Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/05/2020

Những mảnh vỡ còn lại của thời kì Bắc thuộc ngàn năm : bia xá lị năm 601 (thời thuộc Tùy) ở Bắc Ninh

Mảnh bia này mới được tìm thấy ở vùng Bắc Ninh - được xem là chỗ đóng đô của bộ máy cai trị phương Bắc thời xưa. Cũng khoảng gần chục năm về trước rồi.

Đó là thời nhà Tùy ở Trung Quốc. Còn Giao Châu, thì là thời thuộc Tùy - một đoạn trong cả một ngàn năm Bắc thuộc.

Thời thuộc Tùy cách chúng ta tới khoảng 1600 năm. Vượt qua quãng thời gian tới tận 16 thế kỉ, với bao nhiêu binh hỏa chiến tranh, bao nhiêu đổi thay, mà vẫn có một vài mảnh bia sót lại (mảnh ở Thanh Hóa liên quan đến Lê Ngọc thì đọc ở đây, còn mảnh đang nhắc đến là ở Bắc Ninh).

Về không khí của nhà Tùy trong quan hệ với các đạo sĩ thời đó, thì có thể đọc một truyện truyền kì do đạo sĩ trứ danh Đỗ Quang Đình viết - bản dịch tiếng Việt của chủ nhân Giao Blog từ đầu thập niên 1990 (xem lại bản dịch ấy ở đây hay ở đây).

Từ đây trở xuống là về mảnh bia mới tìm thấy ở Bắc Ninh. Một bài báo điểm tin đưa lên đầu tiên, có gì bổ sung thì dán ở dưới như mọi khi.

Tháng 5 năm 2020,
Giao Blog




Bia đá thời thuộc Tùy (năm 601)




Một truyện của đạo sĩ thời Đường viết về không khí thời Tủy






---



Tìm thấy tấm bia cổ nhất Việt Nam?

