Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/02/2022

Phát triển Xanh ở Việt Nam (điểm dần một số tin)

Gần đây, mình có viết về phát triển xanh, mà mở đầu là về các chương trình cây xanh của Hà Nội những năm gần đây từ điểm nhìn văn hóa sử.

Đại khái là tiếp cận từ điểm giao hội của văn hóa và tôn giáo để nhìn về các chương trình cây xanh. Một phần trong số này thì sắp tới sẽ được đem công bố.

Về các chương trình cây xanh của Hà Nội, có thể đọc lại ở đây (trọng tâm là sự kiện Hà Nội thay cây mấy năm trước).

Vậy nên gần đây mình cũng có nhìn nhanh các tổ chức liên quan đến phát triển xanh đang hoạt động ở Hà Nội và Việt Nam.

Hôm nay, thì nhận tin là bà Giám đốc của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh vừa bị bắt giam. Theo thông tin của báo chí chính thống hiện nay, thì là do bị truy cứu tội trốn thuế. Năm 2021, mình đã mấy lần tham dự các hội thảo mà do bà Giám đốc này chủ trì hay đồng chủ trì (đều là các hội thảo tham gia qua mạng).

Đại khái vậy, điểm dần các tin và đây là tin đầu tiên.

Các tư liệu cập nhật và bổ sung sẽ được dán dần ở dưới đó như mọi khi.

Tháng 2 năm 2022,

Giao Blog


---


TPO - Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt giam giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID để điều tra về hành vi trốn thuế.
Bắt giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID ảnh 1

Bị can Ngụy Thị Khanh.

Ngày 9/2, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguỵ Thị Khanh (SN 1976, trú tại số 41 Hồ Tùng Mậu, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra về hành vi trốn thuế, quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.

Bị can Nguỵ Thị Khanh là Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID.

Theo thông tin công bố trên trang web của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), đây là một tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Trung tâm này hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng bền vững, nước và không khí sạch, phát triển xanh.

Với các hoạt động chính như đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán gắn với mô hình kinh tế Xanh; Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng và hợp tác đa bên vì tương lai xanh.

Hỗ trợ phát triển giao thông điện bền vững gắn với chuyển dịch năng lượng sạch để giảm ô nhiễm không khí bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Thanh niên ứng dụng công nghệ số trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.

Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Thanh Hà

https://tienphong.vn/bat-giam-doc-trung-tam-phat-trien-sang-tao-xanh-greenid-post1414918.tpo?fbclid=IwAR1fJZ9zLywQGV4lZKnMxkOfCH2vQztrKyyxKpVLRSPym8rTHhzSmLcC6tQ

..



Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh bị bắt

Công an Hà Nội bắt giam bà Nguỵ Thị Khanh với cáo buộc trốn thuế, theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.

Chiều 9/2, Công an Hà Nội cho biết Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguỵ Thị Khanh (Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh GreenID) về tội Trốn thuế.

Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh bị bắt
Bị can Nguỵ Thị Khanh. Ảnh: Công an Hà Nội

Bà Khanh sinh năm 1976, trước khi bị bắt giam bị can cư trú tại đường Hồ Tùng Mậu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Sau khi khởi tố bị can, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ những hành vi của bà Khanh để xử lý.

Theo thông tin trên website của Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), đây là tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Trung tâm này được thành lập từ năm 2011, chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng và tích cực tham gia tư vấn, góp ý về các lĩnh vực quy hoạch năng lượng, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và cung cấp nước sạch.

https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/giam-doc-trung-tam-phat-trien-sang-tao-xanh-bi-bat-814353.html


..


