Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/03/2020

Với nghiên cứu về tiếng Việt thời Đắc Lộ, học giả Nguyễn Cung Thông nhận giải thưởng Văn Việt lần V

Loạt bài nghiên cứu về tiếng Việt thời Đắc Lộ, của học giả Nguyễn Cung Thông, đã được chính ông gửi cho bạn bè qua nhiều lần bằng thư điện tử, suốt trong mấy năm (ví dụ đọc một đoạn hồi năm 2017 ở đây). Công việc vẫn đang tiếp tục. Rồi là sự xuất hiện dần dần của nó trên nhiều phương tiện (báo chí mạng, mạng xã hội, sách báo).

1. Cuối năm 2019, Nguyễn Cung Thông đã về Đà Nẵng, tham dự hội thảo về chữ quốc ngữ, cũng là để trình bày một trích đoạn mới trong loạt bài đó, là về Kinh Lạy Cha với chữ quốc ngữ, ví dụ có thể đọc lại ở đây, hay ở đây, trên Giao Blog.

Sau hội thảo, là những trình bày tiếp về cùng chủ đề tại Viện Ngôn ngữ học (Hà Nội) hay Khoa Ngôn ngữ học (Tp. Hồ Chí Minh), trên Giao Blog có thể đọc nhanh ở đây.

2. Chuyến du Nam du Bắc của ông dịp tiền Cô Vy 19-20 vừa rồi, một thu hoạch khá hay của tôi, là: biết được rằng, học giả Nguyễn Cung Thông và học giả Cung Văn Lược có quan hệ anh em họ hàng gần với nhau. Kì lạ hơn, cụ Cung Văn Lược là hàng cháu, phải gọi học giả Nguyễn Cung Thông là chú (gọi thay cho con thì là ông).

Chữ "Cung" trong tên của học giả họ Nguyễn, thì lại chính cũng là họ Cung. Họ Cung ấy gốc ở làng Lủ, tức làng Kim Lũ --- nay là Đại Kim, hay gọi đại khái là khu Kim Giang. Câu chuyện họ Cung làng Lủ khá thú vị.

3. Hôm nay, đầu tháng 3, giữa đại dịch Cô Vy 19-20, vừa nhận tin ông nhận giải thưởng. Tin đầu tiên lấy về từ Fb của nhà văn công an Thái Kế Toại - một đàn anh lớp cha chú của chúng tôi ở Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, có bút danh là Lê Hoài Nguyên (có thể đọc về tình bạn của Thái Kế Toại và Trường Phước ở đây).

Xin chúc mừng anh/chú/bác Nguyễn Công Thông một học giả say mê - ông vốn là dân kĩ thuật, đến với ngôn ngữ và văn tự bằng một nhiệt huyết lạ kì.

Tháng 3 năm 2020,
Giao Blog



Xem bộ ảnh ở đây.




---





Sau hơn một tháng làm việc, Hội đồng Giải Văn Việt đã thống nhất kết quả Giải Văn Việt lần thứ Năm như sau:


Giải Văn được trao cho chùm truyện ngắn của nhà văn Hà Thúc Sinh (Houston, Hoa Kỳ) với 5/5 phiếu bầu chọn của các thành viên Ban Xét Giải Văn (gồm các nhà văn Đặng Văn Sinh, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyên Ngọc, Võ Thị Hảo và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên).

