Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

22/03/2020

Ông vua Lê gốc Hán đóng đô ở vùng Thanh Hóa hồi thế kỉ 6 - 7, sau được dân Việt đời đời thờ phụng

Đó là vị thái thú các quận Nhật Nam và Cửu Chân thời nhà Tùy, có tên tục là Lê Ngọc (hay Lê Cốc). Ông là người Hán được các triều đại phong kiến Trung Quốc (Lương, Tùy) phái xuống cai quản vùng Thanh Nghệ ngày nay. 

Câu chuyện của thế kỉ 6 - thế kỉ 7. Tức là thời Bắc thuộc, cách nay tới mười mấy thế kỉ. Cụ thể là thời Tùy Dạng Đế.

1. Thời Tùy Dạng Đế trong liên quan đến Lê Ngọc, thì có thể đọc một chuyện thần tiên của đạo sĩ Đỗ Quang Đình qua bản chuyển ngữ của chủ nhân Giao Blog từ khoảng 25 năm trước, ở đây - truyện Người khách có bộ râu hùm). Trong truyện, có sự xuất hiện của chàng thanh niên Lý Thế Dân (sau là vua Thái Tông của nhà Đường).

Tùy Dạng Đế trong truyện của Đỗ Quang Đình chính là người đã phái Lê Ngọc tới cai quản vùng Thanh Nghệ ngày nay.

2. Lúc nhà Tùy nổi lên, ở ngôi rất ngắn, thì sau đó là nhà Đường lại được lập ra, thiên hạ đại loạn. 

Thái thú Lê Cốc đã chiếm cứ quận Nhật Nam và quận Cửu Chân, trở thành vua một cõi, được nhân dân trong vùng ủng hộ, từng chống lại nhà Đường. Các sử gia Việt Nam gọi là khởi nghĩa Lê Ngọc (hay Lê Cốc). Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, Lê Cốc và những người con trai con gái của ông lần lượt tử trận. 

3. Đời sau, ở Đại Việt, người ta tôn gọi ông là Cao tổ Lê Ngọc hoàng đế. Nhân dân vùng Thanh Nghệ thờ ông và các con ở nhiều ngôi đền trong vùng. 

Thông tin về một tấm bia hiện còn, tức bia nhà Tùy, viết về Lê Ngọc, cũng là một trong những tấm bia Hán văn cổ nhất Việt Nam, thì đã đưa về Giao Blog một thời trước (đọc lại ở đây).

Bây giờ là đi nhanh một ít tư liệu về các nơi thờ Lê Ngọc cùng các con tại vùng Thanh Nghê.

Tư liệu được cập nhật dần.

Tháng 3 năm 2020,
Giao Blog





---

Bài chính thức trên trang của xã Đông Ninh huyện Đông Sơn


Đôi nét về nhân vật lịch sử Lê Ngọc thuộc di tích đền thờ Lê Ngọc.

Đăng lúc: 26/09/2018 14:47:35 (GMT+7)

Di tích đền thờ Lê Ngọc thuộc làng Trường Xuân, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Di tích đền thờ Lê Ngọc thuộc làng Trường Xuân, xã Đông Ninh,huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tổ tiên của Lê Ngọc làm quannhà Tấn, được phong tước hầu. Đến thời nhà Lương đã có 3 đời liên tiếp được phong hầu. Sang đến đời nhà Tùy, Lê Ngọc được phong Tuyên uy tướng quân Nhật Nam thái thú (quận Nhật Nam lúc này tương ứng với các tỉnh Nghệ An,Hà Tĩnhngày nay), sau đổi làm Cửu Chân thái thú.

anh den tho cao to Le Ngoc.JPG

Cuối đời Tùy, hào kiệt các nơi nổi lên cát cứ, Lê Ngọc cũng cát cứ ở quận Cửu Chân. Khi nhà Đường thay thế nhà Tùy, Lê Ngọc không chịu thần phục nhà Đường, ông theo vua Lương là Tiêu Tiểncùng chống lại nhà Đường, đóng ở quận trị của quận Cửu Chân là Đông Phố (tức Đồng Pho, nay thuộc xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnhThanh Hóa), chia các con chiếm giữ các địa phương. Một số nhà sử học gọi đây là cuộc khởi nghĩa Lê Ngọc.
anh gieng co den tho Le Ngoc.JPG
Gieng co - noi den tho cao to Le Ngoc

Sau khi Tiêu Tiển bị nhà Đường tiêu diệt, thái thú Giao Chỉ(Bắc Bộ ngày nay) là Khâu Hòa, trước là đồng minh của Tiêu Tiển, đã đầu hàng nhà Đường và được giữ nguyên chức Thái thú Giao Chỉ. Lê Ngọc không chịu đầu hàng mà lui về trấn thủ dân địa phương. Sau gần ba năm kháng chiến chống nhà Đường, Lê Ngọc và ba con trai đều tử trận, người con gái đang trấn giữ vùng Như Xuân, Thanh Hóa, trên đường đem quân hỗ trợ cha và các em, nghe được tin dữ cũng nhảy sông tuẫn tiết.

