Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/01/2022

Vin muốn chơi lớn : Giải thưởng VinFuture (cập nhật 2022)

Giải thưởng VinFuture dành cho các nghiên cứu khoa học mang tính đột phá trên thế giới, thì từ tháng 12 năm 2020 đã có thông tin ban đầu, xem lại ở đây.

Vào ngày 20 tháng 1 năm 2022, lần trao giải đầu tiên đã được tổ chức tại Hà Nội. Với tôi, là một lễ trao giải ấn tượng, nên đã ngồi xem trọn vẹn qua tivi buổi tối tại tệ xá.

Tôi ấn tượng với màn trình diễn của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn (có cả Chopin, có cả trống cơm Bắc Ninh). Ấn tượng với cách trình bày bài hát của ca sĩ John. Nhưng ấn tượng nhất là với các giải thưởng !

Một ít tin tức từ báo chí được đưa đầu tiên.

Các bổ sung và cập nhật thì dán ở dưới như mọi khi.

Tháng 1 năm 2022,

Giao Blog






---

22:23 - 20/01/2022



Thu Hằng

Không nằm ngoài dự đoán, chủ nhân Giải thưởng chính VinFuture mùa đầu tiên trị giá 3 triệu USD được trao cho GS Katalin Kariko và 2 đồng nghiệp - những người đặt nền móng cho công nghệ mRNA trong cuộc chiến chống Covid-19.

Lễ trao Giải thưởng KH-CN thường niên toàn cầu VinFuture (gọi tắt là Giải thưởng VinFuture) vừa diễn ra tối nay 20.1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Sự kiện khoa học tầm cỡ thế giới này được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và phát trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số của VTV, VinFuture, các kênh truyền thông quốc tế như CNN, CNBC, Euronews và TechNode.

Giải VinFuture 3 triệu USD trao cho 3 'người hùng' phát triển vắc xin Covid-19  - ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng chính cho 3 "người hùng" phát triển vắc xin Covid-19

T.H

Đến dự lễ trao giải có Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, bộ, ban, ngành... Về phía quỹ VinFuture (đơn vị trao giải thưởng VinFuture) có tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cùng phu nhân Phạm Thu Hương.

Đặc biệt, lễ trao giải thưởng VinFuture hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới và công bố những sáng kiến, phát minh có tác động lên hàng triệu người sẽ đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của giới khoa học, thu hút sự chú ý của thế giới đến với Việt Nam.

Sự kiện có thể góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới của khoa học công nghệ thế giới, đồng thời tạo cơ hội kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác trực tiếp, đa chiều giữa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.

Nhiều ứng viên từng nhận Giải Nobel

Ngay từ mùa giải đầu tiên, VinFuture đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học thế giới với hơn 1.200 đăng ký đến từ 654 trường đại học hàng đầu, 51 viện Nghiên cứu nổi tiếng, và 42 viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia uy tín toàn cầu.

Giải thưởng đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỷ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize...

VinFuture ghi nhận sự tham gia của 60 quốc gia ở 6 châu lục, trong đó, số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm tỷ trọng tới 52,6%.

Việt Nam cũng có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án. Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng với một giải thưởng hoàn toàn mới như VinFuture.

Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng, 599 dự án được đề cử năm nay đều có chất lượng cao, vượt trội về tính khoa học, tiên phong về công nghệ, hứa hẹn mang lại tác động tích cực cho hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người trên thế giới.

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, đồng thời là chủ nhân giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ - Millennium Prize năm 2010, chia sẻ những vấn đề mà các dự án này tập trung giải quyết bao gồm công nghệ y sinh để ứng phó với đại dịch, ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, sáng tạo vật liệu mới để lưu trữ và sản xuất năng lượng sạch và giá rẻ, nông nghiệp bền vững, công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn nước sạch cho các nước nghèo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh hiểm nghèo và tạo ra các cơ hội bình đẳng trong giáo dục.

Hàng tỉ người trên trái đất được cứu sống nhờ công nghệ mRNA

Hội đồng giải thưởng gồm các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã tìm ra chủ nhận của Giải thưởng KH-CN thường niên toàn cầu VinFuture lần thứ nhất.

Trong đó, giải thưởng chính trị giá 70 tỉ đồng (3 triệu USD) trao cho GS Katalin Kariko, Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech. Bà là người Hungary, sau khi lấy bằng tiến sĩ, bà Kariko sang Mỹ làm nghiên cứu sau tiến sĩ và bây giờ là giáo sư thỉnh giảng ở ĐH Pennsylvania. GS Katalin Kariko nổi tiếng nhất với những đóng góp trong công nghệ mRNA, vắc xin mRNA phòng chống Covid-19.

Bà Kariko cộng tác cùng GS Drew Weissman và GS Pietter Rutter Cullis, người có nhiều năm nghiên cứu về mRNA. Công nghệ này đã trở thành một công nghệ bước ngoặt được sử dụng trong một số vắc xin Covid-19 dựa trên mRNA hiện đang được phát triển ở giai đoạn cuối.

Nhờ công nghệ mRNA, các công ty Pfizer/BioNTech và Moderna đã tạo ra vắc xin ngừa Covid-19 có hiệu quả cao.

Xúc động nhận được giải thưởng lớn, GS Kariko chia sẻ: “Tôi không thể thốt nên lời nào. Xin cảm ơn các bạn rất nhiều, xin cảm ơn các nhà sáng lập giải thưởng, Hội đồng giải thưởng! Đây là giải thưởng về điểm sáng về KHCN và hợp tác quốc tế. Tôi rất vui mừng có mặt tại Việt Nam. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện tuyệt vời về văn hóa của những người bạn, những sinh viên Việt Nam đã cùng học với tôi từ những năm 1970".

