Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/11/2022

Khu vực Láng chuẩn bị phục hồi Đám rước Thánh Láng vào tháng Ba âm lịch năm 2023

Nghe nói là phục hồi sau khoảng 70 năm đứt quãng.

Đại khái nhiều làng ở Hà Nội đã đứt mạch hội làng từ sau những năm 1954-1956.

Hồi Hà Nội bị tạm chiếm trong khoảng 9 năm (1946/1947-1954) thì hội hè đình đám ở làng ở phố vẫn rộn ràng. Đây là 9 năm vẫn còn nhiều điểm mờ trong nhận thức chung về cuộc sống của người Hà Nội (ví dụ đọc ở đây).

Lễ hội Phủ Tây Hồ (của làng Tây Hồ) đã đứt mạch từ sau năm 1955 đến nay, chưa từng được khôi phục.

Lễ hội Thánh Láng vào thượng tuần tháng Ba âm lịch (với nội dung trọng tâm là đám rước Thánh Láng từ chùa Láng Cả sang chùa Hoa Lăng) cũng đứt mạch ở sau năm 1954. Sau Đổi Mới thì có khôi phục một phần. Riêng đám rước thì chưa từng được khôi phục (tính đến hôm nay).

Bây giờ, các làng cũ ở khu vực Láng đã ngồi lại với nhau và muốn khôi phục lại đám rước vào năm 2023. Giai đoạn chuẩn bị đang bắt đầu.

Dưới đây là cập nhật tình từ các nơi.

Tháng 11 năm 2022,

Giao Blog

Quang cảnh tập dượt cuối năm 2022


---

CẬP NHẬT


1. Ngày 1/11/2022

Công Tác chuẩn Bị Tập luyện sang năm Đại Đám Rước Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh xuất cung lên Thăm Mẹ Tại Chùa Hoa Lăng hơn 70 năm qua đi do điều kiện đường sá không cho phép việc khôi dựng lại nhiều khó khăn - bô lão ba thôn đã hội họp đưa ra quyết định Rước Đức Thánh Tổ nhằm bảo lưu lễ hội Cổ Truyền Dân Tộc
Lễ Hội Chùa Láng vào 7-3 là một trong những lễ Hội Lớn Nhất Thăng Long với trên mười hai làng trại chầu về .




















https://www.facebook.com/groups/704761789708068?multi_permalinks=2160654760785423&hoisted_section_header_type=recently_seen


..



---

BỔ SUNG


3. Lễ hội năm 2020 thì chưa khôi phục đám rước (kiệu rước chỉ được bày ở nhà bát giáp trong mấy ngày mà thôi):




Khu vực Láng chuẩn bị phục hồi Đám rước Thánh Láng vào tháng Ba âm lịch năm 2023


0 lượt xem 
2 thg 11, 2022

https://www.youtube.com/watch?v=E105z-DF_UA



2.


Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

CHÙA HOA LĂNG




   Nếu ai lần đầu đến đây chắc không hề tin đây lại là ngôi chùa lừng danh thời Lý Thần Tông.





   Bên trái chùa, như là khu nhà tạm của tỵ nạn, đây là nhà của một gia đình có 3 thế hệ cùng sống, một ông già, hai vợ chồng trung niên và hai đứa con. Họ kể là sau khi đi kinh tế mới Lâm đồng trở về được xã cấp cho căn nhà này, nếu muốn họ đi thì đền cho một căn ở chung cư thì mới đi.




  Men theo lối đi bên trái là khu sinh hoạt của họ. Bằng quả giọng lắp  bắp líu ríu như chim hót người chồng còn kể rằng đã từng được đền bù nhưng tiêu hết tiền rồi nên vẫn chưa đi được.





   Tiếp đến khu vườn phía sau của chùa mà bây giờ là nơi họ tăng gia trồng trọt, bên cạnh tường là nơi thiêu hương hóa vàng.









  Khoảng sân bên phải chùa ngổn ngang



   Đám cửu vạn không biết ở đâu ra vào đây ngủ ngon lành như trong khách sạn.







