Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/07/2019

Từ Đạo Hạnh chùa Thầy cũng là ngôi Đế Thích (bài Bách Việt trùng cửu)

Một giả thiết của Bách Việt trùng cửu, nhưng theo tôi là đi đúng hướng. Bản thân tôi cũng đang giải mã nhóm vấn đề Đế Thích. Ví dụ, trong quan hệ Đế Thích và Liễu Hạnh công chúa, thì có thể xem bài học thuật ở đây. Sau này, sẽ cập nhật bài chi tiết hơn nữa.

Dưới là bài của BVTC, chép nguyên về đây.






Sách Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính kể về sự tích thánh Từ Đạo Hạnh như sau:
Từ Lộ tự Đạo Hạnh, người làng An Lãng huyện Vĩnh Thuận, làm thầy cúng ở chùa Tiên Phúc núi Phật Tích. Khi xưa thân phụ Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh làm Tăng quan đô sát triều nhà Lý, thường vào chơi làng An Lãng, mới làm nhà ở đấy, lấy con gái họ Lăng, sinh ra Đạo Hạnh.
Đạo Hạnh lúc còn bé hay chơi vời, nhưng vẫn có chí, cùng với Phú Sĩ, Phan Ất, Lê Hoàn kết bạn, đêm thì cố công đọc sách, ngày thì đàn sáo đánh bạc làm vui…
Không bao lâu sau cha là Từ Vinh dùng tà thuật phản ông Diên thành hầu. Diên thành hầu nhờ thầy phù thủy là Đại Điên dùng phép đánh chết, quẳng xuống sông Tô Lịch…
Đạo Hạnh nghĩ lấy làm tức giận lắm muốn sang nước Ấn Độ học phép, nhưng đi qua núi Kim Sỉ, hiểm trở lắm mới trở về. Đạo Hạnh mới vào trong hang núi Phật Tích, kết thành hội Bạch Liên để học phép Ngũ giáo. Ngày nào cũng tụng kinh “Đại bi tâm” và niệm câu thần chú “Bà la ni”, cứ tung 18 vạn lần mới thôi.
Một hôm thấy thần báo mộng rằng:
– Đệ tử tức là Tứ trấn thiên vương đây, cảm công đức của thầy tụng kinh cho nên lại hầu, tùy thầy muốn sai khiến gì tôi xin vâng lệnh. Đạo Hạnh biết là đạo pháp của mình đã thành rồi…
Từ Đạo Hạnh sang phương Tây tìm đạo, nhưng mới đi được đến núi Kim Sỉ đã quay về. Vậy đạo pháp mà Từ Đạo Hạnh thành được là đạo pháp gì? Rõ ràng không phải là Phật pháp chính tông. Nhiều nhận định hiện nay cho rằng Từ Đạo Hạnh đã sang vùng Tam giác vàng ở giáp Vân Nam – Miến Điến và học theo Mật tông. Kinh Đà la ni mà ông trì tụng cũng là bộ kinh điển hình của Mật tông, như từng được khắc trên các cột kinh tìm thấy ở Hoa Lư (Ninh Bình) trong thời nhà Đinh.
IMG_7594
Cột kinh tràng Phật đỉnh tôn thắng Đà la ni tìm thấy ở Hoa Lư.

Khá đặc biệt là việc sau khi tụng 18 vạn lần kinh Đà la ni thì thấy xuất hiện Tứ trấn thiên vương, nhận theo sai khiến của Từ Đạo Hạnh. Tứ trấn thiên vương hay Tứ đại thiên vương là 4 vị thần của Bà La Môn, theo phục Đế Thích. Chi tiết này cho thấy, thực chất Từ Đạo Hạnh đã tu theo Bà La Môn hay Hindu giáo. Bản thân “mật tông” cũng là giáo phái chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Bà La Môn.
Theo Thiền uyển tập anh thì Từ Đạo Hạnh đã tìm đến chùa Pháp Vân thỉnh giáo thiền sư Sùng Phạm và ngộ thêm đạo. Từ đó pháp lực mạnh thêm, duyên thiền càng chín, pháp thuật của sư đã có thể khiến cho rắn rết, muông thú chầu phục. Các phép lạ như đốt ngón tay cầu mưa, phun nước phép chữa bệnh, không việc gì không ứng nghiệm.Ghi chép này cho thấy Từ Đạo Hạnh có khả năng “cầu mưa”. Cần biết là Tứ đại thiên vương cũng là Tứ pháp Vân Vũ Lôi Điện ở vùng Luy Lâu. Sự việc Từ Đạo Hạnh biết phép cầu mưa chứng tỏ thêm mối liên quan giữa đạo pháp của ông với Hindu giáo như trong chuyện Khâu Đà La làm phép cầu mưa ở Luy Lâu trước đây.
Theo Việt điện u linh, khi Từ Đạo Hạnh chuẩn bị viên tịch có nói với các đệ tử:
Ta chưa hết nhân duyên với đời, lại phải thác sinh làm vua ở nhân gian, khi nào chết lại về làm chủ “Tam thập tam thiên”.Sau đó ngài đã đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Chính từ sự thác sinh đầu thai này mà Từ Đạo Hạnh được tôn là một trong các vị thánh bất tử của trời Nam.
Đặc biệt nhất trong đoạn trên Từ Đạo Hạnh cho biết mình sẽ lại về “làm chủ Tam thập tam thiên“. Vị thần chủ của “Tam thập tam thiên”, cõi trời 33, là Vua trời Đế Thích trong đạo Bà La Môn. Từ Đạo Hạnh như vậy chính là hóa thân của Đế Thích.
Khả năng “bất tử” của Đế Thích cũng từng được biết trong câu chuyện “Hồn Trương Ba, xương da hàng thịt” khi mà Đế Thích đã triệu Tam phủ hoàn hồn cho kỳ thủ Trương Ba. Còn ở chùa Thầy, bên cạnh đó cũng có đền Tam phủ thờ ba vị vua Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ. Từ Đạo Hạnh là hóa thân của Đế Thích nên được xếp vào bậc thần bất tử là hoàn toàn hợp lý.
IMG_2497Cầu Nhật Tiên bắc sang đền Tam phủ ở cạnh chùa Thầy.
Hai bên chùa Thầy còn có 2 cây cầu gọi là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên. Đây là hình tượng khá giống với các nơi thờ Đế Thích, có 2 vị thần là Nhật Thiên và Nguyệt Thiên theo cùng, như ở đền Đế Thích tại Cầu Váu (Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên) hay đền Xá (Ân Thi, Hưng Yên).
Đoạn cuối truyện Từ Đạo Hạnh trong Nam Hải dị nhân kể:
Khi xưa Từ Đạo Hạnh mới vào chùa Thiên Phúc, thấy có một vết chân người ở trong hang đá. Đạo Hạnh lấy bàn chân in vào thì vừa bằng nhau, tục truyền hang ấy tức là chỗ Đạo Hạnh lột xác… Thây Đạo Hạnh đến mãi lúc nhà Minh sang cướp quân sĩ đốt mất, về sau dân đấy lại tô tượng để thờ như xưa.
IMG_3754
Phiến đá trấn trạch tại chùa Thầy.