Trong thời gian khởi nghĩa chống nhà Đường, vào năm 618, Lê Ngọc đã xây dựng sinh phần tại địa phận làng Trường Xuân, xãĐông Ninh, huyện Đông Sơn ngày nay. Trước sinh phần có xây Hoằng tĩnh đài và dựng một cái bia. Bia này được phát hiện trong đền thờ Lê Ngọc tại làng Trường Xuân, hiện được lưu giữ ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, được coi là một trong những tấm bia xưa nhất Việt Nam. Trên bia có ghiĐại Nghiệp thập tứ niên, tức lànăm Đại Nghiệp thứ mười bốn(Đại Nghiệp là niên hiệu của Tùy Dạng đế). Dù đời Đại Nghiệp chỉ có 13 năm, nhưng khi Tùy Dạng Đế bị giết, đồng thời nhà Tùy đổ thì Lê Ngọc không biết nên khi dựng bia vẫn theo niên hiệu Đại Nghiệp. Văn bia này ca ngợi sự nghiệp và đạo học của Lê Ngọc.

Tuy có tổ tiên là người Hán, nhưng sinh ra trong gia đình nhiều đời làm quan tại Việt Nam, Lê Ngọc đã thoát li quan hệ với triều đình Trung Quốc và trở thành hào trưởng địa phương, tương tự Lý Phật Tử ở Giao Chỉ. Do kêu gọi nhân dân cùng đứng lên chống ách đô hộ của nhà Đường, ông được nhân dân tin tưởng quý mến và được tôn làm phúc thần.

Tóm lại, nhân vật Lê Ngọc tuy không được chép trong chính sử, chúng ta có thể biết ông qua một tấm bia do chính ông dựng còn lại đến ngày nay và một số thần tích về đền thờ ông cùng vợ con. Tấm bia là một tài liệu lịch sử chân xác cho chúng ta biết Lê Ngọc là một nhân vật lịch sử ở Thanh Hóa trước thế kỷ thứ X.

(Nguồn sưu tầm)


..


---

BỔ SUNG



3.

70.Văn bia Hán Nôm với di tích, danh thắng (TBHNH 2002)
Cập nhật lúc 22h31, ngày 29/03/2007

