Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/02/2022

Dấu ấn của thời Tây Sơn : "tiên nhu chi bảo" hay "hòa nhu chi bảo"

Lần trước, chúng tôi đã đến thăm vườn nhà Nguyễn Huệ tại Bình Định, đọc lại ở đây (năm 2017).

Hôm nay, bàn về một dấu ấn của triều đại Tây Sơn trên tư liệu văn bản.

Hiện đang có hai thuyết. Một thuyết đọc là "Tiên nhu chi bảo", một thuyết đọc là "Hòa nhu chi bảo" cho hình dấu triện trên các văn bản thời Tây Sơn.

Đi một số bài cơ bản đầu tiên, mà mở đầu là của học giả Nguyễn Đình Chiến - người mà chúng tôi cùng làm việc tại Nam Định vào hôm qua (11/2/2022).

Tháng 2 năm 2022,

Giao Blog


---

Dấu triện son thời Sơn Tây

 10/10/2019  11:25  2341

Cho đến nay, di sản văn hoá vật chất thời Tây Sơn (1788-1802) tuy còn lại không nhiều nhưng đã được các nhà nghiên cứu sử học và bảo tàng tập hợp, công bố ở nhiều nơi (Nguyễn Đình Chiến, 2011: tr. 14-17). Trong bài này chúng tôi tập trung giới thiệu về các dấu triện son thời Tây Sơn với các niên hiệu Quang Trung, Cảnh Thịnh và Bảo Hưng..

Các dấu triện son đời Quang Trung (1788-1802) hiện còn chủ yếu là các loại ấn của Võ quan trong tướng lĩnh quân đội như một số ấn đồng hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ký hiệu LSb 2535. Ấn này tìm thấy tại Nam Định, cao 4,5 cm, cạnh vuông 8,3 cm.  Ấn có quai hình chuôi vồ, mặt ấn đúc nổi10 chữ Hán theo thể Triện thư: Suất trung lương nhị vệ tam hiệu trung lang tướng. Đây là dấu của viên Trung lang tướng ở Hiệu quân thứ 3, Vệ thứ 2, Suất trung lương (Hội đồng biên soạn, 2003 : tr.99). Chiếc ấn khác có kiểu dáng tương tự mặt ấn khắc 9 chữ Hán: Suất hùng cự khai vệ ngũ hiệu Đô ty. Đây là ấn của viên tướng chức Đô ty ở Hiệu quân thứ 5, Vệ tiên phong, Suất hùng cự. Trên mặt hai ấn chỉ ghi năm tạo ấn là năm Tân Hợi (1791). Trong sách Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX Nguyễn Công Việt còn giới thiệu tài liệu về chiếc ấn: Tây Kỳ phủ Trung Tín nhất Vệ hộ quân sứ Vinh Hoa hầu. Đây là ấn của viên tướng Vinh Hoa hầu chức Hộ quân sứ thuộc Vệ thứ nhất Trung Tín phủ Tây Kỳ. Một quả ấn khác có dấu hình chữ nhật kích thước 9,8 x 6,6cm. Mặt ấn đúc 5 chữ triện nổi Bằng Tuyền huyện quản lý. Đây là dấu ấn của chức quản lý huyện Bằng Tuyền. Trên các ấn đồng này đều khắc dòng chữ Tân Hợi niên tạo, là năm Quang Trung thứ 4 (1791). Việc khảo cứu của Nguyễn Công Việt đã chứng minh thời gian đúc của các quả ấn đúc năm Tân Hợi trên đây là 1791.

Các quả ấn của Vua tức là các Kim bảo dưới thời Tây Sơn, đến nay đều không còn và không rõ được đúc bằng chất liệu gì, nhưng chúng ta được biết nhiều hình dấu triện son đóng trên các bản sắc phong, chiếu chỉ, truyền. Hình dấu  triện son đều có hình vuông, bên trong đúc/ khắc 4 chữ hay 5 chữ theo kiểu triện Thư. Khảo sát các bản sắc phong thần hiện còn lưu giữ tại các bảo tàng và di tích đình, đền, miếu thờ, chúng tôi thấy một số dấu triện son như sau:

Dấu triện son Quảng vận chi bảo, hình vuông, kích thước 11,5 x 11,5cm, đóng trên Tờ chiếu chỉ, niên hiệu Quang Trung năm thứ 5 (1792). Nội dung bản chiếu của vua Quang Trung khen ngợi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp về việc dịch sách Kinh thi. Tờ chiếu hình chữ nhật dài 50cm, rộng 40cm, ký hiệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số LSb.21965. Dòng niên đại ghi Quang Trung ngũ niên nhật nguyệt sơ nhị. Nghĩa là ngày mùng 2 tháng 6 năm Quang Trung thứ 5 (1792). Theo khảo cứu của Nguyễn Công Việt, dấu Quảng vận chi bảo thường sử dụng trên các công văn sai, truyền. Dấu Quảng vận chi bảo đã thấy trong các văn bản niên hiệu Quang Trung năm thứ 2 (1789); Quang Trung năm thứ 4 (1791), Quang Trung năm thứ 5 (1792). (Nguyễn Công Việt, 2005: tr.252-255)

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn lưu giữ Tờ lệnh chỉ, ký hiệu LSb 21973, dài 49,3 cm, rộng 38,7 cm. Ngoài các dấu triện son nhỏ còn có một dấu  triện son lớn với 5 chữ theo kiểu triện Thư : Hoàng Thái tử chi bảo (Hội đồng biên soạn, 2003 : tr.178).

Dấu triện son Triều đường chi ấn, hình vuông, kích thước 11,3 x 11,3 cm. Đây là ấn của Triều đình. Dấu ấn này đã thấy trên văn bản, tờ truyền niên hiệu Quang Trung năm thứ 5, ngày 14 tháng 4 nhuận năm 1792. Triều Đường chi ấn có chức năng tương tự như ấn Đình thần chi ấn, Công đồng chi ấn của thời Nguyễn sau đó. Dấu Triều đường chi ấn còn thấy trên tờ Truyền ngày mùng 4 tháng 6 năm Quang Trung thứ 5 (1792). Theo Nguyễn Công Việt dấu này được dùng vào những văn bản hành chính quan trọng dưới chiếu, chỉ, dụ, cáo, sắc phong của Hoàng đế.

Dấu triện son Sắc mệnh chi bảo dùng trên các văn bản sắc phong cho người có công dưới thời Tây Sơn. Theo tài liệu của cụ Hoa Bằng sao lại cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm ghi lại ngày 11 tháng 12 năm 1949. Bản này in lại trong sách Ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt, 2005: tr.267).  Đây là bản sắc phong của vua Quang Trung ban cho Phan Huy Ích chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thị trung Ngự sử, tước Thuỵ Nham hầu. Niên đại của Sắc phong này ghi ngày 18 tháng 4 nhuận năm Quang Trung thứ 5 (1792).

Thông tin trên báo Văn hoá ngày 3 tháng 4 năm 2010, cho biết về việc phát hiện 3 sắc phong thời Tây Sơn tại Hà Tĩnh. Trong đó đạo sắc phong vua Quang Trung ban cho ông Trương Bao với tước hiệu Tráng tiết Tướng quân Võ uý Bao Đức Nam. Sắc phong ngày 25 tháng 10 năm Quang Trung thứ 5 (1792). Mặc dù tờ sắc bị mòn, rách nhưng dấu triện son trên góc trái còn rõ: Sắc mệnh chi bảo. Cũng theo thông tin trên, 2 tờ sắc Cảnh Thịnh năm thứ 8 (1800) cũng đều có nội dung gia phong tước hầu và tước  cho người có công đánh giặc dưới thời Tây Sơn.

Ở Bảo tàng Quang Trung, Bình Định còn giữ được một số tài liệu thời Tây Sơn trong đó có các sắc phong cho tướng lĩnh. Bản sắc phong vào ngày 24 tháng 2 năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1795), phong cho viên quan chỉ huy Vệ thứ 3 đạo Hổ dực là Nguyễn Đăng Lâm làm chức Hộ quân sứ tước sứ, Phú Nhuận hầu. Trên sắc có dấu chữ triện Sắc mệnh chi bảo (Nguyễn Công Việt, 2005: tr. 275-276).

Thật tiếc cho đến nay không còn một đạo sắc nào nguyên vẹn để truy cứu so sánh. Nhưng xem hình dấu, chúng tôi thấy khác hẳn với tự dạng trên dấu triện Sắc mệnh chi bảo thời Lê. Chữ Sắc mệnh kiểu Triện thư, với chữ mệnh nhô hẳn lên chữ Sắc . Nhưng 2 chữ chi bảo lại giống dấu Hòa nhu chi bảo. Chữ chi có uốn gấp khúc , cân đối..

Dấu triện son  Hoà nhu chi bảo hay Tiên nhu chi bảo.Theo Nguyễn Công Việt, dấu triện Hòa nhu chi bảo, chỉ dùng dưới thời Tây Sơn. Dấu triện có cạnh 15,2cm x 15,2cm, viền ngoài đậm 2,2cm. Ý nghĩa của dấu triện này là các vị thần phù trợ cho mưa thuận gió hòa, mầm lúa mọc tươi tốt. Chúng tôi cũng thấy, dấu triện son Hòa nhu chi bảo được sử dụng phổ biến trên các đạo sắc phong thần thời Tây Sơn , kể từ niên hiệu Quang Trung cho đến Cảnh Thịnh và Bảo Hưng. Các dòng chữ chỉ ngày tháng sau niên hiệu đều dùng theo kiểu chữ giản thể.

Dấu triện son  này thấy đóng trên nhiều sắc phong thần cho các Thành hoàng làng như trên bản sắc phong cho Thành hoàng đình Yên Việt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Dấu đóng ở dòng ghi niên hiệu, ngày mùng 2 tháng 10 năm Quang Trung thứ 3 (1790). Đây có lẽ là sắc phong sớm nhất mang dấu triện son Hòa nhu chi bảo trong niên hiệu Quang Trung.

Trong  một sưu tập tư nhân ở Hà Nội, chúng tôi đã gặp các bản sắc đóng dấu triện son  Hòa nhu chi bảo như đạo sắc phong ngày 10 tháng 5 năm Quang Trung 4 (1791).

