Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/06/2020

Thầy Ngô Đức Thịnh với quê hương : dòng họ và phụ mẫu

ngọn đèn của cha
vẫn đang tiếp cháy trong con
hiện lên đầu dãy đèn đường đêm nay, và nối những đêm mai
(trích từ bài Ngọn đèn, thơ Ái Vân Quốc, 2007)

Ở bản in sau này, bộ Đạo Mẫu (tức bộ sách Đạo Mẫu Việt Nam hay Đạo Mẫu ở Viêt Nam) của thầy Ngô Đức Thịnh, thường có một lời đề tặng ở trang bìa lót dành cho phụ mẫu.

Chẳng hạn, ở bộ sách đó bản in năm 2009 tại Nxb Tôn giáo, được chia thành 2 tập đều đóng bìa cứng (tập 1 thì gam màu đỏ, còn tập 2 thì gam màu vàng), ngay bìa lót tập 1 ghi "Kính dâng hương hồn Thân Mẫu". Hay bản in năm 2010 thành một tập bìa đen, bởi Nxb Tôn giáo - Công ty sách Từ Văn, thì ở bìa lót cũng ghi "Kính dâng hương hồn thân Mẫu".

1. Chúng tôi đã tới thăm quê của thầy Thịnh nhiều lần, mà lần đầu tiên là mùa hè năm 2009. Tức là khoảng 11 năm về trước. Lần đó, người anh trai lớn của thầy vẫn còn khá khỏe chân, đưa chúng tôi đi thăm nhà thờ họ Ngô. Người anh đi trước, cậu em trai theo sau, rồi là nhóm chúng tôi. Theo lệ thường, thì tôi hay chạy lên phía trước lia máy ảnh để ghi kỉ niệm, rồi lại tụt lại phía sau.

Nhà thờ họ Ngô còn giữ được khuôn viên có tường bao khá rộng rãi và bề thế, một nếp nhà cổ với mái ngói xưa cũ cùng cửa mặt trước là gỗ bức bàn, một cái cổng chính mới xây cất lại trên đề dòng chữ Hán Ngô đại tông từ (từ đường dòng họ lớn Ngô). Chú ý chữ "tông từ" (nhà thờ dòng họ).

2. Bên trong từ đường có cây phả hệ họ Ngô chữ quốc ngữ được khắc lên đá đen theo lối mới, tiêu đề là Phả đồ Ngô đại tộc. Tôi vẫn chưa xem kĩ phả đồ này, nên chưa xác định được là thầy Ngô Đức Thinh thuộc đời thứ bao nhiêu của dòng họ Ngô ấy.

Có khá nhiều cổ vật bên trong từ đường: hệ thống bài vị, ngai thờ, hoành phi câu đối. Bên ngoài sân, ở bên trái từ đường thì có một tấm bia đá chữ Hán soạn thời Thành Thái. Đá ở vùng Hải Hậu không tốt, nên mặt bia đã nổ lỗ chỗ.

3. Thầy kể nhiều chuyện thú vị về thân mẫu và thân phụ. Ông không kể liền mạch, mà khi nhớ ra điều gì thì nói chuyện rải rác trên đường du lãng thời đó. Có khi đang ở Gò Công trong Nam Bộ, ăn một món mắm ngon, ông nhớ ra điều gì đó, và kể một chút về thân mẫu.

4. Ngoài họ Ngô cả làng, thì ở chi họ gia đình, mấy anh em thầy cũng xây cất một nhà thờ khang trang ở ngay tại nhà sinh ngày trước (là nhà của người anh trai lớn, là nơi tụ họp của đại gia đình). Nhà thờ ấy có cổng cao trên ghi ba chữ Hán là Ngô gia từ.

Có nghĩa là: ở phạm vi gia đình thì là gia từ, còn phạm vị họ toàn làng thì là tông từ. Chúng tôi thống nhất rằng, đó là trào lưu sau Đổi Mới ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Sự phục hưng của văn hóa dòng họ.