08/11/2012    10:26 GMT+7

Có tới 4 báo cáo khoa học về tấm bia mới phát hiện ở Bắc Ninh tại Hội thảo Thông báo khảo cổ học 2012. Nếu được chứng minh không phải là bia ngụy tạo, tấm bia này sẽ trở thành bia cổ nhất Việt Nam.
Sau 8 năm kể từ ngày ông Nguyễn Văn Đức phát hiện được trong lúc đào lò gạch, tấm bia đá khắc minh văn ở Bắc Ninh đã “đốt cháy” diễn đàn của hội nghị thông báo khảo cổ học năm nay. Khi được tìm thấy, bia được úp khít vào một nắp, dính vào nhau bởi một chất liệu đặc biệt. Chính vì thế, ông Đức cùng vài công nhân phải rất vất vả mới tách ra được. Theo các nhà nghiên cứu, bản thân việc bia được phát hiện trong hộp chôn dưới đất cũng là chuyện hiếm gặp.
“Bia được để trong hộp có mái che nên rất rõ nét, chữ khắc đậm, sâu, còn nguyên vẹn”, ông Nguyễn Quang Hà, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội cho biết.
Ghi chép về tháp xá lị thời Tùy
Mặt bia được giới thiệu tại Hội nghị thông báo khảo cổ học 2011-2012.
Theo những dòng chữ trên bia, một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là hiện vật gắn với chùa Thiền Chúng xứ Giao Châu xưa (Bắc Ninh ngày nay), minh chứng cho sự kiện Tùy Văn Đế dựng tháp xá lị năm 601. Theo đó, Tùy Văn Đế đã ban xá lị cho một số nơi, rồi những nơi đó xây tháp cất. Thông thường, tại những tháp đó đều có minh văn ghi rõ về sự kiện, gọi là minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp”.
Ông Phạm Lê Huy, Khoa Đông Phương ĐH KHXH-NV Hà Nội, cho biết qua so sánh, có thể thấy minh văn tìm được tại Bắc Ninh có nội dung về cơ bản giống với các minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp” có niên đại 601 đã phát hiện tại Trung Quốc, chỉ tồn tại một số khác biệt nhỏ.
Chẳng hạn, minh văn tại Bắc Ninh có tiêu đề “Xá lợi tháp minh”. Trong khi đó, một số minh văn Trung Quốc lại ghi là “Xá lợi tháp hạ minh” hoặc không ghi tiêu đề. Thứ nữa, trong khi các minh văn khác chỉ có phần chính văn thì minh văn tại Bắc Ninh lại có thêm phần chú thích về “sắc sứ” là “Đại đức Tuệ Nhã pháp sư” và “Vũ kỵ úy Khương Huy”.
Việc bia và nắp bia được kết dính bằng một chất đặc biệt cũng từng xảy ra tại Trung Quốc. Theo tư liệu của một nhà nghiên cứu Nhật Bản, hộp đá đựng minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp” tại chùa Hoằng Nghiệp ở U Châu cũng được dính bằng “hương nê” (bùn hương).
Từ những thống nhất nội dung trên, ông Phạm Lê Huy nhận định tấm bia tìm được ở Bắc Ninh chính là minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp”. Bia được khắc nhân sự kiện xây dựng tháp xá lợi ở Giao Châu năm 601. “Đây là tấm bia hiện còn lưu giữ được có niên đại cổ nhất Việt Nam”, ông Huy nói.
Hình dung về chính trị, ngoại giao, Phật giáo
Lần theo thư tịch cổ, ông Quang Hà cho biết một số ghi chép về lý do Tùy Cao Tổ đã sai sứ mang xá lị Phật sang để xây tháp tại Giao Châu. Thiền Uyển tập anh cho biết thời đó, nhà sư ở Giao Châu đã tu tập thiền định quên hết cả vật lẫn bản thân mình. Vì thế, chim rừng bay tới vây quanh, dã thú đùa giỡn. Người đương thời hâm mộ danh tiếng, đến học đạo đông không kể xiết. Thứ sử nhà Tùy là Lưu Phương tâu về triều. Tùy Cao Tổ sai sứ đem xá lị Phật và năm hòm sắc điệp sang ban cho sư để xây tháp cúng giàng.
Như vậy, việc tìm thấy bia đá tại Bắc Ninh đã cho thấy một phần lịch sử Phật giáo nước ta. Bên cạnh đó, bia đá cũng cho thấy quy cách tổ chức nghi lễ, chính quyền nhà Tùy thời đó.
“Sự thống nhất về câu chữ trong minh văn cho thấy bên cạnh thiết kế tháp xá lợi, quy cách tổ chức nghi lễ, chính quyền Trung ương của nhà Tùy đã biên soạn trước nội dung minh văn để phân phát cho các địa phương”, ông Huy phân tích. “Mặt khác, kích thước bia, kiểu chữ khắc lại khác nhau. Việc tìm thấy minh văn tại Bắc Ninh giúp tái khẳng định ý kiến của Kegazawa cho rằng nhà Tùy chỉ đóng vai trò biên soạn nội dung minh văn, còn việc khắc bia giao cho các địa phương. Nói cách khác, có thể cho rằng tấm bia 601 được khắc tại Việt Nam”.
Theo các nhà nghiên cứu, minh văn tháp xá lợi tìm thấy tại Bắc Ninh đã thay thế bia Trường Xuân, trở thành tấm bia có niên đại cổ nhất Việt Nam hiện còn lưu giữ được. Cả hai văn bia này giúp chúng ta có nhận thức hoàn chỉnh hơn về hoạt động xây dựng tháp xá lợi và các tín ngưỡng xung quanh trong thời thuộc Tùy - Đường.
Không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam, tấm bia này cũng là nguồn tư liệu quý quá giúp nâng cao hiểu biết của giới học giả Trung Quốc và Nhật Bản về hoạt động xây dựng “Nhân thọ xá lợi tháp” nói riêng và chính sách Phật giáo của nhà Tùy nói chung. Cụ thể, nó giúp xác định địa điểm xây dựng tháp, sứ giả hộ tống.
Tấm bia cũng là một tài liệu bổ sung cho nghiên cứu lịch sử giao thông thời Bắc thuộc. Chiếu thư Tùy Văn Đế phát ra ngày 13.6, ước hẹn các địa phương cùng hạ thổ xá lợi vào 15.10. Như vậy, nhà Tùy đã phải cân nhắc thời gian cần thiết để sứ giả đi tới các địa phương. Theo đó, thời gian 124 ngày giữa hai mốc là thời gian tối đa để đi từ kinh đô nhà Tùy tới nước ta khi đó là An Nam đô hộ phủ. Điều này cũng tương ứng với một nghiên cứu của ông Huy trướcđây.
Khả năng ngụy tạo?



