Mở đầu là một bài đã đăng năm 2015 trên trang web của Học viện Tòa án, của học giả Nguyễn Lâm.
Các bài bổ sung và cập nhật sẽ dán dần ở bên dưới như mọi khi.
Tháng 2 năm 2022,
Giao Blog
---
(Kỳ 1)
Nguyễn Lâm
Khoa Thẩm phán - Học viện Tòa án
Dẫn nhập
Tôn giáo, tín ngưỡng là hình thái ý thức xã hội. Theo quan điểm của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử, tôn giáo được con người sáng tạo ngay từ buổi bình minh của nhân loại.
Sự tác động không nhỏ của tôn giáo tới đời sống xã hội chính là nhờ vào hai “hạt nhân”: niềm tin và tính thiêng. Hai yếu tố này tập trung thành sức mạnh, đi sâu vào tâm khảm của các tín đồ và chi phối một cách đáng kể lối sống, hành vi của con người, trong đó đáng chú ý là vai trò định hướng đạo đức xã hội của tôn giáo. Vì vậy, tôn giáo đã và sẽ còn tiếp tục tồn tại trong nền văn hóa, văn minh nhân loại.
Việt Nam là một đất nước đa tộc người, đa tôn giáo. Tôn giáo ở Việt Nam có tôn giáo ngoại nhập, tôn giáo nội sinh. Tôn giáo là một trong những yếu tố góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam, xây dựng chính quyền Nhà nước.
Trên phương diện quan hệ nhà nước - tôn giáo, bắt đầu từ giai đoạn lịch sử Trung đại Việt Nam, giới nghiên cứu khoa học xã hội đã chứng minh vai trò của tôn giáo trong bảo vệ nền độc lập, tự chủ và xây dựng nền văn hóa dân tộc; các chức sắc tôn giáo và nho sĩ đã tham gia tích cực vào “hộ quốc, an dân”, “tề gia - trị quốc - bình thiên hạ”; nhiều trong số họ đã trở thành biểu tượng cho cốt cách, tâm hồn và khí phách Việt Nam, như Vạn Hạnh (938 - 1025), Khuông Việt (933 - 1011), Trần Nhân Tông (1258 - 1308),...(của Phật giáo); Nguyễn Trãi (1380 - 1442), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), Phạm Khiêm Ích (1679 - 1740), Lê Quý Đôn (1726 - 1784),... ( của Nho giáo). Ngược lại, tôn giáo cũng đã từng được các triều đại Việt Nam bảo trợ để phát triển như thời Lý - Trần với Phật giáo, Thời Lê, Mạc với Nho giáo. Có thể nói, tôn giáo, thông qua hai “đại biểu” là Phật giáo và Nho giáo, đã góp một phần làm nên một đất nước Việt Nam hùng cường, tự chủ, nhân nghĩa - yêu hòa bình.
Bước sang thời kỳ lịch sử hiện đại, tôn giáo tiếp tục có những đóng góp không nhỏ cho quá trình giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; nhiều tín đồ tôn giáo đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” - tham gia vào khối đại đoàn kết toàn dân, đấu tranh với kẻ thù xâm lược để có được nền độc lập như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp không nhỏ, tôn giáo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm bất ổn định xã hội một khi niềm tin tôn giáo bị chi phối một cách thái quá. Hiện nay, vấn đề Hồi giáo, vấn đề truyền đạo trái phép và các vụ án liên quan đến tôn giáo đang đặt ra nhiều nghi ngại không chỉ cho quản lý Nhà nước mà cho toàn xã hội.
Xác định tầm quan trọng của tôn giáo trong đời sống chính trị, xã hội, coi tôn giáo như một “nguồn lực” quan trọng của quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, trên quan điểm “lịch sử cụ thể” của Chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay từ ngày đầu giành chính quyền Cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, chú ý tới vấn đề này bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Đến khoảng nửa cuối thế kỷ XX, đặc biệt là từ năm 1990 khi Nghị quyết số 24/ NQ-TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị Khóa VI về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” ban hành và đưa vào đời sống xã hội - vấn đề luật pháp về tôn giáo dần được ổn định và thể hiện tính nhất quán, nhằm phát huy những ưu điểm của tôn giáo đồng thời có hướng giải quyết những vấn đề nhạy cảm liên quan tới vấn đề này.
Như vậy, tôn giáo đã trở thành đối tượng nghiên cứu được quan tâm trong mọi thời kỳ cách mạng Việt Nam và trên nhiều phương diện, trong đó có phương diện quản lý nhà nước cũng như luật pháp về vấn đề này.
Pháp luật Việt Nam nói chung đã và đang nghiên cứu, hoàn thiện những vấn đề liên quan tới luật pháp về tôn giáo. Là một lĩnh vực chuyên thực hiện công tác tư pháp, người làm Tòa án rất cần thiết phải có sự hiểu biết một cách khái quát những vấn đề lý luận chung về tôn giáo để góp phần giải quyết các vụ việc liên quan tới tôn giáo như truyền đạo trái phép, quyền sở hữu cơ sở thờ tự và công tác xét xử cho những đối tượng là người theo tôn giáo một cách hiệu quả. Trên tinh thần đó, bài viết này sẽ hướng tới giải quyết 3 vấn đề căn bản: một là đưa ra cái nhìn tổng quan về tôn giáo và diện mạo tôn giáo ở Việt Nam; hai là chỉ ra lộ trình và một số đặc điểm căn bản của quá trình xây dựng luật pháp về tôn giáo ở nước ta từ năm 1945, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX đến nay; và ba là nêu những vấn đề đặt ra trong việc nghiên cứu liên ngành tôn giáo, luật pháp tôn giáo trong đào tạo ngành Tòa án ở nước ta hiện nay.
1. Lý luận chung về tôn giáo và quan hệ nhà nước - tôn giáo ở Việt Nam
1.1. Tôn giáo và bản chất của tôn giáo
Tôn giáo là gì và giữa tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau như thế nào? Đầu tiên, tôn giáo phải được khẳng định là một hình thái ý thức xã hội. Thuộc thượng tầng kiến trúc, tôn giáo chi phối không nhỏ đời sống tinh thần, tác động tới cả quá trình tạo ra của cải vật chất và văn minh con người. Điều này đã được chứng minh qua các dấu tích tôn giáo cổ xưa còn để lại trên các loại hình văn hóa vật thể (khảo cổ học về nhà ở, trang phục, năng mộ, v.v…) và phi vật thể.
Tôn giáo có một quá trình “di chuyển” từ các hiện tượng tín ngưỡng dân gian truyền thống, đi từ các hiện tượng đa thần, bách thần đến độc thần. Đây là một quy luật phổ quát ở cả tôn giáo giữa các nền văn minh phương Đông và phương Tây. Một câu hỏi đặt ra là: giữa tôn giáo và tín ngưỡng có những đặc điểm khác và giống nhau như thế nào?
Trước hết, như trên đã nói, bất kỳ một tôn giáo nào cũng được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa hệ thống tín ngưỡng, các triết lý dân gian truyền thống; nhiều trường hợp là sự tiếp nhận cả các tôn giáo trước đó. Tuy nhiên, sự ra đời của một tôn giáo luôn gắn với vai trò của một nhân vật “xuất chúng” trong lịch sử của một tộc người, cộng đồng cụ thể. Nói cách cụ thể hơn, tôn giáo là một dạng thức được bác học hóa, “chưng cất” từ các hiện tượng dân gian dưới một Giáo chủ có trí tuệ và những khả năng đặc biệt.
Khi nói đến tôn giáo là chúng ta nói đến sự hội đủ các yếu tố như: Giáo chủ, Giáo lý - Giáo luật cũng như hệ thống kinh sách; có hệ thống Chức sắc tôn giáo, Cơ sở thờ tự, và có Tín đồ. Điều này có thể thấy rất rõ khi nhìn vào các tôn giáo lớn trên thế giới như Ki-tô giáo (bao gồm: Công giáo, Tin lành, Anh giáo và Chính thống giáo), Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo (Tân Bà-la-môn giáo), v.v... Ở đây, Chúa Jesu Ki-tô được coi là giáo chủ của Công giáo; kinh Tân ước, Cựu ước là giáo lý - kinh sách; hệ thống nhà thờ - thánh đường là cơ sở thờ tự; Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, Phó tế là chức sắc tôn giáo cùng với các giáo dân tạo nên diện mạo của tôn giáo này. Tương tự, Đức Thích ca-Mâu-ni được coi là giáo chủ; Tam tạng kinh điển (Kinh - Luật - Luận) được coi là giáo lý - kinh sách; Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni ( Tăng - Ni: Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức; Ni trưởng, Ni sư, Sư cô) là chức sắc; Chùa, Am, Mật thất là cơ sở thờ tự - tu hành; các Phật tử là các tín đồ tạo nên diện mạo của Phật giáo. Vân vân.
Như vậy, tôn giáo là một loại hình tư tưởng - tâm linh được định hình và quy chuẩn hóa các yếu tố thờ tự và lễ nghi thông qua con người, đồng thời được bồi đắp, phát triển không ngừng theo không gian và thời gian, tạo nên một sự thống nhất trong đa dạng cho một hình thái ý thức xã hội đặc thù này[2]. Tôn giáo thể hiện rõ năng lực “cứu thế” của mình bằng hệ thống lý luận bác học, có phương pháp và có những chuẩn mực nhất định.
Khác với tôn giáo, hệ thống tín ngưỡng luôn gắn liền với các sinh hoạt văn hóa mang tính dân gian. Nói cách khác, tín ngưỡng là những loại hình văn hóa tư tưởng gắn bó chặt chẽ với văn hóa của một vùng miền, tộc người nhất định. Vì vậy, đặc điểm nổi bật của tín ngưỡng là tính chất hư cấu, phiếm thần, đa thần, đặc biệt là mọi hiện tượng chỉ dừng lại ở sự sơ khai, giản đơn. Đặc điểm này phổ biến ở hầu hết các châu lục, quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Những nghi lễ dân gian gắn liền với sinh hoạt văn hóa cộng động, lao động; các câu chuyện huyền thoại gắn liền với nhiều tục lệ địa phương đã tạo nên đời sống tín ngưỡng vô cùng phong phú và độc đáo cho nhân loại. Chính đặc điểm và sự phong phú này mà người ta đã chia các hiện tượng tín ngưỡng ra thành nhiều loại hình như: Tô-tem giáo, Shaman giáo, Linh hồn giáo, v.v... Ở Việt Nam, chúng ta thấy rất rõ các hiện tượng tôn giáo như vậy, trong đó đáng chú ý là các hiện tượng thờ Tam phủ - Tứ phủ, thờ cúng Tổ tiên, thờ Thần hoàng làng (người Việt); thờ Thần cây, Thần sông - núi; hay các hiện tượng ở các tộc người thiểu số.
