Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

22/02/2024

Câu chuyện hơn 40 đạo sắc phong ở chùa Am (Đức Thọ, Hà Tĩnh) sau gần 20 năm (2006-2024) và 30 năm (1994-2024)

Câu chuyện cần nghe thông tin tư nhiều phía (thông tin của nhóm nhà báo Trần Đức Thọ đã thấy nhóm sắc phong vào năm 2006 và có chụp ảnh kĩ thuật số; thông tin của nhóm nhà báo Phan Văn Thắng đã thấy nhóm sắc phong vào đầu thập niên 1990 và có chụp ảnh bằng kĩ thuật cũ; thông tin từ địa phương,...).

Nhóm năm 2006 thì có máy ảnh hiện đại, chụp và lưu giữ được toàn bộ - một nhóm ảnh vô cùng quí giá. Nhóm này, lại có sự tham gia của cụ Đỗ Bá Hiệp - một nhà ngoại cảm có tiếng thời đó.

Nhóm năm 1994 thì chỉ có máy ảnh chụp phim, nên thực sự, tôi muốn xem được ảnh còn giữ được của họ. Nhóm này, có sự tham gia của cụ Thái Kim Đỉnh - một nhà Hán Nôm có tiếng của xứ Nghệ thời đó.

1. Phán đoán bước đầu của tôi: đây là nhóm sắc phong của nhiều nơi (nhiều làng xã) ở xung quanh chùa Am, mà có thể không phải của chính chùa Am, đã được qui tập về sau năm 1954 - trước năm 1986. Sở dĩ nói 1954-1986, vì giai đoạn đó, sắc phong từ đình đền miếu hay nhà thờ đã phải gửi vào chùa lưu giữ giúp (sau này, sau Đổi Mới, nhiều nơi đi xin lại). Chùa giữ hộ sắc phong của cả một vùng vào thời kì 1954-1986 là câu chuyện chúng tôi thường xuyên thấy trên thực địa.

2. Chùa Am cũng đã được xếp hạng di tích quốc gia đầu thập niên 1990, nên chắc Bảo tàng hay Sở Văn hóa đã có hồ sơ di tích --- những hồ sơ này, như kinh nghiệm xem trực tiếp tại xứ Nghệ những năm qua, thì tùy từng nơi, có nơi làm tốt, có nơi làm sơ sài. Ví dụ, hồ sơ Đền Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì làm tương đối cẩn thận, có ảnh chụp và bản vẽ kèm theo,...

3. Việc hoàn trả (từ phía nhà chùa) hay xin lại (từ phía các địa phương) tư liệu cũ (bao gồm cả sắc phong) sau Đổi Mới là điều hoàn toàn dể hiểu, thấy ở nhiều nơi.

Dĩ nhiên, sau năm 2001, Việt Nam đã có Luật Di sản văn hóa, thì việc hoàn trả hay xin lại đều cần làm theo luật và các nghị định liên quan.

4. Đi vào cụ thể hơn, qua đọc nhanh 3 bài báo vừa lên trên tạp chí mạng Văn Hiến Việt Nam (TBT Nguyễn Thế Khoa), lại trao đổi nhanh với một trong các nhân chứng phát hiện ra nhóm hơn 40 đạo sắc phong vào năm 2006, thì hiện tôi đã tạm biết được mạch chuyện đại khái như sau của nhóm nhà báo này.

- Đầu năm 2006, trong một chuyến về quê hương Đức Thọ (Hà Tĩnh), nhóm nhà báo Trần Đức Thọ (có cả nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp) đã ngẫu nhiên phát hiện ra một hòm đựng hơn 40 đạo sắc phong ở chùa Am - một ngôi chùa lúc đó hoang phế, không có sư tăng, chỉ có một cán bộ về hưu cầm chìa khóa và coi chùa tạm thời.

- Việc phát hiện hòm sắc phong rất li kì. Đó là, nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp bắt được sóng lạ, đã bắt cả đoàn quay lại để tìm một cái gì đó mà các cụ muốn trao ! Khi tới chùa Am hoàn toàn theo chỉ dẫn của linh cảm, nhóm đã phát hiện ra một cái hòm ! Phát hiện rất ngẫu nhiên vì bản thân người địa phương và cán bộ coi chùa cũng coi như không biết cái hòm ấy.

- Mở cái hòm ra, thấy có hơn 40 đạo sắc phong, thì nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp cho biết luôn: đây rồi, các cụ đây rồi ! Đại khái, các cụ muốn trao lại cho hậu thế hơn 40 đạo sắc phong qua linh cảm đặc biệt của bác Hiệp.

- Nhóm nhà báo Trần Đức Thọ đã liên hệ với Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh lúc đó để thông báo. Và Giám đốc cũng cho biết là năm 1994, khi làm hồ sơ để xếp hạng di tích cho chùa Am thì Bảo tàng tỉnh đã kê khai 41 đạo sắc phong. Tuy nhiên, lúc đó, hồ sơ di tích mới chỉ kê khai số lượng sắc phong mà thôi, còn cụ thể là sắc phong như thế nào thì không rõ.

- Nhóm nhà báo Trần Đức Thọ đã tiến hành chụp ảnh toàn bộ số sắc phong bằng máy ảnh kĩ thuật số. Bộ ảnh đó, đến ngày hôm nay (22/2/2024) vẫn được nhà báo Trần Đức Thọ lưu giữ.

- Tôi liếc qua số ảnh mà 3 bài báo đưa lên, thì đại khái có sắc Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn) và sắc Minh Mệnh (thời Nguyễn). Sắp tới, nhận được số tư liệu chụp năm 2006 do nhà báo chuyển cho, thì tôi biết cụ thể từng đạo.

- Ngay sau đó, nửa đầu năm 2006, nhóm nhà báo Trần Đức Thọ đã mang ảnh 41 đạo sắc phong về Hà Nội và đến nhờ Viện Hán Nôm xác nhận và dịch ra tiếng Việt hiện đại (người dịch trực tiếp là Lê Duy, người soát lại là cụ Đào Thái Tôn).

