Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/12/2019

100 năm chữ quốc ngữ : chúng tôi đang ở Đà Nẵng

Buổi sáng ấm áp Thứ Bảy ngày 28 tháng 12 năm 2019.

Khi viết những dòng này, chúng tôi đang ngồi trong hội trường tổ chức Hội thảo 100 năm chữ quốc ngữ ở Việt Nam tại Đà Nẵng (cụ thể là hội trường lớn tầng 1 khách sạn Hilton - 50 Bạch Đằng quận Hải Châu tp Đà Nẵng).

Đà Nẵng đang rất ấm. Quần áo rét mang vào từ Hà Nội trở thành không cần thiết nữa, phải cất đi.

Đúng 100 năm trước, vào ngày 28 tháng 12 năm 1919 (tức ngày mùng 4 tháng 11 năm Khải Định 3), hoàng đế Khải Định của nước Đại Nam thuộc Pháp đã ban Dụ số 123 bãi bỏ khoa cử Hán học. Bởi vậy, mới nói:: 28/12/1919 --- 28/12/2019. Thật sự đúng 100 năm !

1. Lúc 10h15 phút, Giáo sư Linh mục Roland Jacques (đến từ Đại học Saint Paul, Canada) nói bằng tiếng Việt rất rõ ràng rằng: "Chỉ có cách đóng góp như thế mới có thể giúp hiểu rõ hơn về lịch sử của tiếng Việt, một lịch sử tràn đầy màu sắc. Thực sự, đây là một ngôn ngữ làm cho tất cả chúng ta tự hào: quý vị, là con Rồng cháu Tiên; và chúng tôi, là những người có lòng mến yêu đích thực đối với đất nước, con người, ngôn ngữ, với tất cả những gì ngôn ngữ ấy biểu thị".

Cụ Roland là người gốc Bồ, năm nay đã bước vào tuổi 77, tiếng Việt giọng Bắc vẫn rất chuẩn ở thanh điệu.

Thú vị là cụ rất nhanh tay ngắt hai bông hồng tươi từ các lẵng hoa trong hội trường lên tặng cùng lúc cho hai ca sĩ được bác Thân Hà Nhất Thống (giám đốc Tao Đàn thư quán) mời đến góp vui cho hội thảo. Một linh mục cầm hai bông hoa hồng ở hai tay, tặng hai cho hai cô ca sĩ cùng một lúc !

Đại dương cầm được đưa đến từ đầu giờ. Một lúc sau các ca sĩ tới tập giọng chuẩn bị mươi phút, nhạc công cũng thử đàn. Những đoạn ngắt quãng trong hội thảo ở phiên buổi sáng được chèn bằng tiếng đại dương cầm. Mình hỏi, bác Thân đại khái bảo: đàn ấy ở bên phòng tui đưa sang thôi, thi thoảng tui vẫn chơi một vài đoạn.

2. Phiên thảo luận buổi sáng, dành cho tiểu ban 1 (có bài thuyết trình cho phép dài đặc cách của cụ Roland), khá sôi nổi, chắc là hấp dẫn với khán thính giả từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Một câu hỏi thống kê ngay tại lúc đó, cho biết: có khoảng hơn 10 người là theo Kitô giáo (khi một người hỏi, thì hơn 10 người giơ tay ngay, trong đó có cụ Roland và ông anh Trần Quốc Anh). Như vậy là chỉ có rất ít người là người bên Kitô giáo tham dự hội thảo, cụ thể là khoảng 10 người trên tổng số hơn 200 người có mặt trong hội trường lúc đó.

3. Cụ Roland đưa một suy nghĩ thú vị: cuốn Từ điển Việt - Bồ - La đã ấn hành đầu thập niên 1650 ở châu Âu của Đắc Lộ, thực ra, là một thất bại ! Mình có luận bàn một chút về cách nói đó của cụ. Cũng có thắc mắc là cụ đã nhảy cách một quãng khá dài khi trình bày lịch sử hoàn thiện chữ quốc ngữ, nhảy một phát từ 1650s với nhóm Đắc Lộ tới ngay thập niên 1750 ! Mình khiếu nại: cụ nhảy cách quá, bỏ qua nhiều tác phẩm quan trọng, mà trong số đó không thể quên được Bento Thiện thời 1690 ! Hỏi thêm về Bento Thiện, thì cụ không trả lời (có thể do nhiều thứ người ta hỏi quá, nên cụ còn chưa kịp hồi đáp).

4. Sang buổi chiều nhà thơ Võ Xuân Tòng đến từ Tp. Hồ Chí Minh lên đọc rõ ràng một bài viết dài, trong đó có đoạn thú vị:
"...Tôi là người theo đạo ông bà, khi nghiên cứu Kinh Phật và Kinh Thánh có niềm tin, không bao lâu nữa người ta sẽ chứng minh được Đức Jesus và Đức Phật là một. Khi đó, Chữ viết Việt Nam không chỉ là sự kiện riêng của người Việt, còn được nhắc đến như một điểm đỏ trên con đường đi đến văn minh của nhân loại".

5. Tiểu ban buổi chiều bên mình không có máy tính chuẩn bị sẵn cho diễn giả. Dù máy chiếu thì đã chuẩn bị tốt. Mọi người lơ ngơ một lúc. Mình đành đưa máy tính nhỏ của mình ra làm "máy công", các anh Nguyễn Cung Thông (về từ Úc), Hoàng Văn Khẩn (về từ Thụy Sĩ), Trần Quốc Anh (về từ Mĩ), cụ Nguyễn Đăng Hưng (đang ở Việt Nam) thì đưa USB tới đưa PPT vào. May là không trục trặc gì.

Mấy năm trước, bên Viện Hán Nôm tổ chức hội thảo quốc gia ở Hà Nội, thư kí tiểu ban là Trần Trọng Dương bị sập máy tính, là vì: hội thảo cũng không chuẩn bị máy tính sẵn, thư kí phải đưa máy của riêng mình ra công quả, mọi người đưa USB vào, thế là virut lây luôn và phát tác nhanh, máy sập ngay trước mắt !

Để phòng virut thì ở Việt Nam, bây giờ tốt nhất vẫn là BKAV. Hàng nội này xem ra là chất lượng tốt.

6. Chiều muộn sau hội thảo, mình tiếp tục cưỡi xe máy tới thăm và hỏi chuyện các anh lớn bên thánh thất và thánh tịnh. Nhân duyên với một anh, mà tới gần 20 năm mới được gặp lại ! Hai anh em cầm tay nhau bùi ngùi mãi không thôi.

Các anh lớn chỉ lên các câu đối và hoành phi trong thánh thất và thánh tịnh mà phân tích: đề cao chữ quốc ngữ, nên đều ghi rất rõ bằng quốc ngữ !

Ngày xưa đi điều tra điền dã về Cao Đài ở Đà Nẵng, mình mới còn ở tuổi hai mươi.

Lúc trở về, do tiện mà phi qua cầu Cầu Rồng sang bên khu Mỹ Khê dong duổi lâu lâu. Khu vực Mỹ Khê bây giờ thay đổi chóng mặt, không còn nhận ra nữa, dù cũng chỉ vài năm.

Ngày xưa đi từ Đà Nẵng vào Hội An, khi chạy xe máy, thì mình hay chạy theo đường Lê Văn Hiến rồi xuống đường Trần Đại Nghĩa mà đi miết ! Còn bây giờ, sát biển có đường quá đẹp và thẳng tắp - đường mang tên Võ Nguyên Giáp.