Tuy nhiên, ở tôn giáo và tín ngưỡng phải có điểm chung, có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Những điểm chung căn bản, trước hết đó là tồn tại hai hạt nhân: niềm tin và tính thiêng. Đây là hai “lõi” căn bản nhất không thể thiếu trong tôn giáo và tín ngưỡng. Cụ thể, trong chúng không thể thiếu niềm tin, càng không thể thiếu cái “thiêng”. Hai yếu tố này chính là sức mạnh của tôn giáo!
Vậy, bản chất của tôn giáo (và tín ngưỡng) là gì? Chúng tôi sẽ khảo cứu quan điểm khác nhau, từ các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Max cho đến các nhà nghiên cứu xã hội học tôn giáo để bước đầu trả lời câu hỏi này.
Trước hết, theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tôn giáo (và tín ngưỡng) là hình thái ý thức xã hội, được con người ta sáng tạo trong lịch sử. Tôn giáo ra đời như sự phản ánh những bất công trong xã hội, là thứ “gây mê” có chức năng đền bù hư ảo và phản ánh một cách nhanh chóng được con người phản ánh ở các trình độ nhận thức khác nhau. Trong tác phẩm Chống Đuy-rinh, Ăng-ghen viết: “Nhưng tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc con người- của những lực lược ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”[3].
Như vậy, tôn giáo không phải “trên trời rơi xuống” mà do con người sáng tạo ngay trên mặt đất này. “Con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người”[4] như Mác và Ăngghen đã tuyên bố. Nguyên nhân sâu xa của sự xuất hiện tôn giáo bắt nguồn từ chính các mâu thuẫn xã hội. C. Mác đã nghiên cứu và đưa ra nhận định: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống lại sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần”. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân[5].
Cần phải nói thêm rằng, ngay từ giai đoạn đầu nghiên cứu xã hội, Mác và Ăngghen đã nhận thấy nguồn gốc và bản chất của tôn giáo. Trên tinh thần đó, các ông đề xuất: “chúng ta không biến những vấn đề thế tục thành thần học. Chúng ta biến những vấn đề thần học thành vấn đề thế tục”[6]. Kế thừa quan điểm duy vật lịch sử và duy vật biện chứng, đồng thời nhận thấy vai trò quan trọng của tôn giáo trong quá trình thực hiện cách mạng, Lênin cho rằng: “Mỗi người đều phải được hoàn toàn tự do không những muốn theo tôn giáo nào thì theo mà còn phải có quyền truyền bá bất kỳ tôn giáo nào hoặc thay đổi tôn giáo”[7].
Như vậy, tôn giáo được các nhà kinh điển tiêu biểu của Chủ nghĩa Mác nhìn nhận như là một sản phẩm của lịch sử, do con người sáng tạo và là quy luật tất yếu của một xã hội nhiều mâu thuẫn. Nói cách khác, tôn giáo là sự phản ánh những mâu thuẫn nội tại giữa con người với con người, giữa con người với thế giới thực tại; là sự phản ánh của những giai đoạn nhận thức chưa tìm được lối thoát. Vậy, các quan điểm, trường phái khác về tôn giáo như thế nào? Tác giả khảo sát quan điểm của một nhà xã hội học nổi tiếng người Đức - Max Weber.
Trên phương diện xã hội học tôn giáo, Max Weber cho rằng tôn giáo là “một hoạt động tập thể đặc biệt” và ông đưa ra hai khái niệm quan trọng: một là, “ngay cả khi vượt qua những lời dẫn đến dạng này hoặc dạng khác ở bên ngoài, tôn giáo có liên quan ở dưới đây, cách thức để tự suy giảm trên quả đất này”; hai là, “những hành vi mong muốn đến từ tôn giáo hoặc ma thuật là những hành vi, ít tương đối, lý tính. Một trong những đóng góp của Weber sẽ chỉ ra rằng có những dạng khác nhau của lý tính - lý tính công cụ và lý tính tinh thần và rằng ngay cả việc hợp lý hóa của tôn giáo đóng vai trò chính trong sự xuất hiện hiện đại hóa[8].
Ở đây, niềm tin tôn giáo được Max Weber nhìn nhận ở dạng nhận thức cao - lý tính, và ông cho rằng, trong quá trình “lao động tập thể” con người đã biết sử dụng đến tôn giáo như một nguồn lực để tiến đến những xã hội văn minh, hiện đại hơn. Và như thế, tôn giáo là một sản phẩm tư duy đặc biệt, là động lực của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, ông cũng rơi vào tình trạng chung khi nghiên cứu về tôn giáo khi đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy tâm và cho rằng, tôn giáo là một dạng thức của lý tính tinh thần, tin vào một “lực lượng” đặc biệt nào bên ngoài chi phối sự sáng tạo vào tự nhiên, con người.
1.2. Đặc điểm, diện mạo tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
1.2.1. Đặc điểm chung
Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, đa tôn giáo. Tôn giáo ở Việt Nam có tôn giáo ngoại nhập và tôn giáo nội sinh, bên cạnh đó là đời sống văn hóa tín ngưỡng truyền thống khá đậm đặc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ Bắc vào Nam.
Trong các tôn giáo ngoại nhập, Nhập giáo, Nho giáo và Đạo giáo là ba tôn giáo lớn được truyền và nước ta sớm nhất. Theo chính sử ghi chép, cả ba tôn giáo này đều vào nước ta từ khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ II SCN[9]. Riêng Phật giáo, theo một số nguồn tư liệu dân gian khác, nhiều khả năng Phật giáo đến Việt Nam từ khoảng thế kỷ III TCN[10]. Với những đặc điểm tương đồng (“Tam giáo đồng nguyên”: cùng gốc) nên cả Nho, Phật, Đạo giáo đều có nhiều điểm phù hợp với văn hóa Việt Nam, có những đóng góp đáng chú ý cho văn hóa và lịch sử nước nhà không chỉ ở thời Bắc thuộc mà đặc biệt kẻ từ khi nước ta độc lập tự chủ (938).
Nhiều thập kỷ qua, một số học giả cho rằng, ba tôn giáo này mặc dù là tôn giáo ngoại nhập, song đã cắm rễ và sinh tồn hàng thiên niên kỷ trên đất nước ta nên đã trở thành một phần của văn hóa truyền thống Việt Nam, tôn giáo truyền thống của dân tộc. Nói cách khác, Nho, Phật, Đạo giáo khi vào Việt Nam, trải qua quá trình “khúc xạ” giữa văn hóa tôn giáo nội tại và văn hóa truyền thống Việt đã trở thành tôn giáo truyền thống của dân tộc.
Cần phải giải thích rằng, chữ “truyền thống” ở đây không nên hiểu tương đồng với khái niệm “bản địa”, càng không nên chỉ một loại hình văn hóa được hoàn toàn sinh ra và phát triển thuần túy trên đất nước ta; mà phải hiểu “truyền thống” là một quá trình “khúc xạ”, tiếp biến - mà trải qua một thời kỳ dài, người dân sở tại chấp nhận, biến đổi, bồi đắp những yếu tố mới vào để biến cái ngoại nhập thành cái của mình, phù hợp với sinh hoạt văn hóa - xã hội của chính họ, và dần trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa của chính cộng đồng tộc người đó. Hơn nữa, Phật giáo khi vào Việt Nam, là một tôn giáo còn đang trong quá trình phát triển; nhiều lớp văn hóa Phật giáo Việt Nam đã thể hiện yếu tố bản địa ở trong nó, mà Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, hiện tượng thờ Tứ pháp, Thạch Quang Phật,... là những minh chứng sống động khẳng định tính truyền thống, lập trường tên gọi là “Phật giáo Việt Nam”.
Với Nho giáo và Đạo giáo cũng tương tự như vậy. Cũng là Nho giáo, nhưng ở Nho giáo Nguyễn Trãi khác với Nho giáo khi truyền trực tiếp từ Trung Quốc sang. Hay trong Đạo giáo, giữa Đạo giáo trong đạo Tam phủ - Tứ phủ Việt Nam khác hắn với các hiện tượng đạo giáo khi mới du nhập từ Trung Quốc vào. Vấn đề ở đây là, văn hóa phải được coi là một quá trình phát sinh, kế thừa, bồi đắp, lan tỏa và phát triển liên tục mà các lớp văn hóa bồi đắp sau chính là những nhân tố giúp cho mỗi loại hình văn hóa đó có thể sinh tồn và phát triển liên tục trong đời sống văn hóa tộc người, văn hóa vùng, văn hóa khu vực. Và như vậy, khái niệm “chủ nhân” văn hóa ở đây cũng phải được hiểu theo một hướng động như vậy.
Trở lại vấn đề chính, khác với các tôn giáo trên, khoảng nửa đầu thế kỷ XVI trở về sau, ở Việt Nam tiếp tục đón nhận hai tôn giáo đến từ phương Tây là Công giáo và Tin lành. Đây là hai tôn giáo cùng gốc (Ki-tô giáo) những có một vài đặc điểm khác biệt do sự phát triển của lịch sử và quá trình biến đổi.
Công giáo vào Việt Nam năm 1533, là một tôn giáo có những đặc điểm, tính chất và quá trình truyền giáo khác biệt so với các tôn giáo phương Đông[11]. Đây là một trong những lý do căn bản nhất khiến khi vào Việt Nam, Công giáo đã chịu không ít áp lực trong quá trình truyền đạo, nhất là vấn đề không chấp nhận để giáo dân thờ cúng tổ tiên. Tuy vậy, khoảng nửa cuối thế kỷ XX, với chính sách hội nhập văn hóa từ giáo triều Rôma (sau Công đồng Vatican II: 1962 - 1965), Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tiếp thu một cách căn bản tinh thần này và ra Thư chung 1980 với đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Và cũng từ đây, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam được đưa vào vận dụng trong các sinh hoạt tôn giáo của người Công giáo; các nghi thức tang ma, cưới hỏi, các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng được ghi nhận là có tiếp thu những tinh hoa từ truyền thống dân tộc.