Dấu chân đá và nhục thân không tan cũng là những đặc điểm của “Mật tông” cũng như Hindu giáo. Nay trong chùa Thầy vẫn còn thờ một phiến đá tương truyền là của Từ Đạo Hạnh dùng để trấn trạch không cho nước dâng cuốn gỗ ở chùa hay không cho kẻ trộm dòm ngó đồ của chùa.
Trong chùa còn có một khám thờ lớn có tượng bên trong. Nguyên trước đây là thân người thật của Thánh, nhưng khi quân Minh sang xâm lược đã đốt mất, dân dùng mây tre, bện lại mà thành, đặt trong 1 khám thờ cầu kỳ to như cả gian nhà, có dây cơ có thể đứng lên ngồi xuống, sau đó Tổng Đốc Sơn Tây Cao Xuân Dục cho cắt dây rối đi để tỏ lòng kính trọng nhà Thánh.
Câu đối ở chùa Thầy:
弌杖顯神機卓錫圓成柴石峝再生承帝統鴻圖葉繫李蓮花
Nhất trượng hiển thần cơ, trác tích viên thành Sài thạch động
Tái sinh thừa đế thống, hồng đồ diệp hệ Lý liên hoa.
Dịch:
Tỏ cơ thần một gậy, tích lớn đủ thành động đá Sài
Nối dòng đế tái sinh, đất mênh cành tiếp hoa sen Lý.
IMG_3763.JPG
Khám thờ ở chùa Thầy, bên trong có tượng xá lợi Từ Đạo Hạnh. 

Việt điện u linh còn kể về lần đầu thai khác của thần dưới thời Lê, cũng là vua:
Trong thời Quang Thuận đời vua Lê Thánh Tông, Trường Lạc hoàng hậu sai Thái úy Trinh quốc công lên động chùa Thiên Phúc cầu tự. Khi làm lễ có một phiến đá ở ngoài động bay vào. Trinh quốc công mang về trình hoàng hậu. Ít bữa sau hoàng hậu mộng thấy rồng vàng vào bên sườn, rồi có mang, sinh ra vua Lê Hiến Tông. Nhân thế mới dựng am Hiển thụy ở chùa Thiên Phúc, có khắc bia để ghi.
Trong chuyện về Từ Đạo Hạnh còn có một số chi tiết về thời gian khá lạ. Từ Đạo Hạnh được biết sống vào thời Lý Nhân Tông. Tuy nhiên, như trích dẫn trên của Nam Hải dị nhân, ông lúc nhỏ lại chơi với Lê Hoàn. Các sách khác chép là đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa. Có thể Toàn Nghĩa chỉ là từ phiên thiết của cái tên Hoàn.
Từ Đạo Hạnh từng đến học sư Sùng Phạm của chùa Pháp Vân. Thiền uyển tập anh cho biết về vị sư này:
Sư vân du khắp nơi trong nước Thiên Trúc rộng cầu hiểu biết. Chín năm sau sư trở về, gồm thông cả Giới và Định. Rồi sư đến chùa Pháp Vân giảng pháp. Học trò các nơi đến theo học rất đông. Vua Lê Đại Hành mấy lần thỉnh sư về kinh để hỏi han chuyền chỉ. Vua rất vừa ý, tiếp đãi long trọng.
Sư Sùng Phạm cùng thời với Từ Đạo Hạnh nhưng lại từng mấy lần được vua Lê Đại Hành mời vào kinh. Sau đó sư viên tịch dưới thời Lý Nhân Tông. Với các thông tin trên có thể thấy Lê Đại Hành chỉ có thể là triều đại ngay trước Lý Nhân Tông. Nói cách khác Lê Đại Hành chính là Lý Thái Tông. Chú ý là Lý Thái Tông cũng có hiệu là Đại Hành hoàng đế.
Từ câu chuyện của Từ Đạo Hạnh rút ra 2 kết luận quan trọng:
– Từ Đạo Hạnh tu theo Hindu giáo, là hóa thân của Vua trời Đế Thích.
– Triều đại của Lý Thái Tông cũng từng được gọi là Lê Đại Hành.
https://bahviet18.com/2019/07/13/thanh-bat-tu-tu-dao-hanh/
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.