Viết lai rai từ ngày 28 đến 31/12/2019
Giao Blog


Một ít ảnh về hội thảo (chỉ lấy bên lưới trời Fb, còn ảnh mình chụp thì còn đang xử lí):

Quang cảnh chung

Cụ Roland đang nói bằng tiếng Việt
Hai cụ Hưng và Roland



Hai bác Thân Hà Nhất Thống và Bùi Văn Tiếng
Hai bác Bùi Văn Tiếng và Trần Đức Anh Sơn







---

Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tao Đàn Thư Quán tổ chức tại Khách sạn Hilton (50 Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng) trong 2 ngày 28 và 29 tháng 12 năm 2019.
1. Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được 30 tham luận tham gia hội thảo của các học giả, nhà nghiên cứu như sau. Cụ thể như sau:
- ANTONIO SALVADO (Guarda, Portugal): Tham luận “Morgado Francisco de Pina (1585 - 1625). A Linguist from Guarda in Cochinchina (Vietnam)”.
- BÙI VĂN TIẾNG (Hội KHLS thành phố Đà Nẵng): Tham luận: “Đà Nẵng với buổi đầu phát triển chữ Quốc ngữ”
- CHÂU YẾN LOAN (TPHCM): Tham luận “Chữ Quốc ngữ - Hình thành và phát triển”, và tham luận: “Tiến trình hoàn thiện chữ quốc ngữ trong Kinh Lạy Cha”.
- CHU XUÂN GIAO (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam”: Tham luận: “Ghi chép thực địa của giáo sĩ Đắc Lộ ở thế kỷ XVII về nữ thần Cửa Chúa khu vực Nghệ An”.
- ĐOÀN MINH CHIẾN (Trường Cao đẳng Bình Định): Tham luận: “Bình Định với sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ”
- DƯƠNG XUÂN QUANG (Đại học QG Hà Nội): Tham luận “Chữ Quốc ngữ. Sự lựa chọn phù hợp của dân tộc Việt”.
- HOÀNG THỊ ANH ĐÀO (ĐH Khoa học Huế) & HOÀNG ĐỨC BẢO (ĐH Bách khoa Đà Nẵng): Tham luận “Khởi thảo Quốc ngữ ở một số cư sở truyền giáo tại Quảng Nam của giáo sĩ dòng Jésuites Bồ Đào Nha thế kỷ XVII”.
- HOÀNG VĂN KHẨN (Hội Nhịp cầu Thái Bình, Thụy Sĩ): Tham luận “Học và dạy tiếng mẹ đẻ: Phương pháp tự nhiên và khoa học theo thuyết Tomatis cho tiếng Việt đơn âm
- LÊ NAM (Câu lạc bộ Thanh Chiêm, TPHCM): Tham luận “Chữ Quốc ngữ - Sơ lược các giai đoạn hình thành và phát triển”.
- LÊ THỊ KIM DUNG (University of Bucharest, Romania): Tham luận “Xã hội hóa: mấu chốt thành công của cuộc cách mạng chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX”.
- LÊ THỊ THANH GIAO (Khoa Du lịch, Đại học Huế): Tham luận “Tìm hiểu một số chính sách nhằm cổ xúy chữ Quốc ngữ của các vị vua cuối triều Nguyễn”.
- NGUYỄN CUNG THÔNG (Melbourne, Úc): Tham luận “Tiếng Việt từ thời Alexandre de Rhodes: Kinh Lạy Cha (phần 5a)”.
- NGUYỄN ĐĂNG HƯNG (Đại học ): Tham luận: “Đề án tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ”.
- NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH (Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc): Tham luận “Quan điểm của Phan Bội Châu về chữ Quốc ngữ trong nền giáo dục thời hậu khoa cử”.
- NGUYỄN LÂN BÌNH (Trang tin Tannamtu.com, Hà Nội): Tham luận “Nguyễn Văn Vĩnh với quyết tâm quảng bá chữ Quốc ngữ những thập niên đầu của thế kỷ 20”.
- NGUYỄN MINH HUỆ (Viện Văn học, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam): Tham luận “Truyện thơ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - Một nhịp cầu kết nối truyền thống và hiện đại”.
- NGUYỄN QUỐC PHƯƠNG & NGUYỄN THẾ HÀ (University of Bucharest, Romania): Tham luận “Bảo tồn tiếng Việt ở nước ngoài dựa vào cộng đồng: Những bằng chứng từ khảo sát tại Romania”.
- NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH (Đại học QG TPHCM): Tham luận “Đóng góp của cư dân bản địa trong sự ra đời phát triển chữ quốc ngữ từ thế kỷ XVII - XVIII”
- NGUYỄN THỊ LỆ HÀ (Viện Sử học, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam): Tham luận: “Nguyễn Văn Vĩnh với việc truyền bá chữ quốc ngữ và phát triển báo chí tiếng Việt đầu thế kỷ XX”
- NGUYỄN THỊ VĨNH LINH (Đại học Quảng Nam): Tham luận “Quá trình truyền giáo của Dòng Tên Bồ Đào Nha ở Hội An và sự ra đời của chữ Quốc ngữ”.
- PHẠM THÚC HỒNG (Hội An, Quảng Nam): Tham luận “Sự tương liên giữa chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ”.
- ROLAND JACQUES (Saint Paul University, Canada): Tham luận “Nghiên cứu tiếng Việt từ năm 1651 đến năm 1775”
- THỦY TIÊN DE OLIVIERA (NAMPOR, Porto, Portugal): Tham luận “Vai trò của người Bồ Đào Nha đối với việc ra đời chữ Quốc ngữ”
- TRẦN HỮU PHÚC TIẾN (Giáo dục Hợp Điểm, TPHCM): Tham luận “Petrus Trương Vĩnh Ký - người tiên phong sử dụng và truyền bá chữ quốc ngữ trong nghiên cứu, giảng dạy và viết sách, viết báo”.
- TRẦN QUỐC ANH (Santa Clara University, USA): Tham luận “Từ Cristofori Borri đến Huình Tịnh Của: Chính tả Quốc ngữ 1631 - 1895”.
- TRẦN THANH HƯNG (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên): Tham luận: “Đóng góp của Chân phước - Thầy giảng André Phú Yên với Giáo sĩ Đắc Lộ trong quá trình hoàn thiện chữ Quốc ngữ”.
- TRƯƠNG THỊ HẢI (Viện Sử học, Hà Nội): Tham luận “Tạp chí Tri Tân và vai trò của nó với việc truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam, giai đoạn 1941 - 1946”.
- TRƯƠNG THỊ PHƯƠNG (Viện Sử học, Hà Nội): Tham luận “Những đóng góp của Hội truyền bá quốc ngữ với công cuộc chống nạn mù chữ ở Việt Nam trước năm 1945”.
- VÕ XUÂN TÒNG (TPHCM): Tham luận “100 năm chữ viết Việt Nam”.

Các tham luận đang được biên tập để in kỷ yếu. Dựa vào nội dung tham luận, Ban Tổ chức sẽ thành lập 3 tiểu ban (panel) và sắp xếp các tham luận vào 3 tiểu ban này để các tác giả trình bày tham luận theo các chủ đề với từng tiểu ban.

Sáng ngày 15/12/2019, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng sẽ họp để thống nhất một số vấn đề liên quan đến hội thảo, và sẽ quyết định chủ đề của 3 tiểu ban và số tham luận tham gia vào các tiểu ban này.

Ban Tổ chức hội thảo sẽ gửi giấy mời và chương trình chính thức đến quý tác giả tham luận vào tuần sau.

2. Ban tổ chức cũng đã nhận được e-mail đăng ký THAM DỰ hội thảo (không có tham luận) của 80 người. Đó là các vị sau:
Trương Đình Tý, Sầm Đồng, Trần Thị Mai An, Nguyễn Ngọc Hiền, Nguyễn Văn Xáng, Tăng Minh Quang, Trương Công Dưỡng, Dương Tấn Hùng, Đinh Trọng Tuyên, Đinh Thúc Thẩm, Trần Văn Anh (cùng nhóm 4 người ở Duy Xuyên), Hoàng Văn Khẩn, Trần Quốc Thái, Nguyễn Văn Lanh, Trần Thị Phương Huyên, Choi Hana, Nguyễn Ngọc Huyền, Phạm Thế Cường, Nguyễn Văn Chung, Ngô Xuân Phương, Dương Thị Nhung, Nguyễn Ngọc Tuyền, Nguyễn Xuân Tường, Hải Châu, Lê Thị Hồng, Lê Thanh Tịnh, Nguyễn Ngọc Dũng, Vũ Đức Khuynh, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Sáu, Đặng Thị An, Hồ Thị Lan, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Thị Phước, Lê Bùi Nam, Vũ Đức Trinh, Lưu Ngọc Chấn, Ngô Quang Vinh, Trần Thị Thu Vân, Đoàn Quang Hoàng Phương, Phan Thị Hàn Linh, Võ Văn Tuấn, Trần Văn Sáng, Lê Tấn Phong, Trương Văn Thơm, Đặng Ngọc Tú, Nguyễn Văn Hoàn, Hoàng Gia Cơ, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Đặng Kỉnh, Phan Thị Hoàn, Lê Hải, Trần Thị Thái, Phạm Phú Ngân, Hoàng Tuấn Nhã, Mai Chánh Trung, Tưởng Thị Tú Khuyên, Nguyễn Vinh Sơn (cùng 2 người), Trần Đặng Mậu Hùng, Hoàng Trọng Châu, Lê Nam Trung Hiếu, Mai Thanh Sơn, Phạm Văn Hạng, Nhóm vận động Quỹ tôn vinh chữ Quốc ngữ (10 người).