- Dựa trên bản dịch của Viện Hán Nôm, nhà báo Trần Đức Thọ đã viết nhiều bài giới thiệu về nhóm sắc phong 41 đạo nói trên.

- Thế rồi, bẵng đi, sau gần 20 năm, hiện nay, 41 đạo sắc phong nói trên lại không còn ở chùa Am nữa.

- Đại khái, 41 đạo sắc phong nguyên vật mà nhóm nhà báo - nhà ngoại cảm phát hiện vào chụp ảnh kĩ thuật số năm 2006 (đã nói trên) hiện không còn ở chùa Am, mà được chuyển về UBND xã.

5. Tạm thời điểm đến đây đã. Tiếp theo, cần đọc liền 3 bài báo ở dưới đây.

6. Các thông tin bổ sung và cập nhật sẽ dán ở bên dưới 3 bài báo, mà đầu tiên là ghi chép của nhà báo Phan Văn Thắng (nguyên TBT tạp chí Văn hóa Nghệ An).

Tháng 2 năm 2024,

Giao Blog


---


Bài 1

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc cần phải có những con người đủ năng lực văn hóa và trung thực với văn hóa

0:22 | 19/02/2024

Xưa nay, đâu đó vẫn còn cát cứ vấn nạn đạo văn, đạo chữ, đạo kiến thức xảy ra… Nhưng chuyện “đạo công sức bảo tồn văn hóa” thì hầu như chưa thấy xuất hiện trong đời sống xã hội. Vậy nhưng mới đây, chuyện mạo nhận về việc phát hiện và bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử xuất hiện ở Hà Tĩnh… Khi đời sống nhân dân phát triển, theo đó khôi phục lại lịch sử địa phương, khơi dựng lại truyền thống xóm làng và lịch sử các dòng họ cũng được chú trọng và phát triển. Nếu những tổ chức và các cá nhân con người thực hiện công việc tạo dựng, bảo tồn và phát huy giá trị này có kiến thức, có năng lực văn hóa và trung thực với văn hóa thì việc khôi phục bảo tồn đó rất có ý nghĩa và mang nội dung tích cực trong đời sống. Tuy nhiên, nếu một tổ chức hoặc cá nhân yếu kém về kiến thức, không đủ năng lực và không trung thực sẽ dẫn đến những nguy hại khó lường? Dẫn đến văn hóa “nhuốm màu đen” làm cho các thế hệ trẻ sau này hiểu sai lệch về lịch sử của địa phương nói riêng cũng như của đất nước nói chung. Mà việc “mạo nhận” để tuyên truyền, quảng bá về lịch sử văn hóa xảy ra ở Hà Tĩnh như dưới đây là một hành vi cần được làm rõ để ngăn chặn…


Chùa Am năm 2006, ngôi Chùa cổ kính, uy linh (ảnh do Nhà báo Trần Đức Thọ chụp tháng 4/2006)

Vào mùa Xuân năm Bính Tuất 2006, gần đến ngày Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 (tổ chức từ ngày 18 đến 25 tháng 4 năm 2006 tại Hà Nội)… Ngày đó, nhà báo Trần Đức Thọ cùng các đồng nghiệp đang say mê đưa tin về “Vụ án PM18”, một vụ án nổi tiếng đầu Thế kỉ 21. Hàng ngày, các nhà báo, các trí thức hay gặp nhau để trao đổi về vụ án tham nhũng lớn này. Do gần đến ngày Đại hội Đảng, một hôm, tại nhà hàng Hải Xồm ở Số 23, phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Trường Tiến có sáng kiến: “Sắp Đại hội Đảng rồi, anh em chúng ta làm một chuyến đi về Hà Tĩnh vừa thăm quê hương Trần Thọ, vừa thắp hương cho Cố Tổng Bí thư Trần Phú và các Danh nhân ở Hà Tĩnh cho có ý nghĩa đi các bạn…”. Ý kiến của anh Tiến được ủng hộ tức thì, đầu tháng 4/2006 đoàn xuất hành (trong số những người có mặt hôm đó đến nay Giáo sư Trường Tiến và Tiến sĩ Văn Quang là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Đà Nẵng đã mất khá lâu).


Giáo sư Nguyễn Trường Tiến (áo tím), Nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp (áo đen), Nhà báo Trần Đức Thọ và anh em trong đoàn thắp hương bên mộ Cố Tổng bí thư Trần Phú tháng 4/2006.

Về Hà Tĩnh, sau khi lên núi Kê Quan Sơn khảo sát, tìm hiểu và thắp hương (núi Kê Quan Sơn người dân nay thường gọi là núi Môồng Gà). Sau cả đoàn lại tiếp tục đi dâng hương tại di tích Cụ Phan Đình Phùng, TBT Trần Phú… rồi ra ngoài bờ biển Nghi Xuân để nghỉ lại. Cả đêm đó, anh Đỗ Bá Hiệp không ngủ, đứng ngoài hành lang khách sạn hút thuốc lá liên tục, cứ đi đi, lại lại. Đến gần 2 giờ sáng anh Hiệp đập cửa phòng anh em và nói: “Quay lại, quay lại, Hà Tĩnh lạ lắm, quay lại, họ không cho về, quay lại!”. Xe chạy quay lại đến thị xã Hồng Lĩnh anh Hiệp hỏi: “Phía trước mộ của các Cụ nhà Thọ nhìn ra xa xa có ngôi Chùa nào không?”. Nhà báo Trần Thọ trả lời: “Hướng phần mộ là nhìn sang Chùa Am anh ạ! Nơi đó là xã Đức Hòa mà Đức Hòa xưa là cùng xã với xã em”. Nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp bảo: “Chùa Am thẳng tiến”… Khi đoàn quay lại Chùa Am, nhà báo Thọ gọi cho ông Trần Văn Phúc và Trần Văn Thơ người cùng làng đi xe đạp sang Chùa Am để có chuyện cần làm thì nhờ vả, ông Phúc gọi thêm 2 người cùng làng đi sang Chùa đợi sẵn.


Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ (áo tím) và Nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp tại Hà Tĩnh tháng 4/2006

Chùa Am khi đó – Ngôi Chùa Cổ hàng trăm năm ít được tu sửa, mốc meo, cổ kính và u ê, Chùa nhưng không có sư trụ trì, gần như bị lãng quên tới gần trăm năm sau giải phóng… Tới Chùa, tìm mãi được một cán bộ Phòng Văn hóa huyện Đức Thọ đã nghỉ hưu nay về đảm nhiệm việc trông nom. Trong góc nhà ẩm thấp, mốc xanh, có một chiếc hòm cũ kĩ mốc meo, mạng nhện giăng đầy, chiếc hòm như bị quên lãng từ lâu. Khi anh Hiệp nói mở chiếc hòm ra, bên trong có 3 chiếc ống nứa kiểu cổ ngày xưa, mở ra, anh Đỗ Bá Hiệp reo lên: “Đây rồi, các Cụ đây rồi!”. Trong đó có tổng cộng 41 tấm sắc phong của các đời Vua để lại. Sau khi dâng hương và đốt trầm, cả đoàn quay phim, chụp ảnh toàn bộ các bản sắc phong tại đó. Đồng thời, ngay lúc đó Nhà báo Trần Đức Thọ gọi điện cho anh Trần Hồng Dần, giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh để thông báo về tình hình di sản quí có tại Chùa Am.


Ông Trần Văn Thơ và Trần Văn Phúc cùng hai người căng giữ sắc phong cho Nhà báo chụp ảnh, người có mái đầu bạc là cán bộ văn hóa về hưu cầm chìa khóa ngôi Chùa (ảnh chụp 2006).

Sau giải phóng 1954, khu vực Nghệ Tĩnh là địa phương đi đầu trong phong trào phá bỏ các Đền, Chùa và hợp Tự đưa về một nơi. Theo đó, xã Ân Phú xưa kia là Ấp Trại Đầu của Phủ Hương Sơn, sau là Tổng Đồng Công, sau nữa là Ân Phú, Đức Hòa và Đức Lạc như ngày nay. Nên các sắc phong được Vua ban cho người dân Ân Phú cũng được hợp Tự sang Chùa Am. Một tài sản vô cùng quí giá theo anh Đỗ Bá Hiệp nói: “Đây là tài sản quí giá nhất cả nước chỉ còn ở đây mà tôi thấy”. Bác cán bộ hưu trông Chùa cũng ngạc nhiên về những bản sắc phong này.


Sắc phong được phát hiện và chụp ảnh tại Chùa Am tháng 4/2006

Ra Hà Nội, nhà báo Trần Đức Thọ gặp và trao đổi với người bạn cùng quê là Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ (con trai nhà thơ Cù Huy Cận), anh Vũ giới thiệu đến Viện Hán nôm để dịch nghĩa 41 sắc phong. Tại Viện Hán nôm, anh Lê Duy là chuyên viên Thư viện Hán nôm (nay là Ts Lê Duy) đã dịch lại 41 sắc phong. Sau khi dịch, được Giáo sư Đào Thái Tôn thẩm định lại và xác nhận các bản dịch rất đúng nghĩa (GS Đào Thái Tôn nổi tiếng nhất Viện Hán nôm về dịch nghĩa chữ Hán Nôm, ông có công lớn trong dịch Truyện Kiều, nay Giáo sư mất đã lâu).


Ngôi Chùa Am xưa cũ ở xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay phong cảnh Chùa đã rất khác xưa). Nơi lưu giữ 41 sắc phong vua ban được phát hiện vào năm 2006 – người trong ảnh là Tiến sĩ Hoàng Văn Tiến, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bê tông Vĩnh Tuy (Hà Nội) trong một lần đi cùng Nhà báo Trần Đức Thọ về nghiên cứu và tìm hiểu về Chùa Am (ảnh chụp năm 2006). 

Sau khi có đầy đủ tư liệu về 41 sắc phong tại Chùa Am, Hà Tĩnh, nhà báo Trần Đức Thọ đã đăng nhiều bài viết để công bố trên một số báo về giá trị của 41 văn bản cổ này, như các báo: Pháp luật, Lao động – Xã hội, Văn hiến Việt Nam… Mùa Xuân năm 2007 trên Tạp chí Văn hiến Việt Nam cũng tiếp tục có bài viết “Đầu xuân – Đến với chuyện ở bên bờ sông La” nói về 41 bản sắc phong nói trên… Đồng thời, tại một Kỳ họp của Quốc hội Khóa 10 tổ chức tại Hội trường Ba Đình cũ, nhà báo Trần Đức Thọ đã gặp anh Trần Đình Đàn lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, anh Đàn cùng anh Hà Văn Thạch lúc đó là Bí thư Huyện ủy Hương Sơn, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cùng lĩnh hội nội dung về 41 sắc phong tại tỉnh Hà Tĩnh. Ngay bên hành lang của nghị trường Quốc hội, anh Trần Đình Đàn đã gọi điện thoại về UBND tỉnh và Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Hà Tĩnh để yêu cầu có phương án quản lý, bảo vệ và bảo quản số sắc phong quí giá nói trên.


Nhà báo Trần Đức Thọ gặp gỡ để báo cáo, trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Đàn về 41 sắc phong bên Kì họp Quốc hội tại Hội trường Ba Đĩnh cũ.