Cần phải nói thêm rằng, Công giáo cũng là một tôn giáo có những đóng góp đáng chú ý cho văn hóa dân tộc. Đó là việc một số giáo sĩ dòng Tên đã tham gia phát minh ra chữ quốc ngữ hiện đại theo hệ La-tinh. Đây là một đặc điểm không thể không nói khi bàn những vấn đề chung về tôn giáo ở Việt Nam.
Cũng như Công giáo, Tin Lành gặp phải không ít trở ngại khi vào truyền giáo ở nước ta. Năm 1911, Tin Lành vào Việt Nam nhưng mới thực sự phát triển từ những thập niên cuối thế kỷ XX đến nay. Một trong những lý do căn bản khiến tôn giáo này phát triển muộn là vì, khi truyền vào Việt Nam, không những Tinh Lành phủ nhận nhiều yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc mà nhiều phần tử là chức sắc và tín đồ Tin Lành đã có hành vi phản động, đi ngược lại với lợi ít quốc gia, dân tộc. Những hiện tượng này còn biểu hiện một cách rõ nét trong các vụ việc lớn xảy ra ở Tây Nguyên (2004) với danh nghĩa là Tin Lành Đề-ga và Tây Bắc (khoảng cuối thập kỷ 90) với danh nghĩa là Tin Lành Vàng-chứ, Tin Lành Sìn-hồ, v.v... Những phần tử này chủ yếu lôi kéo những giáo dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, kích động họ chống lại chính quyền địa phương.
Như vậy, tôn giáo ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa truyền thống dân tộc. Điều đáng nói là, các tôn giáo đến Việt Nam từ sớm đã có những đóng góp không nhỏ hình thành nên diện mạo văn hóa Việt Nam phong phú và đa sắc thái. Các tôn giáo đến sau, như Công giáo, cũng đã góp phần hình thành nên chữ quốc ngữ Việt Nam, một yếu tố rất quan trọng của văn hóa hiện đại ở nước ta.
Với những đặc thù riêng, khi tổng hợp về những vấn đề chung trong tôn giáo Việt Nam, Đặng Nghiêm Vạn[12] và tập thể các tác giả Viện Nghiên cứu Tôn giáo đưa ra 7 đặc trưng của tôn giáo Việt Nam tộc đó là: Tôn giáo Việt Nam trước, sau vẫn giữ được bản sắc dân tộc; xu thế hòa nhập mà không hợp nhất, mang tính đa/phiếm thần; khó phân biệt được cái thiêng và cái tục; mang đậm tính chất dân tộc, vì dân vì nước, đặc biệt là đạo thờ Tổ tiên; vai trò phụ nữ trong đời sống tôn giáo thể hiện rõ rệt; đời sống tôn giáo vận hành theo lối tiểu nông; đời sống tôn giáo thay đổi cùng với hoàn cảnh chính trị của đất nước.
Các tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển văn hóa, xã hội. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định tôn giáo là một “nguồn lực”, và như vậy, tôn trọng tự do tôn giáo và nghiên cứu để ban hành những vấn đề liên quan để bảo vệ, định hướng cho tôn giáo phát triển gắn với lợi ích quốc gia dân tộc là một trong những vấn đề then chốt hôm nay và cả mai sau.
1.2.2. Các tôn giáo cụ thể ở Việt Nam
Như trên đã trình bày, nước ta có tôn giáo ngoại nhập và tôn giáo nội sinh. Các tôn giáo được người dân đón nhận và phát triển.
Hiện nay, nước ta có khoảng 13 tôn giáo với 38 tổ chức được Nhà nước công nhận với tư cách pháp nhân. Tại sao lại có số lượng tôn giáo và các tổ chức được công nhận với con số chênh lệch lớn như vậy? Trước hết, trên thực tế, nhiều tôn giáo, trong quá trình phát triển đã nảy sinh nhiều hệ phái khác nhau. Các hệ phái này, về bản chất là có những quy chuẩn căn bản tương tự nhau nhưng cũng có một số khía cạnh riêng mà người ta không chấp nhận ở nhau. Chính vì thế mà nhiều trong số các tôn giáo đã tách ra để hoạt động riêng lẻ với tổ chức mang những quy định riêng. Ví dụ, ở Ki-tô giáo, từ thế kỷ XI trở về sau người ta đã tách ra thành bốn tôn giáo là Công giáo, Tin lành, Anh giáo và Chính Thống giáo. Và trong một số tôn giáo này lại tiếp tục có sự phân chia tiếp. Cụ thể, ở Việt Nam hiện nay, Tin Lành có hàng chục hệ phái đã và đang hoạt động riêng như: Tin Lành Trưởng Lão, Tin Lành Ngũ tuần, Tin Lành Vàng Chứ, Tin Lành Đề-ga; Hồi giáo có Hồi giáo Ba-ni ở miền Trung, tập trung nhiều nhất ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Hồi giáo Islam ở Đông Nam bộ và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long; v.v…(Các tôn giáo và một số đặc điểm liên quan sẽ trình bày ở bảng dưới đây).
Liên quan trực tiếp tới các tôn giáo trên là các cơ sở thờ từ và chức sắc, tín đồ. Theo con số thống kê[13] nghiên cứu năm 2011, cả nước ta có khoảng 86. 740 chức sắc tôn giáo, 23. 845 cơ sở thờ tự và khoảng 25.008.972 tín đồ. Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể vấn đề này qua bảng biểu dưới đây.
Bảng 1: Thống kê số lượng tôn giáo, chức sắc, tín đồ
và các cơ sở thờ tự các tôn giáo ở Việt Nam (tính đến 2011)
TT | Tôn giáo | Chức sắc | Cơ sở thờ tự | Tín đồ |
1 | Phật giáo | 42.000 | 15.500 | 10.000.000 |
2 | Công giáo | 20.000 | 6.000 | 6.100.000 |
3 | Tin lành | 3.000 | 500 | 1.500.000 |
4 | Cao Đài | 12.722 | 1.331 | 2.471.000 |
5 | Hòa Hảo | 2.597 | 39 | 1.260.000 |
6 | Hồi giáo | 700 | 77 | 72.000 |
7 | Ba’hai |
|
| 7.000 |
8 | Tứ Ân Hiếu Nghĩa | 409 | 78 | 70.000 |
9 | Bửu Sơn Kỳ Hương |
| 19 | 15.000 |
10 | Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội | 4.800 | 206 | 1.500.000 |
11 | Phật Đương Minh Sư Đạo | 300 | 54 | 11.000 |
12 | Minh Lý Tam Đạo Tông Miếu | 72 | 4 | 1.058 |
13 | Bà La Môn | 158 | 37 | 54.000 |
14 | Các Tôn giáo khác |
|
| 2.000.000 |
| Tổng | 86.740 | 23.845 | 25.008.972 |
Nguồn: Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Những vấn đề cơ bản về Tôn giáo Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Báo cáo Tổng hợp đề tài nghiên cứu cấp Bộ (đã nghiệm thu), tr. 55.
Như vậy, tôn giáo ở Việt Nam đa dạng về loại hình và phong phú về sắc thái văn hóa. Tôn giáo ở Việt Nam tiếp thu cả yếu tố ngoại nhập nhưng tinh lọc cả những yếu tố tinh hoa trong văn hóa truyền thống, tạo cho nền văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú hơn. Với gần ¼ dân số theo tôn giáo cũng đã và đang là tín hiệu đáng mừng góp phần xây dựng một xã hội dân sự đạo đức và giàu nhân văn hơn.
1.2.3. Một số loại hình tín ngưỡng phổ biến ở Việt Nam
Cùng với các tôn giáo trên, ở Việt Nam có một hệ thống tín ngưỡng dân gian đậm đặc và phong phú. Tín ngưỡng ở Việt Nam cũng có đầy đủ các thể loại như Shaman giáo, Tôtem giáo, Linh hồn giáo,…Trong bài viết này, vì liên quan đến vấn đề luật pháp tôn giáo nên chúng tôi chỉ tập trung vào một số loại tín ngưỡng tiêu biểu là: tín ngưỡng thờ Tổ tiên, thờ Thành hoàng làng và tín ngưỡng Thờ Tam phủ - Tứ phủ.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là loại tín ngưỡng phố biến ở hầu hết các tộc người ở Việt Nam. Đây là một sinh hoạt văn hóa tâm linh mang nhiều yếu tố tích cực. Nó không chỉ nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn kêu gọi khối đại đoàn kết toàn dân, là cơ sở để bồi đắp tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước. Thờ cúng tổ tiên, vì thế, đối với người Việt nói riêng, nhiều tộc người khác ở Việt Nam nói chung, được coi là một hằng số bất biến, không có tôn giáo nào có thể thay thế, từ bỏ được[14].
Biểu hiện của thờ cúng tổ tiên phong phú trên cả không gian và thời gian: từ trong tang ma, cưới-hỏi cho đến những ngày lễ Tết truyền thống của cộng đồng. Nhưng khi nói tới tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì người ta thường nói tới những nghi lễ điển hình. Đó là những ngày giỗ tổ tiên, có thể chia làm 4 cấp độ: giỗ ông, bà, cha, mẹ ở các gia đình (gia tiên); giỗ Tổ họ ở các Từ đường của mỗi dòng họ; giỗ Tổ nghề hoặc Thần hoàng làng ở các làng; và ngày Quốc giỗ - Thờ cúng Vua Hùng ở cấp quốc gia (10/03 âm lịch).
Bên cạnh tín ngưỡng thờ tổ tiên, có một loại tín ngương phổ biến với tần xuất tổ chức lớn trong một năm, đó là tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng, hay thần hoàng làng là loại tín ngưỡng gắn với tục thờ những người có công với đất nước, có công xây dựng, mở mang làng xóm và cả những người có công truyền dạy nhân dân làm nghề; v.v…Trong tín ngưỡng thờ tổ tiên, người ta cũng xếp cả loại tín ngưỡng này vào, xét về ý nghĩa nguồn gốc và ý nghĩa thờ tổ[15]. Tuy nhiên, về bản chất, tín ngưỡng thành hoàng làng là tín ngưỡng bản địa và có những độc lập tương đối trên cả phương diện hình thức biểu hiện và sinh hoạt thờ cúng.
