Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/06/2020

Học giả Phan Ngọc - những ghi chép nhanh 2020

Phan Ngọc là một cái tên đặc biệt với chúng tôi - lứa sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi nửa đầu thập niên 1990. Đó là thời điểm ông cho ra đời nhiều tác phẩm cùng một lúc, mà nhiều cuốn thì mua được dễ dàng ở hiệu sách nho nhỏ trước cổng trường (cái hiệu sách ấy đã nhắc qua ở đây), hay hiệu sách ở khu Bách hóa Thanh Xuân (nằm ở gần giữa đoạn đường nối kí túc xã Mễ Trĩ với cơ sở nhà trường ở Thượng Đình, nên rất tiện lúc đi học hay lúc trở về).

Những tác phẩm của Phan Ngọc hồi đó chỉ mỏng mỏng nhưng được bạn đọc trong giới học thuật tán thưởng nhiều. Sinh viên bọn tôi thì thích sự trẻ trung trong cách viết và lối nghĩ của một học giả kì cựu.

Ngoài sách, Phan Ngọc cũng cho đăng nhiều bài rất thú vị trên các tạp chí học thuật. Chúng tôi đều chú ý đọc (một số sau được đưa vào sách, hoặc là được rút từ sách ra). Gần đây, sách đã xuất bản thời đó của Phan Ngọc bị Lê Minh Khai bỉ bai nặng, ở đây.

1. Phan Ngọc rất ấn tượng ở buổi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ của cụ Ngô Đức Thọ (đã từ trần) tại hội trường lớn Viện Nghiên cứu Hán Nôm (lúc đó đã chuyển từ Lý Thường Kiệt về Đặng Tiến Đông như hiện nay). Khoảng các năm 1992 - 1994 gì đó (kiểm tra lại cụ thể sau). 

Tôi lúc ấy chắc vẫn còn là sinh viên, đi dự buổi đó vì mến mộ cả hai vị: nghiên cứu sinh Ngô Đức Thọ (một chuyên gia về chữ húy trong văn bản Hán Nôm) và thành viên hội đồng chấm luận án Phan Ngọc (thông tin buổi bảo vệ, hình như tôi nghe đầu tiên từ Phan Ngọc trong một lần nào đó ghé qua nhà ông lúc đó trên phố Bùi Thị Xuân). 

Nhớ mãi câu cụ Ngọc nói khi đọc bản nhận xét: luận án của anh Thọ mà đem bảo vệ ở Mĩ hay Pháp thì được hoan nghênh nhiệt liệt hơn nữa. Đại khái ý là vậy.

Bây giờ, nhớ về buổi bảo vệ luận án ấy, thì đại khái chủ yếu nhớ đến hình ảnh của nghiên cứu sinh đã lớn tuổi và người nhận xét thú vị như trên. Hình như, cuối buổi có liên hoan gì đó ngay tại sảnh tầng một. 

2. Sau rồi, ông xuất hiện ở lớp cao học của tôi. Ông dạy khoảng năm bảy buổi gì đó. Vở ghi chép của tôi về những buổi đó, kèm tư liệu ông phát, chắc vẫn lưu ở một hộp tư liệu cũ nào đó trong nhà. Sắp tới sẽ chỉnh lí lại.

3. Hồi thầy Phan Ngọc giảng bài cao học cho lớp chúng tôi, là khoảng các năm 1996-1997 gì đó (xác nhận cụ thể sau), thì ông vẫn thuộc biên chế của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Hồi đó Viện trưởng là cụ Phạm Đức Dương - cũng đến giảng bài ở lớp tôi một ít buổi.

4. Một hôm, học giả Trương Sỹ Hùng, lúc đó là Phó Tiến sĩ Trương Sỹ Hùng, bảo tôi qua phòng ông bên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - là vì Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian của tôi thì nằm sát Viện của ông, cùng trong tòa nhà 27 Trần Xuân Soạn.

Sang phòng chú Hùng, thì được chú tặng sách mới ra, rồi hàn huyên nhiều thứ. Mình bảo: hình như cụ Phan Ngọc là quân số phòng chú Hùng, đúng không ? Chú Hùng nói đại ý: đúng thế, cụ Phan Ngọc là lính của phòng tớ, còn tớ là trưởng phòng, về mặt hành chính thì tớ quản lí cụ Ngọc. Nhiệm vụ hành chính thế thôi.

Đại khái như vậy. Chuyện của hơn 20 năm về trước rồi.

Gần đây, trên không gian mạng, thấy có sách của chú Hùng với lời đề tặng ông bà Phan Ngọc. Xem dưới đây (ảnh lấy về từ Fb). Sách mới xuất bản năm 2010, nên việc đề tặng chắc là phải từ 2010 trở lại.



Ghi nhanh, đầu tháng 6 năm 2020,
Giao Blog





Nội dung cuốn sách thì quá lớn, đến mức khó tin:







---

BỔ SUNG

..


5 nhận xét:

  1. Cám ơn Giao về bài viết này.
    Tôi ấn tượng mạnh với cụ Phan Ngọc qua cuốn TÌM HIỂU PHONG CÁCH NGUYỄN DU TRONG TRUYỆN KIỀU (1985), và gần đây là cuốn VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ CÁCH TIẾP CẬN MỚI (2005). Cụ Ngọc có đến nói chuyện ở Hội nhà văn Hà Nội, nhưng có vẻ như cụ nói không hay bằng viết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bác Vũ Nho đã nhận xét, cụ Phan Ngọc nói không hay bằng viết. Mọi tâm tư cụ gửi vào ngòi bút hết, và cũng không quen nói do có một thời gian dài "không nói" mà chỉ viết (ngày trước, khi nói chuyện với bọn cháu, cụ hay kể về quãng thời gian "không nói").

      Xóa
  2. Anh Giao cho em hỏi là giọng Phan Ngọc như thế nào ạ? Còn vở ghi chép bài giảng của Phan Ngọc thì em nghĩ xuất bản thành sách được anh ạ.

    Có một khái niệm then chốt của Phan Ngọc mà ông ấy chưa từng định nghĩa là "thao tác" (Phan Ngọc gợi ý muốn hiểu khái niệm đó cần đọc Husserl, tức thầy của Trần Đức Thảo). Không biết Phan Ngọc định nghĩa nó trong các bài giảng hay nói chuyện riêng không ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để sắp tới mình chỉnh lí lại tư liệu cũ thì tìm lại vở ghi xem sao, rồi sẽ trả lời em về chi tiết có xuất bản được hay không.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.