---

BỔ SUNG


3. Ngày 10/2/2022

"

Chị Khanh vốn chuyên ngành lịch sử nhưng một ngày đẹp trời chuyển sang làm môi trường, thành lập tổ chức phi lợi nhuận GreenID. Tổ chức của chị được nước ngoài tài trợ và góp phần tham gia "tư vấn quy hoạch ngành điện" và đã "giúp" Việt Nam cắt giảm 20.000 MW điện than. Đồng thời "bổ sung" khoảng 20.000 MW điện mặt trời và điện gió.
Chị và tổ chức của mình cùng báo chí cũng góp phần " giúp " tiêu diệt nhiều dự án thủy điện và nhiệt điện, điện hạt nhân giá rẻ. Đưa điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện LPG giá cắt cổ của Âu Mỹ về móc hầu bao dân đen. Lập được công to nên chị được tổ chức của Mỹ vinh danh, thành anh hùng.
Ai cũng biết điện gió, điện mặt trời vừa phập phù vừa đắt khét, chưa kể nó còn báo hại điện truyền thống vì phải dự trữ công suất huy động khi đêm xuống/lặng gió, ban ngày lại để không... Nhưng bằng cách nào đó, chúng làm cho đám đông phát cuồng, và chửi rủa những nguồn điện khác.
- Phát triển nhiệt điện, hạt nhân, vốn dĩ ổn định và rẻ: chửi
- Khai thác nốt tiềm năng thủy điện còn lại: chửi
- Khống chế công suất điện tái tạo tăng theo lộ trình tính toán: chửi, phải cho ồ ạt cơ
- Định tăng giá điện để bù đắp khoản lỗ do điện tái tạo gây ra: dĩ nhiên chửi mạnh
- Không tăng giá điện, kiên quyết dừng chính sách trợ giá điện tái tạo hòa lưới từ ngày ddd trở đi: chửi thật lực....
Tóm lại, họ làm mọi thứ để nhất định phải nhập công nghệ điện tái tạo Mỹ Tây bất chấp đắt khét, vừa bán được hàng cho mấy ảnh, vừa chả mấy mà làm nhà đèn ta khánh kiệt, nếu sụp đổ dây chuyền nữa thì lại càng thích. Cái mùi khen khét kiểu này thường thấy trong các hàng NGO nướng...
Và mục tiêu của chúng chính là an ninh năng lượng của Việt Nam....và cay nhất là hủy bỏ dự án điện hạt nhân đi kèm hàng loạt cán bộ được cử đi học đào tạo hàng năm trời xong về đi chạy xe ôm kiếm sống.



"

https://www.facebook.com/tranphananh.vn/posts/4953464761369366



2.

Ngày 22/3, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID được Tổ chức Apolitical bình chọn là 1 trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới trong lĩnh vực chính sách khí hậu năm 2019.

Tổ chức Apolitical - diễn đàn học tập đồng cấp dành cho các chính phủ vừa công bố danh sách 100 người ảnh hưởng nhất đến chính sách khí hậu năm 2019. Đây là danh sách được công bố hàng năm, nhằm tôn vinh những người đang có ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách khí hậu.

Danh sách 100 người ảnh hưởng đến chính sách khí hậu năm 2019 này được lựa chọn từ các đề cử của hàng trăm cơ quan nhà nước cũng như các chuyên gia uy tín từ UNDP, Harvard, Oxford, Bloomberg Philanthropies, Mạng lưới Hành động Khí Hậu (CAN) và nhiều tổ chức khác.

Trong danh sách này, có những người là chính trị gia cấp cao, là ngôi sao đang nổi tạo được dấu ấn trong cộng đồng địa phương và là động lực cho những thay đổi bên cạnh nỗ lực của chính phủ.

Nổi bật trong đó có Greta Thunberg - nhà hoạt động khí hậu 16 tuổi đến từ Thụy Điển, Alexandria Ocasio-Cortez - người phụ nữ trẻ nhất từ trước đến nay của Quốc hội Mỹ và là người lãnh đạo cho việc vận động Chính sách tăng trưởng Xanh mới (Green New Deal); Hilda Heine - Tổng thống Cộng hòa Đảo quốc Marshall dẫn đầu công cuộc đạt mục tiêu trung lập các bon (carbon-neutral) của quốc gia này vào năm 2050; David Attenborough - người có chương trình vận động và được hoan nghênh rộng rãi trong nâng cao nhận thức về tác động tàn phá của xã hội loài người đối với tự nhiên… Bà Ngụy Thị Khanh là đại diện duy nhất của Việt Nam được bình chọn vào danh sách này.