Theo nhóm tác giả, công nghệ mRNA sẽ mở ra liệu pháp vắc xin mới, thế hệ vắc xin mới cho các căn bệnh mới. Điều quan trọng nhất là mở ra sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 11,5 tỉ đồng (500.000 USD Mỹ), gồm:

Giải thưởng nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao cho GS Omar M. Yaghi, nhà hoá học, hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc ĐH California - Berkeley (Mỹ). Ông được xem là nhà khoa học tiên phong trong việc khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) có tiềm năng cải thiện cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người. Những phát minh của GS Yaghi có ý nghĩa lớn trong việc làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí sạch hơn, nguồn năng lượng sạch hơn và nguồn nước sạch hơn.

Giải VinFuture 3 triệu USD trao cho 3 'người hùng' phát triển vắc xin Covid-19  - ảnh 2

GS gốc Việt Nguyễn Thục Quyên trao giải cho GS Omar M. Yaghi

T.H

Giải thưởng nhà khoa học nữ được trao cho GS Zhenan Bao, Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Hóa học và Giám đốc Nhóm Sáng kiến Đồ điện tử đeo trên người thuộc ĐH Stanford (Mỹ). GS Bao đã tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà đã phát triển một loạt các mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và các phương pháp chế tạo các vật liệu này.

Giải VinFuture 3 triệu USD trao cho 3 'người hùng' phát triển vắc xin Covid-19  - ảnh 3

GS Zhenan Bao nhận giải thưởng cho nhà khoa học nữ

T.H

Và cuối cùng, giải thưởng nhà khoa học từ các nước đang phát triển được trao cho vợ chồng GS Quarraisha Abdool Karim và Salim Abdool Karim (Nam Phi) - những nhà dịch tễ học với những đóng góp to lớn cho công cuộc chống lại căn bệnh thế kỷ HIV và nhiều bệnh truyền nhiễm khác, giúp giảm căn bệnh AIDS ở châu Phi và trên thế giới.

Giải thưởng VinFuture được trao bởi quỹ VinFuture, do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập. Quỹ có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người.

Bốn giải thưởng với tổng giá trị lên tới 4,5 triệu USD. Trong đó, giải chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD cho tác giả của nghiên cứu đột phá, các sáng chế công nghệ đã được chứng minh có khả năng làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường sống bền vững cho những thế hệ tương lai. Ba giải đặc biệt, mỗi giải 500.000 USD, dành cho nhà khoa học có phát minh sáng chế tiên phong trong lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và người đến từ nước đang phát triển.


https://thanhnien.vn/giai-vinfuture-3-trieu-usd-trao-cho-3-nguoi-hung-phat-trien-vac-xin-covid-19-post1423155.html




3 nhà khoa học nghiên cứu ra vắc xin Covid-19 nhận giải thưởng VinFuture

VinFuture là giải thưởng khoa học công nghệ lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam từ trước đến nay, thu hút được sự quan tâm theo dõi của những nhà khoa học top đầu thế giới. 

Vào tối nay (20/1), chủ nhân của giải thưởng chính VinFuture đã được xác định. Đó là 3 nhà khoa học nghiên cứu ra vắc xin Covid-19 công nghệ mRNA gồm Tiến sĩ Karikó, Giáo sư Weissman và Giáo sư Pieter R. Cullis. 

3 nhà khoa học nghiên cứu ra vắc xin Covid-19 nhận giải thưởng VinFuture
Ba nhà khoa học được trao giải thưởng chính VinFuture.

Giáo sư Drew Weissman là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y, Đại học Pennsylvania (UPenn, Mỹ). Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Weissman đã dành hơn 15 năm nghiên cứu về RNA nhằm sản xuất vắc xin với một niềm tin lớn vào khả năng chữa bệnh dường như vô tận của mRNA tùy chỉnh.

3 nhà khoa học nghiên cứu ra vắc xin Covid-19 nhận giải thưởng VinFuture
Giáo sư Drew Weissman.

Tiến sĩ Katalin Karikó sinh năm 1955 trong một gia đình làm nghề bán thịt ở Kisújszállás, một thị trấn cách Budapest (Hungary) 150 km về phía đông. Tình yêu toán học và khoa học của bà bắt nguồn từ chính những bài giảng của các giáo viên tại ngôi trường địa phương mà bà theo học.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Karikó đăng ký vào Đại học Szeged. Bà theo học chuyên ngành hóa sinh và hoàn thành khóa học tương đương trình độ Thạc sĩ vào năm 1978.  

3 nhà khoa học nghiên cứu ra vắc xin Covid-19 nhận giải thưởng VinFuture
GS Katalin Karikó.

Karikó nhận học bổng Tiến sĩ khi làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh học Szeged (BRC) của Học viện Khoa học Hungary. Bà nhận bằng Tiến sĩ năm 1982 tại Đại học Szeged.

Karikó bắt đầu làm việc tại Đại học Pennsylvania, thành phố Philadelphia năm 1989, tập trung nghiên cứu về ứng dụng trị bệnh của mRNA được phiên mã trong ống nghiệm.

Tiến sĩ Katalin Kariko và Giáo sư Drew Weissman đã phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside và các cải tiến khác liên quan đến vắc xin mRNA. Đây là công nghệ mà Pfizer-BioNTech và Moderna đã sử dụng trong quá trình phát triển vắc xin của họ.

Nghiên cứu mang tính đột phá trong việc sửa đổi mRNA giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào. Hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể có khả năng nhận ra sự hiện diện đột ngột của RNA ngoại lai và phản ứng như thể đó là một cuộc tấn công của virus thực sự. 

Nghiên cứu năm 2004-2005 của Tiến sĩ Kariko và các cộng sự đảm bảo rằng RNA đi vào tế bào và hoạt động đúng chức năng mà không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc các tác dụng phụ.  