 

Các bản sắc phong gia phong mỹ tự cho các vị Thành hoàng thờ ở đình làng Bát Tràng vào ngày 29 tháng 3 năm Quang Trung thứ 5 (1792). Đạo sắc phong  ngày 5 tháng 5 năm Quang Trung thứ 5 (1792) ở miếu Cầu Vương  thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

 

Dưới niên hiệu Cảnh Thịnh (1793-1801) có 2 đạo sắc phong ngày 21 tháng 5 năm Cảnh Thịnh 4 (1796) trong sưu tập tư nhân ở Hà Nội.

 

và 1 đạo sắc phong khác cùng ngày ở đền thờ Bùi Tá Hán tại Quảng Ngãi...

 

Dưới niên hiệu Bảo Hưng (1801-1802) có 1 đạo sắc phong ngày17 tháng 5 năm Bảo Hưng nguyên niên (1801).

 

Như vậy, dưới thời Tây Sơn đã dùng song song 2 dấu triện son Sắc mệnh chi bảo và Hòa nhu chi bảo./.

  TS. Nguyễn Đình Chiến

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Đình Chiến, 2011. “Điểm qua những phát hiện về cổ vật thời Tây Sơn”. Cổ vật thời Tây Sơn. BTLSVN Tp. Hồ Chí Minh xb, tr.14-17.

Hội đồng biên soạn (Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch hội đồng), 2003. Cổ vật Việt Nam – Vietnamese Antiquities. Bộ Văn hóa – Thông tin, Cục Bảo tồn – Bảo tàng & BTLSVN xb, Hà Nội. (in Vietnamese and English).

Nguyễn Văn Hùng & Nguyễn Đình Chiến, 2010. Cổ vật Thăng Long Hà Nội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xb. (in Vietnamese and English).

Nguyễn Công Việt, 2005. Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX. Nxb. KHXH , Hà Nội

https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/71134/dau-trien-son-thoi-son-tay.html

..


 04:30 AM 28/06/2017

Trong nhiều di tích lịch sử văn hóa đình, đền, miếu thờ ở nước ta còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong thần do các triều vua Lê, Mạc, Tây Sơn  và Nguyễn ban cấp.. Trải qua thời gian mấy trăm năm, mặc dù được bảo quản trong hộp gỗ nhưng tới nay một số đạo sắc phong đã bị sờn, rách, chuyển màu vàng nhạt hay hồng nhạt. Đây là những cổ vật bằng chất liệu giấy hiếm quý. Tình trạng các đạo sắc phong này rất cần thiết phải bảo quản theo phương pháp khoa học để bảo tồn lâu dài.

Về kích thước, các đạo sắc phong đều có hình chữ nhật, phổ biến có chiều dài trong khoàng 119cm đến 140cm và rộng từ 44cm đến 53cm. Đặc biệt, sắc phong đời Cảnh Hưng hiện lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia có chiều dài 195cm, rộng 60cm.
Loại giấy dùng làm sắc là giấy dó có độ dai và dày, thường gọi là giấy Nghè vì làm tại làng Nghè, làng Nghĩa Đô huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là loại giấy đặc biệt chuyên cung cấp cho triều đình sử dụng . Trên mặt trước của mỗi đạo sắc thường có diềm vẽ nền gấm chữ Vạn, bên trong diềm vẽ trang trí hình Rồng, mây và chữ Thọ. Nội dung của đạo sắc là bài minh chữ Hán viết tay nên tự dạng khá phong phú. Mỗi bài minh đều có cấu trúc khá giống nhau, đọc từ phải sang trái. Dòng cuối cùng ghi niên hiệu của triều vua và ngày tháng ban cấp đạo sắc. Trên dòng chữ này có đóng một dấu Kim bảo màu son đỏ với 4 chữ Hán theo kiểu Triện thư. Dấu triện này có thể xem như biểu tượng linh thiêng của nhà Vua. Đó là các chữ Tiên Nhu Chi Bảo  Sắc Mệnh Chi Bảo. Nhưng ngẫu nhiên trong số 15 đạo sắc phong thần còn lưu giữ tại Miếu Cầu Vương ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chúng tôi thấy đạo sắc phong ngày 21 tháng 7 (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh (1821), dấu triện là Phong tặng chi bảo.  Vì vậy, bài viết này xin làm rõ hơn về các dấu triện trên các đạo sắc phong  thần từ thời Lê Sơ đến thời Nguyễn, 1428-1945.

Trước tiên, chúng tôi nêu qua nghi thức đóng dấu kim bảo dưới triều Nguyễn để bạn đọc tham khảo. Các kim ngọc bảo tỷ được cất giữ ở điện Trung Hòa trong Càn Thành. Mỗi khi Nội các dùng đến kim bảo nào thì do Cung giám phụng mang kim bảo đó ra. Mỗi lần đóng dấu kim bảo Ngự tiền chi bảo , Văn lý mật sát và Sắc mệnh chi bảo, quan Nội các hiệp đồng với Bộ quan đương trực, thiết án giữa Tả vu của điện Cần Chánh để hầu bảo. Khi dùng đến những bảo tỷ khác quan trọng hơn phải theo một thủ tục riêng. Trước hết, cơ quan có trách nhiệm làm phiến tấu trình lên Hoàng đế để xin phép định ngày’’ hầu bảo’’. Đúng ngày định kỳ đã được phê duyệt, án được thiết lập tại điện Cần Chánh. Quan Nội hầu thỉnh tráp đựng ấn ra. Vệ binh cầm kiếm tuốt vỏ đứng hầu hai bên án. Quan Nội các và Bộ quan đương trực mặc phẩm phục bước vào chiếu, mở tráp ấn ra để đóng dấu. Khi ấn được đóng xong, kim bảo được đặt lại vào tráp. Quan Nội các niêm phong giao cho Nội thần nhận thỉnh cất giữ. Mỗi lần đóng ấn về việc gì, Hội đồng phải lập biên bản và ghi vào sổ để theo dõi. Như thế, nghi thức đóng dấu kim bảo của triều Nguyễn rất trang nghiêm và quy củ chặt chẽ mang tính chất nghi thức của quốc gia.
1. Dấu triện Tiên nhu chi bảo.

1a

Ảnh 1. Dấu Tiên nhu chi bảo trên sắc phong thần Miếu Cầu Vương, ngày 5 tháng 5(Âm lịch) năm thứ 5 niên hiệu Quang Trung (1792).

Khi tìm hiểu các đạo sắc phong dưới thời Tây Sơn (1778-1802), các nhà nghiên cứu thấy xuất hiện dấu triện Quảng vận chi bảo đóng trên các văn bản niên hiệu Thái Đức 10 và 11(1787-1788); niên hiêụ Quang Trung 2 (1789), Quang Trung 5 (1792). Dấu Triều Đường chi ấn đóng trên văn bản niên hiệu Quang Trung 5 (1792). Các loại dấu triện này không rõ được được đúc hay khắc bằng chất liệu gì. Nhưng hình dấu son có thể thấy trên sách La Sơn phu tử ( Hoàng Xuân Hãn, 1952) hay sách Ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt, 2005). Ngoài ra ,thời Tây Sơn còn dùng 2 dấu triện khác là Sắc mệnh chi bảo và Tiên nhu chi bảo đóng trên các đạo sắc phong thần.
Về dấu triện Sắc mệnh chi bảo  thời Tây Sơn, đến nay chỉ thấy duy nhất trên tờ tư liệu của cụ Hoa Bằng ghi lại ngày 11 tháng 12 năm 1949. Bản này in lại trang 267 của sách Ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt, 2005, tr.267). Đây là đạo sắc phong cho Phan Huy Ích chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thị trung Ngự sử , tước Thụy Nham hầu, ngày 18 tháng 4 nhuận, năm Quang Trung 5(1792). Thật tiếc cho đến nay không còn một đạo sắc nào để truy cứu so sánh. Nhưng xem hình dấu, tôi thấy khác hẳn với tự dạng trên dấu triện Sắc mệnh chi bảo thời Lê. Chữ Sắc mệnhkiểu Triện thư, với chữ Mệnh nhô hẳn lên chữ Sắc . Nhưng 2 chữ chi bảo lại giống dấu Tiên nhu chi bảo. Chữ chi có uốn gấp khúc, cân đối.

Theo Nguyễn Công Việt, dấu triện Tiên nhu chi bảo được xem là dấu chỉ dùng dưới thời Tây Sơn. Dấu triện có cạnh vuông 15,2cm x 15,2cm. “ Ý nghĩa là các vị thần phù trợ cho mưa thuận gió hòa, mầm lúa mọc tươi tốt”. Dấu triện này trên đạo sắc phong năm Quang Trung 3 (1790). Chúng tôi thấy trên đạo sắc phong thần ngày 5 tháng 5, năm Quang Trung 5 (1792) ở Miếu Cầu Vương (Ảnh 1).  Như vậy, dấu triện Tiên nhu chi bảo được sử dụng phổ biến trên các đạo sắc phong thần thời Tây Sơn.
2. Dấu Kim bảo 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo
Cho đến nay các tài liệu cho biết những đạo sắc phong thần còn lưu giữ được sớm nhất là thời Lê Sơ (1428-1527). Nhưng nhiều nhất vẫn là thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17-18. Trên các đạo sắc phong thần thời Lê đều thấy đóng dấu triện son Sắc mệnh chi bảo. Dấu triện này có kích thước 11,5cm x 11,5cm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép vào năm thứ 2 niên hiệu Thiệu Bình (1435), hoàn thành đúc 6 quả ấn bằng vàng, bạc là :
• Thuận Thiên thừa vận chi bảo , dùng khi truyền ngôi.
• Đại Thiên hành hóa chi bảo, dùng khi xuất binh đánh dẹp.
• Chế cáo chi bảo, dùng khi ban chế, chiếu ra thiên hạ.
 Sắc mệnh chi bảo, dùng khi có sắc dụ và hiệu lệnh thưởng phạt cùng các việc lớn khác.
• Ngự tiền chi bảo, dùng đóng vào giấy tờ sổ sách.
• Ngự tiền tiểu bảo, dùng khi có việc cơ mật.(Đại Việt sử ký toàn thư,1972,t3,tr.102)
Như vậy, sử liệu này cho biết rõ dấu triện Sắc mệnh chi bảo được đúc vào năm 1435. Nhưng trên  các văn bản thế kỷ 15 có đóng dấu này còn lại đến nay thực là hiếm.Trên đạo sắc phong cho Phụ chính Tham tướng Phạm Như Tăng làm Trung quân Đô thống tạm quyền lãnh ấn tiên phong chỉ huy 10 đạo binh tiến đánh Chiêm Thành có đóng dấu Sắc mệnh chi bảo trên dòng niên hiệu Hồng Đức 2 (1471) .(Nguyễn Công Việt,2005, tr. 111) .