Bà Ngụy Thị Khanh tại lễ trao tặng giải thưởng "Anh hùng môi trường" năm 2018 do Quỹ môi trường Goldman (Mỹ) trao tặng. Ảnh do nhân vật cung cấp
Bà Ngụy Thị Khanh là Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam được thành lập thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Tháng 4/2018, bà Ngụy Thị Khanh đã được Quỹ Môi trường Goldman (Mỹ) trao giải “Anh hùng môi trường” năm 2018, cùng 6 nhà hoạt động từ Colombia, Pháp, Việt Nam, Philippines, Nam Phi và Hoa Kỳ. Đây được coi là giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở, vì những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Bà Ngụy Thị Khanh được nhận giải thưởng Goldman đại diện khu vực châu Á, đồng thời đây cũng là giải thưởng Goldman đầu tiên cho Việt Nam.

Theo đánh giá của Quỹ Môi trường Goldman, bà Ngụy Thị Khanh và các cộng sự đã sử dụng những nghiên cứu khoa học và thúc đẩy các cơ quan nhà nước tham gia vào nhiều dự án năng lượng dài hạn, bền vững và giảm sự lệ thuộc nguồn than tại Việt Nam. Những nỗ lực của bà đã giúp loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide từ Việt Nam mỗi năm.
Lan Lộc/Báo Tin tức

Người hùng thầm lặng với năng lượng xanh
Người hùng thầm lặng với năng lượng xanh

Người phụ nữ nhiều năm liên tục cùng với các cộng sự của mình cần mẫn đưa năng lượng mặt trời, đèn LED tiết kiệm, nước sạch… đến với bà con khắp mọi miền Tổ quốc. Từ Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, đến Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, An Giang, Cà Mau… Những công việc đó được chị thực hiện một cách âm thầm, lặng lẽ, nhưng mang lại niềm vui và cuộc sống hàng vạn người dân nghèo.

https://baotintuc.vn/xa-hoi/ba-nguy-thi-khanh-lot-top-100-nguoi-anh-huong-nhat-the-gioi-trong-linh-vuc-chinh-sach-khi-hau-20190322171839928.htm



1.

  11:59 | Thứ năm, 13/09/2018


Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), là người Việt đầu tiên - cũng là đại diện châu Á năm 2018 - được xướng danh cho giải thưởng Goldman vừa trao hồi tháng 4. Đây là giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở, được trao tặng hàng năm cho các anh hùng môi trường từ sáu khu vực lục địa.

    Năm nay, cùng với sáu anh hùng môi trường từ Colombia, Pháp, Philippines, Nam Phi và Hoa Kỳ, Ngụy Thị Khanh được công nhận đã có những nỗ lực đi tiên phong và thúc đẩy hợp tác với nhiều bên liên quan hướng tới phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.

    Chia sẻ với Người Đô Thị, Ngụy Thị Khanh xúc động nói: “Đó là một may mắn và vinh dự tuyệt vời! Giải thưởng giúp kết nối công việc của chúng tôi với cộng đồng toàn cầu; mang lại sự công nhận quan trọng của quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, và với nhiều cá nhân, tổ chức làm công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam”.