Với Giáo sư Pieter R. Cullis, ông là Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC). Ông đồng thời là Giáo sư tại Khoa Hóa sinh và Sinh học Phân tử và Trưởng nhóm Nghiên cứu NanoMedicines, UBC. 

Giáo sư Cullis và các đồng nghiệp đã đạt được những tiến bộ mang tính nền tảng trong việc tạo ra và đưa hệ thống các hạt nano lipid (LNP) vào tĩnh mạch dưới hình thức các loại thuốc dạng phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA).

3 nhà khoa học nghiên cứu ra vắc xin Covid-19 nhận giải thưởng VinFuture
GS Pieter R. Cullis.

Cullis là người đưa công nghệ hạt nano lipid từ lý thuyết trở thành hiện thực. Ông cũng đóng vai trò trung tâm trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuốc phi lợi nhuận (nay là Admare BioInnovations) và các tổ chức phi lợi nhuận khác như Mạng lưới đổi mới NanoMedicines.

Sau đó, trong nhiều năm, ông còn thành lập một số công ty để thương mại hóa những phát triển mới trong công thức LNP, cho phép phát triển vaccine BioNTech/Pfizer. 

Thành tựu nghiên cứu của Cullis đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp trị liệu gen sử dụng công nghệ LNP, với các đại diện tiêu biểu như: Moderna, CureVac, BioNTech và Intellia.

Giáo sư Pieter R. Cullis đã được trao Giải thưởng Chính VinFuture vì thành tựu đột phá trong việc phát triển các hạt nano lipid cần thiết để bao bọc và bảo vệ mRNA hoạt động. Điều này đã mở ra một ngành khoa học mới và các phương pháp mới trong sản xuất vắc-xin mRNA COVID-19 giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người.

Kỹ thuật do Giáo sư Cullis tiên phong tạo ra đã được sử dụng thành công để phát triển hệ thống phân phối LNP cho vắc xin mRNA, bao gồm cả những kỹ thuật đang được sử dụng để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học nêu trên mang tính đột phá trong việc sửa đổi mRNA giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào. 

Hiệu quả của công trình nghiên cứu khoa học này đã được chứng minh khi người dân của hơn 150 quốc gia được hưởng lợi nhờ vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA do 3 nhà khoa học này phát triển. 

Trọng Đạt

https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/ung-dung/chu-nhan-giai-thuong-3-trieu-usd-cua-vinfuture-la-ai-810493.html




Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sứ mệnh của Giải VinFuture chính là cổ vũ và tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho các thế hệ tương lai của loài người.

Sứ mệnh của VinFuture là cổ vũ, tôn vinh những nhà khoa học có công trình xuất sắc vì tương lai loài người

Tối 20/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ trao giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture lần thứ nhất.

Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học và khách quý từ khắp nơi trên thế giới đã đến với Việt Nam, đến với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến để tham dự lễ trao giải thưởng khoa học, công nghệ toàn cầu VinFuture.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, 2 năm qua, nhất là trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh, cả nhân loại đã đặt niềm tin, hy vọng và trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vaccine, thuốc chữa, phòng chống dịch COVID-19. Vaccine được ví như là lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch COVID-19.

"Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học - những người đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Chúng ta có mặt ở đây hôm nay bình yên, an toàn cũng chính nhờ các nhà khoa học, nhờ có vaccine", ông xúc động nói.

Theo Thủ tướng Nguyễn Minh Chính, lịch sử phát triển của loài người ghi nhận phát minh của những nhà khoa học đã làm thay đổi thế giới và có nhiều nhà khoa học phải gánh chịu những hậu quả nặng nề trong khi tiến hành các thử nghiệm khoa học. Điển hình như Galileo bị mù mắt do quan sát Mặt trời quá nhiều để phát minh ra kính thiên văn; Marie Curie qua đời vì nghiên cứu phóng xạ; Michael Faraday bị nhiễm độc hóa chất do nghiên cứu điện phân… Điều này phần nào giúp chúng ta thấu hiểu, chia sẻ sự gian nan, vất vả, hy sinh quên mình của các nhà khoa học và còn những khó khăn, thách thức khác không thể cân đong, đo đếm được.

"Hôm nay, chúng ta tôn vinh những công trình đoạt giải thưởng là tôn vinh những giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh những nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu bằng trí tuệ vượt trội, trái tim nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho loài người", Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Nhà nước Việt Nam đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng, thúc đẩy huy động nguồn lực đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp, xã hội và nhân dân vào cuộc, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành mục tiêu, động lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng; xác định mỗi người dân là chủ thể, là người thực hiện và thụ hưởng chính sách đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ của đất nước. Đồng thời, việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn là chủ trương lớn để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu chuộng hòa bình và khát vọng phát triển, luôn ca ngợi vẻ đẹp nhân văn và giá trị cao cả của khoa học và sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, Việt Nam luôn trân quý, tôn vinh các nhà khoa học chân chính, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của nhân loại.

"Sứ mệnh của Giải VinFuture chính là cổ vũ và tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho các thế hệ tương lai của loài người", ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính rất vui mừng được biết, ngay trong mùa giải đầu tiên, VinFuture ghi nhận sự tham gia từ gần 60 quốc gia với gần 600 dự án tranh giải, trong đó gần 100 dự án đến từ top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới và hơn 1/3 ứng viên là nhà khoa học nữ. Nhiều người trong số họ từng nhận được các giải thưởng khoa học cao quý trên thế giới. Giải thưởng Vinfuture được xét duyệt nghiêm túc, trách nhiệm bởi 2 Hội đồng độc lập với thành viên là các nhà khoa học, nhà phát minh, chuyên gia uy tín ở nhiều lĩnh vực trên thế giới. Đây thực sự là tín hiệu tích cực của một giải thưởng lớn và uy tín.