Cơ sở thờ thần hoàng làng trải qua hai bước di chuyển[16]. Thời kỳ đầu phần lớn các vị thần được thờ ở nghè, số ít được thờ ở các miếu. Về sau này, cùng với sự phát triển của hệ tư tưởng Nho giáo, người ta đã biến ngôi đình làng từ chỗ là nơi để các chức sắc trong thôn ngồi họp bàn chuyện của làng thành nơi có chức năng kép, trong đó có việc thờ cúng và tế lễ các vị thần hoàng làng. Đặc điểm nổi bật, hội tụ nhiều yếu tố văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của địa phương trong nghi thức thờ thần hoàng ở Việt Nam là các ngày Giỗ, ngày gắn với lý do thờ cúng vị thần này. Ngày nay,đây là nguyên nhân căn bản để tín ngưỡng này “nở rộ”, phát triển một cách mạnh mẽ với đủ sắc diện khác nhau[17].
Loạn hình tín ngưỡng phổ biến thứ ba là tín ngưỡng thờ Tam phủ - Tứ phủ, một loại hình bắt nguồn từ tục thờ Mẫu. Nó không chỉ là một trong những lễ nghi phổ biến ở các nước nông nghiệp như Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều nước châu Á khác. Riêng ở Việt Nam, thờ Mẫu đã có 3 bước di chuyển khá phức tạp nhưng đồng thời chứa đựng nhiều yếu tố độc đáo, mang đặc trưng riêng. Thời kỳ đầu là thờ Mẫu; sau đó, giai đoạn thứ hai, với sự du nhập của Đạo giáo, hiện tượng này đã nâng lên một hình thức mới đó là tín ngưỡng Tam phủ; giai đoạn thứ ba, cũng được coi là đỉnh cao của bước di chuyển trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ là thờ Mẫu trong quan hệ hỗn dung với các đấng bậc giới thần khác.
Với bước di chuyển trên đây, cơ sở thờ tự của tín Tam phủ - Tứ phủ cũng khá đa dạng. Có thể khái quát chung thành hai loại: thứ nhất là thờ Mẫu trong các am miếu chuyên biệt; và thứ hai là thờ Mẫu theo hình thức hỗn dung. Trường hợp thứ nhất phổ biến trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, người Chăm vùng Trung và Nam Trung bộ điển hình là thờ nữ thần Po Nagar trong văn hóa Chăm. Trường hợp thứ hai là thờ nữ thần, hỗn dung các vị thần khác với Mẫu trong văn hóa tín ngưỡng ở châu thổ Bắc Bộ. Tuy vậy, hình tượng Mẫu vẫn là điểm nhấn và có vị trí quan trọng trong hình thức tín ngưỡng này, đặc biệt là quan hệ các Mẫu Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Mẫu Thoải trong quan hệ tầng bậc với Mẫu Liễu Hạnh, bên cạnh đó là sự phối thờ: Tam Bảo: Chư Phật, Bồ Tát; các vị vua cha như Ngọc Hoàng Đại Đế, Bát Hải,Tam Toà Thánh Mẫu, Quan Lớn (Ngũ vị tôn Quan), Thánh Chầu (Thập nhị Chầu Bà), Thánh Hoàng (Thập vị thánh Hoàng), Thánh Cô (Thập nhị Tiên Cô), Thánh Cậu (Thập nhị Thánh Cậu), v.v...
Có thể nhận xét rằng, hệ thống tín ngưỡng ở Việt Nam mang đậm dấu ấn bản địa, có ảnh hưởng một số lớp văn hóa ngoại nhập nhưng không chiếm tỉ lệ lớn. Các loại tín ngưỡng ở Việt Nam góp phần vào quá trình tạo và bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam. Cũng như loại hình tôn giáo, tín ngưỡng cũng là đối tượng được Nhà nước quan tâm trong lịch sử.
Như vậy, với việc giới thiệu và phân tích sơ lược diện mạo tôn giáo ở Việt Nam trên đây cho thấy tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa - xã hội có mối quan hệ hữu cơ không tách rời nhau. Tôn giáo nói riêng và văn hóa nói chung là động lực thúc đẩy các yếu tố khác phát triển bền vững. Vậy, một câu hỏi đặt ra là, với tầm quan trọng như thế, quan hệ giữa tôn giáo và Nhà nước diễn ra như thế nào? Chúng tôi sẽ nêu một vài nét riêng về quan hệ này qua tiểu mục dưới đây.
1.3. Mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo ở Việt Nam
Mối quan hệ nhà nước - tôn giáo cũng như vấn đề liên quan đến luật pháp về vấn đề này đã có một quá trình lâu dài trong lịch sử Việt Nam. Có thể khẳng định, ngay từ thời Đinh - Lê - Lý - Trần và các triều đại sau, vấn đề này đã được các triểu đình quan tâm thực hiện. Trong Việt Nam Phật giáo sử lược, Nguyễn Lang nhận xét: “Thiền phái Vô Ngôn Thông có Thiền sư Ngô Chân Lưu cũng đóng góp nhiều trong lĩnh vực chính trị. Danh hiệu Khuông Việt Đại sư mà vua Đinh Tiên Hoàng ban cho ông đủ nói lên tầm quan trọng của công tác ông. Khuông Việt có nghĩa là “giúp nước Việt”[18].
Các thiền sư lỗi lạc, xuất chúng đã có công rất lớn trong phò vua, giúp nước; các danh Nho đã góp công rất lớn trong xây dựng, mở mang nền văn hóa, học vấn cho dân tộc. Có thể khái quát quan hệ nhà nước - tôn giáo qua mấy luận điểm dưới đây.
Từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, tôn giáo lần lượt là bệ đỡ tinh thần cho sự phát triển của nhà nước, quốc gia. Ở thời Lý - Trần, Phật giáo là hệ tư tưởng chính của hai vương triều này[19]. Quan hệ này bắt đầu từ việc chính nhà sư là người có công trong việc dựng vua, đồng thời là những người đứng đằng sau vua để cùng cai trị đất nước, tham gia trực tiếp vào việc triều chính, thậm chí là công tác ngoại giao. Ngược lại, chính quyền tôn trọng và bảo hộ, tạo điều kiện để tôn giáo đó, trước hết là hệ thống chức sắc phát triển. Chính sử đã ghi nhận, thời Lý - Trần, chùa chiền được xây dựng ở khắp các làng xã; nhà vua đứng ra cho xây dựng quốc tự , nhiều nhà sư được phong là quốc sư. “Hồi đầu lập quốc các Thiền sư đã mở những cuộc vận động gây ý thức quốc gia, đã sử dụng các môn học phong thủy và sấm vĩ trong các cuộc vận động ấy, đã trực tiếp thiết lập kế hoạch, thảo văn thư, tiếp ngoại giao đoàn, bàn luận về cả những vấn đề quân sự. Nhưng sau đó khi trong triều đình đã có đủ người lo các việc ấy thì họ chỉ giữ vai trò hướng dẫn tinh thần và cố vấn đạo đức… những Thiền sư có tham dự chính sự như Vạn Hạnh trong khi làm việc vẫn giữ thái độ xuất thế của mình, không muốn hòa mình trong vòng danh lợi, xong việc thì rút lui về chùa. Triết học hành động của Vạn Hạnh tiêu biểu cho thái độ chung của các Thiền sư: làm thì làm, nhưng không mắc kẹt vào công việc, không nương tựa và hữu vi. Đó là triết lý vô trụ”[20].
Những nhân vật thiền sư Vạn Hạnh, Trần Nhân Tông, và trước đó là Khuông Việt và nhiều danh tăng khác là minh chứng sống động về quan hệ này. Nếu như thời Lý - Trần là Phật giáo thì sang thời kỳ Nhà Lê, Nho giáo được độc tôn, lại là tôn giáo chủ lưu, giữ bệ đỡ tinh thần cho việc cai trị đất nước.
Sang thời kỳ hiện đại, căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, chúng ta có những quan điểm khách quan hơn, độc lập và dân chủ hơn về vấn đề này. Quan niệm cho rằng giữa chính quyền với các tôn giáo có quan hệ với nhau nhưng không phải quan hệ nội tại. Dấu ấn đầu tiên cho vấn đề này là Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Riêng vấn đề Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với Tòa thánh La Mã là vấn đề nội bộ của tôn giáo. Chính quyền không can thiệp đến” và “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hòa luôn luôn tôn trọng”[21].
Cần phải nói thêm rằng, quan hệ nhà nước - tôn giáo như vậy là để dần thích ứng, phù hợp với bối cảnh thế giới khi, ở thế kỷ XX, tồn tại những kiểu mô hình nhà nước tôn giáo khác nhau. GS. Đỗ Quang Hưng[22], tổng hợp thành bốn mô hình nhà nước tôn giáo: thứ nhất, mô hình quốc giáo, mô hình mà nhà nước thế tục vẫn dựa vào một tôn giáo chủ lưu nhưng vẫn tôn trọng các tôn giáo còn lại như Bắc Âu với Tin Lành; Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha với Công giáo,...; thứ hai, mô hình tôn giáo dân sự - cho những nước thực hiện hòa nhập các giá trị tôn giáo vào xã hội dân sự, tiêu biểu như nước Mỹ; thứ ba, mô hình đa nguyên tôn giáo, dành nhiều sự ưu tiên cho sự đa dạng của các tôn giáo cùng có vị trí pháp lý với sự mở rộng ngày càng lớn cho các tôn giáo, như các nước Đức, Bỉ, Hà Lan,…; và thứ tư, mô hình thể chế thế tục trung lập, dành cho những nước thực hiện nguyên lý thế tục triệt để, nghĩa là nhà nước không công nhận bất cứ một tôn giáo nào, các tôn giáo đều bình đẳng và thực thi nguyên lý thế tục trước nhà nước, tiêu biểu như nước Pháp.
Như vậy, nhà nước và tôn giáo có những quan hệ rất gắn bó trong lịch sử, không chỉ ở nước ta và các nước Á Đông mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tôn giáo cũng là những hình thái ý thức được lựa chọn để xây dựng mô hình nhà nước sao cho phù hợp với sự phát triển của quốc gia, dân tộc xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Sự lựa chọn Nhà nước theo mô hình quốc giáo, trung lập hay vô thần cũng không nằm ngoài hướng đi riêng của mỗi thể ch�� chính trị. Song, coi tôn giáo là đối tượng đặc biệt trên cả phương diện tư tưởng, văn hóa, chính trị - luật pháp thì đó là những quan hệ có từ rất sớm trong lịch sử loài người.