Hai Giải Thơ được trao cho chùm thơ của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (Quảng Bình, Việt Nam) và nhà thơ Nguyễn Viện (Sài Gòn, Việt Nam), với 4/5 phiếu bầu chọn của các thành viên Ban Xét Giải Thơ (gồm các nhà thơ Lê Hoài Nguyên, Trần Hoàng Phố, Trịnh Y Thư, Vũ Thành Sơn, Ý Nhi).
Giải Nghiên cứu Phê bình được trao cho tác phẩm “Tiếng Việt thời LM de Rhodes” của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Australia) với 4/5 phiếu bầu chọn của các thành viên Ban Xét Giải Nghiên cứu Phê bình (gồm các nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, Hoàng Hưng, Inrasara, Lã Nguyên, Văn Giá).
Các Giải trên sẽ được nhận Giấy chứng nhận Giải của Chủ tịch Hội đồng Giải Nguyên Ngọc kèm theo một số tiền tượng trưng trị giá 1000 USD.
Tuy không nhận đủ số phiếu bầu chọn, các tác phẩm “Chùm thơ” của nhà thơ Trần Duy Trung, “Vũ điệu không vần” của nhà thơ - nhà nghiên cứu Khế Iêm cũng được các thành viên Ban Xét Giải Thơ và Ban Xét Giải Nghiên cứu Phê bình ghi nhận về đóng góp cho sự phong phú, đa dạng của diễn đàn Văn Việt trong năm 2019.
Ban Tổ chức Giải Văn Việt xin tri ân các tác giả đã đem lại giá trị cho Giải Văn Việt, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đã nhiệt tình và công tâm làm việc trong các Ban Xét Giải, xin tri ân nhà tài trợ chính của Giải là TS Nguyễn Quang A.
Ngày 3/3/2020
Ban Tổ chức Giải Văn Việt lần thứ Năm



Thật mừng năm nay Giải Văn Việt của chúng ta, lần thứ năm, lại là một giải đẹp.
Ở giải Văn, Hà Thúc Sinh là một phát hiện. Đã lâu lắm văn chương ta mới lại có được một loạt truyện ngắn như thế. Đọc anh có lúc phảng phất cảm giác được đọc lại những trang tùy bút đẹp mê hồn của Nguyễn Tuân, tới mức bị có người coi là “duy mỹ”, nhưng là một Nguyễn Tuân rất khác, của thời loạn ly này, cực kỳ tinh tế, nhưng là cái tinh tế thấm đẫm nổi đau đến tận đáy của con người, của đất nước, của thời thế. Cũng đã lâu lắm mới gặp lại một người viết như thế, truyện không thừa một câu, câu không thừa một từ, mỗi từ đều có âm vang riêng, thiếu thì hỏng, mà thừa thêm chỉ một chút nữa cũng hỏng. Mỗi người cầm bút đều biết ứng xử với từ như vậy thật khó, vừa phải rất chặt lại vừa phải thoải mái nhẹ nhàng như không, sự hoàn mỹ nhẹ nhàng của nghệ thuật ngôn từ văn chương.
Nhận giải Thơ năm nay là hai tác giả đã lớn tuổi. Anh Trịnh Y Thư, thành viên Ban Xét giải, vốn là rất thận trọng trong đánh giá như ta đều biết, đã gọi giải Thơ Văn Việt 2020 là “Một dấu ấn đậm màu của Thi Ca Việt”. Nguyễn Viện và Hoàng Vũ Thuật là hai tác giả đều đã chín trong trải nghiệm đời và trải nghiệm thơ. Có điều thú vị là trải nghiệm lâu dài, sâu sắc, và hẳn là nhiều uẩn khúc cả đau đớn, đã đưa đến sự chín ở mỗi người một khác, hầu như trái ngược nhau. Đúng như nhận xét tinh tế của Trịnh Y Thư, nếu “thơ Nguyễn Viện là sự đứt đoạn – hay đúng hơn, tự đứt đoạn – với quá khứ để lột xác và tìm về một tâm cảnh mới, hoàn toàn mới, nơi con người xã hội, con người lý tưởng, khúc xạ dưới lăng kính ý thức hệ, bị đem ra phơi trần để cái đạo đức giả, cái khốn nạn, cái thô bỉ, cái nhơ nhuốc, cái giảo quyệt, cái phi nhân… mà chúng ta vẫn hằng tô son điểm phấn suốt bao năm, phải lộ diện”…, thì ở Hoàng Vũ Thuật, dù ngôn ngữ và thi pháp thơ cũng đều thuộc dòng thơ Hiện đại, ta gặp một giọng điệu triết luận “hướng nội, thâm trầm sâu lắng tìm kiếm một lý giải cho cái phi lý của kiếp sống con người”.
Cũng có ý kiến muốn được thấy một vài giọng điệu của các nhà thơ trẻ cũng đang rất đáng chú ý, có thể chẳng hạn ở giải của Chủ tịch Hội đồng, nhưng chúng tôi muốn chờ thêm chút nữa để tìm tòi và sáng tạo của các bạn ấy dày thêm, định hình rõ hơn, hẳn cũng chưa muộn.
Giải nghiên cứu được trao cho công trình “Tiếng Việt thời LM de Rhodes” của tác giả Nguyễn Cung Thông. Đây là một dấu ấn rất đậm của Giải Văn Việt lần thứ năm nói chung. Một công trình văn hóa và khoa học rất dày dặn, nghiêm túc, tỉ mỉ, chặt chẽ, công phu – và cho phép tôi nói điều này nữa – lại vừa rất… cảm động. Bởi vì ta được lần theo những bước đi trằn trọc của quá trình hiện đại hóa tiếng Việt, cái tiếng Việt giàu có, tinh tế, mạnh mẽ mà mềm dẻo, phong phú và hiệu quả hầu như đến bất tận để ta cứ như vô tư sử dụng hằng ngày hôm nay, cứ ngỡ như nó đã tự nhiên mà có từ bao giờ. Ta hiểu thêm, thấm thía hơn, yêu đất nước cũng là yêu tiếng nói của dân tộc và hiểu lịch sử lâu dài, khó nhọc của nó, cho tận đến sự hình thành, chuyển động, định hình khó nhọc đến không ngờ của từng từ…
Chúng ta cám ơn nhà nghiên cứu uyên bác Nguyễn Cung Thông.
Cám ơn các tác giả nhận giải năm nay đã lần nữa đem đến thêm giá trị và sự tin cậy cho giải Văn Việt. Cám ơn sự tận tụy, sự tinh thông và tinh thần khách quan đáng quý của các nhà văn, nhà nghiên cứu tham gia các ban xét giải.
Và xin cùng hẹn nhau một mùa giải năm sau càng thật đẹp.
Nguyên Ngọc
3 tháng 3 - 2020
https://www.facebook.com/thai.k.toai/posts/10215047799141200