Ông Nguyễn Đạt Thức, Cục Di sản văn hóa, cho biết: “Bên cạnh quan điểm đây là bia cổ nhất, lại có một quan điểm khác ngờ rằng, đây không phải là hiện vật gốc mà được người sau cho khắc lại, thậm chí là được ngụy tạo. Tuy nhiên, những người theo quan điểm này lại chưa thể đưa ra những chứng minh mang tính khoa học, mà chỉ dựa trên một số lập luận mang tính cảm quan”.



Theo ông Lê Cảnh Lam, Viện Khảo cổ học, quan sát trên ảnh chụp với những đường nét khá nguyên vẹn, trông bia có vẻ mới hơn tuổi thọ cổ nhất của mình. Vì thế, ngoài việc nghiên cứu “phông chữ” qua cách khắc, theo ông Lam rất cần phải có những nghiên cứu khoa học tự nhiên về tấm bia này.



Về phần mình, ông Thức cũng không khai thác vấn đề tuổi thọ thật của hiện vật mà chỉ nói về các thông tin lịch sử văn hóa có liên quan đến tấm bia như sự kiện Tùy Văn Đế cho dựng tháp xá lị.

Theo Thanh Niên Online

.



----


BỔ SUNG



3.


Chuyện về văn bia cổ nhất Việt Nam được người dân tìm thấy khi đào đất đóng gạch
(PLVN) - Sau cả ngàn năm bị chôn vùi dưới đất, bia Xá lợi tháp minh đã được một người dân tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vô tình tìm thấy. Xuất hiện từ thời Tùy Văn Đế, Xá lợi tháp minh được công nhận là văn bia cổ nhất tại Việt Nam. Bởi đó, Xá lợi tháp minh giúp cho quá trình nghiên cứu về tình hình chính trị, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý trở nên sáng tỏ hơn. 