Dưới thời Mạc (1527-1592), theo Nguyễn Công Việt, những vấn đề đại sự quốc gia đựơc ban bố ra quốc dân thiên hạ như chiếu, chỉ, cáo, sắc vv…nhà Mạc vẫn dùng theo cách của nhà Lê Sơ, các văn bản này đều được đóng dấu Kim bảo Sắc mệnh chi bảo của nhà Lê.  Sắc phong thần ở thời Mạc còn lại đến nay cũng rất ít. Tại đền Quang Lãng, xã Thụy Hải, huyện Kiến Thụy, tỉnh Thái Bình còn 3 đạo sắc phong thần vào ngày 5 tháng 12, năm đầu niên hiệu Minh Đức (1527); ngày 10 tháng 6, năm đầu niên hiệu Quảng Hòa (1540); ngày 28 tháng 4, năm đầu niên hiệu Cảnh Lịch (1548). Cũng như đạo sắc phong thần ở đình Tử Dương , huyện Thường Tín, Hà Nội, ngày 6 tháng 11, năm Sùng Khang 9 (1576). Các đạo sắc này đều đóng dấu Sắc mệnh chi bảo.

Dưới thời Lê Trung hưng (1533-1788), trên các đạo sắc phong thần chỉ duy nhất dùng dấu Sắc mệnh chi bảo , là Kim bảo đúc từ thời Lê Sơ. Các bản sắc phong từ niên hiệu Vĩnh Tộ 8 (1626) cho đến niên hiệu Vĩnh Khánh 2 (1730) in trong sách của Nguyễn Công Việt đều thấy dấu triện này. (Nguyễn Công Việt, 2005,tr.203-206).

Chúng tôi thấy 3  đạo sắc phong thần tại Miếu Cầu Vương,  ngày 8 tháng 8, năm Cảnh Hưng 28 (1767); ngày16 tháng 5 và ngày 26 tháng 7, năm Cảnh Hưng 44 (1783)  đều đóng dấu Sắc mệnh chi bảo. Dấu son trên các đạo sắc thời Lê Trung hưng đều giống nhau về kiểu chữ và kích thước chứng tỏ được đóng từ một Kim bảo. Cũng thật tiếc là dấu Kim bảo ấy nay không còn.
Cho đến nay chỉ may mắn còn lại Kim bảo 敕 命 之 寶 Sắc Mệnh Chi Bảo của triều Nguyễn ,hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, LSb.34447 (Ảnh 2)

IMG_2163
IMG_2164

Ảnh 2: Kim bảo Sắc mệnh chi bảo đang lưu giữ và trưng bầy tại Bảo tàng lịch sử quốc gia.

                                                                                                        (BẢO VẬT QUỐC GIA)
Kim Bảo: Sắc mệnh chi bảo, cao 11,0cm; cạnh 14,0cm x 14,0cm, dầy 2,5cm. Kim bảo có 2 cấp hình vuông, quai rồng cuộn ngồi xổm, đầu ngẩng, 2 sừng dài, đuôi xoè 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng. Lưng kim bảo khắc 2 dòng chữ Hán:
– Bên trái: 十 歲 皇 金 重 二 百 二 十 三 両 六 錢 Thập tuế hoàng kim, trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền. (Vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền, [khoảng 8,3kg]) .
– Bên phải: 明 命 八 年 十 月 吉 日 造 Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo. (Đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh 8, 1827).
Mặt Kim bảo đúc nổi 4 chữ Triện trong khung diềm: 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo. (Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân & Nguyễn Công Việt, 2009, tr.23,126-127). Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, có đoạn chép lời Dụ của vua Minh Mệnh năm 1828: “Từ trước đến nay phong tặng cho các thần kỳ cùng văn võ quan phẩm, thì đều dùng ấn 封 贈 之 寶 Phong tặng chi bảo. Nay mới đúc ấn 敕 命 之 寶 Sắc mệnh chi bảo, từ nay phàm có ban cấp cho văn võ, phong tặng cho thần dân đều cho dùng.” ( Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, 1993,tr. 34).

3. Dấu Kim bảo 封 贈 之 寶 Phong Tặng Chi Bảo
Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Kim bảo 封 贈 之 寶 Phong tặng chi bảo, LSb.35184, được đúc bằng bạc , cao 7,0cm; cạnh vuông 10,88cm x 10,88cm,  dầy 2,42cm (Ảnh 3) .Quai hình tượng rồng tư thế đang chạy, đầu ngẩng, lưng uốn, 4 chân chùng, đuôi hình dải mây. Mặt trên Kim bảo  hình vuông, 4 mặt bên vát hình thang, phía dưới hình chữ nhật. Lưng kim bảo khắc 2 dòng chữ Hán:

IMG_2165
IMG_2166

Ảnh 3: Kim bảo Phong tặng chi bảo đang lưu giữ và trưng bầy tại Bảo tàng lịch sử quốc gia.

– Bên trái: 封 贈 之 寶 重 八 笏 四 両 Phong tặng chi bảo, trọng bát hốt tứ lạng. (Ấn phong tặng chi bảo, nặng 8 thoi 4 lạng).
– Bên phải: 壬 戌 春 正月吉日監 造 Nhâm Tuất xuân , chính nguyệt cát nhật, Giám tạo. (Giám tạo vào ngày lành tháng Giêng mùa xuân năm Nhâm Tuất, 1802).
Mặt kim bảo đúc nổi 4 chữ Triện 封 贈 之 寶 Phong tặng chi bảo, kiểu chữ cùng đặc điểm 3 chiếc Kim bảo khác như Chế cáo chi bảo, Sắc chính vạn dân chi bảo, Trị lịch minh thời chi bảo.( Nguyễn Đình Chiến, 2015,tr. 35-36).
Ấn này dùng đóng trên các đạo sắc, cáo, phong tặng cho các quan văn võ, công thần hay nhân thần . Như vậy, với thông tin này cho biết, các đạo sắc phong thần của triều Nguyễn, kể từ năm 1802 đến 1827, khoảng 25 năm, đều dùng dấu triện Phong tặng chi bảo.
Theo Nguyễn Công Việt, trên đạo sắc phong thần ở đình thôn Đoài, xã Phù Xá, huyện Kim Anh, tỉnh Bắc Ninh có đóng dấu Phong tặng chi bảo ở dòng cuối Minh Mệnh nhị niên thất nguyệt nhị thập nhất nhật. Nghĩa là vào ngày 21 tháng 7 (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh,1821.(Nguyễn Công Việt, 2005,tr.309). 
Cùng với đạo sắc phong thần ở Miếu Cầu Vương, ngày 20 tháng 7, (Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh, 1821, có đóng dấu Kim bảo Phong tặng chi bảo là các minh chứng trùng khớp giữa thư tịch và thực tế (Ảnh 4).

1

Ảnh 4: Dấu Phong tặng chi bảo trên sắc phong thần Miếu Cầu Vương, ngày 21 tháng 7(Âm lịch) năm thứ 2 niên hiệu Minh Mệnh (1821).
 

Tóm lại, qua các triều vua , từ  thời Lê Sơ đến thời Nguyễn , chúng ta thấy trên các đạo sắc phong thần đã sử dụng những loại dấu triện Kim bảo như sau:
– Thời Lê Sơ (1428-1527) , năm 1435, đúc kim bảo Sắc mệnh chi bảo,cạnh mặt ấn 11,5cm x 11,5cm.
-Thời Mạc (1527-1592), sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo trên.
– Thời Lê Trung hưng (1533-1788), sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo trên.
– Thời Tây Sơn (1788-1802), đúc mới và sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo khác cùng dấu Tiên nhu chi bảo.
– Thời Nguyễn (1802-1945), từ năm 1802-1827 sử dụng dấu Phong tặng chi bảo còn từ 1828-1945, sử dụng dấu Sắc Mệnh chi bảo.
    Việc nghiên cứu các dấu triện Kim bảo này, không chỉ làm rõ về những loại dấu triện đóng trên các đạo sắc phong thần từ 1428 đến 1945 mà còn có ý nghĩa với công tác giám định sắc phong thật và giả trong tình hình hiện

TS. Nguyễn Đình Chiến 

Nguyên PGĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Đình Chiến,2015,  Giải mã minh văn trên các bảo vật triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
2.Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân & Nguyễn Công Việt, 2009, Kim ngọc bảo tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn Việt Nam.BTLSVN xb.
3.Nguyễn Công Việt, 2005, Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX. NXB KHXH Hà Nội.
Đại Việt sử ký toàn thư,1972, t. 3 ,Nxb KHXH Hà Nội.
4.Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, 1993, Nxb .Thuận Hóa, Huế.
5.Hoàng Xuân Hãn ,1952, La Sơn phu tử, Nxb Minh Tân, Paris.

https://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/ve-cac-loai-dau-trien-kim-bao-tren-sac-phong-than-1428-1945.htm


..


Thứ Năm, 06/01/2022, 21:48 (GMT+7)

Ấn “Tiên nhu chi bảo”

Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh hiện đang trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu Hán Nôm liên quan đến triều Tây Sơn. Trong số này có hiện vật sao chụp dấu ấn triện “Tiên nhu chi bảo” thời Tây Sơn - một loại ấn dùng trong sắc phong thần linh.

Chiếc ấn này có 4 chữ Hán “Tiên nhu chi bảo” được khắc theo lối triện thư. Ấn có cạnh 15,2 cm x 15,2 cm, viền ngoài đậm 2,2 cm; các dòng chữ chỉ ngày tháng sau niên hiệu đều dùng kiểu chữ khải thư. Do ấn khắc theo lối triện thư, nên một số người đã nhầm tự dạng chữ “Tiên” ra chữ “Hòa” và chép sai thành ấn “Hòa nhu chi bảo”.

 

Chữ “Tiên” trên ấn hàm nghĩa là hạt lúa dẻo thơm mới mọc, còn chữ “Nhu” nghĩa là làm mềm nhuần như mưa xuân tưới cho cây cối. 4 chữ “Tiên nhu chi bảo” muốn nói rằng các vị thần linh phù hộ cho được gió thuận mưa hòa và cây lúa mọc mầm xanh tươi tốt mới là của báu.