(Kỳ sau đăng tiếp)
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tài liệu gốc
1.1. Văn bản quy phạm pháp luật
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1998), Chỉ thị số 37/CT- TW ngày 02/7/1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2003), Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Trung ương Đảng về công tác tôn giáo.
3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thông tri số 136-TT-TW ngày 30/9/1981, Về chủ trương thống nhất các tổ chức Phật giáo để thành lập tổ chức chung Phật giáo cả nước.
4. Bộ Nội vụ (2013), Quyết định số 1119/ QĐ-BNV về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 10 tháng 10 năm 2013.
5. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1955), Sắc lệnh số 234/SL , ngày 14 tháng 06 năm 1955.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1977), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội
7. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960), Luật Tổ chức Tòa án, ngày 14 tháng 07 năm 1960
1.2. Sách trắng và tác phẩm kinh điển (tài liệu dịch)
8. Ban Tôn giáo chính phủ (2006), Sách trắng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội.
9. C. Mác và Ăngghen (1994), Chống Đuy-rinh, Toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
10. C. Mác và Ăngghen (1995), Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
11. Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, Tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
12. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Tài liệu nghiên cứu
13. Nguyễn Đăng Dung (2009), “Nhà nước pháp quyền là Nhà nước phòng chống sự tùy tiện”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 8, tháng 4, Hà Nội.
14. Nguyễn Thị Vân Hà (2014), Tôn giáo và luật pháp về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Tôn giáo học, Thư viện Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
15. Đỗ Quang Hưng (2008), “Lựa chọn mô hình nhà nước thế tục”, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 12, Hà Nội.
16. Đỗ Quang Hưng (2005) Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam, lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
17. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội.
18. Trần Thế Pháp (Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc Sơn dịch - 2010), “Truyện Đầm một đêm (Nhất Dạ Trạch - Tiên Dung và Chử Đồng Tử)” Lĩnh Nam Chích quái, Nxb. Trẻ và Nxb. Hồng Bàng.
19. Nguyễn Đăng Thục (1995), Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, Tập 1, 2, 3, 4, 5, 6, Nxb. Đồng Nai.
20. Trần Minh Thư (2004), Hoàn thiện pháp luật về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
21. Đặng Nghiêm Vạn(2001), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
22. Viện Ngôn ngữ học (1996) Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
[1] Bài viết rút ra từ Bài giảng dự kiến sử dụng trong chương trình đào tạo một số chức danh Tòa án - Trường Cán bộ Tòa án ( nay là Học viện Tòa án).
[2] Ki-tô giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo,...vẫn tiếp tục được phát triển và có những biến đổi nhất định.
[3] C. Mác và Ăngghen (1994), Chống Đuy-rinh, Toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tr. 437
[4] C. Mác và Ăngghen, Tlđ d, tr. 569
[5] C. Mác và Ăngghen (1995), Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tr. 570
[6] C. Mác và Ăngghen, Tlđ d, tr. 533
[7] 70. V.I. Lênin (1979), Toàn tập, tập 7, Nxb. Tiến bộ, Matxcva, Tr. 212 - 213.
[8] Dẫn theo Đỗ Quang Hưng (2011), “Phật giáo và chính trị đầu kỷ nguyên độc lập, tiếp cận từ một luận đề của Max waber”, Tạp chí Khoa học, Đại học quốc gia Hà Nội, số 27, Hà Nội, tr. 44.
[9] Xem Thêm Nguyễn Đăng Thục (1995), Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, Tập 1, 2, 3, 4, 5, 6, Nxb. Đồng Nai.
[10] Trần Thế Pháp (Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc Sơn dịch - 2010), “Truyện Đầm một đêm (Nhất Dạ Trạch – Tiên Dung và Chử Đồng Tử)” Lĩnh Nam Chích quái, Nxb. Trẻ và Nxb. Hồng Bàng.
[11] Nói đúng hơn, sau “Nghìn năm Trung cổ”, Công giáo - từ chỗ là tôn giáo có nguồn gốc Trung Á - đã trở thành một tôn giáo mang bản sắc văn hóa phương Tây.
[12] Đặng Nghiêm Vạn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2001), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T tr.357-374.
[13] Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Những vấn đề cơ bản về Tôn giáo Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Báo cáo Tổng hợp đề tài nghiên cứu cấp Bộ (đã nghiệm thu), tr. 55
[14] Kể cả Công giáo và Tin Lành đều coi “thờ kính” ông bà, cha mẹ là một trong những chuẩn mực đạo đức của tín đồ trong tôn giáo của họ, trong đó có những lễ nghi sau khi họ đã chết.
[15] Người Việt quan niệm những ông Tổ nghề - những người có công dạy nghề cho dân làng để có thể sinh kế bằng nghề đó và những người có công khai phá ra vùng đất cho làng họ là những ông “Tổ” chung của cả làng.
[16] Cần phải nhấn mạnh rằng khái niệm “thành hoàng” được mượn từ Trung Quốc khoảng cuối thời kỳ Bắc thuộc; nhưng giữa 2 khái niệm này khác nhau về bản chất: một bên là thờ thần bảo hộ thành quách, kinh thành còn một bên là thờ thần - “Tổ” làng.
[17] Theo nghiên cứu gần đây nước ta có khoảng 7965 lễ hội diễn ra trong một năm, trong đó khoảng 7039 lễ hội dân gian, mà lễ hội gắn với tục thờ thần hoàng làng chiếm số lượng chính. ( Lê Hồng Lý (2014), “Vai trò của Nhà nước đối với lễ hội dân gian hiện nay”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 06, Hà Nội, Tr. 3.)
[18] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.186.
[19] Một số nhà nghiên cứu dùng từ quốc giáo là không chính xác vì quốc giáo, trước hết, giáo lý của tôn giáo đó phải ảnh hưởng trực tiếp đến việc ban hành và thực thi luật pháp và những điều liên quan trong quản lý đất nước, chẳng hạn như một số quốc gia lấy Hồi giáo là quốc giáo thì Kinh thần của kinh Cô-ran được thể hiện rất rõ trong cả Hiến pháp của họ. Trong khi tôn giáo ở nước ta không phải như thế, nên chúng ta dùng đúng phải là tôn giáo chủ lưu.
[20] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội. tr. 188 - 189
[21] Sắc lệnh số 234/SL , Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 14 tháng 06 năm 1955
[22] GS. Đỗ Quang Hưng (2008), “Lựa chọn mô hình nhà nước thế tục”, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 12, tr 5-7
http://hocvientoaan.edu.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?p_page_id=27677461&pers_id=28346379&folder_id=&item_id=126302051&p_details=1
..
(Kỳ 2 và hết)
Nguyễn Lâm
Khoa Thẩm phán - Học viện Tòa án
2. Vấn đề căn bản trong luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay
2.1. Tóm lược quá trình xây dựng luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam
Khi bàn đến luật pháp tôn giáo và nghiên cứu quá trình thực hiện vấn đề này, tác giả sẽ tạm thời phân kỳ ra thành 5 giai đoạn chính để thấy được những cái mới, những ưu, khuyết điểm trong lộ trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo dưới sự tác động trực tiếp của bối cảnh đất nước và xã hội.
2.1.1. Giai đoạn từ 1945 - 1954
“Trước tác” văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên mở đầu cho bước đường này là Bản thảo Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong các nội dung cấp bách có hai nội dung đáng chú ý trực tiếp bàn về tôn giáo: “Vấn đề thứ ba: Tất cả các công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tín ngưỡng, dòng giống (nguyên văn giòng giống - tác giả đã sửa)”; “Vấn đề thứ sáu: Thực dân phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề thống trị; tôi đề nghị chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”[1].
Ngay trong tháng đó, thay mặt Chính phủ lâm thời, đồng chí Võ Nguyên Giáo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp tục ký Sắc lệnh số 35, ngày 20/9/1945 về việc tôn trọng và không được xâm phạm chùa, lăng tẩm của tôn giáo. Cùng năm này, Chính phủ ký tiếp 2 Sắc lệnh số 65, ngày 23- 11- 1945 về việc bảo tồn cổ di tích; và Sắc lệnh số 22, ngày 18/12/1945 ấn định những ngày Tết, ngày kỉ niệm lịch sử và tôn giáo.
Tuy nhiên, khi nói tới vấn đề xây dựng luật pháp về tôn giáo thì người ta đặc biệt chú ý đến vị trí của loại hình tư tưởng này được đề cập hay không trong Hiến pháp. Và, trong Hiến pháp năm 1946 vấn đề này đã được đặt ở vị trí xứng đáng. Ở phần Lời nói đầu và Điều 10 Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng là một trong các quyền cơ bản của công dân[2].
Như vậy, tôn giáo và vấn đề liên quan đã được Đảng và Chính phủ ta tôn trọng, quan tâm ngay từ những ngày đầu giành chính quyền. Sự quan tâm này không chỉ thông qua lời nói, khẩu hiệu mà khẳng định bằng cách văn bản quy phạm pháp luật là các Sắc lệnh và đặc biệt là trong Hiến pháp.
Sự quan tâm tới tôn giáo không ngừng được thực hiện qua các thời kỳ lịch sử. Tháng 12 năm 1946, sau hơn một năm công bố độc lập, Tổ quốc ta lại phải đương đầu với giặc ngoại xâm. Trước bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khẳng định một thực tế rằng: “chúng ta muốn hòa bình chúng ta phải nhân nhượng”, “nhưng càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng muốn cướp nước một lần nữa”. Và ở đây, Người nhấn mạnh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”[3]. Lời kêu gọi này bao hàm nhiều thông điệp, trong đó thông điệp đoàn kết, gắn kết, bất khả phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, đảng phái để cứu dân tộc chính là mục tiêu tối thượng. Cái lõi tư tưởng quan trọng của phát biểu này là “hễ là người Việt Nam” - vừa thể hiện tính nhân văn, nhân cách cao quý nhưng cũng đồng thời khẳng định khả năng thiên tài của Người trong công tác dân vận, tập hợp quần chúng và lãnh đạo đất nước. Tinh thần này được tiếp thu trong các văn kiện sau này.
Ngày 3/3/1951, Đảng Lao động Việt Nam tuyên bố: "... vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người". Từ năm 1949 đến năm 1954, Chính phủ ta liên tiếp ban hành các Sắc lệnh, Nghị định liên quan đến quyền tự do tôn giáo gắn với lợi ích dân tộc, trong đó có thể chia ra hai loại Sắc lệnh: một là ban hành cho dân chúng và hai là ban hành cảnh cáo đối với những kẻ có tư tưởng phản quốc.