ĐINH KHẮC THUÂN

Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Văn bia Hán Nôm tứ là những văn bản viết bằng chữ Hán, chữ Nôm khắc trên bia đá và cả trên chuông đồng, khánh đá, biển gỗ, thường được gọi chung là “văn bia” hay “văn khắc”. Các di vật này thường gắn với di tích, danh thắng vừa là một bộ phận không thể thiếu được tạo lên cảnh quan tráng lệ, cổ kính vừa nguồn sử liệu hết sức quan trọng của từng di tích, danh thắng nói riêng và cả của địa phương nói chung.
Ở Việt Nam, lệ dựng bia khắc đá khá phổ biến, song chưa rõ có từ khi nào. Tấm bia sớm nhất hiện biết là bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn ở Thanh Hóa, tạo năm Đại Nghiệp 14 (618), niên hiệu nhà Tùy. Tiếp đó là những cột kinh Phật ở Hoa Lư được khắc vào thế kỷ X thuộc thời nhà Đinh. Thực tế, lệ dựng bia này phát triển rộng rãi và phổ biến hơn cả là từ thời Lý, Trần trở đi. Theo số liệu thác bản văn bia Hán Nôm do Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp sưu tập trước dây, có khoảng 11.000 đơn vị văn bản (1), ngoài ra là một lượng văn bia mới cũng khá lớn được bổ sung bởi Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong mấy năm gần đây. Kho tư liệu thác bản này đã giúp ích cho nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về lịch sử văn minh Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, nhất là cung cấp thông tin quan trọng gắn liền với lịch sử từng di tích, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, cũng như tượng thờ.
Văn bia trước thế kỷ X, hiện biết có 4 văn bản thời Bắc thuộc và trên 10 bản kinh cột Hoa Lư thuộc nhà Đinh. Bia Đại Tùy Cửu Chân quạn như vừa nêu trên cho biết ở xã Đông Minh huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa có ngôi đền thờ Lê Ngọc, hay Lê Cốc, Thứ sử quận Cửu Chân thời Tùy đã chết và được chôn cất tại đây. Vị Thứ sử này cũng là người tôn sùng Phật giáo, nên sau khi mất được người đương thời lập Bảo An đạo tràng và dựng bia kỷ niệm. Từ “đạo tràng” ở đây cũng là từ chỉ ngôi chùa, bời năm Đại Nghiệp 9 (613) Tùy Dưỡng Đế xuống chiếu đổi “tự” (chùa) thành “đạo tràng”. Vì vậy có thể hiểu là ngôi đền này ngày nay có nguồn gốc là ngôi chùa được dựng từ thời thuộc Tùy, năm 618. Văn bản chuông Thanh Mai (Thanh Oai, Hà Tây) khắc năm 798 và chuông Nhật Tảo (Từ Liêm, Hà Nội) năm 948 cho biết Phật giáo và Đạo giáo thời Tùy - Đường đã ảnh hưởng và khá phổ biến ở Việt Nam, nơi đây khi đó đã có chùa Phật và quán Đạo với số lượng tín đồ khá đông đảo. Các cột kinh ở Hoa Lư thế kỷ X khắc Phật đỉnh tôn thắng gia cú linh nghiệm Đà la ni cho biết tín ngưỡng Phật đỉnh tôn thắng Đà la ni vào thời Đường của Trung Quốc không chỉ lưu truyền về phía đông đến Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn lưu truyền xuống phía nam đến Việt Nam. Văn bia từ thế kỷ X về trươc tuy ít ỏi, nhưng hết sức quan trọng, đã bổ sung nhiều thông tinh hữu ích gắn liền với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đương thời.
Văn bia thời Lý Trần mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh của văn minh Đại Việt, có số lượng khá phong phú, tuy đã bị hư hủy hoại mất mát nhiều, song số lượng văn bia thời kỳ này mỗi ngày được bổ sung thêm, bao gồm cả thảy 18 văn bản thời Lý, 44 văn bản thời Trần(2). Tư liệu này có nội dung phản ánh khá đa dạng về di tích, danh thắng.
Đoạn văn khắc trên bệ tượng “A Di Đà tụng” chùa Hoàng Kim (Quốc Oai, Hà Tây) năm 1099 cho biết niên đại chính xác của pho tượng Phật A Di Đà quý giá thời Lý này. Văn bia chùa Báo Ân núi An Hoạch (Thanh Hóa) khắc năm 1100 cho biết Lý Thường Kiệt khi cai quản trấn Thanh Hóa đã sai lấy đá núi An Hoạch xây chùa Báo Ân. Trong chùa có vẽ chân dung Phật và Bồ tát. Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang dựng năm 1107 ghi về một ngôi chùa Phật được dựng ở vùng núi phía Bắc gắn với các dòng tộc thủ lĩnh biên ải. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi, Hà Nam) khắc năm 1121 mô tả khá chi tiết nghi thức lễ đàn của hội đèn Quảng Chiếu ở Thăng Long... Bia chùa Thiệu Long (Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Tây) dựng năm 1226, năm đầu nhà Trần, cho biết chùa này có kết cấu mặt bằng khá đơn giản, gồm tòa chính điện là kiến trúc trung tâm, ngoài ra là một số tòa kiến trúc phụ như hành lang, tam quan, lầu tháp, tăng phòng, cầu... vừa vây xung quanh tòa chính điện, vừa trải dài theo trục dọc...
Trong khi phần lớn di tích kiến trúc Phật giáo thời Lý Trần nay đều bị hư hỏng, biến đổi nhiều, thì tư liệu văn bia, từng được xem là trang sử “đá”, có giá trị đáng kể trong việc khôi phục “bản lai diện mục” của các di tích đó.
Cũng từ tư liệu văn bia, chúng ta có thể nhận thấy rằng đa phần những ngôi chùa lớn từ thời Lý Trần do vua quan, hoặc quý tộc của triều đình xây dựng và hầu như các ngôi chùa này thuộc sở hữu tư nhân. Sang thời Lê sơ do chiến tranh, loạn lạc và do chính sách hạn chế đạo Phật của triều đình, mà phần lớn các ngôi chùa từ thời Lý Trần bị phá hủy và để hoang phế. Nhưng từ thời Mạc thế kỷ XVI, các ngôi chùa này được trùng tu và xây dựng lại bởi các thiện tín, trong đó cũng có vua, quan và hoàng thân nhà Mạc, song sở hữu ngôi chùa thì hoàn toàn thuộc về cộng đồng làng xã. Có nghĩa là chùa đã được chuyển giao sở hữu từ tầng lớp quý tộc thời Lý Trần sang sở hữu công cộng của làng xã vào thời Mạc thế kỷ XVI. Vì vậy tín ngưỡng Phật giáo từ thế kỷ XVI trở đi mang nhiều yếu tố dân gian, và hệ thống tượng thờ cũng ngày càng đa dạng hơn, pha trộn hơn. Trong đó điển hình là sự “đồng nguyên” Tam giáo mà các Phật điện thường có cả tượng thờ của Đạo, Nho và trái lại trong các điện thờ quán Đạo cũng có tượng Phật, như điện thờ của Sổ vốn là quán Hội Linh, hay chùa Mui vốn là quán Hưng Thánh (Hà Tây)... Tại chùa Phúc Giao thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hiện có 1 bia đá thời Mạc năm 1556, cho biết chùa này thế kỷ XVI có tòa Tiền đường 3 gian và 10 pho tượng thờ là: Thích Ca, Kim thân, Nam tào, Bắc đẩu, Thánh phụ, Thánh mẫu, Diệu âm, Diệu Nhan, Kim đồng, Ngọc nữ cùng hai pho Hộ pháp là tượng ở chùa Phật, số còn lại hoàn toàn là tượng thờ ở quán Đạo. Trong khi tượng chùa Sổ còn khá đầy đủ nhưng không rõ cách gọi tên, thì văn bia chùa Phúc Giao cho biết khá cụ thể tên gọi các pho tượng này. Hai nguồn tư liệu này bổ sung cho nhau để góp phần lý giải hệ thống điện thờ ở chùa Sổ nói riêng, các ngôi chùa quán thời Mạc nói chung, đồng thời góp phần khôi phục và tái tạo Phật điện, cũng như di tích chùa Phúc Giao (Thái Bình) nói riêng và một số ngôi chùa quán thời Mạc có xu hướng hòa đồng Phật Lão.