Chuyện về văn bia cổ nhất Việt Nam được người dân tìm thấy khi đào đất đóng gạch
Bia Xá lợi tháp minh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh
Bia cổ từ thế kỷ thứ 7 vùi sâu trong lòng đất
Năm 2004, ông Nguyễn Văn Đức (thôn Xuân Quang, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đào đất làm gạch ở gần khu vực chùa làng, đã va phải một vật rất cứng. Đó chính là tấm bia Xá lợi tháp minh.
Ông Đức tìm thấy tấm bia cùng một hòm đá bao gồm phần nắp và phần thân, trên có ghi các ký tự giống chữ Nôm. Nghĩ đây là đồ cổ, vật thiêng nên ông đem cất kỹ trong nhà. Gần chục năm sau, khoảng năm 2012, ông có đưa tấm bia cổ cho một vài người biết đôi chút chữ Hán Nôm xem. Bản thân ông Đức, theo câu chuyện kể, giữ tấm bia kín đáo đến mức người nhà cũng không hay biết.
Sau này khi bà Thơm, một cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh đi tìm kiếm tư liệu thì được một người làm việc tại xã Trí Quả mách về việc đã từng nghe về một tấm bia như bà đang tìm kiếm. Sau khi biết được tấm bia đang ở nhà ông Đức, bà Thơm đã lui tới nhà ông nhiều lần chỉ với mong muốn được nhìn thấy và chụp ảnh tấm bia đó.
May mắn thay khi đã đủ tin tưởng các chuyên gia, ông Đức đã tặng lại tấm bia cho Bảo tàng Bắc Ninh mà không hề đưa ra bất cứ đòi hỏi gì. Tuy nhiên, bảo tàng đã tặng ông một tấm gò đồng trên khắc chữ An của làng đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). 
Theo bài viết gửi cho Hội nghị Thông báo Khảo cổ học của TS. Lê Viết Nga (Bảo tàng Bắc Ninh), tấm bia có phần nắp và phần thân cùng có kích thước 45x46cm, phần nắp đậy dày 4cm. Mặt dưới phần nắp tạo gờ nổi xung quanh (có lẽ để tránh phần nắp tiếp xúc trực tiếp với mặt chữ và để trát hợp chất), mặt trên tạo “góc bạt chéo hình trụ”. Bia được tìm thấy cùng một hòm đá cũng bao gồm phần nắp và phần thân.
Hòm có kích thước 45x46cm, phần nắp dày 8 cm, phần thân cao 20cm. Phần phía trên nắp cũng tạo góc bạt chéo hình trụ. Bên trong hòm có “tạp chất màu thâm đen”. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Đức, bia đá và hòm đá được đặt trên một phiến đá. Được biết, khi ông Đức tìm thấy, tấm bia được úp khít bởi một nắp đá, được kết dính bằng một chất đặc biệt mà tới giờ các nhà khoa học vẫn chưa rõ. Bởi vậy, ông cùng vài công nhân đã phải rất vất vả mới tách đôi được.
Theo các nhà nghiên cứu, do tấm bia được đựng trong hộp kín có mái che nên rất rõ nét, chữ khắc đậm, sâu và còn nguyên vẹn. Điều này đã giúp các nhà nghiên cứu nhanh chóng tìm hiểu được nội dung của tấm minh văn và xác định niên đại của nó.
Nội dung "Minh tháp xá lợi" ghi những gì?
Ngày 29/8/2012, sau khi nhận được tin từ Bắc Ninh, một đoàn các nhà nghiên cứu gồm: GS. Phan Huy Lê, PGS. TS Tống Trung Tín, TS. Nguyễn Văn Sơn đến Bảo tàng Bắc Ninh và trực tiếp quan sát văn bia dưới sự hướng dẫn của Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh TS. Lê Viết Nga và một số cán bộ của bảo tàng. Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia đã công bố Bản minh văn được khắc trên tấm bia tổng cộng có 133 chữ, được chia làm 13 dòng bao gồm: 1 dòng tiêu đề, 10 dòng chính văn, 2 dòng chú thích, mỗi dòng về cơ bản có 13 chữ.