..






Sau hơn một tháng làm việc, Hội đồng Giải Văn Việt đã thống nhất kết quả Giải Văn Việt lần thứ Năm như sau:
Giải Văn được trao cho chùm truyện ngắn của nhà văn Hà Thúc Sinh (Houston, Hoa Kỳ) với 5/5 phiếu bầu chọn của các thành viên Ban Xét Giải Văn (gồm các nhà văn Đặng Văn Sinh, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyên Ngọc, Võ Thị Hảo và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên).
Hai Giải Thơ được trao cho chùm thơ của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (Quảng Bình, Việt Nam) và nhà thơ Nguyễn Viện (Sài Gòn, Việt Nam), với 4/5 phiếu bầu chọn của các thành viên Ban Xét Giải Thơ (gồm các nhà thơ Lê Hoài Nguyên, Trần Hoàng Phố, Trịnh Y Thư, Vũ Thành Sơn, Ý Nhi).
Giải Nghiên cứu Phê bình được trao cho tác phẩm “Tiếng Việt thời LM de Rhodes” của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Australia) với 4/5 phiếu bầu chọn của các thành viên Ban Xét Giải Nghiên cứu Phê bình (gồm các nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, Hoàng Hưng, Inrasara, Lã Nguyên, Văn Giá).
Các Giải trên sẽ được nhận Giấy chứng nhận Giải của Chủ tịch Hội đồng Giải Nguyên Ngọc kèm theo một số tiền tượng trưng trị giá 1000 USD.
Tuy không nhận đủ số phiếu bầu chọn, các tác phẩm “Chùm thơ” của nhà thơ Trần Duy Trung, “Vũ điệu không vần” của nhà thơ - nhà nghiên cứu Khế Iêm cũng được các thành viên Ban Xét Giải Thơ và Ban Xét Giải Nghiên cứu Phê bình ghi nhận về đóng góp cho sự phong phú, đa dạng của diễn đàn Văn Việt trong năm 2019.
Ban Tổ chức Giải Văn Việt xin tri ân các tác giả đã đem lại giá trị cho Giải Văn Việt, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đã nhiệt tình và công tâm làm việc trong các Ban Xét Giải, xin tri ân nhà tài trợ chính của Giải là TS Nguyễn Quang A.
Ngày 3/3/2020
Ban Tổ chức Giải Văn Việt lần thứ Năm
HOANG VU THUAT (edited)NGUYEN VIEN (edited)[4]
NGUYEN CUNG THONG (edited)HA THUC SINH (edited)













https://vandoanviet.blogspot.com/2020/03/thong-bao-ket-qua-giai-van-viet-lan-thu.html?fbclid=IwAR39yjpLmUI948PKgnWBQTh_lFk5ZFAKZE-fxf8kFLbUWP8qYoCM3amhM9E#more




---

BỔ SUNG



2.