Từ khía cạnh loại hình văn bia, chúng ta có một số nhận xét thú vị về thời điểm xuất hiện và tiến trình của một số loại hình di tích nơi làng xã. Chẳng hạn, ngôi đình làng ở thế kỷ XVI đã xuất hiện khá nhiều, trong đó có một số đình được trùng tu vào những năm đầu của thế kỷ XVI. Điều đó chứng tỏ ngôi đình có thể đã có từ trước đó, nhưng không thể trước thế kỷ XV được. Cùng với ngôi đình là việc thờ Thành hoàng làng ở đình làng và lệ bầu Hậu thần ở đình cũng chỉ có thể bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII; đặc biệt là từ thế kỷ XVII, nhất là nửa sau thế kỷ XVII đến nửa đầu thế thế kỷ XVIII có thể xem là giai đoạn hưng thịnh nhất về đình làng của cư dân Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Phần lớn các ngôi đình làng giai đoạn này đều rất quy mô và có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc. Người tham gia xây dựng đình trước hết là dân làng, cùng các vị quan lại người địa phương. Quy môn kiến trúc ngôi đình cũng ngày một mở rộng từ ngôi đình vốn chỉ là một tòa nhà thành quần thể kiến trúc có hậu cung, bái đường, tiền tế...
Bên cạnh ngôi đình là một số loại hình kiến trúc khác như văn chỉ làng xã, nhà từ đường tộc họ... cũng mới xuất hiện phổ biến từ thế kỷ XVII trở đi, thời kỳ mà Nho học phổ biến và hưng thịnh nơi làng xã.
Tư liệu văn bia có nhiều giá trị to lớn như vừa trình bày. Song lẽ, không vì thế mà lạm dùng nó để suy diễn, ngộ nhận. Trường hợp ở thôn Thượng Mạo xã Phú Lương huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây mấy năm trước đây từng cho rằng có một bia cổ thờ nghĩa sĩ Hai Bà Trưng vong trận. Bởi ở đây có nhiều tư liệu về Hai Bà Trưng tương truyền rằng đây là quê gốc của Hai Bà. Bia này đã mờ hầu hết phía trên, duy chỉ đọc được một phần văn bản ở phía dưới bia với nhiều họ tên người. Thực chất đây là bia chùa thời Mạc, và họ tên người trên đó là họ tên người công đức tham gia xây dựng hoặc trùng tu chùa, chứ không hề liên quan gì đến thời kỳ Hai Bà Trưng. Sự thực là vào những năm đầu của thế kỷ XX, nhà nước phong kiến cho kiểm kê di tích và chủ trương chỉ cho tôn tạo các di tích liên quan đến anh hùng dân tộc. Vì thế mà vị Chánh tổng ở địa phương này đã cho sao chép tư liệu Hán Nôm tại đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh về phủ lên các di tích ở đây chỉ với mục đích là được duy trì các di tích này mà thôi, song việc này đã để lại đến nay quá nhiều phiền toái.
Một thực tế nữa là trong kho tàng văn bia đã có không ít trường hợp giả niên đại, do cố ý và không cố ý tạo ra. Sự không cố ý là chép lại văn bản theo truyền ngôn, như dựng bia Thần tích vào thời Nguyễn, nhưng vẫn ghi niên đại là Hồng Phúc nguyên niên (1572) thời Lê. Sự cố ý là muốn “cổ hóa” văn bản, tự ghép cho một niên đại sớm. Điều này còn gặp trên thác bản bia tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm do Học viện Viễn đông Bác cổ sưu tập trước đây. Cụ thể là bản dập của văn bia có niên đại Nguyễn được sao ghép cho niên hiệu nhà Lê - Mạc, vì người sưu tập khi đó muốn được thanh toán tiền thù lao với giá cao hơn, như các niên hiệu Tự Đức (1848-1883) thành Long Đức (1732-1735), Thiệu Trị (1841-1847) thành Hưng Trị (1588-1590), Thành Thái (1880-1907) thành Phúc Thái (1643-1649)(3)... Điều nguy hại là những tư liệu bị làm giả này lại được dùng làm tư liệu gốc để minh chứng cho nhận định khoa học. Chẳng hạn hai bia Bản đình ký kị bi ký (Ký hiệu thác bản: 2917-8) với niên đại trên bản dập là Quang Hưng 3 (1579) và Ký kị hậu bi ký (N.2921-2) với niên đại là Quang Hưng 5 (1581) ở đình Nguyên Khê (Cẩm Giàng, Hải Dương) vốn là hai bia thời Nguyễn, bởi cả phong cách trang trí và văn bản điển hình giai đoạn Nguyễn muộn của loại bia ký kị (gửi giỗ) mà trong văn bản còn có đơn vị hành chính “tỉnh”, mới được thiết lập từ thời Nguyễn. Hai văn bản này từng được dùng như cứ liệu gốc để xác nhận lệ bầu Hậu thần ở đình đã phổ biến từ thế kỷ XVI.
Về văn bản văn bia thời Lý Trần hoàn toàn còn nhiều điều phải suy nghĩ. Trong tập Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 2, thời Trần, đã có vài văn bản không phải là bia thời Trần. Tiêu biểu là văn bia Thanh hư động được dùng làm minh họa bìa sách, tuy có niên đại vào đời vua Trần Duệ Tông (1373-1377), song thực tế văn bia này đã được khắc lại hoàn toàn vào năm Hoằng Định 4 (1603) thời Lê, kể cả hoa văn trang trí lẫn nội dung văn bản. Hoa văn trang trí hình chữ triện và phong cách bia này không phải là đặc trưng bia thời Trần. Bia An Nậu tự Tam bảo điền bi (số 3) không phải là bia thời Trần bởi có chữ Nam không kiêng húy thời Trần và cũng không phải là bia thời Lê bởi có chữ Cửu không kiêng húy thời Lê. Thực tế, đây là bia thời Mạc thế kỷ XVI, với đề án trang trí dây leo tay mướp, khắc chìm rất điển hình. Cũng cần bàn thêm đôi chút về niên đại chuông Vân Bản hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Chuông này lần đầu tiên được giới thiệu là chuông thời Lý, hiện nay được giới thiệu là chuông thời Trần thế kỷ XVI. Người có công phát hiện dấu tích văn bản thời Trần trên chuông là cố Gs. Tạ Trọng Hiệp, nhà Việt Nam học tại Pháp, khi hợp tác với Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiến hành biên soạn tập sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam thời Lý, Trần (trong những năm 1994, 1995). Đó là chữ Bính viết thay chữ Nam vì kiêng húy thời Trần trên chuông Vân Bản. Ý tưởng này sau đó được sử dụng trong một số bài viết về chữ húy thời Trần và niên đại chuông Vân Bản thời Trần. Tuy nhiên, nay xem kỹ lại văn bản trên chuông, tôi thấy văn bản này đúng là văn bản thời Trần, nhưng lại là văn bản khắc lại, bởi còn nhiều chữ mờ chìm sau ngay các dòng chữ khắc lại. Mặt khác quai chuông có 2 đầu rồng nằm ngửa lên chứ không phải xuôi xuống như các đầu rồng của chuông khác, mà trên đó điểm xuyết những hình rồng run uốn khúc kiểu thời Lý và đầu thời Trần. Vì vậy có thể nghĩ rằng niên đại chuông này là vào thế kỷ XIII, chứ không là cuối thời Trần thế kỷ XIV.
Tóm lại, tư liệu văn bia có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu, bảo tồn và tái tạo di tích. Song cũng cần thận trọng khi sử dụng các tài liệu đó, đặc biệt là nhất thiết phải xác định cho rõ nguồn gốc, tính đích thực của các văn bản.
Chú thích:
(1)Xem Hoàng Lê, “Vài nét về tình hình sưu tầm và nghiên cứu văn bia Việt Nam”, Tạp chí Khảo cổ học, 2/1982, tr. 89-93.
(2)Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập I thời Lý, Viện Hán Nôm và Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Paris – Hà Nội 1998 và tập II thời Trần, ViệnHán Nôm & Trường Đại học Trung Chính (Đài Loan), Gia Nghĩa – Hà Nội, 2002
(3)Xem thêm Đinh Khắc Thuân “Đính chính niên đại giả tren thác bản văn bia tại kho bia Viện Hán Nôm”, Nghiên cứu Hán Nôm, 2/1985, tr.68-77.
Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.572-579