Như vậy, việc phát hiện và dịch nghĩa 41 sắc phong tại Chùa Am và công bố trên thông tin đại chúng đã được thực hiện từ năm 2006. Việc quản lý, bảo tồn giá trị của tư liệu lịch sử này cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo rất kịp thời ngay từ khi tiếp nhận thông tin về 41 sắc phong… Tuy nhiên, gần đây xuất hiện thông tin cho rằng một công dân đã có công “phát hiện, dịch nghĩa và qui tập 41 sắc phong” nói trên. Vậy 41 sắc đã và đang được bảo tồn từ lâu thì “phát hiện” ở đâu? Sắc phong có nơi và có địa điểm quản lý thì “qui tập” từ đâu? Không lẽ sau này 41 sắc phong đã bị thất lạc, trôi nổi trong dân gian mà đã có người bỏ công sức đi tìm và qui tập về cho xã Ân Phú?


Hình ảnh thông tin về 41 sắc phong được dư luận phản ánh

Sau khi thông tin về 41 sắc phong này có người “phát hiện” đã dẫn đến dư luận tại một vùng quê ở Hà Tĩnh có nhiều ý kiến thắc mắc trái chiều? Thậm chí có những ý kiến hoài nghi về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương? Cũng từ chuyện thông tin về “phát hiện” sắc phong đã bộc lộ một số vấn đề trong hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mà phóng viên Văn hiến Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.

GIÀNG NHẢ TRẦN và TRẦN VŨ HOÀNG

(VPĐD Văn hiến Việt Nam Khu vực MTTN tại Hà Tĩnh)

https://vanhienplus.vn/viec-bao-ton-va-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-cua-dan-toc-can-phai-co-nhung-con-nguoi-du-nang-luc-van-hoa-va-trung-thuc-voi-van-hoa/104277/?fbclid=IwAR1KjieVI6rUrxeUFsMeWJ7Cf0OgrrLrAYt7S3iOanE8WrxmDEOzc5p_RHk

..


Bài 2

Chuyện về phát hiện 41 sắc phong ở Hà Tĩnh

14:02 | 20/02/2024

Như trong bài viết trước trên Văn hiến Việt Nam đã truyền tải nội dung tới bạn đọc. Nay để hiểu rõ hơn về việc “người có công phát hiện, dịch nghĩa và qui tập 41 sắc phong vua ban” tại Hà Tĩnh, chúng tôi tiếp tục các thông tin liên quan tới vấn đề này. Dưới đây là một trong những nội dung trong quá trình thực hiện làm sáng tỏ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương…

Ảnh Chùa Am năm 2006 do Nhà báo Trần Đức Thọ chụp tại Chùa.

Trong chuyến về thăm và nghiên cứu tại Hà Tĩnh tháng 4/2006, đoàn của Nhà báo Trần Đức Thọ và Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Trường Tiến cùng nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp và các thành viên trong đoàn quay trở lại Chùa Am thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Khi quay trở lại, nhà báo Trần Đức Thọ gọi điện thoại cho một số người dân xã Ân Phú sang Chùa Am để giúp khi có việc cần đến. Nhưng quan trọng hơn cả là Nhà báo Trần Đức Thọ đã gọi điện cho anh Trần Hồng Dần – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ để đề nghị anh Dần hỗ trợ, giúp đỡ việc tìm hiểu, nghiên cứu tại Chùa Am.

Ông Hiếu là người có mái tóc bạc đang cùng đoàn chụp ảnh các sắc phong. Các bản sắc phong được chụp bằng máy ảnh Olympus 4.1, loại máy ảnh kĩ thuật số hiện đại của Nhật Bản vào thời điểm 2006 (ông Hiếu nay đã mất, người cầm bản sắc phong là ông Trần Văn Thơ hiện đang sinh sống tại Thôn 3, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Anh Trần Hồng Dần là giám đốc bảo tàng của tỉnh, nhưng cũng chính là người của quê hương có ngôi Chùa Am lịch sử. Nhận điện thoại của anh Thọ, anh Dần đã giới thiệu cho đoàn gặp ông Hiếu nhà gần cổng Chùa Am, ông Hiếu là cán bộ huyện Đức Thọ nghỉ hưu và thời điểm đó ông Hiếu đang cầm chìa khóa quản lý Chùa Am, ông Hiếu đã tận tình mở cửa Chùa và cùng đoàn nghiên cứu chụp ảnh toàn bộ 41 bản sắc phong ngay tại cửa Chùa (nay bác Hiếu đã mất).

Một bản sắc phong được chụp tại Chùa Am 2006

Nói về anh Trần Hồng Dần giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh nhà báo Trần Đức Thọ cho biết: “Anh Trần Hồng Dần là người yêu trọng văn hóa, anh có công lao rất to lớn trong việc hỗ trợ và cung cấp thông tin cho tôi thực hiện loạt bài về Chùa Hương Tích của Hà Tĩnh mà sau này được dư luận cả nước quan tâm, cả nước biết về Chùa Hương gốc là ở Hà Tĩnh. Đối với 41 sắc phong ở Chùa Am anh Dần cũng là người có công rất lớn ở đây, đó là từ năm 1994 anh Dần đã tiến hành lập hồ sơ để trình tỉnh đề nghị Chùa Am là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, trong hồ sơ ngày đó anh Dần đã nói đến tại Chùa Am có 41 bản sắc phong. Tuy nhiên, lúc đó không có người nghiên cứu và dịch nghĩa nên anh Dần cũng chưa biết cụ thể nội dung các sắc phong đó là gì. Và lúc đoàn chúng tôi về tìm hiểu Chùa Am thì anh Dần cũng chưa nói cho tôi biết tại Chùa có lưu giữ các sắc phong, chỉ khi tôi gọi điện thoại thông báo về phát hiện này thì anh Dần cho biết năm 1994 đã nhắc đến trong hồ sơ rồi.  Sau này tôi đưa ra Viện Hán nôm dịch mới biết nội dung cụ thể các di sản quí giá này. Khi Đại hội Đảng toàn quốc năm 2006 kết thúc và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm Hà Tĩnh tôi và anh Dần là hai anh em cùng trong đoàn đi phục vụ và chụp ảnh đoàn của Tổng Bí thư tại xã Tùng Ảnh, anh Dần còn cung cấp cho tôi cuộn phim chụp về chuyến công tác đặc biệt này… ”.