Trân trọng kính mời quý vị vào lúc 8:00 ngày 28/12/2019 đến Khách sạn Hilton (50 Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng) tham dự hội thảo. Riêng ngày 29/12/2019, Ban Tổ chức hội thảo có tổ chức chuyến tham quan thực tế cho các học giả, nhà nghiên cứu có tham luận tham gia hội thảo tại Thanh Chiêm - Phước Kiều - Hội An (ăn trưa tại Hội An và đưa các tác giả trở lại Đà Nẵng vào buổi chiều).

Vị nào không có tham luận, nhưng muốn tham gia chuyến tham quan thực tế thì đề nghị đăng ký để Ban Tổ chức biết số lượng người tham gia để thuê xe. Quý vị sẽ đóng phí tham gia chuyến tham quan (để trả tiền thuê xe và tiền ăn trưa tại Hội An). Mức phí sẽ xác định sau 10 ngày nữa.

Trân trọng cám ơn sự quan tâm của quý vị.

Thay mặt Ban Tổ chức hội thảo.
TRẦN ĐỨC ANH SƠN

https://www.facebook.com/anhsontd/posts/1108151369392766


---


BỔ SUNG



1. Một tâm sự của anh Trần Đức Anh Sơn (viết ngày 1/4/2020)


"
Hôm nay là ngày 01/4/2020, ngày Cá tháng Tư (Poisson d'Avril), tròn 1 năm tôi chính thức làm việc cho Công ty cổ phần kinh doanh ấn phẩm văn hóa Tao Đàn Thư Quán (gọi tắt là Tao Đàn Thư Quán), cũng là ngày công ty này chính thức mở cửa hoạt động.
Lẽ ra, sáng nay tôi sẽ đặt một cỗ bánh kem có dòng chữ “Mừng Tao Đàn Thư Quán tròn 1 tuổi”, mang tới văn phòng công ty, rồi mời các anh / chị / bạn: Thân Hà Nhất Thống, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Thị Linh Phương, Trần Hồng Lê, Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Cát Tiên... cùng cắt bánh, uống trà và mừng công ty thôi nôi.
Tuy nhiên, do đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị “cách ly toàn xã hội” kể từ 0h ngày 01/4/2020, nên công ty phải shut down, ai ở yên trong nhà người đó. Vì thế, dự định nói trên của tôi bất thành.
Thế rồi, tôi quyết định dùng ngày đầu tiên trong chuỗi ngày mà tôi thích gọi là “social distancing” (chữ của phương Tây, nghĩa là giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội), hơn là dùng chữ “cách ly toàn xã hội” như trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (bởi nó giống như bắt tội phạm bị bỏ tù), để viết về những gì đã xảy ra trong 1 năm qua, kể từ khi tôi về chính thức đầu quân cho Tao Đàn Thư Quán.
Có lẽ, tôi cũng nên viết về những việc xảy ra trước đó, dẫn đến việc tôi rời khỏi cơ quan nhà nước (xin thôi việc, sau khi bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam) để ra ngoài (theo cách gọi của dân gian) làm việc cho một công ty tư nhân, trước khi viết về những việc đã xảy đến trong 1 năm qua.
Thực ra thì tôi biết trước sau gì tôi cũng sẽ bị kỷ luật, và trước sau gì tôi cũng sẽ rời khỏi cơ quan nhà nước để làm một người hành nghề tự do. Tất cả là do tính cách của tôi.
1. TÍNH CÁCH CỦA TÔI
Tôi rất thẳng tính, khen chê rạch ròi, phê phán thẳng thừng, sẵn sàng nói và viết những điều mà người khác cũng thấy, cũng biết, cũng trăn trở, nhưng họ không dám / không muốn, hoặc không tìm được chìa khóa để mở cái miệng của họ.
Chẳng hạn:
- Hồi học đại học năm thứ nhất (1985), tôi có học chuyên đề “Lịch sử nhập môn” do cô Vũ Thị Việt dạy. Chuyên đề này phê phán các nền sử học: thời cổ đại, thời phong kiến và thời tư sản, cho rằng đó là thứ sử học lạc hậu và phản động; đề cao nền sử học Marxist, cho rằng đây là nền sử học ưu việt nhất, vì nền sử học Marxist có 4 thuộc tính: [1] tính giai cấp; [2] tính nhân dân; [3] tính khách quan; [4] tính khoa học. Khi nghe giảng như vậy, tôi tranh luận với cô giáo rằng: “Nếu đã có tính giai cấp, thì không bao giờ có tính khách quan nữa. Từ đó sẽ dẫn đến việc không có tính khoa học, bởi vì: giai cấp chỉ là một tập đoàn người trong xã hội. Nếu chỉ đứng trên quan điểm / lợi ích của một tập đoàn người này để phán xét toàn bộ lịch sử thì làm sao mà khách quan được, trong khi xã hội có nhiều giai cấp / tập đoàn người có quan điểm, lợi ích… mâu thuẫn, xung đột với nhau”. Cô Vũ Thị Việt quát tôi: “Em lo học đi, kẻo không qua được môn này đâu, ngồi đó mà cãi lại cô giáo”.
- Tôi có tính cà khịa, hay giễu nhại những thói hư tật xấu của thiên hạ (kể cả giễu nhại bản thân), và rất ghét những gì mà tôi gọi là “tuyên truyền”, nên tôi hay bóc mẽ những kiểu “tuyên truyền” đó; hay giễu nhại những thói hư tật xấu, trực tiếp và gián tiếp bằng ngôn từ hay chữ viết. Vì thế mà rất nhiều người “cay” tôi, nhất là giới chức sắc. Có lần tôi “copy” câu nói nổi tiếng thầy Vượng (giáo sư Trần Quốc Vượng) “cậu ấy tuy là đảng viên nhưng mà tốt” khi thầy nhận xét một người nào đó, rồi tôi đổi thành “ông ấy tuy là quan chức nhưng mà có học” để nhận xét một quan chức ở Huế trong một cuộc khai mạc triển lãm tranh ở Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (26 Lê Lợi, Huế), trong lúc có nhiều vị tai to mặt lớn đang hiện diện. Câu nói “copy” của tôi hôm đó khiến nhiều quan chức hàng tỉnh có mặt ở cuộc triển lãm tranh nhìn tôi như muốn nuốt lốn.
- Tôi lại không ngại va chạm với quan chức, nên trong nhiều cuộc gặp mặt, họp hành, hội thảo…, tôi thường phát biểu, chỉ trích thẳng mặt các quan chức, nhất là khi họ chỉ đạo sai trái, lại còn cậy quyền cậy thế để bắt ép tôi hay đồng nghiệp của tôi phải làm theo những chỉ đạo ngu xuẩn của họ. Chuyện này ở Huế có nhiều người chứng kiến, thậm chí người ta còn “phát triển” thành những giai thoại, bịa thêm nhiều chuyện “trời ơi đất hỡi”, gắn vào miệng tôi, rồi kết luận tôi là THẰNG NGẠO MẠN. Kỳ thực, tôi có NGẠO thiệt, nhưng không NGẠO MẠN, vì NGẠO và NGẠO MẠN rất khác nhau. Bởi thế mà có một ông (cựu) quan đầu tỉnh Thừa Thiên Huế gặp tôi trong tiệc cưới con gái của GS.TS. Thái Kim Lan, ở một resort ven bãi biển Thuận An, đã nói với khách dự cưới rằng: “Tay Sơn này toàn nói những lời rất chối tai”.
- Không những nói, mà tôi còn viết những điều “chối tai” đó ra, rồi đăng báo. Năm 1996, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành Nghị định 36/CP về lập lại trật tự đường thông hè thoáng trên toàn quốc, thì chính quyền thành phố Huế nhân nghị định này, mở “chiến dịch” giải tỏa hè phố, mở rộng lòng lề đường mà không phải bồi thường cho dân theo Luật Đất đai hiện hành. Khoảng 24 tuyến đường ở trung tâm thành phố Huế được chọn để triển khai “chiến dịch”. Đợt đầu tiên họ triển khai chặt cây, dời cổng, mở rộng lòng đường, hè phố tại 5 con đường: Nguyễn Sinh Cung (ngang qua thôn Vỹ Dạ), Phan Chu Trinh, Bùi Thị Xuân, Lê Duẩn và Nhật Lệ. Nhiều hàng quán, nhà cửa, phủ đệ, di tích… bị buộc phải đập bỏ hàng rào, cổng ngỏ, dời sâu vào bên trong. Sau một tuần ra quân chỉnh trang, bộ mặt đô thị Huế bị cày xới nham nhở, nhiều hàng cây đại thụ bị đốn trụi, nhiều ngôi nhà mặt tiền bị cắt xén, nhiều cổ tích cả trăm năm tuổi, tự dưng bị quy là “vi phạm Nghị định 36-CP mới ban hành”, nên chủ nhân phải đập bỏ cổng ngỏ, hàng rào, dời lui vào bên trong. Tan hoang nhất là ở Vỹ Dạ. Vì thế mà dân Huế lúc đó đã “chế” thơ Hàn Mặc Tử thành:
“Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn cảnh hàng cau bị te tua
Nhà ai bữa trước nằm trong ngõ
Nay bỗng thênh thang hóa mặt tiền”