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=270&Catid=381




2.

Nơi đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ Thanh Hóa
Tư Phố, Đông Phố, Duy Tinh, Trấn thành Thanh Hóa ở Dương Xá, Hạc Thành là những nơi đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ Thanh Hóa xưa
1. Tư Phố

Chùa Vồm nằm dưới chân núi Bàn A (xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa).
Đây là trị sở sớm nhất và tương đối lâu của Thanh Hóa thời thuộc Hán cho đến đầu Tiền Tống (520 năm). Sách “Đô thị cổ Việt Nam” viết: “Quận trị Tư Phố thuộc cả vùng Dương Xá; trên sườn phía Tây núi Vồm hiện còn địa danh mang tên “Tây Trấn Thành”; dưới chân núi có địa điểm xưa gọi là “Trạm Trung Đồ”. Tại khu vực núi Vồm, Dương Xá, nhân dân thu lượm được rất nhiều hiện vật vũ khí bằng đồng, nhiều gốm Hán, tiền ngũ thù...”. “Mật độ mộ táng thời Hán dày đặc trong các di chỉ Đông Sơn, Thiệu Dương, đặc biệt có nhiều ngôi mộ thời Tây Hán cho phép giả định rằng trung tâm Cửu Chân vào buổi đương thời không kém gì Giao Chỉ” (Phạm Văn Kính). Vùng Dương Xá xưa là một vùng nằm trên bờ sông Mã, sông Chu, nơi hợp lưu của hai con sông lớn nhất xứ Thanh này có tên là Ngã Ba Đầu thuộc huyện Thiệu Hóa, tên xưa là Kẻ Giàng (cũng gọi Kẻ Ràng) và Kẻ Vồm. Tư Phố xưa nằm trên phần đất Kẻ Vồm, có núi Vồm và nhiều cảnh đẹp quanh vùng có tên là “Bàn A thập cảnh” (mười cảnh đẹp quanh vùng núi Bàn A). Tư liệu lịch sử gọi đây là Doanh Xá (hay Dinh Xá) nay thuộc xã Thiệu Khánh, bên cạnh Dương Xá (nay là xã Thiệu Dương) đều thuộc TP Thanh Hóa.
2. Đông Phố