Chiếc máy ảnh Olympus 4.1 sử dụng từ năm 2000 đến nay Nhà báo Trần Đức Thọ vẫn bảo quản cẩn thận, loại máy ảnh kĩ thuật số này khi sử dụng ảnh thì các bản ảnh luôn hiện lên thông số kĩ thuật của máy như là một dấu tích về lịch sử.

Như vậy, chuyện một người dân quê ở Ân Phú được cho là “người có công phát hiện” ra sắc phong là một sự mạo nhận. Kể cả lý do gọi là “thời điểm” hoặc cho rằng “một trong những người có công” cũng là bao biện cho sự mạo nhận nguy hại về văn hóa. Trong đó, việc “mạo nhận” trong lĩnh vực văn hóa và lịch sử là hết sức tối kỵ. Với 41 bản sắc phong hiện lưu giữ tại Chùa Am được mang đi lại cho rằng được “qui tập” càng trở nên vô nghĩa và bộc lộ nhiều vấn đề(?). Theo từ điển Việt Nam thì qui tập là “tìm kiếm để tập hợp về một chỗ”, vậy sắc phong đang được lưu giữ tại Chùa Am thì đi tìm kiếm ở đâu để tập hợp về Ân Phú?

Một sắc phong được Nhà báo Trần Đức Thọ chụp ảnh lại ngay tại Chùa Am.

Sắc phong là một loại di sản văn hóa độc đáo, theo đó muốn di chuyển di sản văn hóa này ra khỏi một Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh trở lên theo Luật Di sản thì phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa – Thông tin trước đây và nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vậy đường đi của 41 di sản văn hóa độc đáo này dẫn đến mạo nhận gây mất trật tự trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sẽ được Văn hiến Việt Nam tiếp tục đề cập và làm rõ.

TRẦN VŨ HOÀNG – NGỌC TRÂM (VPĐD Văn hiến Việt Nam tại Hà Tĩnh)

https://vanhienplus.vn/chuyen-ve-phat-hien-41-sac-phong-o-ha-tinh/104299/

..


Bài 3.


Việc “phát hiện” và di chuyển 41 sắc phong ra khỏi Chùa Am ở Hà Tĩnh: “Điều này không những không được phép, mà còn vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản”

15:34 | 21/02/2024

Từ những ý kiến hoài nghi về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương, cũng như thông tin về “phát hiện” sắc phong đã bộc lộ một số vấn đề trong hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Nhằm đưa lại cho độc giả góc nhìn rõ ràng hơn, đầy đủ hơn về vấn đề này, nhóm phóng viên Văn hiến Việt Nam tại Hà Tĩnh đã tiếp tục xác minh, tìm hiểu thực tế sự việc.

Buổi làm việc của phóng viên Văn hiến Việt Nam với ông Nguyễn Thành Đồng là Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ huyện Đức Thọ để nắm bắt, trao đổi về việc 41 di sản văn hóa độc đáo đã rời khỏi Di tích lịch sử cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh

Chùa Am (Diên Quang Tự) toạ lạc ở sườn núi Am, thuộc xã Phụng Công, Tổng Đồng Công trước kia, nay là xã Đức Hoà, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Chùa là Di tích lịch sử cấp Quốc gia được Bộ Văn hoá – Thông tin trao chứng nhận vào ngày 13/2/1995. Là một ngôi chùa cổ có hơn 500 năm lịch sử, từng trải qua nhiều biến cố như thiên tai địch hoạ, chiến tranh khiến ngôi chùa cổ này cũng hư hại và mất mát nhiều tài sản quý giá. Sau này được trùng tu, cải tạo, chùa Am mới có vẻ đẹp trang nghiêm như hiện nay.

Một góc phong cảnh chùa Am trong đầu xuân Giáp Thìn 2024 (ảnh do PV Trần Vũ Hoàng chụp ngày 20/2/2004)

Chùa Am có lối kiến trúc cổ theo kiểu “Nội công ngoại Quốc”, đây là sự kết hợp từ trong ra ngoài đúng với kiến trúc cổ trong Phật giáo (Nội công nghĩa là chùa cổ kính hình chữ Công, ngoại Quốc là các công trình trùng tu bao bọc xung quanh có hình chữ Quốc). Trao đổi với trụ trì chùa Am, thầy Thích Nhẫn Nguyện bộc bạch: “Ngoài việc thờ Tam Thế Phật, chùa Am còn thờ tự Bạch Ngọc Hoàng Hậu, theo ghi chép của chùa, bà mất ngày 22/6 niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông (1460/1497). Mộ táng tại bản Điển Sơn xứ Bì Cóc (thuộc rú Vua, gần đền Ngũ Long) nay gần ga Đức Lạc, huyện Đức Thọ. Bà là người có công khai hoang lập ấp ở vùng đất này, lập các chợ để mua bán sản phẩm, xây dựng kinh tế hỗ trợ cho triều đại nhà Lê. Dưới tay bà, các khu dân cư hình thành và lan rộng ra các vùng thuộc Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc ngày nay. Ghi nhận công đức của bà, các đời vua Lê sau này đã tạc tượng đồng đen cùng nhiều bảo vật quý giá đem về thờ tự tại chùa Am”.

Sư trụ trì Chùa Am Thích Nhẫn Nguyện làm việc với nhóm PV tại chùa

Trải qua mấy trăm năm biến cố, các bảo vật trong chùa đều đã bị mất cắp, tuy nhiên, chùa vẫn có những bảo vật mang giá trị lớn khác như kiệu rước, thuyền rồng, nhiều tượng cổ, đặc biệt, 41 bản sắc phong cũng được phát hiện ở đây. Cần phải khẳng định rằng, Chùa Am là nơi phát hiện, bởi lẽ trước đó, theo ông Trần Hồng Dần (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh) đã khẳng định: Từ những năm 1993 – 1995, trong hồ sơ trình lên Bộ Văn hoá – Thông tin cũng đã đề cập đến sự có mặt của 41 bản sắc phong tại chùa này.