Tôi thấy xót xa quá, nên đạp xe đi khảo sát thực tế mấy ngày, rồi chụp ảnh, phỏng vấn người dân và các nhà nghiên cứu, lấy tư liệu để viết báo nhằm phản ánh việc lạm dụng Nghị định 36-CP của chính quyền thành phố Huế. Khi tới khảo sát phủ Ba Cửa ở đường Phan Chu Trinh, tôi thấy anh Quý Tiết, người thừa tự phủ thờ này, đang cho người đập tường rào, chuẩn bị di dời 3 cái cổng dẫn vào phủ, theo lệnh của phường. Tôi nói với anh Quý Tiết: “Anh tạm ngưng việc này vài ngày, rồi thực hiện lệnh của thành phố sau cũng được, tôi đang viết báo để kêu cứu đây”.
Hai ngày sau, báo Tiền Phong đăng bài viết “Nghị định 36 CP và lời khẩn cầu cho Huế” của tôi. Sau khi báo ra, tôi bị Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế la rầy, bị một số quan chức của chính quyền thành phố và tỉnh đe nẹt đủ kiểu. Nhưng bài báo đã đến tay ông Nguyễn Hà Phan, lúc đó là Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông Phan đọc xong, gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế hỏi rõ sự tình. Sau đó, có một đoàn cán bộ từ Hà Nội vào tìm hiểu, xem xét và cuối cùng thì thành phố Huế được lệnh ngưng việc mở rộng lòng lề đường này. Có khoảng 3.000 ngôi nhà nằm trên 24 tuyến đường dự tính nói trên đã được lên phương án chỉnh lý mặt tiền, dời lui về phía sau, nhưng đã may mắn thoát nạn nhờ bài báo của tôi.
Sau đó, bài báo “Nghị định 36 CP và lời khẩn cầu cho Huế” của tôi được Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế trao giải Nhì mùa giải năm 1996. Tuy nhiên, sau khi tôi chọn bài này để vào cuốn sách “Từ kinh đô Trà Kiệu đến cố đô Huế” (tập hợp những phóng sự đăng báo của tôi trong các năm 1990 - 1996, do Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế cấp phép xuất bản năm 1997), thì tôi lại gặp rắc rối. Nguyên do là trong cuốn sách có in bài này và bài “Những nỗi niềm ca Huế trên sông” (cũng là bài báo được giải báo chí của Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế mùa giải năm 1994). Lúc sách phát hành thì tôi đi du học ở Nhật Bản. Vợ tôi bị sách nhiễu, phải viết văn bản giải trình thay cho tôi, vì theo lý lẽ của một ông Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế lúc đó, thì: “Những bài viết đó đã làm xấu hình ảnh của thành phố Huế, nên dù được giải báo chí, cũng phải bóc khỏi sách, mới được phát hành”. Tuy vậy, cuốn sách này sau đó cũng được tiêu thụ hết, dù bị buộc phải rút khỏi các hiệu sách một thời gian.
Điều thú vị là vào năm 2016, khi đến Thư viện Quốc hội Mỹ ở Washington D.C sưu tầm tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, khi tôi thử gõ tên tôi trong danh mục tác giả có sách lưu trữ ở fond Việt Nam, thì thấy tất cả những cuốn sách của tôi đã xuất bản (đến lúc đó là 11 cuốn) đều có lưu trong Thư viện, trong đó có cuốn “Từ kinh đô Trà Kiệu đến cố đô Huế”. Mỗi tựa sách của tôi được lưu trữ ít nhất là 2 bản.
Khoảng năm 2001 - 2002, khi tôi đang làm Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế tổ chức một cuộc họp để thông qua đề án xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế mới, nằm trong khuôn viên khu Cơ Mật viện, là nơi đóng trụ sở của Trung tâm BTDT Cố đô Huế. Đề án do Công ty Mỹ thuật Trung ương thuộc Bộ VHTT thực hiện, với kinh phí khoảng 40 tỉ (là khoảng đầu tư rất lớn vào thời điểm đó), lấy từ ngân sách của Bộ VHTT và nguồn vốn của Trung tâm BTDT Cố đô Huế. Tôi được phân công là phản biện 1 nên đọc rất kỹ và phát hiện đề án này có quá nhiều dối trá, phi lý, lãng phí, tốn kém và nếu thực hiện thì sẽ phá hủy nhiều cây cổ thụ, phá bỏ di tích Cơ Mật viện và trùng tu sai nhiều hạng mục di tích trong khu vực này. Vì thế, khi dự họp, tôi phát biểu 30 phút vạch trần tất cả những điều sai trái, phi khoa học, đi ngược nguyên tắc bảo tồn - bảo tàng, đặc biệt là vạch ra hàng chục khoảng kê sai, kê khống để nâng vốn đầu tư của dự án. Sau cùng tôi bỏ phiếu chống, phản đối thực hiện dự án. Phản biện 2 là nhà nghiên cứu Phan Thuận An, cũng phát biểu chỉ ra những sai sót của đề án và bỏ phiếu chống. Vì hai phản biện 1 và 2 đều bỏ phiếu chống, nên những thành viên khác dù có bỏ phiếu thuận, thì đề án cũng không được thông qua. Lúc đó, tôi và chú An hứng nhiều chỉ trích của lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế. Nhưng, sau khi Giám đốc Công ty Mỹ thuật trung ương bị bắt bỏ tù cùng với Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Điện Biên, vì tham nhũng và công trình làm kém chất lượng trong dự án xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ ở tỉnh Điện Biên, thì lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế mới hú vía và cho qua chuyện tôi và chú An đã chống đối dự án.
Năm 2005, tôi cùng với nhà báo Minh Tự (báo Tuổi Trẻ) tổ chức chuyên đề “Trùng tu di tích Huế: Mới hóa, trẻ hóa và rẻ hóa”, gồm nhiều bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật và báo Tuổi Trẻ hằng ngày, phê phán việc trùng tu di tích sai / ẩu / lãng phí ở quần thể di tích cố đô Huế. Tôi trực tiếp đến hiện trường, yêu cầu đơn vị tu bổ phải cạo bỏ các lớp sơn son thếp vàng mà họ phủ lên các biển ngạch bằng đá thanh trên các kiến trúc như: Ứng Tường Môn, Chí Tường Môn, Dục Khánh Môn, Đốc Hựu Môn, Miếu Môn… ở khu vực Hưng Miếu - Thế Miếu, vốn nguyên thủy là đá thanh tự nhiên không sơn phết.
Tôi cũng gửi kiến nghị bằng văn bản lên cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế, lên Bộ VHTT và Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO ở Bangkok (Thái Lan) để phản đối dự án xây dựng Life Resort trên đồi Vọng Cảnh, dự án mà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế ủng hộ và sẵn sàng trừng phạt (bằng nhiều hình thức) đối với những ai lên tiếng phản đối. Trước sự phản đối của nhiều trí thức, của một số quan chức có tấm lòng với di sản văn hóa Huế (trong đó có tôi), và trước sự lên tiếng của công luận trong và ngoài nước, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có văn bản chỉ thị tỉnh Thừa Thiên Huế ngưng dự án này, buộc lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế phải chấp hành.
Trên đây là một trong nhiều chuyện mà tôi đã “lên tiếng” ở Huế. Điều này gây cho tôi rất nhiều phiền toái trong cuộc sống và trong công việc.
Cuối cùng, vào ngày 1/7/2007, tôi nộp đơn từ chức Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế để đi tìm công việc khác. Nhưng mãi đến tháng 11/2007 đơn của tôi mới được chấp thuận, vì Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế nói rằng tôi đã theo học tiến sĩ nên phải ở lại Thừa Thiên Huế phục vụ trọn năm năm sau khi tốt nghiệp (Tôi bảo vệ tiến sĩ vào tháng 11/2002). Mặc dù trong thời gian đi học tiến sĩ, tôi tự trả học phí, không nhận tiền thưởng theo chế độ khen thưởng của tỉnh, nhưng họ nói trong thời gian đi học tiến sĩ tôi vẫn hưởng 40% lương hàng tháng, nên tôi phải chấp hành.
Ngày 1/2/2008, tôi rời Huế, vào trường Đại học Phan Châu Trinh ở Hội An, nhận chức Trưởng khoa Việt Nam học ở trường này. Tôi làm trưởng khoa ở trường Phan Châu Trinh, xây dựng hoàn thiện bộ khung chương trình giảng dạy môn Việt Nam học / Văn hóa - Du lịch, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho giảng dạy tại trường; tuyển chọn nhân sự, xây dựng đội ngũ giáo viên cho khoa Việt Nam học của trường ĐH Phan Châu Trinh.
Đến ngày 1/1/2009 thì xin thôi việc ở đây, về đầu quân cho Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Tuy nhiên trong suốt các năm 2009, 2010 và 2011 tôi vẫn về lại trường Đại học Phan Châu Trinh để dạy thỉnh giảng 4 chuyên đề cho sinh viên các khóa 1, 2 và 3 của trường này.