Loại thứ nhất gồm có các loại như Sắc lệnh năm 1949 về thuế đất và hoa màu cho các tôn giáo; trong Sắc lệnh số 197/SL, ngày 19/12/1953 ban bố Luật cải cách ruộng đất; Nghị định số 315/TTg, ngày 04/10/1953 về chính sách đối với tôn giáo. Đặc biệt là Sắc lệnh 234/SL, ngày 14/ 06/1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành. Đây là một trong những Sắc lệnh tiến bộ nhất về vấn đề tôn giáo mà tinh thần này được đưa vào trong Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2013. Điều 1 Sắc lệnh 234 khẳng định: "Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng, quyền theo hoặc không theo bất cứ tôn giáo nào"; Điều 15 thừa nhận, “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân và luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện nó”[4].
Loại thứ hai gồm các Cương lĩnh, Sắc lệnh như: Cương lĩnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, ngày 19/02/1951 khẳng định: Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời nghiêm trị những kẻ lợi dụng tôn giáo mà phản quốc; Sắc lệnh số 133/SL, ngày 20/01/1953 về việc trừng trị các loại việt gian, phản động và xét xử những âm mưu hành động phản quốc; Sắc lệnh 133/SL, ngày 20/01/1953 quy định: “Kẻ nào vì mục đích phản quốc gây hiềm khích để phá hoại sự đoàn kết kháng chiến của các dân tộc trong nước, [...] chia rẽ nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước bạn Miên, Lào, phá hoại tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô, Trung Quốc [...] Nếu tội trạng nặng, sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến chung thân, hoặc sẽ bị tử hình”[5].
Như vậy, tôn giáo, tín ngưỡng đã trở thành đối tượng được quan tâm, nghiên cứu trên nhiều khía cạnh khác nhau, đáng chú ý là được trình bày, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, trong các luật liên quan ở Việt Nam ngay thời kỳ này.
2.1.2. Giai đoạn từ 1954 - 1975
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nước ta bị chia tách làm hai với hai vùng tập kết quân sự tạm thời, đợi tổng tuyển cử. Trong quá trình này, miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục giải quyết vấn đề thực dân liên quan. Vấn đề đáng chú ý nhất trong thời kỳ này là đạo Công giáo và làn sóng tôn giáo này di chuyển từ miền Bắc vào miền Nam theo tinh thần “Chúa đã vào Nam” của một số phần tử phản động. Trước thực tế đó, ngày 7/9/1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết Về những vấn đề cấp bách trong tình hình mới, khẳng định “chính sách tôn giáo đúng hay không là ở chỗ có đoàn kết tập hợp được giáo dân hay không. Do đó, Đảng chủ trương tín ngưỡng tự do, không can thiệp vào các hoạt động tôn giáo, không xâm phạm cơ sở vật chất như đền, chùa, nơi thờ tự,...”. Sau đó chưa đầy 20 ngày, Đảng ta ra liên tiếp hai Chỉ thị: ngày 21/9/1954, Ban Bí thư ra Chỉ thị 94-CT/TW về thi hành chính sách tôn giáo ở vùng mới giải phóng; ngày 23/8/1956, Ban Bí thư ra Chỉ thị 45/CT- TW về việc đẩy mạnh công tác vận động quần chúng đề phòng tình trạng cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam hoặc gây ra những vụ việc bất lợi.
Cần phải nhấn mạnh lại rằng, khi nhắc đến văn bản quy phạm pháp luật về tôn giáo trong giai đoạn này người ta đặc biệt chú ý tới Sắc lệnh 234/SL mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 14/6/1955. Ở đó, nội dung của nó được coi là tiến bộ nhất, phần lớn các luận điểm trong đó còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Với chín nội dung cốt lõi của Sắc lệnh đã cho người ta thấy được ở đó một sự nhìn nhận vừa nhân văn, vừa dân chủ nhưng đồng thời cũng chỉ ra được những quyền lợi, nghĩa vụ chân chính mà phía chức sắc tôn giáo và chính quyền phải thức hiện. Nó kêu gọi tinh thần yêu nước, sự trách nhiệm của toàn xã hội của mọi công dân và vì công dân, khẳng định “việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân”. Tinh thần này đã được tiếp thu tương đối đầy đủ trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ nội dung này ở phần nhận xét về đặc điểm về quá trình xây dựng luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam.
Các văn bản tiếp theo của giai đoạn này tiếp tục kế thừa những luận điểm, tinh hoa của tinh thần trên trong các lĩnh vực cụ thể mà luật pháp quy định như: Sắc luật số 101/SL/L.003, ngày 20/10/1957 về thể lệ bảo tồn cổ di tích; Thông tư số 12/TTg, ngày 12/01/1957 về một số điểm trong chính sách cụ thể khi tiến hành sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất; Thông tư số 593/TT, ngày 10/3/1957 hướng dẫn về chủ trương đối với các trường, lớp tôn giáo; Thông tư số 51/TT-DC, ngày 31/5/1958 hướng dẫn thi hành các luật và Nghị định về lập hội và hội họp đối với tôn giáo; Sắc luật số 003-SL, ngày 18/6/1957 về quyền tự do xuất bản, qui định về việc xuất bản những kinh bổn, sách báo có tính cách tôn giáo.
Nó không chỉ được lan tỏa trong các điều luật cụ thể về cuộc cải cách ruộng đất, những luật liên quan trực tiếp đến tôn giáo mà còn thể hiện một sách sâu sắc trong các Sắc luật số 004- SL, ngày 20/7/1957 của Chủ tịch nước về bầu cử Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp; Sắc lệnh số 102/SL, ngày 20/5/1957 của Chủ tịch nước về quyền lập hội, có quy định việc thành lập các hội đoàn tôn giáo; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1960; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1960; Pháp lệnh về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 1961. Đáng chú ý là Luật Tổ chức Tòa án năm 1960. Tại điều Điều 3 luật này quy định rõ: “Toà án nhân dân xét xử theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ, dân tộc, nòi giống, tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị xã hội và thành phần xã hội”[6]. Và cuối cùng là Chính sách 10 điểm được Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký ban hành ngày 1/4/1975 nêu những vấn đề nhạy bén đối với tôn giáo ở vùng mới giải phóng.
Như vậy, nhìn một cách đại thể có thể thấy, những vấn đề về luật pháp tôn giáo ở nước ta giai đoạn 1954 - 1975 có rất nhiều điểm tiến bộ và thể hiện được tinh thần nhân văn, dân chủ. Trong bối cảnh này, việc ban hành những quy định trên về tôn giáo thực sự là một bước tiến rất đáng chú ý. Phải chăng, chính những tinh thần này mà chủ nghĩa yêu nước trong các chức sắc và tín đồ tôn giáo được phát huy một cách mạnh mẽ, phong chào “cởi áo cà sa khoác chiến bào” được phát triển hơn bao giờ hết trong từng làng xã của Việt Nam?!.
2.1.3. Giai đoạn 1976 - 1985
Ngày 30 tháng 04 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thắng lợi một cách vẻ vang, kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại kéo dài hơn 100 năm. Nhiệm vụ cần kíp nhất của những năm sau đó là cả nước đứng lên khôi phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế xã hội. Và, vấn đề luật pháp tôn giáo không nằm ngoài chính sách chung của giai đoạn này và những năm sau đó.
Năm 1976, Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ IV tiếp tục tái khẳng định “tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, tôn trọng quyền theo đạo hoặc không theo đạo của mọi công dân,...”[7]. Đặc biệt, ngày 11/11/1977, Chính phủ ban hành Nghị quyết 297/NQ- CP về hoạt động tôn giáo. Nghiên cứu Nghị quyết này cho thấy nhiều nội dung của nó được kế thừa từ Sắc lệnh 234/SL, đồng thời có bổ sung một số nội dung mới[8]. Như vậy, giai đoạn này, về căn bản, tinh thần của Sắc lệnh 234 tiếp tục được phát huy trong đời sống xã hội. Các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này ở những năm tiếp theo trên tinh thần đó tiếp thu, kế thưa cho phù hợp với thực tiễn của từng lĩnh vực. Đó là Hiến pháp 1980; Luật Bầu cử Quốc hội năm 1980; Quyết định số 83/BT ngày 29/12/1981 của Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng về việc cho phép thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Nghị quyết 40-NQ/TW, “Về công tác đối với các tôn giáo trong tình hình mới”, của Ban Bí thư, ban hành ngày 01/10/1981; Thông tri số 136-TT-TW ngày 30/9/1981 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, về chủ trương thống nhất các tổ chức Phật giáo để thành lập tổ chức chung Phật giáo cả nước; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1982; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1984; Bộ luật Hình sự năm 1985; Nghị định số 151/TTG ngày 14/01/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Ban Tôn giáo Chính phủ; Nghị định số 228/TTg ngày 31/12/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành “Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh”; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986.
Trong những văn bản quy phạm pháp luật trên, đáng chú ý là Hiến pháp năm 1980 và Nghị quyết 40 của Chính phủ. Trong Hiến pháp năm 1980, vấn đề tôn giáo lại được khẳng định: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước[9]. Và ở Nghị quyết 40, được giới nghiên cứu đánh giá là dấu ấn cuối cùng trước Đổi mới về tôn giáo. Ở năm này (1981), Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời trên cơ sở thống nhất các tổ chức Phật giáo và hệ phái Phật giáo ở các địa phương.
2.1.4. Giai đoạn từ 1986 đến 2004
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI được coi là một cuộc cải cách lớn của đất nước trên nhiều phương diện. Ở vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Đại hội lần này là một sự chuẩn bị về mặt tư tưởng cho Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị ban hành năm 1990.
Có thể khẳng định, sau một thời gian dài vấn đề liên quan đến tôn giáo bị chi phối bởi vấn đề tư tưởng chung[10] thì sau Đổi mới, Nghị quyết số 24 NQ-TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khóa VI về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” là một bước ngoặt riêng cho lĩnh vực này. Nghị quyết đã khẳng định được: “Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Đây là một bước tiến rất tiến có tính chất của cuộc cách mạng trong cải cách tư tưởng về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng Đảng và Nhà nước ta, mà Bộ Chính trị là cơ quan ban dành Nghị quyết này.