Thầy Thích Nhẫn Nguyện mới tiếp nhận chùa Am kể từ năm 2019, thời gian này các bản sắc cổ đã được đưa đi mất, trong chùa cũng chẳng có bút tích hay giấy tờ nào lưu lại. Tuy nhiên, việc những hiện vật mang giá trị lịch sử văn hoá nằm trong một di tích Quốc gia được mang đi chỗ khác là điều cần phải xem xét lại. Bởi vì theo luật di sản, điều này không những không được phép, mà còn là vi phạm nghiêm trọng.

Sư trụ trì Chùa Am Thích Nhẫn Nguyện tặng sách cho phóng viên tại Chùa, đồng thời Nhà sư khẳng định: “Những hiện vật mang giá trị lịch sử văn hoá lưu giữ trong một Di tích Quốc gia thì cần phải được quản lý theo Luật Di sản…”. 

Kể từ năm 2006, khi nhà báo Trần Đức Thọ cùng đoàn nghiên cứu về với Chùa Am, chụp ảnh, báo cáo cho cơ quan chức năng, đồng thời mang bản ảnh ra Viện Hán – Nôm để dịch thuật các bản sắc phong này. Tưởng rằng sau khi các cấp ban ngành liên quan vào cuộc, những hiện vật mang tính lịch sử đang ở trong một di tích lịch sử cấp Quốc gia thì không thể mang đi chỗ khác được, hoặc là giao cho cơ quan có chuyên môn quản lý, bảo tồn những giá trị của 41 bản sắc phong đó. Tuy nhiên, “bằng một cách nào đó” những bản sắc phong này đã tìm đường về xã này rồi.

Ông Trần Văn Thơ, công dân hiện đang sinh sống tại Thôn 3, xã Ân Phú sáng ngày 21/2/2024 làm việc với phóng viên và khẳng định: “Năm 2006 ông đã sang giúp đoàn nghiên cứu của Nhà báo Trần Đức Thọ tìm hiểu và chụp ảnh các bản sắc phong tại Chùa Am”.

Phóng viên Văn hiến Việt Nam tiếp tục tìm về đền Vại (xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh), đây là nơi bắt nguồn của thông tin về 41 sắc phong được người khác “phát hiện” đã dẫn đến dư luận ở Hà Tĩnh có nhiều ý kiến thắc mắc trái chiều? Thậm chí có những ý kiến hoài nghi về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương bởi lẽ, 41 bản sắc phong hiện đang được để ở đền và trụ sở xã. Điều này dẫu vô tình hay cố ý thì vô hình chung đã phủ nhận hết công lao của những người đi trước, của đoàn nghiên cứu về Chùa Am năm 2006. Công lao của nguyên Giám đốc bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh Trần Hồng Dần, người đã được nhà báo Trần Đức Thọ đánh giá là có công rất lớn đối với 41 bản sắc phong ở Chùa Am. Bởi lẽ từ năm 1994 ông Dần tiến hành lập hồ sơ trình xét duyệt Chùa Am trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia thì cũng đã đề cập đến những bản sắc phong này.

Tại UNBD xã Ân Phú, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ân Phú cho biết: “Khi xã Ân Phú sang nhận bàn giao các sắc phong tại Chùa Am năm 2011 thì tôi đã là Chủ tịch UBND xã, khi đó có cả Sở Văn hóa – Thông tin và có biên bản bàn giao. Xã cũng không cung cấp thông tin hoặc phát ngôn rằng ông Nguyễn Thế Phiệt là người có công phát hiện, dịch nghĩa và qui tập 41 sắc phong về xã. Chúng tôi chỉ đánh giá ông Cù Huy Chữ và ông Phiệt có công đóng góp trong việc tu bổ Đền Vại tại xã”. Còn ông Dương Thế Đạt, nguyên Chủ tịch UBND xã Ân Phú khi trao đổi với phóng viên ông Đạt cho biết: “Ngày đó xã sang nhận bàn giao chỉ có 36 sắc phong và có biên bản bàn giao, ông Nguyễn Thế Phiệt chỉ là người đi cùng chứng kiến cuộc bàn giao này…”.

Ông Dương Thế Đạt, nguyên Chủ tịch UBND xã Ân Phú sáng 21/02/2024 đã làm việc với phóng viên và trao đổi thông tin về 41 sắc phong rời Chùa Am về Ân Phú.

Việc những bản sắc phong đã có mặt từ lâu đời tại Chùa Am cũng được phía lãnh đạo huyện Đức Thọ xác nhận, trao đổi với Văn hiến Việt Nam, ông Nguyễn Thành Đồng – Bí thư Huyện uỷ Đức Thọ cho biết: “Ngay sau khi nắm được thông tin trên Văn hiến Việt Nam, tôi đã chỉ đạo UBND để làm rõ vấn đề này. Ngày hôm qua tôi có trao đổi với anh Hùng (Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ) thì được biết, Chùa Am hồi xưa cùng nhân dân xung quanh gọi chung là vùng Thượng, trước đây 41 cái bản sắc phong này là hợp tự của các đền chùa… được tập trung về Chùa Am. Những bản sắc phong này không chỉ nói về mỗi Chùa Am mà còn nói đến những đền chùa khác, Đền Vại ở Ân Phú là một ví dụ. Sau đó thì có chuyển về xã Ân Phú một số bản và nhà chùa cũng giữ lại một ít. Việc này thì các đồng chí làm Văn hoá thời trước nắm rõ hơn”.

Ông Nguyễn Thành Đồng rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa và hoạt động của báo chí, ông đã chỉ đạo kịp thời để làm rõ việc các di sản này vì sao rời khỏi Chùa Am.