Kính thưa Hội đồng Giải Văn Việt,
Thật là một vinh dự được chọn cho giải Nghiên Cứu Phê Bình Văn Việt năm 2019. Tôi xin cảm ơn Hội đồng Giải Văn Việt đã có lòng và tin tưởng vào các bài viết "Tiếng Việt thời LM de Rhodes", tôi nghĩ niềm tin này đã trở thành một động lực cũng như trách nhiệm cho tôi khi nhận giải, và phải tiếp tục loạt bài này để cho người đọc cảm thông được sự thay đổi của ngôn ngữ trong vòng bốn thế kỷ này một cách chính xác hơn. Tôi cầu mong giải Nghiên Cứu Phê Bình sẽ tiếp tục trong nhiều năm nữa, lớn hơn nữa và mạnh hơn nữa, mang tiếng nói nhân bản của Văn Việt đến mọi ngõ ngách của những nơi có người Việt chúng ta – trong và ngoài nước Việt Nam.
Một lần nữa, xin thành thật cảm ơn Hội đồng Giải Văn Việt đã có nhiều lời khuyến khích 'tiếp lửa' cho một người cả ngàn dặm xa quê hương mà ngôn ngữ mưu sinh không phải là tiếng mẹ đẻ, nhưng luôn trân trọng tiếng nói của giống nòi từ ngàn xưa để lại!
Xin chúc Hội đồng Giải Văn Việt một năm mới nhiều sức khỏe và cống hiến nhiều bài viết giá trị.
Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Australia)
clip_image001

NGUYEN CUNG THONG (edited)GHI CHÚ CỦA BBT:
Tác giả Nguyễn Cung Thông:
- Du học với học bổng Colombo Plan từ Sài Gòn sang Úc vào năm 1973
- Mưu sinh bằng nghề kỹ thuật (cơ khí) và giáo dục (Toán/Lý) bên Úc
- Theo đuổi các dự án nghiên cứu về ngôn ngữ từ khi qua Úc như:
(a) "Hiện tượng m" (tại sao tiếng Việt lại có hiện tượng m: mắt, mũi, môi, mày, má, mép, miệng, mồm, mõm, mỏ, mí, mày ... trên mặt con người?
(b) "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên gọi 12 con giáp" (dựa vào các tiếng Hán cổ và Việt cổ/hệ Nam Á)
(c) Tiếng Việt thời LM de Rhodes và các giáo sĩ sang An Nam truyền đạo (nhìn từ các góc độ khác nhau từ văn bản chữ Hán, Nôm và quốc ngữ)
https://vandoanviet.blogspot.com/2020/03/thu-cua-nha-nghien-cuu-nguyen-cung.html




1.