Bia Trường Xuân, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.
Quận trị Cửu Chân từ Tư Phố dời về Đông Phố đời Tiền Tống (420-479). Sách “TP Thanh Hóa” viết: “Quận trị Cửu Chân từ đời Tùy đã dời Tư Phố về Đông Phố (tức làng Đồng Pho, xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn). Và suốt trong thời kỳ đô hộ của nhà Đường thì Đông Phố vẫn là quận trị của Cửu Chân”. Thật ra Đông Phố vào thời Tùy là một vùng rộng bao gồm các xã ngày nay là Đông Hòa, Đông Xuân, Đông Ninh... thuộc huyện Đông Sơn. Lê Ngọc (tức Lê Cốc) là Thái thú quận Cửu Chân. Khi nhà Đường diệt nhà Tùy, ông không theo nhà Đường mà tự xưng là Hoàng đế, cùng các con trai gái của mình, cho xây dựng kinh đô Trường Xuân (nay thuộc xã Đông Ninh) để chống nhà Đường. Lê Ngọc cùng các con (3 trai 1 gái) đã hy sinh và được nhân dân vùng Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống thờ làm Thành Hoàng gọi chung là Đức Thánh Ngũ Vị mà nổi bật nhất là Thánh Lưỡng Tham xung tá quốc. Ngày nay ở làng Đồng Pho, Trường Xuân (thuộc xã Đông Hòa và xã Đông Ninh) còn lại một số dấu vết về Đông Phố như “vết tích những đường phố thẳng và các giếng đá là một khu của thành” (Lịch sử Thanh Hóa tập II). Tấm bia “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo an đạo trường chi bi văn” (lập năm 618) cùng các truyền thuyết dân gian là hồi quang của quận trị Đông Phố. Dương Đình Nghệ dấy quân từ Ấp Giàng (Dương Xá), song Ngô Quyền làm trấn thủ Ái Châu đóng trị sở ở Đông Phố và “địa điểm xuất quân của Ngô Quyền ra Bắc dẹp thù trong, giặc ngoài cũng có nhiều khả năng từ trị sở Đông Phố”. Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước và Lê Hoàn làm vua cho đến khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, quận trị Châu Ái vẫn là Đông Phố.
3. Duy Tinh

Bia thời Lý tại chùa Sùng Ngiêm Diên Thánh (xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc).
Lộ phủ Thanh Hóa từ thời Lý chuyển về làng Duy Tinh, nay là xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc. Sách “Lịch sử Thanh Hóa” (Tập II) chép: “Nằm cạnh con sông Lạch Trường, Duy Tinh là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời và từng là lỵ sở của vùng Dư Phát từ thời Bắc thuộc. Thời Đinh, Tiền Lê, Duy Tinh đã là một trung tâm sản xuất và thương mại lớn của Châu Ái bao gồm các xã Văn Lộc, Mỹ Lộc, Thuần Lộc huyện Hậu Lộc ngày nay. Là một vùng dân cư đông đúc, đồng ruộng màu mỡ, Duy Tinh còn có tên gọi khác: Thiện La, Hà Liên, Yên Thường... Phía Tây Duy Tinh có sông Ấu, ngược theo dòng Trà Giang đến Đại Lí – Ba Bông – Đồng Cổ, hoặc theo đường bộ lên Tư Phố đều thuận tiện”. Chưa rõ trấn lỵ Thanh Hóa rời khỏi Duy Tinh từ thời nào. Chỉ biết một số trường hợp cử quan đầu tỉnh “coi giữ” đất Thanh đời Lý được sử sách ghi lại chắc là đóng ở Duy Tinh... Trấn lỵ Duy Tinh được mở ra trong thời kỳ Phật giáo thịnh hành trở thành quốc giáo. Các quan đầu tỉnh như Lý Thường Kiệt, Chu Công đã chú trọng xây dựng chùa chiền trong cõi, nổi tiếng như chùa Linh Xứng trên núi Ngưỡng Sơn ở làng Ngọ Xá (huyện Hà Trung) và chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở làng Duy Tinh cạnh trấn lỵ Thanh Hóa.
4. Trấn thành Thanh Hóa ở Dương Xá

Đền thờ Dương Đình Nghệ ở Dương Xá (xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa).
“Đại Nam nhất thống chí” chép: “Trấn thành cũ ở bãi sông Dương Xá, huyện Đông Sơn; từ nhà Lê đến Tây Sơn, trấn thành ở đây, bản triều (tức triều Nguyễn) dời đến địa phận xã Thọ Hạc mà bỏ thành này”. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi: “... Trấn sở ở Dương Xá, Hiến Ti ở Doanh Xá”. Như vậy, từ khi Lê Thái tổ lên ngôi, trấn thành Thanh Hóa dời về vùng Dương Xá (làng Giàng hay Ràng), xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, nay thuộc TP Thanh Hóa. Thật ra, vùng Dương Xá xưa bao gồm cả hai xã Thiệu Dương và Thiệu Khánh hiện nay. Trấn sở (tức Thừa ti) đóng ở Dương Xá (Kẻ Giàng) và Hiến ti đóng ở Doanh Xá (tức Kẻ Vồm – Thiệu Khánh). Doanh Xá (hay Dinh Xá) và Dương Xá xưa đều thuộc làng Giàng với các tên như làng Giàng trên (tức Doanh Xá), làng Giàng dưới (tức Dương Xá); hoặc còn gọi Giàng Nội và Giàng Ngoại, chia làng Giàng cổ thành làng Giàng phía trong đê (nội) và làng Giàng phía ngoài đê (ngoại) tức bãi sông Dương Xá. “Trấn thành cũ đóng trên bãi sông Dương Xá” tức làng Giàng ngoại. Trấn ti (cũng là Thừa ti) có thành lũy, còn Hiến ti đóng ở chân núi Vồm, vòng ngoài của thành lũy Trấn ti nên không có thành, chỉ có dinh thự, ngày nay đã mất dấu vết.
5. Hạc Thành