"Tôi mong muốn, truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân ái, trí tuệ của dân tộc Việt Nam được tỏa sáng trong mỗi doanh nhân Việt Nam để xây dựng đất nước phát triển và thực hiện trách nhiệm, lan tỏa giá trị tốt đẹp với cộng đồng quốc tế", ông bày tỏ.

Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao và ghi nhận tập đoàn Vingroup đã nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển Quỹ VinFuture - Quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân nhằm tôn vinh giá trị của khoa học công nghệ trên phạm vi toàn cầu.

"Cuộc hội tụ hôm nay là hội tụ của trí tuệ, của khát vọng, của cống hiến, của tình hữu nghị, của tinh thần đoàn kết, hợp tác, kết nối, của những giá trị nhân văn tốt đẹp cho nhân loại trên Trái đất của chúng ta. Tôi mong chờ những bước phát triển mới trong việc ứng dụng các nghiên cứu của quý vị tại Việt Nam. Xin chúc mừng các nhà khoa học được vinh danh với Giải thưởng VinFuture lần thứ Nhất", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Giải thưởng chính của VinFuture lần đầu tiên trị giá 3 triệu USD, trao cho ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Cullis với công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người".

Giải thưởng cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trao cho hai vợ chồng nhà khoa học từ Nam Phi, bà Salim Abdool Karim và ông Quarraisha Abdool Karim, với phát minh gel có chứa dược chất tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV. Thử nghiệm lâm sàng đã mang lại kết quả đột phá. Thuốc kháng virus có chứa dược chất như gel tenofovir giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Nghiên cứu này đã mang lại bằng chứng đầu tiên cho phương pháp mới trong việc ngăn ngừa HIV, dự phòng trước phơi nhiễm.

Giải đặc biệt đầu tiên dành cho nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực mới được trao cho Giáo sư Omar M.Yaghi - nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan. Công trình nghiên cứu của ông mang đến câu trả lời cho câu hỏi về nước và những tiến bộ về khoa học vật liệu liệu có thể đạt được gì. Nước có thể tạo ra từ không khí có thể tách CO2 từ không khí và từ đó tạo ra nhiên liêu đốt.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ thuộc về Giáo sư người Mỹ gốc Trung Quốc Zhenan Bao với nghiên cứu "Sự phát triển của thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt được ứng dụng trong các ứng dụng bề mặt sinh học và cảm biến".
T. Sự

https://baophapluat.vn/su-menh-cua-vinfuture-la-co-vu-ton-vinh-nhung-nha-khoa-hoc-co-cong-trinh-xuat-sac-vi-tuong-lai-loai-nguoi-post431445.html

..


---


CẬP NHẬT



2.

Người vợ kín tiếng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên xuất hiện

Bà Phạm Thu Hương - phu nhân tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu xuất hiện trước truyền thông trong nước và quốc tế.

Tối 20/1/2022, bà Phạm Thu Hương xuất hiện cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong sự kiện trao giải VinFuture.

VinFuture Foundation được sáng lập bởi Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và phu nhân là bà Phạm Thu Hương - Phó chủ tịch Vingroup.

Dù nắm giữ vị trí quan trọng và sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng bà Hương chưa từng xuất hiện trước công chúng cho đến sự kiện hôm nay.

Người vợ kín tiếng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên xuất hiện
Bà Phạm Thu Hương 

Bà Phạm Thu Hương tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev (Ukraina) với bằng Thạc sĩ Luật quốc tế.

Bà đã đồng hành với ông Phạm Nhật Vượng từ những ngày đầu khởi nghiệp tại Ukraina và là một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Tập đoàn Vingroup.

Hiện tại, bà Phạm Thu Hương là Phó Chủ tịch thường trực thứ hai của Tập đoàn Vingroup.

Bà Phạm Thu Hương thường xuyên có tên trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Người vợ kín tiếng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên xuất hiện
Bà Phạm Thu Hương cùng chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Chốt phiên giao dịch 20/1, cổ phiếu Tập đoàn Vingroup (VIC) giữ được mức giá trên 95 nghìn đồng/cp. Ông Phạm Nhật Vượng ghi nhận tổng tài sản vẫn đạt trên 200 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 8,7 tỷ USD).

Vợ ông Phạm Nhật Vượng và cũng là phó chủ tịch Vingroup - bà Phạm Thu Hương ghi nhận khối tài sản lên tới gần 16 nghìn tỷ đồng.

Tập đoàn Vingroup cũng ghi nhận vốn hóa đạt trên 363 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 16 tỷ USD).

Người vợ kín tiếng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên xuất hiện
Người vợ kín tiếng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên xuất hiện

Bà Hương được biết đến là nữ doanh nhân giàu có nhất trên thị trường chứng khoán trong khoảng 7 năm, hiện ở vị trí thứ 2 sau nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, sau khi VietJet lên sàn chứng khoán trong năm 2017. Bà Thảo có khối tài sản theo Forbes là 2,6 tỷ USD.

Người vợ kín tiếng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên xuất hiện

Năm 2010, lần đầu tiên khi ông Phạm Vượng vượt ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán, thì bà Phạm Thu Hương cũng vượt bà Đặng Thị Hoàng Yến để trở thành nữ doanh nhân giàu nhất.

Hiện tại, trên sàn chứng khoán, bà Phạm Thu Hương chỉ xếp sau các tỷ phú USD, bao gồm: ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, ông Đỗ Anh Tuấn (Sunshine), ông Hồ Hùng Anh (Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan), ông Bùi Thành Nhơn (Novaland), bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Văn Đạt và ông Nguyễn Đức Thụy.