    Ngụy Thị Khanh nhận giải Goldman. Ảnh: Goldman

    Nghiên cứu từ năm 2013 - 2015 của GreenID cho thấy cơ hội giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong Quy hoạch điện 7. Nguyên nhân sâu xa là dự báo nhu cầu điện đã chọn GDP giai đoạn từ 2010 - 2015 (7,5-8%) khác xa thực tế (chỉ đạt dưới 6%); các năm sau tương tự. Nghiên cứu chỉ rõ sự đắt đỏ và nguy hại của nhiệt điện than khi nó được chọn là một nguồn phát điện chủ yếu; và đề xuất các giải pháp năng lượng thay thế. Nghiên cứu của GreenID không “đơn độc”. Công bố năm 2014 về rà soát lại dự báo và nhu cầu năng lượng của nhóm nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á với sự tham gia của nhiều bộ ngành Việt Nam cũng cho thấy, Quy hoạch điện 7 sai ở phần dự báo nhu cầu do Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao, dẫn đến phải cân đối nguồn điện theo các dạng năng lượng sẵn có tại Việt Nam... Đến tháng 3.2016, Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đã giảm tỷ trọng nhiệt điện than và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) từ 6% lên 21% đến năm 2030.

    Sau giải thưởng Goldman, người phụ nữ này đang cùng các đồng sự tiếp tục theo đuổi mục tiêu: dựa vào nghiên cứu đưa ra những bằng chứng để cung cấp thông tin cho đối thoại chính sách trong lĩnh vực môi trường. “Tôi cho rằng, việc thảo luận dựa vào bằng chứng, có phân tích, có cơ sở khoa học và với tâm thế vì lợi ích chung của cộng đồng, đất nước rất quan trọng và cần được chú trọng trong thời gian tới”, chị Khanh nói.

    Thưa chị, so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, GreenID cùng Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam vừa công bố một nghiên cứu mới đề xuất đến năm 2030 tăng tỷ trọng NLTT từ 21% lên gần 30%; nhiệt điện than giảm từ 42,6% xuống còn 24,4%... Dựa trên những bằng chứng nào để đưa ra kết quả trên?

    Đây là kết quả được rút ra từ nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam” do chuyên gia GreenID thực hiện trong hai năm 2016 - 2017. Báo cáo là một cơ sở để góp ý vào Quy hoạch điện 8 thời gian tới. Phân tích và mô hình hóa nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có thể cắt 30GW điện than, tương đương đưa ra khỏi quy hoạch 25 nhà máy nhiệt điện than. Thay vào đó là áp dụng triệt để các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với tiềm năng có thể giảm được khoảng 17.000MW; đồng thời tăng tỷ trọng của NLTT.

    Hiện tại giá nhiệt điện than rẻ hơn NLTT vì chưa bao gồm chi phí ngoại biên (chi phí môi trường, xã hội, sức khỏe). Người dân và Chính phủ đang và sẽ phải gánh chịu chi phí có thực này, chứ không phải nhà đầu tư. Nếu xem xét chi phí này thì ngay tại thời điểm nghiên cứu năm 2017, tất cả các công nghệ NLTT đều cạnh tranh hơn về chi phí so với các công nghệ nhiệt điện than. Ngay cả khi không tính đến chi phí ngoại biên, đến năm 2020 - 2025 điện mặt trời và gió đã có thể cạnh tranh được với nhiệt điện than.

    Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam khó tiếp cận được với NLTT ở mức GreenID khuyến khích. Quan điểm của chị về tính khả thi của NLTT ở Việt Nam trong tương quan phát triển thị trường NLTT trên thế giới?

    Các nghiên cứu trong nước và quốc tế gần đây chỉ ra rằng, NLTT đã khả thi về mặt kỹ thuật, tài chính và kinh tế khi xem xét toàn diện các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thách thức với an ninh năng lượng đã cận kề, muốn giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu đắt đỏ và rủi ro ở bên ngoài, chỉ có con đường phát triển NLTT.

    Theo đánh giá mới nhất của Viện Năng lượng đầu năm 2018, chỉ riêng năng lượng mặt trời có thể đạt tới 734.000 MW với giá FiT là 9,35 cent/1kWh, với giá khoảng 7,5 cent/1kWh thì công suất là 204.000 MW (gấp 5 - 18 lần công suất toàn hệ thống điện năm 2015 là 39.000 MW). Từ tháng 6.2017, khi giá điện mặt trời 9,35 cent/1kWh có hiệu lực, đã có khoảng 20.000 MW được đăng ký. Trong khi đó, giá điện gió 7,8 cent/1kWh ra đời từ năm 2011 mà hầu như không có nhà máy điện gió nào được xây dựng. Điều này cho thấy chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc dẫn đường đầu tư và phát triển điện. Hiện nay luật về NLTT vẫn chưa được lập, và quy hoạch quốc gia về NLTT vẫn chưa có. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các nhà đầu tư, cũng như cơ quan chức năng các tỉnh trong quản lý.