5. Hôm nay là Thứ Ba ngày 9/6/2020, sau tang lễ được tổ chức ngày hôm qua (Thứ Hai, 8/6) tại nhà tang lễ quốc gia rồi được hỏa táng tại đài hóa thân Văn Điển (Hà Nội), tro cốt của thầy Ngô Đức Thịnh sẽ được nhập vào với khu mộ phần của gia tộc trong nghĩa trang nhân dân ở quê nhà.

Học trò xin đưa lên đây bức ảnh chụp vào mùa hè năm 2009 khi thầy dâng hương cho cha mẹ tại Ngô gia từ.



Kính chúc thầy an lạc nơi miền tịnh thổ cùng phụ mẫu và dòng họ Ngô ở quê nhà.

Học trò kính bái,
Chu Xuân Giao


Ngày 9 tháng 6 năm 2020,
Giao Blog














---







BỔ SUNG


4. Học trò Nguyễn Đăng Vũ viết trên các báo




(các ảnh trên được anh Vũ gửi tới Giao Blog)



GS.TS Ngô Đức Thịnh: Người truyền cảm hứng và lòng yêu văn hóa dân tộc

10:58 12/06/2020

Mấy hôm nay nhiều tờ báo đã đưa tin về Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh - một nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp lớn lao trên lĩnh vực văn hóa học, dân tộc học, văn hóa dân gian, một nhà giáo chuẩn mực được nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh yêu quý, về cõi vĩnh hằng vào ngày 6/6/2020.

http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/GS-TS-Ngo-Duc-Thinh-Nguoi-truyen-cam-hung-va-long-yeu-van-hoa-dan-toc-598644/



3. Trưởng nam Ngô Bằng Phong chia sẻ trên Fb

"

Thay mặt gia đình xin gửi lời cảm ơn đến các cơ quan ban ngành, các ông, bà, chú, bác, anh em và bạn bè đã chia buồn và tiễn đưa bố tôi GS-TS Ngô Đức Thịnh về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà.

Tang gia bối rối có gì sơ suất xin được lượng thứ.



"




https://www.facebook.com/ngo.bangphong/posts/2983842941699484





2. Tin của Phạm Tứ, ảnh của Nguyễn Văn Kự (xem toàn văn ở đây)









1. Một bài thơ của thi sĩ Ái Vân Quốc (có trích mấy câu làm đề từ bài ở trên)

"
Ái Vân Quốc

Mở đầu chùm Đoạn Trường Vô Thanh: Đứt ruột không tiếng




trời đất còn không thể lâu dài/trường cửu, huống là người/người ta (Lão tử)**


tuổi lên năm theo anh trốn cha ra chơi phố huyện
lần đầu phát hiện vũ trụ:
ở bên ngoài căn nhà đất của cha, có thực một thế giới bao la
ở bên ngoài ngọn đèn dầu của cha, có thực những hàng đèn đường quyến rũ


tha thẩn lần đầu như mân mê mương nước đầu làng: những mảnh thủy tinh lượn quanh đàn cá phướn
khoai lang hồng bới lên từ nắng cạnh con đường
xâu bánh đa rắc vừng treo trên tường cũ quán
vượt qua sân vận động sang bên kia là gió hoa bòng*** rười rượi cổng trường


phố huyện giờ này ở đâu trong đám mây trắng kia
đêm nay
dưới ngọn đèn đường
cha ở trong phố huyện
trong đám mây
trong căn nhà đất
dưới một mét rưỡi hơn, trên có nhiều vòng hoa đang héo dần