Bà Hương cùng ông Vượng từ Moscow (Nga) tới Kharkov (Ucraina) khởi nghiệp từ đầu những năm 90 thế kỷ 20 với dự án đầu tiên là nhà hàng tại Kharkov, đến thương hiệu mì ăn liền Mivina rồi Tập đoàn Technocom.

Sau khi về Việt Nam, bà Hương tiếp tục cùng ông Vượng phát triển kinh doanh với Tập đoàn Vingroup. Bà Hương cùng em gái là Phạm Thúy Hằng giữ 2 vị trí phó chủ tịch tại tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam.

Tại Vingroup, phụ nữ đóng một vai trò rất quan trọng. Nhiều người nắm giữ các vị trí chủ chốt tại tập đoàn cũng như các công ty con.

Hồi cuối tháng 2, ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ thôi làm chủ tịch Vinhomes - doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản và có quy mô trên 10 tỷ USD và thay vào vị trí ghế nóng đó là bà Nguyễn Diệu Linh (1974).

Trước đó, tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng cũng đã nhiều lần giao quyền điều hành vào tay các nữ tướng như trường hợp bà Thái Thị Thanh Hải, Mai Thu Thủy hay Dương Thị Mai Hoa với vị trí chủ tịch tại Vincom Retail (VRE) - công ty con của Tập đoàn Vingroup.

Bảo Anh 

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/chan-dung-vo-chu-tich-pham-nhat-vuong-810480.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews




1. Ngày 21/1/2022

"

Hôm nay, giải thưởng Vin Future đã được chính thức trao nhận cho những người đạt giải. Tính về giá trị tiền bạc, đây là một trong những giải thưởng hàng năm có nhiều tiền nhất. Tổng giá trị lên tới khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ, trong đó giải thưởng chính lên đến 3 triệu đô la Mỹ, còn ba giải đặc biệt khác chia nhau mỗi giải 500 ngàn đô la Mỹ. Trong khi đó, giải Nobel năm vừa rồi chỉ ở mức 10 triệu Krona, tương đương 1,1 triệu đô la Mỹ.
Nhưng tiền thưởng nhiều không có nghĩa là cái giải nó danh giá.
Một giải thưởng danh giá nó cần ít nhất là 5 yếu tố.
Thứ nhất là tổ chức đứng sau giải đó. Sở dĩ giải Nobel đem lại sự vinh dự của người nhận giải vì phía sau nó là Viện Hàn lâm Khoa học của Thuỵ Điển, tổ chức gồm những nhà khoa học hàng đầu của châu Âu và thế giới, và phía sau nó nữa là chính phủ Thuỵ Điển và Hoàng gia Thuỵ Điển.
Thứ hai là cá nhân của người đứng ra sáng lập giải đó. Người sáng lập giải Nobel là Alfred Nobel, một người nói được 6 thứ tiếng, một nhà khoa học, một nhà sáng chế với 355 bằng sáng chế đã đăng ký, một doanh nhân thành công, và một nhà từ thiện. Ông giàu có nhờ thương mại hoá thành công các sáng chế của mình mà một trong số đó là thuốc nổ dynamite, một chất được dùng trong khai mỏ, phát triển hạ tầng giao thông, và cả trong vũ khí.
Thứ ba là đất nước nơi giải đó khởi phát. Một giải thưởng danh giá nó phải gắn liền với một đất nước văn minh. Văn minh bao gồm nhiều khía cạnh. Đầu tiên, nó phải là một nước phát triển về khoa học công nghệ nếu là một giải về công nghệ, hoặc nó phải là một nước giàu có về văn hoá nếu nó là một giải về văn hoá. Và trên hết nó phải là một nước văn minh trong cách đối xử giữa người và người. Đó là lý do mà giải thưởng được trao ở một nước có truyền thống dân chủ, xiển dương hoà bình, nó sẽ có giá trị khác so với một giải thưởng tương tự được phát ở một nước độc tài, độc đoán. Thuỵ Điển từ rất lâu đã được xem như là một nước trung tâm của khối Bắc Âu nơi mà các giá trị về dân chủ, tự do, và hoà bình được xiển dương. Giải Nobel đi kèm với nó là một thông điệp vì hoà bình và thịnh vượng của nhân loại. Người nhận giải tự hào vì được ghi nhận có công đóng góp vào sự phát triển của nhân loại, và sự ghi nhận đó được công khai bởi những người thuộc giới tinh hoa đương đại.
Thứ tư là quy trình trao giải và số tiền thưởng. Từ rất lâu, giá trị của giải Nobel dao động trong khoảng 1 triệu đô và được uỷ ban trao giải điều chỉnh hàng năm. So với các giải khác, đây là một số tiền thưởng rất lớn. Nhưng quan trọng hơn là cách mà người ta chọn ra người để nhận giải: đó phải là những người được đề cử bởi những nhân vật ưu tú nhất, thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội của các nước khác nhau trên thế giới, mà chủ yếu ở phương Tây. Một khi được đề cử và được chọn trao giải, đó là một sự công nhận rằng người nhận giải là những người ít ỏi thuộc nhóm tinh hoa của nhân loại. Họ sẽ được mời ăn tối với hoàng gia Thuỵ Điển và những người thuộc giới quyền quý của phương Tây hàng năm. Món tiền quan trọng, nhưng vị trí xã hội và cái danh nó còn lớn hơn. Chính vì cái danh nó lớn như vậy cho nên khi bị bệnh, Leo Max Lederman đã bán cái mề đai Nobel bằng vàng được tới 765 ngàn đô trong khi lượng vàng của cái mề đai nặng 175 gram chỉ có giá chưa tới một ngàn đô la Mỹ.
Và cuối cùng là thời gian. Một giải thưởng uy tín nó cần có thời gian để nuôi dưỡng và chứng tỏ sự nghiêm túc của nó.
***
Nhìn lại cả 5 yếu tố trên để thấy cái giải thưởng Vin Future thực ra không rơi vào một tiêu chí nào cả, ngoại trừ số tiền thưởng.
Thứ nhất, tổ chức đứng sau giải đó là một nhóm các nhà khoa học được nhóm của ông Phạm Nhật Vượng mời. Những nhà khoa học này có một vị trí trong giới nghiên cứu của họ. Nhưng họ chưa đủ để tạo nên một uy danh cho một tổ chức danh tiếng.
Thứ hai, cá nhân người đứng sau sáng lập ra giải Vin Future là ông Phạm Nhật Vượng. So với những tiêu chuẩn của giới tinh hoa phương Tây, ông Vượng hoàn toàn không có, nếu không muốn nói là ngược lại. Sự giàu có của ông Vượng trong mắt nhiều người là do có được từ sự thông đồng với giới quan chức nhằm chiếm lấy những khu đất đắc địa. Không thấy ông có một phát minh nào, cũng như là những đóng góp nào làm nên sự tiến bộ của nhân loại trước khi ông sáng lập ra giải Vin Future này.
Thứ ba, chẳng có gì hãnh diện khi người ta nhận một giải thưởng xuất phát từ một nước cộng sản, độc đoán, nếu số tiền của nó không lớn. Người ta đến nhận tiền hơn là nhận giải. Và họ càng cảm thấy ái ngại hơn khi nhận phần thưởng từ một ông thủ tướng của một chính phủ tàn bạo và tham nhũng — một chính phủ mà liên tục bỏ tù những ai mà mình không thích lấy cớ là xâm hại an ninh; một chính phủ sẵn sàng cướp đất của dân nghèo để trao cho những đại gia và sẵn sàng bắn bỏ nếu chống; một chính phủ thất bại trong chống dịch và cấu kết với đại gia nhằm móc túi ngân sách quốc gia; và quan trọng nhất là một chính phủ duy trì quyền lực bằng bạo lực và khủng bố chứ chẳng phải là một chính phủ do dân bầu một cách chính danh và trong hoà bình.
Thứ tư, nếu người nhận giải được mời đi dạ tiệc hàng năm chẳng hạn thì ai sẽ là người chiêu đãi? Phạm Nhật Vượng hay Phạm Minh Chính? Như đã nói ở trên, những người nhận giải Nobel được chiêu đãi bởi Hoàng gia Thuỵ Điển họ thấy vinh dự vì họ được “thăng hạng” hay “công nhận” vào tầng lớp tinh hoa của thế giới. Điều này không có ở Vin Future nếu không muốn nói là ngược lại.
Và cuối cùng, đây là một giải mới. Còn rất lâu mới có thể tạo nên một uy tín.