Thành Thanh Hóa, xây dựng năm 1804.
Tên Hạc Thành (thành chim Hạc) vốn từ tên địa danh của các làng cổ nơi đây có tên là Thọ Hạc, Hạc Oa. Thuộc về đất Hạc Thành từ khi Dương Xá chuyển về là các thôn: Thọ Hạc, Phú Cốc, Mật Sơn và chia thành 2 giáp là Giáp Đông Phố (có 10 ấp) và Giáp Nam Phố (có 7 ấp). Sau khi dời tỉnh lỵ về Thọ Hạc, năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình Nguyễn đã huy động nhân lực trong tỉnh gấp rút xây dựng một tòa thành mới. Hạc Thành được xây dựng theo kiểu Vô-băng (Vauban) là kiểu thành quân sự của Pháp... Trong thành có 3 dinh là Tổng đốc, Bố chánh, Án sát. Chức Tổng đốc đứng đầu tỉnh tương đương với hàm Thượng thư trong triều nên gọi là Cụ Thượng. Là vùng đất tổ của các chúa và vua nhà Nguyễn nên Tổng đốc Thanh Hóa phải là người thuộc dòng họ tôn thất, phải là trọng thần của triều đình được vua Nguyễn tin cẩn giao cho cai trị chung cả tỉnh. Dinh Bố chánh thì coi việc hộ (như dân binh, điền thổ, sưu thuế). Dinh Án sát thì coi việc hình (xét xử các vụ kiện cáo). Ngoài ra còn có Dinh Đốc học để coi việc học, Dinh Lãnh binh (hay đề đốc) để coi việc binh. Trong thành còn có Hành Cung là nơi dành riêng đến đón rước vua Nguyễn khi vua về thăm quê tổ hoặc đi tuần du.
Theo baothanhhoa.vn
http://stttt.thanhhoa.gov.vn/NewsDetail.aspx?Id=5381




