Ngày 25/12, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 5712 /BVHTTDL-DSVH báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Báo cáo này xuất phát từ đơn thư ngày 18/11/2023 của ông Trần Văn Cường và bà con thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định về việc treo biển tên di tích "đâu chính, đâu phụ" thuộc quần thể Phủ Dầy.

z5013516466414 fcd0557b813a4dcc35d730a0775345fb.jpg
Bộ VHTTDL hướng dẫn treo biển tên Phủ Dầy đúng quy định pháp luật.

Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ VHTTDL nêu rõ: 

Về việc xếp hạng di tích: Khu di tích Phủ Giầy (từ ngày 28/1/2021 đổi tên là Phủ Dầy) có niên đại khởi dựng từ thời Hậu Lê, niên hiệu Dương Hòa (1642) và Cảnh Trị (1663 - 1671) với 3 di tích chính (Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh) thờ bà chúa Liễu Hạnh (một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam). Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, mở rộng quy mô nhưng các di tích vẫn mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Lê – Nguyễn cùng với hệ thống di vật, cổ vật, đồ thờ tự có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Ngoài ra, Khu di tích còn hàm chứa nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như lễ hội, nghi lễ Chầu văn, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. 

Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 21/2/1975, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 09-VH/QĐ xếp hạng Khu di tích kiến trúc nghệ thuật với tên gọi: “Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Giầy gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh và các di tích có liên quan”, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà. 

Thời điểm xếp hạng di tích, chưa có Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích, nên hồ sơ di tích Phủ Dầy còn sơ sài và không có thành phần hồ sơ của “các di tích có liên quan” và các di tích nêu trên trong khu di tích Phủ Giầy. 

Căn cứ hồ sơ di tích tại thời điểm xếp hạng năm 1975, các di tích được xác định thuộc Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Giầy gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh. Còn đối với “các di tích có liên quan”, cụ thể là những di tích nào lại không được nêu trong hồ sơ di tích. 

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chính quyền địa phương nơi có di tích thực hiện, phân cấp thực hiện theo thẩm quyền. Do đó, việc trông coi, bảo vệ, phát huy giá trị di tích đều do chính quyền địa phương và các thủ nhang, đồng đền đại diện trực tiếp quản lý di tích đảm nhiệm. 

Về đề nghị đổi tên di tích: Đại diện trực tiếp quản lý di tích và tỉnh Nam Định đã 4 lần đề nghị với Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng. 

Lần 1, năm 2019, bà Trần Thị Huệ - thủ nhang Phủ Chính - Phủ Tiên Hương đại diện trực tiếp quản lý di tích có Đơn ngày 24/3/2019 đề nghị nghiên cứu trả lại đúng tên gọi cho di tích theo cổ truyền là “Phủ Chính”. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, căn cứ hồ sơ xếp hạng di tích (năm 1975), cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL xét thấy chưa đủ cơ sở khoa học và pháp lý để tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành quyết định đổi tên di tích. 

Lần 2, năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định có Công văn số 324/UBND-VP7 ngày 29/7/2020 (kèm hồ sơ khoa học) đề nghị Bộ VHTTDL phê duyệt hồ sơ khoa học khu di tích. Tuy nhiên, Bộ VHTTDL thấy tên gọi của di tích theo hồ sơ năm 2020 đã thay đổi so với năm 1975; đồng thời, thành phần của hồ sơ cũng chỉ đề cập đến 3 điểm di tích (Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh) mà không có “các điểm di tích liên quan”. Vì vậy, Bộ VHTTDL có công văn hướng dẫn bổ sung hồ sơ, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định gửi tờ trình, trong đó có ý kiến đối với việc điều chỉnh tên gọi di tích.

Lần 3, năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định có Công văn số 577/UBND-VP7 về việc bổ sung hồ sơ khoa học và sửa đổi tên gọi di tích, đề nghị Bộ VHTTDL quyết định sửa đổi tên gọi Khu di tích (Công văn số 577/UBND-VP7 ngày 16/12/2020 kèm theo). 