Theo các nhà nghiên cứu, khác so với các triều đại khác khi phong thần đều dùng ấn có bốn chữ “Sắc mệnh chi bảo”, triều Tây Sơn - từ thời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đến vua Cảnh Thịnh - Bảo Hưng - Nguyễn Quang Toản trong sắc phong thần linh đều sử dụng ấn có bốn chữ Hán “Tiên nhu chi bảo”.

Trong khi các triều đại khác phong sắc thần linh vào các dịp vua, chúa lên nối ngôi hoặc có một điềm lành, một sự kiện trọng đại trong nước thì triều Tây Sơn phong sắc thần linh liên tục từ năm Quang Trung thứ hai (1789), thứ ba (1790), thứ tư (1791), thứ năm (1792); năm đầu Cảnh Thịnh (1793), thứ hai (1794), thứ ba (1795), thứ tư (1796), thứ năm (1797), thứ sáu (1798), thứ bảy (1799), thứ tám (1800). Đến khi vua Nguyễn Quang Toản đổi niên hiệu Cảnh Thịnh thành Bảo Hưng năm đầu (1801), Bảo Hưng năm thứ hai (1802) vẫn ban sắc phong thần.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, chính sách phong sắc thần linh của triều Tây Sơn có nhiều nét độc đáo, riêng có, rất cần đào sâu nghiên cứu thêm.

BẢO MINH


https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=224464


---


BỔ SUNG



4.

 10/09/2014  10:18  1  15237
 Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ thành phố Quy Nhơn theo QL 19 về hướng tây hơn 42 km là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, quê hương của 3 anh em người anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; cũng là nơi phát sinh phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Bảo tàng Quang Trung và điện thờ Tây Sơn ở thôn Kiên Mỹ là nơi lưu giữ khá đầy đủ những di tích hiện vật có liên quan tới phong trào Tây Sơn.

Bảo tàng Quang Trung được hình thành trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.

Bảo tàng Quang Trung và Tượng đài Quang Trung.

Quần thể Bảo tàng Quang Trung – Điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều trên đất nước ta hiện nay. Quần thể bảo tàng Quang Trung gồm có các di tích :

Tây Sơn điện:

Tây Sơn Điện được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XIX để bí mật thờ ba anh em Tây Sơn. Trước đây thuộc Đình ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn - nay là khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.Làng Kiên Mỹ là quê hương thứ hai của dòng họ Nguyễn Tây Sơn ở Đàng Trong. Từ khi về đây, cụ Cụ Hồ Phi Phúc đã góp công sức cùng nhân dân địa phương tạo dựng làng Kiên Mỹ thành làng chuyên làm nghề thủ công truyền thống kết hợp làm nông và buôn bán mà đời sông nhân dân trở nên trù phú. Nghề buôn bán trầu cau ở đây rất thuận tiện, có bến trường trầu bên bờ sông Kôn - nơi tiếp nhận trầu cau từ Tây Sơn thượng đạo chuyển về. Nguyễn Nhạc sau này có thời gian nối nghiệp cha làm nghề buôn bán trầu cau nên nhân dân thường gọi là anh Hai Trầu. Ông từng giao lưu buôn bán khắp miền xuôi, miền ngược trên dòng sông Kôn. Nhờ vậy, Nguyễn Nhạc có điều kiện chiêu hiền, đãi sĩ và khởi xướng phong trào khời nghĩa nông dân ở vùng Tây Sơn thượng đạo.

Làng Kiên Mỹ cũng là nơi hội tụ các nghĩa sĩ và là căn cứ đầu tiên của phong trào nông dân ở vùng Tây Sơn hạ đạo. Dưới sự lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; đặc biệt là Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đưa phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn trở thành phong trào giải phóng dân tộc, đánh đuổi 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Sau khi nhà Tây Sơn mất, thể hiện niềm tri ân đối với người có công với nước. năm Minh Mệnh thứ 3 (1823), nhân dân địa phương đã góp công, của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn, lấy tên là đình Kiên Mỹ. Ngôi đình nằm trong khu vườn với diện tích 2.323m2 , bên cạnh còn giếng nước và cây me do cụ Hồ Phi Phúc nuôi trồng và tạo dựng nên. Ban đầu, Đình được xây dựng với kiến trúc theo kiểu nhà mái lá miền Trung, có diện tích trên 100m2, có tiền đường, hậu tẩm, chất liệu bằng gỗ, mái lợp tranh, vách đất, có trính cấu, cột lỏng đở các vì kèo đầu chạm long, phụng, cửa bàn pha, các cây cột ví von: "Hạc chợ đình, cột đình Kiên Mỹ". Sắc phong thành hoàng của triều Nguyễn không thờ ở đây mà đem thờ ở miếu Vĩnh An thuộc xóm Hưng Trung. Như vậy, đình Kiên Mỹ xưa thờ thành hoàng là danh nghĩa, còn thực chất là thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Nội thất đình được bài trí theo nghi thức đình làng ở miền Trung. Nhà tiền đường thờ Thành hoàng, nhà hậu tẩm thờ Tây Sơn tam kiệt. Đình thường tổ chức cúng kỵ vào rằm tháng 11 âm lịch, nhân tết cơm mới hàng năm để giỗ ba anh em nhà Tây Sơn.Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đình đã bị đốt cháy. Sau đó, nhân dân lập miếu nhỏ dưới góc cây me để thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Cây me cổ thụ đã đi vào tâm thức dân gian với lòng tri ân nhà Tây Sơn sâu nặng:Cây me, giếng nước, sân đìnhƠn sâu, nghĩa nặng dân mình còn ghi.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời chia cắt, nhân dân quận Bình Khê (Tây Sơn) lại góp công, của xây dựng lại ngôi đình ngay trên nền cũ, chính thức lấy tên là Tây Sơn Điện vào năm 1958. Từ đó, việc thờ cúng ba anh em nhà Tây Sơn và lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc hồi Đống Đa hàng năm được tổ chức công khai.

Điện thờ Tam kiệt trong quần thể khu di tích Bảo tàng Quang Trung.

Tây sơn Điện được kiến trúc theo kiểu chữ đinh, móng xây đá chẻ, vách xây gạch đặc, mái lợp ngói đúc bằng xi măng, diện tích trên 100m2. Điện thờ chính có 3 gian, chính giữa thờ Quang Trung Hoàng đế - Nguyễn Huệ. Bên phải thờ Thái Đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, bên trái thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ. Tả, hữu điện thờ các quan văn võ và tiên tổ dòng họ nhà Tây Sơn. Tất cả đều có án thờ và trang trí theo kiểu cung đình ở miền Trung, hai đầu hồi có giá chiêng, trống để phục vụ tế lễ. Từ điện chính có nhà dẫn dài 6m, rộng 3m, trước nhà tứ giác, hai bên có hai hàng cột tròn trang trí hoa văn rồng mây quấn quanh cột, được đính bằng mẻ chai, chén vỡ đủ màu sắc rất uy nghi. Nhà tứ giác mái công, góc mai trang trí những hoa lá mái rồng, trên chóp có hồ lô thể hiện bầu thánh cứu an dân lành, trong nhà tứ giác có tượng bán thân Hoàng đế Quang Trung bằng gốm, cao 0,6m, sơn đen đặt trên bục cao 1 m, trước nhà dẫn có nhà bia hình tứ giác, bên trong đặt một tấm bia xi măng tráng đá mài xanh, nội dung văn bia ca ngợi thân thế sự nghiệp của ba anh em Tây Sơn. Lễ giỗ ba anh em nhà Tây Sơn vào rằm tháng 11 âm lịch gọi là kỵ hiệp và ngày giỗ trận kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày mùng 5 tết. Tế lễ được tổ chức trang nghiêm và có đọc văn tế

Sau chiến thắng lịch sử 1975, tỉnh Bình Định đã xây dựng Bảo tàng Quang Trung bên cạnh khu di tích Điện thờ. Từ đó, Tây Sơn Điện được giao cho Bảo tàng Quang Trung trực tiếp quản lý. Hằng năm, Bảo tàng phối hợp cùng chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện các nghi thức cúng kỵ. Trong thời gian quản lý, Bảo tàng đã nhiều lần tu bổ Điện thờ nhưng không tránh khỏi sự xuống cấp vì Điện thờ xuống cấp không đủ điều kiện cho hàng vạn du khách về đây thăm viếng, tưởng niệm trong các ngày lễ, tết. Năm 1998, nhân dân đã quyên góp tiền của để xây dựng lại Điện thờ. Công trình được khởi công vào tháng 4/1998 và hoàn thành vào cuối năm, kịp phục vụ Lễ kỷ niệm 210 năm năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (năm Kỷ Mão 1999). Điện thờ xây dựng lại với kiến trúc cổ, khá quy mô và hoành tráng, điện tích lớn gấp 3 lần so với Điện thờ cũ. Trên nóc Điện được trang trí "Lưỡng long chầu nguyệt". Trên đầu cửa chính có dòng chữ "Tây Sơn Điện", hai bên cửa chính có câu đối viết bằng chữ Hán:

“Tây khê thảo thụ lưu huân nghiệp /Nam quốc sơn hà chấn chiến công”.

Nghĩa là: Cây cỏ ở suối Tây còn lưu lại sự nghiệp cao cả Sông núi nước Nam chấn động những chiến công.

Trước chính điện có nhà dẫn như điện thờ cũ, trước nhà dẫn có 1 tấm bia đá granite màu đỏ, ghi tóm tắt nội dung lịch sử điện thờ. Di tích giếng nước được xây nhà che hình lục giác đổ bê tông mái dan ngói vảy, cây me cổ thụ được tu bổ xây quây lại. Nội thất được trang trí theo nghi thức cũ, các án thờ được làm từ gỗ quý, chạm trổ công phu. Án tiền điện là án công đồng, thờ chung các vị trong điện và tiên tổ dòng họ nhà Tây Sơn. Án hậu điện, chính giữa thờ Quang Trung Hoàng đế - Nguyễn Huệ, phía bên thờ Thái đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, Phía bên trái thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ. Hai bên điện thờ các văn, võ tướng Tây Sơn. Khi điện thờ mới xây dựng xong chỉ bài trí các án thờ, đến 2004 được đưa vào 9 tượng thờ bằng gốm sứ dát vàng gồm tượng ba anh em nhà Tây Sơn và sáu văn võ tướng tiêu biểu là: Thượng thư bộ binh Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở, Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đại tư đồ Võ Văn Dũng. Mỗi tượng được đặt trên một bệ bê tông ốp đá granite màu đỏ cao 1m, trước tượng là án thờ. Trên án bài trí tam sơn, đèn, đài, hạc và bát nhang bằng đồng. Phía trên đầu cột là bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng, trước án thờ Quang Trung Hoàng đế - long chầu nguyệt, trước án thờ Thái đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc và án thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ trang trí họa tiết hoa lá hóa rồng.