2. VÌ SAO TÔI BỊ KỶ LUẬT KHAI TRỪ ĐẢNG?
Đó là vì những status của tôi đăng trên FB cá nhân của tôi. Nhưng trước hết cũng nói qua một chút việc tôi vào Đảng.
Tôi được Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế nhận vào làm việc lúc 9h ngày 20/1/1990, nhờ sự tiến cử của thầy Nguyễn Hữu Thông và chú Mai Khắc Ứng. Lúc 10h, Giám đốc Thái Công Nguyên dắt tôi xuống Phòng Tổ chức - Hành chính, nói với Trưởng phòng Hồ Văn Tỵ: “Làm thủ tục cho cậu ni vô biên chế”, trước sự ngỡ ngàng của ông Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính.
Ở Trung tâm BTDT Cố đô Huế, tôi trải qua các công việc: hướng dẫn viên, nghiên cứu viên, rồi được cử làm Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) vào ngày 25/8/1995, lúc tôi mới gần 28 tuổi. Ngày 1/1/2000, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế Thái Công Nguyên lại bổ nhiệm tôi làm Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Khi đó tôi chưa vào đảng.
Sau khi đi học ở Nhật về (vào năm 1998), tôi được kêu làm hồ sơ vào đảng, nhưng tôi chần chừ, dù trước khi đi du học tôi đã được học đối tượng đảng và đã làm bí thư Đoàn TNCS của Trung tâm BTDT Cố đô Huế trong 2 nhiệm kỳ và 1 nhiệm kỳ làm phó bí thư (Đoàn Trung tâm Trung tâm BTDT Cố đô Huế có gần 200 đoàn viên). Lý do tôi chần chừ là tôi không thích dính vô chính trị, chính em. Nhưng khi được gọi làm hồ sơ vào đảng lần thứ 2, thì tôi hỏi ý kiến hai người: thầy Trần Quốc Vượng, là giáo sư đang hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ, và thầy Nguyễn Hữu Thông, thầy giáo hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp đại học và là ân nhân của tôi. Cả hai thầy đều khuyên tôi vào đảng. Thầy Vượng nói: “Nếu cậu không có đảng, chúng nó cho cậu ra rìa, dù cậu là Giám đốc bảo tàng. Cậu phải vào, phải tham gia cấp ủy và phải họp hành cùng chúng nó, phải giành quyền ra quyết sách để phát triển bảo tàng. Chứ không có đảng thì không làm gì được đâu”.
Tôi nghe lời hai thầy, vào đảng, nhưng tôi không làm bí thư chi bộ ngày nào, dù lúc đó đã có chỉ đạo là thủ trưởng cơ quan phải là bí thư chi bộ. Tôi để cho anh Nguyễn Tăng Khôi (nay đã mất) là Phó Giám đốc Bảo tàng làm bí thư chi bộ, tôi làm phó cho anh ấy. Tôi cũng giao anh ấy vấn đề Tổ chức - hành chính - nhân sự của bảo tàng, còn tôi phụ trách phòng Nghiên cứu và phòng Kiểm kê - Bảo quản, vì tôi thích vào kho cổ vật nghiên cứu hơn.
Cho đến khi về Hội An, sau đó ra Đà Nẵng làm việc, dù là Trưởng khoa, hay là Viện phó, tôi vẫn là 1 đảng viên chay mà thôi. Cho dù, tôi đã học xong Cao cấp Chính trị, học xong Chương trình QLNN dành cho Chuyên viên Cao cấp và đã là Chuyên viên Chính.

Trở lại với việc tôi bị kỷ luật do viết status trên FB. Tôi bắt đầu “chơi” FB từ cuối năm 2013, khi đi học lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN dành cho Chuyên viên Cao cấp, dù lúc đó tui chưa thi Chuyên viên Chính. Lý do là lớp này mở ngay nơi tôi làm việc, tôi lại đang là Viện phó, đã học xong Chương trình QLNN Chuyên viên Chính rồi, nhưng khi họ gọi đi thi thì tôi lại đi Nhật dự hội thảo 1 tuần nên phải cancel, đang đợi lần thi tiếp theo. Viện trưởng bảo: “Lớp này mở tại Viện, đằng nào anh cũng phải thi CVCC sau khi có CVC nên đi học trước đi”.
Một hôm, học một chuyên đề gì đó, giảng viên cứ “nói hươu, nói vượn” chả trúng trật gì cả, tôi bực mình nên vào internet để giết thì giờ. Tình cờ tôi thấy cái tài khoản Facebook do cậu con trai mở cho cả nửa năm trước đó, nhưng tôi đã quên khuấy nên chưa xài bao giờ. Nay thấy nó hiện ra trên máy tính nên tò mò vào dùng thử. Thấy cũng hay hay.
Thế rồi tôi bắt đầu đăng lên FB những hình ảnh và ghi chép ngắn về chuyến đi tới 11 quốc gia để tìm tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà tôi (và sau này có nhóm làm phim “Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời cùng đi) trong hai năm 2012 -2013.
Lâu dần thành quen, tôi đăng bài lên tài khoản FB của tôi gần như hàng ngày. Bình quân mỗi ngày 1 status. Ngày nào có thời gian hoặc có nhiều thông tin thời sự thì tôi đăng thêm từ 1 đến 2 status. Nội dung các status tôi đăng trên FB thường thuộc các chủ đề sau:
- Liên quan đến các vấn đề lịch sử, văn hóa, cổ vật Việt Nam và thế giới; bình luận, phân tích, chia sẻ, và phổ biến kiến thức về lịch sử, văn hóa, giáo dục nước nhà cho bạn bè trên facebook.
- Liên quan đến các vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa và Biển Đông; phản bác những yêu sách phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông; tố cáo Trung Quốc trong âm mưu / hành động xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam; vạch trần bộ mặt nhân nghĩa, tình đồng chí giả vờ của Trung Quốc để xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải và xâm hại chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
- Liên quan đến các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế, trong đó tôi thường phản biện những chính sách của các bộ, ngành ở trung ương mà tôi cho là sai trái, có hại cho dân, cho nước.
- Vạch trần sự xảo trá, ngu dốt, tệ nạn tham nhũng… của nhiều cán bộ các cấp ở nhiều địa phương trong nước và ở trung ương.
- Bày tỏ chính kiến của mình trước các tệ nạn được phơi bày trên báo chí chính thống trong nước.
- Trao đổi chuyện đời thường, bày tỏ tình cảm với gia đình, bạn bè, và học trò của tôi ở khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới.
- Viết truyện tiếu lâm để mua vui cho bạn bè.
Vì những nội dung đa dạng này nên facebook của tôi có nhiều người đọc và nhiều người chia sẻ những thông tin mà họ thấy thích thú. Trong đó có những status được rất nhiều người tương tác, chia sẻ như các status tôi bày tỏ sự bức xúc của mình đối với các vấn đề / sự kiện, như:
- Trung Quốc kéo giàn khoan HY-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
- Formosa xả thải tiêu diệt biển miền Trung, trong khi chính quyền từ trung ương, các bộ ngành liên quan và địa phương chậm xử lý, khắc phục hậu quả. Khi xử lý thì rất mù mờ, khó hiểu, thậm chí có những biểu hiện bao che cho tội ác của Formosa.
- Bão lụt gây thiệt hại tài sản của người dân, làm thiệt mạng nhiều người ở khắp nơi, nhưng chính quyền nhiều cấp, nhiều nơi vẫn tổ chức những sự kiện chính trị hoành tráng mà không có lời chia buồn tức thời đến người dân, trong khi đó là việc nên làm và không tốn kém gì.
- Phê phán nhiều quan chức cấp cao như Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường… do ban hành những chính sách sai, do phát biểu vô trách nhiệm, vô cảm, sai trái của họ.
- Phê phán những cá nhân được tôn vinh là gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được báo đài của nhà nước vinh danh, nhưng thực chất đây là những người có sai phạm nghiêm trọng, lừa trên dối dưới, tham lam quyền lực, lũng đoạn chính trị nước nhà.
- Phê phán chủ trương chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ là hình thức hơn thực chất, chống nơi này nhưng tha thứ hoặc giảm nhẹ ở nơi khác; xử lý kỷ luật ở nơi này rất nặng, trong khi ở nơi khác sai phạm lớn hơn nhưng chỉ bị xử lý nhẹ, hoặc không bị xử lý.
- Góp ý những bất cập trong luật đất đai sửa đổi và chỉ ra những hậu quả của nó; phản đối dự luật đặc khu và dự luật an ninh mạng.
- Lên tiếng về vụ sai phạm tày trời ở Thủ Thiêm...
- Phân tích sự “lợi bất cập hại” khi ASEAN tán thành dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc (dự kiến thông qua tại Clark, Philippines vào cuối năm 2017 khi Philippines là Chủ tịch ASEAN) mà không giải quyết vấn đề vô hiệu hóa “đường lưỡi bò” theo phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về vụ Philippines kiện Trung Quốc theo phụ lục 7 của UNCLOS, trong khi lại tán thành tính ràng buộc pháp lý (legal binding) ở trong dự thảo này.
……