Bản phiên âm của tấm minh văn có nội dung theo các dòng như sau: “1. Xá lợi tháp minh văn; 2. Duy Đại Tuỳ Nhân Thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt; 3. Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu; 4. Hoàng đế phổ vi nhất thiết pháp giới u hiển sinh linh cẩn; 5. Giao Châu Long Biên huyện Thiền Chúng tự phụng an xá lợi; 6. kính tạo linh tháp nguyện; 7. Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng; 8. hậu, Hoàng thái tử, chư vương tử tôn đẳng, tịnh nội ngoại quần; 9. quan, viên cập dân thứ, lục đạo tam đồ, nhân, phi nhân đẳng; 10. sinh sinh thế thế trị phật văn pháp, vĩnh ly khổ không, đồng; 11. thăng diệu quả; 12. Sắc sứ Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kị uý; 13. Khương Huy tống xá lợi ư thử khởi tháp”.
Tạm dịch: “Bài minh tháp xá lợi; Đại Tùy niên hiệu Nhân Thọ nguyên niên (601) nhằm năm Tân Dậu, tháng 10, ngày sóc Tân Hợi, ngày 15 Ất Sửu. Vì sinh linh u hiển của tất cả các cõi pháp giới, Hoàng đế [tức Tùy Văn Đế] kính cẩn kiến tạo linh tháp, phụng an xá lợi tại chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao châu. Nguyện cho: Đức Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử, các vương tử vương tôn, cùng quan viên nội ngoại, đến cả kẻ thứ dân, lục đạo tam đồ, nhân, phi nhân, đời đời kiếp kiếp được gặp Phật nghe pháp, vĩnh viễn thoát ly khổ đau, cùng đạt quả phúc. Sắc chỉ sai Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kị úy là Khương Huy đưa xá lợi đến đây xây tháp”.
Theo TS. Phạm Lê Huy, giảng viên tại Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), bài minh văn đã hé lộ niên đại của tấm bia Xá lợi được tìm thấy ở Bắc Ninh là từ năm 601 dưới thời vua Tùy Văn Đế (Trung Quốc). Bài minh trên bia ghi rõ vào năm 601, vua Tùy Văn đế đã cho làm tháp xá lợi để Đức thái tổ, hoàng hậu, hoàng đế... cùng những người khác đời đời kiếp kiếp được gặp Phật nghe pháp, vĩnh viễn thoát ly khổ đau, cùng đạt quả phúc.
Bài minh cũng nêu rõ tên người đưa xá lợi đến xây tháp tại chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao châu (khi đó còn có tên nước là Vạn Xuân vua đời thứ ba cai trị là Lý Phật Tử- PV).
Theo nhà nghiên cứu Phạm Lê Huy trong vòng 4 năm, từ năm 601 (Nhân Thọ 1) đến năm 604 (Nhân Thọ 4), Tùy Văn Đế Dương Kiên đã ba lần phân phát xá lợi. Đồng thời vua Tùy tổ chức xây dựng bảo tháp an trí xá lợi tại hơn 100 châu thuộc bản đồ các nước thuộc danh sách đô hộ của nhà Tùy thời bấy giờ. Đây là một phần trong chính sách phục hưng Phật giáo của người sáng lập vương triều nhà Tùy.
Mang trong mình ý nghĩa quan trọng như vậy, hoạt động phân phát xá lợi và hệ thống bảo tháp xá lợi được xây dựng dưới niên hiệu Nhân Thọ (thường được giới nghiên cứu biết đến dưới thuật ngữ Nhân Thọ xá lợi tháp) đã sớm nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của rất nhiều học giả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
(Kỳ tới: Dấu ấn trầm tích lịch sử của nhà nước Vạn Xuân trên "Xá lợi tháp minh") 