Cổng Đài Kính Thiên, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn.

Hiện nay, ngoài ngày hiệp kỵ (giỗ) Tây Sơn (15/11 âm lịch), ngày kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa (mùng 5 tháng giêng âm lịch), còn có ngày kỵ Quang Trung Hoàng đế (29/7 âm lịch). Trong các ngày này, Bảo tàng Quang Trung cùng ban nghi lễ điện thờ long trọng tổ chức cúng kỵ theo nghi thức truyền thống. Nhân dân trong và ngoài tỉnh tập trung về dự Hội rất đông và thăm viếng điện thờ, cây me cổ thụ, giếng nước gia đình Tây Sơn như trở về cội nguồn, về nơi địa linh nhân kiệt để thắp hương tưởng niệm, tri ân những người đã có công với đất nước với dân tộc. Điện Tây Sơn dù đã trải qua bao năm tháng nhưng vẫn được nhân dân địa phương bảo tồn và phát huy giá trị nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh của mọi người. Điện Tây Sơn đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Di tích Bến sông Trường Trầu, cây me, giếng nước cổ :

Ai đến với Phú Phong, nhẹ bước trên cầu Kiên Mỹ bắc qua con sông Kôn nổi tiếng để đến với Bảo tàng Quang Trung, cũng có thể cảm nhận được linh khí núi sông của vùng đất từng sinh ra những anh hùng áo vải Tây Sơn. Không phải ngẫu nhiên Bảo tàng Quang Trung bắt đầu từ bến Trường Trầu bên dòng sông Kôn và kết thúc ở Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Càng xúc động hơn khi được đứng dưới bóng me cổ thụ từng che mát anh em Nguyễn Huệ giờ vẫn xanh um và được uống những ngụm nước ngọt mát, trong vắt, kéo lên từ cái giếng cổ của gia đình Nguyễn Huệ.Giếng nước được ghép bằng đá ong, (không xây bằng vữa hồ) là nguồn nước nuôi dưỡng ba anh em nhà Tây Sơn trưởng thành.

Giếng cổ trong khu di tích.

Cây me là nơi Nguyễn Nhạc họp bàn việc nước với các nghĩa sĩ và cũng là nơi nhân dân bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn sau những năm đình bị đốt cháy. Cây Me ở Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn được công nhận là cây Di sản Việt Nam vào ngày 28 -11- 2011. Đây là cổ thụ Bình Định đầu tiên được công nhận Cây Di sản, ngoài giá trị lâu năm, cảnh quan, cây me này có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử; được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc.

Cây me cổ thụ trong di tích.

Bảo tàng Quang Trung:

Với 11.057 tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về Nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung được coi đang sở hữu một kho tư liệu, hiện vật giàu có, phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất nhất, được yêu mến trong lịch sử dân tộc. Đây là thành quả một quá trình nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng trong mấy chục năm qua, kể từ ngày thành lập 1977. Bước chân của họ đã đi khắp đất nước, ra cả nước ngoài để tập hợp về đây tất cả những tư liệu hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và vua Quang Trung. Ta có thể gặp những báu vật như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn…Nhiều hiện vật trong số này được nhân dân Bình Định và nhiều địa phương trong cả nước lưu giữ tặng lại bảo tàng. Cũng có một số hiện vật được Đại sứ quán các nước tặng lại Bảo tàng. Tuy vậy, thật xúc động là đến thăm Bảo tàng, ta sẽ được đứng trong đúng mảnh đất từng là nơi dựng nghiệp của Triều Tây Sơn. Chúng ta được tận mắt thấy di tích bến Trường Trầu lặng lẽ giấu mình sau lùm tre bên bờ sông Kôn mênh mông cuộn nước, cái bến sông mà nhờ nghề buôn trầu lên nguồn xuống biển, Nguyễn Nhạc đã thu phục nhân tâm, tập hợp lực lượng nhân dân Kinh - Thượng, mưu nghiệp lớn.

Một không gian trưng bày của Bảo tàng Quang Trung.

Tại Bảo tàng Quang Trung còn có hai hiện vật đặc biệt ấn tượng đó là: Võ thuật và trống trận Quang Trung. Đây cũng chính là hai di sản phi vật thể lớn của Nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn là những người có vai trò rất to lớn khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, được coi là những độc chiêu của võ thuật Binh Định. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương hình thức đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu, còn truyền lại ngày nay với tên gọi trống trận Quang Trung. Do vậy, nhà biểu diễn võ, nhạc và đội biểu diễn nhạc, võ đã trở thành một phần không thể thiếu của Bảo tàng Quang Trung. Các buổi biểu diễn nhạc, võ bao giờ cũng là một final bất ngờ và kỳ thú với du khách. Tại đấy, người ta sẽ khám phá ra ở cái xứ được gọi là đất võ trời văn này, nhạc và võ chỉ là một, trong nhạc có võ, võ cũng đầy chất nhạc, những người biểu diễn quyền cước, binh khí và kèn trống kia khó phân biệt ai là nghệ sĩ còn ai là võ sĩ. Chỉ có thể gọi họ bằng một cái tên: những nghệ sĩ –võ sĩ. Những người này đã giúp ta hiểu: võ thuật ở tầm cao và chiều sâu của nó, chính là văn hóa là nghệ thuật, và nghệ thuật, văn hóa có thể và cần phải song hành.

Bà Võ Thị Thuận, nghệ sĩ biểu diễn trống trận Quang Trung sẽ làm rung động lòng người với dàn trống trận 12 chiếc tại Bảo tàng Quang Trung và nhiều nơi trong và ngoài nước. Bà là người nối nghiệp của một gia đình từng 9 đời đánh trống trận Tây Sơn.

Thăm khu nhà trưng bày hơn 11.000 tư liệu, hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế của Triều đại Tây Sơn của Bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ hiểu hơn về một thời đại lừng lẫy của Hoàng Đế Quang Trung- Nguyễn Huệ trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhiều hiện vật gốc được giữ gìn nguyên vẹn như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn… Bảo tàng Quang Trung không chỉ là một Di tích lịch sử mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn của Bình Định. Đến đây, du khách như được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công lừng lẫy của Quang Trung- Nguyễn Huệ.

Năm 2013, tỉnh Bình Định đã có quy hoạch, dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung. Dự án được xây dựng trên tổng diện tích sử dụng hơn 17 ha, chia làm 4 khu (A, B, C, D) với tổng mức đầu tư trên 211 tỷ đồng. Dự án triển khai xây dựng mới khu vực đền thờ, bao gồm điện thờ văn thần võ tướng nhà Tây Sơn; đền thờ Tây Sơn tam kiệt và thân sinh; hậu cung; khôi phục Bến Trường Trầu; nâng cấp bổ sung, phục dựng trưng bày hiện vật... Hiện nay, dự án mở rộng, nâng cấp bảo tàng Quang Trung vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện ./.

Minh Vượng



http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/16947/bao-tang-quang-trung-va-djien-tho-tay-son.html













3.



Ấn tín và chính sách phong sắc thần linh độc đáo đời Nguyễn Tây Sơn (TBHNH 1998)

Cập nhật lúc 18h46, ngày 26/09/2007

ẤN TÍN VÀ CHÍNH SÁCH PHONG SẮC THẦN LINH ĐỘC

ĐÁO CỦA ĐỜI NGUYỄN TÂY SƠN

LÊ XUÂN QUANG

Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

- Ấn dùng trong triều đình

Đầu năm 1788, Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc tự xưng Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, đổi tên thành Đồ Bàn làm Hoàng Đế thành. Khi Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân rồi ra Bắc đánh bại chúa Trịnh, Nguyễn Nhạc lo ngại khó kiềm chế Nguyễn Huệ nên vội vã lấy cớ ra tăng viện đi suốt ngày đem ra Thăng Long để dò xét tình hình. Sau khi anh em cùng về Nam, Nguyễn Nhạc xưng Trung ương Hoàng đế, phong Nguyễn Huệ làm Bắc bình vương cai quản từ đèo Hải Vân trở ra Nghệ An; phong Nguyễn Lữ làm Đông định vương cai quản đất Gia Định. Ấn tín dùng thời Thái Đức là: “Quảng vận chi bảo”.

Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung. Chiếu lên ngôi có câu: … Anh (Nguyễn Nhạc) thì lãng nghĩa chỉ mong giữ một phủ Quy Nhơn, tự giáng mình làm Tây chúa…”.

- Triều vua Quang Trung dùng ấn

“Sắc mệnh chi bảo. Đến đời Cảnh Thịnh quân Nguyễn Ánh liên tiếp tấn công ra vùng Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, vây thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc phải cho người ra Phú Xuân cầu cứu. Cảnh Thịnh cho quân vào đánh lui quân Nguyễn Ánh rồi chiếm luôn thành trì, khiến cho Nguyễn Nhạc uất ức mà chết. Năm 1801, vua Cảnh Thịnh đổi niên hiệu là Bảo Hưng lại dùng ấn: “Quảng vận chi bảo” thay ấn: “Sắc mệnh chi bảo”.

- Ấn dùng trong phong sắc thần linh

Ấn dùng trong sắc thần linh của triều Nguyễn Tây Sơn có bốn chữ “Tiên nhu chi bảo (chữ Hán)”, có học giả chép sai là: “Hòa nhu chi bảo” vì nhầm tự dạng chữ “Tiên (@) ra chữ : “Hòa (@)”.

Tiên (@) nghĩa là hạt lúa cánh dẻo thơm mới mọc; Nhu (@) nghĩa làm mềm nhuần như mưa xuân tưới cho cây cối. Ý nói các vị thần linh âm phù cho được gió thuận mưa hòa và cây lúa cánh mọc mầm xanh tươi tốt mới là của báu. Một điều đáng lưu ý là ấn các triều đại khác phong thần đều dùng ấn có bốn chữ: “Sắc mệnh chi bảo”.