   Cả hai bên hông và phía sau  chùa trông như bãi hoang, một phần vì không có người trông nom, hiện nay hằng ngày chỉ có một vị Sư ni bên chùa Duệ Tú qua đây thắp hương, đến ngày rằm mùng một mới mở cửa để mọi người đến thiêu hương bái Phật bái Thánh Phụ Thánh Mẫu.
    Nghĩ mà chua xót, người của Duệ Tú trông nom Hoa Lăng!?
   Chùa Ba Lăng (sau đổi là Hoa Lăng) ở xã Thượng An Quyết (sau đổi là Yên Hoà, nay thuộc  Cầu Giấy - Hà Nội ) nơi có ngôi mộ và thờ bà Tằng Thị Loan, Thánh Mẫu Đức Thánh Từ, thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tương truyền, chùa được xây dựng từ đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), sau khi quan đô sát Từ Vinh xâm phạm nhà tôn thất Diên Thành hầu bị giết chết, vợ là Tằng Thị Loan và con là Từ Đạo Hạnh đều bỏ nhà đi tu. Bà Loan sang tu ở chùa Ba Lăng, hàng ngày đi quyên giáo tiền để tu sửa chùa, sau khi bà mất được chôn và thờ ở chùa( Theo nhà ngoại cảm Thu Hà thì nơi đây không có mộ của Thánh Mẫu). Ngày kỵ của bà đã đi vào câu ca dao Hà Nội:
“Tháng Giêng chính kỵ mồng mười
Hai làng phụng sự muôn đời khói nhang”

    Còn Đạo Hạnh tu ở chùa Thiên Phúc(chùa Thầy), làng Sài Sơn rồi sang Tây Thiên học đạo, được truyền phép lạ trở về dùng pháp thuật giết chết sư Đại Điên trả thù cho cha, xong lại trở về chùa Thầy.

    Có mỗi biển, phần tóm tắt mất tiêu đâu rồi?

   Chùa mới sửa lại sơ sài, nhom nhem, không xứng đáng chút nào với Thánh Mẫu.
   Lễ hội chùa Hoa Lăng gắn liền với lễ hội chùa Láng vào ngày 7 tháng Ba. Đoàn rước đến Cống Cót, tất cả đều qua cầu chỉ riêng kiệu thánh (Từ Đạo Hạnh) phải lội qua sông. Với việc kiệu “độ hà” này người ta giải thích rằng, cống Cót là chỗ Đại Điên ném xác Từ Vinh xuống, như là phần mộ của ông, vì Thánh không được bước qua mộ cha, nên phải độ hà… Sau khi kiệu Thánh sang sông, bộ đô kiệu nội thay vai, từ đây đoàn rước đi nhanh hơn. Kiệu Thánh đến chùa Duệ Tú (Thánh Tổ), nơi thờ Đại Điên. Nhưng dân làng Dịch Vọng Tiền (làng Vòng Tiền) từ hôm trước đã rước sư Đại Điên sang chùa Thánh Chúa, ở làng Dịch Vọng Hậu để “chơi” với bõ Bông( Nguyễn Bông, người hầu cận của Nguyên Phi Ỷ Lan, học trò của  Đại Điên, cùng âm mưu với nhau để đầu thai làm vua, tức là vua Lý Nhân Tông).
  Xem thêm về tích này tại đây:
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=43&sub=134&article=177051
   Sáng ngày rước kiệu Đại Điên về, và để bảo đảm an toàn cho nhà sư, bèn dấu tượng xuống một cái hầm, giếng xây trước cửa chùa, có tường hoa bao quanh và cuộc  “đấu pháo” bắt đầu. Trước hết, một tràng pháo của làng Láng nổ, thế rồi pháo thăng thiên cứ thế mà hướng sang chùa Thánh Tổ, nơi Đại Điên đang trốn nấp. Làng Vòng Tiền cũng nổ pháo chĩa sang đoàn rước như để bảo vệ Đại Điên, và cũng đủ thứ pháo lia tít trên trời. Cuộc đấu pháo kéo dài đến nửa tiếng. Đây là lễ “đấu thần” và cuộc “đấu pháo” độc đáo không có trong bất kỳ một lễ hội nào trong vùng. Cuộc rước đi đến chùa Ba Lăng, tất cả đều đứng dàn phía ngoài tam quan, chỉ có long đình và kiệu được vào sân rồi hạ xuống trước bái đường, khi đó trong chùa đèn nến sáng trưng, tất cả đứng sau kiệu bái lễ. Tiếp, ông lệnh đem chuỗi tràng hạt từ kiệu đình vào hậu cung cáo Phật rồi đưa ra quàng vào tượng Thánh, với ý nghĩa là Đạo Hạnh đã tu thành đắc đạo. Chùa Hoa Lăng xưa xây theo kiểu chữ Công, năm 1952 tu sửa lại hậu cung theo kiểu chuôi vồ trên khu đất cao hướng nhìn thẳng vào Quảng Phúc Môn của kinh thành Thăng Long. Đời Lý, chắc chùa còn dựng bằng tranh tre sơ sài( Trước khi Thánh Mẫu đi tu ở đây)

