Ngô Quang Bích, còn có tên là Nguyễn Quang Bích (1832-1890) tại làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ông vốn họ Ngô, dòng dõi vua Ngô Quyền và khai quốc công thần nhà Hậu Lê - Ngô Từ - ông ngoại vua Lê Thánh Tông, nhưng do ông nội ông đổi sang họ ngoại là họ Nguyễn nên sử sách thường gọi ông là Nguyễn Quang Bích. Nguyễn Quang Bích là học trò của tiến sĩ Doãn Khuê. Năm 1861, ông đỗ cử nhân và được bổ làm Giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình. Với tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, là quan nhà Nguyễn, nhà thơ và là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại vùng Tây Bắc của Việt Nam. Nguyễn Quang Bích là một nhà yêu nước lớn, một nhà thơ đặc sắc trong dòng văn học yêu nước chống Pháp ở thế kỷ XIX. Một vị quan thanh liêm hết lòng vì dân vì nước được nhân dân ca ngợi là Hoạt Phật (Phật sống).

Phú Thọ: Cắt băng khánh thành cầu treo và dâng hương tưởng niệm Tướng quân Ngô Quang Bích
Cầu treo vào Khu di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Năm Ất Hợi (1875), được vua Tự Đức giao cho duyệt bộ sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục. Cũng trong năm này, triều đình mở doanh điền Hưng Hóa (tức tỉnh Phú Thọ ngày nay) vừa khai hoang vừa phòng vệ vùng núi rừng Tây Bắc, ông được cử làm Chánh sơn phòng sứ. Đến năm sau (1876) ông kiêm thêm chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa. Tại đây, Nguyễn Quang Bích phối hợp với Tôn Thất Thuyết, Hoàng Tá Viêm vừa đánh dẹp vừa lôi kéo, phân hóa các đội quân người Trung Quốc mà sử cũ gọi là "giặc khách" (tàn dư của các cuộc chống Thanh, nhưng đã biến chất). Đặc biệt, trong số người mà Nguyễn Quang Bích cảm hóa được có Lưu Vĩnh Phúc, thủ lĩnh đội quân Cờ Đen (dư đảng của Thái Bình Thiên quốc)…

Sau khi chỉ huy nghĩa quân đánh từ đồn Hưng Hóa về Gia Dụ Quan – Tam Nông – Sơn Vi – Lâm Thao về Thiên Trần – Văn Chấn, tháng 7 năm 1888, Ngô Quang Bích cùng các tướng lĩnh rút quân từ đồn Đèo Ách – Nghĩa Lộ về châu Yên Lập (nay là huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Sau 3 ngày đóng quân tại Quế Sơn, ông và nghĩa quân được Đốc Bài đưa về làng Mộ Xuân xây dựng căn cứ. Tại đây, ông đã nhận được sự giúp đỡ của anh em Lãnh Sành (Đinh Công Sành), Lý Sỏi (Đinh Công Sỏi) và nhân dân địa phương khi đón thợ rèn về sản xuất vũ khí, luyện tập quân sự củng cố lực lượng chuẩn bị đánh giặc.

Khi nghe tin báo có lực lượng của địch đến địa phương dò la tin tức, hai anh em Lãnh Sành, Lý Sỏi đã đưa Ngô Quang Bích và nghĩa quân vượt đèo Vàng lên núi Tôn Sơn để bảo toàn lực lượng. Dựa vào địa thế hiểm trở, lại được bao bọc bởi Khe Ngang và Khe Cháu, Ngô Quang Bích cùng Lãnh Sành, Lý Sỏi lập đại bản doanh. Đinh Công Sành được phong là Phó tướng, Đinh Công Sỏi được cử dẫn đầu một đạo quân lên án ngữ vùng trổ lao để chặn đánh quân địch bằng đường thủy.

Đến tháng 11 năm 1890, Ngô Quang Bích truyền lệnh cho khắp tướng lĩnh cùng các thứ quân gấp rút chuẩn bị vũ khí, lương thực cho cuộc tấn công vào năm sau. Trong khi cuộc kháng chiến đang có phần thuận lợi thì ngày 5 tháng 1 năm 1891 ông đột ngột chuyển bệnh nặng rồi mất tại đại bản doanh. Thi hài của ông được quân sĩ an táng tại núi Tôn Sơn. Nhân dân trong vùng vô cùng tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của vị tướng quân giàu nhân nghĩa, nên đã lập đền thờ, hương khói tướng quân Ngô Quang Bích như một vị thành hoàng làng.

Căn cứ Tôn Sơn (Khe Cháu, xã Xuân An, huyện Yên Lập) là nơi ghi dấu những hoạt động của Ngô Quang Bích - lãnh tụ của phong trào Cần Vương chống Pháp. Việc xây dựng căn cứ Tôn Sơn đã chứng minh tài thao lược của Ngô Quang Bích về dự đoán tình hình, nghệ thuật dùng binh, chiến lược vũ trang, vì vậy đã thu hút được nhiều binh tướng giỏi thuộc nhiều thành phần dân tộc ở các nơi về ủng hộ, tin yêu và che chở.

Ngày 20-1-2012, căn cứ Tôn Sơn-Mộ Xuân được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Khu di tích không chỉ có giá trị về mặt lịch sử giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Cần Vương dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Ngô Quang Bích mà còn là địa chỉ tâm linh đối với nhân dân trong vùng.

Tại đây, sau khi dâng hương tưởng nhớ ngày mất của tướng quân Ngô Quang Bích, UBND huyện Yên Lập đã thực hiện nghi lễ cắt băng khánh thành cầu treo vào khu Di tích Căn cứ Tôn Sơn-Mộ Xuân với tổng trị giá 300 triệu đồng được huy động từ các nhà hảo tâm và doanh nghiệp trên địa bàn.

Tin, ảnh: DƯƠNG SANG - THỦY KHÁNH