Như vậy, việc “phát hiện và qui tập 41 bản sắc phong tại Chùa Am” đã rất rõ ràng?  Còn lại, đường đi của 41 di sản văn hóa quí giá này đã phù hợp với các qui định của pháp luật hay chưa là điều cần phải làm rõ? Chưa kể đến vấn đề là 41 hay 42 sắc phong? Các sắc phong còn nguyên bản hay đã mai một sau khi di chuyển?.v.v… Về vấn đề này, ông Trần Hồng Dần – một nhà nghiên cứu văn hóa, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Các bản sắc phong ở Chùa Am rất quý, tôi biết có 2 bản nói về hai cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy (Sử Hy Nhan là nhà Văn hoá, nhà Sử học nổi tiếng thời nhà Trần cách đây 600 năm). Những bản sắc phong không chỉ nói về một xã mà nhiều xã và nhiều địa điểm, Đức Lạc cũng có, Ân Phú cũng có, và khi những ngôi đền của địa phương nào có trong sắc phong thì họ đến xin về để thờ tự thôi”.

Ông Trần Hồng Dần tại buổi trao đổi với phóng viên Văn hiến Việt Nam sáng 21/2/2024 tại thành phố Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, ông Dần vẫn thấy điều này là hơi bất cập, ông nói thêm: “Các di tích lịch sử Quốc Gia như Chùa Am chẳng hạn, thì tất cả những hiện vật và tài liệu liên quan đến Chùa Am nếu di chuyển, phải được phép có ý kiến của Bộ văn hoá, Bộ đồng ý thì mới được phép di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nhưng theo tôi biết thì hồi đó huyện cũng xin ý kiến của Phòng Di sản thuộc Sở Văn hoá tỉnh Hà Tĩnh, cụ thể thế nào thì tôi cũng không nắm được vì lúc đó đơn vị tôi cũng chỉ là đơn vị cấp 2 của Sở Văn hoá”.

Việc làm sáng tỏ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc tại địa phương trong “câu chuyện 41 bản sắc phong” vẫn cần tiếp tục nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa đích thực. Bởi lẽ hiện tại, những bản sắc phong này liệu đã được lưu giữ đúng qui định hay chưa? Cũng như việc mang di sản văn hoá ra khỏi một Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia cần phải được xem xét một cách nghiêm túc? Chưa kể đến phía sau việc “mạo nhận” công lao phát hiện ra di sản văn hóa còn phát sinh những vấn đề phức tạp khác tại địa phương mà dư luận trong nhân dân đang đòi hỏi phải làm rõ? Văn hiến Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả xung quanh câu chuyện lịch sử này.

 Giàng Nhả Trần – Trần Hoàng – Ngọc Trâm – Minh Điệp

(PV Văn hiến Việt Nam khu vực Miền trung – Tây Nguyên tại Hà Tĩnh)


https://vanhienplus.vn/su-thich-nhan-nguyen-noi-ve-viec-phat-hien-va-di-chuyen-41-sac-phong-ra-khoi-chua-am-o-ha-tinh-dieu-nay-khong-nhung-khong-duoc-phep-ma-con-vi-pham-nghiem-trong/104326/?fbclid=IwAR3bBWjEDMix23gtpPGecm5_REu7pBv99r7CQOFff4PkGmYKZUFN__vhQ1E

---


CẬP NHẬT



2.

Những ngày qua, Văn hiến Việt Nam có những bài viết liên quan đến 41 bản Sắc phong cổ, trước đây được phát hiện và lưu giữ tại Chùa Am (Đức Thọ, Hà Tĩnh) nay đã di chuyển đến nhiều vị trí khác nhau. Trong đó có những bản Sắc phong được phê bút ngày 25/7/1785, tức là đã tồn tại hơn 200 năm trước.
Câu chuyện tóm lược đơn giản như sau: Theo ghi chép, Chùa Am được ra đời hơn 500 năm trước, trải qua nhiều biến cố và thời gian, chùa nhiều lần xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn giữ được nét cổ kính thiêng liêng vốn có. Sau khi được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, chùa mới được quan tâm và tu bổ, trong chùa có nhiều hiện vật cổ được lưu giữ tiêu biểu là những bản Sắc phong được kể ở trên.
Những bản Sắc phong này, vốn dĩ là của quá trình góp nhặt của người xưa (bởi chiến tranh và biến cố) gửi chùa bảo quản, thế nhưng, cho đến năm 2006 vẫn chỉ được để trong một cái thùng gỗ, nằm chỏng chơ ở một góc chùa.
Năm 2006, đoàn nghiên cứu của nhà báo Trần Đức Thọ có về chùa và tìm hiểu, sau khi phát hiện những Sắc phong này là vật quý (chưa được dịch và phân loại rõ ràng), nhà báo Trần Đức Thọ đã báo cho cơ quan chức năng, đồng thời lưu giữ bằng hình ảnh những bản Sắc phong này, mang về Hà Nội nhờ người dịch nghĩa. Trước đó, giai đoạn 1993-1995, khi làm hồ sơ đề xuất Chùa Am là di tích, cũng đã có nhắc đến những bản Sắc phong này rồi.
Tinh thần gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá của đoàn nghiên cứu đã rõ, và sự việc cũng không có gì đáng bàn nếu sau đó, không xảy ra việc các đồ vật này được di chuyển đến nhiều vị trí, giao cho nhiều người bảo quản nhưng chưa được phân loại (cái nào là cổ vật, hiện vật hay di vật) để có sự quan tâm đúng mức. Ngoài ra còn có thông tin đại chúng ghi nhận là những bản Sắc phong này được "phát hiện" ở nơi khác, chứ không phải Chùa Am.
Điều này mới gây nên dư luận trái chiều, thậm chí có những ý kiến hoài nghi về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương. Nên Văn hiến Việt Nam vào cuộc để kể lại toàn bộ câu chuyện một cách tường tận nhất, bằng cách lấy ý kiến những người đương thời, tham gia trực tiếp vào sự kiện trên.
Vấn đề đặt ra: Cần xem xét một cách nghiêm túc những bản Sắc phong này có phải là "Di vật, cổ vật, hay hiện vật", vì đây những vật quý hiếm có tuổi đời rất lâu, và mang tính lịch sử chính xác nhất, và là độc bản. Thứ nữa là việc di chuyển những vật này đến nơi khác, và bảo quản bằng cách nào, những người có công phát hiện và có đóng góp thực sự, cũng cần được ghi nhận.