  Hoành phi đề bốn chữ Thánh Cung Vạn Tuế
  Đến đời vua Lý Thần Tông (1128 - 1138), người được coi là kiếp sau của Từ Đạo Hạnh đã cho xây dựng chùa kiên cố quy mô. Nhà vua đã dựng tượng cha mẹ là Thánh Phụ (Từ Vinh) và Thánh Mẫu (Tằng Thị Loan) để thờ, cấp 5 mẫu ruộng để cho các sư cày cấy lấy hoa lợi cho việc hương đăng. Tượng Thánh Phụ và Thánh Mẫu đến nay vẫn còn.

  Tượng Thánh Phụ Thánh Mẫu






   Trên bứ Hoành phi này cũng đề ba chữ Hoa Lăng Tự








   Cuốn thư đắp nổi đề ba chữ Hoa Lăng Tự
  Qua nhiều năm loạn lạc đã nhiều lần đúc, chuông đều bị mất, nay còn quả chuông “Hoa Lăng tự chung” cao 0.8m, đường kính 0.5mđúc ngày 13 tháng 3 năm Thành Thái thứ hai (1890). Nội dung bài văn chuông ca ngợi ngôi chùa “Nam thiên cựu tích tự hiệu Ba Lăng, nhất phương thắng cảnh thiên cổ danh lam”. (Dưới trời Nam có chùa Ba Lăng di tích, có danh lam thắng cảnh bậc nhất một phương). Trong quả chuông cũng ghi lại mối quan hệ giao hảo giữa nhân dân hai xã Yên Hoà và Yên Lãng mỗi nơi góp 56 quan tiền.


    Qủa chuông hiện nay đang treo ở chùa Hoa Lăng

   Vậy mà hiện nay dù có đi qua cũng không ai biết đó một ngôi chùa. Điều này cũng có nguyên do của nó:
   -1964 - 1984 nơi đây bị Viện chống  Lao TW lấy đây làm nơi sơ tán.
   -1984 - 1994 thì bị bộ đội thông tin đóng quân.
    ( Người Hà Nội số 85, 13/8/2010 số cuối tuần. Trong số này bác Hồ Sĩ Tá có bài về chùa Hoa Lăng nhưng chỉ lấy mỗi tấm ảnh quả chuông chùa mà tôi chụp đưa vào bài để  minh họa, trong khi đó lại đưa ảnh chùa Láng vào không hiểu để làm gì cơ chứ? Đã thế ảnh lại không chú thích, biên tập tạp chí Người Hà Nội quá kém hay là nhiều việc nên sơ sót?)
  Thế nên Lăng mộ của Thánh Mẫu mới bị phá hủy mất dấu tích, thật xót xa cho số phận của Người.
   Khi biết đây là cổng chùa Hoa Lăng danh tiếng, tôi đã suýt ngất, trong lòng cảm thấy xót xa vô hạn.

