Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/02/2023

Trúc Lâm tư tưởng và đương đại : ngày giỗ tổ Huyền Quang năm 2023 ở Côn Sơn

Tin đầu tiên lấy về từ trang Chùa Việt.

Các tư liệu cập nhật và bổ sung sẽ dán dần ở bên dưới như mọi khi.

Tháng 2 năm 2023,

Giao Blog


---

Huý nhật Trúc Lâm đệ tam Thánh tổ Huyền Quang tôn giả (23 tháng Giêng)
Thánh tổ, tên thật là Lý Đạo Tái, sinh tháng giêng, năm Giáp Dần, đời vua Trần Thái Tông. Nguyên quán tại hương Vạn Tư, nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Tương truyền, mẹ ngài là thái bà Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con. Đầu năm Giáp Dần 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là tổ Huệ Nghĩa mơ thấy "các toà trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: 'Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa.'" Năm ấy thái bà sinh Tổ Huyền Quang
Năm 21 tuổi, Lý Đạo Tái thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm Ất Hợi 1275. Đương thời, Ngài là một trong những trí thức tài năng, từng làm quan tại Viện Hàn lâm nhà Trần. Trong một lần tháp tùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, nhớ lại "duyên xưa", Lý Đạo Tái từ bỏ chốn quan trường, quyết chí tu hành học đạo. Ngài thụ giáo với Tổ Bảo Phác ở chùa Vũ Ninh, sau được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang. Huyền Quang cùng với Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi đến mọi miền đất nước thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị tổ thứ ba của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Ngài đã soạn thảo, biên tập nhiều sách vở, khoa giáo Thiền môn, hiện còn lưu lại các tác phẩm “Ngọc Tiên Tập”, “Chư Phẩm Kinh”, “Công Văn Tập”, “Phổ Tuệ Ngữ Lục”. Nổi bật có khoa cúng “Mông Sơn Thí Thực” mà đến nay các tự viện vẫn sử dụng.
Những năm tháng cuối đời, Tổ Huyền Quang về trụ trì chùa Côn Sơn, hoằng dương Phật pháp, dựng Cửu phẩm Liên hoa, biên soạn kinh sách để truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng giêng năm 1334, Tổ viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Vua Trần Minh Tông ban cho 10 lạng vàng, sai các tăng ni xây dựng Đăng Minh Bảo tháp để an táng xá lợi ở sau chùa. Ngày viên tịch của Ngài đã trở thành ngày giỗ tổ và ngày hội lớn của chùa Côn Sơn hàng năm./.














https://www.facebook.com/groups/chuaViet/permalink/1906732246344366/?mibextid=Nif5oz



---

CẬP NHẬT


1.

Trang trọng Lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm

THỨ HAI, 13/02/2023 12:52:53





Sáng 13.2 (23 tháng giêng âm lịch), tại di tích Côn Sơn, Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 tổ chức Lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cùng các đại biểu dâng hương tại chùa Côn Sơn

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cùng lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, TP Chí Linh dự lễ.

Lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả diễn ra trang nghiêm theo nghi thức truyền thống. Tại ngôi Tam bảo chùa Côn Sơn, trong khói hương trầm mặc, các nhà sư, Phật tử dâng hương, hoa, vật phẩm và tiến hành các khoá lễ cúng Phật, thánh, Tam Tổ Trúc Lâm, chư vị thần linh. 

Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ công trạng của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả tại tháp Đăng Minh

Lễ giỗ là nghi thức quan trọng tại lễ hội mùa xuân hằng năm nhằm tưởng nhớ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả - người có công lao to lớn trong phát triển thiền phái Trúc Lâm, tôn tạo cảnh quan Côn Sơn. 

Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh tháng giêng, năm Giáp Dần, niên hiệu Nguyên Phong thứ 4 (1254) đời vua Trần Thái Tông, nguyên quán tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, từng làm quan tại Viện Hàn lâm nhà Trần. Ông từ bỏ chốn quan trường, quyết chí tu hành, học đạo và biên soạn kinh sách. Ngày 23 tháng giêng năm 1334, ngài viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi.