Có những status tôi đăng đã có đến 2 - 3 ngàn tương tác, hơn 1 ngàn chia sẻ.
Thế rồi, ngày 23/9/2017, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng triệu tập tôi, yêu cầu tôi giải trình những status mà họ cho là có dấu hiệu vi phạm “Những điều đảng viên không được làm”. Họ copy 20 status tôi đăng trên FB, bắt tôi giải trình lý do tôi viết những status đó. Sau khi tôi giải trình, họ chốt lại 6 status, bảo đó là những vi phạm, cần xử lý.
Tôi đọc 6 status mà họ chốt, thấy đó là những status tôi phê phán tham nhũng, chỉ trích quan chức bất tài; không thấy họ đề cập hàng trăm status “chống Trung cộng” mà tôi đăng rất nhiều trên FB của mình.
Sau 3 phiên kiểm điểm ở 3 cấp: chi bộ Viện, đảng ủy Khối các cơ quan nhà nước và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cuối cùng, vào đầu tháng 2/2018, Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng ra văn bản kỷ luật tôi với mức: Cảnh cáo.
Sau đó, tôi tiếp tục viết và đăng tải các status liên quan đến tình hình Biển Đông, quan hệ Việt - Trung, tiếp tục chỉ trích, chê bai, khinh bỉ quan chức tham nhũng, bất tài…
VÀ VIỆC SẼ ĐẾN ĐÃ ĐẾN
Ngày 20/11/2018, tôi vừa nhận những lẵng hoa tươi thắm của học trò cũ chúc mừng nhân ngày nhà giáo Việt Nam, thì nhận được giấy triệu tập đến Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng để giải trình những status có dấu hiệu vi phạm kỷ luật của Đảng.
Lần này họ yêu cầu tôi viết giải trình về động cơ, mục đích khi đăng 3 status sau:

1. Status ngày 5/8/2018 đăng nội dung:
HỎI VÀ "TRẢ LỜI"
- Ngày 2/8/2018, báo Tuổi Trẻ hỏi phùng xuân nhạ: “Bộ trưởng nhận trách nhiệm, RỒI SAO NỮA?”
- Ngày 4/8/2018, báo Người Lao động “trả lời giúp”: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên Tây nguyên dự khánh thành trường dân lập (https://nld.com.vn/…/bo-truong-phung-xuan-nha-day-lam-nguoi…)
Trạng Trình nói rồi: “Thớt có tanh tao, ruồi đổ đến. Gang không mật mỡ, kiến bò chi?”.
Vậy, theo quý vị phùng xuân nhạ là ruồi, hay là kiến? Nhưng theo tôi, y chắc chắn không phải là NGƯỜI.