    Để phát triển tăng tốc, biến xu thế của thế giới hiện nay thành lợi ích và cơ hội đầu tư hiện thực ở Việt Nam, khó hay dễ hoàn toàn phụ thuộc vào việc kiến tạo chính sách với tầm nhìn dài hạn, có tính khả thi và ổn định. Đồng thời là sự nỗ lực, đồng hành, hợp tác vượt trở ngại của các doanh nghiệp công, tư; sự vào cuộc của khối ngân hàng, tài chính; và sự ủng hộ của công chúng.

    Chị có thể chia sẻ thêm công việc của mình với cộng đồng địa phương, và vai trò của cộng đồng trong thúc đẩy tính bền vững và năng lượng tái tạo?

    Khi nghiên cứu sự tham gia của công chúng vào quá trình quy hoạch điện vào năm 2011, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự tham gia của công chúng trong quy trình lập quy hoạch, chính sách của Chính phủ. Mục tiêu chính của chúng tôi là tăng cường năng lực và thu hút người dân địa phương vào thảo luận năng lượng, và cung cấp bằng chứng cho người ra quyết định. Chúng tôi cũng làm việc với các cộng đồng địa phương để giúp họ phát triển các kế hoạch NLTT, để họ phát huy nội lực, khai thác những nguồn tài nguyên tại chỗ. Chúng tôi cung cấp tài trợ hạt giống rất nhỏ lúc đầu, chỉ để truyền cảm hứng cho họ chủ động đầu tư và nắm quyền sở hữu giải pháp. Năm ngoái, chúng tôi đã thiết lập một giải pháp năng lượng mặt trời bằng lưới điện nhỏ ở Đắk Lắk; và chúng tôi khuyến khích Chính phủ tài trợ cho các cộng đồng địa phương để áp dụng mô hình này và mở rộng trên toàn quốc.

    Ngụy Thị Khanh và 6 cá nhân từ 5 nước khác nhận giải Goldman năm 2018.  Ảnh: Goldman

    Nhận thức về môi trường đã tăng trong công chúng và ở cấp địa phương. Mọi người hành động khi họ thấy sự phát triển đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Chúng ta đang thấy nhiều phản đối và khiếu nại của người dân địa phương gửi tới Chính phủ về những bức xúc, lo lắng; các phương tiện truyền thông cũng đang nói nhiều về các vấn đề môi trường. “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Đối với tôi, cộng đồng và người dân có một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng của không chỉ các địa phương mà cả quốc gia. Họ là chủ thể chính kiến tạo và phát triển cộng đồng địa phương. Vì thế họ cần phải được chủ động tham gia quá trình phát triển tại cộng đồng. Tôi quan niệm các thách thức quốc gia và toàn cầu khó có thể giải quyết nếu không có sự tham gia của người dân trong cộng đồng.

    Khó khăn nhất khi làm việc tại cộng đồng địa phương là gì, thưa chị?

    Làm sao để phá vỡ sự trông chờ, ỷ lại, thậm chí thiếu tự tin của nhiều người trong cộng đồng.

    Bằng chứng khoa học là một vấn đề phức tạp trong chứng minh hậu quả do ô nhiễm. Đến giờ GreenID đã vượt qua được thách thức này chưa? Chị có chia sẻ nào với những người đang thất vọng về nhiều vấn đề môi trường của đất nước hiện nay, đặc biệt là những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp?