Sau Nghị quyết trên là hai văn bản tiếp tục tái khẳng định đường hướng chuyển đổi tư tưởng về vấn đề này là Chỉ thị 37- CT/TW ngày 2/7/1998 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới và Nghị quyết 25-NQ/TƯ ngày 12-3-2003. Điều đáng nói là, lần đầu tiên, một văn kiện quan trọng nhưng nhạy cảm (Chỉ thị 37 năm 1998 ) được công bố công khai trên tờ báo Nhân dân. Và cũng là lần đâu tiên, một vấn tôn giáo được Ban Chấp hành Trung ương đưa ra bàn bạc, góp ý xây dựng (Nghị quyết 25 năm 2003) trước khi Bộ Chính trị công bố ban hành. Ngoài ra, trong thời gian này, Đảng và Nhà nước ta còn ban hành các công văn khác, như Nghị định số 26/1999/NĐ-CP Về các hoạt động tôn giáo (ngày 19 tháng 4 năm 1999). Đặc biệt ở giai đoạn này có nổi lên một văn bản quy phạm pháp luật được coi là “chìa khóa” để tạo cơ sở lý luận và thực tiễn trong xây dựng luật pháp về tôn giáo ở nước ta hiện nay và sau này, đó là Pháp lệnh về Tín ngưỡng, Tôn giáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18 tháng 06 năm 2004. Vai trò và những đóng góp của Pháp lệnh này chúng tôi sẽ bàn cụ thể hơn ở phần sau.
2.1.5. Giai đoạn từ 2005 đến nay
Nhìn chung, sau những văn bản có tính bước ngoặt, chứa đựng nhiều thông điệp, tính mới về luật pháp tôn giáo ở Việt Nam thì ở giai đoạn này, phần lớn các văn bản liên quan đều là sự kế thừa và đưa ra hướng dẫn thực hiện một cách cụ thể các tinh thần đó. Đó là Nghị định số 22/NĐ-CP, ngày 01/3/2005, Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005, Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020[11]; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 về một số công tác đối với đạo Tin Lành; Chỉ thị số 1940/2008 CT-TTg, ngày 31/12/2008, về nhà, đất liên quan đến tôn giáo; Nghị định số 92/2012 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định 22/2005 có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
Như vậy, từ sau Đổi mới đến nay, đặc biệt là từ Nghị quyết số 24, vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng được nhìn nhận với tư cách là một phần thiết yếu trong đời sống xã hội và được Bộ Chính trị khẳng định, còn phù hợp trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với lộ trình xây dựng, đổi mới những vấn đề liên quan đến luật pháp về tôn giáo, mặc dù cho đến nay chúng ta chưa có một bộ luật chính thức nào về vấn đề này song có thể khẳng định, quyền tự do, tín ngưỡng và sự tôn trọng vấn đề này luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong suốt sự nghiệp cách mạng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để trong tương lai không xa, Nhà nước ban hành luật tôn giáo, tín ngưỡng và đưa những quy định này vào đời sống để đáp ứng yêu cầu của xã hội trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính, luật pháp hướng đến hoàn thiện mô hình nhà nước pháp quyền theo hướng hiện đại.
2.2. Những đóng góp đáng chú ý trong quá trình xây dựng luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay
Ở tiểu mục này, chúng tôi đề cập tới những văn bản quy phạm pháp luật được coi là có tính bước ngoặt về vấn đề luật pháp tôn giáo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện luật về vấn đề này.
Văn bản đầu tiên là Sắc lệnh 234 ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành. Đây là một đóng góp tương đối toàn diện trong quá trình xây dựng luật pháp tôn giáo ở Việt Nam. Chúng ta có thể suy xét tinh thần của Sắc lệnh này trong nội dung cụ thể: thứ nhất, Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào; thứ hai, các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ sở tôn giáo (như: nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý,...); Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của Nhà nước; thứ ba, các nhà tu hành và tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi của người công dân và làm nghĩa vụ công dân; Các nhà tu hành ngoại quốc mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép, thì được giảng đạo như các nhà tu hành Việt Nam và phải chấp hành pháp luật của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như các ngoại kiều khác; thứ tư, các tôn giáo được xuất bản, phát hành những kinh bổn, sách báo có tính chất tôn giáo, nhưng phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về xuất bản; thứ năm, các tôn giáo được mở trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo; các nhà thờ, đền, chùa, miếu, thánh thất và các đồ thờ tự, các trường giáo lý của tôn giáo được tôn trọng và bảo hộ, không ai được xâm phạm đến; thứ sáu, các tổ chức của các tôn giáo có tính chất kinh tế, văn hóa, xã hội đều được hoạt động sau khi đã xin phép chính quyền và được chính quyền chuẩn y chương trình, điều lệ. Những tổ chức ấy đều coi như những tổ chức của tư nhân và được pháp luật bảo hộ; thứ bảy, các tôn giáo được mở trường tư thục. Các trường đó phải dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ, có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn học; thứ tám, đối với ruộng đất của tôn giáo: trong cải cách ruộng đất, khi Chính phủ trưng thu hoặc trưng mua ruộng đất của các tôn giáo để chia cho nông dân thì sẽ để lại cho nhà thờ, nhà chùa, thánh thất một số ruộng đất đủ cho việc thờ cúng và những nhà tu hành có đủ điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo. Số ruộng đất ấy là bao nhiêu sẽ do nông dân địa phương (nơi có nhà chùa, nhà thờ, thánh thất) bình nghị và do chính quyền cấp tỉnh chuẩn y; thứ chín, về quan hệ giữa chính quyền với các tôn giáo: “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Riêng vấn đề Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với Tòa thánh La Mã là vấn đề nội bộ của tôn giáo. Chính quyền không can thiệp đến” và “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hòa luôn luôn tôn trọng”[12].
Như vậy, với chín quy định đưa ra, chúng ta có thể thấy nổi bật những vấn đề sau:
Một là, vấn đề tự do tôn giáo không chỉ được thể hiện ở chỗ cho phép người dân được quyền theo hay không theo tôn giáo mà họ muốn mà còn thể hiện ở cả quy định cấm những hành vi ngăn cản đến các quyền ấy.
Hai là, giữa bối cảnh đất nước có nhiều diễn biến phức tạm như vậy, nhưng chính sách của ta vẫn tạo điều kiện cho phép chức sắc và tín đồ được tự do truyền đạo, giảng đạo; chính quyền không tham gia vào các vấn đề nội bộ của tôn giáo, trong đó có cả những quan hệ phức tạp như các quan hệ quốc tế về tôn giáo, cụ thể là trường hợp Công giáo Việt Nam với Giáo triều Rô-ma. Điều này thể hiện một tầm nhìn sâu rộng, tính nhân văn sâu sắc. Tinh thàn này là một trong những biểu hiện tích cực của một nhà nước pháp quyền. Thật vậy, Nguyễn Đăng Dung cho rằng: “Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức và vận hành xã hội trên cơ sở các quyền. Các quyền này được phân định và tổ chức sao cho sự lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của người dân được bảo vệ”[13].
Ba là, các tôn giáo được tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Điều này là một bước tiến rất đáng chú ý, nó còn nguyên giá tri cho đến ngay nay.
Bốn là, vấn đề hoạt động kinh tế, văn hóa của tôn giáo được pháp luật bảo hộ; việc xây dựng các cơ sở thờ tự và việc tạo cơ sở ruộng đất để lao động sản xuất được Nhà nước tạo điều kiện theo luật định.
Tiếp đến là Nghị quyết 24 (1990) của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo. Ở đây có thể khẳng định Nghị quyết là một bước chuyển biến lớn về tư tưởng. Nếu như trước, vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng dù có được đề cập, song chủ yếu mang dấu ấn cá nhân, phần lờn đều tiếp cận dưới cái nhìn “diễn biến hòa bình”, quan tâm đến tôn giáo cũng bao hàm trong đó vấn đề “phòng chống”; thì, việc đưa ra Nghị quyết 24 là một dấu ấn đáng chú ý, góp phần quan trọng vào quá trình cải cách nhận thức, trong đó có luật pháp về vấn đề này, tạo cơ sở “hành lang pháp lý” ban đầu để chúng ta thực hiện các luật khác liên quan đến quyền tự do tôn giáo của người dân, đưa tôn giáo, tín ngưỡng thực sự trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân. Đây cũng là quan điểm đúng đắn về “tính lịch sử cụ thể” theo chủ nghĩa Mác- Lênin.
Nội dung cụ thể của Nghị quyết này có những luận điểm rất đáng chú ý, đó là: 1) Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới; 2) Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; 3) Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài.
Như vậy, nếu như trước đây, vấn đề tôn giáo thường được bàn luận trên tinh thần của cái nhìn “duy vật” thì đến Nghị quyết 24, vấn đề này đã được nhìn trên quan điểm “lịch sử cụ thể” và khẳng định đó là một nhu cầu tinh thần của con người, trong đó, vấn đề cốt lõi là đạo đức tôn giáo được nhìn nhận là nhiều điểm phù hợp trong công cuộc xây dựng xã hội mới.
Sau nữa là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2004. Nếu như trong các Hiến pháp trước đó, vấn đề tự do tôn giáo và những vấn đề liên quan chỉ được đề cập một cách sơ lược và chung chung thì đến văn bản “gần” luật này đã quy định một cách cụ thể và rất chi tiết về những vấn đề quyền tự do, quyền được bảo hộ và các quyền khác về tín ngưỡn, tôn giáo. Với 6 Chương, 41 Điều, Pháp lệnh Tín ngưỡng đã đưa ra một cách nhìn toàn cảnh về những quy định đối với tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động liên quan. Nội dung căn bản của Pháp lệnh này, ngoài Chương quy định chung và Điều khoản thi hành, Pháp lệnh quy định cụ thể, chi tiết các vấn đề như: Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ và người tu hành, chức sắc (Chương 2); Tổ chức Tôn giáo và hoạt động của các tổ chức này (Chương 3); Vấn đề tài sản thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động xã hội của tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc; và Chương 5 đề cập trực tiếp đến vấn đề quan hệ quốc tế của tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc.