Nhiều du khách về tham quan, chiêm bái và dự Lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả

Sau lễ giỗ, các đại biểu và nhân dân dâng hương tại nhà tổ, tháp Đăng Minh (Đăng Minh Bảo tháp) – nơi đặt xá lị của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả phía sau chùa Côn Sơn.

Sáng 13.2 là thứ hai nhưng vẫn có khá đông nhân dân và du khách về tham quan, chiêm bái và tham dự lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm.

Chiều tối cùng ngày, cũng tại di tích Côn Sơn sẽ diễn ra Lễ đàn Mông Sơn thí thực. Nghi lễ này là nội dung cuối cùng tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023.

TIẾN MẠNH - TIẾN HUY


https://baohaiduong.vn/phong-tuc---le-hoi/trang-trong-le-gio-de-tam-to-truc-lam-226690



---


BỔ SUNG


1.

Khai hội mùa Xuân Côn Sơn Kiếp Bạc năm 2023

Cập nhật: 06/02/2023 10:23:00

Sáng 6/2 (16 tháng Giêng âm lịch), tại di tích chùa Côn Sơn thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh), tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ khai hội truyền thống Côn Sơn và tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334-2023). Sau 3 năm chỉ thực hiện các nghi thức rút gọn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay Lễ hội được tổ chức với đầy đủ cả phần lễ và phần hội.

 

Tiết mục hát múa khai mạc lễ hội

Tham dự buổi lễ có đồng chí Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các đồng chí: Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, thường trực HĐND tỉnh,  lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng đông đảo tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương.

Các đại biểu dự lễ khai mạc lễ hội

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, từ thế kỷ XIV, Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm - một Thiền phái của người Việt góp phần làm nên sức mạnh “Đông A” - điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt giữ vững nền độc lập chủ quyền trước âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại xâm. Nơi đây, cứ mỗi độ xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại nô nức về trẩy hội, thắp nén tâm hương tưởng nhớ vị tổ Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm - Huyền Quang Tôn giả.

Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đọc diễn văn khai mạc

Huyền Quang Tôn giả tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254 tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Năm 21 tuổi ông đỗ đầu khoa thi Giáp Tuất vào năm 1274. Đương thời, Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng về thơ văn, đã làm việc tại Viện Hàn lâm nhà Trần và được giao tiếp sứ Bắc triều.

Song, cũng như vua Trần Nhân Tông, ông đã từ bỏ chốn quan trường, tìm đến với tôn giáo, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách. Huyền Quang cùng với Phật hoàng Trần Nhân Tông đi đến mọi miền đất nước để thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn lập đài Cửu Phẩm Liên Hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau.

Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Ngày mất của ông trở thành ngày giỗ Tổ của chùa Côn Sơn hàng năm.

Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962. Đến năm 2012, khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong những năm qua tỉnh Hải Dương luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tại khu di tích Côn Sơn. Các công trình tiêu biểu đã và đang được tu bổ, phục dựng như nhà Tổ, cầu Thấu Ngọc, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, tả hữu tiền hành lang, gác chuông, hệ thống sân vườn, Lầu thờ Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát…

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng dâng hương tưởng niệm Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả

Năm 2023, Lễ hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức với quy mô vốn có sau thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, với các nghi lễ như: lễ rước nước, lễ tưởng niệm và khai hội, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc; phần hội với Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, Liên hoan pháo đất, vật cổ truyền, cờ tướng... Đặc biệt, Tuần Văn hóa Du lịch và xúc tiến thương mại sẽ góp phần quảng bá những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của Hải Dương tới bạn bè trong nước và quốc tế. 

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh dâng hương tại chùa Côn Sơn

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và các giá trị di sản tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc nói riêng sẽ góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân để phấn đấu, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Sau lễ khai mạc, các đại biểu và cùng nhân dân và du khách thập phương đã dâng hương tưởng niệm Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả tại chùa Côn Sơn.

https://haiduong.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=14886&title=khai-hoi-mua-xuan-con-son-kiep-bac-nam-2023.html


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.