Vũ Lành (t/h)
https://baophapluat.vn/xa-lo/chuyen-ve-bia-co-xa-loi-thap-minh-duoc-nguoi-dan-tim-thay-khi-dao-dat-dong-gach-507639.html




2.

Bia “Xá lợi Tháp Minh”

* Tên đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Bắc Ninh
* Số đăng ký: 2135
* Chất liệu: Đá
* Kích thước:
- Bia đá:
+ Thân bia: dài: 53,5cm, rộng: 45cm, cao: 8,5cm
+ Nắp bia: dài: 53,5cm, rộng: 45cm, cao 4cm
- Hộp đá:
+ Thân hộp: dài: 47cm, rộng: 44,5cm, cao: 31cm
+ Nắp hộp:dài: 47cm, rộng: 44,5cm, cao 8cm
- Phiến đá phía dưới đặt hộp đá và bia: chiều dài: 98cm, chiều rộng: 39cm, chiều cao: 17cm
* Số lượng: 01(kèm theo hộp đá và tấm đá phía dưới đặt bia đá và hộp đá)
* Miêu tả:
- Bia “Xá lợi tháp minh” được tạo tác bằng đá xám qua thời gian chất liệu đá vẫn còn giữ nguyên, còn hộp và nắp đậy cùng phiến đá phía dùng để đặt bia và hộp đá đều được chế tác bằng chất liệu đá xanh, qua thời gian đá bị bào mòn và phong hoá, đôi chỗ đã bị sứt mẻ nhỏ. Bia hình gần vuông (53,5cm x 44,5cm), lòng bia khắc chữ Hán còn rất rõ nét gồm 133 chữ, chia thành 13 dòng, dòng đầu khắc 4 chữ “Xá lợi tháp minh”. Mặt chữ được đậy bằng một nắp đá mỏng hơn dầy 4cm. Mặt dưới nắp tạo gờ nổi xung quanh đặt xuống vừa khít vào phần khắc chữ, mặt trên của nắp tạo góc bạt chéo hình trụ. Bia đá và nắp đậy được làm bằng chất liệu đá rất tốt nên qua thời gian mà đá vẫn nhẵn không thấy sự bào mòn phong hoá.
Căn cứ vào chất liệu đá, nghệ thuật tạo tác trang trí, phong cách viết chữ trên bia và niên đại ghi trên tấm bia cho ta biết được bia đá và hộp đá có niên đại thời Tuỳ (601).
- Hộp đá hình hộp (47cm x 44,5cm), trong lòng khoét lõm hình vuông kích thước: dài: 17cm, rộng: 17cm, sâu: 26cm, ở bên trong có một ít tạp chất mầu thâm đen và được đậy bằng một nắp đá dầy 8cm. Nắp đá mặt dưới tạo gờ nổi chạy xung quanh úp xuống vừa khít với thân, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ giống với nắp bia.
- Phiến đá phía dưới (đặt hộp và bia) hình chữ nhật không trang trí hoa văn, mặt trên phẳng, mặt dưới hơi gồ ghề, qua thời gian nằm ở dưới lòng đất mặt đá bị bào mòn, một đầu bị sứt vỡ nhỏ. 
* Hiện trạng:
Bia và nắp đậy bia bị sứt trong quá trình cậy (vì nó bị dinh rất chặt phải dùng mai cậy mãi mới được), đá không bị bào mòn do thời gian.
Hộp đá và tấm đá phía dưới (đặt bia và hộp) bị sứt mẻ và phong hoá.
* Niên đại: Thời Tuỳ (601).
* Nguồn gốc, xuất xứ: Hiện vật do ông Nguyễn Văn Đức thôn xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hiến tặng cho Bảo tàng Bắc Ninh. Ông Đức cho biết trong quá trình đào đất để làm gạch ngói đã phát hiện bia đá và một số di vật khác ở khu đồng Sau Chùa (khu vực này xưa thuộc đất chùa), cách chùa làng Xuân Quan hiện nay 20m. 
* Lý do lựa chọn: Là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo. Bia “Xá lợi tháp minh” cùng với hệ thống di vật cổ bằng đá có niên đại cổ nhất Việt Nam. Nội dung trên bia cho chúng ta biết được rất nhiều thông tin quan trọng ghi chép về sự kiện dựng tháp và đặt xá lợi vào năm Nhân Thọ nguyên niên (601) đời vua Tuỳ Văn Đế ở chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, đất Giao Châu. Qua đó giúp ta nghiên cứu về tình hình chính trị, giao thông, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý. Tấm bia là Di sản văn hoá vật thể độc đáo ghi khắc về chùa Thiền Chúng, địa danh huyện Long Biên vùng đất Giao Châu góp phần quan trọng minh chứng cho việc xác định địa danh Long Biên cũng như tên chùa Thiền Chúng xuất hiện dưới thời Bắc thuộc vào thế kỷ thứ VII.
(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