Điều đáng chú ý ở đây là, Pháp lệnh không chỉ thể hiện tinh thần dân tộc, mà còn khẳng định tinh thần cởi mở để hội nhập quốc tế. Hai vấn đề này được thể hiện nay ở tiêu đề Pháp lệnh. Ở đây, do vấn đề tín ngưỡng gắn chặt với vấn đề dân tộc và bản sắc dân tộc nên vị trí của nó đã được nhấn mạnh ngay ở vị trí đầu tiên so với hầu hết các văn bản trước đây. Thứ hai là, nhận thức được tầm quan trọng của tôn giáo trong bối cảnh mới, vấn đề hội nhập quốc tế được quy định một cách chi tiết ở Chương 5. Đây là cơ hội để các tín đồ, chức sắc tôn giáo có điều kiện được nghiên cứu, học tập và giao lưu quốc tế, nâng cao trình độ, nhận thức về tôn giáo mình trước tình hình mới của đất nước.
Để đưa Pháp lệnh đi vào đời sống, ngày 01/3/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/NĐ-CP, ngày 01/3/2005, Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là hai văn bản điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tôn giáo và được coi là những văn bản thông thoáng, cởi mở, toàn diện nhất từ trước tới thời điểm đó.
3. Những vấn đề đặt ra
Tôn giáo (và cả tín ngưỡng) luôn có vai trò và vị trí nhất định trong đời sống văn hóa, xã hội của con người từ rất xa xưa cho đến ngày hôm nay. Các tôn giáo (kể cả Hồi giáo) đều hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Chính vì vậy, thông qua hai “hạt nhân” là niềm tin và tính thiêng, các tôn giáo đã góp phần quan trọng xây dựng đạo đức xã hội tốt đẹp hơn, văn minh và nhân nghĩa hơn.
Tuy vậy, tôn giáo cũng là điểm đến của những âm mưu chính trị, thù địch và gây chia rẽ dân tộc. Những phần tử cực đoan hay các lý thuyết của chủ nghĩa thực dân đã và sẽ lợi dụng thế mạnh của hạt nhân tôn giáo để “gieo” vào đầu họ những mầm mống của sự mất trật tự xã hội, thậm chí là của sự hủy diệt - như một tộc người, một tôn giáo mà lịch sử đã trải qua.
Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia hiện đại đều quan tâm tới vấn đề tôn giáo trên cả phương diện chuẩn mực đạo đức và nguy cơ mà tôn giáo có thể đem lại. Đó chính là nguyên nhân mà các chính sách, luật pháp dành cho tôn giáo được chú trọng. Việt Nam là một quốc gia không nằm ngoài ảnh hưởng chung đó. Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, tôn giáo đã luôn được Đảng và Chính phủ ta quan tâm. Các Sắc lệnh, Chỉ thị được ban hành không chỉ nêu cao tinh thần đoàn kết, tôn vinh đạo đức tôn giáo mà còn chỉ ra sự cần thiết phải chú ý tới các phần tử xấu lợi dụng tôn giáo vào quá trình diễn biến hòa bình, phá hoại thành quả cách mạng của đất nước ta. Thực tế đã cho thấy, từ sau năm 1954 - 1975, Công giáo và Tin lành là những tôn giáo, thực chất, đã bị chính trị lợi dụng, đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Trong khi cả nước đứng lên vì nền độc lập dân tộc, hầu hết các Phật tử đều “cởi áo cà sa khoác chiến bào” thì một số giáo dân Công giáo[14] đã bị lợi dụng, phản cách mạng.
Luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam, vì thế, đã luôn thể hiện vai trò cần thiết trước yêu cầu của cách mạng giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa nhiều thập kỷ qua. Pháp lệnh Tôn giáo, tín ngưỡng, những Sắc lệnh, Chỉ thị,…có liên quan đến tôn giáo đã định hướng cho đồng bào, giáo dân, Phật tử đi theo chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn của Nhà nước. Thời gian qua, nhiều chùa chiền, nhà thờ của tôn giáo được xây tu bổ và xây dựng mới; nhiều chức sắc tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện hành đạo đã chứng tỏ chính sách tôn giáo của Nhà nước ta là nhất quán trong việc tạo điều kiện để các tôn giáo được phát triển cũng như tôn vinh những giá trị cao đẹp của tôn giáo, đưa tinh thần ấy vào xây dựng đời sống xã hội.
Để bắt nhịp với nhu cầu mới của đất nước trong bối cảnh chung của quốc tế hiện nay, người làm công tác luật pháp nói chung, cán bộ thực hiện nhiệm vụ xét xử nói riêng cần phải hiểu bản chất và những vấn đề cốt lõi của tôn giáo và những mặt trái của đời sống tôn giáo có thể đem lại đối với công tác trật tự xã hội. Nhiều năm qua, ngành Tòa án nước ta đã phải đụng chạm đến những vụ án liên quan đến truyền đạo trái phép; các cuộc diễn biến hòa bình ở Tây Bắc, Tây Nguyên, điển hình là giải quyết vấn đề Tin Lành Đề-ga, Tin Lành Vàng Chứ, Thìn Hồ, v.v…đã cho thấy sự cần thiết của kiến thức về tôn giáo và luật pháp và về tôn giáo là cần thiết đối với hoạt động xét xử. Liên tiếp các vấn đề phức tạp liên quan đến sự phát triển của tôn giáo gắn với đời sống chính trị, an ninh quốc gia, gần đây những vụ việc liên quan đến tài sản đất đai, cơ sở thờ tự của các tôn giáo (như số 42 Nhà Chung, Thái Hà, Quảng Ngãi, …); những vấn đề hôn nhân gia đình, thừa kế tài sản liên quan đến tôn giáo,…không ngừng được đề cập - cũng là những vấn đề không nhỏ cần phải có hiểu biết nhất định để giải quyết trong quá trình xét xử các vụ việc liên quan.
Đáng chú ý là, trên tinh thần chung của Bộ Chính trị tại Thông báo số 116-TB/TW về việc kết luận cho phép đào tạo bậc đại học chuyên ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành Tòa án nhân dân (và ngành Kiểm sát nhân dân), ngày 30 tháng 07 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1191/2015/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án, là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Đây là một bước ngoặt quan trọng không chỉ đối với Học viện Tòa án mà còn đối với cả hệ thống ngành Tòa án nước nhà trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Và, trong quá trình đào tạo các chức danh Tòa án từ hệ bồi dưỡng đến hệ đào tạo đại học và sau đại học, vấn đề tôn giáo và luật pháp tôn giáo rất cần được đưa vào giảng dạy trong chương trình này để từng bước đào tạo ra lớp cán bộ ngành Tòa án không chỉ có khả năng xử lý tốt các tình huống với trường hợp là người theo tôn giáo và các vấn đề nhạy cảm thuộc tôn giáo trong quá trình xét xử mà còn có khả năng xây dựng và hoàn thiện một bộ luật về vấn đề tôn giáo để chúng ta có căn cứ ứng xử, giải quyết tốt các vấn đề liên quan. Luật pháp tôn giáo và những vấn đề liên quan được trình bày trong bài viết này nhằm vào giải quyết vấn đề như vậy./.
Hà Nội, tháng 10 năm 2015
N.L
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tài liệu gốc
1.1. Văn bản quy phạm pháp luật
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1998), Chỉ thị số 37/CT- TW ngày 02/7/1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2003), Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Trung ương Đảng về công tác tôn giáo.
3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thông tri số 136-TT-TW ngày 30/9/1981, Về chủ trương thống nhất các tổ chức Phật giáo để thành lập tổ chức chung Phật giáo cả nước.
4. Bộ Nội vụ (2013), Quyết định số 1119/ QĐ-BNV về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 10 tháng 10 năm 2013.
5. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1955), Sắc lệnh số 234/SL , ngày 14 tháng 06 năm 1955.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1977), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội
7. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960), Luật Tổ chức Tòa án, ngày 14 tháng 07 năm 1960
1.2. Sách trắng và tác phẩm kinh điển (tài liệu dịch)
8. Ban Tôn giáo chính phủ (2006), Sách trắng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội.
9. C. Mác và Ăngghen (1994), Chống Đuy-rinh, Toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
10. C. Mác và Ăngghen (1995), Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
11. Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, Tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
12. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Tài liệu nghiên cứu
13. Nguyễn Đăng Dung (2009), “Nhà nước pháp quyền là Nhà nước phòng chống sự tùy tiện”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 8, tháng 4, Hà Nội.
14. Nguyễn Thị Vân Hà (2014), Tôn giáo và luật pháp về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Tôn giáo học, Thư viện Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
15. Đỗ Quang Hưng (2008), “Lựa chọn mô hình nhà nước thế tục”, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 12, Hà Nội.
16. Đỗ Quang Hưng (2005) Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam, lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
17. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội.
18. Trần Thế Pháp (Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc Sơn dịch - 2010), “Truyện Đầm một đêm (Nhất Dạ Trạch - Tiên Dung và Chử Đồng Tử)” Lĩnh Nam Chích quái, Nxb. Trẻ và Nxb. Hồng Bàng.
19. Nguyễn Đăng Thục (1995), Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, Tập 1, 2, 3, 4, 5, 6, Nxb. Đồng Nai.
20. Trần Minh Thư (2004), Hoàn thiện pháp luật về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
21. Đặng Nghiêm Vạn(2001), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
22. Viện Ngôn ngữ học (1996) Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1984, Tr. 7
Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, Tr.1106
[2] Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp năm 1946, ngày 09 tháng 11 năm 1946.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.1106
[4] Sắc lệnh 234/SL, của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 14/ 06/1955.
[5] Dẫn theo Đỗ Quang Hưng (2005) Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam, lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 385
[6] Quốc Hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960), Luật Tổ chức Tòa án, ngày 14 tháng 07 năm 1960.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (1977), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, Tr. 161
[8] Nguyễn Thị Vân Hà (2014), Tôn giáo và luật pháp về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Tôn giáo học, Thư viện Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr. 84-85.
[9] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 18/12/1980
[10] Trước đó chủ yếu mang dấu ấn cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[11] Ở đây có bàn đến việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân tộc, tôn giáo.
[12] Sắc lệnh số 234/SL, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 14 tháng 06 năm 1955
[13] Nguyễn Đăng Dung, “Nhà nước pháp quyền là Nhà nước phòng chống sự tùy tiện”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 8 (45) tháng 4/2009, Tr. 31
[14] Cần phải nói thêm rằng, không ít người Công giáo đã bỏ sức người, sức của tham gia vào cuộc cách mạng và xây dựng, bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu giành chính quyền đến nay.
http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?p_page_id=27677461&pers_id=28346379&folder_id=&item_id=126419150&p_details=1
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.