2. Status ngày 18/8/2018 đăng nội dung “Tận cùng trơ trẽn” và dẫn link bài báo “Chiêu thức chống phá mới của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa” của PGS, TS. Đỗ Mạnh Hòa (Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự), đăng trên báo điện tử Công an nhân dân.
3. Status ngày 02/9/2018 có đăng hình vẽ hí họa, trong hình vẽ có câu: “73 năm trước lùa dân tụ tập đông người để nghe tuyên ngôn độc lập. 73 năm sau ngày lễ Độc lập lại cấm tụ tập đông người”. Kèm theo hình vẽ trên là câu hỏi: “Có phải như ri không mấy hia mấy chế?”.
Thực sự thì trong 3 status trên, tôi chỉ viết 2 cái đầu, còn cái thứ 3 thì do một Facebooker khác tag vào FB của tôi. Tôi cho nó “nổi lên” trên timelines và viết thêm câu hỏi: “Có phải như ri không mấy hia mấy chế?”.
Sau 3 vòng kiểm tra - giải trình, và 3 phiêm kiểm điểm ở các cấp tại: chi bộ Viện, đảng ủy Khối các cơ quan nhà nước và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, kéo dài hơn 3 tháng, ngày 5/3/2019, họ yêu cầu tôi đến trụ sở Thành ủy để kiểm điểm trước BCH Thành ủy Đà Nẵng.
Tôi đọc xong bản giải trình - kiểm điểm cho họ nghe xong thì về. Sáng hôm sau (6/3/2019) tôi xách vali ra sân bay, bay qua Bangkok, sau đó bay đến Surat Thani (Thái Lan) tham dự Hội thảo quốc tế “Trao đổi văn hóa ở châu Á thông qua mạng lưới hải thương cổ đại” do Bộ Văn hóa và Du lịch Thái Lan tổ chức.
Chiều 7/3/2019, Thành ủy Đà Nẵng ra quyết định khai trừ tôi ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sáng 8/3/2019, tôi nhận tin khai trừ đảng do bạn Lê Trọng Vũ ở Đà Nẵng nhắn tin qua messeger. Lúc đó, tôi chuẩn bị lên diễn đàn, tham gia điều hành một phiên họp (phiên thứ 3 tại Hội thảo quốc tế này), cùng với 1 đồng nghiệp người Thái và 1 đồng nghiệp người Singapore. Cũng trong phiên họp này, tôi đã trình bày tham luận của tôi, bàn về gốm sứ trong những con tàu đắm ở Biển Đông đã được Việt Nam khai quật từ 1990 đến nay.
Sau khi trình bày tham luận xong, tôi vào internet thì thấy tin tôi bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản Việt Nam được đăng trên hầu hết các báo lớn ở Việt Nam. Ngày hôm sau thì nhiều tờ báo khác trên thế giới như: BBC, RFI, RFA, VOA, AP, AFP, Der Spigel, Epod Times, Daily Mail, Global Times, Weixin… đều có bài phân tích về chuyện này. Riêng BBC có đến hai bài dài lòng thòng. Đặc biệt, mấy tờ báo Trung cộng rất khoái trá với việc tôi bị khai trừ đảng.
Tôi khá ngạc nhiên và không hiểu vì sao mà báo chí trong nước và quốc tế lại quan tâm đến việc tôi bị khai trừ đảng nhiều đến vậy. Riêng FB thì khỏi bàn. Vì quá nhiều bình luận, chia sẻ, chúc mừng có, khen có, chửi bới có, hả hê có. Đủ cả.
Đặc biệt, trên wikipedia, ai đó đã nhanh chóng tạo ra một tài khoản ghi tiểu sử của tôi, nhưng ghi trật lấc rất nhiều chuyện. Tôi rất muốn đính chính những thông tin sai lệch này, nhưng chưa có thời gian để làm, cũng như không biết cách làm.
Từ ngày 9/3 đến 11/3/2019), tôi cùng 200 đại biểu tham dự hội thảo nói trên đi điền dã ở các tỉnh Surat Thani, Phang Nga và Karbi. Sau đó thì quay lại Bangkok và trở về Việt Nam.
- Sáng 13/3/2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng mời tôi lên trao quyết định khai trừ tôi ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Đến chiều ngày 18/3/2019, UBND Thành phố Đà Nẵng mời tôi họp kỷ luật và cho phép tôi chọn lựa hình thức kỷ luật về chính quyền. Tôi nói với hội đồng kỷ luật là tôi chấp nhận tất cả, quý vị thích mức nào thì cứ ban hành quyết định, nhưng tôi đề nghị họ đồng ý cho tôi thôi việc như tôi đã gửi đơn từ tháng 2/2019. Cuối cùng họ đồng ý.
VẬY LÀ TÔI CHẤM DỨT SỰ NGHIỆP VIÊN CHỨC CỦA TÔI, kéo dài từ ngày 20/2/1990 đến ngày 31/3/2019, như một quyết định ban hành sau đó, được ký bởi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng.
3. MỘT NĂM QUA TÔI ĐÃ LÀM GÌ?
Khuya ngày 25/3/2019, tôi ra sân bay Đà Nẵng bay đi Tokyo. Chuyến bay đáp xuống sân bay Narita vào lúc 7h00 sáng hôm sau. Tôi bắt tiếp chuyến bay thứ hai bay lên Otaru ở Hokkaido. Anh bạn Đàm Đăng Lại đón tôi ở sân bay, chở đi thăm thú một vài nơi ở Hokkaido rồi đưa tôi lên sơn trang Niseko trên một ngọn núi phủ đầy băng tuyết ở lại, cùng với một họa sĩ người Nhật. Tôi đã có một khoảng thời gian thư giãn tuyệt vời với hai người bạn (một lâu năm, một mới quen) ở đây.
- Từ ngày 27 đến ngày 30/3/2019, tôi rong chơi ở Sapporo và Otaru với các bạn Nguyên Chương, Lê Hồng Vân, Đàm Đăng Lại và Hiroko cùng các con cái của những người bạn này. Thăm thú nhiều nơi, thưởng thức nhiều đặc sản ẩm thực của Hokkaido.
- Sáng 30/3/2019, từ Otaru, tôi bay về Nagoya gặp người bạn Nhật lâu năm của tôi là Nakamura Masami. Chúng tôi cùng đi chùa lễ Phật, gặp gỡ những bạn bè cũ và mới của chúng tôi ở Nagoya, ăn uống vui chơi cùng với họ.
- Sáng 31/3/2019, tôi và Nakamura bắt shinkansen từ Nagoya về Tokyo. Tại đây, anh Thân Hà Nhất Thống, bạn Khánh Tường và anh Thân Đức Thiện từ Việt Nam sang đã chờ hai chúng tôi ở khách sạn Hilton tại Tokyo.
- Ngày 1/4/2019, tôi chính thức đầu quân cho Tao Đàn Thư Quán, nhưng bắt đầu công việc mới ở Tokyo, bằng việc cùng nhóm của anh Thân Hà Nhất Thống và anh Nakamura Masami đi làm việc, gặp gỡ đối tác Nhật Bản NIPPON KOEI; thăm trường ĐH Waseda được GS. Trần Văn Thọ mời ăn trưa trong canteen của trường; thăm Hội các nhà Việt Nam học Nhật Bản, ăn tối với GS. Shiraishi Masaya - Chủ tịch Hội; tham quan nhiều nơi ở Tokyo, Kyoto, Nara (gặp gỡ thiền sư Kono trú trì chùa Daianj); dự lễ hội hoa anh đào ở nhiều nơi như đền Yasukuni, hoàng cung Tokyo, sông Kandagawa…
- Sau 10 ngày rong ruổi ở Nhật Bản, ngày 5/4/2019, tôi và anh Thống bay từ Tokyo về Đà Nẵng. Chiều hôm đó, chính thức làm việc tại văn phòng công ty Tao Đàn Thư Quán.
Công việc chính của tôi ở Tao Đàn Thư Quán là tìm kiếm các biên khảo hay về lịch sử, văn hóa, tư tưởng, văn học… để mua tác quyền, tổ chức biên tập, dịch thuật và liên kết với các nhà xuất bản để xuất bản và phát hành trong nước.
Trong 1 năm qua, tôi đã tổ chức bản thảo và xuất bản được các đầu sách: CÕI VIỆT (Tác giả: Trần Đức Anh Sơn); MỸ THUẬT NGUYỄN (Tác giả: Nguyễn Hữu Thông); TRO VÀ LỬA LẠNH (Cố tác giả: Hà Văn Thịnh); DINH TRẤN THANH CHIÊM QUẢNG NAM (Tác giả: Đinh Trọng Tuyên - Đinh Bá Truyền); và ĐI TÌM CHÂN DUNG VUA QUANG TRUNG (Tác giả: Nguyễn Duy Chính). Tất cả đều hợp tác với Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh để xuất bản và phát hành.
Ngoài ra, tôi còn thay mặt Tao Đàn Thư Quán phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng tổ chức một hội thảo khoa học quốc tế “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, thu hút 28 tham luận của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trên thế giới gửi tham luận tham gia hội thảo và đón hơn 200 người quan tâm đến dự hội thảo này trong 2 ngày 28-29/12/2019. Điều thú vị là hội thảo này là hội thảo mà người tham gia gửi bài phải tự túc phương tiện đi lại để tham gia, không được trả tiền nhuận bút bài viết, và hơn 300 / 360 cuốn kỷ yếu đã được bán hết với giá 180.000đ/cuốn.