Nguyễn Huy Vũ
21.1.2021

"

https://www.facebook.com/vunguyene/posts/4707676705992515


"

Thân chào Cả Nhà:
Mình vừa được biết tối nay sẽ trao giải thưởng KH lớn hàng triệu USD của chương trình Vinfutre. Trong các đầu tư của Vingroup thì Vinfuture là loại chi tiêu độc đáo và ý nghĩa nhất, theo thiển ý của mình.
Độc đáo vì không có tổ chức nào trong nước có kế hoạch trao tặng cho khoa học thế giới phần thưởng lớn như vậy, gần 3 lần giải Nobel. Rất nhiều ý nghĩa cao đẹp khi Vinfuture dành cho các sáng kiến có ứng dụng quan trọng, hỗ trợ các nhà khoa học nữ thường bị cạnh tranh yếu thế, và các nhà KH của nước đang phát triển.
Tuy nhiên, mình vẫn không thể không băn khoăn, kèm với bứt xúc, khi nhìn thấy số tiền 4.5 triệu USD sẽ từ VN chảy ra ngoài đến các PTN rất đầy đủ và có thể dư thừa!
Trong khi đó, rất nhiều PTN trong nước và các nhân tài đang khan hiếm tài trợ, có khi họ phải dành từng đồng tiền riêng của mình để nuôi các đề tài nghiên cứu họ theo đuổi! Về nứơc, tôi mới biết sự hy sinh thầm lặng của nhiều thân hữu theo đuổi nghề nghiên cứu.
Việc các nước Á châu đầu tư, trao tặng tài chánh cho các chương trình hay các nhà KH của các nước tiến bộ là chuyện đã xảy ra nhiều năm, đặc biệt khi có nhu cầu phát triển KH trong vùng ở những năm 1980.
Ở UCSF, mình đã thấy Mr. Lee, một nhà tài phiệt HK hiến tặng trường một số tài trợ, nhưng với yêu cầu huấn luyện cho gần 200 chuyên gia sinh học từ lục đia qua vào những năm 1980-1990. Nhật Bản xây nguyên một khu nghiên cứu cho Viện Tim của UCSF, với điều kiện các nhà KH và BS của họ được qua thường xuyên để học tập. Gần đây, Malaysia hàng năm dành tiền đóng góp với các PTN của chương trình QB3 (Quantitative Biosciences), UCSF để đào tạo chuyên ngành về biomedicine.
Ở khía cạnh khác, TS Maoyen ChI đã kêu gọi Bộ KH TQ dành ngân sách rất lớn để hàng năm mời và chi trả cho các nhà KH Hoa Kỳ và nhiều nước qua tham dự hội thảo Cold Spring Harbor Asia, gần 10 năm nay. Đây là loại fanchise KH rất thành công cho TQ, vì Cold Spring Harbor bắt nguồn từ Mỹ với gía trị thông tin KH hiện đại nhất và tài chánh rất lớn hàng năm.
Xin ngắn gọn, ý mình muốn nói là Vinfutre cần mang về những giá trị cụ thể cho KH Viêt Nam khi đầu tư phát thưởng cho các trung tâm KH quốc tế. Các mục tiêu đó có thể là mang về cho Việt Nam những chuyên gia và họ có khả năng tự chủ phát triển các nghiên cứu quan trọng trong nước; hoặc tạo được những chương trình hợp tác phát triển KH mũi nhọn cho Việt Nam với các trung tâm hàng đầu nước ngoài, hoặc tạo ra được cao trào KH quốc tế trong nước để KH Viêt Nam đi song hành với KH thế giới.
Từ lâu đã có những nỗ lực trong và ngoài nước ở nhiều mức độ, hỗ trợ KH Việt Nam và giới thiệu nhân tài thế giới với KH trong nước. Thành công của Vinfuture sẽ có nhiều hiệu ứng tích cực cho nỗ lực chung này.
Nhưng nếu không mang về được những mục tiêu trên, mà chỉ giúp KH thế giới tiến bộ cho lợi ích chung của nhân loại, thì e rằng Vinfuture tự biến mình thành một quân tử Tầu!
Người Viêt Nam luôn rèn luyện và hướng đến là một người quân tử, nhưng không phải quân tử Tầu!
Chúc Vinfuture thành công.