    Thực ra chứng minh hậu quả do ô nhiễm không phải là trách nhiệm của cộng đồng đang phải hứng chịu ô nhiễm, mà trái lại người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm đưa ra bằng chứng về việc họ có hay không gây tổn hại cho môi trường. GreenID nỗ lực thu thập, cung cấp thông tin, phân tích từ các số liệu hiện có để chỉ ra vấn đề và để cùng thảo luận với các bên đưa ra các giải pháp. Tôi cho rằng thách thức luôn tồn tại trong xã hội, nhưng điều quan trọng là biết nhận diện và có hành động để tìm ra cách giải quyết vấn đề trước khi quá muộn. Chúng ta cần lên tiếng và tiếp sức, phối hợp với các bên liên quan để ngăn chặn những bàn tay cố tình tàn phá môi trường, hỗ trợ cộng đồng sử dụng các quy định hiện hành của pháp luật để chủ động bảo vệ nguồn nước, không khí, tài nguyên tự nhiên. 

    Có ba đứa con, thời gian cho công việc và gia đình của chị hẳn ít nhiều cần hy sinh?

    Cân bằng giữa thời gian cho công việc và gia đình luôn là một thách thức với những người phải đứng đầu một cơ quan, nhất là phụ nữ. Tôi tranh thủ ngày nghỉ, buổi tối cho việc gia đình. Buổi sáng vẫn dậy sớm đi chợ và cả nhà ăn sáng cùng nhau. Tôi may mắn có sự cảm thông chia sẻ của chồng và các con nên mọi việc trong nhà và học hành của trẻ con vẫn thuận lợi. Khoe một chút, các con tôi đều được rèn tính tự lập, tự giác và đang theo học lớp chuyên cả (cười). 

    Chị đã thuyết phục được các chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và Chính phủ như thế nào?

    Chắc có lẽ do thấy chúng tôi có nhiệt huyết, tận tụy với bà con và chân thành góp ý, cùng ở, cùng lăn vào làm; đã có ý tưởng là tìm mọi cách làm bằng được, nên mọi người thương mến, hợp tác, chia sẻ khó khăn và thành quả với chúng tôi.

    Hẳn chị cũng phải đối diện với áp lực từ nhiều phía?

    Có những khi chúng tôi phải chờ đợi 8 tháng trời mới được cấp phép triển khai dự án cho cộng đồng, mặc dù đã hoàn tất các thủ tục theo quy định, phải xin gia hạn thời gian bắt đầu dự án với nhà tài trợ tới ba lần… Những lúc đó, tin vào việc mình làm là đúng, vì lợi ích của cộng đồng, xã hội, vì những điều tốt đẹp hơn, và quan trọng là gia đình, đồng nghiệp tin tưởng mình, để tự động viên phải tiếp tục cố gắng. Tôi chỉ luôn tâm niệm cố gắng hết sức và bền bỉ thôi. 

    GreenID đã triển khai Phương pháp lập kế hoạch năng lượng địa phương (LEP) từ Đan Mạch về 11 xã của 6 tỉnh, với 7 bản LEP được xây dựng, 15 loại mô hình bền vững được áp dụng, gần 25.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ LEP. Thí điểm điện khí hóa nông thôn ở nơi chưa có điện lưới quốc gia: 7,23kW năng lượng mặt trời được lắp đặt, với 230 hộ dân được nối điện, 2.000 người hưởng lợi trực tiếp... Sau 6 năm hoạt động, GreenID đã thực hiện gần 60 dự án, 59 nghiên cứu, 102 tài liệu cho vận động chính sách, về năng lượng bền vững, nước và không khí sạch, phát triển xanh. Hợp tác và nhận tài trợ từ gần 40 tổ chức trong, ngoài nước.

    Lê Quỳnh thực hiện


    https://nguoidothi.net.vn/anh-hung-moi-truong-nguy-thi-khanh-nhan-dien-thach-thuc-de-cung-hanh-dong-15266.html?fbclid=IwAR3_l2sGS9oLXbP0t6xKHkAHkZb8pGtQswBVEQ5mlum2mxTgWvM4XXHP4vU


    ..



    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.