   Đây là con ngõ nhỏ dẫn vào chùa, tít đằng xa kia là sông Tô Lịch.
   Hội rước thánh Láng từ chùa Láng trở về chùa Hoa Lăng được khôi phục. Đây là hội chùa lớn vào loại nhất nhì của kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần.
  Từ Đạo Hạnh còn được coi là vị tổ sư nghề múa rối; tổ sư thứ 12 của phái Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, có học trò là Nguyễn Minh Không (ông là tổ sư nghề đúc đồng). Nơi thờ Thánh Mẫu của Ngài vậy mà không được quan tâm xứng tầm. Bản thân chùa  liên quan tới một loạt quần thể di tích lịch sử văn hoá như chùa Nền, chùa Láng, chùa Tam Huyền, chùa Lủ, chùa Thầy, chùa Trầm…vậy mà...
             Ảnh: Nguyễn quốc Việt
             Bài trích từ: 
Lễ hội Thăng Long, Nhà xuất bản Hà Nội, 2001
http://www.thanglonghanoi.gov.vn/channel

http://vitbeoxn.blogspot.com/2012/12/chua-hoa-lang.html



1.

Cập nhật lúc 21h48, ngày 04/12/2013

BÀI BIỂU VĂN RƯỚC THÁNH GIÁ VỀ CHẦU THÁNH MẪU 
Ở CHÙA HOA LĂNG

NGUYỄN TÁ NHÍ

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Làng Yên Lãng xưa gọi là trại Yên Lãng huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai có chùa Láng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông, hậu thân của Thiền sư. Hàng năm chùa mở hội vào ngày mồng 7 tháng 3 âm lịch. Ngoài nghi thức rước Thánh và tế lễ long trọng giống như nghi thức tế thần ở nhiều làng quê khác trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ ra, ở Yên Lãng còn có nghi thức rước Thánh giá về chầu Thánh mẫu tại chùa Hoa Lăng. Hiện nay ở chùa Cả còn lưu giữ được nhiều bản thần tích văn tế. Trong đó có một bài biểu văn tạ ơn Hoàng đế Lý Thần Tông. Ở đầu bài biểu văn có đoạn lời dẫn cho biết, vào sớm ngày mồng 7 tháng 3 âm lịch, toàn thể dân trại Yên Lãng sắm sanh lễ vật đến lễ ở chùa Cả. Sau đó đem kiệu rước Thánh giá từ chùa Cả về chùa Hoa Lăng để chầu đức Thánh mẫu. Tại đây dân làng lại tổ chức lễ tế rất long trọng. Đến buổi chiều dân làng lại tổ chức lễ rước Thánh giá về chùa Cả, sau đó làm lễ an vị. Cuối cùng là soạn biểu văn dâng lên để tạ ơn Hoàng đế Lý Thần Tông.

Biểu văn viết theo lối văn biền ngẫu, lời lẽ uyển chuyển, ý tứ sâu sắc. Nội dung biểu văn ca ngợi công đức của Thiền sư Từ Đạo Hạnh và có kể lại sự tích Thiền sư trút xác hóa thân đầu thai vào nhà Sùng Hiền Hầu rồi sau lên ngôi trị vì đất nước.

Hóa cơ huyền diệu, liền giáng vào thùng nước để làm Tự vương triều Lý, sau vào triều thống nhất lên ngôi.

Quả phúc viên thành, rồi siêu thăng bệ rồng hai mươi ba năm làm vua để nhật nguyệt thêm rạng rỡ.

Biểu văn cũng mô tả đám rước Thánh giá rất long trọng, cờ quạt rợp trời, trống chiêng dậy đất.

Phấp phới cờ bay ngang trời, yêu thù bắt nhốt nơi tuyền hạ;

Vang vang chiêng trống thập thình, thịnh hội làm đẹp nhà cửa.

Nhận thấy đây là tư liệu quý, do vậy chúng tôi phiên âm dịch nghĩa toàn bộ bài biểu văn này để giới thiệu trong hội nghị Thông báo Hán Nôm này.