Lần 4, năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định tiếp tục có Công văn số 596/UBND-VP7 về việc bổ sung hồ sơ khoa học và sửa đổi tên gọi Khu di tích và hồ sơ di tích đã được bổ sung, hoàn thiện theo quy định của Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL. 

Căn cứ đề nghị này của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định và hồ sơ di tích kèm theo, Bộ VHTTDL đã thống nhất với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định. Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL ngày 28/1/2021 sửa đổi tên gọi di tích thành: “Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy" (Gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh), xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). So với Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21/2/1975 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, việc sửa đổi tên gọi cụ thể của di tích là: đổi tên “Phủ Giầy” thành “Phủ Dầy”, “Lăng Liễu Hạnh” thành “Lăng Mẫu Liễu Hạnh” và bỏ “các di tích có liên quan”. 

Phủ Tiên Hương còn có tên gọi khác là Phủ Chính và Phủ Chính Tiên Hương

Tháng 8/2021, bà Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương tiếp tục đề nghị được treo biển tên di tích là “Phủ Chính Tiên Hương”. Tháng 10/2021, Bộ VHTTDL đã có Công văn gửi Sở VHTTDL Nam Định về việc treo biển tên di tích tại Phủ Dầy; hướng dẫn Sở chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương giám sát việc treo biển tại vị trí phù hợp, đảm bảo trang trọng và đúng quy định. Trong trường hợp cần thiết, có ghi chú rõ ràng đối với tên gọi di tích.

Sở VHTTDL tỉnh Nam Định sau đó đã có Công văn đề nghị hướng dẫn việc treo biển tên tại di tích Phủ Dầy thống nhất với Quyết định xếp hạng di tích của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Ngày 17/1/2022, Bộ VHTTDL có Công văn số 170/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh khẳng định theo nội dung hồ sơ khoa học của di tích, “Phủ Tiên Hương” còn có tên gọi khác là “Phủ Chính” và “Phủ Chính Tiên Hương”;

Công văn số 812/DSVH-DT ngày 11/10/2021 của Cục Di sản văn hóa hướng dẫn là đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với lịch sử và tính chất của di tích. Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở VHTTDL phối hợp với UBND huyện Vụ Bản và tình hình thực tiễn quản lý di tích tại địa phương, hướng dẫn và tạo sự đồng thuận khi thực hiện việc treo biển di tích, phù hợp với quy định pháp luật.

Tại hội nghị ngày 29/3/2022 của UBND xã Kim Thái, 100% đại biểu dự họp thống nhất với đề nghị của Thủ nhang Phủ Tiên Hương về việc được lựa chọn và treo biển tên di tích là “Phủ Chính”, yêu cầu di tích cam kết thực hiện việc treo biển tên như đã lựa chọn tại vị trí phù hợp, đảm bảo trang trọng, đúng quy định.

Bộ VHTTDL khẳng định, tên gọi Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (Gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh), xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã thể hiện được loại hình, giá trị tiêu biểu của di tích là kiến trúc nghệ thuật, các di tích thành phần chỉ còn 3 di tích được xác định, không còn “các di tích có liên quan”, khắc phục được các bất cập của tên di tích, thể hiện đúng nội hàm các di tích tạo nên giá trị kiến trúc nghệ thuật của khu di tích. 3 điểm di tích đều có tên gọi chính thức và tên gọi khác (Phủ Tiên Hương còn có tên gọi khác là Phủ Chính và Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát gọi là Phủ Vân, Lăng Liễu Hạnh còn gọi là Lăng Mẫu, Lăng Mẫu Liễu Hạnh, Lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh).

Cũng theo công văn trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp Cục Di sản văn hóa kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quản lý di tích quần thể kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy, tập trung vào các nội dung: công tác quản lý di tích; công tác tu bổ di tích; treo biển tên di tích theo nội dung hồ sơ khoa học di tích; kiểm tra công tác thực hành tín ngưỡng tại di tích.