"

https://www.facebook.com/petertigr/posts/2202359009904021


"

Không chỉ vì tiền thưởng được trao ở mức cao kinh dị, mà đàn hát quan chức, ban giám khảo lẫn khách mời đều rất tuyệt vời!
Với cách nhìn đó, chả mấy chốc chúng ta sẽ hoá rồng trong lĩnh vực công nghệ. Tự dưng thấy buồn cười…
2. Để có được ngành công nghiệp đóng tàu số 1 thế giới, Hàn quốc bỏ ròng rã hàng chục năm, mỗi năm 5% GDP cho nghiên cứu phát triển!
Để có 1 Hallyun như ngày nay, người Hàn đã lặn lội sang Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Ý để mang tinh hoa về tạo nên các ban nhạc mà doanh thu của họ hơn nhiều ngành kinh tế của ta!
Để có được nền khoa học như bây giờ, người Hán phải mất vài chục năm lăn lê khắp thế giới vừa học vừa đánh cắp công nghệ!
Để có thể là cường quốc số 1 về lúa gạo, Thái lan đã làm gì?
Để có 1 Bangalore cạnh tranh với Silicon Valey, người Ấn độ làm gì?
Để có 1 Bolywood cạnh tranh với Hollywood, người Ấn làm gì?
3. Chúng ta có 1 Ngô Bảo Châu nhưng không có 1 trường phái toán học!
Chúng ta có 1 Đặng Thái Sơn nhưng không có một bản giao hưởng tầm cỡ!
Chúng ta có 1 Phạm Nhật Vượng nhưng không có sản phẩm mang tầm khu vực!
Chúng ta có lực sỹ Lý Đức nhưng nền thể thao không môn nào có tên trên bản đồ thế giới!
Tôi tin chắc chắn rằng: khoa học, nghệ thuật và thể thao là những lĩnh vực không thể đi tắt đón đầu…
1b. Giải Vin Future, nhiều người mong nó như một cú hích cho giới khoa học nước nhà, tốt thôi. Còn mong nó vượt qua giải Nobel, thì không khác gì thủ dâm mong đội tuyển bóng đá Việt đi dự World Cup!
Một giải thưởng, ngoài giá trị vật chất còn là chất lượng của sản phẩm, mức độ ghi nhận đóng góp cho nhân loại, uy tín của hội đồng khoa học và truyền thống lâu năm của giải thưởng!
Vì thế, tôi hy vọng nó sẽ kéo dài lâu lâu, chứ đừng như Vinsmart hay Vinfast chạy xăng - 2 sản phẩm công nghệ của tập đoàn Vingroup!

BY PHẠM THỊ THANH HƯƠNG

"

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3119822815004345&id=100009299715740




"


Tối ngày 20/1/2022, giải thưởng VinFuture do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vương cùng phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập, có tổng giá trị 4.5 trệu USA, đã tìm được chủ nhân trong sự bùng nổ cảm súc. Giải thưởng chính 3 triệu USA đã trao cho 3 nhà khoa học: Vatalin Karico, Drew Weissman và Pietter Rutter Cullis với công nghệ vaccine mRNA, cứu sống hàng triệu người. Chính sự kết hợp giữa khoa học và tính nhân văn cao cả đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của VinFuture. Hà Nội, những ngày này là nơi quy tụ rất nhiều các nhà khoa học tên tuổi của thế giới. Đây là cơ hội tốt để các nhà khoa học, nhất là giới trẻ Việt Nam được trải nghiệm những bài học quý giá. Đồng thời, giúp nâng cao quảng bá hình ảnh Đất nước, xúc tiến các dự án khoa học, công nghệ được thuận lợi.
Nhớ lại, sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, Thành ủy Hà Nội chủ trương thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đặt tại di tích làm nơi gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề thuộc các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hoá nghệ thuật. Nhằm huy động các lực lượng các nhà khoa học trong nước và thế giới (trong đó có người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài) góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô, xây dựng Đất nước. Trên cơ sở đó, ngày 25/4/1988, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 1776/QĐ/UB về việc thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao). Trung tâm có chức năng quản lý khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hoá của Nhà nước; Tổ chức các hoạt động khoa học, văn hoá nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; Tổ chức hướng dẫn khách tham quan du lịch; Lập quy hoạch bảo vệ và tôn tạo khu di tích.
Trong bối cảnh đất nước ở giai đoạn đầu công cuộc đổi mới với nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh tế, quyết định thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn xa của lãnh đạo thành phố Hà Nội lúc đó. Chức năng của Trung tâm không khỉ là đơn vị quản lý di tích mà còn là bảo tồn, tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục để phát huy giá trị di tích. Đây là mô hình phù hợp, độc đáo và những gì diễn ra tại di tích trong 34 năm qua đã minh chứng rõ ràng cho mô hình Trung tâm này. Có thể khẳng định rằng, trong những giai đoạn tiếp theo, cho dù có những thay đổi mạnh mẽ về tổ chức, bộ máy nói chung thì Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn là mô hình hiệu quả đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích đặc biệt quan trọng này. Hiện nay, nhiều địa phương đã hình thành các trung tâm nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, hứa hẹn sẽ là " Thung lũng Silicon của Việt Nam". Từ giả thưởng VinFuture, mong rằng Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ là "vườn ươm", là nơi quy tụ các nhà khoa học Việt Nam và Thế giới đến tham gia, hoạt động.