ngọn đèn của cha
vẫn đang tiếp cháy trong con
hiện lên đầu dãy đèn đường đêm nay, và nối những đêm mai
Tokyo, 2.2007
--------------
Chú thích:
* Đây là bài đầu tiên trong chùm Đoạn trường vô thanh 断腸無声: Đứt ruột không tiếng, để tưởng niệm cha tôi, sẽ thực hiện dần cho đến ngày sang cát cho ông (gồm: thơ avq, thơ do avq dịch, và những nội dung khác nói về sự ra đi/sẽ ra đi không trở lại của thân xác giả tạm của kiếp người). Đặt tên chùm Đoạn trường vô thanh: Đứt ruột không tiếng là có bao hàm một ý để ghi nhớ những kỉ niệm nho nhỏ giữa hai cha con liên quan đến Đoạn trường tân thanh 断腸新声: Tiếng kêu mới đứt ruột [tức Kim Vân Kiều tân truyện, hay KiềuTruyện Kiều] của cụ Tố Như.
Phụ chú của Tiền Vệ: Khi nhận được bài thơ này từ Ái Vân Quốc, chúng tôi có liên lạc ngay với anh và nhắc cho anh rằng nhan đề Đoạn trường vô thanh đã được nhà thơ Phạm Thiên Thư sử dụng trước năm 1975 ở Sài Gòn. Ái Vân Quốc vô cùng ngạc nhiên về sự trùng hợp ngẫu nhiên này. Anh sinh vào tháng 3 năm 1975 tại Hà Nội, và khi anh lớn lên sau 1975, thơ Phạm Thiên Thư không còn được lưu hành nữa, nên anh không hề biết rằng năm 1969 ở miền Nam Việt Nam nhà thơ Phạm Thiên Thư đã có sáng tác thi phẩm Đoạn trường vô thanh (xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn), dài 3254 câu. Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư đã đoạt giải nhất văn chương toàn quốc (Việt Nam Cộng Hoà) năm 1973, và nhiều đoạn trong thi phẩm đã được một số nhạc sĩ nổi tiếng phổ thành ca khúc. Nhà thơ trước ở miền Nam, nhà thơ sau ở miền Bắc, hai tác phẩm cách nhau gần 40 năm nhưng không ngờ lại có cùng một nhan đề! Sự trùng hợp ngẫu nhiên này chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam, nơi đã phải trải qua một giai đoạn lịch sử vô cùng kỳ lạ.
** Nguyên văn: 老子曰。 天地尚不得長久。而況人乎 (phiên âm Hán Việt: Lão tử viết, thiên địa thượng bất đắc trường cửu, nhi huống nhân hồ). Câu này trích lại từ điều/điều mục/phẩm 37 (phẩm cuối cùng) của sách Lí hoặc luận 理惑論 do Mâu tử 牟子 (tức Mâu Bác 牟博), người Trung Quốc, soạn trong khoảng những năm 195-198, tại Luy Lâu [vùng Thuận Thành, Bắc Ninh, thuộc Việt Nam ngày nay] – nơi ông đã bỏ Nho, vứt Lão, để qui y Phật (có thể là do nhờ được học kinh Phật tiếng Việt / Kinh Phật tiếng Phạn đã dịch sang tiếng Việt lưu hành tại Giao châu lúc đó) [ở đây, tạm theo quan điểm của Trần Văn Giáp, Lê Mạnh Thát, Trần Nghĩa và một số vị khác].
*** hoa bòng: ngôn ngữ của cha tôi. Ông hay nói: hoa bòng, hoa bòng hoa bưởi, bòng bưởi.

"

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=5559

2 nhận xét:

  1. 3. Trưởng nam Ngô Bằng Phong chia sẻ trên Fb

    "

    Ngô Bằng Phong
    2 giờ ·
    Lời cảm ơn
    Thay mặt gia đình xin gửi lời cảm ơn đến các cơ quan ban ngành, các ông, bà, chú, bác, anh em và bạn bè đã chia buồn và tiễn đưa bố tôi GS-TS Ngô Đức Thịnh về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà.

    Tang gia bối rối có gì sơ suất xin được lượng thứ.

    Trả lờiXóa
  2. 4. Học trò Nguyễn Đăng Vũ viết trên các báo

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.