dạt sang An Nam xảy ra liên tiếp. Ở thời kỳ mà thông tin hải ngoại còn hạn chế do chính sách Tỏa quốc của Mạc phủ Tokugawa, những sự cố này được các trí thức khi lại trong sách, trong đó mô tả diện mạo Việt Nam thời bấy giờ. Qua những câu chuyện này, chúng ta có thể tìm được bằng chứng về các hệ thống xã hội như Hệ thống hồi hương cho thuyền nhân của nhà Thanh mà nhiều người cho rằng được thiết lập vào giữa thế kỷ XVIII; về các thương nhân người Hoa có vai trò nhất định trong hệ thống đó và về việc bảo vệ thuyền nhân của các chúa Nguyễn. Đồng thời, chính phủ Nhật Bản cũng đưa thuyền nhân người Việt về nước an toàn. Từ những lời tự thuật của họ, có thể thấy cơ chế và mạng lưới tổ chức thịnh hành ở khu vực Đông và Đông Nam Á thời bấy giờ.

1.  Châu bản triều Nguyễn về việc lính thú tại Gia Định trôi dạt đến Nhật Bản trên đường trở về kinh

Châu bản là các văn bản hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn từ 1802 đến 1945. Châu bản lưu bút tích phê duyệt trực tiếp của các Hoàng đế trên văn bản.

Dưới triều Nguyễn, châu bản được lưu tại kho văn thư của Nội Các, năm 1959 được chuyển sang Viện Đại học Huế, năm 1961 chuyển lên Đà Lạt, năm 1978 được giao cho Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng nay là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý. Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 và Di sản tư liệu thế giới năm 2017.

Tài liệu trưng bày tại triển lãm là bản tấu của Khâm sai Bắc thành Lê Tông Chất trình lên Hoàng đế Gia Long ngày 10 tháng 12 năm Gia Long 16 (1817) về việc Đặng Hữu Bôi lính thú tại Gia Định gồm 5 người khi trở về Kinh đổi ban vào khoảng giữa năm 1815, giữa đường gặp bão trôi dạt đến Nhật Bản. Mặc dù không có thông tin chính xác về địa điểm ở Nhật Bản, bản tấu cho thấy họ đã được những người địa phương cưu mang và hỗ trợ qua Trung Quốc rồi về nước qua ải Trấn Nam Quan vào năm 1817.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Châu bản triều Gia Long, tập 3, tờ 215

2.  An Nam quốc phiêu lưu ký

An Nam quốc phiêu lưu ký là ký sự của các thuyền nhân, biên soạn năm 1767 bởi Sekisui Nagakubo (1717-1801), một nhà địa lý học, khi ông nghe lại lời kể của các thuyền nhân. Tài liệu trưng bày tại đây là bản chép tay tặng cho trường Nho học Shohei-zaka của Mạc phủ Tokugawa vào những năm 1810 trong quá trình trường sưu tầm sách địa lý, tài liệu du ký…; sau này được bảo quản tại Thư viện Nội các.

Cuốn sách kể lại chuyện đội thủy thủ Himemiya-maru đi thuyền trở về cảng quê nhà (nay là tỉnh Ibaraki), nhưng bị dạt sang Việt Nam năm 1765; và đội Sumiyoshi-maru khi đi thuyền tới địa điểm ngày nay là tỉnh Fukushima cũng trôi dạt sang Việt Nam năm 1766. Họ tình cờ gặp nhau tại Hội An và cùng nhau trở về Nhật. Trong sách có viết họ cố gắng trao đổi với người dân địa phương bằng cách dùng chữ Hán, tìm cách tới Hội An nơi lúc trước từng có phố Nhật và gặp gỡ hai thương nhân người Hoa nói tiếng Nhật. Nhờ sự giúp đỡ của một người trong đó, họ có thể trở về Nhật Bản trên tàu của các thương nhân Nam Kinh.

Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản

185-0168

3.  Nam phiêu ký

Nam phiêu ký là một cuốn kỷ lục khác về các thuyền nhân, ghi lại bởi Ryushiken Seishi (không rõ năm sinh, năm mất) và xuất bản năm 1798. Cuốn sách kể lại việc đội Daijo-maru, quê ở nơi hiện nay là thành phố Natori, tỉnh Miyagi, trôi dạt đến An Nam và năm sau mới trở về Nhật Bản. Do chứa đựng thông tin hải ngoại trong thời kỳ Tỏa quốc nên cuốn sách được viết theo phong cách hư cấu và tên thật của các thủy thủ đều được thay đổi; tuy nhiên, 1 năm sau khi xuất bản, cuốn sách bị cấm. Theo các con dấu về quyền sở hữu, ban đầu, cuốn sách do Kenkado Kimura (1736-1802) - một nhà sưu tầm có tiếng thời bấy giờ mua; sau đó Vụ Thư viện thuộc Bộ Nội vụ mua lại năm 1880 rồi chuyển cho Thư viện Nội các.

Cuốn sách kể lại việc đội thủy thủ đến Đàng Trong năm 1794 sau 3 tháng trôi dạt và từng được đưa vào “Vương Thành” (cung điện của nhà vua). Họ được “Quốc Vương” (nhà vua) của An Nam triệu kiến, và được cung cấp 5 quan tiền và 2 bao gạo. “Quốc Vương” ở đây là Nguyễn Phúc Ánh, hậu duệ của nhà Nguyễn ở Đàng Trong, khi đó đóng đô ở Gia Định (sau đổi tên thành Sài Gòn còn ngày nay là thành phố Hồ Chí Minh). Sau này, ông thống nhất lãnh thổ Việt Nam và trở thành Hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn, lên ngôi năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long. Sau đó, đội thủy thủ được đưa về Quảng Đông trên tàu của một thương nhân Macao và được các quan chức Trung Hoa đưa trở lại Nagasaki qua cảng Sạ Phố (tỉnh Chiết Giang) . Nam phiêu ký không chỉ kể lại diễn biến sự kiện mà còn mô tả chi tiết về địa lý, phong tục, sản vật và ngôn ngữ An Nam và Trung Hoa bằng việc phân chia thành nhiều chương mục.

Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản 

185-0141

4.  An nam kỷ lược cảo

An Nam kỷ lược cảo là cuốn tạp lục do Juzo Kondo (1771-1829), một thành viên của Văn phòng hành chính Nagasaki biên soạn. Cuốn sách mô tả lịch sử, phong tục, ngôn ngữ, địa lý… của Việt Nam. Tác giả cuốn sách từng làm thư viện viên tại Thư viện Hồng Diệp Sơn trong 11 năm và được biết đến là một nhà địa lý và cán bộ thư mục từng biên tập 1,500 cuốn sách trong suốt cuộc đời mình. Tài liệu trưng bày tại đây là một phần đầu bản chép tay dưới tên “Gaikoku Kibun” (sách nghe chuyện về nước ngoài ). Cuốn sách được tặng cho trường Nho học Shohei-zaka của Mạc phủ Tokugawa khi trường sưu tầm sách địa lý, tài liệu du ký…; sau này được bảo quản tại Thư viện Nội các.   

Câu chuyện của các thuyền nhân Daijomaru, miêu tả trong Nam phiêu ký nói trên, cũng được ghi lại trong cuốn sách này. Các trang sách trưng bày tại đây giới thiệu những điều Genzaburo - một trong các thuyền nhân - tận mắt thấy tại An Nam. Các quan chức Nhật Bản - những người nhận ra khả năng hội họa của Genzaburo - đã yêu cầu ông vẽ các bức tranh như những gì được kể lại trong sách. Nhiều nội dung được ghi lại trong sách, bao gồm phong cảnh Tây Sơn nơi các thuyền nhân dạt vào đất liền, những con thuyền họ dùng để về Kinh, cung điện của “Nhà vua” Nguyễn Phúc Ánh (tức Hoàng đế Gia Long sau này), và con người An Nam.
Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản 
 
Số/ký hiệu: 184-0267


http://vn_jp45.luutru.gov.vn/Vietnamese/ch02.html

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.