Bài và ảnh Phạm Tứ




"

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3106689132981193&id=100009204113711




"

Tối qua, một người bạn từ Mỹ đã nhắn về: "Vinfuture Prize đã làm lu mờ Nobel!". Tôi hiểu rằng lời khen đó còn hàm ý hoài nghi do giá trị giải thưởng Vingroup đã trao quá lớn, vượt cả giải Nobel được coi là danh giá nhất toàn cầu. Nhưng theo dõi tường thuật trực tiếp lễ trao giải, nhìn rõ sự có mặt trân trọng của hàng trăm nhà khoa học hàng đầu trên thế giới trong khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội ngay giữa thời đại dịch, đọc danh sách hội đồng xét giải gồm toàn những tên tuổi khoa học lẫy lừng, chứng kiến sự xúc động nghẹn ngào của các nhà khoa học nhận giải, tôi tin chắc Vinfuture Prize đã thật sự xác lập được uy tín, giá trị toàn cầu, từ Việt Nam, đối với khoa học và mục tiêu phụng sự nhân loại của nó.
Bốn giải Vinfuture được trao lần thứ nhất, không nghi ngờ gì cả, đều là những thành quả nghiên cứu khoa học vĩ đại. Nhưng cá nhân, tôi đặc biệt xúc động và ngưỡng mộ với giải thưởng trao cho hai vợ chồng Giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Giáo sư Salim Abdool Karim người Nam Phi, với công trình nghiên cứu sản xuất một loại gel có chứa dược chất tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV. Không hiểu sao, khi dáng vẻ khổ hạnh khoa học xuất hiện trên sân khấu, tôi cứ đinh ninh họ là người Ấn Độ hoặc Banglades. Có lẽ cũng không phi thực tế lắm, nhất là khi nhắc đến họ, người ta đã nhấn mạnh đến yếu tố khó khăn, thiếu thốn điều kiện nghiên cứu và nỗ lực bội phần của các nhà khoa học các nước thế giới thứ ba và cho thế giới thứ ba - cũng là cho toàn nhân loại. Nó thật sự là một sự khích lệ lớn cho sứ mệnh nghiên cứu khoa học của thế giới trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Trao giải Vinfuture lần I cho họ, ngoài tôn vinh giá trị khoa học to lớn còn là sự đề cao một ý nghĩa nhân văn cao cả, thật sự mang tầm nhân loại.
Nó cũng ngọt ngào và nhân văn như âm hưởng tuyệt vời của bản Imagine mà danh ca 44 tuổi John Legend tự đệm đàn và cất lên.
Anh là một ca sĩ lừng lẫy đã giành được 10 giải Grammy, 1 giải Quả Cầu Vàng, 1 giải Oscar, và trong năm 2007, từng nhận được giải thưởng Starlight Award đặc biệt từ Songwriters Hall of Fame. Có lẽ đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, khán giả được nghe một ca sĩ vĩ đại biểu diễn như đốt cháy một ca khúc vĩ đại. Và vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng - bà Phạm Thu Hương, nhà sáng lập giải, đã là người đem lại điều đó.
Màn xuất hiện lộng lẫy, giải thưởng lớn lao tôn vinh những công trình khoa học danh giá, Vinfuture Prize đã phần nào đó giúp giảm bớt mặc cảm tự ti khoa học của Việt Nam và đóng góp thiết thực vào sự khích lệ phát triển khoa học của toàn thế giới. Điều này lớn lao và có ý nghĩa hơn nhiều so với những con số khổng lồ đã chi ra cho giải thưởng và tổ chức buổi lễ trao giải quá hoành tráng. Nó càng có ý nghĩa hơn, nếu ta biết rằng chỉ số đóng góp khoa học cho hành tinh và nhân loại của Việt Nam rất thấp, xếp hạng 124/125 năm 2014. Năm 2020, toàn cầu có 275.900 đơn sáng chế, Việt Nam chỉ vỏn vẹn 24 đơn, trong khi Trung Quốc có 68.720 đơn sáng chế!

Về tầm vóc đóng góp, cho đến nay ở Việt Nam, Vinfuture Prize vẫn là duy nhất và chỉ có vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng - bà Phạm Thu Hương cùng Tập đoàn Vingroup làm được. Dĩ nhiên, danh giá, uy tín còn phải phụ thuộc vào độ bền thời gian mà nó tồn tại. Để nuôi dưỡng và phát triển, nhà sáng lập và đội ngũ đồng hành sẽ còn phải nỗ lực lớn, trường kỳ. Dù sao bước đầu cũng đã rất thành công. Một ngọn lửa nhân văn cổ vũ và đóng góp cho sự phát triển khoa học và sứ mệnh phụng sự con người đã được thắp lên. Hy vọng nó sẽ cháy sáng mãi và không bị làm lụi tàn đi, không phải nhận thêm những hoài nghi tàn nguội...



"

https://www.facebook.com/NguoiCuaGiangHo04/posts/10216719144571046

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.