Hoàng Dũng (Thành viên Ban Xét Giải Nghiên cứu Phê Bình Văn Việt lần thứ năm)
Tiếng Việt thời LM de Rhodes là nhan đề chung cho một loạt 17 bài đăng trên Văn Việt của nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông, tổng cộng gần 350 trang A4.
Phạm vi nghiên cứu tuy xoay quanh những tư liệu của A. de Rhodes, nghĩa là khoảng giữa thế kỷ 17, nhưng để làm sáng rõ ngôn ngữ thời kỳ này, tác giả đã kỳ công tham khảo rất rộng, từ những tài liệu tiếng Việt trước đó như Ức Trai thi tập, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Kinh Lạy Cha, đồng thời như Các thánh truyệnThiên Chúa thánh giáo hối tội kinhThiên Chúa thánh giáo khải môngThiên Nam ngữ lục, hay sau đó như Thọ mai gia lễSách sổ sang chép các việcĐại Nam quấc âm tự vịViệt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức, … đến các tài liệu cổ của Trung Quốc như Thuyết văn giải tự (khoảng 100 sau Công nguyên), Ngọc thiên (543), Đường vận (751), Ngũ kinh văn tự (776), Long kham thủ giám (997), Quảng vận (1008), Tập vận (1037), Trung Nguyên âm vận (1324), Chính vận (1375), Chính tự thông (1670), Từ điển Khang Hi (1716), … Thậm chí không tự bằng lòng với tài liệu sách vở, tác giả còn cất công sang tận Tân Thế Giới (Nouvelle Calédonie) để điều tra thực địa.
Tác giả không nhằm cống hiến cho người đọc một cái nhìn hệ thống về tiếng Việt Trung đại; mỗi bài chỉ bàn về một vấn đề nhỏ liên quan đến ngữ âm hay từ vựng hoặc ngữ pháp. Nhưng cách làm như thế lại có cái hay riêng: người đọc được dẫn dắt vào một chi tiết cụ thể của tiếng Việt thời kỳ này, đối chiếu nhiều tư liệu, và sau 17 bài, tiếng Việt Trung đại dần hiện lên như một khối ngọc đa diện và lấp lánh.
Công trình của Nguyễn Cung Thông cũng không dừng lại ở biên giới ngôn ngữ học. Chẳng hạn, từ góc độ ngôn ngữ học, anh vận dụng kiến thức sinh lý học để giải thích điển tích ‘mắt xanh’ (Tiếng Việt thời LM de Rhodes: các từ chỉ màu sắc như ‘mùi xanh, sắc xanh, sắc biếc’), tâm lý học thần kinh để biện giải tại sao mùi có thể chỉ thị giác, vị giác và cả khứu giác (Tiếng Việt thời LM de Rhodes: mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc – hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia).
Cách làm này có khi cho thấy những liên hệ bất ngờ và thú vị. Chẳng hạn, anh nhận thấy Kinh Lạy Cha chữ Nôm năm 1855 chỉ có 49 chữ – ít nhất trong tất cả các bản Kinh Lạy Cha từ trước đến nay bằng tiếng Việt – và không có câu nguyện quan trọng và nhạy cảm “Quốc [nước] Cha trị đến”. Tại sao? Nguyễn Cung Thông vận dụng sử liệu để giải thích: lúc đó mối nguy Pháp xâm lược Đại Nam đã lộ rõ và các giáo sĩ phải kiểm duyệt để tránh nghi kỵ. Anh dẫn trường hợp bên Trung Quốc, có một giáo sĩ tên là Joseph Yuên đã bị tù đày, và bị các quan lại tra khảo về chính câu này trong Kinh Lạy Cha vì “Nhà cầm quyền Trung Quốc thời đó thường nghĩ rằng ‘Quốc Cha trị đến’ hàm ý nước ngoài (Tây phương) đến xâm chiếm nước mình và cướp lấy dân” (Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha (phần 5B)).
Nguyễn Cung Thông là một nhà nghiên cứu tỉ mỉ. Anh không chịu được sự hời hợt, đại khái. Chẳng hạn, anh đếm Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes để chỉ động vật có 24 trường hợp dùng ‘con’, 31 trường hợp dùng ‘cái’ trong khi Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có 61 lần dùng ‘cái’ so với 9 lần dùng ‘con’. Bất cứ ai, ngay cả những người chưa thỏa mãn với lý giải của Nguyễn Cung Thông, cũng phải thừa nhận tính nghiêm túc, khả tín và hữu ích trong các cứ liệu của anh.
Loạt bài Tiếng Việt thời LM de Rhodes của anh trên Văn Việt hứa hẹn vẫn còn tiếp tục. Nhưng với những bài đã công bố, đủ cho thấy đóng góp đáng kể của Nguyễn Cung Thông cho hiểu biết của chúng ta về tiếng Việt giai đoạn này. Có thể khẳng định cho đến nay, tuy đã có rất nhiều công trình viết về tiếng Việt trung đại, vẫn chưa có ai viết nhiều và kỹ như Nguyễn Cung Thông.
Xin chúc mừng anh Nguyễn Cung Thông về giải thưởng Văn Việt lần thứ năm, hạng mục Nghiên cứu Phê bình.

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.