Chuyện sơ lược như thế, những ý kiến tiêu cực hoặc đả kích mổ xẻ đều không đáng được bàn luận so với giá trị lịch sử văn hoá trong vấn đề này. Đó cũng là tính nhân văn nên chúng tôi vẫn dùng từ "Câu chuyện" trong mỗi bài viết. Không tranh công hay a dua thành tích, đó mới là Giá trị đích thực.

https://www.facebook.com/nguyen.bui.940/posts/pfbid02sCrLyi6rgBBoS3JUZ2ou98TBkiYmdvNhc4fYQDiPCZXBLM4RMnj4sJz2zLFceNARl










1.


Liên tục mấy ngày hôm nay trên vanhienplus.vn có các bài viết về các sắc phong ở chùa Am (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Các bài viết này, tôi thấy, ngoài việc tìm hiểu để quy trách nhiệm về việc để mất các sắc phong, còn có ý công kích cá nhân. Về việc này tôi xin có một số ý kiến như sau:

1. Chùa đã nhận bằng Công nhận di tích LSVH quốc gia từ năm 1992. Có nghĩa là hồ sơ đã lập từ trước đó, khi đang chung tỉnh NGhệ Tĩnh. Tác giả hồ sơ là ông THD. Tuy nhiên, theo tôi biết trong hồ sơ lúc đó không thể hiện nội dung này.

2. Tác giả Trần Đức Thọ nói rằng nhóm các ông là những người đầu tiên đã phát hiện ra các sắc phong này, từ năm 2006. Điều này là không chính xác. Vì từ năm 1994, ông Thái Kim Đỉnh và chúng tôi (Phan Văn Thắng, Nguyễn Đình Thông, Phan Công Sáng, Nguyển Thị Phước) đã đến chùa Am, được ông Hiếu (nguyên cán bộ huyện ĐT) và thầy giáo Nguyễn Tiến Hành (nguyên hiệu trưởng cấp 3 ĐT) - là những người được dân và chính quyền xã Đức Hòa giao trọng trách trông nom chùa, giới thiệu và đưa cho ông Thái Kim Đỉnh đọc các sắc phong. Đặc biệt trong đó có một văn bản (không phải sắc phong) viết bằng chữ Hán trên tấm vải màu trắng. Ông Đỉnh cho biết, nội dung bản viết này là nói về Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy và Trại đầu. Sau chuyến đi này, ông Đỉnh đã có một bài viết về Trại đầu và hai cha con họ Sử.

3. Giáo hội Phật giáo đã tiếp quản chùa khoảng hơn 20 năm nay. Chùa hiện nay đã "được" tôn tạo với quy mô lớn trong nhiều năm gần đây với rất nhiều hạng mục mà trước đây không hề có. Hiện nay chùa có thờ cả Mẫu?! So với trước chùa đã khắc hẳn. Nét đẹp của kiến trúc và không gian cảnh quan trước đây của Diên Quang tự đã hoàn toàn biến mất. NHiều người cho rằng chùa đã bị phá chứ không phải được tôn tạo.

3. Các sắc phong đã đi đâu? Tôi nghĩ hãy hỏi các vị sư trụ trì ở đây thì rõ. Vì mấy chục năm trở lại đây họ là chủ nhân toàn quyền cai quản ngôi chùa này. Thậm chí chính quyền cũng bất lực khi muốn thực thi trách nhiệm quản lý chùa - là một di sản đã được xếp hạng cấp quốc gia.

4. Việc biến mất các sắc phong ở chùa Am cũng báo động về sự bất lực và vô trách nhiệm của chính quyền sở tại. Một lần cách đây đã hơn 10 năm, khi vô tình đi qua chùa, chứng kiến việc nhà chùa san ủi khuôn viên chùa để xây dựng các công trình kiến trúc mới, tôi đã gọi điện báo cho một quan chức có trách nhiệm ở huyện, nhưng câu trả lời là quanh co và cuối cùng lộ ra là do Giáo hội Phật giáo làm, huyện không biết. Cũng cần phải khẳng định, ngành Văn hóa không thể đứng ngoài cuộc, không thể không phải chịu trách nhiệm. Ngành văn hóa là cơ quan chuyên môn của chính quyền, có trách nhiệm, và quyền hạn quản lý các di sản văn hóa.

5. Từ các bài báo trên vanhienplus, tôi đọc được những "ý tứ" công kích cá nhân mà tôi biết khá rõ nguyên nhân của nó (vì tôi biết cả hai người này và mối quan hệ "tê nhị" của họ).

Thật là CHÁN và NẢN với nhà chùa, chính quyền, các nhà báo và cả mấy vị được nhà báo phỏng vấn.

P/S: Chẳng trách, lúc sinh thời, cố nhà văn Đoàn Tử Huyến đã nói với tôi: "Họ phá hết chùa Am rồi! Từ nay mình sẽ không bao giờ đến chùa nữa". Cho đến lúc mất (2020), hơn 10 năm, anh không lên chùa. Mà nhà anh cách chùa chưa đầy 1km và trước đó lúc nào anh cũng lên chùa mỗi dịp về quê.
Có thể là hình ảnh về 4 người, cây và đền thờ


https://www.facebook.com/phanvanthangvhna/posts/pfbid021k7tbZSkb68Hz1vmq6NGXfj6cUpF3FdaehUs8aGQFY3WimJ2XDjKbjo8HjdortZql

..



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.