- Triều Nguyễn Tây Sơn phong sắc thần linh liên tục

Các triều đại khác phong sắc thần linh vào các dịp vua, chúa lên nối ngôi, hoặc có một điềm lành, một sự kiện lớn lao trong nước. Triều Nguyễn Tây Sơn phong sắc thần linh liên tục từ năm Quang Trung thứ hai (1789), vì năm đầu mới lên ngôi còn ở Phú Xuân.

Hơn 40 năm cộng tác với Bảo tàng nhiều tỉnh tôi phát hiện được nhiều sắc phong thần đời Nguyễn Tây Sơn có niên hiệu Quang Trung thứ hai (1789), thứ ba (1790), thứ tư (1791), thứ năm (1792). Năm đầu Cảnh Thịnh (1793), thứ hai (1794), thứ ba (1795), thứ tư (1796), thứ năm (1797), thứ sáu (1798), thứ bảy (1799), thứ tám (1800). Niên hiệu Bảo Hưng năm đầu 91801), Bảo Hưng năm thứ hai (1802).

Niên hiệu Cảnh Thịnh đổi niên hiệu Bảo Hưng vào năm 1801, sau khi vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản từ thành Phú Xuân dời ra Thăng Long, để tổ chức lực lượng chống quân Nguyễn Ánh, nên lòng sắc phong thần có câu:

Quốc gia quang trạch Bắc Kinh

Tân nguyên thí lệnh (chữ Hán)

Nghĩa là:

Nay nhà nước đóng đô thành Bắc.

Thi hành lệnh mới tân nguyên.

Hiện nay tôi có thêm ba đạo sắc phong: Hai đạo ở đền Phong cốc, xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản (Nam Định); một đạo ở đền Cầu Đằng, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Ba đạo sắc phong này đều đề ngày 17 tháng 5 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Bảo Hưng thứ hai, tính sang dương lịch là ngày 17 tháng 6 năm 1802. Xin phiên âm và dịch nghĩa một trong ba đạo sắc phong thần đó (viết riêng kèm theo).

Tính từ ngày phong các đạo sắc trên đến ngày vua Bảo Hưng (Nguyễn Quang Toản) bị bắt có 35 ngày.

Chứng tỏ chính sách phong sắc thần linh của triều Nguyễn Tây Sơn khác hẳn với chính sách phong thần các triều đại khác, ngay trước nguy cơ diệt vong vẫn cố gắng củng cố uy tín trong mọi mặt chính sự, trong đó có chính sách phong sắc thần linh thật độc đáo.

1/ Niên hiệu Quang Trung thứ nhất là năm Mậu Thân (1788), thì tháng 12, vua Quang Trung hãy còn đóng quân ở Tam Điệp (Ninh Bình), đến đầu tháng giêng năm thứ hai, mới đánh đuổi được quân Thanh và bắt đầu phong sắc thần linh vào năm đó.

Khi sát nhập tỉnh Hà Nam Ninh có gần hi chục đạo sắc phong thần đời Nguyễn Tây Sơn. Qua các đợt kiểm kê văn hóa tiếp và sưu tầm đến năm 1990 lên tới:

Quang Trung nhị niên (1789): 11 (một dạo phong Mẫu Phủ Dầy chuyển vào Bảo tàng Quang Trung).

Quang Trung tam niên (1790): 7

Quang Trung tứ niên (1791): 3

Quang Trung ngũ niên (1792): 28 (một đạo chuyển Bảo tàng Quang Trung).

Cảnh Thịnh nguyên niên (1792): 12

Cảnh Thịnh nhị niên (1794): 12

Cảnh Thịnh tứ niên (1796): 42 (hai đạo chuyển Bảo tàng Quang Trung).

Cảnh Thịnh ngũ niên (1797): 1

Cảnh Thịnh lục niên (1798): 1

Cảnh Thịnh thất niên (1799): 1

Cảnh Thịnh bát niên (1800): 2

Bảo Hưng nguyên niên (1801): 2

Bảo Hưng nhị niên (1802): 2 (2 đạo chuyển Bảo tàng Quang Trung).

Tổng cộng 127 đạo

Phiên âm:

Sắc Câu Mang hoàng đế Hộ Quốc An dân, uy linh, Diệu cảm, Hoằng hưu, Hồng diệu, Quảng Khánh, Hậu trạch, Chí nhân, Cương nghị, Hùng lược, Phu khánh, Uy linh, Cảm điệu, Phổ huệ, Trạch dân, Trí dũng, Thần đoán, Diễn Khánh, Huy ứng, Tuy lộc, Tổng phúc, Khải vận, Trợ thắng, Định uy, An dân, Trợ quốc, Khắc định, Trợ uy, Cung nhân, Lệ Vũ, Khang quốc, Đinh uy, Phấn đoán, Thịnh đức, Hộ sĩ, Phong công, Vĩ tích, Hùng lược, Duệ tiết, Thông minh, Duệ trí, Hùng nghị, Cường kiện, Thùy hưu, Cao minh, Chiêu dong, Anh triết, Ôn hòa, Thịnh đức, Đại công, Hoằng hưu, Diên huống, Tập khánh Đại vương.

Âm dương hợp đức. Sơn hải trừu tinh. Liễm ngũ khánh dĩ tích dân canh tạc hựu an điềm chi chỉ. Hiệp bách linh nhi hộ quốc triệu bồi ninh xương đại chi cơ.

Trạc dương nẫm trứ anh thanh.

Bao biểu tái gia hiển tặng.

Quốc gia quang trạch Bắc Kinh tân nguyên thi lệnh. Lễ hữu đăng trật, ưng gia phong mỹ tự tam tự. Khả gia phong: Câu Mang hoàng đế, Hộ quốc, An dân, Uy linh, Diệu cảm, Hoằng hưu, Hồng diệu, Quảng khánh, Hậu trạch chí nhân, Cương nghị, Hùng lược, Phu khánh, Uy linh, Cảm diệu, Phổ huệ, Trạch dân, Trí dúng, Thần đoán, Diến khánh, Huy ứng, Tuy lộc, Tổng phúc, Khải vạn Trợ thắng, Đinh uy, An dân, Trợ quốc, Khắc địch, Trợ uy, Cung nhân, Lệ vũ, Khang quốc, Định uy, Phấn đoán, Thịnh đức, Hộ sĩ, Phong công, Vĩ tích, Hùng lược, Duệ triết, Thông minh, Duệ trí, Hùng nghị, Cường kiện, Thùy hưu, Chiêu dong, Anh triết, Ôn hòa, Thịnh đức, Đại công, Hoằng hưu, Diên huống, Tập khánh, Hậu đức, Phong công, Phổ trạch Đại vương, Cố sắc.

Bảo Hưng nhị niên, ngũ nguyệt, thập thất nhật.

Tạm dịch nghĩa:

Sắc cho Cao Mang hoàng đế, Hộ quốc, An dân, Uy linh, Diệu cảm, Hoằng hưu, Hồng diệu, Quảng khánh, Hậu trạch, Chí nhân, Cương nghị, Hùng lược, Phu khánh, Uy linh, Cảm diệu, Phổ huệ, Trạch dân, Trí dũng, Thần đoán, Diễn phúc, Huy ứng, Tuy lộc, Tổng phúc, Khải vận, Trợ thắng, Định uy, An dân, Trợ quốc, Khắc địch, Trợ uy, Cung nhân, Lệ vũ, Khang quốc, Định uy, Phấn đoán, Thịnh đức, Hộ sĩ, Phong công, Vĩ tích, Hùng lược, Duệ triết, Thông minh, Duệ trí, Hùng nghị, Cường kiện, Thùy hưu, Cao minh, Chiêu dong, Anh triết, Ôn hòa, Thịnh đức, Đại công, Hoằng hưu, Diên huống, Tập khánh Đại vương.

Âm dương hợp đức. Non nước nuôi tinh.

Góp năm phúc để cho dân cày cấy mở mang an điềm nghiệp lớn.

Họp bách linh mà giúp nước đắp vun nên vĩ đại mọi công trình.

Tiếng linh thiêng rõ tiếng đồn.

Bao biểu lại thêm hiển tặng.

Vì nay: Nhà nước đóng đô thành Bắc, thi hành lệnh mới tân nguyên. Lễ có lên bậc, nên gia phong ba chữ đẹp. Khả phong: Cao Mang hoàng đế, Hộ quốc, An dân, Uy linh, Diệu cảm, Hoằng hưu, Hồng diệu, Quảng khánh, Hậu trạch, Chí nhân, Cương nghị, Hùng lược, Phu khánh, Uy linh, Cảm diệu, Phổ huệ, Trạch dân, Trí dúng, Thần đoán, Diễn phúc, Huy ứng, Tuy lộc, Tống phúc, Khải vận, Trợ thắng, Định uy, An dân, Trợ quốc, Khắc địch, Trợ uy, Cung nhân, Lệ vũ, Khang quốc, Định uy, Phấn đoán, Thịnh đức, Hộ sĩ, Phong công, Vĩ tích, Hùng lược, Duệ triết, Thông minh, Duệ trí, Hùng nghị, Cường kiện, Thùy hưu, Cao minh, Chiêu dong, Anh triết, Ôn hòa, Thịnh đức, Đại công, Hoằng hưu, Diên huống, Tập khánh, Hậu đức, Phong công, Hậu trạch Đại vương.

Cho nên có sắc mệnh này!

Ngày 17 tháng 5 niên hiệu Bảo Hưng thứ 2 (1802).


Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.357-363)

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=736&Catid=491



2.

Phục dựng ấn triện Tây Sơn

TP - Bình Định quê hương vị anh hùng áo vải muốn phục dựng ấn thời Quang Trung như hành động trở về nguồn, tôn vinh triều đại lẫy lừng và hướng tới Nghìn năm Thăng Long Hà Nội.