 

Toàn văn là:

Hoàng hiệu niên tam nguyệt sơ thất nhật Hội chủ đồng trại đẳng cẩn sĩ phẩm quả phù tửu kim ngân đẳng vật cảm chi cáo vu Đại Thánh Thiên chủ Lý triều Thần Tông Hoàng đế Từ Đạo Hạnh bệ hạ Thượng đẳng Tối linh tôn vị tiền viết:

Vị hữu phụng nghênh đăng triều hoàn cung an vị, hành lễ tạ biểu.

Phúc địa giáng thần, nhai hải ngưỡng cô viên chi nguyệt giới;

Thiên thiên đản thánh, phần hương y cao ấm chi từ vân.

Vọng long bào nhi bách bái dương hưu;

Bồi phượng liễn nhi tam sinh tăng khánh.

Thần đồng trại đẳng thiết duy:

Phù! Sắc thị không, không thị sắc hiển vi mạc trắc thiền cơ;

Duy, tâm tức Phật, Phật tức tâm thanh tịnh phương siêu giác ngạn.

Cầu năng kiến vô cương chi lệnh vận;

Cái tất dung bất thế chi thánh tài.

Khâm duy Hoàng đế bệ hạ:

Chân nhất viêm tinh,

Huyền nguyên hạo khí.

Thụ chân kinh ư Trúc quốc, lục trí viên dung;

Minh bí pháp ư đồng thư, thiên kỳ biến hóa.

Tu luyện tiên gia phong độ;

Hành trì Thích giáo tông môn.

Khôi dục giới ư thất tình, tùng lâm diễn bồ đề chân kệ;

Thạch thiền tâm ư tam kiếp, bể ngạn hoàn hương hỏa thiện duyên.

Khoát khai Thích hải nhai tân;

Luân chuyển thiền quynh khu quản.

Phi thân độ hải, mạc giả trịch cân;

Chú khẩu điền hà, bất lao phóng lạp.

Mặc vận xung thiên thần lực, thiên bất năng cao tinh đẩu ư cửu tiêu;

Diệu thi túc địa chân thừa, địa bất năng quảng giang sơn ư vạn lý.

Tô thủy phóng nghịch phi chi trượng, điền thế thù nhi hiếu đạo hảo hoàn;

Sài sơn nhàn tịnh cảnh chi thân, bằng chính giác nhi từ hàng phổ độ.

Tâm ấn hạp khai mạc trạng;

Pháp luân tuyền chuyển vô cùng.

Thai đàn thiết võng tứ phao, tái tệ yêu thù ư tam nhật;

Thạch động ngọc câu nhất trịch, vĩnh di thần tích ư ức niên.

Diệu hóa cơ nhi hiện giáng thủy đồng, thập bát tử tự vương, nhập triều diễn sơn hà nhất thống.

Hoàn phúc quả nhi siêu thăng tiêu điện, chấp tam niên nguyên chủ, tam giới khai nhật nguyệt trùng quang.

Kỳ phùng đản giáng,

Lễ hữu đăng triều.

Liễu mạch tòng thượng hạ nhi an,

Hoa Lăng yết nghiêm từ song tọa.

Hoàng ốc nguy nguy chân tướng, y nhiên kỳ hội chi quan thường;

Thúy hoa bái bái xuân phong, uyển nhĩ thái bình chi nghi vệ.

Lịch lịch tinh kỳ hoành chỉ, yêu thù trùng nhiếp ư cửu nguyên;

Luân luân chinh cổ liên truyền, thịnh hội tráng quan ư vạn vũ.

Tiết phùng thiên thụy, lượng nan khuy siêu phàm nhập thánh chi huyền cơ;

Mạo tấu vân tiên, nguyện mậu triển hộ quốc an dân chi thần lực.

Thần đẳng cẩn tấu bạch dĩ văn.

 

Dịch nghĩa:

Niên hiệu vua…. Ngày mồng 7 tháng 3, Hội chủ cùng với toàn dân trong trại sắm sửa phẩm quả trầu rượu vàng bạc dâng lên trước tôn vị đức Đại Thánh thiên chủ Lý triều Thần tông Hoàng đế Từ Đạo Hạnh bệ hạ Thượng đẳng tối linh và có lời rằng: Do có lễ rước về chầu rồi hoàn cung an vị, nay xin làm biểu tạ ơn:

Nơi phúc địa giáng thần, góc biển ngưỡng trông trăng tròn miền nguyệt giới;

Chốn Thiền thiên sinh thánh, xóm làng nhờ cậy mây lành trên cho che phủ.