http://dsvh.gov.vn/bia-xa-loi-thap-minh-3043




1.

LÊ VIẾT NGA
Bảo tàng Bắc Ninh
Đầu tháng 8 năm 2012, tổ công tác thuộc phòng Nghiên cứu Sưu tầm Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh(1) đã phát hiện và sưu tầm được hai cổ vật độc đáo ở chùa Thiền Chúng (Thuyền Chúng), huyện Long Biên, xứ Giao Châu xưa.
1. Bia mộ tháp: gồm hai phần có hình gần vuông, kích cỡ (45cm x 46cm) úp khít vào nhau: phần dưới (thân bia) dày 9cm được cắt khá nhẵn xung quanh, một mặt khắc chữ Hán còn rất rõ nét, gồm 133 chữ, chia thành 13 dòng, dòng đầu khắc 4 chữ “Xá lợi minh tháp”, dòng thứ 2 ghi khắc “Duy Đại Tuỳ nhân thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu”. Nội dung cơ bản được phiên âm và lược dịch như sau:
Phiên âm: Xá Lợi tháp minh
Duy Đại Tuỳ Nhân Thọ nguyên niên, tuế thứ Tân Dậu, thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu.
Hoàng đế phổ vi nhất thiết pháp giới, u hiển sinh linh. Cẩn ư Giao Châu, Long Biên huyện, Thiền Chúng tự phụng an xá lợi, kính tạo linh tháp.
Nguyệt Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu. Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng Thái tử, chư vương, tử tôn đẳng tịnh nội ngoại quần quan ái cập dân thứ lục đạo, tam đồ. Nhân phi nhân đẳng, sinh linh thế thế, trị Phật văn pháp, vĩnh ly khổ không đồng thăng diệu quả.
Sắc sử Đại Đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ Kỵ Uý khương huý tống xá lợi ư thử khởi tháp.
Lược dịch:
“Trước ngày Ất Sửu (tức ngày 15), tháng Tân Hợi (tháng 10), năm Tân Dậu nước Đại Tuỳ niên hiệu Nhân Thọ năm thứ nhất (601).
Hoàng đế cẩn trọng mở rộng dòng thuyết pháp, mở cõi u hiển đến mọi sinh linh ở chùa Thuyền Chúng (Thiền Chúng) thuộc huyện Long Biên đất Giao Châu để kính cẩn dựng ngôi tháp thiêng đặt yên xá lợi theo ước nguyện của Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu.
Tất cả các bậc từ Hoàng đế, Hoàng hậu, hoàng Thái tử, đến các con cháu trong hoàng tộc cùng các quan được sủng ái, thứ dân không kể lục đạo, tam đồ trên cõi đời đều thuận theo lời dạy của đức Phật mãi thoát khỏi cõi khổ ải trầm luân, cùng hưởng quả phúc.
Sắc cho Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ Kỵ uý Khương Huy dựng ngôi tháp và an vị xá lợi ở đó...
Phần còn lại (nắp đậy) mỏng hơn dày khoảng 4 cm úp lên trên phiến đá có chữ, mặt dưới tạo gờ nổi xung quanh đặt xuống vừa khít vào phần khắc chữ phía dưới, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ.
2. Liễn (đỉnh) đá: bên cạnh bia mộ tháp nêu trên tại vị trí phát hiện các di vật còn có một liễn (đỉnh) đá. Hiện vật này trên có nắp đậy cũng bằng đá - loại đá gần giống như bia đá, kích cỡ (45cm x 46cm x 33cm) lòng sâu cỡ (26cm x 27,5cm), nắp đậy có kích cỡ (45cm x 46cm x 8cm)(2).
Cả hai di vật trên đều đặt trên một tấm đá hình chữ nhật dày 25cm, kích cỡ (65cm x 100cm).
Các di vật trên do ông Nguyễn Văn Đức, thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành đào được từ cuối năm 2004 trong lúc đào đất làm gạch ở khu đồng sau chùa, cách chùa làng Xuân Quan hiện nay khoảng 20m. Ông Đức cho biết: khi đào đất làm gạch ngói đã dùng máy múc để đào. Các di vật bằng đá nằm ở độ sâu hơn 2m, khi đào được các di vật này, bia mộ tháp có 2 phần úp khít vào nhau bằng chất kết dính gì đó mà phải cậy bằng mai đào đất mãi mới tách đôi ra được, và vì thế cạnh ngoài nắp có chữ bị sứt vỡ mấy miếng nhỏ nhưng không ảnh hưởng tới phần khắc chữ. Ở mặt trong cả 2 nắp bia khi cạy ra đều sạch bóng, không có chất gì khác bám vào mặt, kể cả nước. “Liễn (đỉnh) đá” có nắp đậy, ở bên trong có một ít tạp chất màu thâm đen, phải chăng là tro cốt cao tăng (Thiền sư)? Sau khi đào được các di vật đá nêu trên, ông Đức đem bộ bia đá và nắp đá đậy trên “liễn (đỉnh) đá” về nhà, còn lại ông mang ra chùa làng (Huệ Trạch tự) từ đó đến nay ít người được biết.
Sau khi Phòng Nghiên cứu Sưu tầm Bảo tàng báo cáo về tình hình các cổ vật quý hiếm này, lãnh đạo Bảo tàng, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, trưởng phòng VHTT huyện Thuận Thành đã trực tiếp xuống địa phương làm việc với ông Nguyễn Văn Đức. Và ông Đức đã quyết định hiến tặng (giao nộp) các di vật này cho Bảo tàng tỉnh để bảo quản và phát huy tác dụng.