Các phác vật ấn Tây Sơn qua bản dựng của Bát Tràng
Các phác vật ấn Tây Sơn qua bản dựng của Bát Tràng . Ảnh: T.Toan

UBND tỉnh Bình Định phối hợp ngân hàng BIDV sáng 5-6, tổ chức tọa đàm khoa học về sắc phong, ấn triện thời Tây Sơn và tính chuyện phục dựng. Theo thống kê năm 1998, chúng ta tìm được 18 quả chuông Tây Sơn tính từ Huế ra Bắc Giang, ấn triện còn lại không nhiều. Riêng đình Bát Tràng hiện lưu giữ ba chiếc ấn thời đại Tây Sơn.

Ấn triện thời Quang Trung không còn nhiều, dựa vào văn bản để lại có một số ấn: “Quảng vận chi bảo” trong tờ chiếu vua Quang Trung gửi tướng Nguyễn Thiếp, “Triều đường chi ấn” lưu lại trong sắc phong thần Việt Yên huyện Thanh Trì, “Tiên nhu chi bảo”, “Sắc mệnh chi bảo” trong một số văn bản, sắc phong lưu truyền đến nay.

Những loại ấn trên được gọi là Kim Ngọc bảo tỷ, loại ấn của nhà vua dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại, ấn được làm bằng ngọc gọi là ngọc tỷ, đúc bằng vàng, bạc, mạ vàng được gọi là Kim bảo tỷ. Vì vậy Kim ngọc bảo tỷ là bảo vật quốc gia tượng trưng cho đế quyền.

Nhiều ý kiến cho rằng nên phục dựng theo ấn “Sắc mệnh chi bảo”, bằng đồng, đúng với hoàn cảnh và chất liệu thời đại này. Phần đế ấn may mắn còn lưu lại trên giấy tờ không quá khó khăn trong phục dựng. Trong khi đó núm ấn là phần mơ hồ nhất.

Ông Phạm Quốc Quân giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật cho rằng, nên tham khảo mẫu núm hình rồng ở thời Nguyễn, vì có nhiều kế thừa từ thời Tây Sơn.

Ông Phạm Công Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, ấn Tây Sơn khá phong phú qua các triều: Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh và Bảo Hưng. Tuy cứ liệu ấn để lại trên văn bản có nhiều lựa chọn, nhưng nên chọn ấn triện dùng trong quốc gia đại sự.

Ông Việt cho rằng, khi phục dựng ấn cần lưu ý: chất liệu, núm ấn, triện tự, đế ấn, họa tiết hoa văn. “Quảng vận chi ấn” là mô hình đáp ứng khá chuẩn các tiêu chí đề ra. Riêng phần núm ấn nên dùng biểu tượng rồng để trang trí, có thể tham khảo mẫu rồng ở các chuông Tây Sơn để lại: chuông chùa Bảo Minh ở Bát Tràng, chùa Hà (Hà Nội), hoặc mẫu hình rồng cuối thời Lê.

Ấn “Sắc mệnh chi bảo” ở thời Nguyễn nặng khoảng 8kg, làm bằng vàng 10 tuổi, được đề xuất để nghiên cứu hướng phục dựng. Đại diện ngân hàng BIDV, nơi đứng ra lãnh trách nhiệm bảo trợ và kêu gọi kinh phí để phục dựng ấn Tây Sơn, nêu ý kiến không nên làm bằng vàng. Ấn bằng vàng khá tốn kém, nên để dành khoản tiền này cho công tác an sinh xã hội. Có thể làm ấn bằng bạc, hoặc đồng mạ vàng.

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Độ nghệ nhân Bát Tràng đem đến năm mẫu ấn triện phác thảo chất liệu bằng gốm phục vụ cho công tác nghiên cứu, phục dựng. Các mẫu này cùng với các ý kiến của các nhà khoa học, lịch sử, khảo cổ giúp thống nhất loại ấn sẽ phục dựng trong thời gian tới.

https://tienphong.vn/phuc-dung-an-trien-tay-son-post502608.tpo



1.

Về 72 đạo sắc phong đình tàm xá, đông anh, hà nội

Tàm Xá là làng cổ nằm ở bờ bắc gần ngã ba sông Hồng và sông Đuống. Do định cư trong điều kiện tự nhiên là vùng đất bãi ven sông nên dân làng Tàm Xá có truyền thống lao động cần cù, dũng cảm và thạo nghề sông nước. Cũng do nằm trong địa bàn quan trọng của cư dân Việt cổ thời dựng nước, đặc biệt gần kề với Cổ Loa – kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương, nên Tàm Xá có lịch sử tạo dựng từ rất lâu đời. Nơi đây có ngôi đình rất linh thiêng thờ 5 vị Thành hoàng là: Cao Sơn, Quý Minh, Tản Viên sơn thánh, thủy thần Long Linh và nữ thần Cẩm phu nhân công chúa. Đặc biệt, hiện nay đình còn lưu giữ được 72 đạo sắc phong, đây là những cổ vật quý giá cần được bảo tồn (1).

72 đạo sắc phong – những báu vật vô giá

Về số lượng và niên đại của sắc phong

Trải qua bao biến cố lịch sử cùng với những tác động của thiên tai, các bản sắc phong ở đình Tàm Xá còn được lưu giữ rất cẩn thận, được xem là báu vật vô giá của tiền nhân truyền lại. 72 đạo sắc phong thần của 3 triều đại phong kiến Việt Nam bắt đầu từ niên hiệu Đức Long triều Lê Trung hưng cho đến niên hiệu Khải Định triều Nguyễn, trong đó: triều Lê Trung hưng có 44 đạo sắc phong thần với niên hiệu Đức Long ban cấp 7 đạo sắc phong, niên hiệu Dương Hòa ban cấp 9 đạo sắc phong, niên hiệu Phúc Thái ban cấp 5 đạo sắc phong, niên hiệu Thịnh Đức ban cấp 6 đạo sắc phong, niên hiệu Vĩnh Thọ ban cấp 3 đạo sắc phong, niên hiệu Cảnh Trị ban cấp 3 đạo sắc phong, niên hiệu Dương Đức ban cấp 2 đạo sắc phong, niên hiệu Chính Hòa ban cấp 2 đạo sắc phong, niên hiệu Vĩnh Thịnh ban cấp 2 đạo sắc phong, niên hiệu Cảnh Hưng ban cấp 5 đạo sắc phong, triều Tây Sơn thời vua Nguyễn Huệ niên hiệu Quang Trung ngũ niên (1792) ban cấp 4 đạo sắc phong, triều Nguyễn với 24 đạo sắc phong gồm: niên hiệu Minh Mệnh ban cấp 2 đạo sắc phong, niên hiệu Thiệu Trị ban cấp 4 đạo sắc phong, niên hiệu Tự Đức ban cấp 8 đạo sắc phong, niên hiệu Đồng Khánh ban cấp 3 đạo sắc phong, niên hiệu Duy Tân ban cấp 3 đạo sắc phong và niên hiệu Khải Định ban cấp 4 đạo sắc phong, ngoài ra còn 1 sắc sao lịch triều phong tặng thập bát đạo do các triều đại phong tặng 18 đạo sắc và gia phong mỹ tự cho thần được thờ tại đình Tàm Xá.

Trong mỗi bản sắc phong tại đình Tàm Xá đều có ghi rõ niên đại chính xác đến tận ngày, tháng, năm. Niên đại của sắc phong được ghi ở cuối văn bản gồm niên đại triều vua ban sắc, tháng, ngày ban sắc, ví dụ như: Dương Hòa tam niên, tam nguyệt, nhị thập thất nhật (Ngày 27 tháng 3 năm Dương Hòa thứ ba, tức là năm 1637, dưới triều Lê Trung hưng); Quang Trung ngũ niên, tam nguyệt, nhị thập nhất nhật (Ngày 21 tháng 3 năm Quang Trung thứ 5 tức năm 1792, dưới triều vua Quang Trung nhà Tây Sơn); Tự Đức lục niên, chính nguyệt, thập nhất nhật (ngày 11 tháng giêng, năm Tự Đức thứ 6 tức năm 1853 dưới triều vua Tự Đức nhà Nguyễn). Việc ghi niên đại chính xác trên mỗi bản sắc phong là căn cứ để các thế hệ sau có thể tìm hiểu về phong cách mỹ thuật, thư thể, nghệ thuật trang trí, văn phong… của từng thời kỳ lịch sử.

 Đình Tàm Xá. Ảnh Quang Nam 

Trong tổng số 72 đạo sắc phong thần tại đình Tàm Xá hiện đang lưu giữ có 3 đạo sắc phong được cho là cổ nhất với niên hiệu Đức Long tứ niên (1632) dưới triều vua Lê Thần Tông. Ngoài ra, đình còn lưu giữ được 4 đạo sắc phong do nhà Tây Sơn ban cấp vào năm 1792. Khi triều Tây Sơn bị nhà Nguyễn lật đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, ban hành sắc lệnh thu hồi, phá hủy, tiêu hủy toàn bộ di vật liên quan đến triều Tây Sơn, bởi vậy những dấu tích và di vật của thời Tây Sơn đến nay còn rất ít, chủ yếu tập trung tại Bình Định và Phú Xuân, do đó việc lưu giữ được 4 đạo sắc phong này mang ý nghĩa và giá trị vô cùng quý giá (2).