Vọng hướng long bào vái trăm lạy xin ơn,

Theo cùng xe phượng để tam sinh thêm phúc.

Toàn thể dân chúng trại Yên Lãng trộm nghĩ rằng:

Ôi! Sắc tức không, mà không tức sắc, tỏ mờ khôn biết thiền cơ;

Kìa, tâm tức Phật, mà Phật tức tâm, thanh tịnh bước lên bờ giác.

Cầu xin có được lệnh truyền rộng vô cương;

Che chở nhờ vào Thánh tài đời ít thấy.

Kính nghĩ Hoàng đế bệ hạ:

Sao trời nam rực sáng

Hạo khí cõi huyền nguyên.

Nhận chân kinh miền Tây Trúc, sáu trí đầy đủ viên dung;

Học bí pháp ở sách đồng, thiên kỳ vạn trạng biến hóa.

Tu luyện theo học phép tiên;

Hành trì giữ lấy đạo Thích.

Bỏ hết thất tình nơi dục giới, đọc bài chân kệ bồ đề tại tùng lâm;

Giữ vững thiên tâm suốt ba kiếp, thiện duyên hương hỏa hoàn thành nơi giác ngạn.

Dạo khắp bến bờ biển đạo Thích,

Luân chuyển then khóa ở cửa Thiền.

Thân bay vượt biển chẳng cần đến cách ném khăn;

Đọc chú lấp sông đâu phải mượn nhờ nón chở.

Ngầm dùng thần lực xung thiên, trời đâu đủ cao hơn sao đẩu nơi cửu tiêu;

Khéo vận chân thừa rút đất, đất nào mở rộng non sông rộng xa vạn dặm.

Dòng Tô để gậy thần ngược dòng chạy thẳng,

Giết kẻ thù mà đạo hiếu vẹn tròn;

Non Sài để thân nhàn tiêu sái ngày đêm, đắc chính giác để cứu độ quần sinh.

Tâm ấn mở khép khôn bày tỏ,

Xe pháp luân chuyển đến vô cùng

Lưới sắt ở đàn cầu tự phá tan, giết giặc thù chỉ trong tam nhật;

Ngọc căn nơi hang đá đã văng ra, mãi để dấu thần suốt vạn năm.

Hóa cơ huyền diệu liền giáng vào thùng nước để làm Tự vương triều Lý, sau vào triều nhất thống lên ngôi.

Quả phúc viên thành rồi siêu thăng bệ rồng hai mươi ba năm làm vua để nhật nguyệt thêm rạng rỡ.

Gặp tuần Thánh đản,

Lễ có rước chầu.

Xóm làng trên dưới đều yên,

Hoa Lăng về yết phụ mẫu.

Cửu trùng vòi vọi chân tướng, ngày hội mũ áo xênh sang;

Làng quê dào dạt gió xuân, thái bình cảnh tượng vui vẻ.

Phấp phới cờ bay ngang trỏ, yêu thù bắt nhốt ở cửu tuyền;

Vang vang trống chiêng thập thình, thịnh hội làm đẹp thêm nhà cửa.

Tiết gặp trăm thứ tốt lành, khó đoán biết huyền cơ siêu phàm nhập thánh;

Đánh liều dâng biểu tấu lên, nguyện xin sức thánh hãy cứu nước giúp dân.

Dân ấp trại kính cẩn dâng biểu lên.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H. 1993.

2. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, 1972.

3. Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. KHXH, 1992.

4. Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, Nxb. KHXH, 1996.

5. Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội - Tuyển tập thần tích, Nxb. Hà Nội, 2010.

6. Hà Nội địa bạ, A.628.

7. Hoài Đức phủ thần hiệu, A.747.

8. Hoài Đức phủ tục lệ, A.715.

9. Sơn Tây tỉnh chí, A.857./.

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.805-810)

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2159&Catid=890

..

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.