1. Bài năm 2009 trên báo Người Đại biểu Nhân dân



Chèo thờ làng Mưng

27/07/2009
Ở Làng Mưng có một loại chèo chỉ để hát thờ vào ngày kỵ thánh trước sân đền Mưng. Xưa kia, hội chèo thờ làng Mưng cứ 3 năm mới được diễn ra một khóa, có 18 làng tham gia. Ngày nay, người dân phá lệ nên hàng năm vào ngày kỵ thánh đều có hội chèo thờ, nhưng chỉ còn 8 làng của 2 xã là Trung Thành và Trung Chính tham gia.
05-cheo-tho-20809-300.jpg
Chèo... để tri ân đức thánh
Đức thánh lưỡng ngũ vị là năm cha con Lê Ngọc, tên thật là Lê Cốc, thuộc dòng họ Lê có gốc gác từ đời Tấn Vĩnh Gia (Trung Quốc) sang làm thái thú quận Cửu Chân dưới thời nhà Tùy. Lê Ngọc lấy vợ người Đô Lương, tức Hoan Châu (Nghệ An), sinh được bốn người con, ba trai một gái và xưng là Mục Phong Hầu. Năm 618, nhà Đường nổi dậy lật đổ nhà Tùy, nhưng Lê Ngọc không chịu khuất phục và đã cùng các con dấy binh, đắp thành để chống lại nhà Đường. Cuối cùng cha con Lê Ngọc bị tiêu diệt, nhân dân ở đây lập đền thờ...
Lễ hội kỵ thánh lớn hơn, nhiều làng tham gia và phong phú hơn là lễ hội đền Mưng thờ thánh hiệu là Tham Xung Tá Quốc. Ông là con thứ tư của Lê Ngọc, một người tài năng, chiến đấu dũng cảm, cuối cùng hy sinh tại bến bến Đá, sông làng Mưng.
05-cheo-tho-20809-180.jpg
Làng Mưng tên chữ là Côn Sơn (còn gọi là Côn Minh) nằm ở hữu ngạn sông Lãng Giang (xã Trung Thành, Nông Cống, Thanh Hóa). Ở đây, đền Mưng được coi là trung tâm của hệ thống tín ngưỡng đức thánh lưỡng ngũ vị.
Chính kỵ là ba ngày (từ mùng 5 đến mùng 8.3 âm lịch), nhưng lễ hội đền Mưng đã được chuẩn bị và bắt đầu từ tháng Giêng. Đó là những cuộc hát ghẹo được diễn ra ở hai bờ sông, kéo dài hết đêm này sang đêm khác, đặc biệt trong dịp này có hình thức bơi đua là sôi nổi nhất. Kết thúc cuộc thi bơi, nhân dân trong tất cả các làng lại tất bật chuẩn bị cho ngày kỵ: tập hát, tập chèo thuyền, may sắm quần áo, chuẩn bị thóc gạo, thực phẩm, sửa sang các loại thuyền, quét dọn đường làng, ngõ xóm, đền, đình...
“Trên đền trò hát, dưới sông chèo thuyền” là câu nói về những trò diễn chính tiêu biểu của lễ hội đền Mưng. Các hình thức chèo thuyền trong lễ hội, nhân dân ở đây gọi là hát chèo thờ. Có hai loại là hát chèo cạn (diễn ra tại sân đền Mưng) v�hát chèo dưới nước (diễn ra trên sông Lãng Giang), mỗi loại đều có cách trình diễn, lời ca, tiết tấu và giai điệu khác nhau.
Sáng mùng 5.3 âm lịch, sau cuộc đại tế, hát chèo cạn bắt đầu tại sân đền Mưng. Dân làng lúc này sẽ đặt một thuyền rồng khung bằng tre đan chính giữa sân, bọc vải đỏ, không có đáy, lấy hướng chính tẩm làm hướng cho đầu thuyền. Sẽ có 12 người phụ nữ mặc áo mớ ba, vấn khăn đỏ, tóc bỏ đuôi gà, yếm đào, váy lĩnh, thắt lưng xanh đứng vào lòng thuyền thành hai hàng dọc theo mạn thuyền, mỗi người cầm một mái chèo, miệng hát tay chèo theo nhịp trống: ... Hàng năm cứ đến tháng ba / Vui chung tế kỵ, dân ta chèo thuyền.
Hát chèo thuyền dưới nước
Trong khi đó, dưới bến Đá (sau đền Mưng), năm chiếc thuyền rồng lớn, trang trí nhiều màu sắc rực rỡ, lòng thuyền làm thành nhà có mái che, hai bên mạn thuyền mỗi bên có sáu cửa hoa, mỗi cửa hoa đặt một mái chèo sơn son, phía trong là ghế ngồi của quân bơi... đã đậu sẵn ở bến Đá, tất cả mũi thuyền đều quay về xuôi. Số lượng quân bơi ở mỗi thuyền là 12 cô gái thanh tân, ăn mặc hệt như 12 con hát đang chèo cạn trên sân đình. Chờ đợi đón thánh trẻ Tham Xung Tá Quốc rước về đền vua Bà (làng Bẩy, xã Tế Tân) thăm chị gái là Trịnh Liệt Tam Giang thần mẫu. Từ bến Đá xuôi theo dòng Lãng Giang đến ngã ba Tam Giang để lên đền vua bà dài 7 km. Đi trước là hai thuyền khai lộ (mở đường), tiếp sau là một thuyền cụ soạn (thuyền hương án), tiếp đến là một thuyền chính ngự (thánh ngự) và sau cùng là một thuyền chở các thứ lặt vặt nhằm phục vụ “nhu yếu phẩm” cho bốn thuyền đi trước.
Khi nghe hiệu lệnh phát ra từ trên án thờ, các quân bơi bước xuống thuyền, treo nón lên vách, ngồi vào ghế, tay cầm mái chèo son.
Theo nhịp trống, nhịp sênh, quân bơi tay chèo, miệng hát khoan thai nhịp nhàng. Hát rằng: Cầu Quan vui lắm ai ơi/Trên thì họp chợ dưới bơi thuyền rồng. Đôi khi là hát đối đáp giữa quân bơi dưới thuyền với người trên bờ sông: Thuyền rồng đã đến vực Si/ Con gái làng Vặng làm chi ở nhà?/ Gái làng Vặng đang xáo cỏ cà/ Nghe tiếng thuyền trẩy em ra mừng thuyền.
Những bài hát chèo dưới nước thường rất dài. Các nghệ nhân trình diễn suốt từ lúc xuất phát (từ bến Đá) cho đến đền vua Bà và ngược trở lại.
Di sản cần được bảo tồn
Chèo thờ làng Mưng có bốn tấn (vở chèo) khá nổi tiếng: Tống Trân Cúc Hoa, Thục Vân, Tuấn Khanh, Lưu Quân Bình. Nghệ nhân Lê Huy Dược (86 tuổi) cho biết: “Vở diễn như là kể chuyện bằng hành động, không chia màn cắt cảnh. Nhân vật chỉ cần nói một câu hoặc đi một vòng sân khấu là không gian đã chuyển từ nơi này sang nơi khác. Cũng như vậy, người học trò chỉ học vài phút trên sân khấu, qua một câu nói của ông thầy là đã qua ba năm học ở trường”.
Cụ Lê Thị Trản (94 tuổi), một trong những số ít nghệ nhân hát chèo cổ làng Mưng cho biết: “So với chèo nơi khác đệm bằng i để luyến láy cho óng mượt câu hát thì chèo làng Mưng lại dùng a ở mỗi đoạn, mỗi câu. Văn trong kịch sử dụng các thể thơ 6/8, thơ 8 chữ cùng những đoạn văn xuôi đối thoại, nhưng phần lớn là sử dụng thể thơ 4 chữ. Thứ nữa là, chèo làng Mưng mặc dù có sử dụng một số làn điệu chèo đồng bằng Bắc Bộ như nói lối, nói sử, hát cách, nhưng chủ yếu dùng các làn điệu mang sắc thái, âm điệu của dân ca Thanh Hóa như Vãn lên đường, Vãn tuyết sương, Vãn khổng, Hát chú tiếu, Hát than, Đào lý một cành, Đò đưa, Nói nhịp một, Hát lão say...”
Ông Chủ tịch xã Trung Thành nói: “Tất cả chúng tôi vẫn đang tích cực tìm tòi, sưu tầm những văn bản về chèo cổ, sau đó hệ thống lại một cách bài bản, kết hợp với các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để không bị mai một đi một loại hình văn hóa có giá trị của địa phương”.
Huy Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.