Về chất liệu, hoa văn, họa tiết trang trí trên sắc phong

Giấy sắc là loại giấy đặc biệt, được nhà vua chuyên dùng để viết sắc phong cho các di tích đình, đền, cũng như những cá nhân, dòng họ có công với triều đình và quốc gia. Giấy sắc có nhiều khổ to nhỏ khác nhau, rộng nhất là 2m x 0,75m, nhỏ nhất là 1,30m x 0,52m, màu vàng (có màu vàng đồng và da thị). Loại giấy này quý trước hết là ở nguyên liệu dùng để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc có hình thức, màu sắc đẹp và bền, có thể tồn tại hàng trăm năm mà không hề hư hỏng; thứ hai, làm giấy sắc đòi hỏi nhiều công phu. Để làm được tờ giấy sắc đạt tiêu chuẩn, đúng với quy định đòi hỏi người sản xuất phải thực hiện một quy trình kỹ thuật cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến các công đoạn tiếp theo. Vật liệu chính để làm giấy là cây dó, nhưng phải là cây dó Thao (cây dó được trồng ở vùng Lâm Thao – Phú Thọ), vỏ dầy, nhiều ruột còn gọi là dó lụa. Các công đoạn kỹ thuật về cơ bản giống như làm các loại giấy dó khác song công phu hơn nhiều và có thêm một số công đoạn kỹ thuật mà các loại giấy khác không có. Theo bí quyết còn truyền lại ở làng Nghè, để seo một tờ giấy sắc cho hàng nhất phẩm phải có 5 người thợ cùng góp sức một lúc. Giấy để phong cho hàng phẩm cấp thấp hơn (tức là từ nhị phẩm xuống tới cửu phẩm), khổ giấy hẹp hơn, cũng phải cần tới 3 người. Trong quy trình sản xuất giấy sắc phong thì khâu tinh xảo nhất, đòi hỏi tay nghề cao là phần vẽ. Người giỏi thì vẽ chạy, còn những người thợ kém hơn thì vẽ đồ tức là căn cứ vào nét chạy mà tô kim nhũ, vàng, bạc… Hai mặt của đạo sắc với những nét vẽ có vàng, bạc tô điểm óng ánh lúc mềm mại khi bay bổng trên chất liệu đặc biệt, quả thật chỉ có ở những bậc nghệ nhân. Mặt trước vẽ rồng, mây (rồng vẽ cũng tùy theo thứ cấp phong công, phong thần mà vẽ hai hoặc ba, bốn con). Xung quanh tờ giấy viền truyền chỉ hay đóng triện tiền. Mặt sau vẽ tứ linh (long, ly, quy, phượng) với bầu rượu, cuốn thư. Chất liệu vẽ bằng vàng, bạc nguyên chất. Nguyên liệu dùng để vẽ lên mặt giấy rất quý: vàng, bạc nguyên chất và kim nhũ. Vì vậy, giấy sắc còn được gọi là giấy Kim Tiên.

Hoa văn được dùng để vẽ trên giấy sắc là các hình tượng biểu hiện cho uy quyền như: rồng, mây, lưỡng long chầu nhật, tứ linh, hà đồ, lạc thư… và mang phong cách mỹ thuật của từng triều đại khác nhau. Đi kèm với các họa tiết hoa văn là một số thư pháp như chữ lệ thời Lê, chữ chânhành thời Nguyễn. Người thợ vẽ phải thuộc từng nét hoa văn và phân bố mặt giấy sao cho đẹp, cân bằng, đúng vị trí, đường nét phải uyển chuyển, bay bổng, sinh động. Ở các sắc phong đều có hình rồng và mây uốn lượn. Các sắc phong thời Lê Trung hưng, Tây Sơn hình thức tương đối giản dị, hình dáng rồng mềm mại, thanh thoát và các đám mây nhẹ nhàng, xen kẽ. Sắc phong thời Nguyễn có hình rồng uốn lượn, khỏe khoắn, sắc nét, rõ ràng, có nhiều đám mây xung quanh. Hình rồng và mây được in màu nhũ nổi trên nền giấy màu vàng thẫm. Như vậy, giấy sắc là sản phẩm kết tinh của thành tựu kỹ thuật cổ truyền, phương pháp thủ công tinh xảo và óc thẩm mỹ, sáng tạo của nghệ nhân thời xưa (3).

Về kích thước và chữ viết của sắc phong

Kích thước của các sắc phong có sự khác nhau, ngay cả ở những sắc phong có cùng niên đại. Nhìn chung, kích thước của các sắc phong thời Lê Trung hưng tương đối ổn định, chênh lệch ít, chiều dài của sắc phong dài nhất là 134cm, chiều dài của sắc phong nhỏ nhất là 133cm và chiều rộng của sắc phong rộng nhất là 51cm, chiều rộng của sắc phong nhỏ nhất là 43,5cm. Kích thước sắc phong của thời Nguyễn có sự chênh lệch nhau khá rõ, sắc phong có độ dài nhất là 134cm, chiều dài của sắc phong nhỏ nhất là 114cm, chiều rộng của sắc phong lớn nhất là 52cm, chiều rộng của sắc phong nhỏ nhất là 49cm. Còn kích thước cỡ chữ của sắc phong cũng có sự khác nhau rất rõ, sắc phong có chữ có kích thước dài nhất là 108cm, hẹp nhất là 69cm, phần chữ của sắc phong có chiều rộng nhất là 45cm, hẹp nhất là 39cm. Điều này phụ thuộc vào số lượng chữ trên sắc phong, nếu số lượng chữ nhiều thì kích thước sắc phong sẽ rộng, nếu số lượng chữ ít thì kích thước sẽ hẹp hơn và khoảng cách giữa các hàng chữ trong sắc phong rộng hơn. Cụ thể là số hàng chữ trên một sắc phong nhiều nhất là có 15 hàng chữ, ít nhất là có 8 hàng chữ. Số chữ trên mỗi hàng cũng có sự khác nhau rất lớn, hàng có nhiều chữ nhất là 23 chữ, hàng có ít chữ nhất là 1 chữ. Kích thước của chữ trên sắc phong có độ lớn trung bình là 2 cm/chữ và chữ viết trên các sắc phong theo lối chữ chân phương rất đẹp, rõ ràng, dễ đọc (4).

Về mỹ tự và dấu ấn triện trong các sắc phong

Mỗi mỹ tự trong sắc phong chủ yếu là hai âm tiết. Nội dung của các mỹ tự thường là ca ngợi công đức của thần như: phổ hóa, phổ trạch, quảng vận, phù quốc, trí nhân, phù vận, khuông quốc, tích long, tế thế, trạch dân, linh quang, tứ phúc, hộ quốc, hựu dân, hậu đức, long ân, kiến mưu, khuông tịch, chí nhân, hùng tài, vĩ lược, tế thế, trạch dân, hùng uy, hào kiệt, an dân…

Thời Lê Trung hưng dùng các mỹ tự để phong cho các thần, tùy theo triều vua phong tặng tăng thêm một mỹ tự. Qua nghiên cứu 44 đạo sắc phong thời Lê Trung hưng cho thấy sắc phong sau thường nhắc lại các mỹ tự đã được phong cho thần và sắc phong sau gồm các mỹ tự đã được sắc phong trước và có thêm các mỹ tự phong thêm. Các mỹ tự trong những sắc phong giai đoạn này thường khá dài, với nội dung về ca ngợi thần có công giúp đỡ, phù trợ cho nước, bảo vệ dân, linh ứng…

Sắc phong thời Quang Trung có đặc điểm dài, nhắc lại toàn bộ các mỹ tự đã được gia phong của thời trước đó cộng với mỹ tự được gia phong thêm. Khác với thời Lê Trung hưng và nhà Tây Sơn, các sắc phong triều Nguyễn tại đình Tàm Xá có mỹ tự thường ngắn gọn hơn. Tuy nhiên, triều vua Khải Định thì không dùng mỹ tự để phong tặng cho thần, mà chỉ phong tặng thêm danh hiệu Thanh Phù trung đẳng thần, Quang Ý trung đẳng thần, Linh Toại Trung đẳng thần. Vào niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 2 (1821), ngày 21-7 ban sắc cho thần là Long Tường, Hộ Quốc, ban phong cho thần là Chiêu Cách; ban sắc phong cho thần là Quý Minh, Thiên Cương đại vương gia tặng mỹ tự Bảo Chân; niên hiệu Thiệu Trị tứ niên (1844) ngày 12-8 sắc phong cho thần là Chiêu Cách, Cảm Phu, Long Tường, Hộ Quốc… đã có công phù giúp đất nước che chở cho dân, nhiều lần hiển linh ứng nghiệm, nên đã nhiều lần ban tặng sắc phong, cho phép nơi đó thờ cúng. Đến niên hiệu Duy Tân năm thứ 1 (1907), tổ chức nghi lễ lớn, ban chiếu báu để tỏ rõ lòng ân xuống muôn vùng, nghi lễ tổ chức long trọng, ưu ái cho phép nơi đó được thờ phụng như xưa, cứ đến ngày lễ lớn của quốc gia mà mở mang việc thờ cúng để ghi vào sổ sách.

Bên cạnh đó, ở cuối các sắc phong thời Lê Trung hưng và nhà Tây Sơn đều có hai chữ Cố sắc (tức là vì thế nên ban sắc) còn đến triều Nguyễn bắt đầu từ triều vua Thiệu Trị cho đến triều vua Khải Định hai chữ ở cuối các sắc phong là Khâm tai (tức là kính cẩn hay có nghĩa là hãy vâng theo mệnh này).

Về chữ trong các con dấu đều được khắc theo lối chữ triện. Thời Lê Trung hưng chủ yếu khắc bốn chữ Sắc mệnh chi bảo. Thời Tây Sơn dấu triện được đúc mới, niên hiệu Quang Trung ngũ niên sử dụng kim bảo Sắc mệnh chi bảo và Tiên nhu chi bảo. Theo nhiều nhà nghiên cứu, dấu triện Tiên nhu chi bảo chỉ dùng dưới thời Tây Sơn ở niên hiệu Quang Trung tam niên và Quang Trung ngũ niên (1792). Đến thời Nguyễn, dấu triện thời Minh Mệnh khắc 4 chữ Phong tặng chi bảo, từ giai đoạn năm 1828-1945 thì sử dụng dấu khắc Sắc mệnh chi bảo. Tất cả các sắc phong đều dùng một loại mực màu son đỏ để đóng dấu. Vị trí dấu được đóng ở dòng ghi niên đại của sắc phong (5).

Tóm lại, những sắc phong ở đình Tàm Xá là những hiện vật giàu tính khoa học, văn hóa, lịch sử, vật thiêng liêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư Tàm Xá nói riêng và làng xã Việt Nam nói chung. Đây là những tài liệu quý lưu giữ phong tục, tập quán, tín ngưỡng thờ thần của cư dân Tàm Xá, nguồn tư liệu quan trọng góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất Tàm Xá. Nghiên cứu một cách đầy đủ và tìm hiểu sâu sắc về sắc phong để thấy được tầm quan trọng của nó với lịch sử, hiện tại và tương lai.

_____________

1, 2. Vương Thủy, Hồ sơ lý lịch cụm di tích đình, chùa Tàm Xá, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, 1992.

3, 4. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh, Hồ sơ kiểm kê di tích đình, chùa Tàm Xá, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2012.

5. Tư liệu Hán – Nôm có trong di tích đình – chùa Tàm Xá, Tài liệu lưu hành nội bộ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ MỸ LINH

https://vhnt.org.vn/ve-72-dao-sac-phong-dinh-tam-xa-dong-anh-ha-noi/

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.