Cũng vì liên quan đến việc mua tác quyền, nên trong năm qua, tôi đã đi Mỹ và Canada (cuối tháng 4 - đầu tháng 5/2019), Đức, Bỉ và Pháp (tháng 9/2019) để gặp các tác giả, các nhà xuất bản để ký kết hợp đồng mua bản quyền in sách.
Tôi cũng được Đại học Hamburg (Đức) mời đến thuyết trình ở Viện Á - Phi và Phân khoa Việt Nam học của trường này 2 topics: “Bãi Tư Chính và mưu toan tranh giành chủ quyền của Trung Quốc: Lịch sử và diễn biến hiện tại”; và “Vùng đất Quảng Nam với sự ra đời của chữ Quốc ngữ (vào tháng 9/2019). Tôi được Santa Casa mời sang Lisbon (Bồ Đào Nha) dự Hội thảo “Người Bồ Đào Nha với di sản chữ Quốc ngữ ở Việt Nam” tổ chức (vào tháng 9/2019); được mời qua Seoul (Hàn Quốc) dự hội thảo “Thực phẩm lên men trong văn hóa ẩm thực ở các nước ASEAN và Hàn Quốc”, do Viện Nghiên cứu và Quảng bá thực phẩm Hàn Quốc và Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Hàn Quốc đồng tổ chức (vào tháng 11/2019). Sau đó thì đưa cả nhà gồm tôi, bà xã và 2 con quay lại Seoul để du lịch và đón Tết Dương lịch (từ 31/12 đến 7/1/2020).
Hiện tại, tôi đang tổ chức biên tập 3 bản thảo: TỪ ĐIỂN NHÀ NGUYỄN (2 tập, của Võ Hương-An), PHAN THUẬN AN VỚI HUẾ (3 tập, của Phan Thuận An) và CỘI RỄ (2 tập, tiểu thuyết của Alex Haley) và biên dịch cuốn sách NGHỀ THUỐC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM (từ tiếng Anh, của GS.TS. Michelle Thompson, ĐH Southern Connecticut, Mỹ).
Ngoài ra, tôi cũng đang viết và chỉnh sửa bộ sách RONG RUỔI THỰC LỤC (3 tập, mà tập 1 đã in 2 lần vào 2008 và 2013) để kịp in vào cuối mùa hè này.
4. VĨ THANH
Chiều ngày 29/3/2020, tôi nhờ một đồng nghiệp cũ ở Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng đến giúp tôi khai thuế thu nhập cá nhân để nộp cho Cục Thuế Đà Nẵng theo quy định, kịp thời hạn trước ngày 31/3. Cô ấy giúp tôi hoàn thiện hồ sơ thuế và đi nộp giúp vào ngày 30/3.
Trước khi về, cô ấy nói: “Có 1 chị nhân viên ở phòng an ninh nội bộ công an Đà Nẵng hay điện thoại cho em hỏi về anh. Chị ấy hỏi là liệu anh có đi Mỹ hay không, vì nghe nói con anh đang học bên Mỹ cả hai đứa?”. Tôi nói: “Con anh đi học là việc của tụi nó. Còn anh ở đây sống và làm việc là chuyện của anh. Chẳng liên quan gì với nhau cả”.
Thực tế, trước khi xảy ra vụ kỷ luật, tôi có nộp đơn xin làm giảng viên của Trường ĐH Fulbright ở Sài Gòn. Có 3 người tiến cử tôi vào trường này, trong đó có TS. Tạ Văn Tài (cựu GS trường Luật Harvard, Mỹ), PGS.TS. Erik Harm (Trưởng khoa Nhân học, ĐH Yale, Mỹ) và 1 PGS ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hồ sơ của tôi được chọn vào vòng trong, trường gọi tôi đi phỏng vấn. Nhưng đúng lúc đó thì xảy ra chuyện tôi bị kỷ luật đảng, nên tôi chủ động gửi e-mail đến ban tuyển chọn, xin dừng việc phỏng vấn tuyển dụng làm giảng viên trường ĐH Fulbright.
Sau đó, thông qua tiến cử của GS. Ben Kiernan (Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Yale, Mỹ), GS. Jann Pasler ở Đại học California - San Diego liên lạc với tôi mời tôi tham gia một dự án nghiên cứu về văn học và âm nhạc thời thuộc địa ở các nước thuộc địa của Pháp. Lúc đầu tôi rất hào hứng, nhưng khi nghe GS. Jann Pasler nói là nếu tham gia dự án này, tôi phải sang Paris làm việc 3 năm nên tôi lưỡng lự, vì tôi học tiếng Pháp chỉ có 2 năm, đã ngưng sử dụng từ hồi ra tốt nghiệp đại học (1989) đến giờ nên bây giờ học lại tiếng Pháp và sử dụng để làm việc, để viết báo cáo nghiên cứu Post-Doc thì quá gian nan. Nên tôi cũng xin thôi.
Trước mắt, tôi sẽ tập trung làm sách cho Tao Đàn Thư Quán, có hội thảo nào hay hay thì tham gia. Có trường nào trong và ngoài nước mời giảng chuyên đề thì nhận lời giảng dạy cho đỡ nhớ không khí giảng đường.
Trong 29 năm làm viên chức, tôi có tham gia giảng dạy (thỉnh giảng) khoảng 15 năm, có năm giảng đến 540 tiết.
Tôi cũng đã hướng dẫn thành công 10 học viên cao học làm luận văn Thạc sĩ, trong đó có 8 luận văn viết bằng tiếng Anh. Tôi cũng viết được một số kha khá bài nghiên cứu in ở trong và ngoài nước và xuất bản hơn chục đầu sách trong mười mấy năm qua.
Tôi cũng đã từng đoạt nhiều học bổng du học của chính phủ nước ngoài, để du học ở: Nhật Bản (1997 - 1998); Hàn Quốc (1999); Đức và Pháp (2004), và sau cùng là học bổng của Chương trình học giả Fulbrighter (do Bộ Ngoại giao Mỹ cấp), trở thành Fulbright scholar ở Đại học Yale danh giá của nước Mỹ (2015 - 2016). Vậy nên, tôi nghĩ là mình cũng có thể nghiên cứu hay giảng dạy được và sẵn sàng tham gia những công việc này khi có điều kiện.
Tôi đã bán mảnh đất mà vợ chồng tôi giành dụm tiền nong, mua được ở Đà Nẵng, vui vẻ ở nhà chung cư (nhà thuê của nhà nước) để lấy tiền cho con trai đi du học ở Mỹ. Nay cháu sắp tốt nghiệp. Con gái của tôi đang học lớp 12 ở Đà Nẵng cũng đã được 1 trường ở Mỹ thông báo sẽ cấp học bổng 80 % cho 4 năm học đại học, bắt đầu từ năm học tới (nhưng đang có đại dịch viêm phổi Vũ Hán nên gia đình tôi chưa biết tính sao đây).
Nếu cả hai con đi du học, rồi kiếm được việc làm trong môi trường thích hợp, thì tôi và bà xã coi như mãn nguyện, vì đã đầu tư đúng hướng.
Tôi cũng đã từng đi đến / đi qua (vì nhiều mục đích: du học, hội thảo, công tác, du lịch…) hơn 30 quốc gia ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Úc (nhưng chưa tới châu Phi và Nam Mỹ). Riêng nước Mỹ tôi đã đi đến 21/50 tiểu bang. Lang thang nước ngoài chừng nớ cũng đủ rồi, nên tôi chưa có ý định cư ở đâu ngoài Việt Nam.
Tôi cũng đã viết sẵn 1 bản dự thảo di chúc, trong đó có mấy điểm chính:
- Sau khi qua đời, tôi sẵn sàng hiến toàn bộ những bộ phận thân thể còn dùng được của tôi cho ai cần.
- Tôi không có nhu cầu xây mộ sau khi chết. Hãy hỏa thiêu và đem tro cốt ra thả ở nơi sông Hương hòa với biển.
- Tôi có 3 tủ sách lớn, để ở ba nơi: Nhà tôi ở Huế, chung cư ở Đà Nẵng và văn phòng công ty Tao Đàn Thư Quán. Vì thế, tôi sẽ hiến tặng sách để ở văn phòng công ty để mở Thư viện Tao Đàn Thư Quán phục vụ cộng đồng. 2 tủ sách còn lại, tùy hai con tôi quyết định.
Khi đã chuẩn bị mọi thứ khá kỹ lưỡng thì tôi yên tâm sống, làm việc và trải nghiệm những vui thú của cuộc đời, mà không phải ai cũng được may mắn có được như tôi. Hay nói như một cô học trò cũ của tôi: “Cuộc đời của thầy rất thú vị. Em thích a rứa”.
Đúng vậy! Cuộc đời tôi rất thú vị và tôi vẫn đang thấy phía trước là một bầu trời vô cùng tươi đẹp.
NGƯỜI NƯỚC HUỆ (Viết nhân tròn 1 năm làm việc ở Tao Đàn Thư Quán trong hoàn cảnh social distancing ngày thứ nhất)

"


1 nhận xét:

  1. 1. Một tâm sự của anh Trần Đức Anh Sơn (viết ngày 1/4/2020)


    "
    Anh Son Tran Duc
    23 giờ ·
    VIẾT THẬT TRONG NGÀY CÁ THÁNG TƯ
    Hôm nay là ngày 01/4/2020, ngày Cá tháng Tư (Poisson d'Avril), tròn 1 năm tôi chính thức làm việc cho Công ty cổ phần kinh doanh ấn phẩm văn hóa Tao Đàn Thư Quán (gọi tắt là Tao Đàn Thư Quán), cũng là ngày công ty này chính thức mở cửa hoạt động.
    Lẽ ra, sáng nay tôi sẽ đặt một cỗ bánh kem có dòng chữ “Mừng Tao Đàn Thư Quán tròn 1 tuổi”, mang tới văn phòng công ty, rồi mời các anh / chị / bạn: Thân Hà Nhất Thống, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Thị Linh Phương, Trần Hồng Lê, Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Cát Tiên... cùng cắt bánh, uống trà và mừng công ty thôi nôi.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.