3. Một vài nhận xét, đánh giá
- Tên chùa Thiền Chúng (Thuyền Chúng) ghi khắc trong bia mộ tháp chúng tôi đã tra cứu nhiều tư liệu sử sách từ xưa đến nay mới thấy có sách Thiền uyển tập anh - quyển Hạ (trang 102) có ghi về 1 chùa mang tên là “Thiền Chúng” như sau: “Thiền sư Định Không (? - 808) ở chùa Thiền Chúng, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, nhưng ở phần chú cuối trang lại ghi “Cảm ứng xá lợi ký do Vương Thiệu viết vào cuối năm 601 dẫn trong “Quảng hoằng minh tập” có ghi chùa Thiền Chúng như là nơi dựng tháp rước xá lợi vào năm đó tại Giao Châu. “Thiền uyển tập anh” nói dựng tháp nơi chùa Pháp Vân, có lẽ hợp lý hơn”.
- Địa điểm phát hiện các cổ vật trên thuộc khu đất chùa làng Xuân Quan (Huệ Trạch tự), xã Trí Quả, huyện Thuận Thành ngày nay. Chùa nằm ở địa phận giáp phía Bắc thành cổ Luy Lâu - thủ phủ của chính quyền đô hộ phương Bắc trong những thế kỷ đầu Công nguyên. Phật chủ chùa này là Đại thành pháp vân Vương phật - là vị “Tứ Pháp trưởng” làm chủ tế địa phương. Chùa Huệ Trạch thuộc hệ thống chùa thờ “Tứ pháp” vùng Dâu, là một trong những địa điểm đóng quân lớn của quan quân nhà Trần, do tướng Trần Hồng (con vợ thứ của Trần Quốc Tuấn) chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Và sau đó chính ông đã cho dân địa phương xây dựng chùa này(3). (Vị trí phát hiện các di vật trên cách thành Luy Lâu khoảng 800m, cách chùa Dâu khoảng 1000 về phía Bắc). Các tư liệu chữ Hán hiện còn ở chùa Huệ Trạch, trong đó có một bia đá 4 mặt là cổ nhất - dựng khắc năm Chính Hoà thứ 20 (1699) nội dung ghi “Huệ Trạch tự tôn tạo hồng chung các thanh bi ký”, nhưng đều không ghi gì về chùa Thiền Chúng xưa.
- Bia mộ tháp chùa Thiền Chúng là di sản văn hóa vật thể độc đáo ghi khắc về tên huyện Long Biên, xứ Giao Châu, góp phần quan trọng minh chứng cho các tư liệu, sử sách và các công trình nghiên cứu khoa học (luận văn, luận án) khi xác định - Long Biên ở vùng hoặc chính là Luy Lâu.
- Chùa Thiền Chúng ghi trong bia mộ tháp được xây dựng từ đó, sau khi bị đổ nát quá lâu ngày nên đã bị lãng quên trong lịch sử. Chùa tan, tháp đổ nên sau đó các cổ vật bên trong đã được chôn cất sâu và bày đặt rất cẩn trọng trong lòng đất thuộc khu vực chùa xưa, đến nay tình cờ mà người dân đào đất làm gạch ngói đã phát hiện được. Do các cổ vật được phát hiện từ lâu (1994), lớp đất vùi bên trên, người dân dùng làm gạch ngói hết, nên sau này tiến hành nghiên cứu khảo sát lại địa điểm phát hiện cổ vật trên, các cán bộ ngành văn hoá không tìm được các di vật gì khác góp phần minh chứng thêm về các cổ vật bằng đá đã đào được từ trước đây (gần 10 năm).
- Hai di vật nêu trên cùng với “mảnh khuôn đúc trống đồng” do nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura phát hiện ở trong thành cổ Luy Lâu năm 1999 và hai bộ sách kinh bằng đồng (55 tờ = 112 trang) phát hiện năm 2009 trong tháp đá Tôn Đức nơi đặt xá lị của Thiền sư Minh Hành ở chùa Bút Tháp do Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên cho khắc năm 1660 (cách Luy Lâu 3km)... là những cổ vật quý hiếm - xứng đáng đưa vào danh mục “Báu vật quốc gia”. Đó là di sản văn hóa vật thể có giá trị độc đáo, góp phần minh chứng về vùng đất cổ Luy Lâu còn nhiều giá trị tiềm ẩn cần được tiếp tục khai thác nghiên cứu làm sáng tỏ thêm.
Chú thích:
(1). Tổ công tác gồm: Phó trưởng phòng Kiều Thị Thơm và 2 chuyên viên - Nguyễn Văn An và Nguyễn Thị Biển.
(2). Loại đá có màu nâu nhạt, riêng nắp “liễn đá” chất đá khác “bia đá” nên đã bị phong hóa một phần.
(3). Theo hồ sơ xếp hạng di tích chùa Xuân Quan, do Nguyễn Hữu Toàn - cán bộ Bảo tàng Hà Bắc (nay là Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa) lập năm 1989-1990.
Chùa Xuân Quan - Bộ VHTT xếp hạng năm 1990.
(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.496-501)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.